Chương 5
Bọn Quý ròm ở chơi với Văn Châu đến gần năm giờ chiều. Lần này, Văn Châu không đưa các bạn vào chơi trong phòng mình. Sau vụ đụng độ với chị Ngọc Diệu và thằng Bạch Kim, Văn Châu không muốn gây thêm rắc rối. Cả bọn quây quần trong nhà ông, Văn Châu lôi bàn cờ trong tủ ra rủ Quý ròm đánh. Nhỏ Hạnh và Tiểu Long ngồi ngoài mách nước. Nói cho đúng ra chỉ có nhỏ Hạnh lên tiếng chỉ trỏ. Tiểu Long đánh cờ chưa "sạch nước cản", có cho vàng nó cũng không dám múa mép. Đến lúc này, chị Thắm đã xem bọn Quý ròm như người nhà. Chị lặng lẽ xuống bếp lúi húi nấu chè bưng lên đãi bọn trẻ. Cáu đấu thủ gõ cờ chan chát, vừa cãi cọ vừa húp chè sì sụp khiến ngôi nhà trước nay vốn vắng vẻ bỗng tưng bừng náo nhiệt như ngày hội. Chị Thắm vui lắm. Chị cứ cười luôn miệng, mặc dù đôi mắt không ngừng nơm nớp liếc về phía ngôi biệt thự. Chị sợ ba mẹ Văn Châu trở về bất chợt. Ông cũng vui, chắc thế. Ông không nói gì nhưng đầu ông cứ gật gà gật gù. Bọn trẻ thì khỏi nói. Quý ròm chúi đầu vào bàn cờ. Tiểu Long chúi mũi vào... chén chè. Còn nhỏ Hạnh thì "chúi" vào mỗi thứ một tí, đồng thời chốc chốc lại đánh mắt về phía ông - những lúc như vậy trán nó cau lại đầy tư lự. Quý ròm mải đánh cờ nên không phát hiện ra những diễn biến trên gương mặt nhỏ Hạnh. Chỉ có Tiểu Long là nhìn thấy vẻ băn khoăn của bạn. Lúc sắp ra về, nó lại gần nhỏ Hạnh, tò mò hỏi: - Hạnh nghĩ gì mà mặt nhăn mày nhó suốt buổi thế? - Hạnh nghĩ về ông! - Nhỏ Hạnh không giấu giếm. - Về cái chuyện ăn khỏe ấy ư? - Ừ! Tiểu Long ngạc nhiên: - Chính miệng ông nói, chẳng lẽ Hạnh không tin? - Hạnh vẫn thấy ngờ ngợ sao ấy! - Nhỏ Hạnh đăm chiêu. Tiểu Long gãi cổ: - Ngay cả Văn Châu cũng xác nhận kia mà? - Ừ. Tiếng "ừ" của nhỏ Hạnh không mang một ý nghĩa nào rõ rệt. Tiểu Long nhăn mặt: - "Ừ" là sao? - "Ừ" là Văn Châu có xác nhận chứ sao! - Nhỏ Hạnh thở dài - Nhưng xác nhận không có nghĩa là đích mắt trông thấy! Tiểu Long ngẩn tò te: - Hạnh cho là như thế ư? Nhỏ Hạnh nhún vai: - Hạnh không biết chính xác! Hạnh chỉ nghĩ thế thôi! Tiểu Long đưa tay quẹt mũi: - Thế sao Hạnh không hỏi Văn Châu? - Lát nữa Hạnh sẽ hỏi! Quý ròm không chứng kiến cuộc trò chuyện của hai bạn mình nên lúc ra về nó vô cùng sửng sốt khi thấy đã ra tới cổng rồi, nhỏ Hạnh còn cố tìm cách "chất vấn" Văn Châu: - Nè, Hạnh hỏi chuyện này Văn Châu đừng giận Hạnh nghen! Thái độ của nhỏ Hạnh khiến Văn Châu thoáng ngạc nhiên nhưng nó nhanh chóng lấy lại vẻ bình thản cố hữu: - Bạn cứ hỏi đi! Tôi không giận đâu! Sau một thoáng ngần ngại, nhỏ Hạnh ấp úng hỏi: - Hạnh muốn biết là Văn Châu đã đích mắt trông thấy ông ăn một lúc năm chén cơm bao giờ chưa? Câu hỏi của nhỏ Hạnh làm Quý ròm nhăn mặt. Rõ vớ vẩn! - Nó làu bàu trong bụng - Tưởng sao, lại đi hỏi một câu lãng xẹt! Nếu Văn Châu không tận mắt trông thấy thì... Nhưng Quý ròm không kịp nghĩ tiếp. Câu trả lời của Văn Châu khiến nó ngớ người ra: - Chưa! Tôi chỉ nghe ông bảo thế thôi! - Thì ra là vậy! - Nhỏ Hạnh lẩm bẩm. - Nhưng điều đó thì quan trọng gì? - Văn Châu ngơ ngác - Ngay cả chị Thắm cũng bảo thế cơ mà! - Chị Thắm cũng bảo thế ư? - Nhỏ Hạnh hơi sững người. - Đúng rồi! - Văn Châu gật đầu - Chị Thắm bảo gần đây ông ăn khỏe lắm! Đôi mày nhỏ Hạnh cau lại: - Nhưng chắc gì chị Thắm đã chính mắt nhìn thấy điều đó? - Tôi không biết! - Giọng Văn Châu bắt đầu phân vân - Nhưng tôi nghĩ chị Thắm là người trực tiếp lo cơm nước cho ông, hẳn chị phải biết rõ! Nhỏ Hạnh bất giác cảm thấy hoang mang. Sự thật Văn Châu vừa nêu khiến nó đâm nghi ngờ chính sự nghi ngờ vừa nhen nhóm trong lòng mình. Ừ nhỉ, Văn Châu ở nhà riêng, có lẽ nó không biết rõ thực hư chuyện ăn uống của ông. Nhưng chị Thắm không thể không biết. Chị lo cơm nước cho ông hằng ngày, ông ăn bao nhiêu uống bao nhiêu lẽ nào chị lại không hay! Nhưng nếu vậy, chẳng lẽ ông ăn lại khỏe đến thế? Thật là khó tin! Nhất là chuyện ông ăn mỗi bữa bốn, năm chén cơm chỉ mới đột ngột xảy ra gần đây thôi! Hơn nữa, nếu ăn khỏe như thế, hẳn ông phải hồng hào mập mạp, đằng này nom ông vẫn gần gò như ngày nào, chẳng một chút xíu thay đôi! Càng nghĩ nhỏ Hạnh càng thấy mọi chuyện rối tung. - Thôi, bọn này về! - Cuối cùng, nó đành nói lời từ biệt! - Nhưng bạn cũng nên hỏi lại chị Thắm xem! - Được rồi! Tôi sẽ hỏi! Văn Châu gật đầu đáp, mặc dù cho đến giờ phút này nó vẫn không hiểu tại sao nhỏ Hạnh lại quan tâm đến chuyện ăn uống của ông nó một cách đặc biệt như vậy. Bọn trẻ vừa ngoặt quanh góc đường, Quý ròm đã quay sang nhỏ Hạnh trách cứ ngay: - Hạnh làm trò gì vậy? - Hạnh chỉ muốn tìm hiểu sự thật! - Nhỏ Hạnh thản nhiên. Quý ròm cằn nhằn: - Chính miệng ông đã nói như vậy, còn tìm hiểu tới tìm hiểu lui gì nữa! Hỏi như vậy có khác nào bảo ông nói dối! Nhỏ Hạnh chớp mắt: - Chẳng lẽ Quý không thấy gì lạ trong chuyện này sao? - Tôi chẳng thấy gì lạ cả! - Quý ròm rùn vai - Tụi mình chỉ sợ ông uống "thuốc bảy màu", nay biết ông không uống, vậy là chẳng có gì đáng lo! - Nhưng nếu không uống "thuốc bảy màu" thì ông không thể thình lình ăn khỏe như thế được! - Nhỏ Hạnh vẫn bướng bỉnh. - Trời ơi là trời! - Quý ròm vò đầu bứt tai - Thế Hạnh định tìm kiếm điều gì trong chuyện này thế? Một "vụ án" chăng? - Hạnh nghĩ thực ra ông không ăn nhiều như ông nói! - Rõ ràng Hạnh nhiễm phải cái máu "hình sự" của thằng Mạnh con cô Tư rồi! - Quý ròm đưa hai tay lên trời - Nếu ông ăn ít thì ông bảo ông ăn ít, việc gì ông phải hét lên bốn, năm chén! Rõ ngớ ngẩn! - Chẳng ngớ ngẩn tí nào cả! - Nhỏ Hạnh bình tĩnh đẩy gọng kính trên sống mũi - Nhất định là có điều gì bí ẩn đằng sau vụ này! Trước thái độ khăng khăng của nhỏ Hạnh, Quý ròm chỉ biết thở dài. Nó nói, giọng giận dỗi: - Hạnh muốn làm gì tuỳ Hạnh! Nhưng nhớ đừng kéo tôi vào câu chuyện tưởng tượng này đấy! Nhỏ Hạnh mỉm cười: - Không có Quý, lấy ai đán văng dao địch thủ? Quý ròm nghiến răng ken két: - Tôi không giỡn à nghen! Tuy Quý ròm tuyên bố nhất định không dính dáng gì vào "câu chuyện tưởng tượng" của nhỏ Hạnh, cuối cùng nó vẫn bị nhỏ Hạnh lôi vào cuộc lúc nào không hay. Chả là ngay chiều hôm sau, Văn Châu đã vội vã đến tìm nhỏ Hạnh. - Bạn đến chơi với con sáo hả? - Nhác thấy Văn Châu xuất hiện ngoài cửa lưới, nhỏ Hạnh mững rỡ chạy ùa ra, vồn vã hỏi. - Không! - Văn Châu lắc đầu, giọng căng thẳng - Tôi đến đây vì chuyện của ông! - Chuyện của ông? - Nhỏ Hạnh bất giác buột miệng hỏi lại, nó nghe rõ tim mình đang đập rộn lên. - Ừ! - Văn Châu gật đầu - Ngay tối hôm qua tôi đã hỏi chuyện chị Thắm! Nhỏ Hạnh nín thở: - Chị Thắm bảo sao? - Chị bảo chị cũng chả nhìn thấy ông ăn một lúc bốn, năm chém cơm bao giờ cả! Chị chỉ nghe ông nói vậy thôi! - Nếu vậy quả là khó hiểu! - Nhỏ Hạnh nhíu mày - Chị Thắm là người gần gũi chăm sóc ông, chả lẽ lúc ông ăn cơm, chị lại không có mặt ở đó? - Tất nhiên chị Thắm cùng ngồi ăn với ông! - Văn Châu vội vã giải thích - Nhưng trong bữa cơm, ông vẫn chỉ ăn hai chén như thường lệ. Phần cơm và thức ăn còn lại, ông để dành. Ông bảo ông sẽ ăn sau! Nhỏ Hạnh không giấu được thắc mắc: - Thế phần cơm đó ông ăn vào lúc nào? - Điều đó thì chả ai biết rõ! - Văn Châu nhún vai - Ngay cả chị Thắm cũng không nhìn thấy! Nhưng bao giờ sáng hôm sau, cơm và thức ăn đựng trong tô cũng đều hết nhẵn! Nhỏ Hạnh liếm môi: - Thế chị Thắm không nghi ngờ gì à? - Không! Chị cho rằng ông đã ăn phần cơm đó vào ban đêm! Nửa khuya đói bụng đâu phải là chuyện lạ! Tới đây, nhỏ Hạnh không hỏi thêm gì nữa. Môi cắn chặt, nó đưa tay vỗ vỗ trán theo thói quen. Văn Châu giương cặp mắt thao láo lên nhìn bạn: - Chẳng lẽ bạn ngờ vực gì trong chuyện này à? - Không hiểu sao Hạnh cảm thấy có điều gì đó khác thường! Nhỏ Hạnh trả lời lấp lửng, có vẻ nó cũng không chắc chắn lắm về những phỏng đoán trong đầu mình. - Thế bây giờ sao? - Văn Châu nheo mắt hỏi. - Sao là sao? - Vào nhà chứ? - Văn Châu mỉm cười - Chẳng lẽ tụi mình đứng hoài ở đây? Nghe Văn Châu trêu, nhỏ Hạnh mới giật mình nhận ra từ lúc mở cửa, hai đứa vẫn đứng trò chuyện ngay trước hiên. Nhưng nó chẳng tỏ vẻ gì muốn mời bạn vào nhà. Nó rủ: - Tụi mình qua nhà Quý chơi đi! - Chi vậy? - Kể cho Quý nghe chuyện vừa rồi! Biết đâu Quý chẳng nghĩ ra một manh mối nào đó! Văn Châu lộ vẻ ngần ngừ. Một lát, nó nói: - Thôi, bạn đi một mình đi! Tôi phải về! Nhỏ Hạnh băn khoăn: - Thế bao giờ tụi này có thể gặp lại bạn? - Khi nào cần gặp tôi bạn cứ đến vào khoảng sáu, bảy giờ tối. Giờ đó, ba mẹ tôi không đi ra khỏi nhà. Nếu không gặp tôi, bạn nhờ chị Thắm đi gọi. Chia tay Văn Châu, nhỏ Hạnh đi thẳng tới nhà Quý ròm. Nó vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, Quý ròm đã chọc ngay: - Sao? Câu chuyện tưởng tượng của Hạnh đến đâu rồi? Đã tìm ra dấu vết gì chưa? Nhỏ Hạnh chẳng buồn để ý đến vẻ cười cợt của bạn. Nó thản nhiên gật đầu: - Đã tìm ra rồi! Quý ròm lập tức thu ngay nụ cười. Mắt nó trố lên: - Hạnh nói gì? Có ngoắt ngoéo bên trong câu chuyện này thật sao? - Đúng vậy! Văn Châu vừa mới đến gặp Hạnh! Quý ròm nôn nóng: - Nó nói gì? Giọng nhỏ Hạnh trở nên nghiêm trọng: - Nó bảo trong nhà chưa có ai trông thấy ông ăn một lúc bốn, năm chén cơm cả! - Kể cả chị Thắm? Nhỏ Hạnh gật đầu: - Ừ, kể cả chị Thắm! Rồi trước vẻ mặt ngỡ ngàng của Quý ròm, nhỏ Hạnh ôn tồn thuật lại cuộc trò chuyện giữa nó và Văn Châu. - Thế thì lạ thật! - Nhỏ Hạnh vừa dứt lời, Quý ròm liền lẩm bẩm - Nếu quả đúng như vậy thì rõ ràng đây là câu chuyện không bình thường! Nhỏ Hạnh nhìn lom lom vào mặt bạn: - Quý cũng không tin chính ông đã ăn phần cơm để dành kia sao? - Tất nhiên không phải ông rồi! - Quý ròm đáp bằng giọng quả quyết - Nếu chính ông ăn chẳng việc gì ông phải úp úp mở mở như thế! Nhỏ Hạnh ngơ ngác: - Nghĩa là sao? Quý ròm nhún vai: - Nghĩa là khi bảo "mỗi bữa ăn bốn, năm chén", ông đã cố tình lấp lửng! Thực tế ông chỉ ăn có hai chén trong bữa cơm, còn sau đó ông có ăn thêm hay không, chẳng ai rõ! Nhưng ông vẫn cứ nói như thế để tránh sự tò mò dò xét của người khác! Nhỏ Hạnh gật gù: - Từ đó suy ra ông đã không đụng đến phần cơm chừa lại? - Tôi đoán vậy! - Quý ròm khụt khịt mũi - Có thể ông đã dùng phần cơm đó vào một việc khác! Như nuôi một con mèo hoang hoặc một con chó hoang chẳng hạn! Quý ròm nói đến đâu, nhỏ Hạnh gục gặc đầu đến đó. Suy luận của Quý ròm hoàn toàn hợp lý. Có thể những ngày gần đâh một con chó hoang hay mèo hoang nào đó đi lạc vào nhà và trước sự đói khát của con vật, ông đã không cầm lòng được. Thế là ông phịa ra chuyện ăn nhiều để chị Thắm tăng suất ăn lên gấp đôi. Bữa ăn của ông được cung cấp từ nhà Văn Châu. Hằng ngày, trưa và chiều, chị Thắm xách gà mên qua tòa biệt thự lấy cơm về. Còn nhà bếp của ông chỉ dùng để đun nước pha trà hoặc thỉnh thoảng nấu nướng một vài món đơn giản nào đó. Chính vì vậy, bất cứ một thay đổi nhỏ nào của ông trong việc ăn uống, cả nhà đều biết. Nhằm che giấu tai mắt của mọi người, ông đành phải nghĩ ra câu chuyện tưởng tượng về sức ăn đột biến của mình để có thể tiếp tục lén lút nuôi nấng, bảo bọc cái con vật khốn khổ kia, một hành động mà ông e rằng đa số thành viên trong gia đình sẽ phản đối nếu chẳng may vỡ lở. Trong một thoáng, nhỏ Hạnh hình dung ra toàn bộ những tình tiết éo le của câu chuyện. Và một khi bí mật đã được khám pha, nỗi thấp thỏm bất an vẫn đeo đuổi nó mấy ngày nay bỗng dưng tan biến. Nó nhìn Quý ròm, giọng nhẹ nhõm: - Thế bây giờ mình phải làm gì? Quý ròm gãi đầu: - Tôi cũng chẳng biết. - Hay là mình đi kể với Văn Châu và chị Thắm? - Kể tuốt tuồn tuột bí mật của ông ư? - Ừ. - Chi vậy? Nhỏ Hạnh chớp mắt: Để mọi người giúp đỡ ông! Hạnh tin là Văn Châu và chị Thắm sẽ đồng tình với hành động của ông! Và như vậy ông khỏi phải mất công giấu giấu giếm giếm nữa! - Có lẽ như vậy là tốt nhất! - Giọng Quý ròm bâng khuâng - Chỉ có điều không biết bao giờ ba mẹ Văn Châu mới đi vắng lần nữa để tụi mình có thể đến gặp nó! - Quý yên chí! - Nhỏ Hạnh nhoẻn miệng cười - Hạnh đã có cách rồi! Sáu giờ chiều nay, Quý cứ ghé nhà Hạnh!
Chương 6
Thế là, một cách tự nhiên, Quý ròm đã bị nhỏ Hạnh lôi vào cuộc. Nó quên khuấy nó đã từng quả quyết sẽ không tham gia vào "câu chuyện tưởng tượng" của bạn mình. Đúng sáu giờ chiều, nhỏ Hạnh và Quý ròm lò dò đến nhà ông của Văn Châu. Đang lảng vảng trước hiên, thấy hai người bạn thấp thoáng ngoài cổng, Văn Châu chạy vụt ra. Nó vừa mở khóa vừa bô bô: - Biết thế nào chiều nay các bạn cũng đến nên tôi ở đây đợi! Rồi không đợi Quý ròm và nhỏ Hạnh lên tiếng, nó hấp tấp hỏi ngay: - Các bạn đã tìm ra được manh mối nào chưa? Rồi! - Vừa nói, nhỏ Hạnh vừa thò tay giữ tay Văn Châu lại - Tụi mình đứng ngoài này nói chuyện, đừng vào trong kia! - Sao thế? - Văn Châu giương mắt ếch. Nhỏ Hạnh khẽ liếc vào trong nhà: - Coi chừng ông nghe thấy! Đoán ra tầm quan trọng của vấn đề, Văn Châu không thắc mắc nữa. Nó nhẹ nhàng khép cổng lại và theo hai bạn bước hẳn ra hè phố, đứng nép sau hàng rào dâm bụt rậm rạp. Vừa khuất sau dãy cây lá, Văn Châu đã thấp thỏm vọt miệng: - Thế các bạn cho rằng không phải chính ông đã ăn phần cơm đó ư? - Tụi này cho là như thế! Nhỏ Hạnh khẽ đáp. Rồi lấy vẻ trịnh trọng, nó nghiêm nghị trình bày những suy luận của nó và Quý ròm. Văn Châu đứng nghe, há hốc mồm. Nó không ngờ mọi chuyện lại xoay ra như thế. Nhỏ Hạnh nói xong, liền hỏi: - Văn Châu nghì thế nào về những suy đoán của tụi này? - Có lẽ sự thật cũng gần như thế! - Văn Châu chép miệng, rồi nó bần thần nói thêm: - Thật là một chuyện bất ngờ! Quý ròm đột ngột lên tiếng: - Chẳng lẽ bạn không hề biết gì về những chuyện ông làm hay sao? - Tất nhiên là không! - Văn Châu nhún vai - Từ ngày chị Thắm về quê lên, buổi tối tôi phải về ngủ ở nhà! - Thế còn chị Thắm? Chị cũng không hay biết gì sao? Văn Châu lắc đầu: - Chị Thắm rất say ngủ! Tám giờ tối chị đã lên giường, trời sập cũng không hay! Quý ròm lộ vẻ ngẩn ngừ. Nó hết nhìn Văn Châu lại dòm nhỏ Hạnh: - Bây giờ mình phải làm sao? Có nên nói cho ông biết là mình đã hay bí mật của ông không? Nhỏ Hạnh không trả lời Quý ròm mà quay sang Văn Châu: - Văn Châu nghĩ sao? Văn Châu cắn môi: - Có lẽ nên nói chuyện với ông! Tôi chẳng muốn ông phải khổ tâm giấu giếm như thế chút nào! Đang nói, nó bỗng nhìn Quý ròm và nhỏ Hạnh, ngập ngừng: - Nhưng dù sao cũng không thể nói ngay bây giờ được! Cần phải đợi! - Đợi gì? Văn Châu liếc mắt về phía sau: - Đợi tôi dò xét xem sự việc có đúng như các bạn đã suy đoán hay không đã! - Ừ, cẩn thận như thế là đúng! - Nhỏ Hạnh vui vẻ tán thành - Nhỡ mọi sự không phải như mình nghĩ, bộp chộp nói ra, ông lại cười cho! Thực ra, Văn Châu không hề nghi ngờ gì về sự phỏng đoán của các bạn mình. Trước nay, ông bảo sao, nó nghe vậy. Chẳng bao giờ ông dối gạt nó điều gì. Do đó, nó cũng chẳng bao giờ ngờ vực và tìm cách kiểm tra những điều ông nói. Ngay cả chuyện ăn uống này cũng vậy. Nghe ông ăn khỏe, nó mừng cho ông. Vậy thôi. Chả khi nào nó nghĩ đến chuyện có thật là ông đã ăn một bữa đến bốn, năm chén như ông đã phấn khởi thông báo hay không. Chỉ đến khi nhỏ Hạnh đặt ra nghi vấn, Văn Châu mới bắt đầu giật mình nghĩ ngợi. Và dần dà nó cảm thấy dường như có điều gì lắt léo trong chuyện này, nhất là khi ngay cả chị Thắm cũng thú nhận là chưa tận mắt nhìn thấy ông ăn phần cơm chừa lại bao giờ. Văn Châu là một đứa thông minh nhưng lại không quen suy nghĩ những chuyện rắc rối. Ở điểm này, nó rất gần với Tiểu Long. Nó nặn óc suốt ngày không hiểu tại sao ông nó tự dưng lại dám ra "bí ẩn" như thế. Vì vậy, nó mong ngóng nhỏ Hạnh và Quý ròm từng giờ, từng phút. Nó tin tưởng những người bạn "thông thái" kia sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân giùm nó. Và hôm nay câu chuyện có tính chất suy đoán của nhỏ Hạnh và Quý ròm đã giải tỏa gần như hoàn toàn những thắc mắc của Văn Châu. Nó chẳng nghi ngờ gì về tính hợp lý của câu chuyện. Tuy nhiên trước khi đối diện với ông, nó muốn nắm được bằng cớ một cách chắc chắn. Tối đó, ăn cơm xong, Văn Châu chạy qua nhà ông, sè sẹ ngoắc chị Thắm ra ngoài hè. - Gì thế? - Chị Thắm hỏi, thái độ kỳ lạ của Văn Châu khiến chị ngạc nhiên. - Ông đang nuôi một con chó! - Văn Châu vào đề ngay. - Tiết lộ của Văn Châu làm chị Thắm chưng hửng: - Sao em biết? - Em đoán vậy! Phần cơm ông vẫn để dành, ông không ăn, mà ông đem cho nó! Đôi mắt chị Thắm vẫn mở tròn: - Ai bảo em vậy? - Cần gì phải biết ai bảo! - Văn Châu khịt mũi - Tối nay chị em mình theo rình là biết ngay. - Rình? - Chị Thắm hỏi lại, giọng hoang mang. - Ừ! Chứ chẳng lẽ chị không muốn biết ông đã làm gì với phần cơm buổi tối sao? Chị Thắm thật thà: - Thì em đã nói rồi! Ông đem cho một con chó! Văn Châu so vai: - Đó chỉ là phỏng đoán thôi! Chị em mình cần phải nhìn thấy tận mắt! Chị Thắm bỗng dưng thấp thỏm: - Nhìn thấy tận mắt chi vậy? Vẻ lo lắng ánh lên trong mắt chị Thắm khiến Văn Châu mỉm cười. Nó dịu giọng trấn an: - Nhìn thấy tận mắt để tìm cách giúp ông nuôi nấng con chó nọ chứ chi! Mắt ông lòa, không nên để ông loay hoay một mình với nó! Đến đây thì chị Thắm thở phào. Chị ngoẹo cổ: - Nhưng rình ở đâu? Làm sao rình? - Mình sẽ nấp ở đằng sau cửa sổ! - Văn Châu vạch kế hoạch - Tai ông rất thính, mình nấp trong nhà, lờ cựa quậy một tí là ông biết liền! Bàn bạn đâu đó xong xuôi, chị Thắm quay trở vào nhà. Chị vào phòng trong giũ chiếu, mắc mùng, cố đụng mạnh vào giường để ông tưởng chị sửa soạn đi ngủ. Đoạn, chị đóng cửa, tắt đèn và nhón trên đầu ngón chân rón rén chuồn ra cửa đằng sau bếp. Văn Châu đã nấp sẵn bên cửa sổ. Đang thập thò nhìn vào trong nhà, thấy chị Thắm tới gần, nó vội vàng đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ. Chị Thắm chẳng xem chuyện rình xem ông cho chó ăn là chuyện gì quan trọng nhưng thấy Văn Châu làm ra vẻ bí hiểm, chị cũng đâm hồi hộp lây. Chị nín thở lần tới cạnh nó, nhướn mắt nhòm vào cửa sổ. Bên trong tối om om. Căn nhà ở cách đường lộ khá xa nên những tia sáng vàng vọt của bóng đèn cao áp bên ngoài không thể chiếu lọt qua khe cửa sổ khép hờ. Hơn nữa, bóng đèn đưo8`ng ngay trước cổng nhà không hiểu đã bị bọn gian nào gỡ mất nên cả một vùng quanh đó chìm trong một không gian nhờ nhờ, đục đục. Vì vậy trong nhà đã tối lại càng tối. Chị Thắm tám giờ đi ngủ đã quen, nãy giờ thêm dòm tới trông lui mỏi mắt nên rình rập một hồi chị lẳng lặng đi vào giấc điệp lúc nào chẳng hay. Văn Châu đang nhóng cổ đứng canh, bỗng nghe tiếng khò khò bên cạnh, giật mình quay sang đã thấy chị Thắm ngồi dựa lưng vào tường ngủ thẳng cẳng. Cảnh tượng trước mặt khiến Văn Châu mặt mày méo xẹo. Đã mấy lần nó định đánh thức chị dậy nhưng sợ ông nghe thấy, đành tặc lưỡi đứng im. Thực ra Văn Châu cũng chẳng khá gì hơn chị Thắm. Ít khi thức khuya như thế, lại cứ dán mình một chỗ, cặp mắt nó cứ muốn díp lại. Nó phải dụi mắt liên tục và khẽ lắc lư người để giữ tỉnh táo. Thỉnh thoảng nhòm vào trong nhà, thấy ông vẫn nằm im lìm trên phản không buồn động cựa, Văn Châu sốt cả ruột. Cứ như thế này thì chả biết phải đợi đến chừng nào! Nó nhìn lên trời sao nhấp nháy, cố đoán xem bây giờ là mấy giờ nhưng không tài nào đoán ra. Có thể bây giờ là mười giờ hoặc hơn nữa cũng nên! Văn Châu lo lắng nhủ bụng và lại ngoảnh cổ dòm qua khe cửa. Đang lúc đó, nó nghe tiếng mèo kêu. Tiếng mèo kêu vọng vào từ ngoài đường, lẫn trong tiếng xe cộ ầm ĩ nhưng vẫn nghe rõ mồn một. Thoạt đầu Văn Châu không để ý. Ở thành phố rất nhiều nhà nuôi mèo. Đêm khuya thanh vắng chúng rậm rịch rượt đuổi nhau trên mái nhà và cất lên những tiếng kêu meo meo hoặc oe oe như trẻ con khóc là chuyện bình thường. Chỉ không bình thường là khi tiếng kêu của con mèo hoang nọ vừa cất lên, ông liền vội vã lồm cồm ngồi dậy. Cử động đột ngột của ông làm Văn Châu giật thót. Cơn buồn ngủ lập tức bay biến đâu mất. Nó bước lui một bước và cố mở căng mắt, hồi hộp quan sát. Ở bên trong, ông vẫn không hay mình đang bị theo dõi. Ông thò chân xuống đất sờ soạng tìm dép và lẹp xẹp bước ra sau bếp. Chắc là ông đi lấy thức ăn đem ra cho con mèo. Văn Châu đoán vậy nhưng nó không dám đi theo. Đã quen đường đi nước bước trong nhà, lại thuộc rõ vị trí của các đồ vật như thuộc lòng bàn tay, ông đi lại trong bóng tối ung dung như người sáng mắt đi giữa ban ngày. Còn Văn Châu lại khác. Nó mà mon men theo ông không những va đầu vào tủ vào tường dập mũi bươu trán mà chắc chắn sẽ bị ông phát hiện tông tích ngay tắp lự. Nghĩ vậy, Văn Châu không dám rời khỏi bệ cửa sổ. Nó đứng chôn chân tại chỗ vừa canh chừng chị Thắm vừa phập phồng lia mắt vào bóng tối, dỏn tai nghe ngóng. Quả đúng như nó dự liệu, một lát sau ông đã xuất hiện ở đàng sau căn nhà. Có lẽ ông đi ra theo lối cửa bếp! Văn Châu nghĩ thầm, mắt vẫn dán chặt vào cái bóng đen gầy guộc của ông. Bằng những bước đi chậm rãi, ông thong thả tiến về phía cổng rào. Tới sát mép cổng, chỗ bụi dâm bụt um tùm che khuất, ông cúi xuống đặt một cái gì đó trên mặt đất. Tuy ở xa không trông rõ, Văn Châu vẫn đoán ra đó chính là phần cơm và thức ăn ông cất giấu từ chiều. Từ nãy, lúc ông di chuyển, Văn Châu đã nhìn thấy ông thủ hai tay trong vạt áo, có lẽ ông muốn che đậy những thứ này. Đôi mắt Văn Châu vẫn nhìn chòng chọc về phía cổng. Tia nhìn của nó như muốn xuyên thủng cả bóng tối. Nó tặc tặc lưỡi, có vẻ lấy làm tiếc là không thể đến gân hơn. Nó sợ lò dò bám theo, nhờ đạp phải một chiếc lá khô hay một khúc gỗ mục, ông sẽ phát giác ra nó. Nhưng dù sao như vậy cũng đã quá rõ! - Văn Châu lẩm bẩm với vẻ hài lòng - Không phải chó, mà là mèo. Một con mèo hoang. Một con mèo hoang ốm đói, lang thang, xơ xác cách đây mấy ngày đã đi lạc vào nhà và tiếng ke6u ai oán thảm não của nó đã làm ông động lòng. Thế là cứ tối tối ông lại bí mật đem cơm cho nó ăn... Trong khi mường tượng ra mọi tình tiết dẫn đến cảnh tượng mà nó đang nhìn thấy, Văn Châu chợt nhớ tới Quý ròm và nhỏ Hạnh và nó đâm phục lân hai đứa bạn của mình. Tụi nó đoán mò mà trúng phóc, tài thật! Rồi chẳng dám nấn ná, cũng chẳng có lý do gì đển nấn ná, Văn Châu lập tức đánh thức chị Thắm dậy và lật đật lôi chị vào nhà. Chị Thắm mắt nhắm mắt mở, vừa lệt bệt đi theo Văn Châu vừa rối rít hỏi: - Ủa, chị thiếp đi lúc nào thế? Sao em không đập chị dậy? Từ nãy đến giờ đã có chuyện gì xảy ra chưa? - Văn Châu suỵt khẽ: - Im lặng! Ông đang ở ngoài vườn! Chị vào ngủ đi, mọi chuyện sáng mai hãy nói. Dặn dò chị Thắm xong, nhân lúc ông chưa kịp quay vào, Văn Châu liền ba chân bốn cẳng phóng vội về nhà mình, lòng lâng lâng thơ thới như vừa tìm ra đáp số của một bài toán khó mà đã mấy ngày nay nó loay hoay hoài vẫn không sao giải được.
@by txiuqw4