sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14 - Chút Quà Tặng Của Mùa Đông

Ngày hôm sau tôi đi Paris và đến nơi lúc giữa trưa. Trời mưa tầm tã. Tôi chờ đợi trong ẩm ướt và giá lạnh. Đứa bé gái trạc mười hai tuổi mỏng manh như một chiếc lá, đứng kéo vĩ cầm trong sân ga Paris Nord. Chiếc mũ để ngửa chỉ có mấy đồng xu nhỏ.

Cảnh sát cơ động mặc toàn đen, cao to, lạnh lùng với khẩu M16 trên tay, đi đi lại lại.

Đứa cháu từ Mantes-la-Jolie phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới được nhà ga đón tôi.

Vòng đai périphérique tung bụi nước trắng như sương mù. Xe nối nhau như trong một cuộc thi trượt nước. Ra khỏi Paris tôi gặp tuyết, nhưng nó không ở trước mặt, không ở sau lưng, không ở chung quanh. Tuyết phủ trắng xóa khu rừng bên kia con đường siêu tốc. Tôi mừng vì tuyết đã đến nước Pháp. Tôi nghĩ, mình về tới nhà thì đã chiều tối, sáng hôm sau sẽ đi coi tuyết.

Ăn cơm tối xong trời vẫn còn mưa lớn và tối mịt. Tôi trò chuyện với mấy đứa cháu một lúc thì Pauline về. Nó mặc manteau đen, cao lớn, trẻ trung. Nó chào tôi. Cái nhìn tò mò. Cái nhìn như một dấu hỏi.

Quả nhiên, khi tôi định đi ngủ thì nó bước vào phòng.

-Hãy cho con biết về cha của con.

Tôi nói tôi chưa sẵn sàng và hẹn nó sáng mai. Thực ra đó là một chuyện tế nhị và tôi cần hỏi ý kiến mẹ nó. Nó là sản phẩm của cuộc chiến hai mươi năm với người Mỹ ở Việt Nam. Có lẽ ngày mai tôi sẽ nói với nó rằng hãy quên quá khứ đi vì điều quan trọng là mẹ đã đưa được con sang Pháp, con đã được đi học và đã có việc làm tử tế.

Nhưng sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì Pauline đã đi làm. Chợt nhớ đến tuyết, tôi chạy đến mở tung cánh cửa sổ.

Tuyết hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất!

Chỉ còn lại những con đường làng, mặt hồ và những thảm cỏ xanh nơi công viên. Trận mưa lớn đêm qua đã xóa sạch mọi dấu vết của tuyết. Hoàn toàn thất vọng, tôi cúi nhìn xuống mặt đất. Một chút tuyết còn đọng lại nơi khung cửa sổ, trắng muốt như chùm hoa nguyệt quế. Tôi đặt nó giữa lòng bàn tay, nó mát lạnh, long lanh như có ngàn đôi mắt.

°

Có lẽ xe lửa là phương tiện tuyệt vời nhất để đi lại giữa các nước châu Âu. Mười giờ đêm lên tàu ở Paris, ngủ một giấc sáng ra tới ga Berlin Zoo của nước Đức. Toa xe rộng, couchette dài hai mét nằm thoải mái như ở nhà. Phục vụ tàu là một người đàn ông trung niên. Ông đem đến cho tôi một chiếc ra trắng và một cái mền len dày còn hơi nóng của máy sấy. Tôi gọi một ly cà phê sữa nóng và “bo” cho ông 6 đô la Mỹ, ông nói cám ơn và mỉm cười.

Sự tiện nghi của toa tàu làm tôi dễ ngủ và vì thế cuộc hành trình qua rất nhanh. Khoảng ba giờ sáng tôi thức dậy trong tiếng máy xình xịch đều đặn, vẫn cố lắng nghe xem có tiếng tuyết rơi bên ngoài nhưng dường như khắp nơi đều tạnh ráo.

Buổi sáng đầu tiên ở Berlin thật ảm đạm. Trời không mưa nhưng âm u. Thúy và chồng ra đón tôi ở sân ga. Trước đây ga này thuộc lãnh thổ của Đông Bá Linh nên mọi thứ dường như hãy còn trầm lặng. Chúng tôi ăn sáng ở một quán nhỏ cạnh sân ga. Trong lúc hai vợ chồng đang xếp hành lý của tôi vào góc thì một gã say rượu ngồi bàn kế bên đứng lên, tiến lại phía tôi lè nhè nói bằng tiếng Đức. Tôi không hiểu gã muốn xin tiền hay muốn gây sự. Tôi hỏi hắn:

-Biết tiềng Anh không?

