Chung Thái giám đối đãi với Trương Đại, Trương Ngạc rất khách khí. Ông ta nói với Trương Nguyên:
- Trương công tử, nghe nói tối hôm qua ở Phong Nhạc Lầu ngươi đã mở tiệc chiêu đãi các chư sinh rất náo nhiệt!
Phong Nhạc Lầu nằm ngay phía ngoài Dũng Kim Môn, cách Chức Tạo thự không xa. Thái giám của Chức Tạo thự vốn là giám sát địa phương, trực tiếp nhận lệnh từ triều đình, cai quản toàn bộ dân chúng trong vùng. Ở tửu lầu, việc Trương Nguyên cùng với Tiêu Nhuận Sinh, La Huyền Phụ và sĩ tử Tùng Giang bàn luận về tội ác của cha con Đổng Kỳ Xương chắc chắn không thể qua mặt Chung Công Công. Vì vậy, Trương Nguyên liền đem hai tập viết đêm qua đưa cho Chung Công Công xem. Xem xong, y liền cười nói:
- Trương Công tử đúng là dụng bút như đao, vô cùng sắc bén. Việc Trương Công tử muốn đối phó với Đổng Hàn Lâm e là chúng ta lực bất tòng tâm.
Chung Công Công sắp hồi cung, không muốn gây chuyện thị phi.
Trương Nguyên nói:
- Không cần công công phải hao tổn trí lực, chỉ cần công công biết việc này là được rồi!
Chung thái giám cười nói:
- Vậy để xem bản lĩnh lật tay thành mây, đảo tay thành mưa (xoay chuyển càn khôn) của Trương Công tử. Công tử nếu cần hỗ trợ về tiền bạc, cứ việc đề xuất!
Trương Nguyên nói:
- Đa tạ công công, trước mắt thì vẫn chưa cần, chỉ là hai ngày tới ta muốn đưa gia đình tỷ tỷ về Thanh Phổ, muốn mượn hợp bài Tiểu Khám của công công dùng một chút.
Chung Công Công nói:
- Không cần khách khí, khi nào ngươi đi cứ đến chỗ ta lấy!
Ba huynh đệ Trương Nguyên cùng với Chung Công Công đi xuống chân núi Thạch Sơn thăm quan tế viện, đập vào mắt họ là dòng chữ “Bảo Thạch sơn Chung thị dưỡng tế viện” trích trong cuốn Tiêu hoàng sở thư được khắc rõ nét trên tấm bia. Tế viện này quy mô đã lớn lại mời được thợ thủ công có tay nghề để xây dựng phòng ốc nên cảnh trí rất hài hòa ưa nhìn. Nghe Trương Nguyên, Trương Đại hết lời khen ngợi, Chung Công Công mãn nguyện ra mặt nhưng đương nhiên vẫn phải nói ra vài lời khiêm tốn.
Đã tới chân núi Bảo Thạch cũng không thể không đến chiêm ngưỡng từ đường của Chung thái giám trên đỉnh núi. Trương Ngạc nhìn bức tượng Chung Công Công đặt ngay ngắn bên trong từ đường, ghé tai Trương Nguyên nói:
- Đã là từ đường thì nên để Chung Công Công bằng xương bằng thịt này ngồi ngay ở đây mà hưởng thụ hương khói, chẳng phải tốt hơn nhiều sao, việc gì phải khắc tượng gỗ!
Trương Nguyên nín cười, nhìn vị Chung Công Công kia đang thảnh thơi đi dạo bên trong từ đường, không thể không cảm thấy cảnh tượng này rất hài hước.
Sau khi xuống Bảo Thạch sơn, Chung thái giám mở tiệc chiêu đãi ba huynh đệ Trương Nguyên ở tây lâu thuyền. Trương Nguyên không dám uống nhiều rượu, dùng cơm xong liền xin phép ra về. Sau khi sắp xếp cho các tỷ muội trở về bến thuyền, ba huynh đệ Trương Nguyên lại đến núi Nam Bình gặp các sĩ tử ở Cư Nhiên thảo đường. Hai bài hịch văn đảo Đổng này chính là muốn thông qua bọn họ để ban bố khắp bốn phương, tạo nên một trận cuồng phong!
Đến bên ngoài chùa Tịnh Từ thì gặp Tiêu Nhuận Sinh và La Huyền Phụ, La Huyền Phụ nói:
- Ba vị sao đến chậm vậy, hai người chúng ta định đi tìm, Ngụ Dung tiên sinh đã đợi sẵn mọi người tại Nam viên của Bao Phó sử.
Trương Nguyên tạ lỗi:
- Theo nhà tỷ dạo hồ nên đến trễ.
Mọi người đi vòng theo hướng tháp Lôi Phong, Tiêu Nhuận Sinh và La Huyền Phụ biết được Trương Nguyên viết hai bài hịch văn đảo Đổng suốt đêm liền vội vàng đòi xem. Họ vừa đi vừa xem, luôn miệng kêu tuyệt, Tiêu Nhuận Sinh nói:
- Hịch văn này quả thật có thể khiến Tào A Man sợ tới mức quên luôn cơn nhức đầu.
Trương Ngạc bĩu môi nói:
- Đổng Kỳ Xương sao so được với Tào Tháo, còn cách xa vạn dặm.
Tiêu Nhuận Sinh cười nói:
- Không phải so sánh Đổng Huyền Tể với Tào Tháo, mà là nói hịch văn của Trương Nguyên có thể dọa Đổng Huyền Tể toàn thân toát mồ hôi lạnh.
La Huyền Phụ nói:
- Sợ là Ngụ Dung tiên sinh sẽ không cho chúng ta lên án Đổng Huyền Tể như vậy đâu.
Tiêu Nhuận Sinh nói:
- Giờ ta sẽ đem hai bài văn này đến học đường để chư sinh sao chép lại, không dùng tên của Trương Giới Tử, chỉ lấy danh nghĩa của chư sinh Tùng Giang để tuyên truyền. Như thế ngoài mặt sẽ thể hiện học đường chúng ta không liên can đến, tránh cho Ngụ Dung tiên sinh phải khó xử.
La Huyền Phụ gật đầu nói:
- Vậy tốt quá rồi, Giới Tử huynh nghĩ thế nào?
Đây chính là hy vọng của Trương Nguyên, Tiêu Nhuận Sinh lập tức nhét hai bài văn vào tay áo rồi trở về Cư Nhiên thảo đường, còn La Huyền Phụ dẫn huynh đệ Trương Nguyên đến nam viên của Chiết Giang Bố Chính ti Phó sử Bao Hàm Sở. Hôm nay Bao Phó sử cũng ở trong viên, Bao Phó sử tên Ứng Đăng, hiệu là Hàm Sở, có giao tình với Trương Nhữ Lâm. Trông thấy ba huynh đệ Trương Nguyên, y cười nói:
- Trương thị tam tuấn kiệt cùng đến học ở Quốc Tử Giám, hiếm thấy hiếm thấy.
Hoàng Nhữ Hanh cầm kính mát trong tay, đây là cái mà hôm qua Trương Nguyên nhờ Tiêu Nhuận Sinh đem đến, Hoàng Nhữ Hanh nói:
- Trương Nguyên, mắt kính này rất tốt. Năm trước ta mua được một cặp ở Tô Châu, nhưng không bằng cặp kính của ngươi đưa.
Đột nhiên nghe thấy tiếng đồ sứ rơi vỡ giòn tan ở bậc thềm trước sảnh, mọi người quay lại thì thấy một đồng tử bưng trà đứng đó khóc mếu máo. Mấy chén trà trên khay đã rơi hết xuống đất, trên mặt đất đá xanh vương vãi những mảnh sứ vỡ cùng nước trà.
Bao Hàm Sở cau mày, định nổi giận thì chợt cười to, nói với Trương Nguyên:
- Năm ngoái, Trương Nguyên ngươi ở trước mặt Tiêu Thái sử và Ngụ Dung tiên sinh nói đồng tử này bưng trà đi qua nhiều gờ cửa thềm đá, lại chưa từng sẩy chân đánh vỡ chén trà. Hôm nay cũng cùng một người, vậy mà y lại làm rơi, việc này nên nói thế nào đây?
Hoàng Nhữ Hanh cũng bật cười ha hả.
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Trước kia khác bây giờ khác, đạo khó khăn như thế, nếu tưởng rằng vãn bối nay đã đắc đạo, công đức viên mãn kia là học theo Hàm Đan (học nhưng không thành), khiến cho đường cũng không đi được nữa.
Lời Trương Nguyên nói khá hay, ý vị sâu xa, Bao Hàm Sở khen ngợi:
- Có thiên cơ, không hổ là cao đệ của Tiêu Thái sử và Ngụ Dung tiên sinh.
Dứt lời, y cùng Trương Ngạc, Trương Đại nhắc đến Nam Khúc và tình hình gánh hát Khả Thực của Trương thị, Bao Hàm Sở nói:
- Ở bắc viên Phi Lai Phong Hạ của ta có một gánh hát, khi nào có thể cùng diễn với gánh Khả Thực để phân tài cao thấp?
Gánh hát của Bao Hàm Sở ở Hàng Châu cũng có tiếng, ca đồng diễn kịch, đội vũ cổ xúy đều tuyệt luân khó lường.
Trương Đại nói:
- Lần sau vãn bối lại đến võ lâm, khi ấy sẽ dẫn theo gánh Khả Thực đến thỉnh Bao Phó sứ chỉ giáo.
Hoàng Nhữ Hanh hỏi kinh nghiệm đạo thí tháng trước của Trương Nguyên, hắn liền thuật lại tường tận. Hoàng Nhữ Hanh khuyến khích ba huynh đệ cố gắng học tập ở Quốc Tử Giám, sang năm thi hương thuận lợi. Kế đến lại nhắc đến chuyện của Tông Dực Thiện, Hoàng Nhữ Hanh lấy làm bất đắc dĩ, hiển nhiên cũng tiếc cho hành vi của Đổng Kỳ Xương. Trương Nguyên kể rằng Đổng thị chèn ép Thanh Phổ Lục thị, tiến hành đủ mọi điều ác, Bao Hàm Sở cùng Hoàng Nhữ Hanh nghe rồi chỉ có nước lắc đầu. Hoàng Nhữ Hanh cảm thán:
- Đổng công mắc sai lầm vì lứa con cháu và gia nô rồi.
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Những lời như ‘mắc sai lầm vì lứa con cháu và gia nô’ là kiêng kỵ của bậc tôn giả. Thực ra là do Đổng Kỳ Xương làm chuyện ác, chẳng phải Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường cùng các gia nô Đổng thị cậy vào thế lực của Đổng Kỳ Xương mà lộng hành đó sao? Đổng Kỳ Xương thường xuyên ra vào tri phủ nha môn Tùng Giang, chẳng qua là muốn nhờ vả để che đậy việc làm của bọn chúng.”
Bao Hàm Sở muốn giữ huynh đệ Trương Nguyên ở lại dùng bữa tối. Trương Nguyên khéo léo khước từ, còn Trương Đại vì nói chuyện hí khúc rất ăn ý với Bao Hàm Sở nên lưu lại, Trương Ngạc không thích bị gò bó trước mặt trưởng bối nên cũng theo Trương Nguyên ra về. Hai người đi đến Cư Nhiên thảo đường thì thấy đại sảnh giảng dạy cực kỳ náo nhiệt, có người đang sao chép bài “Thư họa nan vi tâm thanh luận” (Thư họa khó luận tiếng lòng) của Trương Nguyên, có người lại nghị luận Đổng Kỳ Xương sẽ kinh nộ thế nào khi thấy hai bài hịch văn này. Trông thấy Trương Nguyên và Trương Ngạc đến, trong sảnh trở nên ồn ào huyên náo hơn hẳn. Những chư sinh Tùng Giang như Kim Lang Chi, Hồng Đạo Thái vô cùng phẫn kích, tâm tình xúc động, muốn Đổng Kỳ Xương thân bại danh liệt.
Sau khi nghị luận, chư sinh quyết định sẽ tuyên truyền “Thư họa nan vi tâm thanh luận” ở khắp nơi. Còn về bài “Đổng thị ác hành lục” (ghi chép chuyện ác của Đổng thị), Trương Nguyên không muốn tuyên truyền rộng rãi ở Hàng Châu, bài văn này viết là để dân chúng bình dân xem, khá thích hợp để tuyên truyền ở Tùng Giang. Trương Ngạc nói:
- Giới Tử, năm trước chúng ta đối phó với tên Diêu cò mồi, không phải đã phái vài người thuyết thư đến các huyện lân cận kể chuyện bê bối của gã rồi sao, dùng chiêu này đối phó với Đổng Kỳ Xương cũng hữu dụng.
Trương Nguyên gật đầu nói:
- Việc này đến phủ Tùng Giang hẵng bàn.
Tiêu Nhuận Sinh nói:
- Loại việc này người thuyết thư bình thường không dám nói, ta đề cử một người, thư nhân Liễu Kính Đình bên mạn cầu Vọng Tiên trong thành Hàng Châu, người xưng Liễu mặt rỗ. Người này dám nói, nghe đâu còn biết chút võ nghệ, thời niên thiếu cũng là tên vô lại thích ẩu đả, nhà ở Giang Bắc. Hình như phạm phải án nào đó nên mai danh ẩn tích, lưu lạc giang hồ, Liễu Kính Đình không phải tên thật của y.
Trương Ngạc cười nói:
- Ta cũng nghe đại danh Liễu mặt rỗ đã lâu, năm ngoái muốn mời y đến Sơn Âm thuyết thư mà quên mất, lần này nhất định phải gặp y. Giới Tử, ngày mai chúng ta cùng đại huynh đi tìm hiểu Liễu mặt rỗ kia đi.
* Xin đính chính lại một chút, ở các chương trước tên Đổng Kỳ Hưng chính là Đổng Kỳ Xương. Từ chương này sẽ đổi lại là Đổng Kỳ Xương cho thống nhất với đầu truyện. Cảm ơn mọi người.
Trương Nguyên cũng rất muốn gặp Liễu Kính Đình. Trong “Đào am mộng ức” của Trương Đại, “Bản kiều tạp ký” của Dư Hoài, các văn hào thi tông như Tiền Khiêm Ích, Ngô Vĩ Nghiệp cũng có ghi chép về Liễu Kính Đình thuyết thư, ca ngợi hết mực, cho rằng tài thuyết thư của Liễu Kính Đình là tuyệt kỹ.
Trời chiều ngả về tây, chư sinh Cư Nhiên học đường giải tán. Trương Nguyên, Trương Ngạc dẫn theo Vũ Lăng, Năng Trụ đi về phía cửa kênh đào, từ núi Nam Bình đến cửa kênh đào khoảng mười sáu, mười bảy dặm. Tới tửu lầu Ngưng Hương ở bờ nam Tây Hồ, Trương Ngạc nói:
- Đại huynh uống rượu nghe khúc “Bất diệc khoái tai” ở nam viên rồi, chúng ta cứ ăn uống ở Ngưng Hưng lầu này vậy. Ăn xong thì mướn thuyền dạo ngang Tây Hồ, lên bờ từ Đoạn Kiều trở về kênh đào bằng thuyền sẽ gần hơn nhiều, chân cũng đỡ mỏi.
Chủ tớ sáu người vào Ngưng Hương lầu gọi chút thịt rượu. Năng Trụ vội vã ăn được chút mì thì bị Trương Nguyên phái đi nam viên đợi Trương Đại, bảo Trương Đại xong tiệc thì dẫn đến Ngưng Hương lầu.
Ăn uống no say, Trương Ngạc thấy vô vị, no rồi lại nghĩ đến chuyện dâm dục, y nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, gọi hai kỹ nữ đến chơi, thế nào?
Trương Nguyên cười nói:
- Đợi về thuyền tìm tỳ nữ mông trắng của huynh mà tiết hỏa đi.
Trương Ngạc cười ngất, y nói:
- Ta không yêu cặp mông trắng của Lục Mai, chán ghét nó rồi. Ra ngoài là vì muốn kiếm chút tư vị mới mẻ, hoa tàn liễu bại, nhìn mãi chẳng có nghĩa lý gì nữa.
Trương Nguyên khinh thường:
- Kỳ lạ, kỹ nữ không phải là hoa tàn liễu bại sao!
Trương Ngạc nghiêm túc nói:
- Ta là kẻ có mới nới cũ, chỉ cần chưa bị ta tàn phá thì không phải là hoa tàn liễu bại. Ta thích chơi trinh nữ, thích chọc tân nương.
Trương Nguyên đành hết cách.
Trương Ngạc cười hì hì:
- Giới Tử, ta có đề nghị này, đệ có thể không đồng ý, nhưng không được nổi giận.
Trương Nguyên nhìn vẻ cười dâm dục của Trương Ngạc thì biết y đang tính chuyện bại hoại, hắn nói:
- Đừng nói nữa, chắc chắn đệ sẽ nổi giận.
Trương Ngạc lấy làm ngạc nhiên:
- Đệ biết ta muốn nói gì sao?
Trương Nguyên nói:
- Trên mặt huynh viết hai chữ to tướng, huynh không thấy sao?
Trương Ngạc xoa xoa khuôn mặt nhờn dầu của mình, nói:
- Có chữ nào đâu!
Trương Nguyên cười nói:
- Bên trái là chữ “ổi” (hèn), bên phải là chữ “tiết” (dâm), huynh lấy gương soi thử xem, hào quang tỏa ra vạn trượng kìa.
Trương Ngạc bật cười ha ha, bụng nghĩ Trương Nguyên quả thực biết y đang nghĩ gì, hắn không đồng ý thì y cũng không nhắc nữa. Tuy Trương Nguyên nhỏ hơn y một tuổi, song từ khi thua hai lần đánh cược với Trương Nguyên vào năm ngoái, Trương Ngạc có phần kính sợ hắn. Sau đó Trương Nguyên liên tiếp thắng Tam nguyên, dùng thủ đoạn không đánh mà thắng để chỉnh trị Diêu cò mồi, ngay cả những thứ như kính cận thị, kính viễn vọng đều am hiểu. Vì vậy Trương Ngạc càng bội phục hơn, sự kính phục của y dành cho Trương Đại thua xa Trương Nguyên.
Trương Ngạc nói:
- Lý Tuyết Y kia, ta nhất định sẽ thắng đệ.
Trương Ngạc đột ngột nói chuyện không đầu không đuôi làm Trương Nguyên ngây ra, tức thì hắn tỉnh ngộ, cười nói:
- Nam Kinh cựu viện Lý Thập Nương can hệ gì đến đệ, tam huynh có ngân lượng thì cứ việc vung tay đi.
Trương Ngạc nói:
- Giới Tử đệ không cược với ta sao?
Trương Nguyên lắc đầu:
- Đệ không rảnh.
Trương Ngạc nói:
- Không cược thì chán quá, đệ cứ cược đi. Lúc đó đệ đóng giả thư sinh nghèo, còn ta là con nhà giàu, xem thử rốt cuộc Nam Kinh đệ nhất danh kỹ Lý Tuyết Y sẽ yêu ai.
Trương Nguyên nói:
- Tam huynh à, trước mắt đệ còn phải đối phó với Tùng Giang Đổng thị, lần này nếu không thể lật đổ chúng thì sẽ bị cắn trả.
Trương Ngạc nói:
- Ta sao không biết, ta định giúp đệ, nhưng đệ cũng phải đánh cược với ta. Nếu suốt ngày cứ nghĩ đến chuyện đánh đổ Đổng Tổ Thường, dù có giải được hận thì cũng vô vị. Làm người phải biết hưởng lạc, uống rượu xướng ca, đời người sống được bao lâu chứ.
Trương Nguyên bật cười:
- Tam huynh nói rất đúng, làm người phải biết hưởng lạc.
Trương Ngạc hoan hỉ nói:
- Vậy đệ đồng ý cược với ta phải không?
Trương Nguyên nói:
- Lật đổ được Tùng Giang Đổng thị, đệ sẽ cược với huynh.
Trương Ngạc nói:
- Được, một lời đã định.
Hứng thú trỗi dậy, y vỗ bàn cao giọng xướng:
- Khi thượng trận chòm râu đẹp phiêu diêu, thân hình một trượng oai phong lẫm liệt, vị thần tiên như được hình thành từ sáu tráng đinh, nếu quân địch trông thấy, sẽ bị dọa đến hồn bay phách tán.
Đây là tạp kịch “Quan Vũ vương độc phó đơn đao hội” (Quan Vũ một đao tới hội), dâm ý của Trương Ngạc tự cho mình là Quan Vũ, đơn độc xông vào đầm rồng hang hổ của Hoa Đình Đổng thị.
Ca xướng náo loạn một hồi thì Trương Đại đến, từ đằng xa vừa hay có tiếng chiêng mõ “keng keng” báo canh giờ văng vẳng vọng lại.
Trương Nguyên đứng dậy nói:
- Đi thôi, chủ quán đã mướn thuyền cho chúng ta rồi.
Ba huynh đệ Trương Nguyên, Vũ Lăng và năm người hầu cùng lên một chiếc lãng thuyền tam lỗ (ba mái chèo). Loại thuyền này còn gọi là thuyền hồ dương đầu, lưu hành ở Gia Hưng, tại Tô Châu gọi là lãng thuyền, hình dáng hơi nhỏ nhưng chứa được đến mười hai người, tam lỗ chèo lướt như bay.
Trương Đại nói:
- Đừng vội lên bờ, từ từ mà chèo, du ngoạn Tây Hồ về đêm rất thú vị.
Trương Nguyên mỉm cười. Huynh đệ Trương Đại, Trương Ngạc rất biết hưởng thụ, vậy cũng tốt, hà tất phải gấp gáp lên bờ? Cứ mượn cơ hội du hồ này mà thưởng thức ánh trăng Tây Hồ, đó mới là thái độ nhân sinh tích cực, ta đến cuối thời Minh chẳng phải là vì điều này hay sao?
Người Hàng Châu trốn trăng như trốn thù, trừ giữa tháng bảy ra thì những lúc khác ít khi du đêm Tây Hồ. Hơn nữa hôm nay mới là mùng tám tháng năm, ông trăng không đầy, trên hồ hầu như không thấy chiếc thuyền nào khác. Cảnh thuyền hoa nhộn nhịp ban ngày giờ đây không còn chút vết tích, mọi ồn ào náo động đã lui hết, nhường chỗ cho khoảng trời nước tĩnh lặng hiếm thấy.
Ba huynh đệ Trương Nguyên, còn có Vũ Lăng cùng năm người hầu ngồi thuyền từ nam sang bắc trong sắc đêm. Trương Đại căn dặn thuyền gia đừng chèo quá nhanh, từ từ mà lướt, bọn họ muốn thưởng ngoạn đêm trăng Tây Hồ.
Gió đêm hây hẩy, hơi nước mát rượi quẩn quanh, nước hồ âm trầm sóng sánh từ đầu thuyền rẽ ra hai bên, bán nguyệt sáng ngời vẽ vết loang bạc khiến trong hồ như có vô số con cá bạc đang vùng vẫy. Ngọn của ba tòa tháp đá hình bình soi bóng xuống mặt hồ, trầm tĩnh mà thần bí dưới ánh trăng, tựa như tháp đá trấn áp thủy yêu thủy quái. Trương Đại rất quen thuộc với Tây Hồ, kể rằng tám năm trước Tiền Đường huyện lệnh tổ chức dân phu dọn sạch đáy hồ, dùng bùn đắp đê tạo thành đảo hồ tiểu Doanh Châu. Trong hồ có đảo, trong đảo có hồ, lại dựng ba tòa tháp đá trấn hồ gần gò Đông Pha, tất cả hợp thành cảnh vật Tây Hồ.
Mông lung, thần bí, sâu thẳm, Tây Hồ dưới ánh trăng tựa như tiếng bước chân của Tây Thi trên hành lang Ngô cung từ xa vọng lại. Nhưng men theo lớp lớp màn mỏng phất phơ dọc hành lang, con người ta không thể nhìn rõ thứ gì, chỉ cảm thấy đẹp không tả xiết.
Trương Ngạc ngà say vỗ mép thuyền hét lớn:
- Du hồ không rượu còn gì hứng thú, về Ngưng Hương lầu mua rượu thịt đi.
Thuyền gia đã sớm chuẩn bị, ông nói có rượu thịt ngon nhưng giá tiền hơi cao, Trương Ngạc reo lên:
- Mau mang ra đây, ông còn sợ ta không trả tiền sao?
Một bình rượu trứng muối Vô Tích hai cân, trái vải Lĩnh Nam, táo đỏ của Diêu Phường Môn bày đầy một bàn, còn có một ít điểm tâm Hàng Châu, tất cả đều tao nhã thanh khiết. Trương Ngạc rất mãn nguyện, vừa uống rượu ăn trái cây vừa ngắm cảnh đêm Tây Hồ.
Mới là đầu giờ Tuất (7h – 9h tối), vầng bán nguyệt đã ngả tây. Trương Đại, Trương Ngạc cùng Trương Nguyên tắm trong gió mát, nhắm nháp vải Lĩnh Nam rất thoải mái. Trương Đại cao giọng ngâm thơ của Đông Pha:
- Nhật đạm lệ chi tam bách khỏa, bất từ trường tác lĩnh nam nhân. (Ngày ăn vải chín ba trăm quả,
muốn mãi làm dân đất Lĩnh Nam – Trích “Thực lệ chi” – ăn quả vải)
Trương Ngạc tiếp tục xướng “Đơn đao hội” của y, còn Trương Nguyên cũng mượn tửu hứng mà loạn xướng. Câu trước là “ánh trăng hiển lộ sáng long lanh”, câu sau lại là “cửa ẩn giấu hoa lê thâm viện… tường phấn lại cao tựa trời xanh” trong “Tây sương ký”, chắp vá lung tung, hắn tự hát tự mình cười ha hả.
Lãng thuyền lướt qua tiểu Doanh Châu, men theo sườn đê Tô hướng về bắc, lại ngang qua gò Nguyễn Công dong thẳng đến đê Bạch Công, tiến đến Đoạn Kiều. Trương Ngạc say càng thêm say, không chịu xuống thuyền, nằm ở đầu thuyền nhìn trời gào rống:
- Có một Hoàng Hán Thăng mãnh liệt vạm vỡ, có một Triệu Tử Long gan lớn như đấu, có một Mã Mạnh Khởi, y là lãnh tụ sát nhân, có một Trương Phi lỗ mãng... ra sức chiến đấu với mười tám lộ chư hầu tại Hổ Lao quan, cưỡi một con Tất Nguyệt Ô, cầm mâu dài một trượng tám. Ông ở sườn núi Đương Dương giống như sấm rền, quát lui một triệu quân thiết giáp dũng mãnh của tướng Tào Thừa, ông nhìn một cái thì cầu gãy bụi đất khắp trời, quát một tiếng thì nước vỗ kinh đào nghịch lưu…
Lúc này chiêng vẫn chưa gõ tiếng thứ hai, trời hãy còn sớm… Trương Đại, Trương Nguyên để mặc cho Trương Ngạc gào thét ầm ĩ. Họ từ tốn lột quả vải ăn, quăng vỏ và hạt táo xuống hồ thì thấy cá nổi lên đớp.
Chợt nghe trên Đoạn Kiều có tiếng đồng tử gọi:
- Thuyền của tướng công liệu có thể chở nữ lang nhà tôi đến cầu Tây Linh được không?
Trương Đại, Trương Nguyên cùng quay đầu nhìn thì thấy một cô gái yểu điệu đứng bên bờ dưới ánh trăng tản nhạt, một đồng tử đầu tóc rối bù đang vẫy tay hỏi muốn lên thuyền.
@by txiuqw4