Tôi đến với Huế mà không hẹn trước. Lẽ ra tôi đã theo Trần Quang Long vào Nam nhưng cuộc đời sinh viên của tôi lại bắt đầu ở Morin, bên này cầu Tràng Tiền. Chính quyền Sài Gòn lúc đó muốn phân tán lực lượng nòng cốt của phong trào học sinh ở Quy Nhơn nên đã thuyên chuyển các thầy “Việt cộng nằm vùng” mỗi người đi mỗi ngả. Trần Quang Long về dạy ở Cần Thơ, thầy Thông lên Tây Nguyên và Lê Phước Cương về Quảng Trị.
Cương nói:
-Em nên về Huế và ở nhà tôi. Long sắp lấy vợ, ở với Long không tiện đâu.
Thế là tôi đi Huế.
Bây giờ, Huế đã xa lắc nhưng khoảng trời xanh ngắt của những đêm trăng Vĩ Dạ vẫn ở trong tôi cùng với những buổi sáng lạnh lẽo, mưa dầm, nước sông Hương tràn qua Đập Đá.
Đi bộ mấy cây số từ Vĩ Dạ lên Morin, mò mẫm qua Đập Đá như đi trên mặt sông. Huế dày đặc sương mù. Đứng bên Morin nhìn qua bên kia sông chẳng thấy chợ Đông Ba đâu cả. Thành quách cũng mờ ảo, chìm khuất trong vô định, hiu hắt khói sóng.
Tôi ra Huế “làm cách mạng” mà như đi vào cõi huyễn mộng phù du của một thời vàng son xa hút. Có người chê tôi, bảo: “Mày làm cách mạng cái kiểu gì vậy?” Tôi cũng không biết đó là kiểu gì. Có thể đó là kiểu của Phạm Thái của Trần Quang Long. Kiểu đó dở hay hay, không biết được, nhưng nó trong sạch, nó hồn nhiên. Cho tới bây giờ, khi các anh đã trở thành những ông quan cách mạng, những ông tư sản đỏ, thì tôi vẫn là kẻ si tình đi tìm đôi mắt Trương Quỳnh Như.
Các anh từng hỏi tôi: “Mày làm cách mạng cái kiểu gì vậy?” Còn bây giờ thì tôi hỏi các anh:
-Các anh làm cách mạng cái kiểu gì vậy?
Câu hỏi của các anh tôi đã trả lời rồi. Còn câu hỏi của tôi. Các anh có trả lời được không? Có dám trả lời không hay vẫn phớt lờ? Và âm thầm chia nhau cái miếng thịt Việt Nam béo bở này?
Tôi là một chàng thi sĩ ngốc nghếch nên vẫn nhớ những ngày mưa dầm dề trên phố Huế, những buổi sáng sương mù, những cây vả lùn, lá to như cái sàng gạo và trái thì bự như quả cam sành, bổ làm đôi, trong ruột có những cái nhụy màu tím sẫm.
Một năm ở Huế tôi làm được gì trong “cuộc đời hoạt động cách mạng” của tôi? Móc nối vài người, hẹn hò vài cô giao liên trong hồ Tịnh Tâm, học tập lén lút vài khóa chính trị sơ đẳng. Chẳng là gì cả. Toàn bộ thời gian là mơ mộng và ôm ấp cái lạnh cắt da của mùa Đông. Mùa Đông, tôi chỉ có một cái áo lính kaki dày cộm. Tôi đem nhuộm đen cho khác với màu của anh lính Sài Gòn.
Sau những biến cố đẫm máu thời Ngô Đình Diệm, Huế đã co lại. Khi tôi đến, thì Huế như cô gái nhỏ ngái ngủ cuộn mình trong chiếc mền dày cũ kỹ, nhõng nhẽo. Huế dẫn tôi đi trên những con đường rợp bóng cây, những bãi cỏ dày bên bờ sông Hương. Tôi thường ngồi lại trên những rễ cây già bò xuống mé nước, nghe con sóng nhỏ róc rách, thủ thỉ, ân ái. Tôi gặp Huế tháng Chín năm 1965, năm tôi hai mươi tuổi còn Huế thì mười tám.
Chúng tôi yêu nhau, khờ dại và âm thầm.
Suốt một năm ở Huế tôi không có người bạn gái nào cả. Thoáng qua vài cái tên như Khuê mặc áo dài tơ sống màu hoàng yến, cao và ốm. Như Bích lúc nào cũng mặc đồ trắng và lúc nào cũng nhìn tôi, cái thằng cha muôn đời chỉ có mỗi một chiếc áo lính kaki nhuộm đen dày cộm.
Có một gã trai trẻ, ốm nhách, đeo kính cận gọng to. Gã cũng mặc áo kaki như tôi nhưng đó là chiếc áo thanh niên cộng hòa của ông Ngô Đình Nhu. Chiếc áo màu xanh nước biển không biết gã xin được của ai, mặc thay cho áo lạnh. Gã cũng là một nhà thơ vĩ đại như tôi vậy. Nhà nghèo. Ở An Cựu. Tôi dụ gã theo cộng sản, gã nói:
-Tao làm thơ. Không làm cách mạng.
Dù vậy gã cũng từng là bạn của những nhà cách mạng sinh viên nổi tiếng ở Huế thời đó như Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Thái Ngọc San…
Tôi thương gã vì chúng tôi cùng nghèo túng, cùng thu mình lại trong giảng đường thênh thang của khu Rorin quý tộc cũ. Gã tặng tôi bốn câu này:
Năm một chín sáu lăm
Bước chân vào đại học
Ôi vàng son, vàng son
Tôi ôm mặt đứng khóc.
Có lẽ sau giải phóng gã cũng đã hơn một lần “ôm mặt đứng khóc” như thế. Tội nghiệp người bạn tốt. Tội nghiệp chúng ta quá, Phụng hỉ?
Bây giờ mi đang làm chi? Ở đâu? Không hề thấy tên mi trong đám quan lại ở Huế.
Với tôi, bây giờ Huế không còn lại gì ngoài những kỷ niệm lẻ loi, vụn vặt và buồn về một người thầy đã chết. Sao Cương lại chết trẻ như vậy? Ngoài năm mươi. Gần mười năm ở rừng. Cuộc sống trong những chiến khu ở miền Trung gian khổ hơn ở miền Nam rất nhiều. Tôi không từng đến những chiến khu ấy nhưng nghe Cương kể lại, nghe Hoàng Phủ Ngọc Phan kể lại, thấy thừa mứa bom đạn nhưng cạn kiệt lương thực, thực phẩm. Rồi bệnh tật, muỗi mòng. Có lẽ vì đường tiếp tế của miền Trung không được thuận lợi như ở miền Nam. Năm 1967 khi tôi về học vũ trang ở Sa Đéc để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân tôi thấy đời sống ở chiến khu đó chẳng khác gì một làng quê ngoài vùng tạm chiếm. Tôi sẽ trở lại những kỷ niệm ở các vùng căn cứ Sa Đéc, Cần Giuộc, Long Khánh…vào một dịp khác.
Cương vướng chất độc màu da cam ở Trường Sơn nhưng có lẽ anh không hay biết. Hai mươi năm sau, vào khoảng năm 1990 chất độc phát tán làm anh suy sụp. Anh tập Dịch Cân Kinh thường xuyên và nói rằng có hiệu quả, nhưng ít lâu sau bệnh trở nặng phải đưa vào bệnh viện Thống Nhất. Tôi vào thăm anh. Cả hai anh em đều buồn, không phải vì bệnh, không phải vì sinh tử phù du mà vì thế sự.
-Anh đi Pháp có vui không? Tôi hỏi.
Cương cười, trầm lặng.
-Đó chỉ là cái kế điệu hổ ly sơn của chúng nó.
Một tổ chức văn hóa của Pháp mời Cương sang. Chính quyền cho đi nhưng chỉ nói miệng, không có văn bản. Cương thì chỉ muốn xa rời cái đám nông dân hồng vệ binh rùng rợn ấy nên anh đi liền. Ba tháng ở châu Âu, chi phí do nước bạn tài trợ. Khi trở về thì bị khai trừ Đảng. Hỏi tại sao, thì họ đáp: “Ba tháng không sinh hoạt Đảng coi như tự ý ra khỏi Đảng”. Câu đó có ghi trong điều lệ.
Cương mất Đảng, mất luôn chức Giám đốc Sở Giáo dục. Sau đó ít lâu, anh qua đời. Tôi không biết tin ấy kịp thời và tôi cũng không thể đến viếng anh lần cuối vì lúc ấy tôi đang ở Mỹ.
@by txiuqw4