Nhưng hắn cứ lè nhè bằng thứ ngôn ngữ quái gỡ của hắn. Lúc ấy Thúy vừa đến, Christian, chồng Thúy là một người Đức, anh ta nói gì đó với gã say rượu và gã bỏ đi.

-Hắn muốn gì vậy? Tôi hỏi.

-Thuốc lá.

°

Nước Đức là một điểm đến tình cờ nhưng với tôi lại nhiều kỷ niệm. Có lẽ vì lúc ấy tôi không vội vàng. Lặng lẽ đến, thong thả nhìn ngắm, chậm rãi với phố xá, và một mình với đàn chim sẻ trong công viên vắng tanh.

Thành phố Dresden trầm lặng. Trời âm u suốt ngày. Không có ý niệm về thời gian, cho đến khi chợt nhận ra một mình trên phố vắng người, coi đồng hồ thì đã bốn giờ chiều.

Những cơn gió từ dưới sông Elbe thốc ngược lên lạnh buốt.

Tôi ngồi bên một gốc cây khô nhìn ông già và con chó nhỏ. Nắng khô héo. Hàng quán đóng cửa gần hết. Đường phố không còn ai. Người ta đã bỏ quên ông già, con chó và tôi. Hình như trong buổi chiều cuối năm này chỉ có ba chúng tôi là những người không có mái ấm để trở về. Ông già đang nằm ngửa trên bãi cỏ. Dường như ông đã ngủ quên.

Tôi leo lên dốc để ra phía bờ sông Elbe. Nhà hàng nổi ở đó vẫn còn mở cửa.

Dòng sông nhỏ bé in bóng những lâu đài vàng đục nắng xế. Mặt sông gợn một chút sóng nhưng vẫn phẳng lặng. Những con hải âu thả mình cho dòng nước cuốn đi, và khi trôi gần đến cây cầu thì chúng lại vỗ cánh bay ngược lên chỗ nhà hàng nổi, và đáp xuống nước, xuôi dòng. Đó là trò chơi của chúng, như trẻ con chơi cầu tuột.

Người bồi bàn đem đến cho tôi một chai Gluhwein.

Đó là rượu vang lửa. Trước khi uống người ta hâm nóng lên. Hớp một ngụm, hơi nóng lan tỏa trong cổ họng, chậm rãi, thấm đậm, ấm áp.

Tôi ngồi ngắm hoàng hôn phai dần trên những lâu đài cổ kính bên kia bờ sông. Dòng nước trong xanh từ hướng Tiệp Khắc chảy về, lạnh lẽo, phi thời gian. Dường như dòng sông không biết đến con người, không biết đến phố xá. Nó đang nô đùa với đàn hải âu trắng. Nó làm thuyền chở những con chim tinh nghịch trên lưng, bồng bềnh, lắc lư, sóng sánh một chút nắng tàn héo.

Sông không đến từ nguồn mà dường như nó đang đến từ cổ tích, bởi nó rất thầm lặng dù nó vẫn chảy, vẫn cuốn những con chim trôi đi rất nhanh. Sự im lặng lan tỏa khắp mặt sông, thấm đẫm trong không khí lạnh tê tái, làm cho nắng cũng lạnh và làm cho màu vàng đục của chiều tà trở thành hoang đường, trở thành cổ tích, trở thành một cái rùng mình sợ hãi.

Tự ta danh lợi khách

Nhiễu nhiễu tại nhân gian

Hà sự trường Hoài thủy

Đông lưu diệc bất nhàn?

Ngày xưa Bạch Cư Dị cũng tự than mình trót làm người khách lạ trong vòng danh lợi, bị đời cuốn đi như dòng sông kia, không biết có chuyện gì mà cứ chảy mãi chảy hoài không bao giờ được ngưng nghỉ.

Tôi uống cạn chai Gluhwein mà vẫn lạnh buốt. Hoàng hôn như dừng lại và những cánh chim vừa bốc lên khỏi mặt sông cũng dừng lại. Dressden bí ẩn và ma quái. Và tôi, người khách duy nhất còn lại trong nhà hàng nổi này thì dường như sắp hóa đá.

Tôi bỏ đi. Lên một cái dốc để trở về nhà một người bạn. Phố xá vắng tanh. Chỉ còn lại những cơn gió. Tôi băng qua một trạm xe búyt và chợt nghe tiếng vĩ cầm bừng sáng trên một nền saxophone và accordeon mờ đục.

Đó là bản Carmen của Georges Bizet đang được trình tấu trên vỉa hè bởi những người Di Gan.

Những nghệ sĩ du mục này đang chơi nhạc cho những cơn gió, cho những đám mây. Và cho tôi. Vì trạm xe buýt đã không còn một bóng người. Dòng sông bên dưới kia cũng đã đầy bóng tối. Những lâu đài cũng chìm khuất.

Tôi mang những âm thanh của đoàn hát rong trở về căn hộ của mình. Những người bạn bày biện thức ăn trên sàn nhà. Đốt nến và mở bia. Tôi vẫn ngồi cạnh lò sưởi. Bia chất cao như bức tường. Mọi người lấy bia như gỡ những viên gạch từ bức tường thủy tinh ấy. Người bạn xé giấy thùng bia ném vào lò sưởi thay cho củi.

Trời vẫn lạnh nhưng tạnh ráo. Đường phố sâu hút bên dưới và lốm đốm ánh đèn vàng.

Giao thừa đến trong im lặng. Rồi pháo nổ lác đác. Xe chữa lửa chạy vòng vòng. Bên kia đường là restaurant của người Hy Lạp, họ bắt chước ai mà đốt dây pháo dài bốn năm thước. Thanh niên đốt pháo xòe, pháo hú, pháo thăng thiên. Pháo thăng thiên của người Đức sản xuất, thấy bán ở siêu thị, còn pháo đùng nghe nói nhập lậu từ Trung Quốc, từ Bình Đà. Mấy cô đầm nhon nhon bịt tai và cười, họ hôn nhau ngoài đường phố, pháo xẹt và gầm rú như ma quỷ. Xe cứu hỏa lại đến. Bà cụ già mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài chửi một tràng tiếng Đức.

Tất cả chỉ kéo dài chừng một tiếng đồng hồ. Rồi thôi. Im lặng và lạnh. Chúng tôi lên nhà xem chương trình Tivi đêm giao thừa. Mấy người bạn uống rượu mạnh. Đa số họ là người miền Bắc vượt biên sang đây sau một hành trình cực kỳ gian nan từ Hà Nội đi Kiev sang Rumany, Hunggary, Tiệp Khắc trước khi xé rào qua Đông Đức. Tôi nằm lắng nghe, nhâm nhi chai Gluhwein không có mồi.

Ngày mồng một Tết đến một cách e dè. Trời xám. Những chuyến xe điện vẫn chạy qua phố, kiosque phở của một người đàn bà Việt Nam vẫn mở cửa. Một chút nắng vàng hanh trên đầu ngọn cây. Ông già người Đức ngồi ăn phở bên cái bàn nhỏ kê trên bãi cỏ. Ông ta nói được chút ít tiếng Anh và hỏi tôi có còn bán thuốc lá không. Tôi không đính chính, chỉ cười. Ông già mời một điếu Marlboro. Ông ta khoe mình là đại tá phi công. Tôi hỏi:

-Bác là đại tá của ông Helmut Kohl hay ông Honecker?

-Ông Honecker.

-Thế khi nước Đức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo không?

-Tại sao? Thống nhất thì mọi người phải vui vẻ chứ. Ông Helmut Kohl vẫn cho tôi lãnh lương hưu.

°

Nhưng người dân Đông Bá Linh và những miền phụ cận như Potsdam vẫn bỏ đi.

-Tại sao vậy, Christian? Nước Đức thống nhất, sao lại bỏ đi?

Anh bạn trẻ người Đức nói:

-Chính mẹ tôi cũng bỏ sang Mỹ. Nhiều người khác sang Tây Đức.

-Nhưng Đông Đức bây giờ cũng là tư bản, có khác gì Mỹ và Tây Đức?

-Khác chứ. Vì cũng còn lâu lắm mới đuổi kịp mức sống của Tây Đức mà cuộc đời thì ngắn ngủi, người ta cần hưởng thụ. Anh cứ nhìn hai bên phố mà xem.

Đây là con đường rất đẹp của Potsdam. Hai bên toàn biệt thự nhưng bị bỏ hoang nhiều quá. Những ngôi biệt thự như thế ở Sài Gòn giá có thể lên tới vài ba ngàn lượng vàng nhưng ở đây người ta bỏ hoang, cửa kính vỡ nát, bên trong tối om, lạnh lẽo.

Potsdam, thành phố chỉ cách thủ đô Bá Linh có một cây cầu, thành phố với nhiều lâu đài, thành quách và viện bảo tàng nổi tiếng, thành phố đã từng chứng kiến cuộc hội đàm lịch sử giữa Staline, Truman và Churchill tháng 7 năm 1945 bàn về sự đầu hàng của Đức Quốc Xã. Tại sao người ta lại bỏ một thành phố xinh đẹp và nổi tiếng như thế để ra đi?

Christian bảo tôi khoác thêm một chiếc áo khoác bằng da. Hắn nói:

-Thôi, đừng bận tâm đến những chuyện ấy nữa. Sắp đến nơi rồi, gió lạnh lắm đấy.

Ra khỏi rừng là hồ. Liên tiếp nhau. Xe ngừng lại. Mặt hồ rộng mênh mông, phẳng lặng, bát ngát.

-Cá nhiều lắm. Christian nói.

Tôi đã thấy những con cá chép tại khu”Cộng” (khu người Việt) ở Bá Linh. Những con cá chép giống hệt cá chép trắng của xứ mình nhưng không có vảy.

Christian mở cốp xe và đưa cho tôi chiếc cần câu.

°

Rồi có một ngày, ngọn đồi thấp dẫn dụ tôi đi theo con giốc hẹp quanh co giữa cỏ dại và những cây lá vô danh chập chùng. Những quả đồi xinh xắn, xanh xám lẫn lộn nhiều tầng. Và mây thì thấp, nhẹ tênh.

Đó là buổi sáng tĩnh vật. Táo chín rụng hồn nhiên trong hư vô. Thời gian dừng lại nên gió cũng không thổi. Trái táo lửng lơ giữa lưng chừng đồi.

Chỉ có tôi bước đi trong không gian tĩnh vật ấy. Hình như thiên nhiên đang sững sờ bất động trước người khách lạ từ trần gian vừa đến. Tôi nghe bước chân mình khua động giữa im lặng. Khe nước nhỏ không lời. Trời không cao và dường như có thể với tới những đám mây.

Trang trại nhỏ ở dưới thung lũng, xinh xắn như một món đồ chơi. Tôi đi giữa những gốc táo già và nhặt những trái táo rụng nằm lẫn trong cỏ. Những trái táo như chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu dẫn tôi đến cổng trang trại.

Con ngỗng kêu ngây ngô. Người đàn bà mở cánh cổng gỗ, chào anh bạn tôi. Họ đã quen nhau từ lâu rồi. Con chó berger cao lớn nhảy lên mừng, những con ngựa đứng im trong chuồng. Bò cái vú lớn như trái bí. Trời lạnh quá. Tôi không biết nói tiếng Đức, chỉ cười. Và ngồi ăn hạt dẻ trong cái dĩa lớn.

Tôi sung sướng vì đã quên hết mọi thứ. Quên cả tiếng người, quên cả mình đang ở đâu, đang làm gì, sẽ làm gì. Hốt nhiên mà nhập vào cảnh giới ngộ thiền. Tâm đang về trú với thân. Tâm đang nằm trong lòng bàn tay, trong vỏ hạt dẻ. Và thấy mình là đám mây thấp trên đồi nương.

Tiếng trò chuyện chung quanh chỉ như những xao động, tiếng ngỗng kêu trong suốt, rơi vào tâm hồn đang rỗng không của tôi.

Và bỗng nhiên trong tay tôi có một con ngỗng. Tôi ôm nó trước ngực. Lông ngỗng ấm áp như người tình. Người đàn bà cười. Tôi ôm con ngỗng đi vòng vòng quanh trang trại. Rồi tôi ôm nó trở lại lối mòn quanh co giữa hai hàng táo già. Con ngỗng ngủ. Sẽ ru nó bằng ngôn ngữ im lặng. Sẽ ru nó bằng những vuốt ve.

Rồi cứ đi.

Lạc trong cây cỏ và chập chùng đồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx