Vào thời điểm đó các căn cứ của Thành Đoàn ở vùng ven Sài Gòn và chiến khu D bị càn quét ráo riết nên đa số phải dời sang tận bên đất Campuchia. Các cơ sở ở nội thành Sài Gòn cũng bị lộ, anh em phải chạy vô cứ và cũng trôi dạt sang bên kia biên giới.
Thời gian tôi bị kẹt trong quân đội Sài Gòn tuy chỉ hơn 6 tháng nhưng cũng giúp tôi tránh được những cuộc hành quân càn quét, lùng sục ở nội thành Sài Gòn.
Tôi bắt liên lạc với tổ chức khá dễ dàng. Bây giờ tôi trực tiếp làm việc với Lê Công Giàu, một trong những lãnh đạo Thành Đoàn lúc đó. Về sau này, vào năm 1994, khi tôi bị “đánh phủ đầu” vì cuốn tiểu thuyết Nổi Loạn thì anh là ông quan cách mạng duy nhất đã thăm hỏi và chia sẻ cùng tôi trong những ngày bị hỏi cung căng thẳng nhất. Những người khác đều quay lưng, thậm chí có người còn muốn dây máu ăn phần!
Tôi thuê một căn gác nhỏ ở Thị Nghè và anh Giàu thường lui tới với tôi tại đó. Anh nói:
-Cơ sở của mình bị lộ nhiều lắm. Cán bộ nòng cốt không còn bao nhiêu vì thế những người còn trụ lại được nội thành như ông là quý lắm đấy nhé.
-Thôi, tôi không ở đây nữa đâu. Anh cho tôi vô rừng. Mẹ tôi đã mất rồi.
-Vô rừng làm gì? Anh đã từng ở rừng, anh biết rồi đó. Bạch diện thư sinh như mình có đánh đấm gì được đâu. Ngồi chơi xơi nước là chính.
-Nhưng mà ở nội thành, làm việc theo phong trào, lúc có lúc không, lúc lên lúc xuống. Nhất là thời điểm này đang án binh bất động. Chán chết được.
-Thì ông cứ học để lấy cho xong cái cử nhân đi. Và nhất là phải tìm một việc làm nào đó.
°
Làm gì?
Một chiếc mobilết xanh, phía sau có hai túi vải đựng báo. Sáng sớm giành giựt báo ở vỉa hè đường Truơng Định, lạch bạch chạy lên khu vực chợ Cầu Muối, Nguyễn Cảnh Chân, lòng vòng trong xóm lao động bỏ báo từng nhà. Chín giờ sáng xong việc, chạy đến trường đại học. Mười hai giờ ra khỏi trường, tấp vô quán cơm xã hội.
Làm gì?
Xế chiều chạy xuống Thị Nghè gặp một người đồng hương làm thợ sửa morasse cho báo Điện Tín.
-Hôm qua tôi viết tới đâu rồi?
-Tới chỗ hai đứa gặp nhau trên đèo Bảo Lộc.
-OK. Cho tôi ly nước lạnh.
Trong ba mươi giây một tên bán báo dạo biến thành nhà văn. Viết feuilleton mỗi ngày bốn trang đánh máy. Viết xong, nằm lăn dưới sàn nhà đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ông ta cũng viết feuilleton như tôi nhưng ông ta giàu vì có hàng triệu độc giả, còn tôi chỉ có vài trăm ngàn người, lên xuống theo số ượng bản in của báo Điện Tín.
Tôi viết tùm lum, bốn năm cái tiểu thuyết. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ nổi cốt truyện, chỉ nhớ một cái tên rất “kêu” là Sương Xuống Mênh Mông.
Chiều hôm đó tôi viết chương cuối cùng. Ngày hôm sau lại bắt đầu một cuốn khác lấy tên là Thành Phố Bạo Lực. Sau giải phóng tôi đã cho in lại truyện này dưới tên Một Chuyến Đi Xa được tái bản bốn lần và sau đó được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
°
Từ năm 1972 đến năm 1974 phong trào sinh viên ở Sài Gòn quá yên tĩnh. Tôi không có việc gì để làm bèn tấp qua nhánh văn nghệ.
Mấy năm trước, hồi còn ở Huế tôi có cộng tác với báo Tin Văn do anh Nguyễn Ngọc Lương làm chủ bút vì vậy chúng tôi quen nhau. Khi tôi vào Sài Gòn thì tờ Tin Văn đã đóng cửa vì chính quyền đánh hơi được “mùi Việt cộng” ở đó. Anh Nguyễn Ngọc Lương cũng bị họ bắt giam mấy lần nhưng vì không có bằng chứng nên phải thả ra.
Vợ anh là con gái một gia đình tư sản chuyên kinh doanh về xăng dầu. Anh là “bắc kỳ di cư” vốn là một công chức của đài phát thanh Sài Gòn. Tôi không biết với lý lịch như vậy sao anh có thể trở thành cộng sản được.
Thỉnh thoảng tôi đến ăn trưa với anh. Chị Lương cũng là người trí thức. Chị nói tiếng Anh rất lưu loát và có kiến thức về y học khá rộng.
Một lần anh hỏi tôi:
-Cậu đang làm gì để sống?
-Em đi bán báo. Nhưng…bây giờ nghỉ rồi. Vì chỉ bán giúp cho người ta một thời gian thôi. Anh có thể giới thiệu cho em một chỗ nào đó được không?
Điều thú vị là anh có một chỗ.
Chỗ ấy là trạm xăng ở đường Hai Bà Trưng, ngay sau lưng nhà bưu điện trung tâm Sài Gòn.
°
Đó là một trạm xăng lớn của gia đình bên vợ anh Nguyễn Ngọc Lương. Tôi làm một nhân viên bơm xăng bình thường, mặc đồng phục kaki màu xanh biển. Không nhớ lương bao nhiêu nhưng cũng đủ sống.
Anh Lê Công Giàu và tôi thường lấy trạm xăng làm chỗ liên lạc. Có khi thì anh đến, có lúc thì giao liên của anh đến.
Phong trào sinh viên vẫn án binh bất động. Anh Nguyễn Ngọc Lương giới thiệu tôi với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn và nhà văn Vô Hạnh (tôi không muốn nêu tên thật của ông vì ông đã gần đất xa trời, vì thế tôi mượn tạm cái tên mà nhà văn Nguỵ Ngữ đã đặt cho ông.)
Ông là nhà văn nổi tiếng và đã từng bị vài tờ báo của chính quyền Sàgòn nêu đích danh là “cộng sản nằm vùng.”
Tuy nhiên chúng tôi không thường gặp nhau vì tờ Tin Văn đã bị đóng cửa, không có môi trường để sinh hoạt.
Có một nhà văn thường xuyên quan hệ với ông Vô Hạnh, đó là Lữ Phương. Hồi đó anh là giáo viên cấp 3 dạy văn. Anh nổi tiếng qua những bài chính luận sắc bén đăng trên tờ Tin Văn. Càng nổi tiếng anh càng bị chính quyền Sàgòn để ý và tôi cũng không hiểu tình hình đun đẩy thế nào mà anh lại vào chiến khu, tham gia vào chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam với chức vụ Thứ trưởng Bộ văn hóa. Đến thời điểm đó tôi vẫn chưa được gặp mặt anh dù đã đọc anh khá nhiều.
Những ngày đầu giải phóng tôi có dịp làm việc chung với Lữ Phương trong Hội đồng đánh giá văn học miền Nam tại thư viện quốc gia.
Anh khá nổi bật trong số các thành viên của Hội đồng vì cách ăn mặc.
Trong khi các cán bộ miền Bắc và cán bộ ở rừng ăn mặc luộm thuộm, đi dép râu, còn những người tại chỗ như Vô Hạnh và tôi cũng xuềnh xoàng, thì Lữ Phương ăn mặc chỉnh tề, đẹp. Có lẽ đó là những bộ quần áo của thời anh đi dạy học trước giải phóng. Quần Gabardine màu xám nhạt, sơ mi màu sậm, cài măng sét, giày da màu nâu bóng loáng.
Anh ăn nói lưu loát nhưng hòa nhã, lịch thiệp. Cái nhìn của anh về văn học ở các đô thị miền Nam trước GP cũng khá thoáng.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là anh luôn luôn bị ông Vô Hạnh ngắt lời. Ông lớn tiếng, khoa tay múa chân khi nói, và thường dùng những lời lẽ đao to búa lớn để phủ nhận những ý kiến của Lữ Phương. Thái độ đó làm mọi người khó chịu. Lữ Phương thì im lặng theo cái cách của một người cha nhìn cơn bốc đồng của đứa con mình và chờ cho nó hạ xuống. Sau đó anh lại tiếp tục nói.
Trong giờ nghỉ giải lao, Vô Hạnh nói oang oang ngoài hành lang của thư viện:
-Đầu óc tiểu tư sản của anh ta vẫn còn. Anh ta là thứ trưởng hả? Chỉ đáng là học trò của tôi.
Lúc ấy nhiều người cho rằng ông muốn tranh cái chức thứ trưởng bộ văn hóa của Lữ Phương, riêng Lữ Phương có lẽ anh đang cười thầm vì từ lâu anh đã hiểu cái chức ấy chẳng qua cũng chỉ là một vai diễn trên sân khấu chính trị mà thôi.
Tôi thì ngỡ ngàng. Lúc đó tôi nghĩ chắc trước đây ông và Lữ Phương có lục đục với nhau, nhưng về sau khi ông Vô Hạnh về làm việc ở Hội Văn nghệTPHCM thì tôi mới biết ông là một tên chỉ điểm.
Thực ra, nhận xét về ông Vô Hạnh như thế chỉ đúng có một phần.
Phải định nghĩa về nhà văn Vô Hạnh như thế này: Một kẻ man trá. Một cá thể phức tạp bị dồn nén và đầy mặc cảm.
Ông là một đảng viên cộng sản, hoạt động cách mạng trong nội thành nhưng khi ở tù ông nhanh chóng đầu hàng, nhiều lần buộc anh em trong tù phải chào cờ và hát quốc ca của địch nên được tên cai ngục tin dùng, cho về nhà riêng của y mỗi ngày vài giờ để làm tạp dịch và dạy kèm cho đứa con. Tuy nhiên để tránh sự dòm ngó, mỗi lần ra khỏi nhà giam Vô Hạnh chỉ được phép chui qua lỗ rào kẽm gai để lẻn vào nhà sau của tên cai ngục, vì thế bạn tù đặt cho ông cái tên “Vô Hạnh chui lỗ chó”. Sau ngày thống nhất, ông bị « kiểm thảo » gay gắt nên rất thù những anh em văn nghệ sĩ ở rừng về. Nỗi căm hận biến thành cao ngạo, chửi bới vung vít.
Mặt khác, đối với anh em văn nghệ tại chỗ (nhất là những người không biết lý lịch của ông) thì ông lại tỏ ra mình là một ngự sử văn đàn, một nhà văn cách mạng chánh hiệu con nai vàng, vì thế ông phê phán người này, lên lớp người kia, lúc nào cũng đưa quan điểm lập trường chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân… ra làm thước đo, hù dọa mấy anh em nhà văn trẻ, nhà văn chế độ cũ đang được “lưu dung”. Còn đối với các nhà văn nổi tiếng tài năng khác như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu… thì ông mạt sát họ bằng ngôn ngữ dao phay, mã tấu…
Sau này, khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn chứng nào tật nấy, vẫn giở giọng « chuyên chính vô sản » ra truy đuổi những nhà văn tài năng ở Miền Nam trước 75, gay gắt như trong những cuộc đấu tố chính hiệu của thời cải cách ruộng đất.
Ông là loại sinh vật gì vậy? Côn trùng, bò sát hay lưỡng cư? Ông làm như vậy để làm gì?
Trước đây thì có thể động cơ của ông là tâng công với Đảng. Nhưng nịnh bợ mấy mươi năm có được gì đâu. Thế thì ở cái năm 2007 này ông còn lên giọng làm gì?
Ôi thôi, đó là chuyện có liên quan tới cái mà khoa tâm phân học gọi là refoulement, gọi là transfer du complex, gọi là loi de compensation…
Cho đến khi nằm ngáp ngáp chờ chết, có lẽ ông cũng còn bị những quy luật tâm lý phức tạp ấy dẫn dắt như một thằng khùng.
Ngược hẳn với Vô Hạnh 180 độ là anh Nguyễn Ngọc Lương. Hiền lành, nhẫn nhục mà sống, mà làm việc. Trước giải phóng thành ủy giao cho anh làm chủ bút báo Tin Văn, một tờ báo công khai của Đảng tại thành phố Sài Gòn, nói nôm na là làm ông tổng biên tập một tờ báo “Việt cộng nằm vùng” ngay trong lòng địch. Chuyện đó đâu có dễ. Nếu là bạn, chưa chắc bạn đã dám nhận, phải không? Nhất là làm việc mà không có lãnh lương!
Sau giải phóng người ta cho anh làm một nhân viên sửa morasse tại tòa soạn báo Văn Nghệ TPHCM. Vậy mà anh cũng làm.
Về sau này có lần ông Trần Trọng Tân, trưởng ban tuyên huấn thành ủy, nói với tôi: ”Lúc chuẩn bị trận Mậu Thân tôi có đưa một cán bộ cao cấp đến nhà anh Lương và đề nghị anh che giấu nhưng anh từ chối với lý do là bà xã sẽ không đồng ý.“
Đó là lỗi của anh Lương sao?
Tôi lại cho rằng việc đưa cán bộ cao cấp về trú ngụ tại nhà anh Lương là một sai lầm vì các lý do sau:
1/ Anh Lương là cộng sản nhưng vợ anh là con nhà tư sản bắc kỳ di cư chắc chắn họ sẽ phản ứng mạnh mẽ và sẽ dẫn tới việc bại lộ tông tích.
2/ Anh Lương đang đảm nhận trọng trách điều hành một tờ báo công khai của Đảng tại Sài Gòn, anh cần được bảo vệ đặc biệt, cần được ngụy trang đặc biệt hơn là đem VC về nhà chẳng khác nào « lạy ông tôi ở bụi này ».
Thì ra chỉ vì cái chuyện ngớ ngẩn từ thời Mậu Thân ấy mà anh bị đối xử tàn tệ như vậy.
Anh Nguyễn Ngọc Lương đã qua đời trong một tâm trạng buồn như thế.
Ngày 23 tháng 3 năm 2007, mười lăm thủy thủ Anh bị Iran bắt làm tù binh vì “xâm phạm lãnh hải của Iran”. Mấy người lính Ănglê này (có cả một cô nàng béo tốt tên là Faye Turney) đều lên đài truyền hình Iran cầm cây thước chỉ vô bản đồ xác nhận là mình đã xâm phạm lãnh hải của Iran. Sau đó xin lỗi rối rít và cám ơn chính phủ Iran đã đối xử rộng lượng… Thế mà đến khi họ được thả về nước thì mọi người vẫn ra đón. Thủ tướng Anh còn bật đèn xanh cho họ thuật lại những chuyện đã xảy ra để…kiếm tiền. Rõ ràng là người ta nhìn vấn đề đó nhẹ nhàng như chơi một ván cờ.
Một người bạn khác của tôi là nhà báo Nguyễn Xuân Phổ cũng bị phân biệt đối xử và trở thành “dở khùng dở điên”, anh ăn mặc lôi thôi như gã ăn mày, đi lang thang đây đó suốt mấy năm trời và cuối cùng gục chết trên đường phố.
Anh ruột của Phổ là Nguyễn Xuân Hàm. Hai anh em có một người cha làm bộ trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng họ đã đi kháng chiến. Sau giải phóng họ bị cho ra rìa. Tôi thương Phổ nhưng tôi không đồng tình với anh cũng như tôi không đồng tình với Khuất Nguyên vì bị thất sủng mà phải trầm mình dưới sống Mịch La. Cả hai người ấy đều chưa học thuộc hai câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Phóng Cuồng ca:
Thâm tắc lệ hề, thiển tắc kệ,
Dụng tắc hành hề, xả tắc tàng
(Sâu thì cổi áo, cạn thì vén áo.
Biết dùng thì ta làm, không dùng thì ta về.)
Có một người đã may mắn đọc được hai câu này. Đó là Nguyễn Xuân Hàm, anh ruột của Phổ. Anh vượt biên sang Mỹ và mười năm sau anh trở về với chức Tổng Giám đốc công ty Carrier của Hoa kỳ có trụ sở “hoành tráng” trên đường Trần Quốc Thảo.
@by txiuqw4