sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kỳ Thủ - Chương 5

“Để coi như bản thân đang bận rộn một công việc gì đó, tôi ngân nga đọc hoặc nhớ lại được đâu hay đó những gì trước đây đã học thuộc lòng, những bài dân ca và những vần thơ của con trẻ, những đoạn thơ của Hôme đã học thuộc hồi còn ở trường trung học, những đoạn trong Bộ dân luật. Sau đó, tôi làm các phép tính cộng, chia những con số. Nhưng trong cảnh nhàn rỗi đó, trí nhớ của tôi chẳng nhớ được gì. Tôi chẳng tập trung vào được điều gì. Lúc nào tôi cũng chỉ suy nghĩ một vấn đề: chúng đã biết được những gì? Hôm trước mình đã nói gì? Lần sau phải nói những gì?

“Tôi đã phải sống bốn tháng trời trong những điều kiện không bút nào tả xiết đó. Bốn tháng, viết và nói ra thì thật là nhanh chóng. Chỉ cần một phần tư giây cũng đủ để thốt ra ba từ này: bốn tháng trời. Chỉ cần vài nét chữ là đủ để ghi lại mấy từ ấy. Những phác họa, diễn tả ra sao đây, dù cho bản thân tôi thôi, cuộc sống thoát ra khỏi không gian và thời gian ấy? Không ai có thể nói rõ cái cảnh trống rỗng khắc nghiệt đó hủy hoại và tàn phá ta như thế nào và đôi mắt cứ phải triền miên nhìn mãi chiếc bàn và chiếc giường, triền miên nhìn mãi chiếc chậu và giấy bồi tường này, sự im lặng mà ta bị nhấn chìm vào, thái độ của tên giám ngục – lúc nào cũng độc mỗi tên đó - đặt thức ăn trước mặt tù nhân mà không thèm ngó nhìn người tù, tác động đến ta như thế nào. Những suy nghĩ, lúc nào cũng vẫn suy nghĩ ấy, xoay xoay trong khoảng tường quanh cảnh cô đơn làm cho tù nhân phát điên mới chịu buông tha.

“Qua những dấu hiệu nhỏ đáng lo ngại, tôi nhận thấy đầu óc bị rối loạn. Thoạt đầu, khi đứng trước bọn phán hỏi tôi, đầu óc tôi minh mẫn và tôi khai một cách bình tĩnh và có cân nhắc suy nghĩ; tôi đắn đo lựa trong óc xem cần nói gì và tránh không nói những gì. Về sau tôi không thể nói nổi một câu rất giản đơn mà không bị lắp và khi nói mặt tôi chứ nhìn chăm chăm như bị thôi miên ngòi bút của viên lục sự đang lướt trên trang giấy tựa hồ như tôi chạy đuổi theo những lời của tôi. Tôi thấy sức lực tôi giảm sút và sắp đến lúc, do hi vọng được giải thoát, tôi sẽ khai tất những gì tôi biết, và còn khai bừa thêm nữa để thoát khỏi nanh vuốt chán ngắt của hư vô, tôi sẽ phải phản bội dù mười hai người và tiết lộ bí mật của họ, miễn sao được một lát nghỉ ngơi.

