Phạm Văn Nhược nói:
- Đình Thương Lãng là danh tiếng bên ngoài, mấy năm gần đây đã bị tàn phá quá chừng, Lâm Viên không có người dọn dẹp, rất hoang tàn, chi bằng tới Chuyết Chính Viên, chủ nhân ở đó là Từ Thị cũng có chút giao hảo với chúng ta, có thể bàn bạc mượn một hôm.
Chuyết Chính Viên, đứng đầu trong ba đại viên lâm ở đông nam, do ngự sử Vương Hiến Thần xây dựng vào năm Gia Tĩnh, thiết kế của lâm viên là Văn Trưng Minh tiếng tăm lừng lẫy.
Trương Nguyên nói:
- Vậy thì tốt, ngày mai là mùng sáu tháng sáu, vậy tổ chức vào ngày mai có được không? Ta cũng không thể ở Tô Châu lâu, mười tám tháng sáu phải vào Quốc Tử Giám nhập thi, ta phải kịp tới Nam Kinh trước lúc đó.
Phạm Văn Nhược nói:
- Tới kịp, từ Tô Châu tới Nam Kinh không cần tới mười ngày, hiền đệ cứ yên tâm.
Trương Đại thích du ngoạn, cùng với Trương Ngạc mang theo các tì nữ đi dạo ở Hổ Khâu. Lục Mai sau khi dùng thuốc, hôm nay người đã thấy thoải mái hơn, khó có được cơ hội tam công tử chăm sóc tận tình thế, đương nhiên rất cảm kích, cùng y đi tới Hổ Khâu. Trương Ngạc mời Vương Vi cùng đi, Vương Vi nói nàng cần đi thăm bạn bè, bảo Diêu Thúc thuê một chiếc kiệu có mái che, mang theo Huệ Tương, Tiết Đồng đi về hướng Nam Thành.
Trương Nguyên cũng không đi Hổ Khâu, hắn nhờ một người bạn của Phạm Văn Nhược đưa hắn tới thăm hỏi Phùng Mộng Long, nhân sĩ này họ Trần và có biết Phùng Mộng Long, đưa Trương Nguyên tới phường Tam Nguyên nơi Phùng Mộng Long đang sinh sống. Ngô Hạ tam Phùng, Phùng Mộng Long là lão nhị, kì huynh Phùng Mộng Quế là một danh họa nổi tiếng ở Tô Châu, em trai Phùng Mộng Hùng là cống sinh quốc tử giám ở Nam Kinh.
Dinh thự Phùng Mộng Long xem ra là một tòa nhà lớn, nhưng trông cũng đã cũ, Trương Nguyên chắp tay, người hầu đáp lễ nói chủ nhân không có nhà, đợi sau khi chủ nhân về nhất định sẽ bẩm báo.
Nhân sĩ họ Trần nói nhỏ:
- Trương công tử, tại hạ nghe nói Phùng Mộng Long si mê một kĩ nữ ở Lưu Phương quán, ca kĩ đó tên là Hầu Tuệ Khanh. Hầu Tuệ Khanh là một tuyệt sắc ở Ngô ca, Phùng Mộng Long vì cô kĩ nữ này đã viết rất nhiều ngô ca. Lúc này Phùng Mộng Long chắc hẳn đã đi Lưu Phương quán, tại hạ xin đưa Trương công tử đi, Lưu Phương quán đó cách chỗ này khoảng một dặm.
Vị sinh đồ họ Trần này chắc hẳn là thích mẫu người ở chốn thanh lâu, nói đến Lưu Phương quán cũng rất hăng hái. Trương Nguyên trong bụng nghĩ hiện tại cũng không có việc gì, đành đi Lưu Phương quán xem thế nào, ngắm cảnh phố phường Tô Châu, lắng nghe phong vị dân ca, quan trọng là có cơ hội được gặp mặt bậc kỳ tài hơn người Phùng Mộng Long.
Bên sông học sĩ Tô Châu, kỹ quán ca lầu san sát nối tiếp nhau, thổi sáo gảy đàn, mặt hoa da phấn, quần áo thướt tha, bỏ tiền mua vui, rượu say đèn mờ, sênh ca suốt đêm, là nơi đệ nhất phong lưu của huyện Trường Châu.
Hiện tại mới là giờ thìn, mặt trời đã chói chang, bùn đất cũng bị nung đỏ. Một tú tài trung niên có vóc người bậc trung, thân hình hơi gầy bồi hồi đứng đầu cửa một tòa ca lầu. Quạt xếp trong tay không ngừng phe phẩy, mồ hôi trên trán vẫn không ngừng tuôn ra. Trong vòng năm ngày nay, đây là lần thứ ba y bị Lưu Phương Quán đóng sầm cửa vào mặt. Mỗi lần tới gõ cửa, nha hoàn mở cửa kia vừa nhìn thấy y là đã nói Huệ Khanh cô nương không có ở đây rồi đóng thẳng cửa lại.
Tú tài trung niên này là người có học thức, không tranh chấp được, chỉ buồn bực đoán không ra nguyên nhân. Ngày trước y tới Lưu Phương Quán, từ tú bà cho tới nha hoàn đều rất là khách khí đối với y. Mấy năm nay y tiêu xài ở Lưu Phương Quán cũng không ít bạc, không một ngàn thì cũng tám trăm. Y cùng với Tuệ Khanh tình đầu ý hợp, chuẩn bị chuộc thân cho Tuệ Khanh. Tú bà đều nói tốt lắm, muốn chuộc thân cần phải trả tám trăm lượng bạc. Như thế nào mà mấy lần này y đến đều không cho gặp Tuệ Khanh vậy?
Trung niên tú tài bồi hồi một lúc lâu, lại tiếp tục gõ cửa. Gõ một lúc lâu, cửa mới hé ra một khoảng nhỏ. Nha hoàn kia vừa mở miệng đã nói:
- Phùng tướng công, không cần phải chờ nữa, Tuệ Nương không có ở trong quán.
Tú tài trung niên lấy từ trong tay áo ra một quyển sách nhỏ, đưa cho nha hoàn kia nói:
- Phiền ngươi giao cho Tuệ Khanh. Đây là sáu mươi bài Ngô ca “Quải chi nhi” mà ta tập hợp cho nàng.
Nha hoàn kia “ừ” một tiếng, nhận lấy quyển sách nhỏ, sau đó đóng cửa lại.
Tú tài trung niên lắc lắc đầu, chậm rãi xoay người, đi dưới hàng cây bên sông Học sĩ, thong thả đi về phía nam, từ trong đáy lòng có một tiếng hát réo rắt của nữ nhân:
- Ngọc tan hương tàn đau vì ai? Mất ăn mất ngủ nhớ tới ai? Hồn khổ mộng tuyệt không nơi nương tựa, bao lần không may mắn cũng do số mệnh an bài. Người đứng bên bờ nhìn hoa đào nở, chỉ cho ta nên hái thế nào đây?
Đang lúc trong người cảm thấy buồn bực, tú tài trung niên chợt nghe thấy có người kêu lên:
- Phùng huynh…
Tú tài trung niên ngẩng đầu nhìn lên, miễn cưỡng cười nói:
- Hóa ra là Trần huynh.
Trước mặt y có bốn người, ngoại trừ vị Trần tú tài này ra, còn có một thiếu niên thư sinh, phía sau thiếu niên thư sinh này có một tỳ nữ và một tiểu đồng. Tỳ nữ kia vóc người cao ráo, dung mạo có phần xinh đẹp, dáng vẻ không giống với phụ nữ Hán tộc, đoán là hầu gái người Hồ.
Vị Trần tú tài này chắp tay nói:
- Phùng huynh, vị này chính là Sơn Âm Trương công tử. Ái mộ tên tuổi của Phùng huynh, mới vừa rồi đến quý phủ của Phùng huynh nhưng không gặp, thật không ngờ lại gặp nhau ở chỗ này.
Hai mắt Trương Nguyên quan sát Phùng Mộng Long, trông cũng không khác gì một nho sinh trung niên, có chút cau mày, hình như anh ta có chút sầu lo, liền thở dài nói:
- Sơn Âm Trương Nguyên Trương Giới Tử, hôm nay được gặp gỡ Mặc Hàm Trai chủ nhân, thật vinh hạnh.
Phùng Mộng Long vốn đang mệt mỏi vì phải phơi nắng, vẻ mặt ỉu xìu. Vừa nghe thấy Trương Nguyên nói như vậy, hai mắt đảo một cái, trợn to nhìn kỹ Trương Nguyên:
- Sơn Âm Trương công tử, từ Hoa Đình đến?
Trương Nguyên nói:
- Đúng vậy! Tại hạ mới từ Tùng Giang đến, đi Kim Lăng xin học. Dọc đường đến Tô Châu, nghe danh tiếng của Phùng tiên sinh nên đặc biệt đến tiếp kiến. Vừa hay bên kia có trà lầu, tại hạ mạn phép mời Phùng tiên sinh đến đó uống trà đàm luận, không biết tiên sinh thấy thế nào?
Phùng Mộng Long cũng nghe qua tên tuổi của Trương Nguyên, thanh danh rất lớn. Trương Nguyên vừa gặp mặt đã nói toạc ra y chính là Mặc Hàm Trai chủ nhân, biệt hiệu này của y cũng ít người biết đến. Trương Nguyên này nghe được điều này từ đâu? Có ý đồ gì?
Phùng Mộng Long nói:
- Tại hạ là chủ nhà, vậy nên là tại hạ mời khách. Trương công tử, mời! Trần huynh, mời!
Năm người bước về phía trà lầu. Người hầu trà lập tức rót trà, còn đưa lên bốn món đồ điểm tâm: hạt dưa đỏ, đậu phụ khô tẩm mật ong, bánh mứt táo khô, bánh ngọt tẩm rượu.
Uống nửa chén trà nhỏ, Phùng Mộng Long bèn hỏi:
- Trương công tử vang danh xa gần, Phùng mỗ kính ngưỡng đã lâu. Hạng người vô danh như Phùng mỗ, làm phiền Trương công tử tới chơi, thật hổ thẹn.
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Phùng tiên sinh tám tuổi được xưng là thần đồng. Mười một tuổi là chư sinh, danh gia nghiên cứu “Xuân Thu”, đọc nhiều sách vở, nhìn qua là thuộc, làm sao có thể nói là hạng người vô danh? Tiên sinh thật quá khiêm tốn.
Phùng Mộng Long thầm nghĩ:
“Ngươi biết rõ ta như vậy, ta lại hoàn toàn không hay biết ý đồ của ngươi.”
Hiện tại Phùng Mộng Long cũng không có tâm trạng mà vòng vo tam quốc. Y bèn hỏi thẳng:
- Trương công tử, ta và công tử vốn không quen biết gì. Hôm nay Trương công tử tìm ta, có điều gì chỉ giáo, xin cứ nói thẳng.
Trương Nguyên nói:
- Tại hạ có mở một thư cục, muốn mời Phùng tiên sinh viết sách cho thư cục của tại hạ. Tuy nhiên xem sắc mặt của Phùng tiên sinh như đang có chuyện ưu tư, việc này trước tiên không nhắc đến. Nếu Phùng tiên sinh không chê tại hạ mạo muội, tại hạ nguyện vì Phùng tiên sinh sắp xếp lo việc giải nạn.
Phùng Mộng Long thầm nghĩ:
“Hóa ra ngươi muốn mời ta viết sách, chả trách lại biết rõ lai lịch của ta như vậy.”
Y bèn nói:
- Đa tạ hảo ý của Trương công tử. Tại hạ không có lo lắng việc gì. Về phần viết sách, tại hạ cũng không nhàn rỗi, thật có lỗi.
Trương Nguyên nói:
- Tại hạ kính phục tiên sinh ở hai câu nói: “Tá nam nữ chi chân tình, phát danh giáo chi ngụy dược”(BTV: Mượn sự chân tình của nam nữ, để biểu đạt tính chất dối trá của lễ giáo phong kiến). bộ “Cổ kim tiểu thuyết” của Phùng tiên sinh đã vượt lên vô số bài văn bát cổ.
Lời này không phải tri kỷ thì không thể nói ra. Phùng Mộng Long lập tức nhìn Trương Nguyên với ánh mắt khác, chắp tay nói:
- Công tử là người phóng khoáng như vậy, sau này nếu có rảnh, tại hạ nguyện viết một bộ bản thảo giao cho thư cục của công tử xuất bản. Chỉ có điều, sắp tới…
Nói tới đây, Phùng Mộng Long không khỏi thở dài một tiếng.
Trương Nguyên nói:
- Có người mới gặp đã thân, có người ở lâu cũng thấy lạ. Tại hạ và Phùng tiên sinh tuy mới quen biết nhưng cảm thấy vô cùng thân thiết. Phùng tiên sinh có điều gì khó xử, chỉ cần tại hạ có thể giúp, tự nhiên không từ chối.
Trần tú tài kia cũng nói:
- Phùng huynh, Trương công tử là người trượng nghĩa, là chí giao với Đông Thành Phạm Hiếu Liêm. Phùng huynh không phải phiền não vì việc của Hầu Tuệ Khanh sao?
Việc Phùng Mộng Long mê luyến Lưu Phương Quán Hầu Tuệ Khanh có rất nhiều người biết. Trương Nguyên cũng biết. Trương Nguyên còn biết từ sau khi Phùng Mộng Long mất đi Hầu Tuệ Khanh, từ đó về sau đoạn tuyệt không lui tới thanh lâu là có thể thấy được tình cảm của Phùng Mộng Long dành cho Hầu Tuệ Khanh kia rất sâu đậm.
� chức ở đình Thương Lãng được không?
Phùng Mộng Long nhìn Trương Nguyên, lúng túng nói:
- Hổ thẹn! Quả thật là vì việc này. Vốn tưởng có thể dùng tám trăm lượng bạc chuộc thân cho Tuệ Khanh, nhưng mấy lần đến gặp Hầu Tuệ Khanh đều bị thoái thác, không biết tại sao?
Trương Nguyên thầm nghĩ:
- Hoặc là tú bà chê ít bạc, hoặc là có người khác chen chân, ngoài ra không còn khả năng nào khác.
Trương Nguyên bèn gọi người hầu trà tới, hỏi việc của Lưu Phương Quán Hầu Tuệ Khanh?
Người hầu trà kia liếc mắt nhìn Phùng Mộng Long một cái, sau đó nói:
- Có một thương nhân Vu Hồ xem trọng Hầu cô nương, đồng ý bỏ ra một ngàn sáu trăm lượng bạc chuộc thân cho Hầu cô nương, chỉ không biết là đã quyết định chưa.
Mặt Phùng Mộng Long trắng bệch, tay cầm chén trà khẽ run run.
Người hầu trà châm trà cho mấy người, sau đó lui ra.
Trần tú tài cười lạnh nói:
- Cô ta kia là người vô tình vô nghĩa, Phùng huynh lưu luyến làm gì, cứ để cho cô ta theo gã thương nhân đó đi.
Phùng Mộng Long nói:
- Việc này cũng không phải là chủ ý của Tuệ Khanh. Hẳn là do bị tú bà bức bách.
Mặc dù gia cảnh của Phùng Mộng Long cũng xem như khá giả, nhưng một ngàn sáu trăm lượng bạc không phải là con số nhỏ, trong lúc cấp bách cũng khó góp đủ. Hơn nữa, cho dù là gom đủ bạc, cũng rất khó tranh đua với thương nhân Vu Hồ. Đến lúc đó, thương nhân kia sẽ nâng số bạc chuộc thân lên hai ngàn lượng, thậm chí là ba ngàn lượng, nhất định là Phùng Mộng Long không tranh được.
Trương Nguyên thầm nghĩ:
- Phùng Mộng Long viết tiểu thuyết cơ trí chồng chất, sau lại còn biên soạn “Trí nang”, như thế nào mà lại nước đến chân hết đường xoay xở. Có người giỏi thực tiễn, có người lại giỏi lý luận suông.
Nghĩ vậy, Trương Nguyên bèn nói:
- Phùng huynh đừng vội. Hầu Tuệ Khanh còn có ở Lưu Phương Quán hay không? Nếu đã bị thương nhân Vu Hồ kia đưa đi, vậy thì tại hạ cũng lực bất tòng tâm. Phùng huynh cũng chỉ có thể trách mình vô duyên. Còn nếu cô ta vẫn còn ở Lưu Phương Quán, Phùng huynh cứ yên tâm, tại hạ nguyện giúp huynh và Hầu Tuệ Khanh kết thành mối lương duyên này. Số tiền chuộc thân kia cũng sẽ không nhiều, chính là tám trăm lượng.
Phùng Mộng Long mừng rỡ, chắp tay nói:
- Nếu được như thế, cả đời này tại hạ nguyện cảm tạ ơn đức của công tử.
Trương Nguyên nói:
- Không dám nhận. Tại hạ kính tài học của Phùng tiên sinh.
Sau đó hắn gọi người hầu trà kia đến, thưởng cho một lượng bạc, bảo người hầu trà nhanh chóng đi hỏi thăm tình hình Hầu Tuệ Khanh đã theo thương nhân Vu Hồ kia ra khỏi Tô Châu hay chưa? Nếu chưa thì sẽ điều tra rõ ràng danh tính của thương nhân đó, hiện đang ở nơi nào? Điều tra rõ ràng, nhanh chóng quay trở lại báo cáo sẽ được thưởng thêm hai lượng bạc.
Người hầu trà mừng rỡ, vội vội vàng vàng chạy ra ngoài. Đám hầu trà này đều là người có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, là người có khả năng tìm hiểu sự tình một cách nhanh nhất.
Ba người Trương Nguyên, Phùng Mộng Long, Trần tú tài chậm rãi thưởng trà và dùng điểm tâm, đợi người hầu trà kia quay lại.
Khoảng hai khắc đồng hồ sau, người hầu trà kia đã trở lại. Y lau mồ hôi, thở hồng hộc. Bộ dáng càng vất vả công lao càng lớn. Y vội vàng nói:
- Ba vị tướng công, tiểu nhân đã hỏi thăm rõ ràng. Hầu Tuệ Nương vẫn còn ở Lưu Phương Quán. Ba ngày sau thương nhân Vu Hồ kia sẽ tới đón cquay về Vu Hồ. Thương nhân đó họ Chúc, tên gọi là Chúc Triều Phụng, là mễ thương, gia tài rất lớn. Hiện thuyền của y đang đỗ tại ụ Đào Hoa bên ngoài Xương Môn. Tướng công còn muốn biết điều gì nữa không?
Trương Nguyên hỏi Phùng Mộng Long:
- Phùng huynh còn muốn hỏi thêm điều gì nữa không?
Phùng Mộng Long trầm ngâm một chút rồi hỏi người hầu trà:
- Hầu Tuệ Nương cam tâm tình nguyện gả cho gã phú thương kia?
Cái này thì người hầu trà không biết được. Nhưng y biết Phùng Mộng Long mê luyến Hầu Tuệ Khanh, qua lời nói và sắc mặt liền đoán ra ý tứ, vội vàng đáp:
- Nghe nói Hầu Tuệ Nương cả ngày lấy nước mắt rửa mặt. Có điều bị tú bà cưỡng bức, không thể không theo…
Phùng Mộng Long là người đa tình, vừa nghe vậy lập tức đổ lệ, hướng Trương Nguyên chắp tay nói:
- Xin Trương công tử giúp ta. Phùng Mộng Long vô cùng cảm kích.
Trương Nguyên nói:
- Việc này còn phải nhờ Tam huynh Trương Yến Khách ra tay. Hoàn khố vung tiền như rác chính là nghề của huynh ấy.
Trương Nguyên nói xong bèn phân phó Vũ Lăng vài câu. Vũ Lăng vội vàng trở về phủ đệ của Phạm Văn Nhược.
Tới gần buổi trưa, Trương Đại, Trương Ngạc đều đến đây, cùng hàn huyên với Phùng Mộng Long một chút. Trương Ngạc liền hỏi Trương Nguyên:
- Giới Tử, đệ nói là có vai diễn tranh giành tình nhân thật tốt để ta diễn. Diễn như thế nào?
Trương Nguyên liền nói ra chuyện của Phùng Mộng Long và Hầu Tuệ Khanh. Trương Ngạc cười ha hả nói:
- Quân tử giúp người đạt thành ước nguyện. Phùng tiên sinh, tiên sinh là bằng hữu của ngã đệ Giới Tử, việc này ta nhất định sẽ giúp tiên sinh. Nhất định không để Huy thương kia đem Hầu Tuệ Khanh đi. Huy thương là loại người ghê tởm nhất, nhiều tiên nhưng lại vô cùng keo kiệt, chỉ có hai trường hợp bọn chúng đồng ý chi tiền, một là tranh tụng lên quan phủ, hai là chơi gái nạp thiếp, ném một lần cả vạn kim cũng đồng ý. Thật đáng giận!
Quần thể thương nhân nhà Minh, thương nhân Sơn Tây tiết kiệm, thương nhân Huy Châu thì vừa keo kiệt lại xa xỉ, điều này trong tiểu thuyết thời Minh và trong bút ký có ghi lại. Mặc dù Vu Hồ không thuộc Huy Châu, nhưng cũng gần với Huy Châu nên bị gọi chung là Huy thương.
Trương Nguyên liền cùng Trương Ngạc như thế như thế, như vậy như vậy một phen. Trương Ngạc cười to:
- Giới Tử quỷ kế chồng chất. Huy thương kia tất sẽ mắc mưu. Ta sẽ đi ngay bây giờ.
Phùng Mộng Long nói:
- Giờ đã là giờ ngọ, tại hạ làm chủ, mời các vị dùng rượu và đồ ăn.
Trương Ngạc nóng lòng diễn trò Hí Thi diệu kế, sốt ruột không chịu nổi rồi:
- Không cần. Kỹ gia cũng có rượu và đồ nhắm. Đại huynh, Giới Tử, chúng ta cùng đi. Huynh đệ đồng tâm đá cũng phải mềm nha, ha ha.
Trần tú tài ở lại bồi tiếp Phùng Mộng Long. Ba huynh đệ Trương Đại, Trương Nguyên Trương Ngạc, còn có Mục Chân Chân, Vũ Lăng, Năng Trụ, Phùng Hổ, Phúc Nhi, Mính Yên, tổng cộng chín người đến Lưu Phương Quán.
Giữa hè, trời nắng gay gắt, cửa lớn quét sơn cây trẩu (Trẩu – Wikipedia tiếng Việt) của Lưu Phương quán phản chiếu sáng loáng, một nhánh hoa cây trúc đào vươn ra từ bên trong tường viện. Trước tiên là Tiểu Võ đến gõ cửa, thấy không ai phản ứng thì chuyển sang Năng Trụ. Y đập “rầm rầm” như muốn phá cửa, liền có người bên trong hỏi:
- Ai đó?
Năng Trụ nói:
- Ta, Năng Trụ, ba vị thiếu gia cũng tới rồi.
Năng Trụ nói chuyện không đầu không đuôi, Trương Ngạc dùng quạt khẽ ấn đến khi Năng Trụ bị đẩy sang một bên, Trương Ngạc tiến lên nói:
- Tiểu sinh Sơn Âm Trương Ngạc, ngưỡng mộ giọng hát của Hầu Tuệ Khanh, đặc biệt đến tương kiến.
Nói đến đây, y quay sang nháy mắt với Trương Đại và Trương Nguyên, ngữ khí lại nghiêm túc, quạt trong tay khẽ lay, rất chi là phong lưu tự thưởng.
A hoàn ở trong nói:
- Trương tướng công lượng thứ, cô nương nhà tôi không khỏe, mấy ngày nay không tiếp khách.
Trương Ngạc nói:
- Nếu sức khỏe Hầu cô nương đã không được tốt, không gặp khách cũng không sao. Hôm nay ta đến xem như là để biết đường, uống chén trà, thưởng các ngươi chút tiền, lần sau đến nữa thì cứ làm như thế, mở cửa đi.
A hoàn ở trong cửa chần chừ.
Trương Ngạc nói:
- Có đạo lý nào để khách đứng ở ngoài phơi nắng không, nắng này độc lắm, mau mở cửa đi!
Cửa mở ra, Trương Ngạc ngang nhiên tiến vào. Thấy một đám người chen vào, a hoàn nọ luôn miệng gọi:
- Bà bà, bà bà.
Lập tức có một tú bà hơn bốn mươi tuổi bước ra, phục sức diễm lệ, cực kỳ chói mắt. Sóng mắt lướt qua đám người Trương Ngạc, khuôn mặt tươi cười, bà hỏi khách đến từ đâu.
Trương Ngạc hiển nhiên là tận lực phô trương, đó không phải diễn kịch mà đã là bản chất. Tú bà ra nghênh đón, vì từng gặp nhiều hạng người nên rất quen thuộc với đám con cháu thế gia này. Đây là những người tiêu tiền như nước, sao có thể chậm trễ, bà liền đón họ vào sảnh ngồi. Trên chiếc bàn bát tiên có tám mâm hoa quả tươi, sau khi hỏi khách đã dùng cơm hay chưa, bà liền sai a hoàn mang rượu Tam Bạch của Tô Châu ra. Ngoài ra còn có các món ăn vặt Tô Châu như bánh chiên rắc mè, bánh đút lò, bánh xốp nhiều lớp,… bày khắp bàn.
Trương Ngạc liền lệnh cho Phúc Nhi lấy năm lượng bạc ra thưởng. Tú bà mừng rỡ, càng tận tâm cung phụng. Trương Ngạc nói:
- Tiểu sinh ngưỡng mộ Hầu Tuệ Khanh sắc tài song tuyệt, đặc biệt đến gặp. Nếu quả thực danh bất hư truyền, tiểu sinh nguyện bỏ ra số tiền lớn chuộc thân cho nàng ấy.
Tú bà nghe được, thầm nghĩ:
“Tuệ Nương Hồng Loan gặp thời rồi. Bảy ngày trước Phùng tướng công ra tám trăm lượng bạc, bốn ngày trước Chúc Triều Phụng ra một ngàn sáu trăm lượng, hôm nay lại có tú tài Thiệu Hưng này muốn chuộc thân cho Tuệ Nương, có điều…”.
Nghĩ đến đây, bà liền cười nói:
- Ba vị tướng công, tiểu nữ Tuệ Nương bệnh nhẹ không tiện gặp khách, thật có lỗi.
Trương Ngạc nói:
- Đừng giấu ta, lúc mới đến ta nghe nói có một thương nhân muốn chuộc thân cho Tuệ Khanh phải không?
Tú bà nghe thấy liền có chút ngượng ngùng. Chuyện này không giấu được rồi, nếu hai ngày sau mấy tú tài này lại đến thì khó mà giấu mãi, bà ta nói:
- Không giấu gì Trương tướng công, việc này không giả. Chúc Triều Phụng kia đã để lại bạc sính lễ, nhưng vì bận chút chuyện nên chưa cưới Tuệ Nương. Tuệ Nương xem như tạm ở lại đây, quả thực không tiện để cô ấy tiếp khách nữa.
@by txiuqw4