Liên tiếp nhiều ngày sau đó, tình hình vẫn chẳng sáng sủa lên được tí nào. Tùng và Đạt vẫn “cô đơn” bên nhau như hai chiếc bóng. Từ lớp ra sân rồi từ sân vào lớp, lúc nào cũng chỉ có hai đứa cặp kè lẽo đẽo. Trên đường về cũng vậy, vẫn chỉ hai chiếc bóng âm thầm lầm lũi sánh vai nhau. Tùng vẫn chẳng hiểu tại sao lại ra như vậy. Con Tai To của nhà nó nuôi, nó muốn đánh đập hành hạ gì mặc nó, ba mẹ nó không “tẩy chay” nó thì thôi, mắc mớ gì tụi bạn lại nghỉ chơi với nó. Đòn “trả thù” của thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương hóa ra “độc” còn hơn ong chích! Tùng ấm ức lắm. Nó tức Nghị, Cúc Phương lẫn cả tụi bạn trong lớp. Rõ là một lũ đạo đức giả! Nhưng tức mấy đứa này cũng chẳng làm gì được, nó quay sang trút nỗi phẫn uất lên đầu Tai To. Thừa lúc không có ai, nó đi ngang qua Tai To vung chân đá một cái, đi lại đá một cái. Mỗi cái đá kèm theo một lời mắng: - Tại mày mà ra tất cả nè! Tùng làm riết, Tai To đâm sợ đến nỗi bây giờ hễ thấy Tùng thấp thoáng nơi đâu là nó cụp đuôi lảng tuốt ra xa. Một hôm nhỏ Hạnh tình cờ phát giác ra thái độ kỳ lạ của Tai To, liền thộp cổ Tùng, hỏi: - Này, này, em làm gì mà con Tai To cứ thấy em là trốn biệt thế kia? Tùng giằng ra khỏi tay chị, nhăn nhó: - Em có làm gì nó đâu! Nhỏ Hạnh nhìn Tùng bằng ánh mắt nghiêm khắc: - Em hay đánh đập nó lắm phải không? - Đánh đập đâu mà đánh đập! – Tùng kêu lên đầy oan ức – Chị ở nhà suốt ngày với em, nếu em đánh nó hẳn chị phải nghe thấy chứ? Lời phân trần của Tùng không phải là không có lý. Trong lòng nhỏ Hạnh vẫn đầy rẫy những nghi ngờ nhưng không tìm ra cớ nào để hạch hỏi tiếp, đành buông một lời dọa dẫm bâng quơ: - Em liệu hồn đấy! Mẹ mà biết thì em chỉ có nát đít! Rồi mặc kệ thằng em đứng tiu nghỉu bên cạnh, Hạnh ngồi xổm xuống đất, dịu dàng gọi: - Tai To, lại đây chị bảo! Vừa nghe tiếng nhỏ Hạnh, Tai To chụm chân phóng vèo lại, đuôi ngoáy tít. Nó vừa chồm lên người cô chủ nhỏ vừa kêu rin tít trong cổ họng ra chiều mừng rỡ lắm. Cái cảnh quấn quít giữa nhỏ Hạnh và Tai To làm Tùng muốn lộn ruột. Với nó thì nhỏ Hạnh lúc nào cũng gắt gỏng, hoạnh họe trong khi đối với Tai To, chị nó lại rù rì âu yếm cứ như thể nó là cục cưng gia bảo. Như vậy là nó chiếm đứt mất vị trí của mình rồi! – Tùng ghen tức nhủ bụng – Bây giờ nó là thằng Tùng còn mình chỉ là một đứa lạ hoắc lạ hươ nào đó trong nhà! Giọng nhỏ Hạnh vang lên như muốn đổ thêm dầu vào lửa. Nó vừa vuốt ve Tai To vừa nhỏ nhẹ hỏi: - Ở nhà Tùng hay bắt nạt Tai To lắm phải không? Không rõ Tai To có hiểu được câu nói của cô chủ nhỏ hay không mà bỗng nhiên nó lại đưa mắt nhìn Tùng khiến Tùng phải quay mặt đi, sợ bất thần nó gật đầu thì khốn. Nói tiếng người thì họa may kiếp sau Tai To mới nói được chứ gục gặc cái đầu lõng thõng hai nhánh tai kia thì khi cao hứng con Tai To có thể làm được dễ dàng. Nhỏ Hạnh lại thủ thỉ : - Khi nào Tùng hiếp đáp Tai To thì Tai To kêu lên thật to cho chị biết nhé! Tới nước này thì Tùng hết chịu nổi. Để mặ bà chị với con cún cưng tâm sự với nhau, Tùng bỏ ra đứng trước bao lơn nhìn xe cộ chạy qua chạy lại dưới phố. Nhưng ngắm cảnh một hồi mà sao lòng Tùng chẳng nguôi khuây được tí tẹo nào. Nó vẫn đang chán lắm. Ở trường thì bị bạn bè làm mặt lạnh, về nhà thì bị bà chị làm mặt ngầu, Tùng chẳng biết phải nương thân ở đâu trên trái đất bao la này mới gọi là yên phận. Tuy nhiên, mọi phiền phức đối với Tùng không dừng lại ở đó. Hôm học tiết tập làm văn, cô Tú Duyên bỗng nhiên cắc cớ ra đề: “Gia đình em có nuôi một con chó rất khôn. Em hãy tả con chó đó”. Tùng là một trong những học sinh giỏi văn của lớp Bốn A trường Họa Mi. Trước nay những bài tập làm văn của nó bao giờ cũng được điểm cao nhất nhì trong lớp. Vì vậy, tập làm văn là tiết học mà nó mong ngóng nhất trong tuần. Nhưng hôm nay thì cái môn học ưa thích nhất này đã hoàn toàn phản lại nó. Tất nhiên Tùng thừa biết thế nào cô Tú Duyên cũng sẽ ra đề tả con chó. Học loại văn miêu tả loài vật, đã tả qua mèo, gà, vịt, chim... thì đằng nào cũng sẽ tả đến chó. Nhưng đúng ngay vào lúc nó và thằng Đạt đang bị cả lớp hè nhau nghỉ chơi về cái tội hành hạ con Tai To, cô Tú Duyên lại bắt nó tả chó chẳng khác nào muốn “ám sát” nó. Ngay khi cô vừa chép đề lên bảng, dưới lớp đã nổi lên những tiếng rúc ra rúc rích rồi. Dĩ nhiên Tùng biết tỏng những âm thanh nhạo báng đó nhắm vào ai. Nhưng nó không phản ứng gì chỉ mím môi ngồi im, lắng tai nghe cô giảng. Kỳ này nó quyết làm bài văn điểm cao nhất lớp để “trả thù” bọn bạn lắm chuyện kia. Mà tụi kia đúng là lắm chuyện thật. Cô vừa mới nói: - Các em có thể mở bài bằng câu “Bố em thường nuôi chó để trong vườn”... Đã có đứa giơ tay cắt ngang: - Thưa cô, nhà em không có vườn thì sao ạ? Cô mỉm cười: - Nếu không có vườnt thì nuôi chó để trông nhà chứ sao! Đây là cô chỉ ví dụ thôi mà! Cô Tú Duyên đúng là hiền thật! – Tùng ấm ức nghĩ - Nếu là mình, gặp những câu hỏi vớ vẩn như thế, mình sẽ cóc thèm trả lời, có khi mình còn phạt tên học trò lẻo mép kia một mẻ ra trò nữa không chừng! Nhưng Tùng chẳng có thì giờ để bực tức lâu. Cô Tú Duyên bắt đầu giảng đến phần thân bài. Cô hướng dẫn học trò cách tả hình dánh bên ngoài như thế nào, tả hoạt động ra sao... Tùng nghển cổ nghe như nuốt lấy từng lời. Dàn bài gợi ý của cô thật chi tiết và rõ ràng, mặc dù một đôi chỗ khiến Tùng không khỏi hoang mang. Chẳng hạn cô bảo phải tả sự quyến luyến của con vật đối với chủ. Trong khi đó, con Tai To ở nhà chẳng hề quyến luyến Tùng lấy một mảy. Nó chỉ thầm mong Tùng biến đi cho khuất mắt. Đến phần cảm tưởng lại càng gay! Phải nói lên được tình cảm yêu thương và quý mến của mình dành cho con vật! Tùng khẽ cựa mình trên ghế, tặc tặc lưỡi: Thôi kệ, cô hướng dẫn thế nào mình cứ làm y như vậy! Mình rất căm con Tai To nhưng nếu viết điều đó vào bài làm, không khéo cô lại sổ toẹt bài mình đi mất! Tính toán đâu đó xong xuôi, Tùng thở một hơi nhẹ nhõm và yên tâm hí hoáy làm bài. Tùng không ngờ mình có thể miêu tả con Tai To đễ dàng và sống động đến như vậy. Từ ngày Tai To soán đoạt mất vai trò “cậu hoàng con” của nó, hình ảnh của Tai To luôn lởn vởn trong đầu nó, từ những cú phóng người liều lĩnh từ ghế qua đi-văng, từ thái độ xun xoe trước giờ cơm đến điệu bộ cuống cuồng khi thấy Đạt đẩy cửa bước vào nhà... Bây giờ tất cả những điều đó tuôn ra theo ngòi bút một cách tự nhiên và trơn tru đến Tùng cũng không ngờ. Và đúng như mong mỏi của Tùng, hôm trả bài, bài của nó đạt điểm cao nhất lớp. Khi cô ra đề tả con chó, nghe những tiếng cười giễu cợt chung quanh, Tùng ức lắm. Nó nhủ bụng sẽ cố làm bài văn thật hay để “trả thù”. Nhưng khổ nỗi, sự đời chẳng bao giờ đi theo ý muốn của con người. Bài văn của Tùng hay thì hay thật, nhưng “thù cũ” không những không trả xong mà lại còn chất chồng thêm “thù mới”. Cả lớp cười hí hí khi nghe cô Tú Duyên bảo bài của Tùng là bài tập làm văn duy nhất đạt 9 điểm. Sự nhốn nháo của lớp học khiến cô khẽ cau mày. Cô đập đập cây thước kẻ lên bảng: - Các em im lặng để nghe cô đọc bài văn xuất sắc của bạn Tùng! Nghe vậy, cả lớp cố nín cười, dỏng tai chờ đợi. Nhưng sự im lặng giả vờ đó chẳng kéo dài được bao lâu. Khi cô Tú Duyên đọc đến phần kết luận “Con Tai To nhà em là con chó hiền lành và ngoan ngoãn nhất mà em được biết. Vì vậy, em rất yêu quí nó và đối xử với nó đầy dịu dàng, yêu thương như đối xử với một đứa em bé bỏng trong gia đình” thì tụi bạn không nhịn được nữa. Những tràng cười ngặt nghẽo nổ ra khắp lớp như một cơn bão thình lình ập đến. Nhiều đứa cười vẹo cả người, nước mắt nước mũi tèm lem. Trong khi đó, Tùng ngồi chết sững trên ghế, mặt mày thoạt xanh thoạt đỏ. Cô Tú Duyên hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng bất thường của học trò mình. Cô hỏi, giọng ngơ ngác pha lẫn giận dữ: - Các em làm gì thế? Chẳng lẽ đây không phải là một bài văn hay sao? - Thưa cô, hay ạ! – Cả lớp đồng thanh. - Thế sao các em lại cười? - Thưa cô, tại nó tức cười ạ! – Nghị nói. Cô liền chỉ ngay Nghị: - Nghị! Em hãy cho cô biết bài văn của bạn Tùng tức cười chỗ nào? Nghị đứng dậy. Nó gãi đầu: - Thưa cô, bài văn của bạn Tùng tức cười ở chỗ... ở chỗ... Cô nghiêm mặt: - Ở chỗ nào? Làm gì mà em ấp a ấp úng thế? - Thưa cô, - Nghị chớp chớp mắt – Nó tức cười ở chỗ bạn Tùng nói không đúng sự thật ạ! - Không đúng sự thật là sao? – Cô Tú Duyên vẫn chưa hiểu. Nghị lại gãi đầu: - Là... bạn Tùng không thực sự yêu quí con Tai To như bạn ấy viết trong bài! Bạn ấy hay lôi con chó của mình ra hành hạ lắm ạ! Tố cáo của Nghị khiến cô Tú Duyên sửng sốt. Cô hướng mắt về phía Tùng: - Có đúng vậy không Tùng? Tùng ngượng ngập đứng dậy, chưa kịp nói, nhỏ Cúc Phương đã bô bô: - Thưa cô, đúng đấy ạ! Bạn ấy lấy bao ni-lông bịt mõm con Tai To rồi còn cột mấy lon thiếc vào đuôi để nó hoảng sợ chạy quýnh lên chơi ạ! Cúc Phương vừa dứt lời, nhiều cái miệng liền nhao nhao phụ họa: - Thưa cô, tụi em cũng biết chuyện đó ạ! Bạn Tùng đối xử với con chó của mình ác lắm cô ơi! Những đòn tấn công tới tấp từ bốn phía khiến Tùng cứ đứng thộn mặt ra, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Nó không lường được tình thế lại xoay ra như thế này. Nó cố làm bài thật hay để mong được điểm cao, không ngờ lại “trót” hay đến mức cô giáo phải đọc trước lớp, mọi sự vì thế đâm ra hỏng bét. Lúc này nó ao ước phải chi nó có thể biến thành người vô hình như trong phim bộ nó vừa mới xem tuần trước. Như vậy nó mới mong thoát khỏi làn sóng công kích và tố khổ của tụi bạn. Sau khi hàng loạt “nhân chứng” nối tiếp nhau lên tiếng, cô Tú Duyên chẳng buồn tra hỏi “bị cáo” Tùng nữa. Cô chỉ khẽ thở dài ra hiệu cho nó ngồi xuống và nhẹ nhàng bảo: - Em không nên đối xử với con chó của mình như vậy! Trong các vật nuôi, chó là con vật gần gũi nhất và trung thành nhất đối với con người! Rồi trước những đôi mắt tròn xoe của học trò, cô lần lượt kể những mẩu chuyện ca ngợi lòng trung thành của chó đối với chủ, từ chuyện chó theo chủ ra trận, lúc chủ bị thương, đã cắn vào chân ngựa đối phương để cản trở sự truy đuổi của quân giặc như thế nào đến chuyện chó dắt bà lão mù đi ăn xin, khi chủ qua đời, đã quanh quẩn ở bên mộ rồi nhịn đói chết theo ra làm sao... Cô kể bốn, năm chuyện, chuyện nào cũng cảm động đến nỗi nghe xong, cả lớp cứ ngẩn ngơ. Nhỏ Cúc Phương và bọn con gái “mít ướt” không ngớt khụt khịt mũi, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe. Cuối cùng, cô kết luận: - Tóm lại, chó là con vật khôn ngoan, trung thành, siêng năng, được việc, chó là bạn của con người. Nó quyến luyến ta và ta nên yêu mến nó! Cô Tú Duyên vừa dứt câu bỗng có một đứa vọt miệng: - Thưa cô, nhưng chó cũng làm nhiều chuyện bậy bạ lắm ạ! Cả lớp ngạc nhiên ngoảnh nhìn. Hóa ra đứa vừa lên tiếng phá bĩnh là Đạt. Nãy giờ thấy thằng bạn chí cốt của mình bị cả lớp hùa vào lên án, Đạt hậm hực lắm. Nhưng không nghĩ ra cách nào “cứu” bạn, nó đành ngậm miệng làm thinh. Nay thấy cô giáo cứ luôn miệng ca ngợi “đức tính” của mấy con chó, nghĩ đến chuyện con Mi-na khốn khiếp ở nhà vẫn hành tội mình bấy lâu nay, Đạt không nén được bất bình, liền ngứa miệng thốt lên. - Làm chuyện bậy bạ là làm những chuyện gì thế em? – Cô nhìn Đạt, tò mò hỏi. Đạt liếm môi: - Chẳng hạn như con Mi-na nhà em đó cô! Nó cứ ị vãi tứ tung làm em ngày nào cũng quét dọn khổ lắm cô ơi! - Hê hê! – Một giọng châm chọc vang lên – Mình làm ra mà không dám nhận, lại đổ vấy cho con Mi-na! Cô nhìn về phía có tiếng nói, trợn mắt “suỵt” khẽ rồi quay lại dịu dàng nói với Đạt: - Nuôi một con chó trong nhà cũng như nuôi một em bé, ta phải dạy dỗ, tập luyện thì nó mới có những thói quen tốt! Điều quan trong là tình cảm mình dành cho nó như thế nào. Nếu em yêu thương nó, em mới có thể kiên nhẫn dạy cho nó được! - Bạn Đạt không thương loài vật đâu cô ơi! – Lại nhỏ Cúc Phương lên tiếng hạch tội, nó vừa nói vừa nhìn Đạt bằng ánh mắt hả hê, chắc nó đang nhớ đến chuyện thằng này ngăn cản không cho nó vào nhà Tùng để “giải thoát” cho con Tai To bữa trước – Tất cả những trò tai ác của bạn Tùng toàn là do bạn Đạt bày ra cả đó cô! Lời tố cáo bất thần của nhỏ Cúc Phương khiến Đạt co rúm người lại như bị ong đốt. Nó vừa sợ vừa giận. Giận Cúc Phương và giận cả chính nó. Tụi nó đã quên mình rồi, tự dưng mình lại đứng lên bép xép làm chi cho tụi nó nhớ ra không biết! Thật ngu ơi là ngu! Đạt lẩm bẩm rủa thầm và thừa lúc cô ngó đi chỗ khác, nó rón rén ngồi xuống. Nhưng cô Tú Duyên đã trông thấy. - Đạt, đứng lên! – Cô hắng giọng – Cô đã cho em ngồi xuống đâu! Chẳng biết làm sao, Đạt đành khép nép đứng lên, và mặt nó bỗng nhăn như bị khi nghe cô tuyên bố: - Bây giờ cô sẽ đọc lên bài của em để các bạn xem thử em có viết “không đúng sự thật” như bài của bạn Tùng hay không!
@by txiuqw4