Cuối năm trước cửa hàng gạo “Dương Hòa” khai trương, Phạm Trân có góp vốn mở của hàng gạo đó với Trương Thụy Dương. Lúc này con gái nuôi của Trương Thụy Dương là Y Đình xuất giá, vợ chồng Phạm Trân tất nhiên là muốn đến đó chúc mừng rồi.
Trước kia, lúc vẫn làm tỳ nữ ở Tây Trương, Thu Lăng vẫn luôn cho mình là loại người thuộc cấp bậc cao hơn những người như Y Đình bên Đông Trương. Thu Lăng nàng cũng không phải làm việc nặng nhọc vất vả gì. Nhìn thấy Y Đình một năm bốn mùa đều phải ra sông Đầu Lao giặt quần áo, Thu Lăng thường dựa vào gốc cây liễu bên bờ sông, vừa nhấm hạt dưa vừa nhàn nhã nhìn Y Đình mải miết giặt quần áo. Có một khoảng thời gian, Thu Lăng cố ý so sánh với Y Đình xem tay ai đẹp hơn, Y Đình lao động nhiều hơn nên bàn tay nào có được mịn màng, mềm mại như Thu Lăng được, Thu Lăng rất là đắc ý vì việc đó.
Ngày hôm nay, nhìn thấy Y Đình với thân phận là tiểu thư nhà họ Trương, đầu đội mũ phượng, vai quàng khăn xuất giá, Thu Lăng cảm thấy rất là mất mặt. Chồng của Y Đình là Tông Dực Thiện, nghe đồn rằng y là con trai của một nô bộc, nhưng thiếu gia Giới Tử coi trọng tài năng học vấn của y, vì thế những người khác cũng coi Tông Dực Thiên như là một nhân vật danh giá.
Những cử nhân, tú tài tham dự hôn lễ hôm nay cũng có đến hơn một trăm người, kèn trống vô cùng náo nhiệt, ngay cả Đại lão gia bên Tây Trương và Lưu Tri huyện cũng sai người mang lễ vật đến tặng. Không giống cô ta ngày trước, được Phạm Trân đón về một cách yên lặng không một tiếng động. Hiện nay tuy là đã trở thành chính thê, nhưng Phạm Trân đã là lão già hơn năm mươi tuổi rồi. Đúng là núi đã cao còn có núi khác cao hơn!
Y Đình lại không biết mình được Thu Lăng hâm mộ và ghen tị. Mấy ngày nay hết sức chú ý từng cử chỉ lời nói của Trương Nhược Hi và cố ý bắt chước sao cho giống nhất. Hôm nay là ngày vui lớn, từng cử chỉ động tác của Y Đình tỏ ra rất có phong thái đạo đức. Vì Tông Dực Thiện, nàng nguyện ý thay đổi chính bản thân mình, nàng phải đọc sách và học cách quản lý sổ sách.
Từ mười năm trước, sau khi Trương Nhược Hi lấy chồng ở Thanh Phổ xa xôi, việc trong nhà đều là do Y Đình giúp Trương mẫu Lã thị quản lý. Bây giờ Y Đình đã được gả cho người ta rồi, Trương mẫu Lã thị thiếu đi một người tri kỷ, rất nhiều việc cảm thấy khó khăn. Có khi muốn tìm một đồ vật gì đó nhưng lại không tìm thấy, cảm thấy không đủ người, bận tối mắt tối mũi. Trong nhà thì người làm nam có Lai Phúc, Lai Vượng, Phù Thành, Phù Đại Công, Vũ Lăng, còn có cha con Thạch Song, nhưng tỳ nữ ở trong nội viện thì hiện tại chỉ còn lại có một người là tiểu nha đầu Thỏ Đình, mà Thỏ Đình vẫn còn khá là ngây thơ, không quản lý được việc gì cả, vì thế Trương mẫu Lã thị có chút lo âu. Trương Nhược Hi cười an ủi:
-Mẫu thân việc gì phải buồn về việc nội viện không có người sai bảo chứ, chỉ mấy ngày nữa, tiểu thư Thương Đạm Nhiên sẽ trở thành người nhà họ Trương ta rồi, chắc chắn cô ấy sẽ mang của hồi môn là tỳ nữ hoặc vú già đến đây. Đến lúc đó việc cần phải buồn và lo lắng là không đủ chỗ ở cho họ mới phải.
Trương mẫu Lã thị lập tức từ buồn bã trở nên vui vẻ, nói:
-Vậy thì phải nhanh chóng sắp xếp, dọn dẹp toàn bộ lầu phía Tây cho bọn họ, khi đến còn có chỗ ở.
Mấy ngày nay Trương Nguyên bận rộn khỏi phải nói, bạn bè từ xa không ngừng đến chúc mừng. Mồng chín tháng tư, có sáu người quan sai từ xa đến, mang tới hai phần lễ vật chúc mừng và giao cho Trương Nguyên hai phong thư, rồi rời đi luôn trong ngày hôm đấy.
Khách của Đông Trương rất nhiều, sáu người quan sai này đến và đi vẫn chưa khiến cho người khác phải chú ý đến. Bọn họ là thủ hạ do thái giám Hình Long trấn giữ Nam Kinh phái đến, hai phần quà chúc mừng đấy một phần là của Hình Long thái giám, một phần là Hình Long thái giám thay mặt thái giám Chung Bản Hoa mang đến tặng. Trương Nguyên lấy làm lạ là làm sao mà Chung thái giám lại biết được ngày hôn lễ của hắn chứ.
Đọc lá thư của Chung thái giám gửi cho, mới biết được là Chung thái giám nghe anh vợ ông ta là Tả Thiêm Đô Ngự Sử tên là Thương Chu Phúc nói, biết được hắn sắp tổ chức hôn lễ, cho nên viết thư cho Hình Long, nhờ ông ấy chuẩn bị quà mừng mang đến tặng Trương Nguyên hộ mình.
Trong thư, Chung thái giám mơ hồ nói cho Trương Nguyên biết tình hình của Thái tử Chu Thường Lạc rất xấu. Trịnh Quý Phi hết sức kiêu ngạo, luôn chèn ép người khác, các thái giám hầu hạ bên cạnh Thái Tử đều phải lo lắng đề phòng bà ta. Trái lại hàng ngày ông ấy đi theo hầu Hoàng trưởng tôn, cũng được coi như là yên ổn. Ông ấy nghe theo sự chỉ bảo của Trương Nguyên, sau khi trở về cung liền chủ động xin hoàng thượng cho mình được đến hầu hạ Hoàng trưởng tôn, ông ấy là một trong mười tài tử của tầng lớp nội quan, nên Ti Lễ Giám (bộ phận quản lý thái giám trong cung) liền sắp xếp cho ông ấy đến dạy chữ cho Hoàng trưởng tôn. Bởi vì thái tử bị đối xử lạnh nhạt, chưa biết chừng một lúc nào đó sẽ bị phế, cho nên con của Thái tử-Hoàng tử tôn năm nay đã mười một tuổi rồi, mà không có ai quan tâm đến việc dạy chữ cho nó cả. Mặc dù ở những nhà dân bình thường mà có gia cảnh tốt một chút thì con cái họ bảy, tám tuổi đã đến trường làng học chữ rồi. Nhưng hoàng trưởng tôn mười một tuổi chưa được đi học nên mới chỉ biết được vài chữ, Trưởng tôn chỉ nhận biết được mười mấy chữ cái đó là tên của mình, tên của cung điện nơi mình đang ở, và người bạn thân Lý Tiến Trung nữa thôi.
Chung thái giám kể khổ với Trương Nguyên, nói rằng trong cung có rất nhiều thái giám nghe nói ông ấy đi hầu hạ Hoàng trưởng tôn liền cười nhạo ông ấy, nói ông ấy muốn bấu víu nhờ vả Thái Tử, cũng coi như đánh cược một phen, không biết ngu ngốc bám víu vào Hoàng trưởng tôn làm gì. Chung thái giám đã hơn bốn mươi tuổi rồi, Thái tử mới ba mươi trở ra, thế này thì phải đợi đến bao giờ đây?
Còn nữa, suốt ngày Hoàng trưởng tôn Chu Do Hiệu phải ở trong thâm cung, không có chỗ nào để đi, lại không chịu đọc sách không biết thế nào lại sinh ra sự yêu thích với việc làm mộc, thích kéo dây thừng, gọt tranh chữ. Chùy, đục, cưa, bào đều là những vật tùy thân của Hoàng trưởng tôn, có nói thế nào cũng không chịu học chữ đọc sách, chỉ thích chơi đùa với thái giám Lý Tiến Trung. Điều này làm cho Chung Thái giám rất là đau đầu không biết làm thế nào. Cho rằng Hoàng tử tôn này không có bộ dạng của một người quân vương trong tương lai. Chung thái giám tự cảm thấy tiền đồ sau này của mình rất là mong manh, chỉ ngồi ăn rồi chờ chết thôi.
Nhìn thấy trong thư Chung thái giám đang oán giận mình, Trương Nguyên không nén nổi cười, thật là có cảm giác mình đã lừa được Chung thái giám, thầm nghĩ:
-Hoàng trưởng tôn Chu Do Hiệu mới mười một tuổi mà đã say mê với nghề làm mộc rồi ư? Một đứa trẻ mười tuổi luôn bị giam lỏng trong cung cũng thật là buồn chán a – Người thái giám tên là Lý Tiến Trung kia chính là Ngụy Trung Hiền. Chung thái giám có khí chất của một người văn nhân, Ngụy Trung Hiền có khí chất của một tên lưu manh. Chung thái giám sợ là đấu không lại Ngụy Trung Hiền. Nhũ mẫu của Chu Do Hiệu chắc hẳn là cũng đang ở trong cung rồi chứ nhỉ.
Trong thư của Hình thái giám thì không có chuyện gì quan trọng đáng nói cả, chỉ có vài lời nói khách sáo mà thôi. Trương Nguyên viết một bức thư hồi âm cho Hình thái giám để tỏ lòng cảm ơn. Còn với Chung thái giám, Trương Nguyên không biết làm cách nào để hồi âm lại được, không thể chỉ bảo con đường đi tiếp theo cho ông ấy, chỉ đành để ông ấy ở trong lãnh cung chờ đợi vậy. Hiện nay Ngụy Trung Hiền cũng sẽ không gây khó dễ cho ông ấy, bởi vì không có cái gì đáng để tranh giành cả.
Điều làm cho Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên cảm thấy cực kỳ tiếc nuối chính là chị em Cảnh Lan, Cảnh Huy không kịp về để tham gia hôn lễ của họ. Đáng lẽ đầu năm hai chị em họ có viết thư bảo là muốn về Thiệu Hưng để tham dự hôn lễ rồi đấy. Nhưng tháng trước Thương Chu Tộ có viết thư nói rằng, vợ mình Phó thị không thể mang hai nữ nhi về Thiệu Hưng được, bởi vì Phó thị đẻ non phải nằm trên giường tĩnh dưỡng. Phó thị vẫn muốn sinh cho Thương Chu Tộ một đứa con trai, không dễ dàng gì mới mang thai được, nhưng lại bị sinh non, rất là đau buồn. Cho nên chỉ có thể sai người hầu ở kinh thành mang lễ vật đến chúc mừng anh chị hạnh phúc, sống với nhau đến đầu bạc răng long, sớm sinh quý tử.
Ngày mồng mười tháng tư, Tần Dân Bình mang theo đứa cháu ngoại là một nam hài mười hai tuổi tên là Mã Tường Lân từ Thạch Trụ -Trùng Khánh. Vượt qua chặng đường dài hơn bốn nghìn cây số để đến Sơn Âm, mất hơn một tháng đi đường mới đến nơi. Thổ dân người Miêu rất coi trọng tình nghĩa. Trương Nguyên là ân nhân của người dân Thạch Trụ bọn họ. Cũng không biết làm sao mà Tần Dân Bình và Tần Lương Ngọc biết được ngày hôn lễ của Trương Nguyên, không sợ đường xá xa xôi, trèo sông vượt núi đến Sơn Âm chúc mừng Trương Nguyên. Điều này làm cho Trương Nguyên vui mừng không sao kể xiết.
Tần Dân Bình không khác hai năm về trước là bao, vẫn thân hình cao lớn, vạm vỡ đó, nhưng cháu ngoại y Mã Tường Lân lại thay đổi rất nhiều. Đây là một thiếu niên mười hai tuổi cao lớn, chỉ thấp hơn Trương Nguyên một tí. Tay to khỏe, tuổi còn nhỏ nhưng sức lực thì hơn nhiều người khác nhưng trên mặt vẫn còn có nét trẻ con, cổ đeo vòng bạc. Nhìn thấy Trương Nguyên thì lập tức quỳ xuống thi lễ, miệng nói:
-Thế thúc!
Tần Dân Bình nói cho Trương Nguyên biết rằng, anh rể Mã Thiên Thừa của mình năm trước bị ốm nặng nên đã qua đời rồi. Mã Tường Lân tuổi hãy còn nhỏ, nên Tuyên Phủ Sử ở Thạch Song đành phải để chị gái mình – Tần Lương Ngọc quản lý mọi việc.
Bắt đầu từ ngày mồng tám tháng tư, trời đã mưa liên tục mấy ngày liền rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu tạnh. Điều này làm cho Trương mẫu Lã thị có chút lo lắng, sợ đến ngày tổ chức hôn lễ của con trai mình mà trời vẫn chưa tạnh. Nhưng đến ngày mồng mười, khi Tần Dân Bình đến thì bầu trời liền trở nên trong xanh và sáng sủa.
Ngày mười một tháng tư, Trương Nguyên cùng với phụ thân là Trương Thụy Dương và tộc huynh Trương Đại đi tự thần (người Thiệu Hưng gọi phong tục này là chúc vui vẻ và hạnh phúc), tế tổ (tục này gọi là mời đại nhân canh cơm), sau đó đi mời đội kiệu hoa, dựng sân khấu để diễn kịch, bận rộn mất một ngày trời.
Sáng sớm ngày mười hai tháng tư, Trương Nguyên tắm rửa, thay quần áo và đội mũ chú rể, sân khấu diễn kịch dựng ở trước nhà đã bắt đầu diễn vở kịch “Tường Đầu Mã Thượng”. Đây là vở hài kịch nổi tiếng của Bạch Phác viết về tình yêu, là vở kịch mà nhóm hát Khả Xan ở bên Tây Trương đặc biết tập diễn để mừng hôn lễ của Trương Nguyên. Vương Khả Xan vào vai chính đán Lý Thiên Kim (chính đán là tên gọi cũ của vai thanh y trong hí kịch của Trung Quốc), giọng hát rất hay.
Kiệu hoa màu đỏ thẫm được thêu dệt tỉ mỉ đã chờ ở cửa trước sân, hai bên trái phải của kiệu hoa đều có một mặt gương lớn bằng đồng. Gương đồng được mài bóng loáng, chiếc gương này chính là dùng để trừ tà.
Trương Thụy Dương là bậc trưởng bối, một đôi vợ chồng có nhiều con cháu ở Đông Trương đóng giả là Phúc Tinh và Lộc Tinh. Cụ ông đóng vai Phúc Tinh cầm gương đồng đến chiếu vào kiệu hoa, Cụ bà đóng vai Lộc Tinh đốt đàn hương và cỏ thơm xung quanh kiệu. Đây là phong tục có tên gọi là “lục soát kiệu”, với ý nghĩa là để xua đuổi yêu ma quỷ quái ở trong kiệu, kiệu dùng để đón cô dâu nhất định phải thực hiện theo đúng trình tự này.
Đội kèn thổi kèn vang vọng, đội ngũ đón dâu sắp khởi hành. Trương Nguyên mặc y phục của chú rể đi đến trước cửa, hướng về phía chiếc kiệu hoa cung kính vái ba cái, cái này gọi là đưa kiệu. Theo tập tục trong hôn lễ ở Thiệu Hưng, chú rể không được đến nhà gái đón dâu, phải ở nhà mình chờ, và tiếp đãi khách.
Một đám thanh kỹ của nhóm hát Khả Xan cũng đi theo đội ngũ đi đón dâu tiến về phía trước, đó là mười sáu người đàn ông khỏe mạnh mà trước đó đã dựng sân khấu diễn kịch, vừa đi theo đoàn đón dâu vừa biểu diễn vừa hát. Hàng người đi theo xem náo nhiệt có trăm đến ngàn người, chật kín cả đường phố, rất giống như hội cầu mưa mấy năm trước.
Chùa Hạnh Hoa nằm ở bên cạnh phủ của Vương Tư Nhâm, Vương Anh Tư đang ngồi ở chiếc bàn bên trong thư phòng trước thiền viện viết chữ. Nàng rất giống Trương Nguyên ở chỗ thích viết chữ và đọc sách ở trong gian thư phòng này. Mỗi ngày Vương Anh Tư đều phải làm một bài bát cổ, tuy biết rằng đời này không thể tham gia khoa cử được, nhưng vẫn nguyện ý kiên trì. Lúc này trên bàn còn có bản khắc “Tiêu thị bút thừa” của nhà in Hàn Xã do Trương Nguyên tặng cho nàng.
Từ năm ngoái sau khi Trương Nguyên đến Quốc tử giám, Vương Anh Tư liền giống như một học sinh bình thường sắp đi thi, đọc sách hết sức vất vả, Kinh sử và Âm phù, Lão trang, nội điển, sách tạp lục đều đọc hết. Tỷ tỷ của nàng Vương Tĩnh Thục nói nàng là mọt sách, nhưng trong lòng cũng biết muội muội Anh Tư của mình lấy việc đọc sách để giải sầu, để quên đi tình cảm tương tư với Trương Nguyên.
Vương Tĩnh Thục yên lặng đi đến bên cạnh nàng, nhìn thấy Anh Tư tay đang cầm bút nhưng lại ngồi ngẩn người không có động tĩnh gì. Nước mắt Vương Tĩnh Thục chảy xuống, Anh Tư giật mình nói:
-Tỷ tỷ, sao tỷ lại khóc vậy!
Vương Tĩnh Thục chăm chú nhìn muội muội Anh Tư của mình, đang định mở miệng nói chuyện thì Anh Tư đột nhiên bày ra bộ dáng nghiêm túc nghiêng tai lắng nghe, nói:
-Tỷ tỷ, tỷ nghe xem!
Vương Tĩnh Thục cũng yên lặng chăm chú lắng nghe, nói:
-Có người hát hí khúc!
Bỗng nhiên nhận ra đây là tiếng hát của đội ngũ đi đón dâu của nhà họ Trương ở Sơn Âm.
Tiếng hát tiếng kèn dần dần gần hơn, rồi đi qua trước cửa nhà, nghe được tiếng tiêu và tiếng hát du dương của một cô gái xinh đẹp, hát rằng “Nếu như ta chọn được một người chồng phong lưu, sao phải phí công dạy chồng ta vẽ tranh ngọn núi ở phía xa. Thà rằng dạy làm cái thau bạc còn hơn. Màn gấm buông xuống, hoa sen uyên ương cũng nổi lên khỏi mặt nước, cành ngô đồng có hai con chim phượng hoàng đậu xuống___”
Tiếng người cười nói huyên náo, không sao phân biệt được lời hát nữa. Nhưng Vương Anh Tư cũng đã nhận ra đây là bài hát của vở nhạc kịch “Tường Đầu Mã Thượng”, kể về chuyện Lý Thiên Kim ở Lạc Dương gặp được Bùi Thiếu Tuấn, và bỏ trốn đến nhà họ Bùi. Bởi vì không được sự đồng ý của cha mẹ, liền trốn đến ở vườn sau của nhà họ Bùi, sinh cho Bùi Tuấn hai người con gái. Sau đó gặp phải rất nhiều khó khăn vất vả, cuối cùng kết cục tất cả đều vui mừng. Tất cả lời nói và việc làm của Lý Thiên Kim, có thể nói là đi ngược lại với đạo lý thông thường, vừa dũng cảm theo đuổi tình yêu, lại vẫn nỗ lực giữ gìn sự tôn nghiêm của mình.
Vương Anh Tư si ngốc đến xuất thần…
Tạm thời chưa nói đến khách khứa ở Sơn Âm Đông Trương tụ tập lại hết sức đông vui, mà nhà họ Thương ở Hội Kê cũng mang một bầu không khí náo nhiệt vui vẻ tương tự. Thương Chu Tộ, Thương Chu Đức vì hôn lễ của tiểu muội mình Thương Đạm Nhiên, mà chuẩn bị từng món hồi môn một đặt cạnh bức tường trong cửa lớn. Hơn chục người hầu và người khiêng kiệu đang buộc những dải lụa đỏ lên từng món đồ, sau đó lấy gậy trúc luồn vào để khiêng lên, chuẩn bị mang về Sơn Âm. Đồ cưới phải mang về trước khi đón cô dâu mới về, nếu không thì không kịp bày biện, nhất là của hồi môn của Thương Đạm Nhiên lại rất nhiều, cho nên buổi sáng đã phải mang về Sơn Âm trước rồi.
Nhà họ Thương ở Hội Kê là một gia tộc lớn, mặc dù không giàu có bằng bên Tây Trương, nhưng ở Hội Kê cũng là một trong mấy gia tộc có chức có quyền lại giàu có nhất ở đây. Thương Chu Tộ thương tiểu muội mình từ nhỏ đã mất nơi nương tự, nên viết thư bàn bạc với Thương Chu Đức, của hồi môn cho nàng phải nhiều gấp đôi. Thương Chu Đức tất nhiên là cũng đồng ý làm theo. Từ tháng mười năm ngoái, sau khi quyết định ngày cưới, họ đã tự mình chuẩn bị của hồi môn cho tiểu muội của mình.
Ngoài giường cưới ra (ở Thiệu Hưng, của hồi môn của người con gái khi đi lấy chồng không thể thiếu giường), các đồ dụng cụ gia đình cái gì cần có đều có, bàn dài thì có cái làm bằng gỗ sồi, bàn vuông có hình hoa lê màu vàng, bàn làm bằng gỗ cây dẻ; bàn trà thì có bàn làm bằng gỗ cánh gà, có cái làm bằng gỗ cây táo thơm, lại có cái làm bằng gỗ cây bách; ghế dựa thì có ghế Túy Ông, ghế Quan Mạo, ghế vuông, ghế làm bằng gỗ cây trúc hồng của Nhật Bản; bức bình phong thì có bức bình phong lớn, có bức bình phong nhỏ màu bạc trên đó có vẽ tranh của Nhật Bản, còn có bức bình phong màu nhũ kim vẽ tùng, trúc, mai, lại có bức bình phong làm bằng thạch bích; ngoài ra còn có ô che gió, ô che mưa, ô che nắng, thùng tắm, thùng đựng phân, thùng để rửa chân, cái giá để trà, giá để giầy, gía cắm nến, thìa và muôi bằng đồng. Hễ là đồ gia dụng hàng ngày, thì đều được chuẩn bị đầy đủ không thiếu thứ gì.
Đó là những của hồi môn có kích thước to lớn cồng kềnh. Ở trong sân, còn có mười mấy người vú già và tỳ nữ đang sắp sửa những đồ vật tư trang như quần áo gương lược. Đèn thì là loại đèn lồng làm bằng chất liệu tơ tằm màu vàng của Vân Nam. Bình cắm hoa thì hình cung và có tai cầm, có cả chiếc bình lớn trên đó vẽ cảnh long tuyền, có bình rượu hoa, dụng cụ
cần có trong thư phòng. Có những khí cụ bằng đồng như đàn cổ, kiếm cổ, có đồ sơn mài chạm trổ tinh vi, cùng với thảm lông, có đệm cứng, đệm mềm, chiếu có viền bên cạnh, còn áo ngủ thì bằng gấm tơ tằm màu hồng, màn che có viền, gối thêu, gối mát. Còn có quần áo bốn mùa của tiểu thư Đạm Nhiên và quần áo của những người vú già, tỳ nữ nữa, tất cả đều xếp trong chiếc rương lớn, chiếc rương này phải nặng đến năm mươi kilogam.
Ở khuê phòng, hai người vú già đang chải đầu búi tóc cho Thương Đạm Nhiên, đánh phấn, sửa lông mày, xỏ lỗ tai. Ở Thiệu Hưng những việc bình thường này đều do những người vú già lớn tuổi làm, mà cũng chỉ có họ mới làm được đẹp nhất. Cô dâu mới phải chải đầu búi tóc, và búi tóc đó phải cao đến năm tấc, và kết một chuỗi ngọc ở trên trán (trên chỗ lông mày dưới mái tóc), đây gọi là tục chải tóc, tức là lấy hai sợi chỉ màu đỏ bện chặt tóc tơ ở cổ và ở mặt lại, như vậy sự ngây ngô của thiếu nữ sẽ được loại bỏ hết, đó mới chính là nét mặt rạng rỡ sáng sủa của cô dâu.
Người vú già vừa thực hiện tục chải tóc cho Thương Đạm Nhiên vừa hát rằng:
-Sợi chỉ bắn về phía bên trái sớm sinh quý tử, sợi chỉ bắn về phía phải sinh một tiểu nam hài đáng yêu, ba sợi chỉ đều bắn ra được yên ổn, tiểu thư sẽ sinh kỳ lân (kỳ lân: tượng trưng cho điềm lành), lông mi giống như hình trăng khuyết, lang quân sẽ là Trạng Nguyên, Bảng nhãn.
Mấy tỳ nữ đứng bên cạnh che miệng cười trộm. Thương Đạm Nhiên im lặng không lên tiếng, mặc cho mọi người định đoạt, ngồi trên một cái đệm thêu nhìn không chớp mắt. Nhưng tất cả những âm thanh xa hay gần, to hay nhỏ đều khắc sâu vào trong lòng nàng. Nàng nghe thấy tiếng kèn ở trước sân, tiếng người khiêng kiệu hát “Trang liêm ca”, của hồi môn ở trước sân sắp được khiêng đi.
@by txiuqw4