Lúc ấy tàn quân Pôl Pốt đã bắt đầu rút vào rừng. Mặt trận biên giới Tây Nam khá yên tĩnh.
Tiếng súng chỉ còn rải rác trên đường đi và trong các phom. Chúng tôi đến bến phà Kôngpông Chàm thì bị tắt đường. Xe nhà binh nối thành hàng dài trên con đường đất vàng cháy. Dòng sông ở tận dưới sâu và đang rất thản nhiên trước cảnh ồn ào trên bờ. Chiếc phà nhỏ cũng thản nhiên đậu dưới bến, không quan tâm gì đến lượng xe cơ giới trên bờ.
Rồi đột nhiên nó tà tà, xình xịch rời bến.
Một chiếc jeep từ đàng sau chợt vọt tới, nối theo là chiếc xe du lịch màu trắng. Những người lính Campuchia đứng trên chiếc jeep la lối gọi phà dừng lại nhưng chiếc phà vẫn tà tà xa bờ.
Một chàng lính K nóng máu phóng luôn một quả M79 xuống sông, cột nước bùng lên chỉ cách chiếc phà có vài mét. Nó sợ quá. Dừng lại. Rồi quay vào bờ.
Đó là cách “gọi đò” của quân đội bạn.
Chiếc jeep hộ tống chiếc xe du lịch màu trắng xuống phà. Còn chúng tôi, mãi đến xế chiều mới qua được phía bên kia bờ. Nhưng mới đi được chừng vài cây số thì lại gặp một chiếc xe con chở một ông lớn Campuchia nào đó từ một ngã rẽ phóng ra. Nó vượt qua mặt những xe bộ đội Việt Nam, tung bụi mù mịt. Nhưng chỉ chạy được có một đoạn thì gặp một trạm gác do bộ đội Việt Nam kiểm soát. Cái cổng làm bằng một cây tre thô sơ chưa kịp dở lên thì đã bị chiếc xe con lao thẳng vào, phá tan nát.
Mấy anh bộ đội gác cổng giận quá lên cò súng, chặn đầu xe lại. Bộ đội trên xe của tôi cũng nhào xuống đất, chạy đến tiếp ứng. Rất may là có một sĩ quan cấp tá của Việt Nam đến kịp, dàn xếp. Mọi người rút về vị trí nhưng chiếc xe con vẫn chưa chịu đi. Nó nấn ná một lúc rồi mới từ từ lăn bánh.
Nhiều người nói:
-Mình tới đánh Pôl Pốt giúp cho nó mà nó cứ tìm cách gây sự.
Người sĩ quan khoác tay cho đoàn xe lên đường.
Điểm đến của chúng tôi là Mặt Trận 479 ở Siem Reap nhưng chiều đó chúng tôi dừng lại ở Kôngpông Thom, một tỉnh vừa được giải phóng. Sáng hôm sau xe vẫn chưa đi, tôi tranh thủ làm việc với các cán bộ Đoàn thanh niên của bạn. Tuy tôi không biết tiếng Khơme nhưng những cán bộ trẻ của chính quyền bạn ai cũng nói được tiếng Pháp nên chúng tôi giao tiếp với nhau không khó khăn mấy.
Sau buổi gặp ngắn ngủi ấy, có một cô gái đến gặp tôi và nói:
-Chào anh nhà báo. Anh có sẵn lòng gặp sếp của tôi không?
Ngoại hình đẹp, cao, thon thả, thanh lịch. Tôi không thể nào từ chối một người như vậy.
-Sếp của cô là ai?
-Trưởng Ty Thông tin tỉnh Kôngpông Thom.
-Còn cô là hoa hậu ở đây phải không?
-Không. Tôi là phó Ty, tên tôi là Cheng Huor nhưng mọi người thường gọi tôi là “cô Múa Đẹp”
-Múa Apsara?
Cheng Huor đưa hai tay ra phía trước, những ngón tay uốn cong. Và cười.
Ty thông tin là một căn nhà mặt tiền gồm một trệt một lầu và một cái sân thượng. Trưởng Ty là ông Cheng Phon, tiếp tôi trên cái sân thượng đầy nắng, có che một mái hiên bằng tre. Có lẽ lúc ấy ông khoảng 50 tuổi, đầu hói, ăn mặc như một người nông dân Nam Bộ, cổ quấn khăn rằn. Trước thời Pôl Pốt ông là giáo sư của Viện kịch nghệ Hoàng gia Campuchia. Bọn Pôl Pốt đã giết vợ con ông và ném ông về nông thôn cày ruộng. Gặp tôi ông rất mừng và rất thân tình. Ông nói:
-Nếu không có bộ đội Việt Nam thì tôi đã chết rồi. Cho nên bây giờ đây (ông bóp bóp cánh tay sạm đen của mình) cả máu và thịt này đây cũng là Việt Nam.
Chừng hơn một năm sau, cô Cheng Huor có sang Việt Nam học tiếng Việt ở đại học tổng hợp và có ghé nhà tôi chơi. Cô khoe với tôi là ông Cheng Phon đã lên làm bộ trưởng Thông tin, còn cô lên trưởng Ty.
Tôi không hiểu việc quân như thế nào mà chúng tôi phải ở lại Kôngpông Thom thêm mấy ngày nữa. Xế chiều Cheng Huor rủ tôi về nhà chơi. Từ chỗ đóng quân của tôi phải đi bộ hơn bốn cây số mới đến nhà cô Múa Đẹp. Một căn nhà nhỏ, xinh xắn. Có vẻ trước đây là một gia đình khá giả.
-Chồng tôi là một kiến trúc sư tốt nghiệp bên Pháp. Anh bị Pôl Pốt giết khi chúng tôi mới lấy nhau hơn một năm.
Phòng khách đơn sơ, nhưng cái bếp thì thật rộng. Bộ bàn ăn đẹp, bày muổng nĩa như kiểu Tây. Nhưng Cheng Huor lại đãi tôi món cá xông khói kiểu Khơme.
Cheng Huor có nước da ngăm ngăm nhưng khuôn mặt tuơi tắn và duyên dáng, quý phái. Nhất là khi cô múa quanh cái bàn ăn. Rất tiếc là không có nhạc. Vì cơn bão man rợ của Pôl Pốt đã cuốn đi tất cả những gì là văn minh của con người. Không một nhạc cụ, không một máy nghe nhạc, không một cuốn sách. Chỉ còn lại những ngón tay. Đôi chân thon thả và một thân hình uyển chuyển như con báo đen. Vũ điệu chợt làm dấy lên tiếng nhạc từ trong vô thức. Tôi tràn ngập hạnh phúc khi được thưởng thức một trong những vũ điệu đẹp nhất của nhân loại, một di sản văn hóa phi vật thể mà mãi đến năm 2006 mới được UNESCO công nhận và xếp loại.
Đó là Cheng Huor, nói tiếng Pháp như nước chảy mây trôi, múa đẹp như trong thần thoại.
Buổi tối Cheng Huor đòi tiễn tôi về nơi đóng quân. Tôi nói:
-Xa lắm. Không được đâu.
-Được mà. Vì trước đây sống trong trại tập trung của Pôl Pốt ở trong rừng, tôi rất thường đi trong đêm tối.
-Nhưng tôi không muốn lát nữa cô phải quay về một mình.
°
Cheng Huor và đền Angkor, đền Ta Prohm là biểu tượng cho một nước Campuchia tài hoa, trầm mặc và vĩ đại.
Nhưng chiến tranh đã để lại trên xứ sở huyền thoại này những em bé bụng õng, trần truồng, đen đủi, ngụp lặn trong ruộng nước để tìm những con cá nhỏ, con nhái bén, con còng còm cõi.
Tôi đã đi dọc những cánh đồng mênh mông ngự trị bởi những hoang tàn, nắng cháy và hiu quạnh. Những đứa trẻ lạc lõng kia như từ đất chui lên, cặm cụi tìm kiếm, rồi mất hút trong bùn lầy.
Những khu chợ xổm rách nát, xiêu đổ, may mắn sống sót cạnh một ngôi làng lạnh lẽo. Buổi sáng tôi và mấy anh bộ đội đi tìm một cái gì đó để ăn.
Chỉ gặp ruồi nhặng. Và ruồi nhặng.
Ruồi bu quanh những cái miệng nhỏ. Ruồi xếp hàng dày đặc trên những ống tre đen đủi đựng nước thốt nốt, bày trên sạp tre.
Tôi bước vào cái chợ xổm rách rưới ấy. Ruồi bay quanh, tiếng đập cánh vù vù, tiếng kêu ong óng. Và những con người đen đủi gầy gò vẫn ngồi bình thản giữa ruồi nhặng. Đó là những cô gái trẻ mười tám, hai mươi tuổi, không buồn không vui. Họ bán những cái gì đó lụn vụn, cong queo, khô đét trên những cái mẹt tre, trên những lá thốt nốt to bản.
Và phở bò. Những cái tô lớn bị che khuất bởi ruồi. Và khi cô gái xua tay thì đám sinh linh đói khát ấy bùng nổ. Lộ ra hình hài một tô phở.
Tôi không thể ăn được một tô phở như vậy nên tôi chọn một ống tre đựng nước thốt nốt. Nhưng đột nhiên cô bán hàng nhỏ bé kéo từ dưới bàn chân đen đủi của mình ra một cuốn sách nhàu nát, bìa rách mất một góc nhưng tôi cũng nhận ra đó là cuốn Spartacus của nhà văn Howard Fast đã được dịch sang tiếng Pháp. Tôi hỏi:
-Tu peux lire ce livre?
-Je n’ai rien d’autre à lire.
(Em đọc được cuốn này sao? - Em không có gì khác để đọc.)
°
Và tôi đã gặp một Campuchia khác ở Siem Reap. Đó là đền Angkor.
Sáu trăm năm bị bỏ quên trong rừng sâu. Hoàng cung trở thành những hang hốc dành cho voi, hổ báo, khỉ và rắn. Tại sao người ta lại có thể bỏ quên một kỳ quan vĩ đại như thế trong suốt hơn sáu thế kỷ? Dân tộc Campuchia không hề biết rằng mình đã từng có một quần thể tác phẩm kiến trúc và điêu khắc hùng vĩ, lộng lẫy và uy nghi như thế cho đến khi một chủ đồn điền cao su người Anh lái chiếc máy bay thể thao ngang qua khu rừng đó và…
Đền đài hiện ra, như một tác phẩm của trời, không phải của người. Vì nó sừng sững, cao ngạo, thách thức trong câm lặng. Trong nắng hoàng hôn, những tảng đá đang còn mơ giấc mơ cung đình trong giấc ngủ dài từ thế kỷ thứ 12.
Nụ cười thiền của đá cứ phảng phất trên bốn mặt Bayon cao ngất. Đá xếp như rừng, ngút ngàn, sâu thẳm, ẩn dấu. Đá len lỏi theo những lối đi hẹp, những hành lang thênh thang chạm khắc vũ nữ. Nàng Cheng Huor của tôi đang múa trên một nền matière thô ráp của cổ thạch. Linga cao ngất ngưởng, phô trương sức mạnh truyền giống của mình, thách thức thời gian.
Nhưng Angkor lúc ấy vừa qua một cuộc chiến thảm khốc nên hoang vắng, lạnh lẽo, cô tịch. Chỉ có tôi, ba anh bộ đội của Mặt trận 479 và một anh thanh niên Campuchia dẫn đường tên là Ruck Komnik (có thể tôi viết sai chính tả). Không có du khách. Nhưng những cặp vú của các vũ nữ Apsara dọc theo hành lang thì tự lúc nào đã láng bóng do bàn tay người.
Có một lúc tôi định bước vào bên trong một tượng Bayon thì chạm mặt một xác chết. Người dẫn đường nói:
-Hôm trước ở Ta Prohm chúng tôi cũng mới chôn một cái xác.
Lần đó tôi không vào được Ta Prohm vì nghe nói vẫn còn tàn quân Pôl Pốt lẩn trốn ở đó. Phải đợi đến 24 năm sau, trở lại Siem Reap lần thứ hai tôi mới biết đến cái nơi mà nữ diễn viên Angelina Jolie đã đóng phim Tomb Raider (Bọn cướp lăng mộ).
Ta Prohm thâm u mà rực rỡ trong thứ ánh sáng kỳ ảo của rừng già, hốc đá. Ngay cả những phế tích cũng bừng lên vẻ đẹp huy hoàng của nó. Sức sống vĩnh cửu của các đường nét kiến trúc vẫn rạng rỡ trong những đổ nát. Và sự u ẩn, bí nhiệm của các mật thất cũng mang đầy nét hiện đại.
Tại sao một dân tộc có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật lớn như vậy mà phải sống trong nghèo nàn lạc hậu? Tại sao con cháu của các nghệ sĩ vĩ đại như thế lại sinh ra những con quái vật như Pôl Pốt, Iêng Sary giết hàng triệu người bằng cách đập đầu bằng cán cuốc?
Tại sao có đền Angkor mà lại còn có nhà tù Tung-Sleng?
Những câu hỏi này cũng có thể đặt ra cho nước Đức, nước Trung Hoa. Tại sao có Beethoven, Einstein, Goethe…mà còn có Hitler? Tại sao một dân tộc lãng mạn tài hoa như dân tộc Đức lại đẻ ra một tên Hitler đẩy hàng triệu người vào những lò thiêu xác? Tại sao một dân tộc vĩ đại như Trung Hoa đã sinh ra Lão Tử, Trang Tử, Khổng Khâu, La Quán Trung, Tào Tuyết Cần… lại còn sinh ra Bạch Khởi, Mao Trạch Đông, Tần Thủy Hoàng?
Vậy thì dân tộc Trung Hoa, dân tộc Khơme, dân tộc Đức… văn minh hay man rợ?
Hóa ra thiện hay ác, văn minh hay man rợ không phải do dân tộc. Mà do chính quyền. Chính quyền man rợ sẽ đẩy dân tộc mình vào sự man rợ.
Các nhà khoa học, những nghệ sĩ thiên tài như Beethoven, Goethe, Einstein, Trang Tử…luôn là những người sáng tạo ra trí tuệ và vẻ đẹp cho dân tộc mình và cho cả loài người. Cho nên nếu có giết tôi, tôi vẫn nói rằng những nhà khoa học, những nghệ sĩ bao giờ cũng cao quý hơn những nhà chính trị.
Những nhà chính trị họ giành chính quyền, họ giành độc lập nhưng rồi họ coi những thứ đó như chiến lợi phẩm. Và họ chia nhau. Dù núp dưới những chiêu bài tốt đẹp nào thì bản chất của sự việc, tự ngàn xưa, vẫn như vậy. Và lịch sử Đông, Tây, Kim, Cổ đã chứng minh điều đó. Ai không tin hãy đọc lại lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, kể cả Hoa Kỳ!
°
Sau chuyến đi Campuchia tôi trở về và phụ trách trang Văn Xã của báo Tuổi Trẻ. Có thể nói đây là mảnh đất đã ươm mầm và nuôi dưỡng phần lớn những cây bút trẻ thời ấy.
Còn tôi, mặc dù có viết lai rai trước giải phóng nhưng chỉ thực sự bước vào nghề văn từ khi nhận giải thưởng văn học dành cho tiểu thuyết Giữa Cơn Lốc năm 1976.
Năm 1993, khi cuốn Nổi Loạn của tôi ra đời, ba bốn tờ báo xúm lại “đánh” cả tháng chưa mỏi tay, chửi mấy tuần liền chưa mỏi miệng. Nào là đồi trụy, nào là phản động.
Thực tình tôi không muốn nhắc đến cuốn sách đó vì nó đã gây đau buồn cho nhiều người, nhưng vì người ta đã xúm nhau đánh nó nên tôi buộc lòng phải chống đỡ để tự vệ.
Tôi chỉ xuất có một chiêu, nhưng vì chiêu đó do Lệnh Hồ Xung dạy tôi, nên đã hóa giải được tất cả.
Người tạo điều kiện cho tôi xuất chiêu là Đoàn Giao Thủy. Anh đã bay từ Paris sang gặp tôi để thực hiện một bài phỏng vấn dài 2500 chữ đăng trên báo Diễn Đàn Paris số 28 phát hành tháng 3/1994 tại Pháp.
Bài báo đó đã cứu tôi thoát khỏi cảnh tù tội bởi vì nó đã đánh động dư luận nước ngoài.
Sau đây là nguyên văn bài trả lời phỏng vấn ấy:
CHUNG QUANH
TÁC PHẨM “NỔI LOẠN“
Trong sáu tháng cuối năm 1993, cuốn tiểu thuyết NỔI LOẠN của Ðào Hiếu đã nổi lên như một sự kiện văn học ở Thành Phố Hồ Chí Minh.
Trong chừng mực nào đó: có thể gọi “vụ án NỔI LOẠN”, bởi vì đã có lời buộc tội đăng trên báo chí, cuốn sách đã bị tịch thâu và tác giả đã bị bắt giam và truy tố. So với các vụ án văn nghệ trước kia, đây chỉ là một vụ án nhỏ, song nhìn chung không có gì thay đổi về phương pháp của nhà cầm quyền dùng để triệt hạ một tác phẩm: tác phẩm bị kết án, tác giả bị đi tù, song tác giả không được quyền giải thích công khai về tác phẩm của mình. Chỉ có một điều là ở cuối thể kỷ thứ hai mươi này việc bỏ tù một nhà văn vì tác phẩm của họ không còn dễ dàng như xưa nữa!
Trong lần về thăm Việt Nam vừa qua tôi có dịp nói chuyện với nhà văn Ðào Hiếu cũng như nhiều người có thẩm quyền trong giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn về cuốn sách và các sự kiện chung quanh nó. Khi đó khả năng anh bị bắt giam đã được nêu ra. Trở lại Âu châu được tin anh bị bắt thật, tôi tự thấy có trách nhiệm giới thiệu những lời trao đổi với anh mà tôi ghi được. Như một chứng từ! Như quyền trả lời của một người bị buộc tội. Phải nói ngay rằng đây không phải là một phân tích về nội dung cuốn sách: xin dành phần đó cho bạn đọc hay các nhà chuyên phê bình văn học. Trước khi đi vào phần trao đổi, có lẽ cần nói đôi điều về tác giả cũng như bối cảnh của vụ án.
I/ TÁC GIẢ:
Ðào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh, tốt nghiệp Ðại Học Văn khoa Sài Gòn năm 1972. Trước 1975 tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, viết văn với bút hiệu Biên Hồ, cộng tác với Bách Khoa, Ðiện Tín, Tin Văn. Hiện nay là biên tập viên nhà xuất bản Trẻ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. NỔI LOẠN là cuốn sách thứ 14 của anh từ sau 1975. Tiểu sử Ðào Hiếu được ghi trong tuyển tập TIẾNG HÁT NHỮNG NGƯỜI ÐI TỚI.
II/ TRAO ÐỔI VỚI NHÀ VĂN:
Ðoàn Giao Thủy (ÐGT): Trong hoàn cảnh nào anh đã thai nghén cuốn NỔI LOẠN?
Ðào Hiếu (ÐH): Trước nay tôi thuộc loại tác giả có sách bán ế nhất nước, có lẽ do tôi đã chọn những đề tài khô khan (Giữa Cơn Lốc, Người Tình Cũ, viết về phong trào sinh viên), hoặc vì tôi thích xây dựng nhân vật khác thường (Vua Mèo, Hoa Dại Lang Thang, Kẻ Tử Ðạo Cuối Cùng), hoặc xây dựng những truyện tình khác đời (Vượt Biển, Trong Vòng Tay Người Khác, Nổi Loạn), do đó truyện của tôi không gần gũi với độc giả bình thường nên sách bán chậm. Bây giờ thì người ta đổ xô nhau đi tìm...
NỔI LOẠN viết về một bi kịch của tình yêu và hôn nhân, một đề tài cũ. Cái mới nằm trong sự phát triển tính cách nhân vật trong bối cảnh lịch sử nơi xảy ra bi kịch này. Không có cuộc hôn nhân nào quái đản như cuộc hôn nhân mà nhân vật Ngọc trải qua. Ngọc đã bị bưng bít, cấm đoán và đàn áp. Thế là Ngọc nổi loạn: trong tình yêu, hôn nhân, trong gia đình và tình dục. Tại sao không? Hai mươi năm bị bưng bít thì nổi loạn trong tình dục là một phát triển tất yếu khi Ngọc có được một mối tình. Vài ba đoạn ngắn rải rác tả về quan hệ nam nữ là những đoạn tôi viết mượt mà và thơ mộng nhất. Tôi rất thích những đoạn này bởi vì chúng đầy ngẫu hứng, trong đó phải tinh tế mới thấy được tính nhân đạo của một sự hiến dâng trọn vẹn trong tình yêu.
ÐGT: Bới thế anh đã bị kết án là bôi lọ miền Bắc, xuyên tạc sự thật...
ÐH: Sự nghèo nàn lạc hậu và sự bưng bít của xã hội miền Bắc trong những năm 60-70 là một thực tế. Nhiều bạn bè miền Bắc đều cho rằng tôi đã viết rất thật. Xin nhấn mạnh: những người biên tập và duyệt in NỔI LOẠN là những nhà văn có tiếng ở miền Bắc.
ÐGT: Nhiều người cho rằng NỔI LOẠN là một “tác phẩm dịch vụ” chủ yếu để kiếm thêm chút tiền cho nhà xuất bản. Hình như tác giả không những bỏ tiền in mà còn phải trả tiền cho nhà xuất bản?
ÐH: Ai am hiểu về thị trường sách văn học ở Việt Nam đều biết rằng in tiểu thuyết trong lúc này là vì yêu thích văn học chứ không phải để kiếm lời. Rất nhiều nhà văn in sách để tặng bạn bè. Tôi vẫn coi văn học là một sản phẩm cao cấp. Sách của tôi đều bán rất chậm vì tôi không viết theo thị hiếu và phần lớn đều in ở những nhà xuất bản lớn có uy tín như Nhà xuất bản Hội nhà văn, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Văn nghệ...
ÐGT: Trong NỔI LOẠN các nhân vật đều bế tắc ở đường đời, song nhân vật “thiện” là một sĩ quan cải tạo còn các nhân vật “ác” là các cán bộ đảng viên. Anh có ý thức đó là một sự khiêu khích với nhà cầm quyền?
ÐH: Thông thường nhà văn lấy một mẫu nào đó trong đời để tạo ra nhân vật. Nhân vật này hay nhân vật kia chẳng qua cũng bắt nguồn từ những cái mẫu ngoài đời mà thôi. Tôi không có ý khiêu khích ai cả.
ÐGT: Dường như Hội nhà văn, bạn bè anh và giới văn nghệ không có phản ứng nào trước chiến dịch phê bình NỔI LOẠN?
ÐH: Bạn bè tôi thì nhiều; người yếu bóng vía thì hỏi tôi có ăn ngủ được không, bao giờ thì đi tù; họ xúi tôi trốn. Có người cho rằng tôi sẽ bị treo bút, bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn. Một số bạn bè miền Bắc thì không hiểu báo chí TPHCM làm dữ như vậy với mục đích gì, có ai đứng đằng sau muốn triệt hạ nhà xuất bản Hội Nhà Văn chăng? Còn tôi, tôi đóng vai khán giả. Tôi ngồi hàng ghế dưới, hút thuốc lá và thỉnh thoảng vỗ tay!
ÐGT: Cách đây mấy năm ông Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sĩ hãy “tự cứu mình…”. Song có lẽ ai cũng vẫn còn sợ, thấy cô đơn và chỉ biết chờ đợi. Liệu anh có thể tiếp tục viết lách khi bị kỷ luật hay đi tù?
ÐH: Khi ông Linh kêu gọi văn nghệ sĩ “hãy tự cứu mình” hay “đừng uốn cong ngòi bút” thì đó là cách nói hoa mỹ để bảo văn nghệ sĩ hãy tuyên truyền tốt hơn cho chính sách đổi mới của Đảng… Trường hợp các báo Văn Nghệ, Sông Hương, Cửa Việt… thì chẳng qua các anh em ấy tưởng lầm là ông Linh nói thật, thế thôi. Tôi chưa hề viết một bài chống tiêu cực nào vì đó là trò trẻ con. Thật ngây ngô khi nghĩ rằng mình không uốn cong ngòi bút khi viết loại văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Thời đó tôi đã cho ra đời những nhân vật mang nhiều tính cách viễn mơ, chế giễu và quay mặt với cuộc sống quanh mình (Vua Mèo) hoặc cuồng tín một cách dễ thương, chết ngu ngốc và thánh thiện (Kẻ Tử Ðạo Cuối Cùng), hay số phận đìu hiu của một trí thức đi theo cách mạng (Người Tình Cũ, Hoa Dại Lang Thang). Tiếc thay, dạo đó người ta đổ xô tìm đọc văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Ðó là sự giải tỏa ẩn ức. Quần chúng luôn là đám đông tội nghiệp; họ nhẹ dạ và bị lừa liên tục. Nhà văn phải nói cho đám đông biết điều đó. Ðương nhiên là dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải viết. Tôi ghét chính trị và nghi ngờ cuộc sống nên các nhân vật của tôi cũng vậy.
ÐGT: Gần đây nhiều tác giả đã gửi các tác phẩm của mình ra nước ngoài để in vì không có nhà xuất bản trong nước nào nhận in. Anh có nghĩ rằng đây là điều cần làm?
ÐH: Ðó là một lối thoát cho những tác phẩm có giá trị. Luật xuất bản vừa được ban hành có quá nhiều điều cấm kỵ cho người cầm bút.
ÐGT: Có người cho rằng xã hội Việt Nam như một trại khổng lồ của những người bị bệnh tâm thần, luôn phải sống với sự nhân đôi nhân cách. Có cơ sở gì để hy vọng rằng xã hội Việt Nam sẽ tiến đến chỗ bình thường hơn, sống thật hơn với suy nghĩ và tình cảm của con người?
ÐH: Sống giả là hậu quả tất nhiên của một xã hội không có tự do tư tưởng. Con người sẽ sống thật hơn khi được tự do tư tưởng và khi nhiều mặc cảm tự ti được xóa bỏ. Nghĩ cho cùng, những người lên án NỔI LOẠN, ngoài động cơ chính trị và cơ hội, còn bị sự chi phối âm thầm của một mặc cảm nào đó về tình dục. Một người yếu về tình dục cũng như một nhà nước yếu về dân chủ và nhân quyền, thường chột dạ khi người khác nói về các điều này. Cần phải bồi dưỡng cho họ, dạy cho họ tập thể dục để họ mạnh mẽ, bớt mặc cảm, bớt chột dạ. Xã hội sẽ tự do hơn, dễ chịu hơn, thật hơn.
ÐGT: Anh đã tham gia nhiều năm trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Hơn hai mươi năm sau, bạn bè anh đang sống như thế nào?
ÐH: Năm 1988 tôi viết cuốn Người Tình Cũ. Nhân vật chính là một trí thức tham gia các phong trào cách mạng tại đô thị miền Nam trước đây. Ðó là một cuộc dấn thân lãng mạn, thi vị và đầy huyền thoại. Cuối cùng anh trở thành một người dân chài. Suốt đời anh đi tìm một lý tưởng và anh đã gặp sự cô độc ở chặng cuối cùng. Dĩ nhiên là có nhiều người trong Phong trào Sinh Viên trước đây, hiện nay làm quan lớn. Ða số đều ăn cắp của công và đã tự đánh mất mình.
ÐGT: Nhiều người cho rằng Việt Nam đang thay đổi. Anh cảm nhận sự thay đổi này như thế nào?
ÐH: Sự đổi mới hiện nay ở Việt Nam là một sự đổi mới về kinh tế chứ không phải chính trị, tư tưởng. Nếu có “thoáng” hơn trong xuất bản và báo chí (so với thời kỳ bao cấp) thì cũng chỉ thoáng về cách kinh doanh (báo chí có quảng cáo, có chống tiêu cực, xuất bản có cho tư nhân bỏ vốn…) chứ hoàn toàn không thoáng trong tư tưởng. Tóm lại vẫn phải viết một chiều và trong phạm vi Đảng cho phép.
ÐGT: Thường trong những biến động lịch sử của một dân tộc hay trong giai đoạn xây dựng hòa bình, tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, anh Phan Ðình Diệu có viết rằng “ở Việt Nam hiện nay chưa có một giai cấp trí thức”. Là một nhà văn, anh nghĩ sao?
ÐH: Tôi nghĩ nhận định này hoàn toàn đúng. Tôi muốn thêm rằng, văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam đa số là hèn. Song song với sự “trung dũng kiên cường trong chiến đấu” thì sự hèn hạ và khiếp nhược cũng được rèn luyện trong quá trình tham gia cách mạng. Phần lớn trí thức được thuần hóa. Miếng cơm manh áo và sự an phận đã thắng tất cả. Nó vô hiệu hóa trí thức và biến trí thức thành những người tầm thường. Ðó là điều tệ hại hơn cả.
ÐGT: Chúc anh được nhiều sức khỏe và nghị lực để chống chọi với bão táp đang tới.
Sài Gòn 9.1993 – Belgique 12.1993
ÐOÀN GIAO THỦY
Cũng xin trích thêm một bài khác của tác giả Nguyễn Tư đăng trên Tuần San TV:
ĐÀO HIẾU
VÀ MỘT NGÔI TRƯỜNG
(trích)…Khi đọc báo thấy loan tin về một cuốn sách như thế với một cái tên rất quen thuộc: “Ðào Hiếu”, hốt nhiên tôi đã nghĩ đến hai điều:
1. Cuốn sách phải do một tác giả ở miền Nam viết, bởi vì chỉ có người miền Nam đã từng sống tại đó mới có khả năng xây dựng nổi nhân vật “sĩ quan cải tạo ÐÁNG YÊU” (chữ của Vũ Hạnh) đó! Người miền Bắc không thể làm được việc này, nếu làm thì sẽ sai, dù có ít nhiều thiện chí đi nữa!
2. Cái tên “Ðào Hiếu”, làm tôi nhớ đến một người bạn vừa cùng học ÐHSP Sài Gòn, vừa cùng ở chung tại ÐH xá Minh Mạng, và đồng sở thích, vì cả 2 đều có viết lách lai-rai, yêu văn nghệ!
Tôi nghi ngờ Ðào Hiếu tác giả “Nổi Loạn”, chính là hắn, bởi vì biết chắc tác giả phải thuộc người bên này vĩ tuyến như đã nói ở trên, tiếp đến: cái tên không khác mấy, chỉ thiếu chữ lót! Thứ ba: hắn đã từng làm nghề viết lách trước đây, ký bút hiệu: “Biên Hồ” nơi truyện dài đăng nhiều kỳ “Ðốt Lửa Trong Ðêm” đăng trên tờ Bách Khoa của ông Võ Phiến ngày xưa.
Cuối cùng hắn là một thành viên trong nhóm SV khuynh tả tại ngôi trường khét tiếng nhờ 2 đặc tính: thi vào rất khó, và theo bên kia khá nhiều – ÐHSP Sài Gòn! Nên trong thâm tâm tôi vẫn muốn nhờ bạn bè còn bên Việt Nam “check” lại những điều tôi cần biết. Thế nhưng, bất ngờ ngày hôm qua nhìn thấy tấm hình ông “bạn vàng” ngày xưa, trích in từ bìa sau của cuốn sách đăng trên tờ TVTS do đó tôi nảy ý viết bài này, ghi vài kỷ niệm cũ về tác giả để bạn đọc dễ hiểu tác phẩm hơn. Tấm hình có hơi khác ngày cách đây hơn 25 năm, nhưng những nét chính vẫn là Hiếu của thuở nào.
Mặc dù học chung trường nhưng lúc đó Hiếu mới đậu vào năm thứ nhất ban Pháp văn, như vậy Hiếu phải là dân trường Tây mới đậu nổi vào option này.
Hồi đó tại hai trường ÐH văn khoa và ÐH sư phạm SG đám sinh viên trẻ khuynh tả rất nhiều, đại khái như các năm trên tôi có Huỳnh Hữu Nhật (sau này là thứ trưởng GD của MTGPMN) hắn ta học ban vật lý có lần nắm chức Ðại diện sinh viên ÐH sư phạm. Rồi Trần Triệu Luật (ban Việt Hán) vào bưng bị B-52 chết. Rồi Cao Lợi (ban sử địa)...
Hiếu hồi đó ốm nhách, người Bình Ðịnh, hay mặc áo quân sự học đường như mọi sinh viên khác vì thiếu đồ ngủ! Hiếu trông hiền lành, xanh gầy kiểu như Hàn Mặc Tử, hắn gặp tôi là xuýt xoa gọi tôi là thi sĩ với vẻ chân thành đến độ làm tôi phì cười: “Thôi bỏ đi cha! ra ngã sáu kiếm cà phê tán dóc”.
Hiếu và Khiêm gặp tôi thường chỉ nói chuyện văn chương (cả ba đều là dân Trung kỳ và có máu văn nghệ, cũng dễ có máu CS lắm, nếu chưa biết nó) chứ không bao giờ nói chuyện chính trị. Chẳng khi nào họ dụ tôi hoạt động bên kia có lẽ vì biết tôi không thích, tôi xuất thân là con địa chủ và từ QÐ trở về học lại chăng? Tôi chẳng đả động gì về việc họ làm khi mình không có bằng chứng. Văn nghệ: đó là lý do chúng tôi thân nhau.
Sau đó tôi không gặp Hiếu nữa và dường như Hiếu bỏ học giữa chừng, có lẽ anh chàng đi hoạt động cho phía bên kia như Trần Minh Ðức. Khiêm thì tốt nghiệp và đi dạy đàng hoàng dù sau đó bị đuổi!
Giờ thì Hiếu sắp gặp cơn đại nạn rồi, trước sau gì cũng bị đi tù. Một người như Hiếu (hay Khiêm, kể cả Trịnh Công Sơn nữa, những kẻ chỉ biết yêu con người và yêu văn nghệ thì chỉ bị CS lợi dụng khả năng của mình mà thôi chứ khó hội nhập vào CS lắm).
Bởi đó tôi không lạ gì khi nghe Hiếu viết cuốn Nổi Loạn. Dù sao như vậy bạn cũng đã làm được một việc đúng lương tâm của người cầm bút, một người làm văn nghệ chân chính, nghĩa là người: “không chịu nói yêu thành ghét và nói ghét thành yêu.“
Hy vọng một ngày nào đó tôi, bạn và Khiêm sẽ gặp nhau trong câu chuyện đời chẳng ai ngờ được, khi mỗi người đã chọn cho mình một hướng đi, mà hướng đi nào rồi cũng sẽ trở về La Mã. La Mã ở đây chính là CON NGƯỜI.
°
Còn rất nhiều bài báo khác ở hải ngoại chủ yếu là ở Mỹ. Tôi không kể ra đây vì họ đã lợi dụng tác phẩm của tôi để tuyên truyền chống cộng một cách rẻ tiền. Một số khác thì “vô tư” in lại tác phẩm của tôi để kiếm lời mà không hề hỏi đến tôi lấy một tiếng.
Và thế là những tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất như Vua Mèo, Vượt Biển, Hoa Dại Lang Thang, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng…đã bị sự ồn ào của cuốn Nổi Loạn át đi mất.
Tôi bị cụt hứng một thời gian dài.
Tuy nhiên cũng nhờ cuốn Nổi Loạn mà Đoàn Giao Thủy, với tư cách là giáo sư đại học Louvain, đã mời tôi sang Bỉ chơi. Tôi xin visa và lên đường đi Bruxelles cuối năm 1997.
@by txiuqw4