sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúng Tôi Đã Chịu Đựng Gian Khổ Như Thế Nào?

Hai người cùng sống trong một khu phố. Một người da ngăm đen, người kia tóc vàng. Ngay từ khi còn bé, cậu da ngăm đen gầy gò, còn cậu tóc vàng to béo. Cậu gầy gò thì cao nhỏng còn cậu to béo thì thấp lùn. Một người là con nhà giàu, người kia là trẻ mồ côi.

Khi còn là những đứa trẻ nhỏ chơi bóng trên các bãi cỏ, một người kêu lên:

- Ai chơi với tôi?

Còn người kia thì nói:

- Tôi chơi với ai?

Sau này trong suốt cả cuộc đời họ vẫn hỏi như thế. Một người hỏi: "Ai chơi với tôi?" còn người kia thì hỏi ngược lại: "Tôi chơi với ai?"

Họ bằng tuổi nhau, nên đi học cùng nhau, nhưng tốt nghiệp thì không cùng năm. Người vẫn hỏi câu: "Tôi chơi với ai? "Tốt nghiệp trung học sau ba năm người hỏi câu: "Ai chơi với tôi?"

Họ học cùng một lớp; một người khi kiểm tra thì cho chép bài, người kia thì chuyên chép bài của bạn. Khi là người chuyên chép bài không thể lên lớp trên được, thì người cho chép bài không hề nhìn vở người khác, vẫn là học sinh nhất lớp.

Không hiểu tôi có nên nêu tên họ ra đây không?

Nhưng các bạn hẳn sẽ đoán ra họ là ai ngay thôi. Cả hai đều là những nhà hoạt động nổi tiếng. Vì vậy chúng ta không nên nêu tên họ ra đây. Nhưng nếu bạn muốn chúng ta có thể gọi anh tóc vàng người béo tốt vẫn hỏi câu: "Tôi chơi với ai?" là Akhmét, còn người kia là Mekhmét.

Khi Mekhmét tốt nghiệp đại học xong đã đi làm kiếm sống, thì Akhmét chỉ mới học xong trung học. Cả hai người bạn cùng sang châu Âu một lúc. Mekhmét thi tuyển, đỗ đủ điểm nhận học bổng du học nước ngoài còn Akhmét cũng đi học nước ngoài nhưng bằng tiền của bố. Mekhmét học xong đại học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ở lại làm việc hai năm sau mới trở về nước. Còn Akhmét sang châu Âu học để thành kỹ sư hoá học. Trong mười năm chu du ở châu lục này, nhưng cuối cùng thì anh vẫn chưa thành nghề gì. Trở về Thổ Nhĩ Kỳ, anh nói tiếng Anh như gió, nói tiếng Pháp tàm tạm.

Mekhmét đi làm viên chức nhà nước. Akhmét vẫn sống bằng nguồn tiền do người cha để lại; anh ăn tiêu hoang phí vô độ, nên chẳng mấy chốc mà khánh kiệt. Rồi sau anh kiếm được cô vợ gia đình giàu có và bắt đầu sở hữu mọi tài sản, của cải của ông bố vợ.

Mekhmét cưới vợ, trở thành người cha của ba đứa con: hai trai, một gái. Akhmét cưới vợ những ba lần, nhưng anh vẫn chưa có lấy một mụn con. Sau khi cưới vợ lần thứ tư, anh mới hiểu ra rằng chuyện con cái đến giờ đã muộn.

Mekhmét không chịu làm những việc mờ ám, biến cơ quan nhà nước thành nơi kiếm chác béo bở của đảng cầm quyền, vì thế anh xin về hưu. Để đảm bảo cuộc sống của gia đình, anh quay sang hoạt động kinh doanh tư nhân. Anh nghĩ rằng người trí thức cần phải hoạt động chính trị, nên anh đã gia nhập đảng đối lập.

Còn đối với Akhmét, sau một thời gian phá tan tài sản của ông bố để lại không thể móc hầu bao hơn nữa của bố vợ, anh cũng đành lún sâu vào chính trị.

Thế là từ khi ấy những mối bất hoà lớn bắt đầu nẩy sinh giữa Mekhmét và Akhmét. Hai người bạn này vốn có những chính kiến đối lập nhau, luôn luôn tranh luận nhau, và từ khi họ hoạt động chính trị thì những cuộc tranh luận lại càng gay gắt hơn.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, Akhmét thừa nhận sự hơn hẳn của Mekhmét trong nhiều lĩnh vực, nên anh thường xuyên hỏi ý kiến bạn về những việc quan trọng mặc dù không tránh khỏi một chút tự ái trong lòng. Anh hy vọng rằng Mekhmét cuối cùng sẽ chia sẻ quan điểm của anh và ủng hộ những quan điểm ấy. Nhưng anh không hề áp dụng bất cứ một lời khuyên nào của Mekhmét mà luôn hành động ngược lại.

Hôm ấy Akhmét lại đến gặp bạn để kể về nguyện vọng gia nhập đảng cầm quyền của mình. Mekhmét đã tìm mọi cách chứng minh một cách điềm tĩnh và hợp lô gích cho bạn mình hiểu rằng, anh nên gia nhập đảng đối lập chứ không phải đảng cầm quyền.

Akhmét không nghe lời khuyên của bạn và hành động theo ý mình. Anh không chỉ là đảng viên thường mà còn trở thành một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của đảng cầm quyền. Và chẳng bao lâu sau đó một số trùm sò vốn xưa nay vẫn kêu gào ủng hộ Chính phủ một cách không biết mệt mỏi đã ngả theo anh. Mekhmét trở thành một trong những thủ lĩnh của đảng. Gia đình anh chuyển đến ở một biệt thự sang trọng. Anh đã được cấp xe con riêng từ trước đó khá lâu, nói tóm lại anh đã được quý nhân phù trợ...

Nhưng thế vẫn chưa hết: anh ra sức tán dương những tư tưởng của đảng mình nhằm chọc tức bạn. Thế là Mekhmét không chịu nổi, điên tiết lên anh hét to:

- Đồ bịp bợm!

Akhmét cười ha hả hỏi:

- Ai là đồ bịp bợm?

- Chính cậu, đảng cầm quyền của cậu và những ông chủ của cậu!

Sau đó Akhmét bắt đầu giải thích rất lâu về công lao của đảng mình trước đất nước.

Sau khi dẫn đầu đoàn đại biểu đi tham quan nghiên cứu mười bảy tháng khắp các nước châu Âu và châu Mỹ, xem xét tình hình diệt muỗi ở các nước bạn trở về được vài ngày. Akhmét lại đến gặp anh bạn cũ. Lần này chính anh bắt đầu dạy bảo Mekhmét điều hay lẽ phải. Anh ra sức lôi kéo anh bạn gia nhập đảng mình. Vâng, bình thường ra thì chưa chắc người ta đã kết nạp Mekhmét vào đảng cầm quyền, nhưng nhờ có sự giới thiệu của Akhmét việc này sẽ dễ dàng được thu xếp ổn thoả. Tại sao Mekhmét lại không muốn phục vụ đất nước. Tại sao lại phải chịu cảnh thiếu thốn? Anh ta cam chịu cảnh nghèo hèn đã đành, hà cớ chi lại bắt vợ con phải chịu đựng đau khổ?

Kết thúc cuộc tranh cãi gay gắt này Mekhmét lớn tiếng tống cổ Akhmét ra khỏi nhà.

Vào ngày kỷ niệm tám năm lên nắm quyền của đảng cầm quyền, Akhmét không kìm mình được lại đến thăm anh bạn cũ. Lần này cuộc tranh luận bắt đầu trong bữa ăn tối. Mekhmét vốn nổi tiếng là người bình tĩnh, lần này không chịu đựng được nữa quên hết cả lòng mến khách, nổi đoá lên tương cả đĩa đầy xa lát dưa chuột lên đầu Akhmét.

Và thế là Akhmét trở thành một trong những người giàu có nhất nước. Mọi công việc lớn bé trong nước, vắng anh là không thể xong được. Mọi nơi và mọi người đều cần tới anh. Vào dịp kỷ niệm mười năm lên nắm chính quyền của đảng cầm quyền, không tránh được sự cám dỗ, anh lại đến nhà người bạn cũ. Nói chuyện bình thường với nhau được độ mười phút thì nổ ra tranh luận.

Akhmét không ngại ngần đưa ra hàng loạt những lời trích dẫn hô hào suông của đảng cầm quyền, dạng như "Tương lai tươi sáng của chúng ta", "Chúng ta sẽ làm thay đổi bộ mặt của quê hương đất nước", "Sự phồn vinh chưa từng có của đất nước chúng ta", "Trên mỗi con phố của chúng ta có những bốn nhà tỷ phú. Mekhmét lịch sự nói với Akhmét rằng, rồi sẽ đén lúc anh sẽ báo cáo cho mọi người biết kết quả những công việc của mình. Nhưng Akhmét cho rằng, không ai cần thiết đến cái báo cáo ấy của anh. Liệu có ai hỏi đến điều đó. Bởi vì chính đảng của anh ấy không bao giờ chịu nhượng bộ chính quyền của mình cho người khác. Họ luôn luôn thu được đủ số phiếu cần thiết. Bởi vậy họ là những người lương thiện. Sau khi tranh cãi khá lâu, Akhmét kêu lên:

- Các anh là những kẻ chống đối vô ân bạc nghĩa có mắt cũng như mù, không biết gì về cuộc sống! Con rắn nhiều đầu của phe đối lập sẽ bị giẫm chết! Chúng tôi sẽ cho các anh xuống bùn đen vạn kiếp.

Mekhmét nhổ vào mặt Akhmét và đuổi anh ta ra khỏi nhà và sau đó do quá xúc động, suýt nữa thì anh bị đột qụy vì nhồi máu cơ tim.

Hai tháng sau sự kiện này, Akhmét lại muốn gặp Mekhmét. Nhưng Mekhmét trả lời bạn trên điện thoại rằng, anh không hề muốn gặp Akhmét nữa.

Anh không muốn dây bẩn bàn tay mình, khi buộc phải bắt cái bàn tay bẩn thỉu của người bạn cũ nữa.

Tuy thế chỉ mấy tuần sau Akhmét vẫn đến. Mekhmét bảo người nhà nói anh đi vắng.

Nhưng bỗng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thức dậy người dân mới biết rằng, trong nước đã xảy ra đảo chính Chính phủ. Tất cả các thành viên Chính phủ, những kẻ hoạt động phi pháp, áp bức, bóc lột nhân dân, những kẻ biển thủ tài sản quốc gia đã bị bắt bỏ tù.

Mekhmét vui mừng khôn xiết. Anh chỉ áy náy một điều: Không hiểu số phận người bạn cũ ra sao.

- Việc gì mà anh phải dằn vặt vì anh ấy? – Vợ anh nói – Chả lẽ không phải anh đã từng quát thẳng vào mặt bảo anh ấy là đồ ăn cắp à? Chả lẽ không phải anh đã từng tống cổ anh ấy ra khỏi nhà rồi à?

- Thì chính anh mà lại, - Mekhmét trả lời vợ, - nhưng dù sao thì anh và anh ấy đã từng là bạn bè của nhau trong nhiều năm. Giờ anh ta đang phải ngồi tù. Anh không lo ngại những gì xảy ra với anh ta. Có gan ăn cắp, thì có gan chịu đòn... Anh chỉ buồn một nỗi, tại sao anh ta lại hành động như vậy. Chính anh là người quen thân với Akhmét đã bốn mươi ba năm mà không thể chỉ ra cho anh ta thấy được rằng anh đang đi lạc đường!...

Mắt Mekhmét rơm rớm lệ, cặp môi anh run lên giọng anh trùng hẳn xuống, như người sắp khóc.

Đúng lúc này thì nghe thấy tiếng gõ cửa, Akhmét đến. Anh ta lao vào ôm choàng lấy Mekhmét, nói không kịp thở:

- Ôi lạy thánh Ala, ôi người anh em thân mến!

Mekhmét đoán rằng, bạn anh sẽ nói: "Trời ơi, sao tôi lại gia nhập đảng này? Tại sao tôi lại không nghe lời anh khuyên? Anh hãy cứu vớt tôi!" Nhưng không phải thế. Akhmét kết thúc câu chuyện lộn xộn như thế này:

- Tôi đã khá lên vì sung sướng. Lạy thánh Ala đã cho chúng con sống đến ngày hôm nay... Tôi sung sướng muốn phát điên lên được!...

Mekhmét há hốc mồm vì ngạc nhiên, trong khi Akhmét vẫn tiếp tục:

- Ôi, người anh em, tôi phải chịu đựng biết bao nhiêu điều lo lắng vất vả!... Nỗi đau khổ triền miên đó chẳng thể nào tả nổi và tưởng chừng không vượt qua được trong mười năm qua!

- Anh phải chịu đựng cái gì? – Mekhmét hỏi lại rất vô tư.

- Cầu mong thánh Ala đừng để ai khác nữa phải chịu đựng cảnh khổ cực này.

Mười năm qua mình không dám nói hé răng với ai một lời rằng mình tham gia bí mật đảng đối lập. Thậm chí đối với cả bạn bè quen biết nhau hàng chục năm trời mình cũng không dám nói thật. Cậu thử nghĩ xem, mình đã đau buồn biết bao giấu kín mọi điều trong lòng. Ôi những quân bạo tàn, ôi những kẻ đểu cáng!... Chúng thi nhau áp bức đè nén, dân mình!... Chúng ta phải chịu cảnh khổ lầm than!... Người nhưng em thân mến của tôi ơi, tôi đã giấu cả anh rằng tôi có chân trong đảng đối lập. Chả lẽ những nỗi đau khổ của anh so sánh nổi với những nỗi đau khổ của tôi ư? Ít nhất thì anh cũng dám công khai tuyên bố rằng anh là đảng viên đảng đối lập. Tôi đã ở đảng đối lập nhưng để giấu kín điều này, tôi đã buộc phải gia nhập đảng cầm quyền...

Mekhmét thấy bủn rủn cả người, anh buông mình xuống chiếc ghế xa lông.

- Chà chà! – Mekhmét chỉ biết xuýt xoa ngạc nhiên.

- Anh có thấy thương tôi không? – Akhmét hỏi. – Anh có thương bạn không? Tôi đáng thương lắm!

- Không, không, - Mekhmét trả lời. – Anh chẳng có gì đáng thương. Tôi không thương anh. Tôi thương đất nước mình!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx