Liễu Kính Đình nói:
- Loạn thế đến nơi rồi, vật yêu xuất hiện nhiều, cũng chẳng có gì là lạ.
Ngoại trừ Trương Nguyên ra, những học trò khác đều không tin cái mà Liễu Kính Đình nói là loạn thế đến nơi. Sinh đồ có thể coi là tầng lớp hưởng lợi, đặc biệt là sinh đồ Giang Nam, phần lớn đều có cuộc sống không tệ, bọn họ đều cho rằng hiện nay bốn bể thanh bình, triều chính tuy có khiếm khuyết nhưng cũng không đến mức loạn thế, phải rồi, loại ác bá như Đổng Kỳ Xương quả thực là đáng ghét. Thế là nói đến những tội ác của Đổng thị ở Tùng Giang, ai nấy lòng đầy căm phẫn. Đám người Kim Lang Chi đều là thanh niên nhiệt huyết, một đám tụ lại với nhau nên cũng trở nên can đảm hơn, nói là về Tùng Giang sẽ ra sức tuyên truyền tội ác của Đổng thị, liên kết với các học trò khác cùng dâng cáo trạng về Đổng thị. Nếu tri phủ Tùng Giang Hoàng Quốc Đỉnh còn tiếp tục bao che cho Đổng thị, bọn họ sẽ kiện lên tới Nam Trực Lệ. Trương Nguyên và Liễu Kính Đình nói chuyện lâu hơn, hắn nhận thấy người kể chuyện này kiến thực sâu rộng, có cách nhìn nhận độc đáo về nhân tình thế thái. Còn Liễu Kính Đình thì càng kính phục Trương Nguyên hơn, y vốn cho rằng một thư sinh thiếu niên như Trương Nguyên, thì ngoại trừ tứ thư ngũ kinh ra, những chuyện thế sự sẽ chẳng biết gì, chẳng ngờ Trương Nguyên lại hiểu rõ việc thế sự như trong lòng bàn tay. Đối với những việc thiên tai biến đổi, phong tục, những khiếm khuyết cố tật của quan phủ, thân sỹ, hắn đều hiểu biết sâu sắc. Liễu Kính Đình hành tẩu mười hai phủ Giang Nam, gặp qua nhiều người, từ quan to hiển quý đến phàm phu tiểu tốt, người nào người nấy cũng đều là vì tư lợi, rất ít gặp được người có kiến thức nhạy bén như Trương Nguyên.
Trương Ngạc quay qua nói:
- Kính Đình huynh, nghe nói huynh biết võ nghệ, có thể địch được mấy người?
Liễu Kính Đình cười nói:
- Trương tam công tử chớ tin lời đồn, tại hạ chỉ là một người kể chuyện, nào có biết võ nghệ gì.
Trương Ngạc nói:
- Huynh đừng có dấu, huynh kể chuyện Võ Tòng đả hổ, từng chiêu từng thức đều tinh tế hơn mô tả trong Thủy Hử nhiều, huynh nhất định có võ nghệ.
Liễu Kính Đình cười cười, cũng không phủ nhận.
Trương Ngạc bèn nói:
- Giới Tử đệ đệ ta có một người hầu, hết sức dũng mãnh, đợi đến tối thuyền cập bến huynh đọ sức xem sao?
Liễu Kính Đình vội xua tay, nói:
- Không được đâu, tại hạ chỉ biết mấy chiêu Ngũ Cầm Hí để rèn luyện sức khỏe thôi.
Trương Ngạc nói:
- Vậy khi huynh đến Thanh Phổ, Hoa Đình kể chuyện còn phải phái theo mấy người đi bảo vệ cho huynh, bằng không Đổng Tổ Thường tất sẽ cho người đến đánh.
Liễu Kính Đình nói:
- Các huynh đệ đều là ở nơi đất khách, có thể phái được mấy người để bảo vệ cho ta. Ta đến Hoa Đình kể chuyện chính là muốn kích động sự oán hận và phẫn nộ của dân chúng Hoa Đình đối với Đổng thị, nếu có mấy trăm người vây quanh nghe ta kể chuyện, thì sao Đổng thị dám phái người đến đánh ta?
Trương Nguyên khen:
- Nói hay lắm, đây chính là mục đích mà ta mời Liễu huynh đến Hoa Đình kể chuyện.
Kênh đào Kinh Hàng cuồn cuộn, các học trò nói chuyện thao thao bất tuyệt, ba chiếc thuyền vẫn nhắm thẳng về phương bắc.
Trương Nhữ Sương vốn dặn dò Trương Đại, Trương Ngạc phải đến Nam Kinh Quốc Tử Giám, nhưng hai người bọn họ đời nào chịu bỏ qua vụ lật đổ Đổng thị rầm rộ như vậy, đương nhiên là phải đi theo giúp Trương Nguyên một tay rồi.
Có thẻ bài qua dịch trạm của Chức tạo thự, ba chiếc thuyền của bọn Trương Nguyên đi qua các trạm gác thu thuế một cách hết sức thuận lợi, không gặp phải sự trở ngại nào. Mùng mười tháng năm khởi hành từ Hàng Châu, hai mươi ngày sau đến Gia Hưng, bỏ thuyền thuê xe đi đến trấn Chu Gia Giác, rồi lại mướn thuyền đi qua Tiết Điến hồ đến sông Hoàng Phổ. Trước giờ ngọ ngày mười lăm tháng năm họ lên bờ ở bến tàu phía nam thành Thanh Phổ. Trương Nguyên cho Vũ Lăng chạy đến Lục phủ báo tin trước, ngoại trừ Hồng Đạo Tần người Thanh Phổ phải về nhà trước, những người còn lại đều đến Lục phủ.
Trương Nhược Hi dắt tay hai đứa con nhỏ đứng trên bờ đợi người chuyển những rương hòm lên, nhìn về phía lầu thành cao cao của thành Thanh Phổ, Trương Nhược Hi nhất thời cảm thấy trăm mối tơ vò. Trên bến tàu có người nhận ra mẹ con Trương Nhược Hi thì châu đầu ghé tai, thần sắc có vẻ khá cổ quái, chắc chắn là đang nói với nhau Lục thị dạo này nhà họ xui xẻo cỡ nào…
Trương Đại thấp giọng hỏi Trương Nguyên:
- Giới Tử, nghe nói cha của anh rể đệ là Lục Hiếu Liêm không hoan nghênh đệ đến Thanh Phổ?
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Là do lúc đó đệ có chút xung đột với Lục Dưỡng Phương, giờ đã qua rồi. Bây giờ là chúng ta đến giúp cho Thanh Phổ Lục thị mà, sao lại không hoan nghênh, đại huynh không cần lo mình sẽ phải chịu lạnh nhạt.
Trương Ngạc nói:
- Lục lão đầu liệt nửa người rồi, Lục Dưỡng Phương thì vào ngục, bây giờ Lục phủ là do phu quân của Nhược Hi tỷ làm chủ, sao Lục tỷ phu lại không hoan nghênh bọn ta chứ!
Mười mấy chiếc rương hòm lớn nhỏ của Trương Nhược Hi đều được chuyển cả lên bờ, vừa mới trả tiền công xong, đã thấy Vũ Lăng vội vội vàng vàng chạy về, gọi:
- Thiếu gia, cả một đám đông đang vây trước cửa Lục phủ, tranh cãi ầm ĩ không ngớt, đều là những người đến đòi nợ, có người còn phá cửa, ném đá vào trong sân, ta không cách nào vào báo tin được.
Trương Nhược Hi vừa nghe vậy, mặt biến sắc, hai đứa nhỏ Lý Thuần, Lý Khiết cũng biết sợ, nắm chặt lấy tay mẹ, gọi:
- Mẫu thân, mẫu thân…
Trương Nguyên cười nói:
- Là người do Đổng thị phái tới đòi nợ cờ bạc chứ gì, thật là ngông nghênh quá.
Trương Ngạc cả giận nói:
- Đánh tới luôn, cho bọn chúng no đòn, Năng Trụ, Phùng Hổ, đi theo ta.
Trương Nguyên nói:
- Tam huynh, đợi đã, chúng ta cùng đi.
Trương Nguyên bảo tỷ tỷ Trương Nhược Hi ở lại trên thuyền, nhưng Trương Nhược Hi không chịu, đòi đi cùng, Trương Nguyên bèn thuê một chiếc kiệu để tỷ tỷ và hai đứa nhỏ ngồi, lệnh cho Mục Chân Chân cẩn thẩn bảo vệ tỷ tỷ hắn, cùng với đám người vú Chu từ từ đi sau. Hắn cùng với đại huynh Trương Đại, tam huynh Trương Ngạc, còn có Kim Lang Chi, Ông Nguyên Thăng, Tưởng Sỹ Kiều, Liễu Kính Đình đi tới nhà Lục gia trước.
Bốn người hầu đi theo Trương Đại, Trương Ngạc lần này đều là những người rất khỏe mạnh. Năng Trụ, Phùng Hổ có thể nói là dũng mãnh, trong tay bốn người bọn họ đều cầm đoản côn bằng gỗ táo, lúc này đều dấu vào trong tay áo, đi theo phía sau anh em họ Trương.
Mục Kính Nham tay cầm tiêu bổng, đi cùng với mấy người hầu của Kim Lang Chi, Tưởng Sỹ Kiều, Ông Nguyên Thăng. Mấy người hầu này đều được chủ nhân dặn trước rồi, ai nấy rút đòn gánh dùng để gánh hành lý ra, đi theo, nếu tính ra, những người có thể đánh nhau bên phe họ cũng có hơn mười người.
Trương Ngạc phấn khích nói:
- Không biết Đổng Tổ Thường đã đến chưa, nếu đến rồi thì vừa hay, lần này không đánh cho hắn một trận thừa sống thiếu chết thì không được.
Đoàn người đi qua trên đường phố trong thành, những người dân hai bên đường ghé mắt nhìn. Thời gian gần đây Thanh Phổ thường xuất hiện đám người đánh thuê, người Thanh Phổ nhìn thấy bọn Trương Nguyên thì tưởng là đám người đánh thuê, từ khi nào mà đám người đánh thuê còn đội khăn thế kia, thế đạo gì thế này!
Bọn họ đến trước trang viện nhà họ Lục, thấy mười mấy tên lưu manh vô lại đang tụ tập trước cửa mắng chửi, cửa hông của Lục phủ đóng chặt, mặc cho đám người này phá cửa, ném đá, có vẻ rất nhẫn nhịn chịu nhục. Theo lý mà nói thì người hầu tá điền của Lục phủ cũng phải có tới vài trăm người, hà cớ gì lại sợ mười mấy tên lưu manh này. Chắc là do Lục Dưỡng Phương vẫn còn bị nhốt trong ngục, nên Lục Thao cũng không dám lệnh cho gia nô đánh nhau với người của Đổng thị phái đến, đành chỉ đóng chặt cửa không ra.
Còn chưa đi tới nơi, Trương Ngạc đã quát lớn:
- Đánh cho ta.
Bốn người Năng Trụ, Phùng Hổ dẫn đầu xông tới, rút đoản côn dài tấc rưỡi trong tay áo ra, nhắm thẳng đám người đang vây trước cửa Lục phủ mà đánh phủ đầu. Trong số mười mấy người này có nô bộc nhà họ Đổng, cũng có bọn đánh thuê, chẳng ngờ lại đột nhiên có một đám người xông tới, không nói không rằng, rút gậy là đánh, bọn chúng còn chưa kịp định thần thì đầu, lưng đã phải chịu mấy gậy, đau đớn kêu la, có người cả giận nói:
- Bọn ta là người nhà của Đổng Hàn lâm ở Hoa Đình, các người là ai?
Có năm sáu tên đánh thuê cũng có mang theo Lưu Tinh Tụ Bổng, xích chùy và dao nhọn, lúc này nhao nhao lấy ra, lao vào bọn người Năng Trụ. Đột nhiên thấy một đại hán râu vàng xông tới, cây tiêu bổng trong tay ông ta giống như rắn độc thè lưỡi, tốc độ cực nhanh, nhát nào nhát nấy đều trúng yết hầu của mấy tên đánh thuê, rồi bổ xiên một côn là đánh ngã xuống đất. Chẳng bao lâu sau, bốn tên vô lại đã ngã xuống đất, nhưng tên còn lại cũng đều bị bọn Năng Trụ, Phùng Hổ đánh gục.
Trương Ngạc kêu lên:
- Đánh gì mà chán thế, đánh nữa đi, ngã rồi cũng phải đánh tiếp.
Năng Trụ, Phùng Hổ giơ đoản côn lên, “bốp, bốp, bốp, bốp” trút xuống những tên người hầu nhà họ Đổng với bọn đánh thuê đang lăn lộn dưới đất, đánh đến mức bọn chúng kêu khóc thảm thiết, có mấy tên bò dậy định chạy, bị Mục Kính Nham đuổi lên, vung một gây đâm ngã!
Năng Trụ, Phùng Hổ đánh địch đều nhờ dựa vào sức khỏe với chân tay nhanh nhẹn là chính, lại nhân lúc người ta không để ý mà ra tay trước. Còn thân thủ Mục Kính Nham lại khiến cho Liễu Kính Đình thầm lấy làm lạ, dùng tiêu bổng làm vũ khí, vừa chuẩn lại vừa nhanh, Liễu Kính Đình không ngờ là đại hán râu vàng dưới trướng Trương Nguyên này lại có võ nghệ như vậy, cũng may là hôm trước không nhận lời thách thức của Trương Ngạc để so tài với lão.
@by txiuqw4