Hãy thử mở đầu bằng Las Vegas.
Đó là một thành phố trên sa mạc Nevada khô cằn. Băng qua đó như băng qua một vùng đất của sao Hỏa. Không có núi xanh vì sa mạc chết. Chỉ có những ngọn núi màu tím, màu vàng, màu cà phê hay màu đen ánh bạc của quặng thép.
Những ngọn núi nổi chập chờn trong mưa. Mưa sa mạc đến rồi đi, rồi lại đến. Đột ngột, gào thét và dịu dàng. Những cơn mưa làm cho sa mạc bớt nóng. Nhiệt độ bên ngoài đã tụt từ 120 xuống đến 75 độ F (khoảng 20 độ C). Sa mạc trải dài hai bên con đường nhựa đỏ, ngun ngút một màu vàng xám lỗ chỗ những bụi gai sắc nhọn, khô cháy.
Nếu không có sa mạc này thì Las Vegas không là gì cả. Những sòng bài mênh mông kia thực chất chỉ là thế giới rỗng tuếch, nhỏ hẹp dành cho đám người tầm thường.
Disney Land cũng vậy, đó chỉ là khu giải trí dành cho trẻ con.
Cái đáng thán phục ở Mỹ chính là những sân bay lớn như Los Angeles, Dallas, Kennedy… chúng như những vương quốc rộng lớn với nhịp sống vô tận.
Hệ thống đường bộ của họ làm chúng ta bàng hoàng sợ hãi. Xa lộ ở tiểu bang California thênh thang, năm tầng bảy lớp, đường xẻ núi mà đi, lên đồi xuống dốc, băng qua sa mạc, vượt thung lũng. Đường trùng điệp, không biết đâu là cùng, freeway thẳng tắp, ngút ngàn, bất tận…
Bắc nước Mỹ xanh và lạnh. Trung nước Mỹ vàng lúa mì mùa hạ và trắng xóa tuyết mùa Đông. Nam nước Mỹ, nhất là nam Cali – nơi có Sài Gòn Nhỏ – thì nóng, cằn, sỏi đá, sa mạc… nhưng bắc Cali – nơi có thung lũng Hoa Vàng, có cây cầu treo nổi tiếng Golden Gate thì mát dịu, cây cối xanh tốt.
Phố Tàu ở San Francisco đồ sộ, sạch sẽ, tự tin và kiêu hãnh bên cạnh một San Francisco của người Mỹ chính cống. Trong khi đó phố Tàu ở thành phố New York thì cũ kỹ, lộn xộn và ngập rác vào lúc nửa đêm.
Ở New York City cây cối không tranh nổi với bê tông cốt sắt. Từ hơn 200 năm nay, cao ốc uy hiếp cây cỏ, chen lấn thô bạo những cánh rừng, những công viên, chúng huênh hoang trên những đại lộ, tranh ánh sáng với từng tán lá dưới thấp, đẩy cây cối vào các khe hở của chúng, vào kẽ nách của chúng.
Nhìn từ nóc tòa nhà nổi tiếng Empire State Buiding ta mới kinh hoàng bởi khối lượng nhà chọc trời thiên hình vạn trạng của New York. Nó hoàn toàn xứng đáng là thành phố lớn nhất thế giới.
Nhưng New York nhìn từ những ngóc ngách của phố phường thì quả là một sự quá tải của mọi thứ. Bên cạnh những tòa nhà cao ngất, lộng lẫy, hiện đại là những building nám khói, lở loét, cửa kính vỡ nát, hoang tàn. Bên cạnh những đại lộ thẳng tắp sạch sẽ với những cầu vượt hiện đại là những chiếc cầu sắt vô danh cũ nát đen nhẻm như đống sắt phế thải. Bên cạnh những siêu thị rực rỡ, những nhà hàng khách sạn sáng choang là những dãy phố đầy rác bẩn của ChinaTown.
Tôi nghĩ là người Mỹ dư tiền để xây dựng một thành phố New York hoàn chỉnh hơn, toàn bích hơn, nhưng dường như chính quyền đã bất lực trước một thành phố quá rộng lớn, quá bề bộn, quá đa dạng. Họ kiểm soát không nổi, họ bỏ mặc những nơi quá sức quản lý của họ. Một người bạn từng sống lâu năm tại New York bảo tôi: “Cảnh sát rất ngại đến khu vực của các nhà hàng Ý. Họ sợ đối đầu với đám Mafia ở đó.” Còn ở Phố Tàu thì sao? Dường như họ chỉ có mặt trên đường phố để điều khiển giao thông. Phần lớn cảnh sát giao thông ở China Town đều là phụ nữ da đen.
Tất nhiên thành phố New York vẫn có những công viên rất đẹp và rất nhiều bóng cây, nhưng nếu ra khỏi thành phố, từ những freeway nhìn ngoái lại, ta chợt kinh hoàng nhận ra New York không phải là một thành phố của hành tinh này nữa. Nó như những dãy núi đá nối tiếp nhau chập chùng, trơ trụi, không một bóng người, không cây cối, không tiếng động. Đó chỉ là một dãy đá tảng khổng lồ, lô nhô, tìm thấy trên một hành tinh xa lạ, lạnh giá và hoàn toàn chết lặng dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Đó là một thành phố đã chết, đã hoang phế từ một ngàn năm rồi. Không ai ngờ là nó đang sống. Sống dữ dội. Sống hối hả. Sống rực rỡ. Sống hết những gì nhân loại có thể sống. New York có đủ những gì nhân loại có thể có. Và có cả những cái nhân loại chưa từng có.
Đó là thành phố New York nhìn từ mắt của một nhà văn da vàng lạc hậu như tôi, hoàn toàn phiến diện, hoàn toàn thiếu sót. Bởi vì trong một buổi sáng sớm từ tiểu bang Connecticut đến New York city, anh bạn tôi đã qua lố một cái exit trên freeway và lập tức chúng tôi bị lạc vào khu ngoại ô New York. Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Chúng tôi lạc trong rừng. Nhưng đó là khu dân cư, với những ngôi biệt thự xinh xắn nằm rải rác trên những đồi cỏ xanh bóng cây, rực rỡ hoa, ngân nga sự tĩnh lặng sang cả của thiên đường. Đó là khu vực của người da trắng. Một New York khác, ẩn dật, trầm mặc và riêng tư. Vậy thì sẽ còn bao nhiêu New York khác nữa? Bao nhiêu thế giới khác nữa?
°
Tuyết có cõi riêng của nó. Đó là một thế giới im lặng. Thế giới của niệm. Của thiền định. Tuyết hiện hữu phi thời gian. Một thế giới không có đường chân trời. Tuyết vô ngôn và vĩnh cửu. Tuyết là một nhan sắc bát ngát, óng ả. Lộng lẫy trong u tịch. Và bừng sáng trong giá lạnh.
Lúc tôi gặp tuyết, thời gian đã ngừng lại. Mặt trời không có mặt ở đó. Mặt trời đã chìm khuất vào thế giới bên kia. Và tuyết tỏa sáng. Một màu trắng đơn độc.
Đó là một buổi trưa mùa Đông năm 2004 tại vùng núi Denver bang Colorado. Tôi từ miền trung nước Mỹ đến đây.
Hành trình kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Và tuyết đang chờ tôi ở đó với những con đường đèo đóng băng trơn trợt đến độ bánh xe phải niền thêm xích sắt cho khỏi tuột dốc. Những dòng nước đang chảy từ trên núi đá xuống cũng bất chợt rùng mình hóa thân thành những bức tường băng treo lơ lửng trên vách núi.
Tất cả các thác nước đều ngừng lại, hóa đá. Khi không có chuyển động, chúng ta không có ý niệm về thời gian nữa. Giống hệt trong cổ tích. Tất cả đều đóng băng, trong suốt, trắng mênh mông và rực rỡ trong một thứ ánh sáng tinh khiết của thiên đường.
Có lẽ đây là cái thế giới mà Lý Bạch gọi là “biệt hữu thiên địa phi nhân gian.” Không nhìn thấy đất, không nhìn thấy trời. Mọi vật đang ở ngoài trần thế, ở ngoài thời gian. Núi cũng chìm khuất trong tuyết, những ngọn thông cũng chìm khuất trong tuyết.
Chỉ lấm chấm những sắc xanh, vàng, đỏ rực của quần áo những người trượt tuyết đang phóng từ trên đỉnh núi xuống, lả lướt, chấp chới như những khóm hoa nhỏ di động trong một nền trắng bát ngát.
Tuyết đưa mặt đất vào huyền thoại. Đàn dê núi chập chờn trên vách đá. Bông tuyết mù mịt. Ngọn gió trắng hư ảo, phiêu hốt qua thung lũng, Đàn dê núi đến bên chân người. Có thể thọc bàn tay lạnh cóng vào lông ngực chúng để sưởi. Chúng quỳ xuống thành bầy và trẻ thơ ngủ giữa những dãy vú căng sữa nóng hổi. Những con thỏ rừng cũng không sợ người. Chúng đào hang dưới gốc thông để ngủ đông. Có thể vuốt ve những mảng lông mịn lẫn trong cỏ khô. Trời liền với đất. Người liền với vật. Hơi ấm liền với giá rét. Mọi vật đều vô ngôn, lặng thinh. Sự sống giấu bên dưới sự tịch mịch, sự nồng nàn giấu bên dưới băng giá.
Tuyết ở Denver gợi nhớ cái thế giới thanh bình mà Trang Tử đã vẽ ra trong chương Mã Đề của Nam Hoa Kinh:
“Trong núi không có đường mòn, trên sông không có thuyền, không cần bắc cầu. Vạn vật sống cùng nhau, không xâm phạm nhau. Hết thảy đều vô dục như nhau. Cầm thú thành đàn, thảo mộc sum suê. Cho nên có thể cột một sợi dây nhỏ dắt cầm thú đi chơi, có thể leo lên cây nhìn vào tận ổ con quạ, con chim khách. Vật không sợ người thì làm sao người có thể sợ người được? Người và người sẽ sống bên nhau, cùng vui như hoa bên cạnh hoa, lá bên cạnh lá, cỏ bên cạnh cỏ.“
Ô hô! Tuyết đã làm ta quên rằng ta đang sống trên trần gian. Đang sống trong một thế giới bốc mùi.
Tuyết hiện thực hóa giấc mơ của tôi, giấc mơ về một thế giới tinh khiết, không có tội ác, không có chiến tranh, không có đàn áp, chà đạp và bóc lột. Tuyết là một hiện tại vĩnh cửu. Thế giới của tuyết chỉ có sự trong sạch và ánh sáng.
Thế giới của tuyết không có ruồi.
Tôi hạnh phúc vô biên thấy mình đang sống trong một thế giới hoàn hảo và trong sạch như thế dù tôi biết rằng có thể nó chỉ tồn tại vài tháng, có khi vài tuần hay vài ngày. Hoặc chỉ sau một cơn mưa là cả cái thiên đường ấy tan rã, để lộ ra phố xá, con người, xe cộ và rác rưởi.
Để lộ ra bầy ruồi truyền kiếp.
Vì thế tôi ôm lấy tuyết, vùi trong tuyết, chạy điên dại trong tuyết.
Một tuần sau, tôi lại đi tìm tuyết nơi những đỉnh núi trắng xóa sừng sững phía trên Hẻm Núi Lớn của bang Arizona huyền thoại. Tuyết phủ hai bên vực sâu của Grand Canyon thăm thẳm, hun hút gió.
Tuyết là niềm an ủi, là chỗ để con người chạy trốn cái thế giới bốc mùi, chạy trốn chiến tranh, xác chết và ruồi nhặng.
Tuyết là thánh đường cuối cùng của nhân loại. Khi tất cả những thánh đường trên mặt đất tràn ngập sự đối trá, khi tất cả những thánh đường trên mặt đất tràn ngập ruồi, thì tuyết sẽ ngân lên hồi chuông cứu rỗi, sẽ lan tỏa trên mặt đất giá lạnh và sẽ thắp ngọn nến nhỏ của đức tin như ngôi sao duy nhất còn sót lại trên bầu trời đen.
Những con dê núi, những con thỏ sẽ thắp lửa và mang cỏ khô đến cái hang đá nhỏ của Dã Nhân. Và cậu bé da đen người Công-gô sẽ ngự trong máng cỏ đó như bằng chứng về tội ác của nhân loại mà cậu ta sẽ phải cứu chuộc.
@by txiuqw4