Tôi không thích gã, chẳng phải vì gã lầm lì, xa cách nhưng vì gã quá keo kiệt.
Đoàn có bốn người: một bà giám đốc nhà xuất bản, một cán bộ ngoại giao đã về hưu, tôi và gã. Gã được giới thiệu là một quan chức cao cấp của ngành phát hành sách. Như vậy gã đâu có thiếu tiền. Có thể nói gã là người giàu nhất trong đoàn. Vậy mà trong suốt chuyến đi gã gần như không ăn sáng, chỉ uống một ly cà phê nhỏ. Trong các bữa ăn chung tại phi trường hoặc suốt tuần lễ lang thang ở Seoul gã thường từ chối các lời mời mọc nhậu nhẹt, kẹt lắm thì cũng ngồi chơi, uống một chai nước suối nhỏ, ăn một cái bánh mì kẹp chừng một ngàn won (10.000 VNĐ). Hỏi có bị tiểu đường không thì trả lời là không. Tim mạch cũng không, thận rất tốt. Chẳng có gì phải kiêng cữ. Vậy mà ăn nhín nhịn thèm, tiết kiệm từng đồng won, đồng đô- la…
Thôi, cứ tạm cho gã là một cán bộ mẫu mực, cần kiệm liêm chính.
30 THÁNG TÁM 2001
Chúng tôi đến Seoul, dạo chơi phong cảnh, ăn kim chi, ăn gà giò hầm sâm. Và đi tàu điện ngầm.
Tại sao tôi lại nhắc đến tàu điện ngầm ở Seoul?
Tàu điện ngầm ở New York thì rộng lớn, “hoành tráng” nhưng cũ. Tàu điện ngầm ở Paris thì ồn ào, rổn rảng, chỉ đáng vứt sọt rác. Tàu điện ngầm ở Bắc Kinh tạo ấn tượng quái đản với những cái giỏ cần xé đan bằng tre to tổ bố để người soát vé ném vé cũ vào đó. Tàu điện ở HongKong, Singapore thì tương đối văn minh hiện đại hơn với nhà ga sạch sẽ, hệ thống bán vé và soát vé tự động. Tàu điện ngầm ở Matxcơva từ lâu vẫn là niềm tự hào của nước Nga với những nhà ga rộng lớn, có chạm trổ tranh tượng như ga Kievskaia với vài ba tác phẩm điêu khắc mỹ thuật…nhưng có lẽ công tác bảo quản kém nên đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí nhiều chỗ bị dột nát, nước rỉ từ trần vòm ướt cả lối đi. Tàu điện ngầm Matxcơva là sự thất vọng lớn nhất khi tôi đến nước Nga. Ngược lại tàu điện ngầm Seoul là sự ngạc nhiên lớn nhất khi tôi đến Hàn Quốc.
Nó lướt đi êm ái trong mơ. Mỗi nhà ga là một khách sạn năm sao lộng lẫy, không đâu có thể rực sáng hơn. Nếu như có một con kiến đi lạc trong sân ga có lẽ chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy nó.
Tàu điện ngầm ở Seoul là một vương quốc dưới lòng đất. Với 600 won (sáu ngàn đồng VN) bạn có thể mua một tấm vé điện tử đi được 15 ga vòng quanh thủ đô Seoul.
Làng truyền thống Hàn Quốc là một nơi khá độc đáo phản ánh phong tục tập quán, nghề nghiệp, trang phục, ẩm thực, luật pháp của xã hội xưa… bằng những mô hình lớn và sinh động như thật.
Nhà cửa trong làng đều lợp bằng tranh, mái dày được xén rất đều, giống hệt những mái tranh của các làng quê miền trung Việt Nam. Cũng vách đất trộn rơm trét bên ngoài những cái khung bằng tre.
Seoul là một thành phố có nhiều cây ngô đồng và cây bách ở hai bên đường giống như các thành phố ở Trung quốc.
Những kiến trúc trong hoàng cung cũng tương tự như Cố cung Bắc Kinh nhưng quy mô nhỏ hơn và màu sắc u nhã hơn. Trang phục của vua quan, quý tộc Hàn Quốc cũng trầm hơn, nhã hơn, sang hơn Trung Quốc. Nếu như y phục Trung Quốc chuộng những gam màu đỏ, vàng và xanh lục thì Hàn Quốc thích sự phối màu giữa đen và tím than hoặc đỏ Bordeaux, giữa màu lá úa và trắng, giữa sắc xanh lục và xám tro…
Các triều phục của vua quan không thêu rồng phượng, không đeo kim tuyến, lục lạc, đai ngọc. Đơn giản nhưng sang trọng.
31 THÁNG TÁM 2001
Thăm sứ quán Việt Nam tại Seoul. Đại sứ là bạn cũ của một người trong đoàn, trước đây ông từng làm đại sứ tại Bình Nhưỡng. Đây là một biệt thự rộng lớn và đẹp. Tòa nhà do chế độ VNCH để lại. Trong khuôn viên có CHÙA MỘT CỘT do Lý Xương Căn, một người Hàn Quốc gốc Việt – cháu 31 đời của Lý Thái Tổ – xây tặng.
DANH NGÔN: Người Trung Quốc thích tạo ra huyền thoại, người Việt Nam thích tạo ra anh hùng còn người Hàn Quốc thích tạo ra bi kịch.
Điều này thể hiện rất rõ trong các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc được chiếu trên truyền hình Việt Nam.
°
Gã quan lớn nọ vẫn thít chặt hầu bao mặc dù cứ vô tư thưởng thức các đặc sản của Seoul do giám đốc nhà xuất bản chi trả. Tôi đi du lịch tự túc vì thế tôi không biết cụ thể công tác phí của những người trong đoàn là bao nhiêu nhưng khi đến Matxcơva, gặp những thành viên trong đoàn Hà Nội thì được biết là mỗi ngày mỗi người có 70 đô-la Mỹ để tiêu vặt.
Riêng gã, quan lớn của một công ty nhà nước đồ sộ như thế thì tiêu chuẩn phải cao hơn nhiều.
Vậy gã tiết kiệm tiền để gởi về cho vợ sao?
NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 2001
Đến Matxcơva và ở trong nhà khách của tòa đại sứ Việt Nam.
Buổi chiều gã quan lớn tự nhiên đến khều tôi:
-Đi loanh quanh một chút cho biết Matxcơva chứ.
Tôi ngạc nhiên nhưng thấy nụ cười của gã rất thân thiện bèn OK. Gã đi với một nhân viên của sứ quán, cùng một cán bộ của đoàn Hà Nội.
Nơi đến là một cái hầm rượu ngầm dưới đất. Chúng tôi ăn thịt cừu nướng, trứng cá cavia và cá hồi xông khói nhắm với rượu vang đỏ. Anh bạn Hà Nội hỏi tôi:
-Trước đây ông có học ở Nga không?
-Tôi không biết gì về nước Nga cả. Cũng không biết tiếng Nga.
-Nước Nga có nhiều cái hay lắm đấy.
Tôi nói:
-Nước Nga thật vĩ đại.
Gã quan lớn khều tôi:
-Thôi, dẹp ba cái vụ “vĩ đại” đi. Tôi hỏi ông có chịu chơi không?
Không biết cái gã keo kiệt này muốn gì. Tôi nói:
-Chịu chơi chứ. Nhưng tôi không buôn lậu đâu nhé.
-Ôi giời! Sao ông lại nghĩ vớ vẩn thế?
-Vậy là chuyện em út?
Gã nói một cách trang trọng:
-Đúng thế. Đó chính là linh hồn của chuyến công tác này. Đây mới là lúc tiêu tiền nhé. Thế ông còn bao nhiêu?
-Chừng năm trăm đô.
-Tạm được. Thế này nhé! Tôi sẽ lo cho đồng chí thổ địa ở đây. Còn hai chúng ta tự túc. Ăn xong chúng ta đi liền.
Tôi nói:
-Nghe đồn cảnh sát Nga hay trấn lột người Việt. Họ nói người Việt là bánh mì của cảnh sát Nga. Vừa rồi có một người Việt giết vợ, chặt ra thành nhiều mảnh nhỏ bỏ vô bao bố thả xuống sông. Đài truyền hình Nga loan tin đó và bình luận đầy ác ý về người Việt. Vậy các anh không sợ sao?
-Yên tâm. Chỗ này có bảo kê hết rồi. Cảnh sát Nga sẽ gác cho mình chơi.
Và đúng như thế. Họ cũng mặc sắc phục và đeo súng. Các cô gái tóc vàng còn rất trẻ, tuổi từ 15 đến 22 da trắng, mắt xanh. Những nàng Lutmila, Natacha…được giới thiệu là sinh viên đại học. Họ nói tiếng Anh khá trôi chảy nhưng khi hỏi họ về Dos hay Tolstoy thì không cô nào biết cả. Các cô uống bia rất cừ và bia thật là ngon. Đến Nga có lẽ chỉ nên uống bia tươi, từ trong thùng rót ra cái ly vại lớn. Hồi ở Dresden bên Đức, tôi từng uống những loại bia ngon nhất thế giới, nhưng cũng không bằng Nga.
Đấm bóp cho bạn là đàn ông nhưng những cô Lutmila sẽ tiếp bạn trên giường. Tất cả đều trống trải, không cần cửa nẻo!
Vì tôi xài tiền túi của mình nên chỉ đến đó có một lần. Còn gã thì khác. Những ngày sau đó gã biến mất. Suốt một tuần lễ không hề thấy mặt. Không ai biết rằng gã đang vi hành cùng mấy tay của phái đoàn miền Bắc. Trong túi gã còn năm ngàn đô. Giá ăn chơi ở Matxcơva lại rẻ. Gã phải sống cho hết mình, phải tiêu hết số tiền đó, phải hoàn thành tốt “nhiệm vụ Đảng giao” bởi vì đó là “linh hồn của chuyến công tác này.”
Sáng ngày 10 tháng 9 năm 2001 gã vác xác về. Mắt lim dim, chân bước trên mây, miệng ẩn nụ cười tự tại của một bậc đại hiền vừa đạt tới cảnh giới của sự giải thoát.
Tôi chưa thấy người nào đáng yêu như gã.
Gã đã đến Niết Bàn bằng con đường riêng của mình. Gã không cần ngồi thiền, không cần tụng kinh hay giữ giới. Gã đã “kiến tánh thành Phật.”
Giám đốc nhà xuất bản vừa thấy mặt gã đã nói móc:
-Coi chừng thân bại danh liệt.
Gã chỉ cười. Lại kéo tôi đi ăn thịt cừu ở dưới hầm rượu. Gã nói:
-Cái “em” Giám đốc đó hay lên mặt đạo đức nhưng cũng chịu ăn lắm.
-Nó làm xuất bản sách mà ăn được gì?
-Ăn chia với tụi đầu nậu phát hành.
-Nhà xuất bản của nó cũng có một phòng phát hành rất “hoành tráng” mà?
-Ba chục nhân viên, đầy đủ các chức danh: trưởng phòng, phó phòng, kế toán, thủ quỹ, có cả bộ phận tiếp thị, quảng cáo, giới thiệu sách, nhưng chỉ để… chở sách đi ký gởi.
-Ký gởi cho ai?
-Cho đầu nậu.
-Có nghĩa là phải chia cho đầu nậu 40 phần trăm chiết khấu phát hành?
-Không sai!
-Có nghĩa là không thu được tiền mặt?
-Đúng vậy. Cứ đem tài sản cơ quan ra trao vô tay đầu nậu, khi nào nó thích thì nó trả cho chút ít, không thích thì nó nói bán không được. Đa số đầu nậu là chiếm dụng vốn để mở rộng kinh doanh hoặc kinh doanh địa ốc.
-Lẽ ra nhà xuất bản phải có hệ thống bán lẻ. Hay là nó không có vốn?
-Hoạt động 25 năm nay nó cũng có vốn chứ. Nhưng nó lấy tiền đó mua đất làm kho sách thay vì phát triển hệ thống bán lẻ. Như vậy thay vì sách in xong chở thẳng ra nhà sách bán cho người tiêu dùng thì lại cất vô kho. Rồi đi chào hàng. Người ta chịu nhận thì mới đem đi ký gởi. Ký gởi phải chịu mất 40 phần trăm chiết khấu. Nếu tự phát hành thì không phải mất một số tiền lớn như vậy.
Tôi hỏi:
-Sao nó ngu vậy?
-Nó không ngu đâu. Vì nó có ăn chia với tụi đầu nậu. Nhưng ăn bạo nhất là vụ mua đất làm kho sách. Nó bỏ ra 3 tỷ chỉ để mua một cái nghĩa địa rộng chừng 300 mét vuông. Có nghĩa là giá mỗi mét vuông là 10 triệu đồng. Mua xong, một thằng trong chi bộ của tụi nó phát biểu: “Nhà tui ở gần cái nghĩa địa đó. Tui biết đất ở đó người ta chỉ bán có 2 triệu rưởi một mét vuông!”
Cú đó tụi nó kiếm hơn hai tỷ đồng. Dư luận trong cơ quan cũng rùm beng. Tưởng nó co vòi. Té ra nó đếch sợ. Nó chơi luôn 900 mét vuông nữa kế bên, giá 9 tỷ đồng!
Cú thứ hai này chúng nó đớp thêm gần 7 tỷ! Kế toán trưởng thì cất nhà mới. Phó giám đốc thì xin về hưu non để “hạ cánh an toàn” giám đốc thì “ngày nào đầu nậu còn tín nhiệm, tôi còn làm giám đốc.”
Gã quan lớn còn muốn nói thêm nữa nhưng tôi vuốt lưng gã:
-Té ra bây giờ tôi mới biết anh là người trong sạch nhất.
-Tớ cũng đếch trong sạch, Vì thời đại này thằng nào có quyền mà trong sạch đều là những thằng cù lần. Vì thế tớ cũng đớp chút đỉnh nhưng chỉ để chia cho em út thôi! Cũng giống như hiệp sĩ Robin Hood hay các anh hùng Lương Sơn Bạc vậy mà!
@by txiuqw4