Thằng Mười đang học lớp bảy thì ba mẹ nó ra tòa ly hôn. Lúc đó ba nó đang phải lòng một người phụ nữ khác, người bây giờ là vợ sau của ba nó. Năm đó, thằng Mười mười hai tuổi. Mười hai tuổi, Mười còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát. Mẹ nó bảo vì ba mẹ giận nhau nên ba nó không ở nhà thường xuyên như trước, chỉ thỉnh thoảng về nhà thăm nó thôi. Thằng Mười đón nhận chuyện đó một cách hồn nhiên, thậm chí nó còn khoái chí vì nếu ba nó đi vắng dài ngày thì nó tha hồ được lêu lổng. Đến đầu năm học lớp tám, Mười mới biết chuyện gì đã thực sự xảy ra giữa ba mẹ nó. Từ đó, Mười đâm ra mặc cảm. Càng ngày nó càng nhận ra nó đang trải qua một cuộc sống không bình thường. Nó cảm thấy nó thua kém bạn bè. Trong lớp nó cũng có những đứa mồ côi cha. Như thằng Oánh chẳng hạn. Nhưng ba thằng Oánh qua đời khi thằng này còn bé. Còn ba nó thì vẫn sống sờ sờ ra đó nhưng lại không ở với mẹ con nó. Trong khi mẹ con nó ra vào lặng lẽ trong ngôi nhà thiếu vắng đàn ông thì ba nó đang sống hạnh phúc với một người phụ nữ khác, trong một gia đình khác. Mười ba tuổi, Mười bắt đầu căm ghét ba nó. Mẹ thằng Mười dần dần nhận ra sự thay đổi tâm tính của con trai. Bà nhỏ nhẹ nói, không muốn chứng kiến cảnh đứa con thù ghét người sinh ra mình: - Ba con không có lỗi gì trong chuyện này hết, Mười à. Ba mẹ tính tình không hợp nhau thì không sống với nhau nữa thôi. Thằng Mười sầm mặt xuống khi nghe mẹ nó bào chữa cho ba nó: - Mẹ lại bênh ba. Tại “bà ta” nên ba không sống với mẹ con mình. Mười không chịu gọi người vợ sau của ba nó là “dì” hay “má Hai” như người ta vẫn gọi. Nó lúc nào cũng “cô ta”, nổi cáu lên thì “bà ta” Mẹ thằng Mười lại nhẹ nhàng khuyên giải: - Con nghĩ về dì con không đúng rồi. Dì con không liên quan gì đến chuyện này. Sau khi chia tay mẹ, ba con mới gặp dì con. Mười không nghĩ là mẹ nói dối. Nhưng nó vẫn tức tối: - Ba con không thương con. Nếu ba thương con thì đã không lập gia đình với “bà ta”. - Mỗi người một hoàn cảnh con à. Mai này lớn lên con sẽ tha thứ cho ba con. Mẹ thằng Mười lại bùi ngùi nói. Nỗi giận của một người vợ trong lòng bà gần đây đã bị nhấn chìm dưới nỗi lo của một người mẹ khi thấy đứa con vì buồn bực mà bắt đầu xao nhãng chuyên học hành. Bà nhìn thằng Mười, hy vọng đầu óc nó sẽ lấy lại được thăng bằng nếu nó biết nghe lời bà. Nhưng Mười có vẻ sẵn sàng làm mọi chuyện, trừ chuyện tha thứ cho ba nó. - Từ lâu ba không còn quan tâm đến con nữa! – Nó nói, giọng giận dỗi. - Sao con lại nói thế! – Mẹ thằng Mười giật mình, vội nói – Ba con lúc nào cũng quan tâm đến con. Chỉ tại con không biết đó thôi. - Mẹ dựa vào đâu mà nói vậy? – Thằng Mười ngạc nhiên nhìn mẹ nó, căn cứ vào ánh mắt thì nó có vẻ như đang nghĩ là mình vừa nghe nhầm. Mẹ thằng Mười đành tiếp tục nói dối con trai. Bà bảo ba nó vẫn thường tạt qua sạp vải của bà ở chợ An Tây để hỏi thăm sức khỏe và chuyện học hành của nó. Có những hôm ba nó ghé về nhà, thấy phòng học của nó ngổn ngang, ba nó xoay trần ra lui cui dọn dẹp cả buổi... Thằng Mười thuỗn mặt nghe mẹ nó nói, lòng rưng rưng từng phút một. Nó bắt gặp nó đang hối hận vì đã trách oan ba nó. Thấy con trai có vẻ xiêu xiêu, mẹ thằng Mười chép miệng: - Ba con nói con cần gì thì nói với ba, ba sẽ mua cho con! Miễn là con cố học cho giỏi, thế là ba mẹ vui lòng rồi. Kể từ hôm đó, Mười đã thôi chán nản. Nó đã chú tâm dến bài vở hơn. Nó cảm thấy cuộc sống không tồi tệ như nó nghĩ, và cảm giác nặng nề không còn xâm chiếm nó như những ngày trước đây. Lần đầu tiên Mười xin tiền ba nó là để mua một chiếc xe đạp. Lúc đó, Mười vừa thi xong học kỳ một năm lớp tám, đang thèm một chiếc xe để đi chơi với tụi bạn trong những ngày hè. Mẹ thằng Mười dĩ nhiên thừa sức mua xe cho con nhưng khi Mười vòi tiền, bà thở dài: - Dạo này mẹ đang làm ăn khó khăn. Con viết thư hỏi ba con xem? Mười không ngờ nó mới viết thư hôm trước, sáng hôm sau nó đã lập tức nhận được tiền của ba nó. Giờ ra chơi, không biết bác bảo vệ hỏi ai mà biết nó tên Mười. Lúc bác ngoắt nó lại, thiệt tình là nó run lắm. Ở trường tụi nó ngán nhất là thầy giám thị, hai là bác bảo vệ. Bị một trong hai nhân vật này điểm danh thê nào cũng có chuyện rắc rối. Nhưng hôm đó bác bảo vệ kêu nó lại chỉ để hỏi: - Cháu là Phan Đình Mười học sinh lớp 8A2 phải không? - Dạ phải. – Lúc đó nó lí nhí đáp, bụng giật thon thót, không biết mình phạm phải tội gì. Mười trân trân nhìn bác bảo vệ, lo lắng khi thấy ông cúi xuống ngăn bàn tìm cái gì đó. Và nó hết sức ngạc nhiên khi thấy ông lấy ra một bao thư đẩy về phía nó: - Có người gửi cho cháu cái này nè. - Thư gì vậy bác? – Nó liếm môi hỏi, chưa dám cầm lấy bao thư. - Thì cháu cứ mở ra xem đi! Mười đón lấy bao thư, hí hoáy mở ra. Mắt nó tròn xoe khi thấy một xấp tiền nằm bên trong. - Ai gửi tiền cho cháu vậy bác? – Nó sửng sốt nhìn bác bảo vệ, không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. - Bác cũng không biết. – Bác bảo vệ khẽ lắc đầu – Bác hỏi, nhưng người đó không chịu nói tên. Mười nhìn xuống bao thư trên tay rồi ngước mắt lên, bần thần hỏi:- Người đó là nam hay nữ vậy hả bác? - Nam Bác bảo vệ gọn lỏn, rồi ông nheo mắt: - Chắc có “mạnh thường quân” nào muốn giúp đỡ cháu nhưng không muốn cháu trả ơn. Từng có nhiều chuyện như vậy mà. Mười nghĩ ngay đến ba nó. Đúng là ba nó rồi. Chắc ba nó không muốn cho tiền người con riêng trước mặt dì nó nên ông đã nghĩ ra cách này. Suốt buổi sáng nó ngồi học mà bụng cứ xốn xang. Nó vừa thấy buồn cười vừa thương ba nó. Trưa, Mười đem tiền về khoe với mẹ nó: - Ba gửi tiền cho con mua xe đạp nè. Mẹ. Mẹ nó vờ vĩnh: - Ba con đến trường gặp con à? - Ba không gặp con. – Mười lắc đầu. – Ba đưa tiền cho bác bảo vệ nhờ bác ấy đưa lại. Mẹ nó nheo mắt: - Sao bác bảo vệ biết người đó là ba con? - Bác bảo vệ đâu có biết. – Mười thấp thỏm nói, cảm thấy mẹ nó hình như không tin nó. – Bác ấy có hỏi nhưng ba con không nói mình là ai. Mẹ thằng Mười tiếp tục làm bộ dò hỏi: - Vậy sao con nghĩ đó là ba con? Các cách hỏi của mẹ làm thằng Mười thấy tổn thương quá. Nó kêu lên, như thể kêu oan giùm ba nó: - Là ba chứ ai nữa hả mẹ? Mẹ thằng Mười chỉ chờ có vậy, cuối cùng bà gật đầu khi nhận ra niềm tin vững chắc của đứa con vào tình cảm của ba nó: - Ờ, chắc là ba con rồi. Sau xe đạp đến máy nghe nhạc, đồng hồ đeo tay, rồi quần áo mũ nón... suốt từ năm lớp tám đến nay hễ thích thứ gì thằng Mười đều thoải mái xin tiền ba nó, bên cạnh các khoản tiền định kỳ cứ vài ba tháng ông lại gửi cho nó qua phòng bảo vệ nhà trường. Gần đây nhất ông cho nó tiền sắm computer và sáng nay là tiền gắn internet... Mười hoàn toàn không biết số tiền đó là của mẹ nó. ----------------------------- Tiểu Long và Quý ròm nghe mẹ thằng Mười kể chuyện mà tưởng như đang nghe chuyện cổ tích, miệng há hốc, mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ. Chuyện thằng Mười kể trong bài làm văn đã kỳ lạ rồi, hóa ra sự thật đằng sau câu chuyện kỳ lạ đó còn kỳ lạ gấp trăm lần. Hai đứa thô lố mắt ngắm người phụ nữ nhỏ thó dịu dàng đang ngồi thu mình trong sạp hàng trước mặt bằng ánh mắt xúc động và ngưỡng mộ như đang ngắm một kỳ quan. Chỉ vì thương con, mẹ thằng Mười không những không lên án chồng mà còn tìm mọi cách bảo vệ ông bằng cách tô vẽ ông thành một con người đẹp đẽ để hình ảnh người cha không sụp đổ trong mắt đưa con. Thậm chí, để nuôi nấng thành công hỉnh ảnh đó qua thời gian, bà không những phải cắn răng chịu đưng nỗi đau của một người vợ bị phụ rẫy mà còn cam tâm gánh chịu nỗi thiệt thòi của một người mẹ khi đóng vai một phụ huynh không có khả năng lo cho các con ăn học chu toàn. - Các cháu đã khám phá ra bí mật này nên bác đành phải nói sự thật cho các cháu biết. – Mẹ thằng Mười chép miệng nói, nhìn vẻ mặt bình tĩnh của bà Quý ròm ngạc nhiên không biết là bà làm cách nào để chịu đựng được tất cả những chuyện đó. Nó nhìn bà, ngập ngừng: - Thế chú áo xanh khi nãy... - Đó là em trai bác. Là cậu Tám của thằng Mười. Bác phải thuyết phục mất mấy ngày chú ấy mới thông cảm và nhận lời giúp bác. Mẹ thằng Mười cười nhẹ: - Cậu ấy vẫn còn giận ba thằng Mười mà. Tiểu Long khịt mũi: - Thế còn bác bảo vệ trường Thống Nhất và trường Đức Trí... - Lúc đầu bác và cậu Tám định giấu các bác ấy. Chuyện trong nhà có hay ho gì mà nói ra hả các cháu. – Đôi mắt mẹ thằng Mười thoáng xa xăm. – Nhưng các bác ấy cứ gặng hỏi. Cũng đúng thôi, nếu không biết nguồn gốc và lý do của số tiền đó, ai đời nào dám nhận. Cuối cùng cậu Tám đành phải nói rõ cho các bác ấy biết... Lúc Tiểu Long và Quý ròm chào về, mẹ thằng Mười cẩn thận nói thêm, nửa như dặn dò nửa như năn nỉ: - Nếu các cháu thương bác, thương thằng Mười thì các cháu không được để cho Mười biết chuyện nghe các cháu! Hai cái miệng cùng “dạ”, vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng thực sự thì cả Tiểu Long lẫn Quý ròm đều cùng chung một ý nghĩ: Dứt khoát phải cho thằng Mười biết được tình thương mênh mông mẹ nó dành cho nó! Tiểu Long dắt xe ra khỏi bãi, nôn nóng: - Tụi mình phải quay về trường tìm Hạnh. - Kể cho Hạnh nghe chuyện này á? - Ờ. Nghe xong, chắc Hạnh xỉu ra giữa lớp quá à. Quý ròm nhún vai: - Tao nghĩ khi xúi tụi mình... trốn học để theo dõi người gửi tiền có lẽ Hạnh cũng lờ mờ đoán ra sự lắt léo trong chuyện này rồi. Tiểu Long dựng mắt lên nhìn bạn: - Hạnh biết chuyện này do mẹ thằng Mười bày ra sao? - Hạnh chỉ không tin người gửi tiền là ba thằng Mười thôi. Nhưng Hạnh không biết người đó là ai. Có lẽ Hạnh không hình dung ra đó là mẹ thằng Mười. - Ở, ngay cả tụi mình cũng không tưởng tượng nổi. – Giọng Tiểu Long trở nên bâng khuâng. – Đến giờ, đã nghe mẹ thằng Mười kể rõ đầu đuôi rồi mà tao vẫn chưa quen được với câu chuyện này. Quý ròm gục gặc đầu, nó muốn nói một nhận xét thật sâu sắc và cảm động về mẹ thằng Mười không nghĩ ra được câu nào vừa ý, đánh chép miệng: - Một người mẹ hiếm có! Lúc hai đứa về tới trường thì lớp học đã tan. Quý ròm nhìn tụi bạn chen nhau ùa ra sân, định bụng lát nữa sẽ nói với nhỏ Hạnh rằng hôm nay mới đúng là “một ngày kỳ lạ” trong đời nó. Ờ, chưa bao giờ nó chứng kiến một câu chuyện lạ lùng như vậy. Rồi nó và Tiểu Long còn phải bàn bạc với nhỏ Hạnh nữa, bà đứa nó sẽ nghĩ cách làm sao cho thằng Mười biết được sự thật về vị ân nhân bí mật kia mà hình ảnh của ba nó vẫn nguyên vẹn trong tâm trí nó như mẹ nó hằng muốn. Ôi, khó quá! Khó ơi là khó! Nhưng cái khó đó có thể từ từ tính toán. Còn cái khó mà Quý ròm và Tiểu Long phải đối diện ngay lúc này mới thiệt là gay go: nhỏ Hạnh chưa thấy mặt mũi đâu, tụi nó đã chạm mặt nhỏ Minh Trung và thằng Mười ngay trước cổng trường rồi. Vừa nhác thấy lớp phó kỷ luật dắt xe ra, Quý ròm và Tiểu Long chưa kịp tránh, Minh Trung đã kêu lớn: - Ê! Long, Quý! Quý ròm đành bước lại, cười giả lả: - Lớp mình tan học rồi hở? Minh Trung không thèm trả lời Quý ròm. Nó quét mắt nhìn hai đứa từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu, theo cái cách công an dò xét tội phạm, giọng nghi ngờ: - Long và Quý đi khám bệnh về đó à? - Ờ. - Thế bác sĩ bảo sao? Quý ròm nhìn lên trời: - Bác sĩ bảo tụi này bị ngộ độc thức ăn. Minh Trung nhìn lom khom vào mặt Quý ròm, gục gặc đầu: - Ngộ độc thức ăn là đau lắm đó. Đau vật vã luôn. - Bạn nói đúng ghê! – Quý ròm gần như reo lên – Suốt buổi sáng tụi này đau lăn lộn luôn. Suýt rơi xuống khỏi giường mấy lần. Ba, bốn bác sĩ phải xúm vô giữ chặt tay chân tụi này lại. - Thế sao bây giờ mặt mày Long và Quý trông tươi tỉnh vậy? Trông còn khỏe mạnh hơn cả mình nữa! Minh Trung đột ngột hỏi “độp” một câu khiến Quý ròm và Tiểu Long chết đứng. Đã thế, thằng Mười vừa trờ tới, nghía miệng xía vô: - Hề hề! Nghe nói hồi sáng tụi mày đau đến “ngã vật xuống ghế” cơ mà! Sao tụi mày hết bệnh nhanh thế? - Tại mấy bạn không biết đó thôi! – Quý róm tặc lưỡi, đầu óc xoay tít - Ở bệnh viện có loại nước biển... hay lắm! Người sắp chết mà truyền vô một chai này là có thể ngồi bật dậy ngay. Tiểu Long phục miệng lưỡi thằng ròm quá. Nó thấy Minh Trung và thằng Mười hỏi ngặt, tưởng sắp òa ra khóc đến nơi, nào ngờ thằng bạn nó chỉ bịa một câu là thoát hiểm nhẹ như bỡn. Nó sướng quá, hứng chí a dua: - Còn chạy ra sân đá bóng được nữa ấy chứ! - Thôi đi, mày! – Quý ròm nạt – Đá bóng sao nổi mà đá bóng! Chỉ đạp xe chạy về trường như tụi mình là giỏi rồi! Thấy hai đứa này nói qua nói lại, Minh Trung bán tín bán nghi. Nhưng nó không buồn hạnh họe nữa. Nó liếc đồng hồ trên tay rồi leo lên xe, dọa: - Mình mà biết hai bạn bịa chuyện để trốn học là lớn chuyện đấy! Thằng Mười dòm theo Minh Trung một lát rồi quay lại nhìn Tiểu Long và Quý ròm, nhe răng cười: - Chết tụi mày rồi! - Tụi tao đau bụng thiệt chứ bộ! Quý ròm nhăn nhó nói, đầu không ngớt băn khoăn: Không rõ nhỏ Hạnh có nghĩ ra cách gì hay để tiết lộ cho thằng Mười biết bí mật của mẹ nó không há? Hay mình lại phải về nhà hỏi ý kiến nhỏ Diệp giống như... thủ tướng thăm dò ý kiến dân chúng? Quý ròm là một đứa siêu thông minh nhưng chưa bao giờ nó bắt gặp mình bối rối đến thế. “Thần đồng toán” khi đối diện với “bài toán” rắc rối của cuộc đời chợt nhận ra còn lâu lắm mình mới trở thành người lớn nổi. Mười không biết Quý ròm đang nhức đầu vì nó, toét miệng rủ: - Tối nay tụi mày và nhỏ Hạnh đến nhà tao chơi nữa nhé! Chiều nay tao kêu người đến gắn internet! Nó vỗ vỗ tay vô cặp sách, mặt hơn hớn: - Sáng nay ba tao mới gửi tiền cho tao nè!
@by txiuqw4