sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Trả Tiền Sợ

Mình thật ngạc nhiên là ở một thành phố lớn với hơn hai triệu dân như Stambul mà một người như cậu lại bỗng nhiên không thể tìm được việc làm! – Anh Xabakhatin nói với tôi thế.

- Nghĩa là mình là một trong số hai triệu người mà anh vừa nói tới! Biết làm thế nào được, tôi đi khắp mọi nơi mà vẫn chưa tìm được việc làm! – Tôi trả lời anh Xabakhatin như vậy.

- Để có công ăn việc làm không nhất thiết phải đi lùng sục khắp thành phố!

- Vậy phải làm thế nào?

- Chỉ cần động não một chút là có thể nghĩ ra được việc làm cho mình.

- Cậu nói rõ lạ! Đến cả Chính phủ còn không giải quyết nổi, huống hồ là cái thằng khốn cùng như mình thì làm sao mà nghĩ ra nổi điều gì!

- Xin chớ, xin chớ nói thế! Khi đã trở thành thành viên Chính phủ thì họ chỉ nghĩ về mình thôi!

- Thì chính vì không nghĩ được gì cho bản thân nên mình không thể trở thành Chính phủ được!

Đoạn đối thoại này giữa tôi và anh Xabakhatin xảy ra trong cảnh ồn ào đông đúc trên quảng trường Eminheu hôm ấy. Anh Xabakhatin vốn là bạn cũ của tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng anh kéo tay tôi lôi vào quán cà phê trong sân giáo đường Enitgiami.

- Thế cậu làm gì bây giờ? – Tợp xong ngụm cà phê tôi hỏi anh bạn.

- Mình là một doanh nghiệp tự do! Ngày hôm nay mình chưa biết ngày mai sẽ "trúng quả" gì. Tất cả phụ thuộc vào cục diện chung.

- Nhưng bạn ơi để mà trở thành một doanh nghiệp tự do thì phải có một số vốn không nhỏ! Cái thời làm ăn cò con đã lùi xa vào quá khứ rồi!

- Nếu có cái đầu tỉnh táo thì chẳng cần vốn liếng gì đặc biệt! Trước kia mình đã từng chịu cảnh thất nghiệp hai năm. Đó là bài học cay đắng đối với mình. Giờ thì không bao giờ chịu cảnh ấy nữa!

Chúng tôi ngồi yên lặng một lát.

- Anh nghĩ thế nào về chủ nghĩa xã hội? – Bỗng nhiên anh hỏi tôi. Câu hỏi bất ngờ cứ như ở trên trời rơi xuống.

- Chủ nghĩa xã hội nào?! – Tôi đáp gay gắt. – Cậu nói nhăng nói cuội kiểu gì thế?

- Không có gì nhăng nhít cả. Thế cậu có hiểu thế nào là chủ nghĩa xã hội không?

- Vì thánh Ala cậu hãy im đi cho tớ nhờ! Chẳng may có ai nghe thấy câu chuyện này của chúng mình thì sẽ lôi thôi to! Mình không dính dáng gì đến chuyện này.

- Giờ thì mình rõ rồi! Cậu thất nghiệp là phải! Cần phải hiểu điều gì đang xảy ra trên thế gian này. Ngày nay ở nước Thổ người ta nói nhiều nhất về điều gì? Trong các quán cà phê hay ở nhà, người nghèo hay người giàu, phụ nữ hay đàn ông, đâu đâu, ai ai cũng chỉ thấy nói về chủ nghĩa xã hội. Điệu nhảy Trixt và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội và điệu nhảy Trixt - đó là những câu chuyện hợp mốt nhất! Mười lăm năm trước tôi đã có được bài học đích đáng về cái đề tài này. Hôm ấy khi đi ngang qua một bệnh viện nào đó trong thành phố, tôi bỗng thấy đám đông đang tụ tập ở cổng vào bệnh viện. Tất cả họ đều tiều tụy, trông rất thảm hại, cứ như là những người vừa từ cõi chết trở về sau một trận dịch hạch khủng khiếp! Tôi hỏi một người nằm ngay trên lòng đường, mình đắp chiếc chăn rách bẩn thỉu, xem họ làm gì ở đây. Để nghe thấy tiếng trả lời của ông ta, tôi phải cúi gập người xuống mới nghe rõ. Hoá ra họ là những bệnh nhân mà bệnh viện không nhận điều trị, nên không biết đi đâu và tiền cũng không có lấy một xu để mua lấy chiếc bánh mỳ cứng. Nghe thấy thế tôi vội lao đến hiệu bánh mì gần nhất mua một chục chiếc bánh mì và đến quầy hoa quả mua ít cà chua và nho. Tôi phân phát bánh mì và hoa quả, ngoài ra còn cho mỗi người một lia nữa. Tôi lên xe buýt mà trong lòng vẫn không thấy an tâm. Đến bến cuối, tôi vừa xuống xe thì bỗng có một người đến vỗ vai tôi: "Anh cứ đi đã!..." Nói tóm lại đó là nhân viên cảnh sát, các bạn ạ! Hắn dẫn tôi đi vòng vèo một đoạn rồi mới hỏi:

"Tại sao anh phát bánh mì và cho tiền những người ở cổng bệnh viện?" "Thấy họ đói khát tôi động lòng thương nên mới cho họ bánh mì và tiền". "Thế anh là Chính phủ chắc? Anh nghĩ là ngoài anh ra, không có ai thương xót họ hay sao? Anh lấy tiền ở đâu ra để cho họ". "Hoá ra cái lòng từ tâm ấy của tôi được đánh giá như là hành động của một kẻ điên khùng hoặc của mọt người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Hắn kiểm tra thấy tôi không phải bị điên, vậy đích thị tôi là người tôn thờ chủ nghĩa xã hội rồi. Bạn hãy thử nghĩ mà xem: Có ai cho tiền ai không bao giờ đâu! Hắn tra hỏi tôi đủ điều. "Tôi ra sức phủ nhận là người theo chủ nghĩa xã hội!" – "Thế thì anh hãy chứng minh đi!" – Hắn vẫn một mực buộc tội tôi. Nhưng tôi biết chứng minh thế nào! Sở cảnh sát yêu cầu tôi phải có giấy bảo lãnh của hai công dân đáng kính, trung tín với Chính phủ. Chẳng hạn như bảo lãnh của một nhà buôn nào đó đăng ký ở phòng Thương mại; hoặc ít nhất là của một người đại diện hợp pháp của ông ta. Thủ tục hoàn toàn giống như thủ tục cho vay tín chấp. Sau khi tôi bị tạm giam chín ngày thì tôi mới chứng minh được với sở cảnh sát rằng, tôi không phải là người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Kể từ ngày ấy, khi mới nghe thấy vần đầu: "Chủ..." của từ chủ nghĩa xã hội là tôi đã bỏ chạy bán sống, bán chết... Rồi anh Xabakhatin hỏi thẳng tôi: "Thế cậu nói đi, cậu có muốn làm việc với cánh mình không?"

- Công việc gì vậy?

- Cậu chẳng cần biết việc gì, cứ miễn có nhiều tiền là được. Chúng mình hiện có hai người, cậu nữa sẽ là ba. Người đồng sự của mình sẽ đến ngay bây giờ thôi.

Quả nhiên anh ta không để chúng tôi phải chờ đợi lâu.

- Các bạn hãy làm quen nhau đi! Nếu anh cảm thấy thích anh bạn này, thì chúng ta lấy vào nhóm để cùng làm, - bạn tôi giới thiệu tôi.

Anh ta nhìn tôi chăm chú từ đầu tới chân.

- Theo tôi, được đấy, - anh ta nói lí nhí. – Dáng vẻ đường bệ, có dáng... lại có cái bụng "đẹp" nữa...

- Trước kia anh ta vốn cao lêu đêu như cò hương nay sinh béo đẫy ra. Cái cổ nung núc những thịt là thịt.

Tôi nhìn lại người một cách nghi ngại. Không, họ không nói đùa.

- Này, nhưng rốt cuộc mình sẽ phải làm gì? – Tôi hỏi lại.

- Công việc không có gì khó. Cậu chỉ việc đi cùng với chúng mình, thế là xong, - anh Xabakhatin nói. – Vào việc rồi cậu sẽ hiểu.

- Thế còn dáng người, cái bụng, cái cổ liên quan gì đến công việc?

- Cái đó rất quan trọng. Mình người ngắn có một mẩu. Anh bạn kia cao ngỏng như cái sào. Dáng vẻ đường bệ của cậu bổ sung cho chúng mình, giúp cho công việc thêm thuận lợi. Cái cổ, cái bụng "bự" của cậu dễ gây niềm tin cho mọi người, kể cả những người đa nghi nhất. Từ lâu rồi chúng mình vẫn mơ ước có được một "bộ tam" như hiện nay. Cậu là một "hội viên" hết ý...

Đúng lúc tôi đang cần tiền và công việc làm nên tôi không hỏi tọc mạch xem mình phải làm gì nữa. Tôi chỉ muốn biết, liệu mình sẽ được trả mỗi tháng bao nhiêu?

Chúng mình có tiền lương cố định. Khi công việc thuận lợi, trong tay chúng ta sẽ có vài ba nghìn là chuyện bình thường. Đó là thu nhập chung của chúng ta.

Tôi đoán chừng có lẽ đây là một công ty thương mại.

- Anh có khái niệm gì về chủ nghĩa xã hội không? – Anh bạn sếu vườn hỏi tôi.

- Lạy thánh Ala, xin các anh đừng nói gì về chủ nghĩa xã hội cả!... Tôi đã bị một vố nên thân khi bị "dính" vào chuyện này...

- Hay lắm! thật là một sự may mắn ngẫu nhiên.

- Thế công việc của các anh có làm Chính phủ không hài lòng không?

- Ấy, chớ có dại! Để mà kiếm được đồng tiền thì cần phải trông vào Chính phủ như đi biển phải nhìn la bàn. Tóm lại cần phải thính mũi.

- Vậy các bạn hãy nói cho tôi biết, công việc của chúng ta là làm gì? Sao các anh cứ bí mật với tôi mãi thế?

- Chủ nghĩa xã hội là con ngoáo ộp đối với bọn nhà giàu, - anh bạn cao ngoẵng lại nói.

- Hoàn toàn đúng. Vì vậy chúng ta dựa vào điều này để kiếm tiền. Giống như một số loài vật trước khi động đất xảy ra rất lâu chúng co rúm ép sát lại với nhau vì linh cảm thấy trước điều bất hạnh, bọn nhà giàu chỉ mới nghe nhắc đến chủ nghĩa xã hội là đã lo sốt vó, đứng ngồi không yên rồi.

Anh bạn gầy rút cuốn sổ tay trong túi ra, bắt đầu đọc tên tuổi những nhà doanh nghiệp nổi tiếng trong nước.

- Hôm nay chúng ta đến gặp ai đây? – Anh ta hỏi.

Xabakhatin nói tên những người đang ở nước ngoài, những người sinh sống ở Ankara, còn lại ở Stanbun chỉ có bốn người tất cả. Chúng tôi thanh toán tiền cho chủ quán rồi đến bưu điện trung tâm.

Anh gầy gọi điện thoại cho một trong số bốn nhà kinh doanh giàu có ở Stanbun. Anh ta nói rằng hết sức lịch thiệp, xin được gặp nhà doanh nghiệp có việc rất quan trọng. Sau đó anh ta quay số máy điện thoại của nhà doanh nghiệp tiếp theo. Anh đã tiếp xúc được với viên thư ký của nhà doanh nghiệp này. Anh gầy xưng danh để viên thư ký ghi lại và nói rằng anh sẽ gọi lại sau. Nhà doanh nghiệp thứ ba trả lời rằng ông ta đang rất bận, sau một tiếng nữa mới có thể tiếp chúng tôi.

Đúng một tiếng sau, không sai một phút chúng tôi có mặt theo đúng hẹn. Công ty ông ta chiếm gọn hẳn một tầng của một toà nhà lớn. Hai anh bạn chỉ dẫn tôi cách xử sự. Khi bước vào phòng khách, tôi phải tỏ ra nghênh ngáo, ngồi chầng hẫng trong chiếc ghế sa lông đẹp nhất, chân vắt chéo khoeo như muốn gác lên mặt bàn, ăn nói xưng hô hống hách, trịch thượng.

Tôi hết sức hồi hộp không biết rồi mình sẽ nói gì làm gì. Tôi cảm thấy mình đang tham gia vào một vụ áp phe lớn mà ý nghĩa của nó mình không hay biết gì, vai trò của mình thế nào trong đó mình không hiểu nổi.

Cô thư ký vào báo cho ông chủ biết chúng tôi đã đến! Chúng tôi được đưa vào phòng làm việc. Trong đó đang có hai vị khách. Thấy chúng tôi vào họ đứng dậy sửa soạn cáo lui. Bắt tay từng người xong chủ nhân chỉ ghế mời ngồi.

- Tất nhiên, tất nhiên rồi... Không có gì nghi ngại cả, - ông chủ vừa tiễn hai vị khách ra cửa vừa nói. – Những nhà trí thức của chúng ta, những nhà dân tộc yêu nước như các ngài luôn luôn đấu tranh không biết mệt mỏi chống lại các bệnh dịch hạch làm tổn hại đến đất nước chúng ta. Nghĩa vụ của tôi là phải ủng hộ các ngài mọi mặt.

Hai vị khách đi giật lùi ra cửa, miệng ríu rít cảm ơn chủ nhà.

Ông chủ quay lại bàn, ngồi xuống ghế, chống khuỷu tay lên bàn, hướng về phía tôi, coi tôi như người đại diện cho cả ba người.

- Xin mời ngài...

Tôi nhìn sang Xabakhatin, anh này ngồi liếm môi, im lặng.

- Tôi nghe ngài nói đây! - Ông chủ nhắc lại.

Tôi không biết mình phải nói gì, và nội dung câu chuyện ra sao. Tôi sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn. Đúng lúc này thì Xabakhatin bỗng đứng dậy, huơ tay lên như một diễn viên thực thụ rồi nói:

- Thưa ngài...

Lời xưng hô này có lẽ đã gây ấn tượng mạnh đối với chủ nhà.

- Thưa ngài! Chắc ngài đã từng quan sát thấy mối hiểm hoạ ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn, đang treo lơ lửng trên đất nước ta: Chủ nghĩa xã hội mối tai hoạ không khác gì động đất. Cầu mong đức Ala cứu vớt con khỏi bị tai hoạ do trời đất sinh ra và cả các tai hoạ do con người, xã hội gây ra! Những trào lưu độc hại đó có nguồn gốc từ nước ngoài...

-... Đang đẩy đất nước ta tới bờ vực thẳm, - ông chủ ngắt lời Xabakhatin.

- Nếu không áp dụng những biện pháp cấp bách thì giờ cáo chung của chúng ta sẽ tránh khỏi, Xabakhatin kết thúc câu nói. – Không nên bỏ lỡ thời cơ, nếu không tất cả những cố gắng sau này của chúng ta sẽ không có hiệu quả. Kẻ thù của nền tư hữu ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Chúng tuyên truyền sự căm ghét tư bản tư nhân, gây cho mọi người lòng hận thù với tầng lớp giàu có...

-... Phá vỡ sự thống nhất dân tộc, - chủ nhà nói tiếp.

-... Chia rẽ quần chúng nhân dân thành hai phe đối địch nhau...

-... Gây ra mọi tội ác.

-... Chúng sẽ đạt được mục đích. Nếu ta không có những biện pháp hữu hiệu...

-... Một thảm hoạ không tránh khỏi đang chờ ta.

Thật đáng tiếc, chúng ta buộc phải thừa nhận chân lý này... – Hai người đối đáp nhau y như những chú gà sống gáy giục giã nhau vào buổi sớm mai.

Sau đó anh gầy bỗng đứng vọt dậy.

- Chúng ta cần thức tỉnh những doanh nghiệp của chúng ta, những chủ sở hữu giàu có đang chìm đắm trong "mê, ngộ nhận! – Anh nói một cách sôi nổi, hùng hồn. – Chắc ngài cũng đồng ý với chúng tôi về điều đó, thưa ngài".

-... Rằng những kẻ theo chủ nghĩa xã hội sẽ được kẻ thù của chúng ta giúp đỡ? – Bây giờ thì Xabakhatin lại nói tiếp câu trên. Chỉ riêng trong năm ngoái chúng đã giúp hai triệu ba trăm bốn mươi sáu nghìn bảy trăm chín mươi hai đôla. Chúng ta phải làm gì để chống lại chúng chứ?

-... Thử hỏi chúng ta đã có biện pháp gì chưa? Chưa có gì! – Anh gầy chớp lấy ý câu này. Tình yêu tổ quốc, niềm tin của chúng ta thúc giục chúng tôi đấu tranh chống lại bọn phản bội tổ quốc này. Chúng tôi làm việc đó để làm gì? Để bảo vệ sở hữu tư nhân, bảo vệ sáng kiến cá nhân. Đây là nghĩa vụ của chúng tôi, và...

-... Trong cuộc đấu tranh này những ân nhân giàu có đáng kính của chúng tôi không nỡ lòng nào để chúng tôi phải đơn phương độc mã... – Anh gầy kết thúc.

Sau đó chủ nhà cùng tham gia vào cuộc đối đáp tay ba.

- Đúng, không còn nghi ngờ gì nữa, các bạn đã nói rất trúng... ủng hộ chúng tôi là nghĩa vụ của các bạn. Nếu không...

-... Đất nước sẽ bị tiêu vong. Kẻ thù xã hội chủ nghĩa của chúng ta...

-... Tha hồ lộng hành. Các tài liệu, báo chí từ nước ngoài tuồn vào...

-... Tuyên truyền cho chúng. Chắc các vị còn nhớ bài viết gần đây của chúng. "Cần phải chấm dứt tình trạng tham ô, trộm cắp. Không một ai có quyền làm tổn hại đến quyền lợi của người dân lao khổ chúng ta!" Điều này nghĩa là gì? Chúng ám chỉ ai?! Đó là lời tuyên chiến công khai...

-... Chống lại giới doanh nhân chúng ta! Giờ đây chúng ngày càng lấn tới, không từ một lĩnh vực hoạt động nào! "Bọn kẻ cướp sống ăn bám vào dân chúng" – chúng ta đều rõ chúng ám chỉ ai!

- Tất nhiên, tất nhiên chúng ám chỉ chúng ta chứ còn ai nữa!

- Chúng ta cần phải đấu tranh chống lại những tư tưởng này! Trong khi chúng nhận được hàng triệu đô la, còn chúng tôi thì...

- Vậy cần phải làm gì? Chúng ta cần cho ra đời một tạp chí nào đó phải không?

- Nếu ngài tin tưởng chúng tôi.

Lúc này tôi ngồi hết sức thoải mái trong chiếc ghế xa lông tiện nghi, hai chân vắt lên nhau rung đều. Tôi rút điếu thuốc lá từ bao thuốc để trên bàn. Chủ nhà ấn chuông gọi người phục vụ mang cà phê ra cho chúng tôi.

Các ông bạn tôi ngồi trầm tư. Ông chủ gõ gõ ngón tay vào mặt kính lót trên bàn một cách căng thẳng.

- Chúng ta dự định tiến hành đấu tranh như thế nào? - Ông chủ hỏi một cách nghiêm túc.

- Chúng ta sẽ đấu tranh! Chúng ta phải dùng những tư tưởng của mình để chế áp những tư tưởng của chúng!

- Rồi chúng ta sẽ thấy ai thắng ai trong cuộc đấu tranh này.

Tôi ngồi im mãi cũng chán, định xen vào một vài câu gì đó.

- Bọn theo chủ nghĩa xã hội công khai tuyên truyền những nguyên lý của chúng trên các ngã tư ngã năm đông người qua lại, chúng không bỏ lỡ một khả năng nào, không bỏ qua một phương tiện nào để tuyên truyền. Chúng ta cần phải xua tan tình trạng u mê, lú lẫn của mọi người.

- Lạy đức Ala, người hãy phù hộ cho một nhà yêu nước đã tài trợ năm nghìn lia giúp chúng tôi cho ra đời tạp chí của chúng ta! – Anh gầy ngước mắt lên trần nhà, thốt lên một cách xúc động.

- Tôi cũng xin đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp của các bạn, - chủ nhà nói một cách dứt khoát. Ông cho gọi kế toán trưởng lên, ra lệnh cấp cho chúng tôi tấm séc sáu nghìn lia.

Chúng tôi đứng cả dậy, cảm ơn ông chủ. Vừa lúc ấy có người bước vào phòng, nói giọng lo lắng:

- Thưa ông có tiếng chuông gọi.

- Chuông gì? - Ông chủ hỏi, giọng bối rối.

- Thưa, chuông báo động, ầm ĩ lắm! Tiếc rằng các ngài không nghe thấy gì! Cái bọn theo chủ nghĩa xã hội này thật quá thể, không còn coi ai là gì! Còn những người yêu nước của ta thì vẫn chưa thể nào tỉnh ngộ được...

Ông chủ tiễn chúng tôi ra tận cửa, rồi vội vàng quay lại với người khách đang ngồi trong phòng.

Chúng tôi bắt tắc xi, lao nhanh về quán cà phê ở sân giáo đường Ênitgiami. Việc đầu tiên là chúng tôi chia nhau sáu nghìn lia vừa kiếm được. Tôi được một phần ba số đó, mặc dù chỉ phải nói có vài câu.

- Nào, chúng ta cũng chơi vài ván mạt chược, sau đó đi Beiogla.

Cuộc chơi bắt đầu. Lúc này tôi mới biết anh gầy tên là Nhiazi.

- Đêm nay chúng ta làm gì? Đi đâu? – Anh gầy hỏi.

- Đến vũ trường "Karavan – xarai", nghe nói ở đấy có những cặp nhảy nam giới đóng giả nữ mới xuất hiện. Các chũ "vũ nữ" nhảy thoát y vũ giỏi lắm, chẳng khác gì các cô gái...

- Vâng, quả thật đất nước ta đang trải qua một thời kỳ thực sự nguy hiểm.

Tôi thấy chúng ta cần phải có trách nhiệm. – Tôi nói giọng xúc động.

Anh Nhiazi vứt cái quân bài mạt chược xuống bàn, giọng đe nẹt:

- Thôi đi! Rõ thật là đồ vô lương tâm! Chả lẽ cậu không nhận ra được hai nghìn lia phần mình ư?

Món tiền ấy đang cựa quậy trong túi tôi. Tôi nói giọng nhẹ nhàng hơn:

- Các bạn của tôi ơi, chúng ta không nên ngồi cờ bạc sát phạt nhau, trong khi đất nước đang bị lâm nguy.

- Hôm nay thế là đủ rồi, chúng ta đã kiếm được một số tiền khá lớn. Chúng ta có quyền giải trí một lát. Hai ngày nữa chúng ta lại có một cuộc hẹn làm ăn khác.

Tôi lại thò tay vào túi, xem số tiền có còn nguyên không. Tôi cứ như người nằm mơ, không thể ngờ được rằng, sao lại có thể kiếm được cả một xếp tiền lớn dễ dàng thế.

Suốt đêm hôm ấy chúng tôi chơi bài tay ba với nhau nhưng tôi không đụng đến đồng xu nào trong số tiền của mình.

Sáng sớm chúng tôi chia tay nhau, hẹn gặp lại sau ba ngày nữa vẫn ở quán cà phê cũ. Tôi say quá, không còn nhớ mình đã về nhà bằng cách nào.

Tôi đến chỗ hẹn quá sớm. Nửa tiếng sau anh Xabakhatin mới đến.

- Anh Xabakhatin ơi! Đầu óc tôi không thể nào hiểu nổi được việc vừa rồi! – Tôi than thở với anh ta.

- Việc gì? – Anh Xabakhatin hỏi lại.

- Việc các nhà doanh nghiệp vốn là dân khôn ngoan sành sỏi, dễ gì mà qua mặt họ được. Không phải ngẫu nhiên mà họ có được khối tài sản lớn như thế và ngày càng phất lên mãi...

- Thì đã đành...

- Làm sao cái tay ấy "nhả" nhẹ nhàng cho ta sáu nghìn lia, mà chẳng phân vân lấy một câu?

- Hắn sợ... chỉ mới nghe thấy nói tới từ "chủ nghĩa xã hội" là hắn đã bủn rủn chân tay rồi. Kẻ chết đuối vớ lấy bất cứ thứ gì, kể cả sợi rơm, sợi rác. Còn bọn này sẽ bám chắc vào bất kỳ người nào lên tiếng chống lại chủ nghĩa xã hội. Vì sự việc đó là đúng đắn và liên quan đến của cải tiền nong của hắn. Việc này không chỉ có nhóm ta làm. Hoạt động tương tự như ta còn có tám chín nhóm khác nữa... Nhưng chúng ta là những người đầu tiên. Anh Nhiazi rất thông minh, anh ta biết làm việc một cách khoa học, không sa đà vào những việc vặt vãnh. Anh ta đã quyên góp các nhà giầu được cỡ ba mươi ngàn lia để sang các nước châu Âu tìm hiểu tình hình.

- Anh ta tìm hiểu tình hình gì bên các nước đó?

- Nghiên cứu tại chỗ xem chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện như thế nào ở đó. Trên cơ sở những kiến thức thu được, anh ta lên lớp cho những ai quan tâm đến "hiểm họa" này. Sắp tới anh Nhiazi sẽ cho xuất bản một cuốn sách. Kinh phí in ấn hiện nay chưa đủ... Anh ta đã đánh trúng tim tầng lớp giàu có hiện nay. Họ run lên cầm cập khi nghĩ tới cảnh: chẳng may chủ nghĩa xã hội lan tràn tới đất này.

- Tại sao vậy?

- Cậu cứ như đứa trẻ con, lúc nào cũng tại sao với tại trăng! Chủ nghĩa xã hội sẽ đánh đổ ráo: không được lừa dối, cấm không được bóc lột, sống ăn bám người khác, xã hội công bằng, văn minh v.v... và v.v...

- Thế bao giờ chúng ta mới cho ra đời cái tạp chí như đã hứa.

- Cậu nói tạp chí nào?

- Vì nó mà người ta cho tiền ấy.

Xabakhatin cả cười rồi nói:

- Cậu điên à?

- Thế nhỡ ra những người đưa tiền cho ta họ kiện thì sao? Chả hoá ra chúng ta là những kẻ đi lừa à?

- Sẽ không có ai thưa kiện chúng ta. Chính họ cũng thừa biết sẽ chẳng có cái tạp chí nào ra đời cả. Họ biết thế nhưng họ vẫn cho vì hy vọng biết đâu đấy...

Lát say thì anh Nhiazi đến. Chúng tôi bắt tắc xi đến gặp ông chủ nhà băng, người có một nửa cổ phiếu trong nhà băng mà ông ta đang nắm quyền. Phòng làm việc của ông ta nằm trong một toà nhà trung tâm, để đến được đây đâu có phải chuyện dễ dàng.

Ngồi yên vị, đối diện với ông chủ nhà băng xong, Nhiazi rút trong cặp ra một chồng báo, tạp chí và bắt đầu đọc to một số đoạn trích trong báo.

- Tôi đã đọc những bài báo này. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm đến, - chủ nhà băng đáp.

- Thưa ngài, mối hiểm hoạ của chủ nghĩa xã hội đang rình rập bên ngưỡng của nhà ta. Chúng ta quyết không để nó lan tràn...

- Ta phải đánh dập đầu con rắn độc khi nó mới ngo ngoe, ngóc đầu dậy! – Tôi xen vào.

- Chúng tôi không khoanh tay đứng nhìn, - chủ nhân đáp lại. – Chúng tôi có cơ quan ngôn luận của mình.

- Điều đó chúng tôi có biết, thưa ngài! – Anh Nhiazi nói. – Nhưng chả lẽ ngài coi như thế là đã đủ hay sao. Bọn theo chủ nghĩa xã hội đang luồn sâu vào các tầng lớp dân chúng! Chúng hoạt động rất kín đáo và khôn khéo! Chỉ riêng lực lượng cảnh sát không thể địch nổi bọn chúng!

- Vậy các bạn muốn gì ở tôi? Quảng cáo cho tờ tạp chí của các bạn, hay cấp tiền để các bạn in ấn? – Chủ nhà băng đi thẳng vào vấn đề.

- Chúng tôi cần phải in sách, - Xabakhatin tiếp lời. – Hiện nay chúng tôi mới chỉ đạt được một số kết quả nhất định trong cuộc đấu tranh gian khó này. Chúng tôi sẽ tiến hành vạch trần bản chất những kẻ tự xưng là theo đường lối chủ nghĩa xã hội này để cho dân chúng hiểu rõ. Chúng muốn tước đoạt tài sản của người giàu, biến họ thành những kẻ nghèo hèn, đưa người nghèo lên tột đỉnh vinh quang. Những ấn phẩm này đã được viết với trình độ khoa học cao. Chúng tôi muốn in ấn những tài liệu phổ cập với mọi người.

- Ý kiến này rất hay. Cần phải làm cho người dân hiểu ra rằng chỉ có tự do mới đạt được giàu sang, phúc lợi. Hoạt động của chúng ta càng đa dạng bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu, - ông chủ nhà băng nói. – Tuần trước có một số các chàng trai đã đến gặp tôi. Họ quyết định thành lập hội...

- Nhưng, thưa ngài, thật đáng tiếc, chúng tôi không đủ phương tiện, vật chất... Giới doanh nhân không chịu nhìn nhận mối hiểm hoạ đang rình rập ngay bên ngưỡng cửa nhà chúng ta.

Kết thúc cuộc nói chuyện này, chúng tôi ra về với ba nghìn lia trong tay.

Nhiazi tức giận lẩm bẩm:

- Rõ là đồ keo kiệt, bủn xỉn! Công việc như thế này thì chúng mình sẽ chết cháy.

- Trước kia bọn chúng hào phóng hơn nhiều, - Xabakhatin nói thêm. – Nhưng khi ấy chỉ có một số ít nhóm hoạt động như chúng ta. Biết làm thế nào được. Tháng đầu tiên bắt đầu hoạt động, cứ hai – ba ngày một lần, chúng mình tìm đến gặp các doanh nhân lớn. Với ông chủ này mình nói, chúng tôi muốn xuất bản tờ tạp chí, đến ông chủ khác chúng mình trình bày kế hoạch tổ chức hội này, hội nọ và bao giờ ra về cũng chật căng ví tiền. Chắc cậu còn nhớ cái thằng cha bụng phệ nấm lùn miệng nói xơi xơi rằng, đã có bao nhiêu người tìm đến ông ta và quả quyết rằng, những tư tưởng của họ sẽ đánh bại những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. "Đó là những thứ tư tưởng gì? - Ông ta nói. Nào ai biết được tư tưởng ai trong đầu nghĩ gì? Dù có đốt đuốc ban ngày cũng không tìm ra được người như thế. Không ai lại mất hết niềm tim, không theo một tôn giáo nào cả. Mình rất thích tay chủ đó. Hắn nói thế này chứ: "Bọn tư bản là chúa hèn nhát. Hơi một tý là sợ sệt, run bắn lên cầm cập. Những quân đểu cáng ấy biết thóp đã doạ bọn mình một vố nên thân. Cách đây không lâu tôi với một người bạn đã thành lập một hội, nhưng chỉ có thế thôi thì không thể nào ngăn chặn được chủ nghĩa xã hội. Thứ tư tưởng này như cơn gió, đâu có khe hở là nó lọt vào! Các bạn có tin được không? Vừa mới gần đây tôi mới phát hiện ra rằng, thằng con rể tôi theo bọn chủ nghĩa xã hội. Tôi sẽ từ bỏ đứa con gái! Tôi không thể chịu được cảnh trong gia đình mình lại có cái bọn cặn bã ấy. Danh dự của tôi chẳng hoá ra không bằng một đồng xu sứt hay sao?"

Bữa ấy để nhận được hai nghìn lia của tay chủ ba hoa xích đế đó, chúng mình buộc phải nghe lão ta nói huyên thuyên liền hai tiếng đồng hồ.

Sau lần ấy "trưởng trò" Nhiazi nói:

- Đề tài chủ nghĩa đã cạn kiệt rồi! Chúng ta không làm gì được nữa.

- Thật thế à? – Tôi hỏi lại.

- Thế cậu chưa nhận ra à? Cái lũ bịp bợm này nói rất hăng nhưng hầu bao thì rất hẹp!...

Nhiazi đã đưa ra một sự thật trần trụi. Tất cả những người mà chúng tôi đến kêu gọi sự giúp đỡ đều trả lời một giọng như nhau: "Chủ nghĩa xã hội không xấu lắm, chính tôi cũng theo chủ nghĩa xã hội đến ba mươi phần trăm rồi. Việc gì cũng đều có bí quyết của nó. Việc gì cũng cần phải biết bản chất sự thực của nó. Thế còn chúng ta lại không có khả năng phân tích một cách tinh tế..."

- Kẻ nô lệ này của ngài cũng ngả theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội ở một mức độ nào đó. Nhiazi trả lời như vậy. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Có thể theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội hai mươi, ba mươi, thậm chí đến bốn mươi phần trăm. Sau đó phải dừng lại. Cái gì thái quá cũng không tốt!

Có lần chúng tôi không tìm đến những nhà doanh nghiệp mà trước đó chúng tôi đã đến hoá ra họ cũng đã ngả theo chủ nghĩa xã hội đến mấy chục phần trăm rồi.

Số phần trăm này càng lớn, thì số tiền chúng tôi quyên góp được ở họ càng ít.

Có người còn tuyên bố trắng phớ:

- Tôi đã theo chủ nghĩa xã hội sáu mươi phần trăm!

Sau thời gian ấy Nhiazi quyết định:

- Cần kết thúc cái vụ chủ nghĩa xã hội này thôi. Quân đểu cáng ấy đã theo chủ nghĩa xã hội đến sáu mươi phần trăm thì chúng ta chẳng còn biết làm gì hơn nữa.

- Tại sao vậy? – Vẫn như mọi khi, tôi hỏi lại.

- Bởi vì cái lũ to họng, lớn mồm này, khi đã muốn chiếm lĩnh cái mà chúng ta quan tâm đến thì chúng sẽ chiếm toàn bộ, một trăm phần trăm! Khi đã ngả theo chủ nghĩa xã hội thì rồi chúng cũng sẽ muốn trở thành một trăm phần trăm chủ nghĩa xã hội. Khi ấy chúng ta sẽ bị tiêu vong...

- Vậy chúng ta sẽ làm gì? - Tôi lo lắng hỏi, bồi hồi nhớ lại những ngày thất nghiệp cay đắng, xót xa. Cũng may mà trong thời gian chúng tôi cùng nhau "hoạt động", tôi đã cóp được một số tiền khá lớn.

- Rồi chúng ta sẽ nghĩ ra được điều gì đó! – Xabakhatin tuyên bố giọng không hề lo lắng. Kiếm ăn theo kiểu này thế là đủ rồi. Đã đến lúc chúng ta phải biết tự trọng chứ. Trước đó chúng tôi đã sống bằng cách quyên góp tiền của để xây dựng giáo đường trong hai năm liền. Trước đó nữa là chuyên nương tựa, cho hội phục chế các di tích lịch sử, hội bảo vệ những người tàn phế. Chúng ta cần phải động não thì lúc nào cũng tìm được việc. Cuộc sống sẽ mách bảo cho ta.

Tôi vốn không ưa mạo hiểm, vì vậy đưa ra đề nghị:

- Hay là chúng ta thành lập công ty thương mại?

- Nói gì đến việc ấy! Nhiazi vung tay gạt phắt đi.

- Thành lập công ty thương mại cần phải có tiền, - anh Xabakhatin giải thích.

Tôi tích cóp được tất cả ba mươi lăm nghìn lia, còn họ thì vét túi chỉ có tất cả không quá ba mươi nhăm xu. Tất nhiên dễ kiếm thì dễ tiêu.

Tôi quyết định mở công ty riêng, chuyên xuất khẩu hàng hoá, có đăng ký hẳn hoi ở phòng thương mại. Văn phòng mới khai trương, chưa ký kết được hợp đồng nào, thì một hôm các ông bạn cũ đến chơi, nói:

- Cầu đức Ala phù hộ độ trì cho anh!

Tôi cảm ơn họ.

- Này, người anh em, bạn mở công ty này đúng lúc không thuận lợi lắm.

- Sao vậy? – Tôi hỏi như mọi khi.

- Chả lẽ cậu không hiểu? Chủ nghĩa xã hội đang phát triển mạnh. Những người theo chủ nghĩa xã hội là kẻ thù của giai cấp tư bản. Cậu càng giàu bao nhiêu thì càng có nhiều kẻ thù bấy nhiêu!

"Anh ta nói đúng" – Tôi nghĩ bụng. Nỗi sợ hãi tràn ngập lòng tôi. Không lúc nào tôi thấy được yên!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx