sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 342: Tâm Tình Nơi Hậu Hoa Viên

Trương Nguyên nói:

- Rượu mừng của sư huynh đệ sao dám không đến, mai định đến bái kiến sư mẫu, lão sư không thể về sao?

Vương Bính Lân nói:

- Viên Châu cách đây đến hai ngàn dặm, sao có thể về, không biết có nhận được thư ta gửi chưa nữa.

Y tiếp lời:

- Tiểu muội muốn xem chế nghệ thi hương của đệ, mai nhớ mang đến.

Y chắp tay, lên kiệu đi mất.

Trương Nguyên trở lại "Giải Nguyên Đệ" thì gặp người của cục Dân tín ra khỏi cửa, hỏi thư ai gửi thì người đó nói là thư gửi đến từ Nam Kinh. Trương Nguyên vào xem thử, ra là do tỷ phu Lục Thao ở Nam Kinh gửi tới, hắn vội vàng vào nội viện đưa thư cho tỷ tỷ. Trương Nhược Hi cầm thư, lắc đầu cười khổ:

- Lại thi rớt rồi.

Những thân bằng mà Trương Nguyên quen như Trương Đại, Vương Bính Lân, Kỳ Bưu Giai, Hoàng Tôn Tố đều trúng cao, hiện tại biết tỷ phu Lục Thao thi rớt thì thấy không thích ứng cho lắm. Danh sách cử nhân thi hương ở phủ Ứng Thiên nhiều hơn Chiết Giang, có một trăm sáu mươi người, nhưng bao gồm cả khảo sinh Quốc Tử Giám thì cạnh tranh cực kì khốc liệt, chế nghệ của Lục Thao không ưu tú, thi rớt cũng không lạ.

Trong thư, Lục Thao nói Dương Thạch Hương, Phùng Mộng Long, Kim Lang Chi, Hồng Đạo Thái, Hạ Doãn Di cũng thi rớt, nhưng cũng có nhiều người khác trong Hàn Xã đậu cao, như Đồng Thành Nguyễn Đại Thành, Thường Thục Hứa Sĩ Nhu, Thượng Hải Từ Chuyển Tấn, Hoa Đình Ông Nguyên Thăng,… Tổng cộng đậu mười tám người, danh tiếng Hàn Xã đại chấn.

Ngày hai mươi ba tháng tám nhuận, Trương Nguyên hẹn Trương Đại cùng đến dự tiệc cử nhân của Vương Bính Lân, lại bắt gặp Trương Ngạc và Lỗ Vân Cốc khách khí thi lễ dưới tán thông thân trắng trước cửa. Đêm trước mấy huynh đệ Trương Đại đều đến Đông Trương uống rượu, còn Trương Ngạc lại không đến. Trương Nguyên buồn bực, Trương Ngạc là người thích náo nhiệt nhất, sao lại không đến dự tiệc, chẳng lẽ tự ti rồi ư? Lúc này biết được con trai bốn tháng tuổi của y sốt cao không hết, danh y Thiệu Hưng liền nói Lỗ Vân Cốc am hiểu nhi khoa nhất. Trước kia Trương Ngạc có chút lục đục với Lỗ Vân Cốc, gặp nhau trên đường đều trợn mắt mặc kệ, hiện nay y vì con trai mà bỏ luôn danh xưng công tử ăn chơi.

Nhìn Lỗ Vân Cốc và đồng tử gùi tráp dược đi khỏi, Trương Ngạc nói:

- Hôm nay mới biết được thần khí của thầy thuốc, may mà mời được y.

Trương Nguyên cười nói:

- Y thuật cao minh mới có thần khí, bằng không cũng bị ăn đấm.

Trương Ngạc phá ra cười, nói:

- Có chuyện cười kể rằng thầy thuốc chữa chết người, bị thân nhân người chết bắt trói, nửa đêm trốn thoát về bằng đường thủy, thấy con mình mới đọc “Mạch quyết”, y lắc đầu nói: “Con ta đọc y thư có thể hoãn lại, học bơi vẫn tốt hơn”, chẳng biết con của Lỗ Vân Cốc có học bơi hay không?

Trương Ngạc sực nhớ Lỗ Vân Cốc xem bệnh cho con mình, chuyện cười này không thể kể, liền hỏi Trương Nguyên đến có việc gì. Biết được hắn muốn đến phủ thượng Vương Tư Nhâm uống rượu, mặc kệ Vương Bính Lân có mời hay không, y nói:

- Vậy ta cũng đi, nghịch tử kia khóc nháo cả đêm không nghỉ, nếu không phải con ta thì đã đánh rồi. Đi, đi, cùng đi uống rượu.

Rồi để Lai Phúc vào nhà bẩm báo một tiếng.

Trương Đại dẫn theo hạ nhân tráng kiện bước ra, ba huynh đệ cùng Vũ Lăng, Lai Phúc, Năng Trụ, Phùng Hổ cùng hướng về phía Việt Vương kiều. Lai Phúc gánh theo lễ vật tạ sư của Trương Nguyên, dọc đường dân chúng trông thấy Trương Nguyên đều cười gọi “giải Nguyên lang”, Trương Nguyên đáp lễ liên miên.

Trương Đại cười nói:

- Giới Tử, đệ thật khiến ta ganh tỵ, vốn dĩ ta mười chín tuổi trúng cử là chuyện rất hứng thú, hiện tại lại không bằng đệ mười tám tuổi làm giải Nguyên lang, còn không bằng phong quang lúc mới làm sinh đồ.

Trương Ngạc cười ha hả:

- Trời sinh Du sao còn sinh Lượng.

Trương Nguyên cũng cười:

- Tính sao đây, thi hương sang năm đệ nhường Trạng nguyên cho đại huynh vậy.

Trương Đại cười hềnh hệch.

Từ Tây Trương Trạng nguyên đệ đến Việt Vương phủ hơn ba dặm đường, qua hai dặm nữa là đến Hạnh Hoa tự, trước chùa lại gặp Diêu Giản Thúc, y cũng đến dự tiệc của Vương Bính Lân. Y nói với ba huynh đệ Trương Nguyên:

- Mới cuối giờ Thân (15 – 17h), vẫn chưa khai tiệc, ta dẫn mọi người đi gặp một người ở sau Hạnh Hoa tự.

Trương Ngạc hỏi:

- Ni cô xinh đẹp à?

Diêu Giản Thúc cười đáp:

- Chư Kỵ tài tử Trần Hồng Thụ, tự Chương Hầu, Tông Tử hẳn là đã nghe qua.

Trương Ngạc mừng rỡ:

- Họa si Trần Chương Hầu, cao đồ của Hàng Châu danh gia Lam Điền thúc, ta từng xem qua “Thủy Hử nhân vật diệp tử” do Trần Chương Hầu vẽ, tuyệt diệu, Nghê Nguyên Lộ cũng rất bội phục. Trần Chương Hầu sao lại ở Hạnh Hoa tự?

Diêu Giản Thúc nói:

- Tháng hai năm nay mẹ y mất vì bệnh, anh của Trần Chương Hầu tranh chấp điền sản, y liền giao luôn toàn bộ gia sản cho anh, sau đó cùng thê tử mới cưới từ Chư Kỵ dọn đến Hội Kê định cư. Hội Kê Huyện lệnh Lai Kỳ Hành mới nhậm chức chính là nhạc phụ của y, chỗ mướn ở là phòng sản của Hạnh Hoa tự, mấy ngày trước mới vẽ cho chùa một bức Duy Ma Cật đồ. (Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa)

Trương Nguyên thầm nhủ:

“Trần Hồng Thụ chẳng phải là Trần Lão Liên hay sao, người xưng là trong ba trăm năm không có bút mực như thế này ở Đại Minh, nhân vật họa là nhất tuyệt, đi xem một chút cho biết.”

Bốn người Lai Phúc đợi trước cửa tự, ba huynh đệ Trương Nguyên theo Diêu Giản Thúc vòng ra phía sau Hạnh Hoa tự. Họ thấy mấy gian nhà ven sông được bao bọc bởi hàng rao cao bằng đầu người, cửa cài nho nhỏ. Bên trong có một lão bọc coi cửa, thấy Diêu Giản Thúc liền mở cửa để họ vào, nói:

- Công tử nhà tôi đang vẽ tranh.

Trương Nguyên theo Diêu Giản Thúc đến thư phòng của Trần Hồng Thụ, bắt gặp một nho sinh thanh niên áo mũ trắng toát đang chuyên tâm vẽ tranh. Nho sinh này tuổi chừng mười tám mười chín, y không hề ngẩng đầu, chỉ nói một tiếng mời ngồi rồi lo vẽ tiếp.

Nho sinh này đương nhiên là Trần Hồng Thụ. Trương Nguyên đứng một bên nhìn y vẽ, trong tranh hẳn là đạo giáo thần tiên, thiên nữ rải hoa đỏ, y vũ rực rỡ. Trần Hồng Thụ hạ bút cực nhanh, trong phút chốc đã vẽ xong mặt mũi một nhân vật, lại đứng thẳng người xem xét tỉ mỉ, sau đó lại lướt bút như gió.

Tà dương hạ ngoài Bạch Mã Sơn, ánh sáng trong phòng bất chợt mờ đi. Trần Hồng Thụ vẫn chuyên tâm vẽ, chỉ cúi đầu thấp một chút, lập tức có một tì nữ vào thắp đèn. Trương Nguyên khẽ kéo tay áo của đại huynh, cùng mọi người rời khỏi.

Ra đến cửa hàng rào thì Trương Ngạc tấm tắc khen:

- Quả nhiên vẽ rất hay, nhân vật sinh động có thần, hạ bút phóng khoáng.

Phụ thân Trương Bảo Sinh của Trương Ngạc là danh gia thư họa, Trương Ngạc tuy rằng không học hành không nghề nghiệp, nhưng mưa dầm thấm lâu, năng lực giám thưởng cũng không hề thấp.

Trương Nguyên đột nhiên nhớ ra Trần Lão Liên còn là cao thủ tranh khắc bản, liền nói:

- Không biết có thể thỉnh Trần Chương Hầu vẽ tranh minh họa cho thư cục Hàn Xã của chúng ta được không, “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long tái bản, cần bốn mươi bức tranh minh họa.

Trương Đại nói:

- Đợi tan tiệc chúng ta sẽ đến tìm y.

Tân khách tụ tập trước cửa phủ Vương Tư Nhâm, từ cửa đến đại sảnh đặt hơn ba mươi bàn tiệc. Vương Bính Lân đang chào hỏi nâng chén với mọi người, trông thấy bốn người Trương Nguyên đến thì hỏi han sơ lược, y nói:

- Giới Tử đệ sao giờ này mới đến, đệ theo ta vào trong ngồi.

Trương Nguyên để Lai Phúc gánh lễ vật cùng hắn vào trong tiểu viện phía tây sân trong, hắn đã ở nơi này khi học văn bát cổ với Vương Tư Nhâm vào ba năm trước. Đây gọi là Tây sương viện, bên kia cửa tròn chính là nơi ở của Vương sư mẫu, sư tỷ Tĩnh Thục và sư muội Anh Tư. Chỗ này đặt sáu bàn, đều là tộc nhân Vương thị và thân thích, Vương Bính Lân mời Trương Nguyên ngồi cùng với ba anh em vợ của mình, Trương Nguyên nói:

- Sư huynh, Vương lão sư ở Viên Châu xa xôi, đệ không thể đối mặt tạ ân sư nên muốn dập đầu với sư mẫu, liệu có được không?

Năm trước Trương Nguyên làm sinh đồ cũng đến phủ thượng của Vương lão sư dập đầu với sư mẫu.

Vương Bính Lân nói:

- Ta hỏi trước đã.

Y gọi một tiểu tỳ đến căn dặn vài câu. Tiểu tỳ đi khỏi, lúc sau nhanh chân trở về chuyển lời:

- Thái thái nói không cần, tâm ý của Trương công tử thái thái đã rõ, thỉnh đại thiếu gia khoản đãi Trương công tử.

Vương Bính Lân mỉm cười, nói với Trương Nguyên:

- Hôm nay khách đông, mẹ ta cũng phải tiếp nữ quyến trong tộc.

Trương Nguyên tự biết Vương sư mẫu có chút bất mãn với hắn. Sư muội Anh Tư đã mười tám mà vẫn chưa gả đi, chẳng phải do hắn trì trệ hay sao. Trương Nguyên gật đầu nói:

- Sư huynh cứ việc chào hỏi khách khứa, đừng quản đệ. Phải rồi, chế nghệ thi hương của đệ cất cùng với hộp quà.

Vương Bính Lân nói:

- Vậy ta mang vào trước.

Y thỉnh ba anh em vợ uống rượu cùng Trương Nguyên rồi rời đi.

Hai anh vợ và một em vợ của Vương Bính Lân đều biết uống rượu, cực kỳ kính phục giải Nguyên lang Trương Nguyên, họ luân phiên kính rượu với hắn. Rượu trong tiệc hôm nay là Kim Bàn Lộ của phủ Kim Hoa, nồng mạnh hơn cả rượu đậu Thiệu Hưng. Trương Nguyên không dám uống nhiều, nhưng không dám xem nhẹ nhiệt tình của họ. Hắn kính mỗi người một chén rượu, chắp tay nói:

- Ba vị nhân huynh, đệ quả thực uống không nổi, chốc nữa mà nôn hết ra thì mất hứng rồi.

Trên bàn có một mâm cá cháy chiên, chế biến rất ngon miệng. Trương Nguyên không khỏi nhớ đến năm ấy Hầu Huyện lệnh mời Vương lão sư dùng bữa tại huyện nha, khi đó hắn và Anh Tư cùng bàn, sư muội giả trang thành một thư sinh thanh tú, nàng rất thích ăn cá cháy, hai con cá cháy trong mâm đều bị một mình nàng ấy xử gọn.

- Trương công tử.

Một tiểu tỳ lặng lẽ tiến đến, nhẹ nhàng kéo tay áo Trương Nguyên rồi đi ra.

Trương Nguyên uống hết rượu trong chén, gắp một miếng cá cho vào miệng, lúc này mới đứng dậy nói:

- Ba vị nhân huynh, tại hạ tửu lượng không cao, thứ lỗi không tiếp mọi người được.

Ra khỏi tiểu viện Tây sương, Trương Nguyên trông thấy tiểu tỳ đứng cạnh mấy gốc nhạn lai hồng. Đợi hắn đến gần, tiểu tỳ nói:

- Trương công tử, nhị tiểu thư nhà tôi muốn gặp người, mời qua bên này.

Cô dẫn Trương Nguyên ra sau tiểu viện, nơi đó có một cánh cửa nhỏ, bên kia cửa là hậu hoa viên.

Tiểu tỳ nói:

- Trương công tử xin chờ một chút, nhị tiểu thư sắp đến rồi.

Dứt lời, cô khép hờ cửa lại, nhanh chân đi mất.

Không có ngọn đèn dầu, bầu trời cũng không có ánh trăng, chỉ điểm vài ngôi sao nhấp nháy, hậu viên chìm ngập trong đêm tối. Một ánh đèn tản nhạt không xua nổi đêm đen dày đặc ló sau cánh cửa, Trương Nguyên không thấy được gì hết, nhưng có thể ngửi được hương thơm thanh ngát và mùi bùn đất. Hắn rất quen thuộc với tình cảnh này, nhất là ở trong tiểu thuyết Minh – Thanh và hí khúc, đáng tiếc hắn không phải thư sinh chưa thành thân, “Tây sương ký” và “Trân châu tháp” chỉ đúng ở bề ngoài.

Từ dạo trước ôm rồi hôn nhau dưới gác gỗ ở Tị viên trong bóng tối, Trương Nguyên không cách nào tự gạt mình gạt người mà không đối diện với tình cảm giữa mình và sư muội. Anh Tư không thể gả cho người khác nữa, chỉ mình hắn mới có thể lấy, song vấn đề danh phận là hòn núi lớn chắn giữa hai người, lời nói của sư tỷ Tĩnh Thục vẫn còn văng vẳng bên tai:

- Trương Giới Tử, đường đường là nam tử như đệ lại không nghĩ ra cách nào ư? Lẽ nào thật sự để Anh Tư tiều tụy cả đời vì đệ?

Trương Nguyên đứng bên cạnh khe cửa hở ra ánh đèn, không hề động đậy, tựa như một tượng đá. Hồi lâu sau có tiếng bước chân vang khẽ, tiểu tỳ nọ quay lại, sốt ruột nói:

- Trương công tử, nhị tiểu thư nhà tôi không biết đi đâu mất, tiểu tỳ tìm mãi không thấy.

Trương Nguyên nói:

- Không sao, ngươi về đi, ta đợi ở đây một lát, hoa trong vườn này rất thơm.

Tiểu tỳ nói:

- Vậy tiểu tỳ đi tìm, Trương công tử chớ lo.

Trương Nguyên nói:

- Ngươi đến chỗ khác hỏi thử đi.

Tiểu tỳ nói:

- Tiểu tỳ hiểu rồi.

Cô xoay người định đi, đột nhiên nghe thấy có người cười một tiếng, sau đó liền nói:

- Thanh Bình, ta ở đây.

Trương Nguyên và tiểu tỳ nọ bị bất ngờ nên giật mình kinh hãi, lập tức nhận ra giọng nói của Vương Anh Tư. Thanh Bình gọi một tiếng:

- Nhị tiểu thư!

Vương Anh Tư bước đến dưới ánh đèn chập chờn, cô mặc áo váy màu vàng nhạt, tay cầm một quyển sách, đôi mắt to tròn, cười khanh khách:

- Thanh Bình ngươi ra đi, không còn việc gì nữa.

Thanh Bình đáp ứng, nhìn nhìn Trương Nguyên, lại quay sang nhìn nhị tiểu thư, cô rời hậu viên rồi đóng kín cửa, ánh đèn bị gián đoạn, hậu viên lập tức tối mịt.

- Sư huynh.

Vương Anh Tư lại gần, người tỏa hương thoang thảng, bàn tay mềm mại đặt vào tay của Trương Nguyên, hắn nắm lấy, cười khẽ:

- Làm ta giật mình, sư muội luôn rình ở một bên à?

Vương Anh Tư cười nói:

- Xem sư huynh có đợi đến mất kiên nhẫn hay không.

Trương Nguyên nói:

- Nguy quá, “quân tử thận độc”. (quân tử dù ở một mình chốn không người cũng phải cẩn thận ngôn hành của mình)

Vương Anh Tư đứng trong bóng tối cười ríu rít:

- Khi nãy sư huynh đứng im lìm không nhúc nhích, đang nghĩ gì đó?

Trương Nguyên nói:

- Sư muội trốn vào chỗ tối nhìn ta mà không hề nhúc nhích, muội đang nghĩ gì vậy?

Vương Anh Tư thấp giọng:

- Sư huynh không vui sao?

Trương Nguyên nói:

- Đâu có, ta nghĩ nên làm thế nào để sư muội vui.

Vương Anh Tư cười khúc khích, cảm xúc hụt hẫng lập tức tiêu biến, cô vui vẻ nói:

- Muội không buồn đâu, luôn vui vẻ mà, biết được anh muội và Giới Tử sư huynh đậu cao, muội cứ cười mãi.

Cô khẽ nhích quyển sách đang cầm trong tay vào ngực Trương Nguyên:

- Đây là chế nghệ thi hương của sư huynh, muội đã xem bảy bài đạo trường, sư huynh viết rất tốt, thanh lịch tao nhã, không thể bắt bẻ.

Mặc dù lòng đang nặng trịch, nhưng trông thấy sư muội Anh Tư cười nói huyên thuyên,Trương Nguyên bất giác vui hẳn lên, hắn cười:

- Sư muội còn giỏi hơn ta, may thay sư muội là nữ nhân không thể đi thi, nếu không thì muội đã đoạt giải Nguyên của ta rồi.

Vương Anh Tư cười:

- Khó lắm, tài học của sư huynh tiến triển cực nhanh, muội theo không kịp.

Trương Nguyên nói:

- Không phải ta còn ở đây sao.

Vương Anh Tư không nói nữa, thân người nhích lại gần, Trương Nguyên ôm cô vào lòng, giống như hoàng hôn tại Tị viên ngày ấy. Một lúc sau, Vương Anh Tư thở dài, cười khẽ:

- Cảm giác thật tốt, tim của huynh cứ đập thình thịch kề sát muội, sư huynh, chúng ta đến giàn hoa kia nói chuyện đi.

Đoạn cô cười một tiếng, nhẹ nhàng nói:

- Bên chỗ mẹ muội đã có tỷ tỷ nói giúp rồi – sư huynh, chúng ta thế này có giống yêu đương vụng trộm không?

Sư muội Anh Tư nói chuyện quả không kiêng kỵ gì hết, Trương Nguyên đành hết cách.

Vương Anh Tư kéo tay Trương Nguyên đi xuyên qua giàn hoa trong hậu viên tối tăm, Vương Anh Tư nói:

- Khu vườn này muội có nhắm mắt cũng biết đường đi.

Ở lâu trong bóng tối, Trương Nguyên cũng có thể mơ hồ phân biệt đồ vật, theo Vương Anh Tư lách qua một hòn giả sơn thì thấy một giàn hoa, sắc hoa tiêu điều chỉ còn lại cành khô. Trong giàn có một băng ghế gỗ dài, ngồi xuống ngửa đầu lên nhìn thì có thể thấy bầu trời sao lấp lánh qua cành lá thưa thớt, đêm thu đầy sao, trời càng khuya sao càng sáng rõ.

Vương Anh Tư ngồi dựa sát vào người Trương Nguyên, chỉ về hướng lồng đèn nhỏ treo trên cây quế bên tường ngoại viên không xa, cô nói:

- Đó là lồng đèn khi nãy muội mang theo, đợi chút nữa sư huynh lấy để soi đường.

Trương Nguyên nói:

- Không cần, chốc nữa ta còn phải về tiền viện.

Hai người ngồi kề cận dưới giàn hoa thưa thớt, cũng không thiết tha muốn ôm thân mật gì đó, Trương Nguyên đương nhiên là khắc chế, Vương Anh Tư cảm thấy có thể dựa vào Giới Tử sư huynh ấm áp là mừng lắm rồi. Hai người trò chuyện rất lâu, mãi đến khi có một tiểu tỳ xuất hiện dưới đèn lồng treo bên tường gọi: “Nhị tiểu thư, nhị tiều thư, tiệc tan rồi!” thì hai người mới tách ra.

Vương Anh Tư liền nói:

- Đợi chút, ta về liền.

Rồi cô kéo Trương Nguyên đến bên cửa nhỏ, nói lời từ biệt:

- Sư huynh, chúc huynh vào kinh thuận buồm xuôi gió, thi xuân sang năm thắng lớn, đạt được hoài bão bình sinh.

Ngập ngừng, cô lại nói:

- Khi nãy nói nhiều như vậy, có lẽ sư huynh cũng hiểu tâm ý của muội rồi.

Trăng tàn tựa câu liêm treo cao trên Hạnh Hoa tự, tỏa ra ánh xanh thanh khiết rọi trên mi nhãn của Vương Anh Tư, kiều mị khôn cùng.

Trương Nhược Hi không thể ở lâu tại nhà mẹ đẻ, mấy ngày nay nàng cùng Vương Vi, Y Đình kiểm lại việc bố trí hiệu vải Thịnh Mỹ bên Sương Lộ kiều. Ngày hai mươi tám tháng tám nhuận họ sẽ rời Sơn Âm trở về Thanh Phổ, Vương Vi cũng đồng thuyền đi Hàng Châu, hiệu vải Thịnh Mỹ ở đó cũng cần Vương Vi quản lý.

Chiều thu mát mẻ bên Bát Sĩ kiều, gió tây hiu hiu, nước sông lờ lững, thuyền gia đã rút lại tấm ván nối bờ, định tháo dây khởi hành, Trương Nguyên đột nhiên vén vạt áo nhảy lên mũi thuyền, Tiết Đổng mừng rỡ nói:

- Trương tướng công muốn đi cùng mọi người sao?

Thuyền cách bờ vài thước, Mục Chân Chân nhún người, chân bật mạnh phi lên thuyền, tà áo vải xanh xòe ra như quạt, Lai Phúc và Vũ Lăng trên bờ chỉ biết trố mắt nhìn.

Trương Nguyên xoa xoa đầu Tiết Đổng, quay lại nói với phụ thân Trương Thụy Dương đang đứng đầu cầu:

- Con tiễn tỷ tỷ một đoạn, còn vài điều muốn nói, đến hồ Đông Đại sẽ xuống thuyền quay về.

Trương Nhược Hi nói:

- Phụ thân bảo trọng, một năm nhi nữ sẽ về khoảng một, hai lần để thăm hỏi song thân.

Trương Thụy Dương căn dặn Trương Nhược Hi:

- Con cũng đừng quá lao lực, nữ nhân như con bôn ba trăn trở cũng không tốt, để Lục Thao làm chủ nhiều một chút.

Trương Nhược Hi nói:

- Nữ nhi đã hiểu.

Nàng quay lại liếc nhìn Trương Nguyên, nghĩ bụng: “Hơn phân nửa là mình giúp tiểu Nguyên làm việc mà.”

Thuyền rời Bát Sĩ kiều, hướng vể cửa sông thành Sơn Âm.

Trương Nhược Hi bước vào phòng nhỏ trong khoang thuyền ngồi xuống, nàng nhìn Trương Nguyên, cười nói:

- Đệ lưu luyến Vương Tu Vi phải không, nói chuyện với tỷ chỉ là mượn cớ.

Vương Vi cúi đầu đứng một bên, tay vịn cửa sổ mạn tàu, khẽ cười.

Trương Nguyên cười nói:

- Đích thực là có chuyện muốn nói cùng tỷ tỷ, chuyện rất quan trọng.

Hắn ngồi xuống bên cạnh tỷ tỷ Trương Nhược Hi, nói:

- Đệ mới nhớ ra một chuyện, hiệu vải Thịnh Mỹ của chúng ta có thể hợp tác với cục Dân tín của phủ Ninh Ba, vận chuyển hàng hóa thông qua cục Dân tín hẳn là nhanh hơn thuyền, hơn nữa phí tổn cũng rẻ hơn một chút. Có rất nhiều chuyện không thể tự mình lo hết, như vậy quá mệt mỏi, hợp tác mới là cách tốt nhất.

Trương Nguyên nói gì thì Trương Nhược Hi nghe theo, nàng nói:

- Vậy được, đệ còn ở nhà chừng hơn một tháng, việc này để đệ lo, chẳng phải phụ thân đã nói tỷ không nên quá lao lực hay sao.

Trương Nguyên cười đáp:

- Phải, tỷ tỷ đại nhân, đệ sẽ tranh thủ thời gian đến Từ Khê một chuyến.

Trương Nhược Hi bất giác mỉm cười, hỏi:

- Không có chuyện gì nữa thì nhanh chóng nói chuyện với Tu Vi đi, thuyền này đi rất nhanh.

Nói rồi nàng cười tủm tỉm trở về phòng của mình.

Những người khác đều lui ra hết, trong phòng nhỏ chỉ còn lại Trương Nguyên và Vương Vi.

Thuyền đã ra đến cửa sông thành Sơn Âm lướt về phía tây, trước mặt không xa là nơi giao hòa giữa nước sông và nước trong hồ Đông Đại. Trương Nguyên đến gần cửa sổ, kề vai cùng Vương Vi ngắm dòng nước bên ngoài.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx