Ăn cơm xong, Quý ròm chưa kịp uống nước, nhỏ Diệp đã cầm khuỷu tay nó giật giật: - Lẹ lên anh! - Từ từ đã! - Trễ giờ rồi! - Nhỏ Diệp nhăn nhó, vừa nói nó vừa liếc đồng hồ trên tường. Ba nói: - Chưa đâu! Tám giờ người ta mới bắt đầu lận. - Thấy chưa! - Quý ròm way sang nhỏ em - Ðến sớm chỉ tổ ngồi đợi chứ ích gì! Hẳn nhiên một đứa trẻ khác không thể có được sự ung dung như Quý ròm. Ði xem kịch, đứa trẻ nào lại chẳng nôn nao. Mà không cứ là trẻ con. Người lớn cũng thế. Sắp đến giờ là chân cẳng rậm rịch, bụng dạ bứt rứt, mông đít cứ nhổm lên nhổm xuống hoài ấy chứ. Làm gì có cái chuyện thong thả, hờ hững thế ! Sở dĩ Quý ròm nhẩn nha làm vậy chẳng qua do nó xưa nay vốn không mề kịch. Nó chỉ thích xem xiếc và ảo thuật. Ðối với nó, xiếc mới là nghệ thuật cao cấp. Những nghệ sĩ xiếc mới là những người thực hiện được những điều phi thường. Ði trên than hồng, nằm trên mũi dao, đút đầu vào miệng cọp, đu bay trong không trung, toàn những cái đáng xem. Ảo thuật còn kỳ diệu hơn nữa. Ở đây, những thuật sĩ không những tài năng mà còn bí ẩn. Họ dễ dàng biến những điều không thể thành có thể: đi xuyên qua vách, cưa người ra làm đôi rồi ráp lại, cho thân hình lơ lửng giữa khoảng không, biến đàn ông thành đàn bà, con gà thành quả bóng và mớ giấy vụn thành những con bồ câu. Thật là mầu nhiệm. Một nhà khoa học bẩm sinh như Quý ròm tất nhiên biết tỏng đó là những trò nhanh tay lẹ chân và những ảo thuật gia xét cho cùng chỉ là bậc thầy trong nghệ thuật đánh lừa giác quan của con người. Nhưng không vì vậy mà sự cảm phục của nó bị giảm sút. Nó vẫn luôn mơ ước lớn lên sẽ trở thành một nhà ảo thuật tầm cỡ như David Copperfield đó thôi. So với hai nghệ thuật trên, kịch chẳng có gì đáng xem. Kịch chẳng có gì phi thường. Trên sân khấu, người ta nói, người ta cười, người ta khóc. Thì hằng ngày nó vẫn nhìn thấy người ta khóc, người ta cười, người ta nói y như thế thôi. Thậm chí nó thấy mọi thứ còn gần hơn, rõ hơn. Mỗi khi nhỏ Diệp bù lu bù loa vì bị nó cốc đầu hay giật mất một thứ quý hiếm nào đó, nó có thể trông rõ mồn một cái lưỡi gà trong cuống họng đang mở ra hết cỡ kia. Kịch trên ti-vi, Quý ròm rất ít khi để mắt. Nó chỉ xem các chương trình xiếc, ảo thuật, khoa học, các cuộc thi đố và cuối cùng là bóng đá. Cho nên bữa nay mặc cho nhỏ Diệp mặt nhăn mày méo vì sốt ruột, nó cứ ngồi ngân nga là đúng lắm. Thậm chí, lẽ ra nó đã ở nhà. Hôm qua, mua được cuốn Tuyển tập những bài toán cổ, nó hào hứng quá, định tối nay nằm đọc. Nhưng ngặt nỗi, nhỏ Diệp cứ nằng nặc đòi đi xem kịch. Chả là hồi trưa, vừa đi học về nhỏ Diệp tình cờ trông thấy một cặp vé mời trên bàn. Vé mời của đoàn kịch Vàm Cỏ. Trong nhà tự nhiên xuất hiện vé mời xem kịch là lạ lắm. Xưa nay chưa từng có bao giờ. Nhỏ Diệp chạy vù xuống bếp : - Mẹ ơi mẹ, có người mời nhà ta đi xem kịch hở mẹ ? - Ừ - Tuyệt quá ! Nhỏ Diệp reo lên thích thú. Ðang reo, chợt nhớ ra một chuyện quan trọng, nó bỗng ngừng bặt, thấp thỏm hỏi: - Vé mời có hai người thôi hở mẹ ? - Ừ Mặt nhỏ Diệp lập tức xịu xuống: - Như vậy là con không được đi rồi. Mẹ cười: - Làm gì mà xuôi xị thế. Con muốn đi xem thì nói anh Quý dẫn đi. Nhỏ Diệp ngạc nhiên: - Thế ba và mẹ không đi hở ? - Không. Tối nay ba mẹ bận công chuyện rồi. Thoắt cái, nhỏ Diệp đã lại nhảy tưng tưng: - Hay quá ! Nó vừa reo hò vừa nhảy chân sáo lên nhà trên. Vừa thấy Quý ròm ôm cặp bước vô, nhỏ Diệp hí hửng khoe ngay: - Anh Quý ơi, tối nay anh em mình được đi xem kịch. - Kịch ở đâu mà xem ? - Kịch người ta diễn ở rạp ấy. Quý ròm nhún vai: - Tự nhiên lại bày ra trò đi xem kịch. - Sao tại tự nhiên ? - Nhỏ Diệp chỉ tay lại đằng bàn - Có người gửi về mời nhà mình đi xem kịch kìa. Quý ròm bước lại bàn, tò mò cầm hai tấm vé mời lên xem: - Thế ba mẹ không đi à ? - Không. Tối nay ba mẹ bận công chuyện. Mẹ bảo anh dẫn em đi xem. Quý ròm đặt hai tấm vé xuống, hắng giọng: -Mày đi một mình đi. Tao là tao chúa ghét kich với cọt. Nhỏ Diệp ngơ ngác nhìn ông anh: - Làm sao em đi một mình được ? Quý ròm buông gọn: - Vậy mày ở nhà luôn ! - Không! Em không chịu đâu! - Nhỏ Diệp dậm chân bình bịch. Thấy con nhỏ chưa gì đã muốn sụt sịt, Quý ròm liền nói: - Không phải là tao không muốn dẫn mày đi. Nhỏ Diệp phồng má: -Rõ ràng là anh không muốn dẫn em đi! - Bậy! - Quý ròm hừ mũi - Chỉ vì đây là đoàn kịch không tên tuổi. Gì chứ đoàn kịch Vàm Cỏ là tao chưa từng nghe qua bao giờ! Nhỏ Diệp vùng vằng: - Anh đừng có mà kiếm cớ. Quý ròm cười kháy: - Mày cũng thừa biết đây là đoàn kịch chẳng hay ho gì mà. Nếu hay, ba mẹ đã đi xem rồi, đâu tới lượt tao và mày. - Ba mẹ không đi chỉ vì bận công chuyện thôi! - Mày ngốc quá! - Quý ròm hừ mũi - Ba mẹ không muốn đi nên nói vậy thôi! Thấy ông anh nêu đủ lý do để thoái thác, nhỏ Diệp đưa tay bịt chặt hai tai và lắc đầu quầy quậy: - Em không nghe anh nữa đâu! Mẹ từ dưới nhà đi lên, ngạc nhiên: - Hai anh em lại gây gỗ gì đấy ? Nhỏ Diệp nhìn mẹ bằng ánh mắt cầu cứu: - Anh Quý không chịu dẫn con đi xem kịch. Mẹ ngó Quý ròm: - Dẫn em đi xem đi con! Mẹ nói nhẹ nhàng, nhưng Quý ròm biết mình không thể nào thoái thác. Không thoái thác được, cho nên nó tìm cách trêu chọc nhỏ Diệp cho hả tức. Ăn cơm tối xong, nó cứ phởn phơ ngồi đằng ghế xa lông đọc sách, ra cái điều xem kịch là chuyện của ai chứ không phải của nó. Nhỏ Diệp ngồi bên cạnh, lòng nóng như lửa đốt, hết đảo mắt nhìn đồng hồ lại liếc sang ông anh, miệng giục chằm chặp: - Tới giờ rồi đó anh ! Quý ròm vẫn giả điếc, mắt cắm vào cuốn sách trên tay. Chắc chắn Quý ròm sẽ không rời mắt khỏi trang sách một lúc lâu nữa nếu ba nó không lên tiếng: - Ði được rồi đó tụi con! Ba nó can thiệp có nghĩa là ngay đến ông cũng sốt ruột trước sự đủng đỉnh quá đáng của nó. Quý ròm biết thế nên nó lật đật đứng lên khỏi ghế: - Vé đâu ? Nhỏ Diệp hớn hở đập tay lên túi áo: - Ðây. Dĩ nhiên, nhỏ em hớn hở bao nhiêu thì ông anh ủ rũ bấy nhiêu. Quý ròm nhét cuốn Tuyển tập những bài toán cổ vào ngăn tủ, mặt tiếc ngẩn. Nó dắt xe ra cổng, biết nhỏ Diệp lẽo đẽo sau lưng, bèn gầm gừ: - Lần này là thôi đấy nhé! - Thôi là sao ? - Là từ nay tới già, đừng bao giờ bắt tao dẫn đi xem kịch thêm một lần nào nữa chư" là sao!
@by txiuqw4