Vương Anh Tư nhìn kỹ bức thư, nói:
- Thư viết cho phụ thân ta ư, có chuyện gì vậy?
Trương Nguyên nói:
- Hai ngày nữa ta sẽ đi Tùng Giang một chuyến, nên muốn báo với thầy một tiếng.
Vương Anh Tư kinh ngạc:
- Tháng tư đã thi phủ rồi đó!
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Sinh nhật lần thứ ba mươi của tỷ phu, học trò không thể không đi được, cả đi cả về mất một tháng, vẫn kịp về thi ạ.
Nghe Trương Nguyên nói như vậy, Vương Anh Tư nhíu mày nói:
- Cha học trò đi Tiêu Sơn cũng là để thăm hỏi tỷ phu học trò, vì nghe nói là y bị bệnh, mà bệnh cũng không nhẹ.
Trương Nguyên nói:
- Vậy mau đi khám bệnh thôi, có cần mời Lỗ Vân Cốc tiên sinh tới xem bệnh hay không?
Vương Anh Tư cười phá lên, nói:
- Lỗ Vân Cốc trị khỏi mắt cho huynh, huynh liền cho là lão có thể chữa được bách bệnh hay sao? Lỗ Vân Cốc chỉ chuyên khám cho con nít mà thôi, chuyện đó có ai là không biết chứ?
Trương Nguyên cười cười, tiếp tục viết thư. Lại nghe Vương Anh Tư nói:
- Giới Tử sư huynh, nếu huynh ở Tùng Giang không về kịp tham gia thi phủ thì có thể để muội thay huynh đi thi được không?
Trương Nguyên lập tức dừng bút, đuôi của chữ “Đại” vì vậy cũng bị to hơn bình thường, nom đến là khó coi, hắn nói:
- Không được rồi, ta phải viết lại rồi.
Vương Anh Tư trông thấy chữ “Đại” dị dạng ấy, cười khanh khách nói:
- Khỏi cần viết lại, huynh chờ một chút.
Rồi nàng chạy nhanh ra khỏi thư phòng, một lúc sau quay lại, trong tay nàng đang cầm một vật, cười hỏi:
- Biết đây là cái gì không?
Trương Nguyên thấy vật này có hình dạng như một khối mực, nhưng lại có màu vàng nhạt, lắc đầu nói:
- Không biết.
Vương Anh Tư đi đến trước thư án, ột chút xíu nước vào khối màu vàng nhạt kia rồi bôi lên chữ “Đại” kia, cười nói:
- Giờ thì đã biết đây là gì rồi chứ?
Trương Nguyên cười nói:
- Thư hoàng, tín khẩu thư hoàng (người xưa dùng thư hoàng để xóa chữ, nên nói việc ăn nói bừa bãi bất chấp sự thực là “tín khẩu thư hoàng”
Vương Anh Tư cười nói:
- Đúng rồi, chính là thư hoàng, cha ta trước kia cũng không dùng đâu, năm ngoái vì phải chép kinh cho lão tăng ở Diên Khánh tự nên mới cần dùng đến.
Trương Nguyên nói:
- Ta vẫn nên viết lại thì hay hơn, thầy mà trông thấy nhất định sẽ mắng ta.
Rồi lấy một tờ giấy khác viết lại.
Vương Anh Tư nói:
- Chữ tiểu Khải Giới Tử sư huynh tiến bộ rất nhiều rồi đó.
Trương Nguyên vừa nắn nót từng chữ vừa đáp:
- Cảm tạ sư muội đã khích lệ.
Vương Anh Tư nói:
- Giới Tử sư huynh, huynh bảo nếu ta thi phủ thì có đỗ không?
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Trời, vẫn còn ý nghĩ muốn đi thi sao?.”
Nói:
- Chắc chắn đậu rồi.
Rồi tiếp:
- Sư muội nghe nói về cảnh ở trường thi bao giờ chưa?
Vương Anh Tư nói:
- Mấy năm trước Đại huynh muội tham gia thi đạo, muội cũng từng tới xem rồi. Ở đó phải có tới trên vạn người ấy. Cứ hai huyện lại chung nhau một địa điểm thi, phủ Thiệu Hưng có tám huyện nên phải thi vào bốn ngày, trước khi vào cửa còn phải bị lục soát khắp người cơ…..
.
Nói đến đây, nàng chợt hiểu ra vì sao ban nãy thần thái của Trương Nguyên lại kì quái như vậy, đôi má nàng bỗng ửng hồng lên như hai trái cà chua.
Trương Nguyên dường như không chú ý tới khuôn mặt đã đỏ lựng lên của nàng, chỉ chuyên tâm vào viết chữ, nói:
- Đúng vậy, kỳ thi phủ ở hai huyện Sơn Âm và Hội Kê lần này được sắp xếp vào mùng chín tháng tư, thí sinh tham gia thi phải lên tới trên dưới có ba nghìn người, đến lúc đó phải chen nhau vào lều thi rồi.
Lát sau, khi đã viết xong lá thư, hắn đưa cho Vương Anh Tư, nói:
- Sư muội chuyển cho thầy giùm ta nhé. Giờ ta phải cáo- Đợi ta từ Tùng Giang trở về sẽ lại đến bái kiến thầy.
Vương Anh Tư đã hết đỏ mặt, đáp:
- Chúc Giới Tử sư huynh lên đường bình an.
Trương Nguyên vái chào, bước ra khỏi thư phòng, vừa đi vừa nghĩ:
“Có vở diễn tên là “Nữ Phò mã”, kể rằng có một tài nữ vì muốn tìm chồng mà đã thi đỗ Trạng Nguyên. Điều này trên thực tế sao có thể xảy ra được, bởi trước khi vào trường thi còn phải cởi áo lục soát rất nghiêm ngặt. Thi đồng sinh thì không nói, chứ nghe nói thi hương, thi hội thì đến khi lục soát trước khi vào phòng thi, thậm chí ngay đến cả cái khố cũng không được giữ lại, tất tật phải cởi sạch không còn chút gì trên người, đàn bà làm sao trà trộn vào trong được? Thái Bình Thiên Quốc, nam nữ bình đẳng, thế nhưng chuyện nữ Trạng Nguyên chỉ là bịa ra mà thôi.”
Lại nghĩ:
“Anh Tư sư muội nếu dự thi thì cũng được, vài năm trước khi chưa dậy thì thì cũng không vấn đề gì, phía trên vẫn “bằng phẳng”, bên dưới thì đã có khố che, vẫn có thể trà trộn vào trong. Còn bây giờ thì, ây ya...”
Trương Nguyên lắc lắc đầu, nếu còn nghĩ nữa thì sẽ nghĩ tới mấy chuyện không nên nghĩ tới kia rồi, Hắn liền dẫn Mục Kính Nham và Vũ Lăng ra khỏi phủ của thầyVương rồi tới bờ tây hồ Đông Đại, hướng bước về phía bắc hai dặm rồi rẽ sang hướng tây, phút chốc đã tới cổng lớn Thương thị. Thương Chu Đức nghênh đón hắn tới chính sảnh, cười nói:
- Đoán giờ này chắc đệ đã tới rồi, ta chuẩn bị ngày mai tiễn đại tẩu và tiểu Lan, tiểu Huy vào kinh, Ban đầu ta vốn định chỉ tiễn họ tới Hàng Châu rồi sẽ quay về, nhưng thiết nghĩ tẩu ấy là phận nữ nhi, hai chị em Cảnh Lan, Cảnh Huy thì còn quá nhỏ, mặc dù đã có người hầu đi theo nhưng ta vẫn không yên lòng. Bởi vậy nên quyết định sẽ tiễn họ tới tận Kinh Thành luôn, cả đi cả về chắc cũng phải mất ba, bốn tháng. Nhưng có một điều khiến ta cũng được an ủi phần nào, đó chính là hôm qua đã nhận được tin đệ đỗ đầu kì thi huyện, thật quá tốt rồi, vừa hay ta cũng muốn báo tin vui với đại huynh ta luôn.
Trương Nguyên nói:
- Vậy ngày mai ta cũng tới tiễn.
Rồi kể với Thương Chu Đức việc sắp tới hắn cũng phải đi Tùng Giang. Thương Chu Đức hỏi hắn ngày nào lên đường, hắn đáp:
- Sáng sớm ngày hai mươi sẽ khởi hành, bởi hai mươi chín tháng hai đã là sinh thần của Đạm Nhiên rồi.
Thương Chu Đức cười nói:
- Giới Tử đệ đúng là chu đáo quá, đến ta còn quên mất sinh nhật của tiểu muội mình. Ha ha, “nhàn sinh nhật” ấy mà, nếu không có người nhắc tới thì ta hay quên lắm.
Người Thiệu Hưng gọi những năm sinh nhật mà không vào những năm tròn chục như 10, 20, 30... là nhàn sinh nhật và cũng không coi trọng lắm.
Thương Chu Đức bảo Trương Nguyên ngồi đợi một lát để gã vào nói với mọi người một số chuyện, lát sau bước ra, nói:
- Ta đã báo với đại tẩu một tiếng rồi, đợi qua sinh nhật của Đạm Nhiên sẽ lên đường. Lần này bọn họ vào kinh không biết bao giờ mới có thể trở lại...
Ánh chiều tà dần buông, Thương Chu Đức giữ Trương Nguyên ở lại dùng cơm. Sau bữa cơm chiều, Thương Chu Đức phái thuyền đưa chủ tớ Trương Nguyên tới cầu Bát sĩ của Sơn Âm. Lần này Trương Nguyên không gặp Thương Đạm Nhiên, có lẽ Thương Chu Đức nghĩ trời đã tối, nam nữ chưa kết hôn mà gặp nhau e là không tiện lắm. Khi Trương Nguyên đang đứng trên cầu thì ánh trăng tròn vành vạnh đã lên cao quá đầu. Mười lăm trăng sang, mười sáu trăng tròn, biết bao giờ mới được cùng nàng thưởng trăng đây?
--------------------------
Hai mươi chín tháng hai là sinh nhật của Thương Đạm Nhiên. Trương Nguyên đã tới dinh thự nhà họ Thương từ sáng sớm, thấy cảnh tượng trước cổng nhà họ Thương vô cùng náo nhiệt, người ra kẻ vào hết sức bận rộn. Hai cỗ xe ngựa đã đậu sẵn bên góc tường cạnh cổng, đám gia nô Thương thị thấy Trương Nguyên tới thì đều vui vẻ nói:
- Trương công tử đến rồi, có thể khởi hành rồi.
Trương Nguyên hỏi đi đâu, họ đáp là tới Hạnh hoa tự xem hội Quan Âm. Hôm nay là ngày Đại tiểu thư Đạm Nhiên ra đời, đi Hạnh hoa tự thắp hương cầu Quan Âm sẽ vô cùng may mắn.
Trương Nguyên cười nói:
- Mẫu thân của ta hôm nay cũng đi chùa Đại Thiện từ sáng sớm, chùa Đại Thiện cũng có hội Quan Âm.
Thương Chu Đức đi tới nói:
- Hôm nay là “Quan Âm đản” mà, nơi nào cũng tổ chức hội Quan Âm. Thực ra thì Hạnh Hoa tự chỉ là một căn miếu nhỏ, chỉ là vì xung quanh đó có rất nhiều cây hạnh, tháng hai trời ấm, là thời điểm mà hoa hạnh nở rộ nhất, nam thanh nữ tú ở Hội Kê đều tới đạp thanh(giẫm lên cỏ) ngắm hoa đương nhiên không thể không ghé qua hạnh hoa tự dâng hương bái phật được.Bởi vậy nên hội Quan Âm tháng hai của Hạnh Hoa tự là rất nổi tiếng đó.
Hai tỳ nữ đưa Thương Đạm Nhiên ra cửa, hôm nay nàng mặc một bộ váy mới màu lá sen, dung mạo như hoa làm đắm say lòng người. Nàng đứng bên cỗ xe ngựa vén áo thi lễ với Trương Nguyên, ánh mắt e lệ chỉ dám liếc qua hắn một chút rồi vội vàng lên xe. Tiểu tỷ muội Cảnh Lan, Cảnh Huy cũng thi lễ với hắn rồi cùng cô cô Đạm Nhiên lên xe. Phó thị và Kỳ thị thì ngồi trên một cỗ xe ngựa khác.
Thương Chu Đức hỏi Trương Nguyên có muốn ngồi kiệu mây hay không, Trương Nguyên nói:
- Đi bộ có thể ngắm cảnh, cũng không tới ba dặm đường mà.
Rồi hắn rảo bước nhanh theo xe ngựa, tới bờ tây hồ Đông Đại thì gặp một chiếc thuyền ô bồng đang đậu trên bến, đây chính là thuyền của Kỳ Bưu Giai.
Trương Nguyên chắp tay cười nói:
- Hổ Tử hiền đệ cũng tới ư?
Kỳ Bưu Giai thấy Trương Nguyên thì tỏ ra có chút bối rối, bây giờ vai vế giữa họ vẫn còn ngang hàng với nhau, sau hai năm nữa khi Thương Cảnh Lan tiểu thư đính hôn với y rồi thì y sẽ phải gọi Trương Nguyên là cô phụ (chú), bởi Thương Cảnh Lan phải gọi Đạm Nhiên là cô. Ây ya, như vậy thì đúng là thiệt cho Kỳ Bưu Giai quá.
Kỳ Bưu Giai đáp lễ với Trương Nguyên rồi quay sang thi lễ với đám người Thương Chu Đức và Kỳ thị, Phó thị. Sau đó cả đoàn người cùng nhau bước vào Hạnh Hoa tự. Lúc đi vào, Kỳ Bưu Giai nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử huynh, sau giờ ngọ hôm nay Khải Đông tiên sinh sẽ phải rời Sơn Âm để về kinh đó, Giới Tử huynh không đi tiễn sao?
Trương Nguyên nói:
- Khải Đông tiên sinh phải vào kinh rồi ư, vậy ta nhất định phải đi tiễn rồi.
Kỳ Bưu Giai nói:
- Bộ Lại gửi công văn tới, bổ nhiệm Lưu tiên sinh làm Hành nhân tư chính, còn có cả thư do chính tay Diệp thủ phụ đại nhân viết, Khải Đông tiên sinh muốn thoái thác cũng không được, chỉ có thể nhận lời vào kinh nhậm chức mà thôi.
Lại nói:
- Lưu tiên sinh sẽ tới thư viện Đông Lâm ở Vô Tích thăm bạn trước rồi mới vào kinh.
Trương Nguyên nói:
- Vậy được, đợi lát nữa ta sẽ đuổi theo, ở chùa Đại Thiện đúng không?
Kỳ Bưu Giai nói:
- Lưu tiên sinh sẽ đi qua cầu Việt Vương.Sau giờ ngọ huynh cứ đứng chờ ở trên cầu là được,ta với huynh cùng đợi.
Vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã tới bên ngoài Hạnh Hoa tự. Những bông hoa hạnh đang kì nở rộ, bên ngoài chùa bạt ngàn những bông hoa hạnh trắng trắng đỏ đỏ. Hôm nay là hội Quan Âm, dòng người đổ về đông như nêm cối, kiệu xe chật ních bên ngoài. Những người thắp hương xong rồi thì chưa về ngay mà vẫn còn đứng dưới tán cây hạnh hoa như lưu luyến. Đa số đều đi thành từng cặp, nam nữ thanh niên, vợ chồng nông dân đều có cả. Dân chúng Giang Nam cho rằng Quan Thế Âm Bồ Tát chuyên quản việc sinh nở nên những người tới đây phần lớn đều là cầu tự. Thê tử của Thương Chu Khư là Phó thị sắp vào kinh gặp chồng, thành kính lễ bái mong được Quan Âm phù hộ ột cậu quý tử để nối dõi tông đường.
Thương Đạm Nhiên hôm nay đội một chiếc mũ rộng vành vô cùng duyên dáng, có tấm khăn mỏng che trước mặt. Có lẽ là bởi lần trước tại Long Sơn đã bị tên lỗ mãng Đổng Tổ Thường quấy nhiễu nên lần này nàng mới cố ý giấu đi dung nhan xinh đẹp của mình. Nhưng trong mắt Trương Nguyên, việc đó giống như là ngọc quý phải có tấm nhiễu điều che lại vậy, càng làm tôn lên vẻ quý phái đoan trang của nàng. Phó thị và Kỳ thị bái lễ xong thì mỉm cười ra hiệu cho Thương Đạm Nhiên và Trương Nguyên vào bái lễ Bồ Tát. Khi hai người họ cùng khấn, Phó thị và Kỳ thị bốn mắt nháy nhau khẽ cười thầm.
Ra khỏi Hạnh Hoa tự, đoàn người cũng không về ngay mà ở lại ngắm hoa. Hoa hạnh này vô cùng nổi tiếng, có tất cả năm loại màu, đều vô cùng đẹp tươi rực rỡ. Trương Nguyên nhìn Thương Đạm Nhiên đang đứng dưới tán cây yêu kiều e lệ, gió xuân khẽ thổi làm tấm mạng che trước mặt nàng tung bay, dung mạo ấy còn đẹp hơn cả hoa.
Nấn ná gần nửa canh giờ, đoàn người mới lên đường trở về. Thương Chu Đức đương nhiên phải mời Trương Nguyên và Kỳ Bưu Giai tới Thương phủ dự tiệc. Trương Nguyên bảo Thương nhị huynh đợi một chút, hắn muốn tới phủ của Vương Tư Nhâm cách Hạnh Hoa tự không xa để hỏi thăm tin tức. Lão gác cổng của Vương phủ nói lão gia đi Tiêu Sơn vẫn chưa về. Vậy là Trương Nguyên không vào nữa mà cũng Kỳ Bưu Giai tới thẳng Thương thị dự tiệc. Vì sau đó hai người còn phải đi tiễn Lưu Tông Chu nên chỉ ăn uống qua loa rồi vội vàng theo bờ sông Phủ tới cầu Việt Vương đợi lão đi qua.
Khoảng nửa canh giờ sau, Lưu Tông Chu tiên sinh cưỡi một con lừa bước tới, theo sau lão là một người hầu, hành lý mang theo vô cùng ít ỏi. Lão đã ra đi trong lặng lẽ như vậy.
@by txiuqw4