sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Con Mèo Oan Nghiệt

Ông lão đi rồi, Kim Iiên và Ngọc Lâu đang đứng tại cổng nói chuyện thì thấy từ xa có một người khăn áo chỉnh tề đang cưỡi lừa đi tới, có vẻ vội vàng lắm. Kim Liên và Ngọc Lâu vội thụt vào trong, vừa lúc người đàn ông dừng lại trước cổng. Thì ra đó là Hàn quản lý.

Bình An bước ra hỏi:

- Hàng đem tới đâu rồi?

Hàn Đạo Quốc đáp:

- Hàng bốc từ thuyền lên xe, đang cho chở vào thành. Bây giờ không hiểu gia gia định chứa hàng tại đâu?

Bình An nói:

- Gia gia không có nhà, đi dự tiệc tại nhà Chu lão gia rồi, nhưng tôi biết là hàng được chứa tại lầu sau của ngôi nhà đối diện đây, đại thúc có thể vào coi.

Đang nói chuyện thì Kính Tế ra mời Đạo Quốc vào nhà chào Nguyệt Nương. Đoạn trở ra đại sảnh, bảo Vương Kinh đem hành lý của mình về nhà. Lát sau Nguyệt Nương sai dọn cơm rượu ra cho Đạo Quốc ăn.

Một lúc sau nữa thì các xe hàng lục tục về tới, đậu dài trước cổng. Kính Tế lấy chìa khoá. Sang mở cửa mấy căn lầu sau của căn nhà đối diện rồi cho chất các rương hàng tại đó. Thôi Bản cũng tới giúp việc cất hàng. Đến gần tối thì mới xong. Hàng chở trên mười chiếc xe lớn đã được cất hết.

Đạo Quốc trở lại đại sảnh. Tây Môn lhánh đã về và đang ngồi chờ. Đạo Quốc lạy chào rồi trình lại đầu đuôi vụ buôn hàng. Tây Môn Khánh hỏi:

- Ta có gửi thư cho vị quan coi thuế, thuế má đánh thế nào?

Đạo Quốc đáp:

- Vị quan đó là Tiền lão gia. Tiền lão gia giúp đỡ nhiều lắm. Hàng hóa ba phần thì tôi chỉ khai có một, cho nên mười xe hàng mà chỉ phải nạp có ba chục lạng bạc thuế mà thôi. Việc kiểm soát lại đều được bỏ qua, chính Tiền lão gia đã ra lệnh cho đoàn xe vào thành.

Tây Môn Khánh mừng lắm, bảo:

- Thế thì ngày mai phải đem ít lễ đến tạ Tiền lão gia mới được.

Đoạn quay lại bảo Kính Tế:

- Ngươi ở đây thù tiếp Hàn quản lý và Thôi Bản.

Nói xong sai gia nhân dọn rượu thịt. Mấy người ăn uống no say rồi ai về nhà nấy.

Vương thị nghe tin Đạo Quốc đã về, vội sai hai a hoàn Xuân Hương và Cẩm Nhi chuẩn bị trà nước rượu thịt. Mãi đến khi trời tối đã lâu, Đạo Quốc mới về tới nhà. Vương thị lăng xăng giúp chồng thay quần áo. Vợ chồng ngồi uống trà mà hàn huyên sau bao ngày xa cách. Sau đó Vương thị thấy trong bọc hành lý của chồng có tới hai trăm lạng bạc, hỏi ra thì biết là Đạo Quốc bớt chút tiền của chủ, mua một ít hàng hóa và rượu, gạo, về bán lại cho mấy tiệm cao lâu, lấy lời xài riêng. Vương thị nghe chồng kể xong mừng lắm, bảo:

- Tôi nghe nói là Đại quan nhân mới có thêm một viên quản lý họ Cam để trông coi cửa tiệm mới, hợp đồng nói là tiền lời, thì vợ chồng mình, cùng Thôi ca và Cam quản lý được hưởng đồng đều, vậy cũng tốt. Vương Kinh nó nói lại với tôi đó.

Đạo Quốc hỏi:

- Bao giờ khai trương tiệm mới?

Vương thị đáp:

- Nghe nói là sang tháng.

Đạo Quốc bảo :

- Ở đây đã có thêm một viên quản lý, trong khi ở Nam không có người đứng mua hàng, thế nào rồi quan nhân cũng lại sai tôi đi nữa.

Vương thị nói:

- Chàng làm việc giỏi, thạo buôn bán thì quan nhân mới nhờ chứ, vả lại mỗi chuyến chàng đi buôn hàng như thế này, ngoài tiền công, tiền thưởng, chàng lại còn kiếm được nhiều, tuy vất vả nhưng cũng được đền bù, ông bà có câu "nếu không vất vả miệt mài, làm sao có được tiền tài thế gian", không nhớ hay sao? Nhưng nếu chàng không muốn đi thì để tôi thưa với quan nhân, để cho Thôi Bản và Cam quản lý đi, để chàng ở nhà bán hàng vậy.

Đạo Quốc vội nói:

- Thôi, không sao đâu, tôi ở ngoài nó quen rồi.

Vương thị bảo:

- Nhưng ở nhà thì cũng được cái nhàn hơn.

Hai a hoàn ra lạy chào chủ rồi dọn rượu thịt. Vợ chồng ăn uống một hồi rồi đi ngủ. Đạo Quốc xa vợ lâu ngày, nay gặp lại, chuyện quyến luyến không cần phải nói.

Hôm sau là ngày mồng một tháng tám, Đạo Quốc dậy sớm, cùng Thôi Bản và Cam quản lý cùng nhau lo việc chuẩn bị cho cửa tiệm sắp khai trương.

Về phần Tây Môn Khánh, thì hàng đã về trót lọt, mối lợi lớn đã nhìn trước mắt, công việc lại rảnh rang, trong lòng vui vẻ chợt nảy ra ý định tới nhà Trịnh Ái Nguyệt chơi, bèn ngầm sai Đại An đem ba lạng bạc và một xấp lụa tới tặng ái Nguyệt.

Mẹ con Ái Nguyệt thấy Tây Môn Khánh cho tặng vật và tiền bạc thì mừng vô hạn, người mẹ lật đật bảo Đại An:

- Nhờ chú em về bẩm với lão gia rằng hai chị em nó đang ở nhà chuẩn bị nghênh tiếp lão gia. Kính thỉnh lão gia giáng lâm.

Đại An về thưa lại. Tây Môn Khánh vui lắm, sai Đại An chuẩn bị một cỗ kiệu, sang ngôi nhà trước cửa coi lại hàng hóa rồi lên kiệu, buông rèm xuống mà đi. Cầm Đồng, Đại An và Xuân Hồng đi theo hầu.

Tới nơi, Ái Hương trang điểm lộng lẫy bước ra tiếp đón. Tây Môn Khánh bảo Cầm Đồng dẫn kiệu về tới tối thì đem ngựa lại đón. Cầm Đồng vâng lời dẫn kiệu về nhà.

Ái Hương mời Tây Môn Khánh ngồi dùng trà. Bà mẹ đon đả bước ra lạy chào nói:

- Mấy bữa trước con em nó hầu tại quý phủ, đã được hậu thưởng rồi, lão gia tới đây là hân hạnh cho chúng tôi lắm, việc gì phải bày vẽ cho vải vóc và tiền bạc nữa. Thật đội ơn lão gia vô cùng.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Hôm nọ ta cho gọi, sao nó không tới, mà lại tới nhà Vương Hoàng thân là thế nào?

Bà mẹ nói

- Thật chẳng qua là tại Đổng Kiều và Quế Thư cả. Mấy người đó biết là ngày sinh nhật của lão gia mà không nói cho chúng tôi một tiếng, thành thử lễ vật chúc thọ đã không có, mà lại còn nhận lời mời của Vương Hoàng thân. Nếu chúng tôi biết thì làm gì có chuyện đó? Đến khi lão gia cho người lại gọi, chúng tôi sợ quá, bắt nó phải đi ngay.

Tây Môn Khánh nói:

- Không phải là Ái Nguyệt không biết trước. Hôm ăn tiệc tại nhà Hạ Đề hình, Ái Nguyệt hát ở đó, tôi đã dặn rồi. Nhưng hôm đó Ái Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, lại có vẻ không vui, rồi đến ngày sinh nhật của tôi lại đi nhận lời chỗ khác, như vậy nghĩa làm sao?

Bà mẹ nói

- Con nhỏ thế thì thôi, nhưng xin lão gia hiểu cho rằng nó còn nhỏ quá, thấy chỗ đông người còn bỡ ngỡ chưa quen, tính tình còn nhút nhát lắm. Đến ngay cả bây giờ mà nó cũng chưa ra hát hầu lão gia thì đủ biết. Nó sợ chứ không có gì hết. Hồi nãy biết lão gia sắp quang lâm tới đây, tôi đã dặn nó là phải sửa soạn để tiếp rước, vậy mà nó cứ nằm ngủ, đến bây giờ cũng chưa chịu ra nữa.

Tây Môn Khánh im lặng, Ái Hương hai tay nâng chung trà mời Tây Môn Khánh. Uống trà xong, bà mẹ nói:

- Kính thỉnh lão gia vào trong ngồi cho ấm cúng.

Ái Hương đứng dậy dẫn Tây Môn Khánh vào phòng Ái Nguyệt. Đó là một gian phòng thật xinh xắn ấm cúng, ngoài cửa treo một tấm hoành phi có ba chữ đại tự "Ái Nguyệt hiên". Tây Môn Khánh ngồi xuống, lát sau, Ái Nguyệt khép nép bước ra. Nàng trang điểm đơn sơ nhưng vẻ đẹp thanh xuân lồ lộ, mình mặc chiếc áo tơ màu ngó sen, chiếc quần màu tím, chân đi hài làm theo hình mỏ uyên ương. Ái Nguyệt bước tới trước mặt Tây Môn Khánh lạy chào, rồi rụt rè ngồi một bên, chiếc quạt che gần hết mặt. Tây Môn Khánh muôn phần đẹp ý, trong lòng xốn xang khôn tả. A hoàn đem trà ra. Ái Nguyệt nghiêng mình, đưa mười ngón tay búp măng nuột nà nâng chung rượu mà mời. Tây Môn Khánh uống trà xong, đưa mắt nhìn gian phòng, thấy cách trang trí thật thanh nhã, đâu đây thoang thoảng một mùi hương quyến rũ, chẳng khác gì cảnh trong một động tiên, trước mặt là một nàng tiên bằng xương bằng thịt, xinh đẹp tuyệt vời.

Hai người nói chuyện, mới đầu còn e dè, sau thì cười nói lả lơi. Một lát, a hoàn dọn rượu thịt thịnh soạn, Ái Nguyệt tự tay gắp từng miếng đưa tận miệng Tây Môn Khánh. Ái Hương cũng ngồi một bên chuốc rượu. Một mình ngồi giữa hai nàng tiên tuyệt sắc, rượu nồng thịt ngon, Tây Môn Khánh đê mê ngây ngất. Được nửa tiệc, hai chị em đứng dậy. Ái Hương đàn tranh, Ái Nguyệt đàn tỳ bà, cùng cất tiếng hát thánh thót du dương.Hát xong, hai chị em lại ngồi hai bên Tây Môn Khánh mà chuốc rượu. Qua vài tuần rượu, Ái Hương kiếm cớ xin phép ra ngoài, để lại một mình Ái Nguyệt thù tiếp khách quý.

Ái Nguyệt thấy trong tay áo Tây Môn Khánh có một cái gói, gói bằng chiếc khăn tay trắng, bèn hỏi:

- Quan nhân đem hương trà theo phải không?

Nói xong định thò tay lấy, nhưng Tây Môn Khánh đã nói:

- Không phải đâu, đó là thuốc bổ ta vẫn uống, hương trà cũng có đem theo, nhưng để trong gói giấy ở bên trong này cơ.

Nói xong lấy từ tay áo bên kia ra một gói hương trà đưa cho Ái Nguyệt. Ái Nguyệt lại thò tay vào tay áo Tây Môn Khánh lấy ra một cái khăn tay thêu rất đẹp, đưa lên ngắm rồi nói:

- Tôi thấy Quế Thư và Ngân Nhi mỗi người đều có một cái khăn y như thế này, thì ra quan nhân tặng cho họ chứ gì?

Tây Môn Khánh đáp:

- Không phải đâu, ta đâu có cho, đây là những thứ do thuyền hàng từ Dương Châu đem về rồi họ lấy chứ ai mà cho. Nếu nàng thích thì ta tặng nàng cái khăn này, rồi ngày mai ta sai người tặng chị nàng một cái.

Lát sau Tây Môn Khánh dìu Ái Nguyệt lên giường nằm nghỉ, Ái Nguyệt e thẹn rụt rè, nhưng cũng cố gắng làm vừa lòng Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh vui mừng khôn tả. Sau đó hai người ngủ thiếp đi một lát. Hôm đó mãi tới canh ba, Tây Môn Khánh mới về nhà.

Hôm sau Tây Môn Khánh tới nha môn làm việc, Nguyệt nương cùng Kiều Nhi và Ngọc Lâu ngồi uống trà nói chuyện ở phòng trên, Đại An vào thưa để lấy lễ vật đem đi mừng sinh nhật Hạ Đề hình. Nguyệt nương dò hỏi:

- Hôm qua gia gia ngồi kiệu tới nhà ai uống rượu mà mãi nửa đêm mới về vậy? Chắc là lại tới nhà Hàn Đạo Quốc để hú hí với vợ hắn chứ gì? Lão già này bây giờ chuyên khinh khi lừa dối ta mà thôi.

Đại An vội đáp:

- Thưa không phải đâu, chồng người ta có nhà, làm sao gia gia tới được?

Nguyệt nương hỏi lại:

- Không đến đó thì đến nhà ai?

Đại An không đáp chỉ cười, rồi vái chào mà đem lễ vật đi.

Kim Liên nói với Nguyệt nương:

- Đại nương hỏi thằng khốn đó làm gì, đời nào nó chịu nói thật. Tôi nghe nói là hôm qua thằng Xuân Hồng cũng đi theo, bây giờ gọi nó tới hỏi tất biết.

Xuân Hồng được gọi vào. Kim Liên hỏi:

- Hôm qua ngươi theo kiệu gia gia tới nhà nào? Ngươi phải nói thật. Nếu ngươi man trá thì Đại nương đây sẽ cho đánh đòn.

Xuân Hồng nhát gan vội quỳ ngay xuống trước mặt Nguyệt nương mà thưa:

- Xin Đại nương bớt nóng, để tôi xin nói. Hôm qua tôi cùng các anh Đại An, Cầm Đồng theo kiệu gia gia qua nhiều đường phố trong huyện, mãi mới tới một nhà trong ngõ, trang hoàng đẹp đẽ lắm, có một vị nương nương còn trẻ ra tận cổng đón tiếp, nương nương trông trang điểm lộng lẫy.

Kim Liên cười khanh khách:

- Thằng này thật ngu quá, mấy con điếm mà cũng không biết, lại còn gọi là nương nương nữa.

Đoạn hỏi:

- Nương nương đó thế nào? Hình dung mặt mũi ra sao. Ngươi có nhận ra là ai không?

Xuân Hồng đáp:

- Tôi không biết là ai, cũng chưa gặp mặt bao giờ. Khi gia gia vào nhà thì có một bà cụ đầu bạc trắng ra lạy chào, sau đó lại mời gia gia vào phòng trong, ở đó có một vị nương nương trẻ lắm, xinh đẹp vô cùng, chuốc rượu cho gia gia.

Kim Liên lại hỏi:

- Lúc đó thì chúng bay ngồi đứng ở đâu?

Xuân Hồng đáp:

- Chúng tôi ngồi tại phòng của bà lão, bà ta mời chúng tôi ăn uống, rượu thịt nhiều lắm.

Mọi người nghe đều bật cười. Nguyệt nương hỏi:

- Ngươi có nhận ra cô gái trẻ phòng trong không?

Xuân Hồng ngẫm nghĩ rồi đáp:

- Hình như cô nương đó có tới hát tại nhà mình thì phải.

Ngọc Lâu cười:

- Chắc là Lý Quế Thư rồi.

Nguyệt nương bảo:

- Thì ra mò tới nhà họ Lý.

Kiều Nhi vội đáp:

- Nhà chúng tôi ở gần đây chứ đâu có xa như nó nói.

Mọi người tiếp tục nói chuyện loanh quanh.

Lát sau Tây Môn Khánh về nhà, nhưng sau đó lại tới chúc thọ Hạ Đề hình.

Lại nói, Kim Liên có nuôi trong phòng mình một con mèo trắng cực lớn, toàn thân trắng toát, chỉ riêng trên trán có một đám đen trông như cái mu rùa, đặt tên cho nó là Tuyết Sư Tử. Nó rất tinh khôn, biết nhặt những cái quạt hoặc khăn tay rơi rớt trên đất. Đêm nào ngủ một mình, Kim Liên cũng cho nó ngủ trên giường, ở chân mình. Ngày nào không ăn cá hoặc gan bò thì chỉ ăn thịt sống. Kim Liên rất cưng chiều, nuôi kỹ nên con mèo ngày càng to lớn mập mạp.

Hôm đó, Tố Quan khó ở trong mình, nhưng sau khi uống thuốc của Lưu bà thì thấy đỡ, Bình Nhi mặc cho con một cái áo đại hồng, để con ở cái giường phòng ngoài cho con chơi, Nghênh Xuân ngồi cạnh coi, còn nhũ mẫu thì ăn cơm ở phòng bên.

Thình lình con mèo Tuyết Sư Tử ở đâu nhảy tới, thấy Tố Quan mặc áo hồng thì lấy hai chân trước vờn vờn đùa nghịch, dáng điệu như những lúc được ăn thịt sống. Nghênh Xuân cũng không để ý. Bỗng con mèo nhảy lên người Tố Quan cào rách cả áo nát cả mình mẩy. Tố Quan thét lên những tiếng kinh hoàng đau đớn, rồi vì khiếp sợ quá, tắt cả tiếng đi, mình mẩy tím bầm nằm chết lặng. Nghênh Xuân sợ quá kêu ầm lên, nhũ mẫu quăng cả bát cơm chạy ra. Con mèo tai ác lại nhảy tới vồ Tố Quan, nhưng Nghênh Xuân đã đánh đuổi được. Nhũ mẫu thấy Tố Quan tay chân to quắp, giật loạn lên, vội bồng dậy rồi bảo Nghênh Xuân mau vào phòng trong gọi Bình Nhi. Nghênh Xuân hổn hển vào nói:

- Ca nhi nguy rồi, đang làm kinh, xin nương nương ra mau.

Bình Nhi không còn hồn vía, lật đật chạy ra. Nghênh Xuân lại ba chân bốn cẳng chạy lên thưa với Nguyệt nương, Nguyệt nương hoảng hồn chạy xuống, thấy Tố Quan đang làm kinh, tay chân giật liên hồi, miệng méo đi, mặt tím ngắt, mắt trợn ngược chỉ toàn lòng trắng thì đưa tay bồng rồi khóc lớn:

- Trời ơi, sao lại đến nỗi này?

Nguyệt nương kêu khóc mà lòng đau như cắt. Nghênh Xuân thưa:

- Tại con mèo của Ngũ nương.

Rồi kể lại đầu đuôi sự tình.Bình Nhi khóc mà bảo:

- Con ơi, con bị con mèo ác nghiệt đó làm hại rồi.

Nguyệt nương sai gọi ngay Kim Liên sang hỏi:

- Sao lại để con mèo chết tiệt đó sang đây hại ca nhi?

Kim Liên nói:

- Đứa nào nói vậy?

Nguyệt nương đưa tay chỉ:

- Thì nhũ mẫu và Nghênh Xuân đây nói chứ ai.

Kim liên nói:

- Sao Đại nương lại tin lời chúng nó? Con mèo của tôi đang nằm ngoan ngoãn trong phòng, làm sao sang đây làm hại ai được, vậy mà cũng đổ tội cho nó là thế nào?

Nguyệt nương hỏi:

- Con mèo đó sang đây lúc nào?

Nghênh Xuân đáp:

- Ngày nào nó chẳng sang đây cả chục lần, nó vừa mới ở đây chạy về xong.

Kim Liên nói ngay:

- Vậy thì tại sao từ trước tới nay nó không cào cắn ca nhi mà bây giờ mới cào cắn? Mày là đứa ăn người ở sao dám ăn không nói có? Đến mày mà cũng dám đổ tội cho tao thì đủ biết số kiếp tao khốn nạn tới bực nào.

Nói xong giận dữ về phòng. Nguyên là Kim Liên biết Tố Quan sợ hải dễ giật mình nên cố tình nuôi con mèo thật lớn. Hai phòng ở gần nhau, thế nào cũng có ngày con mèo làm cho Tố Quan hoảng sợ. Bình Nhi được Tây Môn Khánh rất mực yêu quý chỉ vì có Tố Quan, nếu Tố Quan vì kinh sợ mà bệnh tật thì Tây Môn Khánh có thể chán nản mà quay về với Kim liên.

Trở lại căn phòng Bình Nhi, Nguyệt nương thấy Tố Quan làm kinh dữ dội, vội một mặt sai cứu chữa, nấu thuốc đổ vào miệng, một mặt sai mời ngay Lưu bà tới.

Lát sau Lưu bà tới coi mạch rồi dậm chân than rằng:

- Lần này thì nặng lắm, không biết có qua khỏi được không?

Nói xong lấy ra một viên thuốc nhỏ, bỏ vào cái chung nghiền nát ra, hòa với nước trà, cậy miệng Tố Quan đổ vào.

Đoạn nói:

- Nếu thuốc này giúp nhi ca nhi khỏi được thì thôi, mà nếu không qua khỏi được thì phải xin phép Đại nương để tôi được châm cứu.

Nguyệt nương bảo:

- Tôi không dám đâu, có gì phải đợi gia gia tôi về mới được, lỡ gia gia la rầy thì sao.

Bình Nhi khóc nói:

- Xin Đại nương cứu cho ca nhi, chờ gia gia về e muộn mất. Nếu gia gia rầy mắng, tôi xin chịu hết.

Nguyệt nương bảo:

- Ca nhi là do muội muội đẻ ra, tôi không dám quyết định.

Lưu bà chờ một lát không thấy Tố Quan tỉnh lại, bèn cứ tự tiện châm cứu vào năm huyệt đạo trong người rồi đặt nằm xuống. Tố Quan cứ nằm thiêm thiếp bằn bặt như vậy cho tới chiều tối.

Tây Môn Khánh về nhà mà vẫn chưa tỉnh. Lưu bà nghe tin Tây Môn Khánh về thì sợ hãi, xin cáo lui. Nguyệt nương trả cho năm tiền rồi cho về.

Nguyệt nương lên phòng trên kể lại bệnh tình của Tố Quan. Tây Môn Khánh hoảng lên, vội chạy xuống phòng Bình Nhi thăm con. Thấy Tố Quan mê man bất tỉnh, mà Bình Nhi thì khóc đến sưng húp đôi mắt, Tây Môn Khánh bèn hỏi:

- Tại sao ca nhi lại bị như thế này?

Bình Nhi chỉ khóc mà không đáp. Hỏi nhũ mẫu và a hoàn, cũng chẳng ai dám nói. Tây Môn Khánh thấy tay chân Tố Quan bị châm cứu, toàn thân sặc lên mùi ngải thì xót ruột lắm, vội trở lên phòng trên hỏi Nguyệt nương. Nguyệt nương biết không giấu được, đành phải kể đầu đuôi việc con mèo của Kim Liên làm Tố Quan hoảng sợ, rồi nói thêm:

- Hồi nãy Lưu bà có tới, bảo là kinh phong rất nặng, nếu không châm cứu thì khó lòng qua khỏi, nhưng nếu đợi chàng về thì e quá muộn, Lục muội muội có hỏi tôi, tôi không dám quyết định, nên đã tự quyết định để cho Lưu bà châm cứu. Bây giờ ca nhi tuy chưa tỉnh nhưng chắc không đến nỗi nào.

Tây Môn Khánh nghe xong nổi giận đùng đùng, chạy xuống phòng Kim Liên, cầm hai chân sau con mèo Tuyết Sư Tử, bước ra thềm, quật ngay xuống thềm đá, chỉ nghe oái một tiếng, đầu con mèo vỡ tan, óc phun trắng xóa. Giết con mèo xong, Tây Môn Khánh nghiến răng kèn kẹt mà bỏ đi.

Kim Liên thấy Tây Môn Khánh nổi giận giết con mèo của mình thì sợ hãi ngồi yên trong phòng. Đến lúc Tây Môn Khánh bỏ đi, Kim Liên mới lẩm bẩm:

- Thật đồ vũ phu khốn kiếp, con mèo có làm gì mà giết nó. Nó chết xuống âm ty sẽ báo oán cho mà coi nó sẽ đòi mạng tên thay lòng đổi dạ cho mà coi.

Tây Môn Khánh sang phòng Bình Nhi, cầm tay Tố Quan xem, thấy vết mèo cào còn y nguyên, bèn hỏi nhũ mẫu và Nghênh Xuân:

- Các ngươi trông giữ ca nhi sao để mèo cào ca nhi như thế này? Lại để cho con giặc nhà họ Lưu châm cứu như thế này? Nếu ca nhi qua khỏi thì thôi, mà nếu có gì thì ta sẽ bắt con mụ đó tới nha môn cho nó nếm cực hình kìm kẹp.

Bình Nhi chỉ mong cho con tỉnh dậy, nhưng sau đó vì ngải nóng công phạt, khiến cho Tố Quan thân hình nóng ran, nước tiểu chảy ra, phân cũng bị tống ra có đủ màu sắc lạ, mắt thì lúc nhắm lúc mở, sữa cũng không chịu bú, cứ nửa tỉnh nửa mê.

Bình Nhi sợ lắm, vội lên bàn thờ Phật thắp nhang cầu khấn rồi gieo một quẻ, thì thấy quẻ rất xấu, trong lòng lại càng buồn sợ muôn phần.

Nguyệt nương sai gia nhân mời một lang y chuyên về trẻ con tới coi. Vị lang y này bảo:

- Bây giờ phải thổi vào lỗ mũi ca nhi, nếu có nước mũi chảy ra thì mới cứu được, còn không thì chịu.

Nói xong thổi vào mũi Tố Quan mấy hơi thật mạnh. Nhưng không thấy một chút nước mũi nào cả. Bình Nhi thấy vậy càng lo sợ cuống cuồng, chỉ biết than khóc không thôi, bỏ cả ăn uống.

Lúc đó cũng gần tới ngày rằm tháng tám, nhưng vì chuyện Tố Quan, trong nhà không ai còn lòng dạ nào nên Nguyệt nương dẹp bỏ lễ sinh nhật của mình, không tổ chức tiệc tùng gì cả.Thân bằng quyến thuộc các nơi đem lễ lại cũng không được mời dự tiệc. Chỉ có Ngô Đại cữu và Dương cô nương tới ở chơi thăm hỏi.

Trong khi đó thì hai sư bà Vương, Tiết chia tiền nhau không đều, đang giận nhau.

Ngày mười bốn, Bôn Tứ cùng Tiết sư bà tới nhà in, một ngàn năm trăm cuốn kinh đã in xong. Bôn Tứ về thưa lại, Bình Nhi cho thêm ít tiền để mua vàng hương làm lễ.

Ngày rằm, Bôn Tứ cùng Trần Kính Tế tới miếu làm lễ rồi đem một ngàn năm trăm cuốn kinh phân phát hết, sau đó trở về thưa lại với Bình Nhi.

Suốt mấy ngày liền, Kiều Đại hộ sai người hàng ngày tới thăm hỏi và theo dõi sức khỏe Tố Quan. Lại mời riêng một lang y tới coi bệnh. Lang y này coi xong nói:

- Chứng này không thể chữa được.

Bình Nhi buồn rầu trả công năm tiền rồi mời ra. Nguyệt nương thì vẫn tin Lưu bà, cho dùng thuốc của Lưu bà, nhưng Tố Quan cứ uống thuốc vào lại nôn ra ngay, rồi sau đó mắt nhắm nghiền, hai hàm cắn chặt lại. Thương cho Bình Nhi đầu không kịp chải, áo cũng chẳng kịp thay, suốt ngày đêm ôm con trong lòng mà khóc. Tây Môn Khánh đi đâu, ngoài giờ làm việc tại nha môn thì chỉ quanh quẩn trong nhà, một ngày xuống thăm con không biết mấy lần.

Một đêm vào hạ tuần tháng tám, ngoài song trăng sáng váng vặc, Bình Nhi ôm con nằm thiếp đi, a hoàn đầy tớ đều ngủ say. Khắc lâu canh tàn hơi gió lạnh hiu hắt nhẹ đưa, Bình Nhi nằm chập chờn, ngủ không ngủ mà thức cũng không ra thức.

Bỗng thấy Hoa Tử Hư từ ngoài cửa bước vào, mình mặt áo lụa bạch sắc diện chẳng khác gì lúc sinh thời, chỉ vào mặt Bình Nhi tái sắc mà mắng:

- Con dâm phụ kia, sao mày dám lấy hết tiền bạc của cải của tao mà đem về cho Tây Môn Khánh?

Bình Nhi vội bước tới nắm áo Hoa Tử Hư khóc mà nói:

- Chàng ơi, xin chàng tha tội cho tôi.

Hoa Tử Hư nói: .

- Ta bảo cho biết vậy thôi, ta đi đây.

Nói xong gỡ tay Bình Nhi mà đi. Bình Nhi bàng hoàng tỉnh dậy. Thì ra là một giấc mộng. Mở mắt nhìn thấy tay mình còn đang nắm chặt áo con. Bên ngoài, trống cầm canh báo hiệu canh ba. Bình Nhi sợ hãi, mồ hôi đổ ra như tắm.

Hôm sau Tây Môn Khánh vào thăm, Bình Nhi đem giấc mộng đêm qua kể lại.

Tây Môn Khánh bảo:

- Dầu sao thì Hoa nhị ca cũng chết rồi, chẳng qua nàng nhớ chuyện cũ mà nằm mộng đấy thôi. Từ nay đừng nghĩ vẩn vơ gì nữa. Để tôi bảo chúng nó đem kiệu rước Ngân Nhi lại bầu bạn với nàng. Rồi cũng gọi Phùng lão tới hầu hạ nàng ít hôm.

Nói xong quay lại bảo Đại An đem kiệu đi đón Ngân Nhi và Phùng lão.

Xế trưa hôm đó, nhũ mẫu đang bồng Tố Quan trên tay thì Tố quan lại làm kinh, nhũ mẫu sợ quá, kêu lên:

- Nương nương ơi, ca nhi làm sao thế này? Hình như ca nhi không thở được nữa.

Bình Nhi hốt hoảng chạy vào vừa khóc vừa ôm lấy con mà bảo:

- Chúng bay mau lên thưa với gia gia là ca nhi nguy rồi, không thở được nữa rồi.

Lúc đó thì Thường Trĩ Tiết tới báo là đã tìm được nhà rồi, đó là một căn nhà xinh xắn khang trang gồm bốn gian, giá chỉ có ba mươi lăm lạng. Tây Môn Khánh nghe a hoàn báo tin Tố Quan nguy kịch, bèn đứng dậy bảo Trĩ Tiết:

- Xin lỗi nhị ca, cứ về đi hôm khác tôi sẽ sai đem tiền đến cho nhị ca.

Nói xong hộc tốc tới phòng Bình Nhi, Nguyệt nương và mọi người đều đã có mặt. Tố Quan vẫn tiếp tục thoi thóp. Tây Môn Khánh không đủ can đảm nhìn con, bèn trở ra hành lang thư phòng ngồi trên ghế lo buồn than thở.

Lát sau thì có tin Tố Quan đã qua đời. Lúc đó là giờ Thân ngày hai mươi ba tháng tám. Tố Quan chỉ hưởng dương được có một năm hai tháng. Toàn thể lớn nhỏ trong nhà đều cất tiếng khóc bi ai. Bình Nhi vật mình lăn khóc thảm thiết, mấy lần sống đi chết lại. Lúc mệt quá xỉu đi thì thôi, lúc tỉnh dậy lại đập đầu khóc:

- Con ơi, con giết mẹ rồi, mẹ cũng đến chết theo con chứ không thể sống như thế này được đâu.

Nhũ mẫu và Nghênh Xuân cũng khóc đến không còn biết gì nữa.

Tây Môn Khánh sai gia nhân dọn dẹp một căn phòng ở phía đông đại sảnh để lấy chỗ quàn xác con, nhưng Bình Nhi cứ ôm chặt lấy con, không chịu cho đem đi, chỉ kêu khóc:

- Con ơi, tan nát lòng mẹ mất rồi, thế là uổng phí bao nhiêu cực khổ đắng cay mà mẹ vẫn không được ở với con.

Nói xong lại khóc ngất đi. Nguyệt nương và mọi người phải xúm vào khuyên giải nhưng cũng vô hiệu. Tây Môn Khánh xót xa bảo:

- Thôi nàng khóc nhiều quá làm gì, cái số nó đã không được làm người, không làm con của mình, bỏ mình mà đi thì mình cũng chỉ nên khóc than một lúc thôi, khóc lắm cũng không làm nó sống lại được. Nàng nên giữ gìn sức khỏe là hơn.

Bình Nhi tóc tai rũ rượi, hai mắt sưng vù, xiêm y xốc xếch, cứ phục xuống xác con mà khóc. Tây Môn Khánh nói:

- Bây giờ đem ca nhi ra phòng riêng rồi mời thầy tới coi mà lo mọi chuyện.

Đoạn quay lại hỏi:

- Ca nhi đi vào giờ nào?

Nguyệt nương đáp:

- Khoảng giờ thân.

Ngọc Lâu bảo:

- Không hiểu sao ca nhi chờ đúng đến giờ đó mới đi. Ca nhi sinh giờ Thân, thì đi vào đúng giờ Thân. Cả ngày cũng đúng nữa, hôm nay là ngày hai mươi ba, chỉ có tháng là sai mà thôi. Như vậy là vừa đúng một năm hai tháng.

Bình Nhi thấy gia nhân đứng sắp hàng bên để chờ đem Tố Quan lên phòng riêng bèn khóc mà nói:

- Đem ngay đi như vậy đâu được.

Đoạn quay sang Nguyệt nương:

- Xin Đại nương rờ thử xem người con nó còn nóng không?

Rồi lại khóc:

- Con ơi, làm sao mẹ xa con được, mẹ khổ quá chừng.

Rồi lại vật mình gào khóc thảm thương. Tây Môn Khánh đưa mắt, đám gia nhân bước vào bồng xác Tố Quan đem quàn tại phòng riêng.

Nguyệt nương bảo chồng:

- Bây giờ mình phải báo cho thân gia và sư phụ của con một tiếng chứ?

Nói xong sai Đại An sang báo tin cho Kiều Đại hộ biết, một mặt sai người mời thầy cúng đến, lại bỏ ra mười lạng đưa cho Bôn Tứ, bảo đặt làm một bộ quan quách bằng gỗ quý để tẩm liệm.

Trong khi đó, nghe tin dữ, Kiều Đại nương lật đật ngồi kiệu tới ngay. Nguyệt nương ra đón tiếp. Kiều Đại nương cùng mọi người lại than khóc một hồi.

Lát sau thầy cúng Từ tiên sinh tới. Sau khi được biết Tố Quan chết vào giờ Thân, liền mở sách ra coi rồi bảo:

- Ca nhi sinh giờ Thân ngày hai mươi ba tháng sáu năm Bính Thân, mất vào giờ Thân ngày hai mươi ba tháng tám năm Đinh Dậu. Tháng cúng là tháng Đinh Dậu mà ngày là ngày Nhâm Tý, như vậy là phạm vào thiên địa trọng tang, trong nhà phải tránh tiếng khóc, nếu không e có tai họa xảy ra.

Đoạn lại mở sách ra coi một hồi rồi nói:

- Sinh vào ngày Nhâm Tý, trên thì ứng với Bảo bình cung, dưới thì lâm vào Tề địa, lúc trước ca nhi là con trai của nhà họ Thái ở Duyên Châu, từng dùng dao đoạt tiền bạc của người, không biết kính sợ trời đất cha mẹ, rồi nhân uống rượu say gặp hàn khí mà chết. Nay sinh vào nhà này thì sợ gió sợ lạnh. Khoảng mười ngày trước đây tất bị một loài gia súc làm cho hoảng sợ mà thất lạc hồn phách. Hiện sắp đầu thai tại đất Trịnh Châu, sau này lớn lên làm tới chức Thiên hộ, sáu mươi tám tuổi mới qua đời.

Mọi người yên lặng ngồi nghe. Từ tiên sinh hỏi Tây Môn Khánh:

- Lão gia muốn tống táng ca nhi vào ngày mai, mà mai táng hay hỏa táng?

Tây Môn Khánh nói:

- Ngày mai sao được? Ít nhất cũng phải quàn tại nhà ba ngày để lập đàn tụng kinh chứ, rồi sau đó cho mai táng.

Từ tiên sinh bảo:

- Nếu vậy thì ngày hai mươi bảy, là ngày Bính Thìn, không phạm vào bản mệnh của ai trong nhà cả, nên hạ huyệt vào đúng chính Ngọ thì tốt.

Nói xong viết hết những điều cần thiết ra giấy.

Tẩm liệm cho Tố Quan xong thì cũng đã canh ba. Bình Nhi trở về phòng vừa khóc vừa thâu nhặt các áo mũ đạo sĩ của con, bỏ vào quan tài. Sau đó quan tài được đóng đinh. Lớn bé trong nhà lại khóc một hồi. Lát sau Từ tiên sinh ra về.

Hôm sau Tây Môn Khánh không ra nha môn làm việc. Hạ Đề hình nghe tin, tan buổi làm là cưỡi ngựa tới điếu tang. Tám vị tăng của chùa Báo Ân được mời tới lập đàn tụng kinh ba ngày. Trong khi đó, tại miếu Ngọc Hoàng, Ngô Đạo quan và Kiều đại hộ cũng lập đàn cúng tế, lại đem lễ tam sinh tới. Các thân thích như Ngô Đạo cữu, Trầm Di Phu, Hoa Đại cữu đều có lễ đem tới. Bá Tước, Trĩ Tiết, Ôn tú tài, Hàn Đạo Quốc, Cam quản lý, Bôn Tú đều có phần lễ riêng, lại quanh quẩn làm bạn với Tây Môn Khánh để an ủi.

Sau ba ngày cúng lễ, Tây Môn Khánh cho đặt tiệc tại đại sảnh để thết đãi mọi người. Hôm đó, các ca nữ như Quế Thư, Ngân Nhi, Ái Nguyệt đều tới góp lễ.

Bình Nhi thì than khóc suốt mấy ngày, không ăn ngủ, khóc đến tắt tiếng, người cứ lả đi. Tây Môn Khánh sợ Bình Nhi quá thương con mà nghĩ quẩn làm liều, nên đặc biệt sai nhũ mẫu Nghênh Xuân và Ngân Nhi phải theo sát bên mình từng giây từng phút. Cũng suốt mấy đêm, Tây Môn Khánh đều nghỉ chung với Bình Nhi, rồi nhân đó hết lời khuyên giải.

Tối tối Tiết sư bà đều tụng kinh đăng Nghiêm, rồi thường khuyên Bình Nhi rằng:

- Ca nhi không phải là con là cái của nương nương đâu, chẳng qua là túc thế oan gia trái chủ mà thôi. Kinh Đà La có kể một chuyện rằng, ngày xưa có một người đàn bà sinh ba lần được ba con trai, nhưng không đứa con nào sống được quá hai tuổi đến khi đứa con thứ ba chết thì người dàn bà không chơn con mà ôm con ra bờ sông ngồi khóc. Phật Quan âm mới hiện ra làm một vị tăng, tới bảo người đàn bà ràng: "Ngươi đừng có than khóc, nó không phải là con của ngươi đâu, mà chỉ là oan gia tiền thế của ngươi mà thôi. Nó ba lần thác sinh làm con ngươi chỉ là muốn giết ngươi mà thôi. Nếu ngươi không tin thì để ta chỉ cho coi". Phật Quan âm nói xong, đưa tay chỉ vào xác đứa bé, tức thì cái xác biến thành một con quỷ dạ xoa, nhảy ngay xuống sông, đứng trên mặt nước, mắng người đàn bà rằng:

- Kiếp trước mày đã giết tao nên bây giờ tao vào báo oán. Nhưng mày thường chăm chỉ lễ Phật, tụng kinh Đà La, nên mày được Phật che chở, tao giết mày không nổi. Nay tao được Quan Thế Âm Bồ Tát độ cho rồi, sẽ không báo oán mày nữa đâu. Nói xong thì chìm xuống sông, không còn thấy đâu nữa. Cho nên theo bần ni thì ca nhi đây không phải là con cái nương nương, mà chính là oan gia tiền thế tới làm hại nương nương. Nhưng nhờ nương nương chuyên tâm tin Phật, lại vừa làm công đức in một ngàn năm trăm bộ kinh, nhờ đó mà nương nương không bị làm hại. Do đó mà ca nhi phải bỏ đi. Nay mai nương nương sinh hạ một ca nhi khác, thì đó mới thật là con của nương nương.

Bình Nhi nghe nói chỉ nước mắt lã chã tuôn rơi.

Sáng hai mươi bảy, đám tang được diễn ra linh đình, trướng hồng, liễn đỏ, minh tinh nhà táng, một đoàn kéo đi. Ngô Đạo quan sai mười hai người tiểu đạo đi xung quanh linh cữu mà tụng kinh. Thân bằng quyến thuộc đi xung quanh Tây Môn Khánh mà khuyên giải. Tây Môn Khánh sợ Bình Nhi yếu sức, dễ sinh thương cảm nên không cho đi. Chỉ có Nguyệt nương và tiểu thiếp khác, mỗi người một kiệu đi theo. Bên cạnh đám tiểu thiếp có các thân bằng quyến thuộc phái nữ như Ngô Đại cữu mẫu Quế thư, Ái Nguyệt, Trịnh Tam Thư v.v... Tuyết Nga, Ngân Nhi và hai sư bà ở lại nhà để khuyên giải Bình Nhi.

Bình Nhi không được đi theo đám tang thì chạy xô ra cửa mà kêu khóc, không ngờ đụng đầu vào cửa trâm thoa rơi ra, trán bị thương chảy máu. Ngân Nhi và Tuyết Nga hoảng quá, vội dìu vào phòng săn sóc và an ủi. Vào tới phòng, Bình Nhi nhìn vào giường, nơi Tố Quan vẫn nằm ngồi, thấy trống vắng lạnh lùng, lại đau đớn kêu khóc không thôi. Ngân Nhi cầm tay nói:

- Xin nương nương đừng khóc nữa, ca nhi đã bỏ nương nương mà đi thì khóc mấy cũng không lấy lại được. Nương nương chẳng nên quá phiền não mà có hại cho sức khỏe.

Tuyết Nga cũng nói:

- Thư thư còn đang trong tuổi thanh xuân, lo gì không sinh được một ca nhi khác. Nơi đây tai vách mạch rừng, tôi không muốn nói nhiều, nhưng kẻ nào nó dụng tâm ám hại ca nhi thì trời sẽ hại nó, thì ca nhi sẽ đòi mạng nó. Tôi và thư thư đều bị nó làm hại mấy lần rồi, còn lạ gì nữa. Gia gia chỉ đến với tôi có một đêm mà nó cứ lồng lộn lên. Cả năm gia gia mới tới với tôi một lần chứ có nhiều nhặn gì đâu, vậy mà nó gặp ai cũng nói xấu tôi đủ điều Nhưng thôi, mình đừng nói gì cả, hãy cứ xem nó thế nào. Con dâm phụ đó nay mai không chết khổ chết sở thì tôi chớ kể.

Bình Nhi lắc đầu thở dài:

- Thân tôi hiện cũng đang bệnh, chẳng biết sống chết ngày nào, không tranh chấp nổi với nó đâu, cứ mặc kệ nó là xong.

Đang nói chuyện thì nhũ mẫu Như Ý bước vào quỳ trước mặt Bình Nhi khóc mà nói:

- Tôi có điều này muốn thưa với nương nương. Nay ca nhi đã bỏ đi, tôi sợ gia gia đuổi tôi ra, số tôi con thì chết, chồng không có, rồi tôi biết đi đâu? Thật khốn khổ cho thân tôi.

Bình Nhi thấy vậy cũng xúc động bảo:

- Việc gì khéo lo, ca nhi chết chớ ta có chết đâu. Ta chưa chết thì ngươi chưa thể bị đuổi ra khỏi nhà này được. Vả lại ít ngày nữa biết đâu Đại nương chẳng sinh hạ ca nhi hoặc tiểu thư, lúc đó ngươi lại được dùng tới. Việc gì phải lo!

Nhũ mẫu yên lòng, lạy tạ rồi lui vào. Bình Nhi ngồi nhớ con lại khóc. Ngân Nhi hỏi:

- Nương nương đã có cái gì trong bụng cho no chưa mà cứ ngồi khóc hoài vậy?

Đoạn quay lại bảo Tú Xuân đem cơm và đồ ăn ra. Ngân Nhi cùng Tuyết Nga dỗ cho Bình Nhi ăn. Bình Nhi chỉ ăn được nửa bát cơm rồi thôi.

Trong khi đó Tây Môn Khánh nhờ Từ tiên sinh xem hướng thất rồi mai táng Tố Quan cạnh mộ phần của người vợ trước của mình là Trần thị. Sau đó Tây Môn Khánh cho đặt tiệc tại chỗ đãi mọi người.

Tống táng xong xuôi, trở về nhà, Nguyệt nương, Kiều Đại nương và Bình Nhi lại khóc lóc một hồi. Bình Nhi lạy Kiều Đại nương rồi khóc mà nói:

- Tôi vô phúc không nuôi được con, chỉ hiềm làm lụy tới tiểu thư bên thân gia, mới bấy nhiêu mà đâu trở thành góa bụa. Tôi thật lao nhi vô công, xin thân gia đừng chê cười.

Kiều Đại nươngvội đỡ Bình Nhi dậy mà bảo:

- Sao thân gia lại nói vậy? Con cái mình đứa nào cũng có số, ai biết trước được tương lai chúng nó thế nào. Ông bà có câu "Tiên thân, hậu bất cải". Thân gia còn trẻ, lo gì không sinh được ca nhi nữa, xin chớ quá phiền não.

Nói xong vái chào mà về.

Từ tiên sinh uống rượu trên đại sảnh rồi làm phép trừ tà, sau đó cáo từ. Tây Môn Khánh tặng hai lạng bạc và một xấp lụa.

Sau đó Tây Môn Khánh sợ Bình Nhi xúc cảm quá độ, bèn sai Nghênh Xuân thu nhặt tất cả những đồ chơi và vật dụng gì có dính dấp tới Tố Quan, cất hết vào một nơi, không để Bình Nhi nhìn thấy.

Tối hôm đó, Tây Môn Khánh lại nghỉ với Bình Nhi, và hết lời khuyên giải vỗ về...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx