sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ở Phnôm Pênh

Hà Nội - Phnôm Pênh không xa. Ăn sáng Hà Nội thì buổi trưa đã có thể đi dạo Chợ Mới gọn ghẽ, sạch sẽ, náo nhiệt của Phnôm Pênh. Và khi qua các khu hàng hoa quả, hàng cá, hàng bách hóa Chợ Mới thì vừa độ máy thu thanh “tờ-răng-di-to” của các bà hàng người Việt đương mở nghe tin mười một giờ rưỡi của Đài tiếng nói Việt Nam.

Quả là chỉ có những ngăn cách giả tạo của tình thế còn làm xa cách đường sá Phnôm Pênh và Hà Nội, hai Thủ đô láng giềng mà thôi.

Sân bay Gia Lâm như một vườn hoa nhỏ.

Nhưng xung quanh Gia Lâm, những cánh đồng vụ mười lúa đầy màu xanh già đương muốn tràn cả vào đường bay. Và cuốn tròn lấy cái sân bay nhỏ bé, là những con đường thiên lý Hải Phòng, đường đê từ cống Xuân Quan xuống, các đường ngoại thành, đường liên tỉnh Hưng Yên, Hà Bắc, Hải Dương. Từng đoàn ô tô vận tải kềnh càng tỏa đi khắp một vùng châu thổ sông Hồng đương xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tiếng rền rền không dứt cùng với bụi đỏ tung mù cánh đồng từ sáng sớm.

Rồi những khoảng ruộng xanh rờn cất cao lên, mờ tít xa.

Miền Bắc đã bọc trong mây mù dày đặc như trông thấy cả một ngày thu muộn trên đỉnh núi. Nhưng từ Thượng Lào xuống thì mây sáng lên hòa nắng trắng bông trên nền rừng biếc.

Rồi sông Mê Kông đỏ thuộm, uốn cong một vành cung. Thành phố Viêng Chăn bé bỏng như cái dải áo nép cạnh bờ. Trông rõ từng mái nhà sắt tây ở các xóm lao động chi chít ánh lên từng mảnh sáng.

Trên trời Lào, đôi chốc, lốm đốm máy bay quân sự như những con châu chấu trắng lừ đừ bay trên nền rừng im lặng.

Chúng tôi ghé xuống sân bay Vát-tay lên Thủ đô Viêng Chăn nước Lào. Nếu Gia Lâm chỉ là cái bến bay nhỏ bé bình thường thì Vát-tay là một cái quái thai, không bình thường. Cũng dễ hiểu, sân bay Vát-tay do người Mỹ vừa làm, mới tinh. Những bãi lầy và cỏ nước còn rối rít quanh cả chân tường.

Cách Viêng Chăn mười cây số, Vát-tay nằm giữa đồng nước và rừng thưa - nước Lào của rừng núi. Ngay cuối phố xá Viêng Chăn đã là ra đến cửa rừng. Buổi trưa ấy vắng, có một lính thợ người Mỹ cao và gầy chui từ trong bụng chiếc máy bay nào đó ra, tay áo xắn quá khuỷu, lem luốc dầu mỡ, chiếc mũ lưỡi trai mi-ca lật ngược xuống cái gáy cũng đỏ hắt như cổ gà chọi, anh ta hồng hộc phóng xe mô tô băng qua cái sân xi măng lặng ngắt không một bóng hành khách.

Cái sân bay Vát-tay dân sự và quân sự này có thể điển hình cho cuộc chiến tranh miễn cưỡng của đế quốc Mỹ vận tải đến nước Lào hiền hậu mà kề ngay cửa ngõ Viêng Chăn đã chỉ toàn một màu xanh rừng.

Sự cần thiết nhất ở đây là những công cuộc vỡ đất khai hoang đem sức người mà đẩy lui bớt cái mầu xanh rừng hoang dại kia đi và một cuộc đời Lào lành mạnh. Thế nhưng, giữa chốn triền miên những rừng, những núi sâu và khuất trong lục địa châu Á này bỗng dưng lại rơi đến một cái sân bay hiện đại ầm ĩ mà không có hành khách, mà không một người Lào nào cần đến cái ầm ĩ vô lý ấy. Thế nhưng, dưới đất thì máy bay quân sự đỗ hàng loạt, trên trời thì vè vè như bọ dừa bay. Những chiếc khu trục bay đôi, liệng thấp, liệng cao.

Hai chiếc T.28 của không quân Mỹ mới “cho” quân Phu-mi Nô-xà-vẳn đương diễu võ dương oai trên trời Viêng Chăn[1]. Trong bốn mươi phút trưa 24 tháng 10, ghé qua sân bay Vát-tay, tôi đã trông thấy từng đoàn Đa-kô-ta Mỹ cửa hổng, một lỗ tròn, cắn đuôi nhau bay đi, và chỉ có thể bay đi tiếp tế cho các đồn xa. Chắc chắn rằng công việc phi pháp mà náo động và tốn của ấy của người Mỹ chỉ đổ lửa vào phá hoại con đường độc lập, hòa bình và trung lập của nhân dân Lào và càng không mảy may dính líu đến một đám công nhân khuân vác người Lào đương ngồi dưới chân một bức tường hút thuốc lá và ngó ra xem máy bay một cách vô cùng thản nhiên.

Hai tháng trước, nhà báo Pháp, Gioóc Sap-pha[2] đã đi đường Hà Nội tới Phnôm Pênh qua Vát-tay. Anh ta có nhận xét: “Sân bay Gia Lâm nhỏ bé, cỏ mọc đầy, nước đọng từng vũng, chiếc máy bay Ủy ban quốc tế đứng trong mưa. Còn sân bay Viêng Chăn của Lào thì hiện đại.”

Hôm nay, tôi cũng đi trên đường mà Gioóc Sap-pha vừa đi.

Đúng, tôi cũng thấy cái sân bay Gia Lâm của ta nhỏ bé, trước và nay vẫn thế, nhỏ bé và khuất nẻo. Bởi vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chưa muốn có một Gia Lâm lớn hơn. Chúng ta không tốn phí không cần thiết, một ngày nào cần đến, Hà Nội sẽ có sân bay rất Hà Nội.

Chỉ tiếc người phóng viên tư sản kia nhìn mà không hiểu được Gia Lâm và cuộc sống cuồn cuộn quanh cái sân bay Gia Lâm bình thường. Nếu anh ta đã thấy được như thế, thì chắc không dễ dàng đem so sánh cái sân bay Gia Lâm nho nhỏ và khiêm tốn của Việt Nam giữa cánh đồng tháng Tám xanh mướt chân trời, chi chít nước làng xóm và đường sá đương tấp nập làm ăn, xây dựng, với cái xa hoa và độc ác lạc lõng của sân bay Vát-tay của Mỹ ở nước Lào trong những cánh rừng thưa và lầy lội mà tôi để mắt kỹ lắm, thỉnh thoảng mới thấy quanh đấy có một chiếc lều canh nương đã đổ nát. Người dân Lào chỉ cầu mong một đời sống bình yên và tự chủ đã kinh tởm cái văn minh giết người của đế quốc Mỹ, và bỏ đi từ năm trước rồi. Người dân Lào đã cương quyết đi chiến đấu cho hạnh phúc, cho một nước Lào thật sự độc lập, hòa bình và trung lập.

Cũng một cảnh ấy, nhưng Gioóc Sap-pha đã chỉ thấy cái bề ngoài, nghĩa là chẳng thấy gì.

Rồi lại sông Mê Kông uốn khúc, tỏa đi từng dòng lớn. Từ trên cao, đã có thể nhìn rõ được nước Mê Kông thì sáng trong, nước Tôn-lê Sáp thì xanh biếc màu lá. Và thế là một thành phố thứ hai trên ngã tư Mê Kông đã hiện ra: Phnôm Pênh.

Mấy năm nay, có nhiều khách đến Phnôm Pênh. Quả nhiên là Phnôm Pênh đã trở nên một cái gì, mà nếu không biết thì cứ áy náy. Đúng như thế, có thể họ vì nhiều cớ, trong đó cũng muốn tò mò xem Cam-pu-chia trung lập đang tích cực bảo vệ độc lập và chủ quyền mình. Nhưng cũng thật là buồn cuời (và đáng thương hại nữa), họ đến đây, cũng như nhiều người khách khác đã đến “xem” những nước xã hội chủ nghĩa trước khi đến, họ đã đặt tên sẵn nào là vào “sau màn sắt”, “sau màn tre” gì đó. Cho nên, cứ mỗi người nói một phách. Như anh phóng viên Đơ-vác (Thụy Sĩ) thì chán chường: “Cả đến xe ô tô ở Phnôm Pênh cũng có mùi nước đái”. Nhưng cô Ly-ly A. Bây (Tây Đức) thì lại chửi vỗ vào mặt Đơ-vác bằng câu: “Phnôm Pênh có nửa triệu dân và có thể tự hào là một trong những Thủ đô sạch sẽ và đẹp nhất châu Á”.

Thế là thế nào? Cố nhiên, một người từ Hà Nội tới có lối nhìn của Hà Nội. Khi đã biết Cam-pu-chia thì trước nhất, tôi phải liệt ngay những phóng viên báo chí tư sản kia đến đây đã chỉ làm công việc hú họa và dựa dẫm của người nhắm mắt sờ voi, không thể mảy may tin được những cái ồ, cái à vô tội vạ của họ.

Tôi làm quen với Phnôm Pênh chỉ vì Phnôm Pênh đã gợi trong tôi nhiều điều đáng nghĩ. Ở Phnôm Pênh có cái thú đi dạo bờ sông Tôn-lê Sáp.

Trên sông Tôn-lê Sáp, đậu vô số tàu biển nước ngoài. Những chuyến tàu biển ấy sẽ nhổ neo từ bến Phnôm Pênh xuống Tân Châu, qua Mỹ Tho rồi ra biển lối Vũng Tàu. Thế thì bất cứ người Bắc hay người Nam, hễ ai là người Việt mà đã có lần đứng trên bến Phnôm Pênh đều phải thèm thuồng và bâng khuâng nhìn con tàu sung sướng kia sắp được đi qua quê mình...

Sáng Phnôm Pênh cuối mùa mưa, sáng nào cũng giống nhau, sáng rất sớm, im lặng, trải rộng nền trời nhạt không một gợn mây. Từ phía bờ sông hắt tỏa lên một màu hồng phai, in như cắt những hình tháp thẫm màu, tròn cao và những mái nhà lượn sóng.

Đài kỉ niệm Cam-pu-chia độc lập như một con hổ dáng cao đứng co hai chân trước, ngẩng đầu, đứng thủ thế.

Những vòm nóc Chợ Mới vàng khè, úp tròn xuống như một cái tổ ong, mà từ tinh mơ, người đến chợ đã ồn ào, tấp nập, chen chúc. Thành phố vốn quen thức khuya, mấy tiệm ăn thức sáng đêm, đến lúc ấy mới đóng cửa. Lác đác những cái xe vội đi chợ, anh xích lô lực lưỡng thồ những khay bánh bao, phanh ngực áo, tóc dựng đứng, tất cả đạp hết tốc lực.

Hầu như tất cả những con đường lớn đẹp ở Thủ đô đều kẻ thẳng ra bờ sông. Bởi thế, cứ đi dọc xuống ngã tư Tôn-lê Sáp - Mê Kông - Bát-sắc thì ta có thể thấy hết dáng dấp Phnôm Pênh.

Phnôm Pênh, đầy di tích lịch sử, thành phố vừa cổ, mà cũng vừa mới. Khách rất dễ hòa hợp nhìn thấy những ngọn tháp xoáy, những đường trang trí hoa đá quấn quanh đền chùa, ăn nhịp với nếp nhà Quốc hội, với toàn cảnh hội trường Sa-đô-múc, một công trình nổi tiếng của kiến trúc sư Van.

Mô-ly-van. Trong công viên, giữa những bồn hoa, những hàng cây cắt gọn, mới tinh, nổi cao một cây bồ đề xù xì to lớn, xòe rộng cành lá mỡ màng và cây đại già cong queo cổ quái nở hoa tím - chỗ nào cũng cây đề cây đại, đặc biệt vẻ am thanh cảnh vắng cửa thiền.

Phnôm Pênh mới là Phnôm Pênh lịch sử, tuy nhiên, Phnôm Pênh cổ kính khác Hà Nội. Ở Hà Nội, dường như cổ tích và đời sống bây giờ, di tích lịch sử và những đường phố mới, những nhà cửa đương ở, tất cả đều lẫn lộn, gắn bó, nương tựa nhau, đời này qua đời khác.

Ta hãy dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Ta trông thấy trong ánh sáng nê-ông quảng cáo điện ảnh và bên tấm biển tranh ảnh giới thiệu sinh hoạt thời sự trong và ngoài nước, ta cũng thấy ngay đấy là tháp chùa Báo Thiên, là tam quan vào đền Bà Kiệu, là cầu Thê Húc. Rồi đi quá lên phía trên thì là Hàng Đào, Hàng Bạc, Cầu Gỗ và những đường ngang quanh quẩn các rạp hát Kim Lan, Kim Phụng, Chuông Vàng. Ngày và đêm của Thủ đô ta đương dồn dập thay đổi cứ ồn ào trôi qua lòng ngõ nhỏ chi chít những căn nhà một tầng mỏng mảnh dán vào nhau, có đầu mái vấu chuôi vồ và một hàng chấn song gỗ tiện che cái gác xép tôi tối thì trổ xuống ngay lối cửa ra vào. Những nếp nhà cổ từ bao giờ ấy đứng giữa cái náo nhiệt của những cuộc họp khu phố, những buổi liên hoan thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và người Hà Nội đi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội khắp nơi trên miền Bắc từ rừng xuống biển. Những sinh hoạt chợ búa, những cửa hàng, những cuộc vui bây giờ mà trông chỗ nào cũng như vẫn phảng phất cái bóng dáng hàng Giấy, hàng Hương, hàng Hài, hàng Bạc, hàng Buồm, cổ sơ với người thợ thủ công, người chủ thuyền, người lái buôn, với hàng hàng nho sĩ, cống sinh, cô hàng sách, cô hàng tấm, cô hàng xén thời trước vẫn còn đâu đây.

Nhưng Cam-pu-chia và Phnôm Pênh thì không thế, Phnôm Pênh đượm một màu xưa khác hẳn. Tuổi của Thủ đô Phnôm Pênh đã già nhiều thế kỉ, nhưng nhà cửa thành phố mới thì xây cất chưa được bao năm. Dáng cổ kính của Chùa Tháp, của khu Hoàng Cung hợp với những công trình mới nhất của thành phố hơn là với mấy khu nhà trước khi Cam-pu-chia độc lập. Cái đó tất nhiên rồi.

Cam-pu-chia miên man những đồng lầy, rừng già, rừng nước Biển Hồ, những triền cánh tay Mê Kông, những đồng lúa Bát-tăm-băng mênh mông, đâu đâu cũng đương bạt ngàn thiên nhiên, thì bỗng dưng, ở một góc rừng Xiêm-rạp, một bờ hồ Ba-ti, ở ven sông Tôn-lê Sáp, trên ngọn đồi, thấy nguy nga, hiện ra một Ăng-co, một chùa Tháp, một đền Ta-Phron cổ xưa, vĩ đại, hấp dẫn đến nỗi đã bao năm nay, từ khi các di tích lịch sử Cam-pu-chia nổi tiếng thế giới thì người các nước trên thế giới đã tấp nập kéo đến đây ngắm nghía và nghiên cứu từ cái lỗ thủng đục trên phiến đá, không biết tổ tiên của người Khơ-me tài giỏi đến như thế nào đã kéo được từng tấm đả tảng nặng hàng tấn thành những pho tượng cao sáu mươi nhăm thước, thành sáu mươi tư mặt người ngó ra bốn phương trời, một nụ cười bất tuyệt của tháp Bay-ôn. Giữa cái hoang sơ của đất trời, ấy là một vẻ đẹp rất xưa riêng của Cam-pu-chia.

Nhưng Phnôm Pênh còn có những khuôn mặt yêu kiều khác nữa. Ta có đi dọc bờ Tôn-lê Sáp, mới rõ cái sầm uất sông nuớc của Phnôm Pênh - Trên bến lớn trước khu Hoàng cung, có những chiếc tàu từ các sông Mê Kông, sông Bát-sắc qua miền Nam nước ta lên đây, mùa nước nào cũng lên được, những tàu Nhật, tàu Thụy Điển, tàu Anh nghìn tấn trở ra đậu một dãy, bên kia.

Qua xuống sông Bát-sắc thì đến cầu Mô-ni-vông, (xưa gọi là cầu Sài Gòn, có lẽ vì qua cầu lối ấy đi về Sài Gòn). Bến sông Bát-sắc bên chân cầu Mô-ni-vông nước đỏ cuồn cuộn chảy xôn xao, thuyền bè các tỉnh hàng đoàn tải về đem cho Thủ đô đủ thức ăn vật dùng, từ trái cây, chiếc hỏa lò, đến hũ mắm. Cũng sầm uất như cảnh thuyền bè xưa kia tấp nập từ Lục tỉnh lên cầu Bông, cầu Mống, cầu Ông Lãnh dưới Sài Gòn. Vẻ đẹp nơi đô hội bao giờ cũng là vẻ đẹp của sức sống, của sự hoạt động và trí thông minh con người. Nói đến Hà Nội cũ, phải nói đến người thợ thủ công. Nói đến Sài Gòn, đến Phnôm Pênh thì như đã trông thấy đông vui những thuyền bè và người nông dân, người thợ đem giàu có, an lành thịnh vượng và vẻ đẹp đến cho thành phố.

Phnôm Pênh có nhiều cửa hàng sang trọng. Những hiệu nữ trang lát kính lớn bốn phía; những hàng máy thu phát thanh rầm rĩ; những hiệu cao lâu ồn ào mà tiếng hô gọi món ăn cất lên như tiếng hát đối đáp. Người bán hàng bách hóa, hàng vải lụa, ngồi trầm ngâm, lim dim như con bói cá rình mồi. Có khách vào thì chợt mở mắt và đứng dậy.

Thông thường, dạo đường phố, phải chú ý những cái lạ mặt, lạ tai ấy. Nhưng tôi chẳng tò mò, tôi không cần biết đến những cạnh tranh ly kỳ và bẩn thỉu của nghề buôn Nhật hay Anh, Mỹ, hay Tây Đức. Những cú húc nhau của chúng có thể cũng đem lại vô số tiện nghi cho một vài người nào đó, nhưng tất nhiên nó cũng làm khó khăn cho các nghề thiết dụng của Cam-pu-chia lúc này đương tích cực đấu tranh chống sự xâm lấn của hàng hóa nước ngoài. Mới đây, Cam-pu-chia hạn chế và cấm nhập đường, sữa là một ví dụ. Có thế thì công cuộc chăn nuôi và ruộng mía, cây thốt nốt Cam-pu-chia mới phát đạt được.

Đúng thế, tôi muốn được thấy và tôi quý tất cả. Cam-pu-chia thật Cam-pu-chia. Một quả chuối, một trái cam, một bát hủ tíu ngon, một miếng đường thốt nốt, một cây gỗ mun, gỗ sao, một cái xiên dệt trong làng, một con cá vồ cá mảng Biển Hồ, một gánh lúa tốt nhất cánh đồng vựa thóc Bát-tăm-băng, một chút vàng đãi ở Pa-lanh, lớn và nhỏ chi cũng được, nhưng tôi chỉ muốn và thiết tha những gì của Cam-pu-chia. Bởi vì, đấy, chỉ có đấy mới thật sự là công sức, là tiền rừng, bạc biển của cải đem lại giàu có, thịnh vượng cho Cam-pu-chia.

Người ta nói phải về nông thôn Khơ-me và đến các làng nổi đánh cá trên Biển Hồ, sẽ thấy rõ tiềm lực hùng hậu của đất nước này. Đúng như vậy.

Nhưng không phải chỉ có ở trong làng mà ở Phnôm Pênh ngày nay cũng thấy được nguồn sống dồi dào ấy.

Tôn-lê Sáp buổi chiều đông đúc. Cầu Mô-ni-vông buổi sáng tấp nập. Những ngày những đêm Chợ Mới.

Rải rác, đâu cũng có.

Ánh đèn Chợ Mới trắng đêm không phải chỉ có khách chơi mới cần tìm phòng ngủ và hàng cao lâu mở cửa đêm. Mà cuộc sống lao động thâu đêm ở Chợ Mới và các bến sông. Những chiếc xe xích lô lững lờ khắp phố, ta chợt thức giấc lúc ba bốn giờ sáng trông xuống đường, vẫn thấy xe lượn như lúc chập tối.

Đông đúc, chen chúc, tấp nập.

Những công nhân khuân vác ở ga xe lửa, bến ô tô, bến sông chiều chiều tắm sông rồi lên các tiệm cơm “kinh tế”, ngồi chơi đen kịt vỉa hè, đêm đến nằm “đếm sao” và ngủ trên cầu tàu.

Những chiếc thuyền lớn ghé đậu bên kia cầu Mô-ni-vông, thuyền chở bắp, chở chuối, chở trái cam, chở cá khô, chở lúa. Người lái thuyền cởi trần chít khăn chéo, da đen quánh như mật, cánh tay và ngực nổi bắp, xà-roỏng quấn sặc sỡ, hùng dũng như hình người Khơ-me tạc trên đá tường các đền cổ. Những người nông dân và dân chài mạnh mẽ, chăm lo làm ăn ấy, tất cả đám đông ấy đời đời nay đã đem tài sức, đem của đến nuôi sống, làm giàu cho thành phố.

Tôi đã thấy.

Những người Khơ-me trí thức và lao động, đông đúc, chuyên cần trong công việc kiến thiết của Phnôm Pênh, ở trường học, ở công trường, ở bến tàu, ở trên sông. Những trường trung, tiểu học ở Phnôm Pênh, những trường Đại học Kinh tế, trường Thuốc, trường Luật, trường Thương nghiệp và Viện kỹ thuật đào tạo cán bộ kỹ thuật đương xây dựng.

Cách đây hai mươi năm, tôi đến Phnôm Pênh. Tôi không thấy người Khơ-me, không thấy nhà trường. Bây giờ tôi thấy cả. Người Khơ-me đương làm việc và đấu tranh cho đời mình và quyết định vận mệnh Tổ quốc. Rõ ràng là có độc lập và tự chủ mới có thể có được thực chất đời sống dân tộc.

Các bạn bảo tôi kể cảm tưởng Cam-pu-chia.

Có lẽ nên nói trước nhất là Phnôm Pênh chỉ cách Sài Gòn 240 cây số, không đến một giờ đường bay (về tới biên giới Xoài Riêng - Tây Ninh chỉ hơn một trăm cây). Nhưng những phóng viên báo chí phương Tây đến Sài Gòn, đến Viêng Chăn, ban đêm không dám ló đầu ra khỏi nhà. Nếu họ sang Cam-pu-chia thì tha hồ đi. So sánh ấy thật thú vị.

Tôi sẽ nói chưa đủ về một thành phố mới nổi “ăn diện vào hạng nhất nhì châu Á” như Phnôm Pênh. Nhưng dù Phnôm Pênh náo nhiệt phồn hoa thế nào,những trái ngược, những đau khổ, những phù hoa giả ấy, tôi biết, tôi hiểu và phải kể đến. Vì đó cũng là một bộ mặt của Phnôm Pênh. Tuy nhiên, biết và nhớ là hai việc không giống nhau.

Tôi chỉ nhớ những gì tôi nhớ nhất. Âu cũng là thường tình. Những cảnh và người đã gây tình cảm Cam-pu-chia cho tôi.

Tôi làm sao quên cái cầu Mô-ni-vông trên sông Bát-sắc san sát thuyền bè. Một buổi sáng, cùng bạn về thăm làng Khum-Thom, chúng tôi ngồi ăn hủ tíu ở đầu cầu.

Lúc ấy, tôi tha thiết nhớ lại cầu Sài Gòn. Dòng sông và cái cầu thì chắc vẫn thế. Nhưng ở chỗ bây giờ là những nếp chợ trái cây sạch sẽ, đồ sộ thì vào quãng năm 1943, đương giữa cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Cứ chiều nào cùng vậy, lúc mặt trời đương lặn đỏ khé, có một đoàn tù binh người Anh hay người Mỹ (tôi không phân biệt được) ra sông tắm. Bọn lính Ấn Độ của bù nhìn Săng-đa Bò thì cầm mẩu côn gỗ cùng với lính Nhật xách súng cắm lưỡi lê đi áp tải xung quanh. Những tù binh người Anh, người Mỹ chi đó, đều cởi trần, quần cộc, lưng và ngực đỏ hắt lên như con tôm khô, mà họ mới cao ơi là cao, gầy ơi là gầy. Sau một ngày làm việc chí chết, bây giờ họ bước kheo khư, rã rượi, sắp muốn rơi tay, rơi vai xuống. Thế mà thèm quá, họ vẫn che mắt lính Nhật, tìm cách đổi nốt một cái áo, cái kính lấy mồi thuốc lá của những người Khơ-me và người Việt thất nghiệp hôm nào cũng ra đây thơ thẩn xem tù binh Mỹ tắm nhưng thật ra là ra đây để đổi chác kiếm miếng ăn. Có khi người thất nghiệp xán đến chỗ tù binh đã bị lính Nhật đâm thủng cánh tay, và tôi nhớ có lần một người tù binh Mỹ, không biết tại sao, bị lính Nhật cầm báng súng đập lên đầu, người tù binh chìm nghỉm dưới sông, không ngoi lên nữa.

Tôi cứ nhớ những cảnh thảm ấy làm gì? Không đâu, những hình ảnh ấy đã khêu gợi cho tôi nghĩ đến một cái khổ cùng với ý nghĩa một cái khổ và những tủi nhục, những căm hờn của người thất nghiệp và người mất nước, ở đây cũng như ở quê tôi, xưa kia thì đâu đâu cũng ghê gớm một nỗi khốn cùng và đau đớn thế.

Cái vui cũng như cái đau, không bao giờ quên được. Vì vậy mà cái vui hôm nay, dù chỉ thoáng qua, đã in sâu trí nhớ, bởi nó thấm thía từ trong cùng cực.

Cũng như hôm nay, viết lại những ngày vừa qua ở Phnôm Pênh, tôi nhớ tỉ mỉ một mẻ cá vừa trông thấy bác chài đánh được trên sông.

Tôi yêu chiếc thuyền tròn xoe làm bằng gốc cây thốt nốt già bổ đôi có người đàn bà chèo ve vé, vội vã câu lên cả một đàn cá mại nhỏ, kiếm bữa chiều.

Tôi nhớ những cái nhà sàn nghỉ trưa trên mặt sông Tôn-lê Sáp và những nhà hàng nổi ban đêm ở Kép Nhỏ trên sông Mê Kông. Và, lại kia tấp nập cảnh sông bến của Phnôm Pênh, những gánh khoai, gánh cam, cả những lồng chim của người nông dân ngoại thành đã trảy, đã đem từ những vườn tược xum xuê bờ sông đem vào bán.

Trên sông Tôn-lê Sáp vào ngã tư Mê Kông, chiếc ca-nô lướt sóng giữa những vùng bờ nước ngập lưng nhà, lưng cây, nước từ Biển Hồ đương ra Mê Kông.

Trên sông đêm lộng gió, lấp lánh ánh đèn xa. Chốc chốc, một thuyền thả vó kéo, bác chài, miệng phập phèo điếu thuốc; người vợ thì ngồi lái cuối thuyền, đứa con nhỏ đương ngủ, quấn chăn kín lên tận cổ.

Có những em bé gánh bốn ống bương đầu nút lá, những ống nước thốt nốt ngọt vừa trích đêm qua trên cây xuống (có khi là những ống rượu thốt nốt), em bé quảy vào ngồi bán ở cửa ga, ở bờ sông.

Biết bao nhộn nhịp mà vui của đám đông trên bến dưới thuyền. Những chiếc đò chèo mười, chèo hai mươi giữa dòng Mê Kông. Người đàn bà đen giòn và mỉm miệng cười chào khách đương đội bình nước từ phía sông lên. Không phải các chị ấy chỉ có một bộ váy áo đen đủi ngày trước, bây giờ các chị mặc váy màu, áo hoa tím sáng và khi chị nhẹ nhàng bước lên thang nhà thì một tay chị nhấc nghiêng mép váy, duyên dáng, óng ả.

Biết bao nhộn nhịp mà vui.

Cái vui nhất là tôi đã thấy người Khơ-me ở một thành phố Khơ-me. Những người công dân của Pa-ri, Luân Đôn, Nữu Ước, Thủ đô của những quốc gia lâu đời và cũng là sào huyệt những thủ chỏm của đế quốc thực dân, cũ cũng như mới, chắc sẽ cho là câu nói ấy ngớ ngẩn. Nhưng người Phnôm Pênh và người Hà Nội thì tôi tin rằng họ trân trọng câu nhận xét của tôi. Còn người Lào ở Viêng Chăn thì ngẫm nghĩ và đứng dậy. Trước sau thì người Viêng Chăn thế nào cũng nhận ra nỗi đau khổ vô lý người nước ngoài ở đâu đâu đã đem đến phá rối đời họ, những cảnh nhố nhăng mà tôi đã thoáng thấy, như cái sân bay Vát-tay chẳng hạn.

Những cái vụn vặt tưởng như bình thường chẳng có gì đáng để ý, mà sao cứ nhớ. Có gì đâu, tuy nó vụn vặt và tầm thường, nhưng thật thiết tha phong vị quê hương và con người Cam-pu-chia. Tất cả những hoạt động của đời sống Khơ-me hôm nay, trên đường cố gắng đấu tranh giành độc lập và tự chủ kinh tế ở chính những hình ảnh dành dụm này là để cho một ngày gần đây có được Học viện kỹ thuật Phnôm Pênh mở cửa nhận hàng nghìn học sinh mỗi khóa, và những thành tích của nhà máy dệt, của nhà máy xi măng ở Cha-crây Ting, của nhà máy lọc đường thốt nốt ở Kông-pông Spơ, của đập nước Kam-chảy, mà khi làm xong sẽ hoàn thành luôn cả nhà máy thủy điện đầu tiên cung cấp điện đủ dùng cho nửa Cam-pu-chia. Như vậy thì, những sự thực, những ước mong ấy lại không thể nào là vụn vặt, là bình thường!

Cảm tưởng Cam-pu-chia của tôi? Ấy là cái gì Cam-pu-chia nhất, nghĩa là cái gì đáng nhớ nhất, quý nhất, hy vọng nhất mà tôi chúc và kỳ vọng nhân dân Cam-pu-chia sẽ tới được. Tôi tưởng những điều ấy khi tôi đương nói.

Tôi nhớ một đêm kia, ở Kép Nhỏ cách Phnôm Pênh mười sáu cây số, ở giữa dòng Mê Kông. Nửa đêm đi ca-nô nhìn lên xa xa thấy Phnôm Pênh trắng bạch. Trên đường từ Phnôm Pênh men sông về biên giới xuống Sài Gòn, ô tô vút như sao sa. Chiếc đèn chiếu cao ở nóc lầu chỉ huy sân bay Pô-chen-tông cứ đều đặn ánh sáng một lằn dài hắt đi hắt lại. Hệt như đêm đen trên mặt biển, ta trông thấy ánh đèn từ Phnôm Pênh chiếu ra của con tàu Cam-pu-chia, giữa vô vàn sóng gió âm mưu tối tăm hơn cả đêm tối của đế quốc Mỹ và bọn phản quốc Khơ-me, bọn lâu la Thái Lan và miền Nam Việt Nam. Nhưng con tàu can đảm và khôn ngoan vẫn tiến.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx