sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 227: Ngàn Người Chỉ Trích

Lưu Đồng Tri và Tưởng Thông Phán liếc nhau. Trương Nguyên năm nay chưa tới hai mươi tuổi, vậy mà trong cơn hỗn loạn bát nháo này, hắn vẫn có thể bình tĩnh suy nghĩ một cách thấu đáo nhất. Quả thật không phải người tầm thường. Lưu Đồng Tri gật đầu lại hỏi:

- Theo cách nhìn nhận của Trương sinh thì ta nên làm thế nào?

Trương Nguyên nói:

- Bắt giữ Đổng Tổ Thường, để làm giảm sự phẫn nộ của dân chúng.

Trương Ngạc kêu lên:

- Đổng Kỳ Xương là thủ phạm, nếu không phải Đổng Kỳ Xương thì mấy tên nghiệt tử của lão làm sao dám tác oai tác quái, lần này nên bắt luôn Đổng Kỳ Xương.

Trương Nguyên cười cười nói:

- Lúc này chỉ cần bắt Đổng Tổ Thường.

Trương Nguyên trong lòng biết rất rõ, bắt Đổng Kỳ Xương thì quan phủ không có quyền lực này.

Đổng Kỳ Xương là quan Tam phẩm địa vị rất cao, lại là một lão sư ở trong cung.

Ngoại trừ triều đình muốn trị tội lão mới có thể bắt lão được, quan địa phương thông thường làm sao có thể trị tội lão. Điều quan trọng là phải bắt cho được Đổng Tổ Thường trị tội, chỉ cần bắt được Đổng Tổ Thường, ngày Đổng Kỳ Xương thân bại danh liệt cũng không còn xa nữa.

Ở phủ Tùng Giang Lưu Đồng Tri thấy Đổng thị làm hại đến nhiều người, sớm đã bất mãn trong lòng, vừa rồi Đổng Tổ Thường lại hung hăng lớn tiếng như vậy, Lưu Đồng Tri rất ư tức giận.

Hiện giờ tình thế nguy cấp, nếu xử lý có chút sơ suất có thể gây nên cơn giận dữ vỡ bờ của dân chúng, lúc đó khó lòng kiểm soát được.

Y cũng cho rằng nhất định phải bắt bằng được Đổng Tổ Thường về quy án để bình ổn sự phẫn nộ của dân chúng, liền quay sang bàn bạc với Tưởng Thông Phán, sau một lúc y lại nói với đám người Trương Nguyên:

- Đổng Tổ Thường đóng cửa không chịu ra, bọn ta lại không tiện phá cửa xông vào, không còn cách nào khác?

Trương Nguyên nói:

- Hai vị đại nhân có thể dụ những nô bộc của tòa nhà này, nói họ phải rời khỏi tòa nhà nếu không nhất định sẽ trị tội, như thế trong nhà Đổng Thị nhất định sẽ loạn cả lên.

Đang lúc này lại nghe có người hét lớn:

- Cha con Đổng Kỳ Xương ngồi thuyền chạy trốn rồi!

Khi tiếng gọi này vừa vang lên, trên bầu trời đột nhiên tiếng sấm vang dội giống như lôi thần đang đánh trên đỉnh đầu người ta, mưa bắt đầu rơi nặng hạt, tiếng mọi người kêu lên thích thú nghĩ đến ông trời cũng phẫn nộ.

Ông Nguyên Thăng kêu lên:

- Cửa sau của Đổng gia nối thẳng đến đầm Bạch Long nối liền với con sông lớn tới Mão trang, nơi đó có trang viên lớn của Đổng gia.

Trương Nguyên nói:

- Hai vị đại nhân không thể cho Đổng Tổ Thường chạy trốn, nếu không sự phẫn nộ của dân chúng sẽ lên đến tột đỉnh gây nên đại loạn.

Lưu Đồng Tri rất đồng tình ra lệnh cho mười hai tên nha dịch đuổi theo bắt Đổng Tổ Thường. Ngoài y còn có Tưởng Thông Phán, Trương Nguyên và vài tên học trò nữa chạy theo. Ở trước nhà, dân chúng nghe nói cha con Đổng thị ngồi thuyền chạy trốn, họ đều chạy vọt qua cửa sau nhà Đổng gia.

Mọi người cùng Trương Nguyên xông ra, dầm mưa đuổi tới con sông nhỏ phía sau nhà Đổng thị, trông thấy có không ít dân chúng bị thương ngã xuống đất.

Hai chiếc thuyền đã chèo đi xa, hóa ra tên Đổng Tổ Thường nói Ngô Long dẫn mười mấy tên đánh thuê cầm trong tay côn bổng mở đường đánh dân chúng ở phía cửa sau. Sau đó có một đàn người hầu che chở, Đổng Kỳ Xương, Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường và một số nữ nhân là người nhà Đổng thị, cùng bước lên hai thuyền có ba mái chèo hướng về phía Đông mà đi. Ngoại trừ Ngô Long và đồ đạc được mang thêm lên thuyền những tên còn lại hoặc trốn bên trong tòa nhà, hoặc nhảy lên lẩn trốn vào bốn phía đường phố.

Mưa to thưa dần, Đổng Kỳ Xương ngồi trên thuyền theo cửa buồm nhìn hai bên bờ sông thấy vẻ đẹp hùng vĩ của ngôi nhà cao cấp mà xanh cả mặt, lúc này bị bức phải bỏ nhà mà chạy, cảm thấy vô cùng nhục nhã, oán hận nói:

- Không đi Mão Trang nữa, bố trí ổn thỏa cho nữ quyến xong, cứ đi theo đường nhỏ đến Nam Kinh. Ta thề sẽ trị tội những tên học trò và điêu dân kia.

Còn chưa dứt lời, một tiếng “ phịch “ vang dội, thân thuyền chao đảo. Đổng Kỳ Xương ngồi không vững ngã sấp xuống thuyền, nghe người chèo huyền hô to:

- Đụng thuyền, đụng thuyền rồi.

Chiếc thuyền này dài ba trượng sáu thước, đuôi vểnh đầu thấp, hai mái chèo dài và một mái chèo đôi lướt thật nhanh, đi ngược chiều ở giữa con sông nước cuồn cuộn chảy. Trời ngột ngạt u ám, hai bên bờ sông cỏ cây héo úa mất hết sức sống. Kim Sơn Vệ tú tài Lục Điều Dương đứng ở mũi thuyền nhìn về huyện thành Hoa Đình cách đó không xa đang mập mờ trong làn mây bao phủ. Cả thành trì yên ắng trầm mặc trong nắng, có vẻ không giống như lời đồn đại rằng đám đông kích động giận dữ la hét huyên náo khắp thành “ Muốn củi gạo nhiều phải giết Đổng Kỳ Xương “.

“ Ùng ùng”, tiếng sấm chói tai, trời mưa to. Mưa rớt xuống mui thuyền nghe đồm độp. Lục Điều Dương quay trở vào ngồi trong khoang thuyền, cùng thảo luận với vài người bạn sinh đồ. Nếu tin đồn là giả đồng thời không có chuyện mấy ngàn dân vây quanh Đổng phủ gây rối thì bọn họ cũng không dám tùy tiện làm khó dễ Đổng thị, chỉ có thể vòng quanh Hoa Đình một vòng rồi về theo đường cũ thôi. Nếu những đồn đại là thật thì Lục Điều Dương sẽ tố cáo Đổng Tổ Thường lên phòng Lý Hình về tội xâm chiếm Lâm Viên, vu cáo và thông đồng với kẻ cướp. Tường là do dân chúng đạp đổ, lúc này sao lại không thể cố mà dẫm thêm một cước chứ?

Thuyền đã vượt qua một khúc ngoặt của con sông, bỗng nghe thấy thuyền phu ở mui thuyền hét lớn. Lục Điều Dương vội nhìn lên thì thấy trong làn mưa to, hai chiếc thuyền đu ba mái chèo một trước một sau, đang từ đầu nguồn xuôi thẳng xuống. Nhờ tốc độ của dòng chảy, mái chèo lại chèo nhanh nên con thuyền trôi rất nhanh. Mà thuyền của bọn Lục Điều Dương thì vừa vòng qua khúc ngoặt, chính ngang tầm thân thuyền thì con thuyền phía trước đâm tới. Đầu thuyền khó khăn lắm mới tránh được nhưng lại bị đâm vào đuôi thuyền. Đuôi thuyền vểnh lên như đuôi cá kêu “ răng rắc “, bị đâm toác ra một nửa, thân thuyền nghiêng mạnh qua một bên nhưng may lại ổn định ngay, thuyền không bị lật.

Con thuyền đu vừa đâm tới chính là thuyền của Đổng Kỳ Xương, Đổng Kỳ Xương ngã lăn ra, Đổng Tổ Nguyên vội vã đỡ lão dậy. Đổng Tổ Thường chạy ra khỏi cửa khoang, thấy hai thuyền dính sát vào nhau, mũi thuyền của nhà hắn tông thẳng vào đuôi thuyền của đối phương, nhất thời không thể rời ra được. Y ngoác mồm chửi ầm lên:

- Mắt chó mù à? Không nhìn thấy thuyền của ai sao? Gia phụ ta Đổng Huyền Tể….

“ Phịch” một tiếng, Đổng Tổ Thường đang đứng ở cửa khoang thuyền chửi rủa thì chiếc thuyền lại bị đâm lần nữa. Đang dựa vào mạn thuyền, Đổng Tổ Thường lảo đảo ngã nhào trúng một bên ván thuyền làm rung rinh hai răng cửa, hai tay muốn bám vào cạnh thuyền đứng dậy, nhưng trời mưa trơn trượt, gã không bám được lại ngã cắm đầu xuống. Tên nô bộc bên cạnh thò tay đỡ vội lấy nhưng chụp hụt nên Đổng Tổ Thường ngã nhào xuống sông. Trong khoang thuyền, Đổng Kỳ Xương vừa mới đứng lên lại té ngã nhào xuống, thân thuyền bị nghiêng rất mạnh về bên phải, đám nữ gia quyến của Đổng thị la hét thất thanh.

Thì ra chiếc thuyền ở phía sau nhìn xa thấy có đám đông dân chúng đang từ bờ bên trái đuổi tới, liền lái thuyền chạy thật nhanh, chỉ cần chạy qua khúc ngoặt của con sông, ra phía ngoài kia rộng lớn thì không sợ người trên bờ nữa. Không ngờ lại đâm vào con thuyền trước mặt, ngang giữa dòng sông. Con thuyền phía sau theo rất sát, lại là thuận dòng chảy, muốn chuyển hướng cũng không kịp nữa rồi. Mũi thuyền lại bị chặn ngang vì đâm vào thuyền đằng trước, ván mạn thuyền vỡ tan, loại thuyền trên sông này đều chưa áp dụng kỹ thuật bịt kín khoang thuyền nên khi boong thuyền vỡ nước sẽ tràn vào.

Tên nô bộc kia kêu lên:

- Nhị công tử rơi xuống nước rồi, mau đến cứu người.

Đổng Tổ Thường là loại công tử con nhà giàu ăn chơi trác táng. Tuy sống ở vùng sông nước Hoa Đình nhưng lại không biết bơi, vừa rơi xuống nước liền hoảng hồn, uống vài ngụm nước chân tay đập loạn xạ gọi to:

- Cứu ta, cứu ta.....ùng ục....

Chiếc thuyền này của Đổng Kỳ Xương vốn đụng nhau với thuyền của Lục Điều Dương, nhất thời không tách ra được, bị thuyền phía sau đâm phải thì lại rời ra được ngay. Đuôi thuyền của Lục Điều Dương bị gãy, còn thuyền của Đổng Kỳ Xương bị vỡ boong, nước đã tràn vào, buộc phải cập bờ. Lục Điều Dương vừa nãy thấy Đổng Tổ Thường chưa nói hết câu “Gia phụ Đổng Huyền Tể” đã rơi xuống nước thì vừa vừa mừng vừa sợ, không ngờ mình vừa đụng phải thuyền của Đổng thị. Lúc này thấy Đổng Tổ Thường ngoi đầu lên khỏi mặt hét to “ Cứu mạng “, mưa to nặng hạt, tai mắt y mịt mù không phân biệt được phương hướng, hai tay khua loạn xạ, tay gã nắm được vào mũi thuyền của Lục Điều Dương.

Lục Điều Dương là con cháu của Kim Sơn Vệ quân hộ, trước khi đỗ sinh đồ cũng tập bắn cung cưỡi ngựa, không phải là thư sinh trói gà không chặt. Thấy Đổng Tổ Thường bám một tay lên mép thuyền gã liền đá luôn một cước trúng xương ngón tay giữa của Đổng Tổ Thường. Đổng Tổ Thường kêu lên một tiếng thảm thiết, vội rút tay về. Điều Dương liền tìm gậy, muốn thừa dịp mưa lớn hỗn loạn cho Đổng Tổ Thường một côn vào đầu, hôn mê dưới nước thì chỉ có chết. Vừa tìm được gậy cầm trên tay đã thấy có hai nô bộc Đổng gia nhảy xuống sông cứu Đổng Tổ Thường. Lục Điều Dương liền kêu thầm: “Tiếc quá! bằng không hôm nay ta có thể trừ khử tên ác nghiệt này rồi”.

Hai tên nô bộc Đổng thị kéo Đổng Tổ Thường lên thuyền như kéo một con chó chết. Đổng Tổ Thường đã uống một bụng nước sông, xương ngón tay bị đá khi nãy gãy mấy đốt, nằm trên mặt đất rên rỉ kêu đau.

Trên thuyền hỗn loạn, Đổng Tổ Nguyên thấy đã cứu được nhị đệ nên lớn tiếng kêu thuyền phu mau chèo thuyền nhanh thoát đi, sợ bị nhóm điêu dân kia đuổi theo, thuyền phu nói:

- Đại công tử, mạn thuyền đã vỡ tan, cần phải vào bờ để tu sửa.

Đổng Tổ Nguyên cho rằng thuyền mới đâm một chút thì không thể nghiêm trọng như vậy, cả giận nói:

- Bây giờ là lúc nào rồi, mau lái thuyền đi, chạy đến sông lớn cắt đuôi bọn điêu dân đuổi theo rồi vào bờ sửa chữa cũng không muộn, thuyền này lớn không chìm ngay được đâu.

Thuyền phu không dám chậm trễ, khẩn trương chèo thuyền, phải vòng qua thuyền của Lục Điều Dương, thuyền phu bên phía Lục Điều Dương không bằng lòng, liền la to:

- Đụng hỏng thuyền của người ta rồi còn muốn chạy trốn sao!

Hai thuyền phu bên này dùng cây chèo thuyền dài ra sức chống đỡ, cản trở thuyền của Đổng thị, không cho thuyền này bỏ chạy.

Lục Điều Dương nghe thấy tiếng hét nôn nóng của Đổng Tổ Nguyên thì trong lòng cảm thấy rất vui mừng. Tin đồn không sai, quả thật là có dân chúng bao vây tấn công Đổng phủ. Cha con Đổng thị bị bức phải bỏ trốn, có dân chúng đang đuổi theo sao? Mưa lớn nhìn không rõ, chắc vẫn còn cách xa.

Lục Điều Dương lập tức bảo nhà đò ngăn hai thuyền này lại, gã sẽ thưởng năm lượng bạc. Hai thuyền phu tráng kiện của quân hộ Kim Sơn Vệ càng ra sức dùng mái chèo chặn thuyền của Đổng Kỳ Xương lại. Chiếc thuyền phía sau kia cũng không đi được, ba chiếc thuyền bồng bềnh giữa sông, từ từ xuôi theo dòng nước.

Đổng Tổ Nguyên cũng đã nghe được tiếng hò hét của đám điêu dân, trong lòng cảm thấy rất khẩn trương, lúc này cũng không hống hách nổi, y vội vàng lấy ra một thỏi bạc ném về phía mui thuyền của Lục Điều Dương, quát to:

- Mau tránh ra!

Lục Điều Dương nhặt thỏi bạc kia lên, nói:

- Là bạc giả rót chì, chặn lại, chặn lại!

Đổng Tổ Nguyên tức tối nhưng không làm gì được, y quát lớn:

- Đánh, đánh phá nát chiếc thuyền rách kia cho ta.

Vài tên gia nô tay cầm gậy đánh loạn xạ, thuyền phu bên phía Lục Điều Dương cầm mái chèo dài, gia nô Đổng thị dùng gậy ngắn nên đánh không tới.

Cứ dây dưa thế này, Năng Trụ, Phùng Hổ dẫn một đám dân Hoa Đình chạy nhanh đội mưa đuổi tới, đứng bên bờ trái kêu to:

- Phụng mệnh Tùng Giang phủ Lưu Đồng tri và Tưởng Thông phán, bắt lấy Đổng Tổ Thường, bắt lấy Đổng Tổ Thường.

Đổng Kỳ Xương vừa ngã liên tiếp hai lần, tuổi già xương giòn, xương đùi trái bị gãy, đau đớn khó chịu không thể đứng được, nghe thấy tiếng hô trên bờ “ Bắt lấy Đổng Tổ Thường” thì nhớn nhác kêu:

- Bảo Lưu Đồng tri, Tưởng Thông phán tới gặp ta.

Lúc này thuyền phu phát hiện thấy con thuyền đu đang chìm xuống, cả kinh kêu lên:

- Mau chóng cập bờ, mau chóng cập bờ, thuyền này nước vào rồi.

Nói rồi cập vào phía bờ bên phải không có người.

Lục Điều Dương phòng bị sẵn, gã bảo thuyền phu chèo thuyền, chặn thuyền của Đổng thị lại, ép để bọn chúng chỉ có thể cập bờ phía bên trái. Nhưng bọn người Năng Trụ ở bờ bên trái miệng kêu “Phụng mệnh Lưu Đồng tri”, tay thì ném đá về phía hai con thuyền của Đổng thị. Đổng Tổ Nguyên đang đứng ở mũi thuyền chuẩn bị hét gọi Lưu Đồng tri thì bị một hòn đá cuội bay tới trúng ngay vào trán. Y choáng váng suýt ngã quỵ xuống. Y giơ tay sờ lên trán thấy máu chảy đầm đìa, vội vàng lùi vào trong khoang thuyền nói với Đổng Kỳ Xương:

- Phụ thân, bọn điêu dân này muốn dồn chúng vào chỗ chết đây mà, phụ thân, chúng ta làm sao bây giờ!

Đổng Kỳ Xương tay chân run bắn, luôn miệng nói:

- Kêu tên Lưu Đồng tri đến đây, tại sao lại để bọn điêu dân đó làm nhục ta!

Đổng Tổ Nguyên nói:

- Bọn điêu dân này mượn danh nghĩa quan phủ chứ Lưu Đồng tri không có ở đây.

Thuyền phu kêu to:

- Cập bờ nhanh, nếu không cập bờ thì khi đến được sông lớn là thuyền chìm. Đổng Lão gia… Đổng lão gia…

Thuyền phu cũng không dám đứng ở mũi thuyền, đá trên bờ bay tới như mưa. Boong thuyền bị ném trúng kêu lên “ binh binh “. Thuyền đang từ từ chìm xuống, thuyền phu bơi giỏi, thấy cha con Đổng thị ngày thường uy phong lẫm liệt nhưng lúc này bó tay ngồi thừ, không biết phải làm sao. Vài thuyền phu đành nhảy xuống nước bơi đi. Chiếc thuyền đu không ai chống đỡ vừa dập dềnh vừa chìm dần xuống. Trên thuyền đám nữ quyến Đổng thị thét gào không dứt.

Hai người Lưu Đồng tri, Tưởng Thông phán bị đám sinh đồ Trương Nguyên vây quanh hồng hộc đuổi tới, thấy thuyền đu của Đổng thị sắp chìm vội vàng ra lệnh mọi người cứu giúp. Thuyền của Lục Điều Dương lúc này đã ở sát bờ, chiếc thuyền đu kia của Đổng thị thấy trên bờ không còn ai ném đá nữa vội vàng cập sát vào bờ, dùng móc sắt câu chiếc thuyền kia từ từ kéo vào bờ bên trái. Khi tới gần thì khoang thuyền này đã bị nước vào. Đổng Kỳ Xương được một nô bộc tráng kiện cõng lên bờ, toàn bộ quần áo ướt đẫm, chật vật không chịu nổi. Huynh đệ Đổng Tổ Nguyên và Đổng Tổ Thường cũng lên bờ, người thì rách đầu chảy máu, người thì thẫn thờ không còn sức sống, hoàn toàn không còn ngang ngược hống hách như ngày thường.

Hơn ba mươi cơ thiếp của cha con Đổng Kỳ Xương trên thuyền lúc này cũng đều khóc sướt mướt lên bờ, không có chỗ trú mưa, váy áo ướt đẫm, áo lụa mỏng tang dính sát vào cơ thể làm thân thể hiện ra lồ lộ. Dân chúng Hoa Đình đứng chen lấn trên bờ lúc này không ném đá nữa. Mỗi người một câu mắng nhiếc cha con Đổng thị rồi lại trêu ghẹo đám cơ thiếp của cha con lão. Lưu Đồng tri và Tưởng Thông phán cũng không ngăn được. Đổng Kỳ Xương vỗ vào đầu tên nô bộc đang cõng lão, kêu to:

- Đổng mỗ có tội gì mà gặp họa khổ sở thế này, Đổng mỗ có tội gì mà gặp họa khổ sở thế này.

Lưu Đồng tri ra lệnh cho mười hai tên sai dịch ngăn đám đông lại, giữ khoảng cách với đám đàn bà con gái và cha con Đổng thị, sau đó đi đến trước mặt Đổng Kỳ Xương chắp tay nói:

- Làm Huyền tể công sợ hãi rồi.

Đổng Kỳ Xương kích động kêu to:

- Đổng Mỗ có tội gì, mà gặp họa khổ sở thế này!

Lại nghe người đứng bên cạnh Lưu Đồng tri nói:

- Đổng Hàn Lâm thật sự cho rằng mình không có tội ư, vậy mời Đổng Hàn Lâm mở to hai mắt ra nhìn xem, dân chúng Hoa Đình đội mưa tới đây đều là xã tử của Đổng Hàn Lâm, họ đang kêu gào gì vậy, tại sao họ lại căm hận cha con Đổng Hàn Lâm đến thế, Đổng Hàn Lâm thực sự cho rằng mình không hề có tội sao?

Đổng Kỳ Xương không kêu gào giận giữ nữa, lão nhìn chằm chằm vào thiếu niên nho sinh đang đứng bên cạnh Lưu Đồng tri, hỏi:

- Ngươi là ai?

Thiếu niên nho sinh kia vái chào qua loa, nói:

- Tại hạ là Trương Nguyên ở Sơn Âm, nghe đại danh Đổng Hàn Lâm đã lâu, hôm nay mới gặp, tam sinh thật là vinh hạnh.

Khăn hoa dương đội đầu của Đổng Kỳ Xương đã bị rơi, lão tóc tai rũ rượi, chân trái bị gãy, được một tên nô bộc cõng, toàn thân ướt đẫm, mặt mày tái nhợt. Vẻ mặt lão lúc này đa nghi bất thường, không còn khí chất nho nhã của người văn phong lẫy lừng, thư họa song tuyệt nữa.

Đổng Kỳ Xương nghe thiếu niên nho sinh này tự xưng tính danh là Trương Nguyên, giọng điệu lại hết sức châm chọc, lão tức giận đến mức thở dồn dập, nhất thời không nói nên lời, chỉ luôn miệng kêu “ Ôi ôi “ mà thôi.

Lưu Đồng tri vội nói với Trương Nguyên:

- Trương sinh, chớ nhiều lời nữa, mau đưa Đổng Hàn Lâm về phủ.

Trương Nguyên lớn tiếng nói:

- Lưu đại nhân, học trò có mấy câu nhất định phải nói, đây là vì dân chúng Hoa Đình. Đổng Hàn Lâm là một đại hương thân ở Hoa Đình, nên tạo phúc cho xã tử, căn cớ gì lại gây ra sự phẫn nộ lớn trong dân chúng như vậy. Lẽ nào Đổng Hàn Lâm không tự vấn lòng mình sao? Lẽ nào chỉ cho rằng hàng ngàn người dân này đều là những ngu dân không biết chân tướng bị số ít kẻ có dã tâm kích động sao? Những hộ dân bên cầu Trường Sinh bị cưỡng ép dỡ nhà, những người dân bị Đổng thị ép phải bán điền sản với giá rẻ, những dân chúng bị Đổng thị ức hiếp không có nơi để kiện cáo, bọn họ đều đang ở đây. Họ đến để là để giải oan đấy, sinh đồ bị bức tử, bọn côn đồ đánh thuê chém mướn hoành hành, tất cả những chuyện này là lỗi của ai?

Đổng Kỳ Xương cả người phát run, môi run rẩy không nói nên lời. Hai đứa con trai của lão Đổng Tổ Nguyên và Đổng Tổ Thường lúc này cũng co rúm người lại, trận ném đá vừa rồi và đám dân đông ngịt bên bờ sông lúc này đã khiến bọn chúng kinh hồn bạt vía, lo sợ dân chúng phẫn nộ lên sẽ chen tới đẩy cha con chúng chết đuối dưới sông. Nếu Lưu Đổng tri và Tưởng Thông phán không chạy tới kịp thì lúc này bọn chúng đã chết đuối rồi.

Trương Nguyên cao giọng nói:

- Đổng Hàn Lâm, tại hạ nói một câu cuối cùng, công đạo tự ở lòng người, cứ nghe thấy ngàn người chỉ trích thì không bệnh tật gì cũng chết.

Mấy ngàn dân chúng bên bờ sông kêu lên:

- Ngàn người chỉ trích không bệnh mà chết, ngàn người chỉ trích không bệnh mà chết.

Đổng Kỳ Xương tức giận, hoảng sợ, nôn nóng, xấu hổ, đủ lọai cảm xúc bất bình đang dâng lên trong lồng ngực của lão, đột nhiên “ Oà “ một tiếng, miệng lão phun ra một bụm máu, phun khắp đầu khắp cổ tên nô bộc đang cõng lão.

Trương Ngạc đứng phía sau vỗ tay kêu to:

- Chửi hay lắm, chửi hay lắm, cái này chính là Gia Cát Lượng mắng chết Vương Lãng.

Đổng Kỳ Xương lại chưa bị mắng chết, sắc mặt lão trắng bệch, thân mình mềm nhũn, hai tay không giữ được cổ của tên nô bộc, từ từ trượt xuống, một nô bộc khác của Đổng thị vội tới đỡ.

Trương Nguyên lúc này đã lui về phía sau đứng cùng đám Trương Đại, Trương Ngạc và Ông Nguyên Thăng, lại thấy một nho sinh chen lại chỗ Trương Nguyên vái chào:

- Trương công tử, tại hạ là Kim SơnVệ Lục Điều Dương, vừa rồi nghe công tử nói một phen thật sự trong lòng rất hả hê.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx