Hàng Châu được mệnh danh là Thiên đường của hạ giới nhưng tôi chỉ chú ý đến một sinh vật bé nhỏ. Một con chim sẻ. Con chim sẻ cuối cùng.
Cô gái trên đồi trà Long Tĩnh hỏi tôi:
-Sao chú biết đó là con chim sẻ cuối cùng?
-Chú đi từ Quảng Châu sang Tô Châu rồi đến đây, rừng cây chập chùng mà không hề thấy một con chim sẻ. Đây là con chim duy nhất mà chú nhìn thấy.
-Nhưng đã chắc gì nó là con chim cuối cùng. Bộ những con chim sẻ khác đã chết hết rồi sao?
-Cách đây mấy chục năm, khi cháu chưa sinh ra đời, ở quê hương của cháu người ta mở chiến dịch diệt chim sẻ. Già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà…xách cung tên, ná thun, súng hơi, gậy gộc, phèn la, mõ, trống…đổ xô đi bắt chim sẻ. Người ta dồn xác chim thành từng đống lớn, vứt xác chim lên xe cam-nhông đầy nhóc, chở đi từng đoàn. Những con chim sẻ còn sót lại bị mõ, trống, phèng la, gậy gộc truy đuổi ráo riết. Chúng bay rã cánh, rớt xuống đất. Chúng bị tiêu diệt không còn một mống.
-Nhưng vì sao người ta diệt chim sẻ?
-Vì sợ chim sẻ phá hoại mùa màng. Nhưng khi không còn chim sẻ thì sâu bọ phát triển khủng khiếp. Mùa màng bị thiệt hại nặng nề. Chiến dịch diệt chim sẻ của Mao chủ tịch đã làm chết mười triệu người vì thiếu lương thực.
Cô bé hái chè trố mắt nhìn tôi, nghi hoặc:
-Chú ở tận Việt Nam, sao chú biết chuyện bên nước cháu?
-Chú đọc báo và xem phim tài liệu của hai nhà làm phim nổi tiếng người Đức là Heynowski và Scheumann. Chú đã nhìn thấy những đoàn người điên cuồng, những xe cam-nhông chất đầy xác chim sẻ.
Bỗng nhiên cô bé cười rất tươi:
-Nhưng đó là chuyện đã xưa rồi. Nếu quả thật có một con chim sẻ còn sống sót sau chiến dịch đó thì nó cũng đã già và chết từ lâu rồi. Nào phải con chim sẻ lúc nãy chú cháu mình nhìn thấy?
-Cháu giỏi lắm. Tất nhiên đó không phải là con chim sống sót. Nhưng chiến dịch diệt chim sẻ là một sự kiện có thật. Một chiến dịch dốt nát, man rợ và điên rồ.
Cô bé vẫn hái chè. Bàn tay thoăn thoắt ngắt những đọt chè non còn đọng sương sớm. Hình như cô muốn quên chuyện chim sẻ, nhưng cô lại hỏi:
-Sao giọng chú có vẻ gay gắt thế?
-Vì chú thương con chim sẻ. Và thương cái thế hệ của cha cháu phải sống dưới ách thống trị của một con người dốt nát, độc ác và đầy ảo tưởng.
-Ảo tưởng như thế nào?
-Ông ta muốn hiện đại hóa Trung Quốc bằng cách tính của một bà nội trợ.
-Vậy sao?
-Ừ. Hồi đó Trung Quốc có bảy trăm triệu dân. Mao chủ tịch bèn làm một phép tính nhân. Nếu như mỗi người dân đóng góp 3 ký sắt thép, đem nhân với 700 triệu thì Trung Quốc sẽ có một sản lượng thép bằng 5 lần nước Anh. Thế là mọi người bỏ cả công ăn việc làm đi kiếm sắt thép. Cả nước thu được một mớ nồi nêu son chảo, rựa cùn, cuốc mẻ, dao phay, mã tấu…rồi đổ tiền của ra mua nhiên liệu để nấu thép. Hì hục ngày đêm. Nhà nhà nấu thép, người người nấu thép. Bán bò bán ruộng để nấu thép. Rốt cuộc thu được một số kim loại hổ lốn không dùng được việc gì cả. Cái bước “đại nhảy vọt” ấy đã khiến nông dân không có thì giờ cày cấy, sản xuất nông nghiệp ngưng trệ và kết quả là có thêm mấy chục triệu người nữa chết vì thiếu ăn.
-Chú ơi! Cô bé kêu lên, cháu chưa từng nghe ai nói về Mao Chủ tịch như thế bao giờ.
°
Nhưng một tỉ người dân Trung Quốc trưởng thành thì đã biết những điều đó.
Cha ông họ và bản thân gia đình họ đã từng là nạn nhân của Chiến Dịch Chim Sẻ, của Bước Đại Nhảy Vọt, của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản đẫm máu.
Giờ đây, Mao Trạch Đông vẫn còn đang nằm trong lăng tại quãng trường Thiên An Môn nhưng nhân dân Trung Quốc muốn lôi hắn ra và ỉa vào cái xác thối ấy.
Một tỷ ba trăm triệu nạn nhân của Mao sẽ làm cái động tác phóng uế ấy. Lúc đó Trung Quốc sẽ có một cái lăng vĩ đại được xây bằng …vàng (!). Lăng mộ đó còn “hoành tráng” hơn cả lăng mộ Tần Thủy Hoàng, độc đáo hơn cả thập tam lăng của Triều Minh.
Nhưng sẽ không có du khách nào dám đến thăm.
Vì nó rất thối.
Vài ngày sau có một ngàn con ruồi bay đến. Ngày kế tiếp đáp xuống một vạn con. Rồi cả triệu con từ mọi quốc gia trên thế giới bay về. Trong khoảnh khắc, đàn ruồi lên đến một tỷ, rồi một ngàn tỷ, một trăm triệu tỷ. Chúng đến để dự bữa tiệc hùng vĩ chưa từng có trên mặt đất.
Chúng không hút bằng vòi. Chúng đang ăn. Chúng đớp. Liếm láp như mèo. Nhâm nhi, gặm nhấm như chuột. Nhai lại như bò. Ngấu nghiến như hổ báo.
Chúng bu đen kịt. Vo ve. Rù rì. Rồi im lặng. Một mảng xám xịt, lúc nhúc. Chợt bốc lên như đám mây u ám. Chợt hạ xuống. Phiêu hốt, chập chờn. Hư huyễn như ma trơi. Nín thinh. Rồi hỗn loạn. Tiếng đập cánh ong óng như gió gào khóc, như cô hồn rên rỉ.
Giòi tràn ngập mặt đất. Lũ ruồi không còn chỗ để đậu, chúng bay lên như một đám mây khủng khiếp, che lấp mặt trời, bao trùm cả tầng khí quyển.
Ánh sáng biến mất khỏi hành tinh. Mặt đất trở nên băng giá. Loài người kêu khóc. Động vật hoảng loạn. Cây cỏ rũ chết, vùi thây trong tuyết.
Lũ ruồi bắt đầu chiếm lĩnh các thành phố.
Chúng bốc mùi của cứt đái, mùi đồng, mùi đờm dãi. Khi chúng bu lên xác chết, chúng có mùi thối rữa. Khi chúng bay vờn trên chiến địa, chúng có mùi bom đạn. Chúng sà xuống những đống tiền, đống vàng, đống cổ phiếu như ma quỷ và làm cho những thứ đó dậy mùi tanh của tinh dịch lẫn với máu người. Chúng lởn vởn quanh các ngai vàng, các phủ, các bộ, các nhà hàng khách sạn.
Chúng lại mở những đại tiệc trên xác chết của loài người. Xác chết bất tận vì thế bữa tiệc của ruồi cũng kéo dài bất tận.
Chúng đang tồn tại và chúng sẽ tồn tại trên dương gian này hàng ngàn năm nữa. Gió bão, động đất, sóng thần, lửa trời cũng không đuổi được. Dù cho chiến tranh nguyên tử có tiêu diệt cả nhân loại thì chúng vẫn sống. Sống để truyền kiếp, để xâm nhập vào một loài người mới, để ăn tiếp bữa tiệc của kiếp trước.
Đó là bữa tiệc của ruồi.
@by txiuqw4