“Và một buổi tối, tôi đã lâm vào đúng tâm trạng đó. Tên giám ngục mang đồ ăn đến cho tôi, lúc gã chuẩn bị bước ra ngoài, tôi đã quẫn uất và gào lên: 'Dẫn tôi đến gặp các viên thẩm phán! Tôi sẽ khai tất!' Cũng may tên giám ngục không nghe. Có lẽ gã chẳng muốn nghe tôi nói gì. Đúng lúc tôi có hành động cực đoan ấy thì xảy ra một sự kiện bất ngờ đã cứu nguy cho tôi, ít ra cũng trong một thời gian. Chuyện xảy ra vào một ngày buồn tẻ và âm u hồi cuối tháng bảy. Tôi nhớ rất rõ chi tiết này vì mưa quất mạnh trên các lớp kính dọc theo hành lang dài tôi bị dẫn đi hỏi cung. Tôi phải ngồi chờ ở phòng ngoài. Bao giờ cũng phải ngồi chờ trước khi bị hỏi cung, vì đây là một khâu trong phương pháp. Bọn chúng làm thần kinh của người bị buộc tội lung lay bằng cách thình lình đang giữa nửa đêm đến lôi đi, sau đó khi tù nhân trấn tĩnh lại, cố tập trung toàn bộ nghị lực để đương đầu với cuộc hỏi cung sắp tới thì bắt người đó đợi, đợi một cách vô lý trong một, hai, ba giờ trước khi hỏi cung, nhằm làm xẹp cả tinh thần lẫn thể xác. Vào cái ngày 27 tháng bảy đó, tôi đã phải đứng ngoài phòng đợi suốt hai tiếng đồng hồ; tại sao tôi lại nhớ chính xác như vậy ngày hôm đó, chẳng là trên tường có treo một bìa lịch, và do cứ phải đứng mãi - tất nhiên tù nhân cấm không được ngồi – tôi bị chồn chân, nên thèm được đọc một cái gì đó, tôi liền đưa mắt đọc ngấu nghiến hàng chữ ngắn ngủi: 27 tháng bảy nổi bật trên vách tường.

“Sau đấy, tôi lại đợi, tôi đưa mắt nhìn cánh cửa, thầm nghĩ không biết bao giờ nó bật mở và tự hỏi không biết lần này bọn thẩm phán sẽ vặn vẹo những gì, tuy biết chắc rằng bọn chúng sẽ chẳng hỏi những câu mà tôi đã chuẩn bị. Tuy thấy lo ngại cứ phải đợi chờ mãi, tuy mệt mỏi, nhưng dẫu sao tôi cũng được an ủi là tôi hiện đang đứng tại một phòng khác với phòng tôi, một phòng rộng lớn có hai cửa sổ không có giường và không có chậu, gỗ lát tường không có mấy chỗ toác mà tôi đã nhận thấy phải tới triệu lần ở trong phòng tôi. Màu vecni cũng khác, ghế cũng khác; phía bên trái cửa ra vào có một chiếc tủ xếp đầy hồ sơ mà một tủ treo áo có treo ba, bốn áo bành tô nhà binh ướt sũng, đó là áo của bọn đao phủ hành hạ tôi.

“Như vậy, tôi được nhìn thấy những đồ vật mới - cuối cùng, có cái mới – và cặp mắt tôi nhìn chăm chăm không dứt ra được. Tôi nhìn kĩ từng đường nếp trên những chiếc áo bành tô ấy và tôi quan sát, chẳng hạn, một giọt nước ở mép cổ áo ướt. Tôi xúc động chờ, kể cũng kỳ cục, xem giọt nước sẽ lăn dọc theo nếp áo hay còn cố cưỡng lại lâu hơn nữa trước sức nặng của nó, đúng, tôi hổn hển nhìn chăm chăm giọt nước mưa đó trong mấy phút, tựa hồ cuộc đời tôi do chính nó định đoạt. Và khi cuối cùng nó rơi, tôi bắt đầu đếm các cúc trên từng chiếc áo bành tô, áo thứ nhất có tám cúc, áo thứ hai – tám và áo thứ ba - mười; đoạn tôi so sánh lại tay các áo. Mắt tôi say đắm nhìn những chi tiết vô nghĩa này thật thích thú và thỏa thuê mà tôi không thể dùng lời nào diễn tả được.

“Và mắt tôi bỗng để ý đến một vật, một vật phồng phồng trong một túi áo. Tôi tiến lại gần và nhận ra qua lần vải giãn căng khổ hình chữ nhật của một cuốn sách. Một cuốn sách! Đầu gối tôi run lên: một cuốn sách! Bốn tháng nay tôi không được cầm trên tay một cuốn sách nào và chỉ riêng sự hiện diện của nó cũng đủ làm tôi choáng người. Một cuốn sách trong đó tôi sẽ được thấy các từ xếp thẳng hàng nối nhau liên tiếp, những dòng chữ, những trang sách, những tờ sách mà tôi có thể lật giở. Một cuốn sách mà tôi có thể dõi theo những suy nghĩ khác, những suy nghĩ mới làm chuyển hướng suy nghĩ của tôi và tôi có thể lưu lại ở trong đầu, đây đúng là một phát hiện vừa thật say sưa và vừa dịu dàng biết bao! Cặp mắt tôi nhìn chăm chăm như bị thôi miên vào chiếc túi căng hình cuốn sách, mắt tôi như nảy lửa muốn hun cháy một lỗ trong chiếc áo bành tô ấy. Tôi không kìm nén được nên sán lại bên chiếc áo. Chỉ riêng cứ nghĩ là mình sẽ được nắm một cuốn sách, dù qua lớp vải, cũng làm các ngón tay tôi nóng ran lên như phải bỏng. Tôi gần như vô tình cứ sán sát lại bên chiếc áo bành tô.

“May mà tên giám ngục không chú ý tới thái độ kỳ cục của tôi. Chắc gã nghĩ rằng một người phải đứng suốt hai giờ liền, nếu có đến đứng tựa một lát vào vách tường thì cũng là điều tự nhiên. Cuối cùng tôi đã ở bên chiếc áo bành tô và tôi chắp hai tay ra sau lưng để có thể lén sờ vụng được, tôi nắn lần vải và đúng là cảm thấy một vật hình chữ nhật mềm mềm và khẽ phát ra những tiếng răng rắc nhẹ - một cuốn sách! Đúng là một cuốn sách! Bỗng một ý nghĩ lóe lên như tia chớp ở trong đầu tôi: cố xoáy cuốn sách này! Nếu xoáy được, nhà ngươi có thể giấu nó ở phòng nhà ngươi và đọc, đọc, đọc, đọc đi, đọc lại! Ý nghĩ này vừa nảy ra ở trong đầu, nó tác động ngay vào tôi như một liều thuốc độc mạnh, tôi ù hết cả tai, tim đập thình thịch, tay lạnh cóng và không chịu phục tùng tôi nữa.

“Tuy vậy, trạng thái sững sờ ban đầu vừa qua đi, tôi khéo léo nép sát người vào áo bành tô và vừa đưa mắt chăm chăm nhìn tên giám ngục vừa từ từ đẩy cuốn sách ra khỏi miệng túi. Hấp! Tôi thận trọng đón lấy nó và cầm ở nơi tay một cuốn sách khá mỏng. Mãi lúc này tôi mới thấy hốt hoảng trước việc mình vừa làm. Nhưng tôi không thể lùi bước được nữa rồi. Cất giấu nó ở đâu bây giờ? Vẫn ở sau lưng tôi luồn nó vào thắt lưng và đẩy nhẹ tới ngang hông để khi đi tôi có thể giữ nó bằng cách kẹp tay sát mép quần như kiểu nhà binh. Bây giờ tôi thử xem cách đó có ổn không. Tôi rời khỏi tủ treo áo, đi một, hai, ba bước. Ổn rồi. Tôi có thể giữ cuốn sách ở nguyên một chỗ nếu áp thật sát cánh tay vào người, tại ngang thắt lưng.

“Đến lúc tôi bị lôi vào hỏi cung. Tôi phải hết sức cố gắng chưa từng thấy, vì tôi phải tập trung toàn bộ chú ý vào cuốn sách và cố giữ cho nó khỏi tụt xuống hơn là vào lời khai nhân chứng. Cũng may, hôm đó buổi hỏi cung không kéo dài và tôi đưa được cuốn sách về phòng tôi. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng một lần, lúc đi dọc hành lang nó đã tụt quá sâu thật nguy hiểm, tôi giả vờ như bị lên cơn ho dữ dội cúi gập người xuống và kín đáo đẩy nó giắt vào thắt lưng. Khi quay về tới chốn địa ngục của tôi, đây là giây phút không thể quên được, cuối cùng lại trơ trọi một thân một mình, thế nhưng lúc này tôi có cái vật quý này làm bầu bạn.

“Chắc ông nghĩ rằng tôi liền lôi cuốn sách ra khỏi chỗ cất giấu để nhìn ngắm và đọc. Nhưng không. Thoạt đầu tôi muốn tận hưởng niềm vui do chỉ riêng sự hiện diện của cuốn sách đã đem lại cho tôi và tôi dềnh dàng kéo dài giây lát được nhìn thấy nó để có cái thú tuyệt diệu là mơ mộng xem nội dung sách nói gì. Trước hết tôi ước mong sao sách in chữ thật dày, bài thật nhiều, giấy thật mỏng để tôi có nhiều cái mà đọc. Tôi cũng còn hi vọng rằng đây sẽ là tác phẩm khó, phải vận dụng khá nhiều tri thức mới đọc nổi, sẽ là một tác phẩm có thể học thuộc lòng, tác phẩm thơ ca, và nếu là tác phẩm viết về một ước mơ táo bạo, tác phẩm của Gớt hay Hôme thì thích hơn. Cuối cùng, tôi không thể kìm nổi nỗi khao khát và lòng tò mò của tôi. Tôi ra giường nằm ở tư thế sao cho nếu tên giám ngục có vào đột xuất thì cũng không thể tóm được, rồi run rẩy lôi cuốn sách giắt ở thắt lưng ra.

*

Thoạt nhìn cuốn sách tôi đã bực mình và cay đắng thất vọng: cuốn sách mà tôi đã phải cực kỳ mạo hiểm để nẫng nhẹ, cuốn sách đã khơi gợi trong tôi một niềm hi vọng cháy bỏng biết bao chỉ là một cuốn sách dạy đánh cờ, một tập hợp gồm một trăm năm mươi ván cờ của các bậc thầy. Nếu không bị nhốt khóa trái cửa chắc trong cơn tức giận tôi đã quẳng cuốn sách này qua cửa sổ rồi, vì trời đất quỷ thần, tôi cần quái gì cái đồ sách chuyên luận này? Hồi học ở trường trung học, tôi cũng như đa số bè bạn đã từng tập toọng đi Binh trên bàn cờ vào lúc buồn chẳng biết làm gì. Nhưng còn với tác phẩm lý thuyết này thì tôi sử dụng ra sao đây? Đánh cờ mà không có đối thủ, lại chẳng có bàn lẫn quân thì đánh thế nào?

“Tôi chán ngán lật giở cuốn sách, hi vọng rằng có một cái gì đó như lời giới thiệu, lời chỉ dẫn để đọc. Nhưng nó chỉ gồm toàn những biểu đồ các ván cờ nổi tiếng, ở dưới ghi những kí hiệu thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả: A2 - A3, F1 - G3, v.v… Tôi thấy đấy là những dòng mật mã mà tôi không có khóa.

“Dần dần tôi vỡ lẽ các chữ cái A, B, C chỉ các đường gọi là cột dọc, các số 1, 2, 3 chỉ các đường gọi là dòng ngang, và qua tọa độ cột dọc, dòng ngang có thể xác định vị trí của từng quân cờ trong ván cờ. Như vậy sự biểu diễn hoàn toàn mang tính chất đồ thị này cũng là một loại ngôn ngữ. Tôi tự nghĩ là mình cũng có thể làm một bàn cờ và sau đó chơi các ván cờ này. Nhờ Trời, tôi nhận thấy vải trải giường của tôi là vải kẻ ô vuông. Nếu gập cẩn thận tấm vải trải giường tôi sẽ có một bàn cờ với sáu mươi tư ô. Tôi liền cất giấu cuốn sách dưới nệm sau khi đã xé lấy ra trang đầu, đoạn tôi véo một ít ruột bánh mì trong suất ăn của tôi và nặn các quân cờ, quân Tướng, quân Hậu, quân Xe và các quân khác. Các quân cờ tuy méo mó, nhưng tôi đã loay hoay tái tạo lại trên tấm khăn trải giường kẻ ô vuông vị trí các quân cờ trình bày trong cuốn sách giáo khoa.

“Tuy nhiên, thoạt đầu tôi không thể đánh trọn cả ván vì tôi dùng bụi lăn bột nặn quân 'đen' nên cứ thường bị lẫn lộn. Cái ván đầu tiên ấy tôi phải đánh đi đánh lại đến năm, mười, hai chục lần. Nhưng trên đời liệu còn ai có nhiều thời gian hơn tôi và bị giam cầm trong cảnh hư vô thế này, ai là người háu và kiên nhẫn hơn tôi?

“Sáu ngày sau tôi đã có thể đi các quân cờ đâu ra đấy trong ván cờ đầu tiên. Tám ngày sau, tôi không cần các quân bằng bột mì cũng có thể hình dung vị trí các quân của đối phương trên bàn cờ. Tám ngày nữa, tôi chẳng cần cả đến tấm khăn trải giường kẻ ô vuông. Những kí hiệu A1, A2, C7, C8 lúc đầu xem ra rất trừu tượng đối với tôi lúc này cứ tự động được cụ thể hóa ra thành những hình ảnh thị giác. Sự chuyển vị đã hoàn hảo. Tôi đã nhớ rất rõ từng quân cờ, hình dung ra ngay từng nước đi một trong ván cờ nêu trong sách mà không cần đến bàn cờ. Tôi như một nhạc sĩ điêu luyện chỉ cần đưa mắt nhìn qua bản dàn bè là liền nghe nổi lên toàn bộ chủ đề và hòa âm ghi trong bản dàn bè. Chỉ cần thêm mười lăm ngày nữa, tôi có thể đánh theo trí nhớ tất cả các ván cờ trình bày trong cuốn sách; do đó tôi đã nhận thấy rõ lợi ích vô cùng to lớn của việc lấy trộm táo bạo ấy, vì bây giờ tôi đã có việc để làm, cứ cho là vô bổ đi, nhưng dẫu sao đấy cũng là một công việc, nó thủ tiêu sự ngự trị của cái hư vô trong tâm hồn tôi. Với một trăm năm mươi ván cờ này, tôi có một vũ khí tuyệt vời chọi lại tính đơn điệu đến ngột ngạt của không gian và thời gian.

“Để duy trì sức quyến rũ của hoạt động mới mẻ này, tôi đã chia một cách rất quy củ một ngày của tôi như sau: đánh hai ván buổi sáng, hai ván buổi chiều, còn tối ôn qua lại cả bốn ván cờ. Như vậy thời gian của tôi lúc nào cũng kín, chứ không kéo dài lê thê một cách vô ích, và lúc nào tôi cũng thấy bận rộn vì đánh cờ có cái hay là không bao giờ làm mệt đầu óc, ngược lại nó làm cho trí lực thêm linh hoạt và dẻo dai. Sở dĩ như vậy vì khi đánh cờ, người ta tập trung toàn bộ trí năng vào một diện hẹp, dù cho gặp thế bí, căng thẳng cũng vậy. Thoạt đầu tôi máy móc tuân theo sự chỉ dẫn nêu trong sách, sau dần dần đây là một trò luyện trí thông minh mà tôi rất thích. Tôi học được cái tinh xảo, những mẹo tinh tế khi tấn, lúc đỡ, tôi nắm được kĩ thuật nhử và quật lại. Chẳng mấy chốc, tôi có khả năng nhận ra được cách đánh của từng nhà chơi cờ nổi tiếng, chẳng khác gì chỉ qua vài vần thơ là nhận ra nhà thơ nào. Thoạt đầu đây chỉ là một cách giết thời gian, nhưng sau nó là một trò giải trí thực sự, và những khuôn mặt của các nhà đánh cờ lớn như Alêcxin, Laxkơ, Bôgôngiubôp, Tartakôvơ đã làm cho cách đánh cô đơn của tôi trở nên thật dễ chịu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx