Kính Tế thoát chết, nhưng vốn liếng bị Dương Đại lang lừa hết, tiền bạc trong nhà không còn, căn nhà cũng phải cầm đi, gia nhân Trần Định trong lúc Kính Tế nằm nhà lao đã vơ vét đồ đạc đánh giá trong nhà đem bán rồi ôm tiền đi luôn. Kim Bảo thì bỏ về ca lâu. Kính Tế muôn phần thiếu hụt, chỉ ngày ngày tới nhà Dương Đại lang hoặc tìm gặp các bạn hàng dọ hỏi tin tức Dương Đại lang.
Một hôm, Kính Tế tìm đến nhà Dương Đại lang gọi cổng:
- Quang Ngạn có nhà không?
Dương Đại lang hiệ đã về nhà, sau khi đem thuyền hàng bán hết ở ngoài, nhưng thấy Kính Tế gặp chuyện tù tội, nhà cửa sa sút, nay tới gọi cổng, thì xui em trai là Dương Nhị Phong ra, nạt nột Kính Tế rằng:
- Huynh đem đại ca tôi đi, nói là buôn bán gì mà cả mấy tháng nay biệt vô âm tín, hay là huynh đã liệng đại ca tôi xuống khúc sông nào để đọat tiền bạc. Đã ám hại đại ca tôi như vậy mà bây giờ còn làm bộ tới đây hỏi han để che tội hay sao? Hàng hoá của huynh không quan trọng, tính mệnh đại ca tôi mới là quan trọng, huynh làm sao trả lời tôi đây.
Nguyên Dương Nhị Phong cũng là tên côn đồ, chuyên làm tiền thiên hạ, nay phùng mang trợn mắt, hoa chân múa tay mà nạt nộ Kính Tế, nói xong lại sấn tới túm lấy Kính Tế quát lớn:
- Đừng có giả mù che mưa, không cho ta biết tính mạng đại ca ta thì không xong với ta đâu. Ta đang định đi tìm ngươi thì ngươi dẫn xác tới, đã vậy ta quyết không tha, ta đánh ngươi một trận xem ngươi ăn nói làm sao?
Nói xong hoa quyền định đánh. Kính Tế hoảng lên, vuột ra mà chạy bán sống bán chết về nhà, đóng chặt các cửa trong ngoài lại.
Dương Nhị Phong làm dữ đuổi theo tới tận cửa, lấy gạch đá ném vào nhà rầm rầm rồi lớn tiếng chửi bới, réo cha réo mẹ Kính Tế ra mà chửi. Kính Tế ngồi yên trong nhà, không dám ra lời, vả lại vừa mới bị đánh thừa sống thiếu chết tại huyện đường, nên không dám hó hé gì.
Thật là:
Cỏ non sợ sương, sương sợ mặt trời,
Kẻ ác chỉ sợ kẻ ác hơn thôi.
Ít ngày sau thì Kính Tế phải bán luôn cả căn nhà, được bảy chục lạng bạc, rồi thuê một căn phòng nhỏ ở trong hẻm mà ở. Sau đó lại bán a hoàn Trùng Hỷ đi, chỉ giữ lại a hoàn Nguyên Tiêu và coi như vợ của mình.
Ít lâu sau thì gia nhân Trần An cũng bỏ đi, kế đó Nguyên Tiêu cũng bị bệnh mà chết, Kính Tế trơ trọi một mình, đồ đạc quần áo bán dần hết. Rồi tiền nhà cũng không trả nổi, bị chủ nhà đuổi ra, lang thang đầu đường xó chợ, được bọn thanh niên du thủ du thực giúp đỡ, cho làm thuê làm mướn những công việc lặt vặt.
Một đêm vào khỏang tháng chạp, tuyết rơi ngập trời, gió thổi như cắt da, lạnh như xé thịt, Kính Tế lang thang các đường các hẻm, run lên bần bật, chợt thấy một đứa bạn lạnh quá, gục xuống một chân tường, vội đi kiếm cỏ tới đốt sưởi cho tên bạn đó, rồi mệt mỏi ngả lưng xuống cạnh đó mà thiếp đi.
Trong giấc ngủ chập chờn, Kính Tế nằm mơ thấy mình sống trong nhà Tây Môn Khánh, vinh hoa phú quý, cùng Kim Liên lén lút gặp gỡ trao tình. Lát sau tỉnh dậy bật khóc.
Mấy đứa bạn du thủ du thực kéo đến, thấy vậy hỏi:
- Sao lại khóc?
Kính Tế tủi thân đáp:
- Các huynh không biết được nỗi khổ của tôi đâu, xin đừng hỏi làm gì. Tôi nay vợ đã chết, không có cái áo mà mặc, hột cơm mà ăn, đồ đạc cửa nhà bán hết, gia nhân đầy tớ bỏ đi, chỉ còn một thân một mình lang thang đây đó, la cà các nơi trà đình tửu điếm mà kiếm miếng cơm thừa, đêm thì ngủ đường ngủ chợ, thân tôi rồi biết ra sao.
Hôm sau, Kính Tế lại tiếp tục cuộc sống lang thang như vậy, có lúc đói đã phải xin cơm mà ăn, thực sự là một kẻ ăn mày.
Trong huyện Thanh Hà có một ông gìa họ Vương tên Tuyên, tự là Đinh Dụng, tuổi ngoài lục tuần, vốn người từ tâm, trọng nghĩa kính tài, chuyên cứu giúp kẻ khốn cùng nghèo khổ, lại có lòng tin tưởng trời phật quỷ thần, chăm lễ bái, sinh được hai con trai đều đã thành gia thất. Con trưởng là Vương Càn, hiện được kế tập chức tước tổ tiên, làm Chánh Thiên hộ tại sở Mục mã. Con thứ hai là Vương Thần, hiệ là học sinh tại trường phủ.
Vương Tuyên lại hùn với một người quản lý, mở một tiệm cầm đồ, lợi tức dồi dào nên trong nhà được sung túc. Vương Tuyên suốt ngày phong lưu nhàn hạ, thường đọc kinh, nghe giảng đạo hoặc ra đứng cửa bố thí cho những kẻ khốn cùng.
Sau vườn nhà có hai cây hạnh, Vương Tuyên lập một cái am nhỏ để tới đó tụng kinh niệm Phật. Do đó lấy hiệu là Hạnh Am cư sĩ.
Một hôm Hạnh An cư sĩ khăn áo chỉnh tề, đứng cửa nhìn ra đường, thấy KínH Tế từ xa đi lại, ngừng ở trước cổng, hướng vào trong mà lạy. Hạnh Am cũng vội vái trả lễ rồi bước ra hỏi:
- Cậu là ai? lão già rồi mắt nhìn không rõ nên nhất thời không thể nhận ra.
Kính Tế đứng dậy run rẩy thưa:
- Chẳng giấu gì lão ông, tiểu nhân là Trần Kính Tế, con của Trần Hồng.
Hạnh Am ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi lại:
- Cậu đúng là lệnh lang của Trần Đại Khoan sao?
Kính Tế đáp:
- Đại Khoan chính là thân phụ của tiểu nhân.
Hạnh Am thấy Kính Tế áo quần lam lũ, hình dung tiều tuỵ thì hỏi:
- Hiền điệt ơi, làm sao mà ra nông nổi này? phụ mẫu bây giờ ở đâu, có được bình an chăng?
Kính Tế chảy nước mắt đáp:
- Phụ thân tiểu điệt mất tại Đông Kinh, mẫu thân tiểu điệt thì cũng mãn phần cách nay ít lâu.
Hạnh Am nói:
- Ta nghe nói là hiền điệt ở với nhà vợ mà.
Kính Tế đáp:
- Nhạc phụ tiểu điệt đã qua đời, nhạc mẫu lại đuổi tiểu điệt ra ngoài, tiện nội cũng đã thất lộc. Sau đó nhạc mẫu tiểu điệt lại tố cáo tiểu điệt tại huyện đường là bức tử vợ, tiểu điệt bị đánh đòn, về phải bán hết nhà cửa đồ đạc. Có chút tiền vốn lại bị một người bạn lừa hết, hiện nay tiểu điệt không nơi trú ngụ, không cách mưu sinh.
Hạnh Am hỏi:
- Vậy hồi này hiền điệt sống như thế nào? ăn ở tại đâu?
Kính Tế nín lặng không đáp, mãi sau mới nước mắt ròng ròng kể hết nỗi khổ cực hiện tại cho Hạnh Am nghe. Hạnh Am nghe xong thương xót lắm, bảo:
- Thật không ngờ ngày nay hiền điệt lại phải đi xin ăn. Nhớ hồi xưa gia đình hiền điệt muôn phần vinh hoa phú quý. Ta với phụ thân hiền điệt là chỗ tương giao thân tình, nay thấy hiền điệt còn nhỏ tuổi này là phải mài miệt kinh sử tạo công danh, vậy mà lưu lạc không nơi nương tựa, thất đáng thương lắm. Chắc là cũng phải còn họ hàng thân thích, sao hiền điệt không tìm tới nương nhờ?
Kính Tế đáp:
- Tiểu điệt cũng còn người cậu họ Trương, nhưng không còn tại chức nữa, gia tư chẳng có gì nên không tiện nhờ vả.
Hạnh Am mời Kính Tế vào nhà, sai gia nhân dọn rượu thịt lên cho ăn. Kính Tế ăn uống đến cứng bụng mới thôi, lâu lắm rồi Kính Tế mới được ăn ngon và no như thế.
Hạnh Am thấy Kính Tế quá thiểu não, bèn sai lấy ra cho một cái áo lụa, một cái mũ nhỏ, một đôi giày, một lạng bạc và một xâu năm trăm tiền đồng, rồi dặn:
- Hiền điệt à, mũ áo giày dép này là để hiền điệt mặc tạm, tiền đồng là để hiền điệt sống qua ngày, còn một lạng bạc lấy làm vốn, buôn bán chút ít vật dụng gì đó mà sống. Cũng nên thuê tạm một căn phòng mà ở, chứ lang thang như thế này mãi sao được, tiền phòng tháng tháng hết bao nhiêu, cứ lại đây ta sẽ giúp cho.
Kính Tế sụp xuống đất lạy tạ mà nói:
- Vạn tạ lão bá, tiểu điệt xin tuân lời.
Nói xong nhận các tặng vật rồi cáo từ mà đi.
Nhưng Kính Tế chẳng tìm phòng mà thuê, cũng chẳng làm ăn buôn bán gì, chỉ dùng năm trăm tiền đồng, hàng ngày vào tiệm ăn uống, số bạc một lạng cũng đem đổi tiền mà ăn uống phung phí. Chẳng bao lâu, mũ áo, giày do Hạnh Am cho cũng cởi ra đem bán, rồi lại xin ăn như cũ.
Một hôm, Kính Tế cùng đường, lại lần mò đến nhà Vương Hạnh Am. Hạnh Am đang đứng tại cửa, lại thấy Kính Tế tới sụp lạy, quần áo lam lũ, mặt mày tiều tuỵ y như lúc trước, lạnh run cầm cập, thì ngạc nhiên, nhưng cũng đáp lễ rồi hỏi:
- Hiền điệt làm ăn buôn bán ra sao? bây giờ cần tiền trả tiền thuê nhà phải không?
Kính Tế nín lặng. Hạnh Am gạn hỏi mãi mới đáp:
- Tiểu điệt chẳng còn gì, xin lão bá thương cho.
Hạnh Am bảo:
- Hiền điệt thế thì tệ quá, chẳng chịu chăm chỉ làm ăn, khiến bây giờ lại phải đi xin ăn để người ta chê cười khinh miệt, đến nhục cả tổ tiên. Tại sao không nghe theo lời ta?
Nói xong lại gọi Kính Tế vào nhà, sai gia nhân An Đồng dọn cơm rượu ra cho ăn.
Kính Tế ăn no xong, Hạnh Am cho ít quần áo, một xâu tiền đồng và một đấy gạo mà bảo:
- Cầm lấy đi, số tiền nhỏ này cũng có thể giúp hiền điệt buôn bán mấy thứ lặt vặt mà sông qua ngày, không phải đi xin ăn nữa.
Kính Tế chỉ vâng vâng dạ dạ nhận tặng vật mà đi.
Nhưng chỉ ít hôm sau, Kính Tế lấy tiền đãi bọn du thủ du thực ăn uống hết, đến cả quần áo vừa được cho cũng đem bán luôn, và lại trở về cuộc sông lang thang như trước.
Một hôm tháng giêng, Kính Tế đói khổ quá, không chịu thấu, lại mon men tới lảng vảng gần nhà Vương Hạnh Am. Hạnh Am nhìn thấy Kính Tế nhưng cứ làm ngợ Kính Tế không biết sao, đành phải bước tới gần, bò rạp xuống đất tiến vào cổng mà sụp lạy, rồi cứ phủ phục trên đất, không đứng dậy. Vương lão ông thấy Kính Tế chứng nào tật ấy, rách rưới khổ sở như trước thì bảo:
- Thật ta không còn biết nói sao, đời hiền điệt tuy còn dài nhưng ngày tháng như thoi đưa, không lo làm ăn chăm chỉ thì làm sao sống được. Thôi, cứ đứng dậy để ta nói cho mà nghe, có một nơi mà hiền điệt có thể tới được, vừa yên thân lại được thanh nhàn, nhưng chỉ sợ hiền điệt không chịu.
Kính Tế ngẩng đầu lên, nhưng vẫn quỳ, khóc mà nói:
- Nếu được lão bá thương chỉ cho một chỗ an thân thì tiểu điệt xin nghe lời.
Vương lão ông bảo:
- Cách thành không xa có ngôi miếu, vùng đó thuộc bến Lâm Thanh, địa phương trù mật, dân sinh phong túc, thuyền bè xe cộ tấp nập, bạc tiền trong miếu dồi dào nhờ khách thập phương cúng quảy, vị đạo sĩ trụ trì tại đó lại là chỗ cực thân tình với ta, hiện có dưới tay vài ba đồ đệ. Nay ta tính là sọan một lễ cho hiền điệt tới đó xuất gia làm đồ đệ của đạo sĩ đó, để học kinh học đạo mà làm điều phúc cho người, hiền điệt nghĩ sao?
Kính Tế đáp ngay:
- Được lão bá thương mà giúp cho như vậy thì còn gì bằng.
Vương lão ông bảo:
- Nếu vậy bây giờ đi đâu thì đi, ngày mai là ngày tốt, tới đây rồi ta sẽ dẫn đi.
Kính Tế lạy tạ mà đi.
Vương lão ông gọi thợ may bảo may hai bộ quần áo đạo sĩ, lại sai mua một mũ đạo, một đôi giày đạo và chuẩn bị sẵn lễ vật.
Sáng hôm sau Kính Tế tới, Vương lão ông bảo vào trong tắm rửa sạch sẽ, đội mũ đạo, mặc áo đạo, đi giày đạo, lại sai gia nhân cho mượn một con ngựa để cưỡi, hai gia nhân An Đồng và Hỷ Đồng đem một quả lễ vật gồm hoa quả bánh trái, một hũ rượu và năm lạng bạc đi theo.
Ra tới ngôi miếu ở ngoại thành, đường xa bảy mươi dặm, đi gần một ngày. Vương lão ông xuống ngựa, dẫn mọi người vào miếu. Nơi đây tùng bách sum suê cao vút, phong cảnh thật thanh tĩnh.
Tiểu đồng trông thấy, vội vào báo với Nhiệm đạo sĩ. Nhiệm đạo sĩ mũ áo chỉnh tề ra nghênh tiếp. Vương lão ông bảo Kính Tế và gia nhân đứng ngoài chờ rồi theo Nhiệm đạo sĩ vào phương trượng.
Vào tới Tùng Hạc hiên trong phương trượng, hai người bạn già thi lễ rồi phân ngôi chủ khách mà ngồi dùng trà. Nhiệm đạo sĩ nói:
- Lâu lắm không thấy Vương lão cư sĩ quá bộ tới tệ miếu, nay tới đây quả là hân hạnh cho tiểu đạo lắm.
Vương lão ông đáp:
- Cũng vì chuyện nhà bận rộn nên lâu không tới bái vọng đạo trưởng được, xin thứ lỗi.
Qua một tuần trà, Nhiệm đạo sĩ nói:
- Bây giờ cũng chiều rôi, thỉnh lão cư sĩ nghỉ lại đêm nay.
Đoạn quay lại bảo tiểu đồng:
- Ra dẫn ngựa vào chuồng ngựa sau miếu.
Vương lão ông nói:
- Nếu vô sự thì tiểu đệ không dám tới làm rộn cửa tam bảo, hôm nay tới đây là có một việc phiền đạo huynh, chẳng hay tôn ý thế nào, có sẵn lòng giúp cho chăng?
Nhiệm đạo sĩ nói:
- Sao lão cư sĩ lại dạy thế? có điều gì, xin cứ dặn, tiểu đạo đâu dám trái mệnh.
Vương lão ông nói:
- Có đứa con trai của người bạn cũ của tiểu đệ, họ Trần, tên Kính Tế, năm nay hai mươi bốn tuổi, hình dung cũng thanh tú, trí óc cũng không quá đần độn. Vì phụ mẫu sớm qua đời nên nó thất học từ nhỏ. Gia đình nó cũng không phải thua kém gì ai, nhưng gặp cơn gia biến mà cửa nhà tan nát, của cải tiêu ma, nó hiện không nơi nương tựa, không có người dạy bảo. Tiểu đệ nghĩ tình cố tri với cha nó mà muốn xin cho nó được theo làm đồ đệ của đạo huynh, vậy xin đạo huynh cho biết tôn ý.
Nhiệm đạo sĩ đáp:
- Hiềm tiểu đệ ít đức, nên tuy có hai tên đồ đệ mà chẳng đứa nào ra hồn, còn người này chẳng hay có thật tâm không?
Vương lão ông đáp:
- Thằng nhỏ này coi cũng có vẻ thành thật, nó cũng có nguyện tâm, lại là đứa lanh lợi, dạy được nhiều việc, xin lão đạo huynh yên tâm. Nó có thể là đồ đệ của lão huynh được.
Nhiệm đạo sĩ hỏi:
- Bao giờ thì người đó tới?
Vương lão ông đáp:
- Hiện tôi đã dẫn tới và nó đang đứng hầu ở ngoài, tôi cũng có chút lễ bạc, xin lão đạo huynh đừng chê cười mà nhận giùm cho.
Nhiệm đạo sĩ vội bảo:
- Sao lão cư sĩ không nói sớm.
Đoạn quay lại bảo tiểu đồng:
- Ra mời vào.
Kính Tế và hai gia nhân đem lễ vật vào. Nhiệm đạo sĩ cầm thiếp coi, thấy viét một xấp đoạn, mười cân cá, hai cặp vịt quay, năm cân hoa quả, năm lạng bạc và một hồ rượu. Bên dưới đề: "Văn sinh Vương Tuyên kính bái". Nhiệm đạo sĩ đọc xong vội đứng dậy vái tạ:
- Lão cư sĩ cho nhiều quá, khiến cho tiểu đạo không nhận thì mang tội bất kính, mà nhận thì trong lòng hổ thẹn.
Lại nhìn sang Kính Tế, thấy ăn mặc đạo y tề chỉnh, mặt mày thanh tú, răng trắng môi hồng, da như thoa phấn, trong lòng vui vẻ lắm.
Kính Tế bước tới lạy tám lạy.
Nhiệm đạo sĩ hỏi:
- Thanh xuân bao nhiêu?
Kính Tế đáp:
- Con tuổi Ngọ, năm nay hai mươi bốn tuổi.
Nhiệm đạo sĩ bảo:
- Ta coi ngươi quả là lanh lợi, nay đặt cho pháp danh là Trần Tông Mỹ.
Nguyên Nhiệm đạo sĩ có hai đồ đệ, đại đồ đệ họ Kim, tên Tông Minh, nhị đồ đệ họ Từ, tên Tông Thuận, do đó mới đặt pháp danh cho Kính Tế là Tông Mỹ.
Lúc đó trời cũng nhà nhem tối, Nhiệm đạo sĩ sai tiểu đồng thắp đèn dọn bàn, bày cơm rượu, đầy bàn toàn là thịt cá gà vịt ngon lành.
Nhiệm đạo sĩ ân cần mời rượu Vương lão ông, nhưng Vương lão ông không uống được nhiều, chỉ qua vài tuần rượu là đã ăn cơm. Sau đó được dẫn vào trai phòng, giường chiếu dọn sạch sẽ, Vương lão ông nghỉ đêm tại đó.
Sáng sớm hôm sau, tiểu đồng đem nước rửa mặt tới. Vương lão ông rửa mặt đội khăn mặc áo tề chỉnh rồi ra ngoàoi uống trà với Nhiệm đạo sĩ. Sau vài tuần trà là bữa ăn sáng, bữa này cũng có rượu.
Ăn uống xong, Vương lão ông đứng dậy cáo từ. Nhiệm đạ sĩ sai tiểu đồng dẫn ngựa ra cho Vương lão ông, lại thưởng tiền cho hai gia nhân.
Lúc sắp ra về, Vương lão ông gọi Kính Tế ra dặn:
- Ở đây phải gắng công học tập kinh điển, lại phải nghe lời chỉ dạy của sư phu, ta sẽ tới đây thăm ngươi luôn, đem các vật dụng cần thiết tới cho ngươi.
Đoạn lại quay sang nói với Nhiệm đạo sĩ:
- Nếu nó không chịu nghe lời giáo huấn, xin lão đạo huynh cứ thẳng tay trừng trị, tiểu đệ không dám che chở cho nó.
Rồi lại quay lại dặn Kính Tế lần nữa:
- Từ nay ngươi nhất đinh phải sửa đổi tính tình mà chuyên tâm học đạo, nếu ngươi lại không chịu an phận thì ta không ngó ngàng tới nữa đâu.
Kính Tế luôn miệng vâng dạ.
Vương lão ông cáo từ Nhiệm đạo sĩ, lên ngựa mà về.
Từ đó Kính Tế trở thành một đạo sĩ.
Nhiệm đạo sĩ tuy tuổi già nhưng thân hình cao lớn tráng kiện, mặt mũi phương phi, râu rậm như chổi, tiếng nói sang sảng, giỏi nói chuyện, uống rượu nhiều, chuyên lo việc tiếp đón khách khứa tới lui. Mọi việc trong miếu đều do đại đồ đệ Kim Tông Minh lo liệu.
Nơi đây gần bến Lâm Thanh, thuyền bè qua lại rất nhiều. Khách thương qua lại thường tới miếu hoặc tế thần cầu phúc, hoặc xin xâm đoán quẻ. Tiền bạc cúng vào miếu do đó dồi dào, phẩm vật đem tới không thiếu thứ gì. Vì tiền bạc dồi dào, nên Nhiệm đạo sĩ bỏ tiền ra cho đồ đệ mở một cửa tiệm buôn bán tại bến Lâm Thanh để sinh lời.
Đại đồ đệ Kim Tông Minh cũng chẳng phải là người tốt đẹp gì, năm nay ngoài ba mươi tuổi, thường la cà tửu điếm ca lâu và các nhà kỹ nữ, rõ ràng là phường tửu sắc. Theo Kim Tông Minh còn có hai tiểu đồng giúp việc cũng thường được theo Tông Minh tới đủ các nơi.
Tông Minh thấy Kính Tế hình dung nho nhã thanh tao, mặt mày tuấn tú thì gọi tới, bảo ở chung phòng với mình. Tối đầu tiên, Kim Tông Minh dọn rượu, cùng Kính Tế uống tới đêm. Lúc đi ngủ, Tông Minh cho Kính Tế nằm cùng giường, nhưng sau thì chê chân Kính Tế đi giày có mùi hôi, bèn đuổi qua giường bên cạnh. Kính Tế không nói gì, nhưng trong bụng nghĩ thầm:
"Tên này láo thật, nó coi mình không ra gì. Được rồi, cứ để đó, mình sẽ dịu ngọt với nó để nó chia cho mình ít tiền. Nhưng bây giờ thì phải cho nó biết tay đã".
Nghĩ xong, cất tiếng kêu lớn lên. Tông Minh sợ Nhiệm đạo sĩ nghe được, vội nhỏm dậy chạy sang bịt miệng Kính Tế mà bảo:
- Kìa, hiền đệ, đừng kêu lớn như vậy, hiền đệ muốn gì tôi cũng nghe theo. Đừng có làm ồn.
Kính Tế thấy sự thử thách bước đầu có lợi, liền tấn công ngay:
- Nếu vậy thì đạo huynh phải nghe theo tôi ba điều mới được.
Tông Minh bảo:
- Điều gì cũng được, tôi nghe theo hiền đệ hết.
Kính Tế bảo:
- Từ nay huynh không được ngủ chung với hai tên tiểu đạo của huynh nữa. Điều thứ nhì là chìa khoá tất cả các cửa lớn nhỏ trong miếu, huynh phải để tôi giữ. Còn điều thứ ba là tôi muốn đi đâu thì đi, huynh không được ngăn cản hoặc mách lại với sư phụ. Nếu huynh chịu ba điều đó thì tôi không tố cáo chuyện gì của huynh cả.
Tông Minh đáp:
- Không sao, tôi bằng lòng hết.
Từ đó hai người ngủ chung, chuyện trò thân mật tương đắc lắm.
Tông Minh cũng giữ đúng lời hứa, giao hết các chìa khoá cho Kính Tế. Hai người toa rập nhau trong việc lén lút ăn chơi.
Trước mặt Nhiệm đạo sĩ, Tông Minh luôn luôn khen ngợi Kính Tế là thành tâm học đạo. Nhiệm đạo sĩ tin lắm, giao chuyện tiền bạc cho Kính Tế. Thỉnh thoảng, Kính Tế lại giấu bớt tiền bạc do khách thập phương cúng, để ra bến Lâm Thanh, ăn chơi tại các nhà kỹ nữ ca nhi.
Một lần, Kính Tế quen được với một ca nữ là Trần Tam Nhị Tam Nhi cho biết là mụ đầu của Phùng Kim Bảo đã chết rồi, Kim Bảo bị đem bán cho nhà họ Trịnh, hiện Kim Bảo đang tiếp khách tại tửu lầu của nhà họ Tạ, Trần Tam Nhi kể xong lại hỏi:
- Chàng có muốn tới đó thăm nó không?
Kính Tế nghe vậy, tưởng nhớ tới Kim Bảo khôn nguôi, bèn trở về miếu trộm thêm tiền, rồi cùng Trần Tam Nhi tới ngôi đại tửu lầu trên bến Lâm Thanh.
Thật là:
Oan gia năm đời tụ hội,
Nhân duyên mấy kiếp tương phùng.
Toà tửu lầu này lớn và đẹp bậc nhất tại bến Lâm Thanh, trên dưới có cả trăm phòng cho khách tới uống rượu vui chơi, xung quanh có lan can, lưng dựa vào núi, mặt ngó ra sông, quả là nơi ăn chơi sang trọng nhất. Trước mặt thuyền khách đậu hàng dài, xe ngựa chen chúc, vương tôn công tử và các khách thương giàu có lui tới tấp nập. Khung cảnh trong tửu lầu lộng lẫy đến hoa cả mắt, suốt ngày đêm là ca vũ đàn kịch.
Trần Tam Nhi dẫn Kính Tế lên ngồi tại một phòng trên lầu, gọi tửu bảo dọn cơm rượu, rồi xuống lầu tìm Kim Bảo.
Lát sau, có tiếng chân bước lên trên cầu thang, rồi Kim Bảo bước vào. Hai người nhìn nhau, không nói được lời nào mà chỉ khóc.
Thật là:
Mặt nhìn mặt, luống ngỡ ngàng
Nghẹn lời không nói, đôi hàng châu sạ.
Qua phút bàng hoàng, Kính Tế mới kéo Kim Bảo ngồi xuống mả hỏi:
- nàng ơi, bấy lâu nay nàng ở đâu mà tôi tìm hỏi không ra?
Kim Bảo gạt lệ đáp:
- Từ sau khi chia ly, mẫu thân tôi vì lo sợ nên chẳng bao lâu thì qua đời, tôi bị đem bán cho Trịnh Ngũ ma ma, bây giờ thì tôi tiếp khách tại các tửu lầu, nhưng thường ở tửu lầu này nhất. Hôm qua Tam Nhi có nói là chàng coi sóc cửa tiệm tại đây, hôm nay gặp lại chàng thật không biết nói gì.
Nói xong lại khóc. Kính Tế rút khăn lau nước mắt cho Kim Bảo rồi nói:
- Nàng ơi, xin đừng quá phiền não, tôi bây giờ lại khá rồi. Sau khi gặp chuyện không may như nàng đã biết, nhà cửa của cải tôi chẳng còn gì, phải vào làm đạo sĩ trong miếu gần đây, nhưng tôi được trưởng đạo tin cậy lắm, lại cũng có đồng ra đồng vào, từ nay tôi sẽ đến với nàng luôn.
Lại hỏi:
- Hiện nay nàng cư ngụ tại đâu?
Kim Bảo đáp:
- Tôi ở ngay tại tửu lầu này với Lưu Nhị. Tửu lầu này có tới một trăm mười phòng, các ca nhi kỹ nữ đều được ở luôn tại đây.
Hai người trò chuyện một lúc thì Kim Bảo mời Kính Tế về phòng mình dọn rượu khoản đã, lại lấy đàn tỳ bà ra đàn hát cho Kính Tế uống rượu. Hát rằng:
Ba chén ly bôi
Ly bôi ba chén
Lệ chảy đôi hàng
Đôi hàng lệ chảy
Loan Phụng chia lìa
Tơ duyên chợt gãy
Loan xa phượng rồi
Ánh tà huy thoi thóp bên trời
Đêm về ngày hết
Vẫn còn quyến luyến bồi hồi
Dùng dằng mãi không thôi.
Đàn hát xong, Kim Bảo ngồi cạnh chuốc rượu cho Kính Tế. Lát sau, tình cũ dâng lên lai láng, hai người chung gối chung chăn.
Tới chiều, Kính Tế đưa cho Kim Bảo một lạng bạc, lại thưởng cho Tam Nhi ba trăm tiền đồng. Lúc về, Kính Tế còn dặn Kim Bảo:
- Tôi sẽ đến với nàng luôn để cùng nàng gặp gỡ nơi đây, nàng có cần gì thì cứ nhờ Tam Nhi.
Lúc xuống lầu, Kính Tế trả cho chủ tửu lầu là Tạ Nhị lang ba tiền cơm rượu. Kim Bảo theo tiễn một quãng đường xạ Hai người bịn rịn chia tay, Kính Tế thẳng đường về miếu.
@by txiuqw4