sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển V - Chương 082 - 083

Quyển V

82. Hồ Đùa Giỡn

(Hồ Hài)

Vạn Phúc tự Tử Tường là người huyện Bác Hưng (tỉnh Sơn Đông). Từ nhỏ theo đòi nghiệp nho, nhà cũng hơi khá giả nhưng thi cử lận đận, hơn hai mươi tuổi vẫn không đỗ đạt gì. Ở quê có lệ xấu là bắt các nhà giàu ra làm lý dịch, có người phải khuynh gia bại sản. Vạn bị ép làm chức ấy, sợ quá trốn tới Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) vào nhà trọ ở. Đêm có cô gái tới khêu gợi, cũng khá xinh đẹp, Vạn thích bèn giao hoan. Hỏi họ tên, cô gái nói: “Nói thật ta là hồ, nhưng không làm hại chàng đâu”. Vạn mừng rỡ không ngờ vực gì, nàng dặn đừng ở chung với ai, từ đó ngày nào cũng tới ăn ở cùng phòng, phàm mọi chi dùng hàng ngày đều do hồ chu cấp.

Không bao lâu có vài người quen tới thăm chơi, thường ngủ lại không về. Vạn chán ghét nhưng không nỡ cự tuyệt, bất đắc dĩ phải nói thật. Khách xin được chiêm ngưỡng dung nhan người tiên một lần, Vạn nói với hồ, hồ nói với khách: “Gặp ta làm gì? Ta cũng như mọi người thôi”, nghe tiếng nói rõ ràng trước mắt, nhưng nhìn quanh thì không thấy đâu. Khách có người tên Tôn Đắc Ngôn giỏi khôi hài, cố xin được thấy mặt, lại nói được nghe giọng oanh, thần hồn điên đảo, sao lại tiếc không cho thấy dung nhan khiến người ta nghe tiếng mà tương tư. Hồ cười đáp: “Cháu hiền muốn vẽ bức tranh hành lạc* cho bà cố à?”, khách khứa đều cười.

*Bức tranh hành lạc: nguyên văn là “hành lạc đồ”, vẽ những hình ảnh trai gái giao hoan, đại khái là loại tranh ảnh khiêu dâm.

Hồ nói: “Ta là hồ, xin kể chuyện hồ cho khách nghe, chịu không?” Mọi người đều ừ, hồ kể: “Xưa ở quán trọ làng nọ có nhiều hồ, thường ra quấy phá khách trọ, khách khứa qua lại biết được, dặn nhau đừng trọ ở đó. Nửa năm sau hàng quán vắng vẻ, chủ trọ lo lắm, rất kiêng nói tới hồ. Chợt có người khách từ xa tới, tự nói là người nước ngoài, thấy quán trọ nên vào nghỉ. Chủ trọ mừng lắm mời vào, liền có người đi đường lén nói với khách rằng: “Nhà này có hồ”. Khách sợ, nói rõ với chủ trọ rồi định qua trọ chỗ khác, chủ trọ ra sức phân trần rằng đó là lời bịa đặt.

Khách bèn ở lại, vào phòng vừa nằm xuống thì thấy bầy chuột từ gầm giường chạy ra, khiếp đảm nhào ra ngoài la hoảng: “Có hồ”. Chủ nhân sợ hãi hỏi han, khách oán trách nói: “Hồ làm hang ở đây, sao nói dối ta là không có”. Chủ nhân lại hỏi thấy hình thù nó thế nào, khách đáp: “Ta nay mới thấy, nó ngắn ngắn nhỏ nhỏ, không phải hồ con ắt là hồ cháu”. Vừa dứt lời thì khách khứa đều cười ầm. Tôn nói: “Nếu không cho thấy mặt thì bọn ta sẽ ngủ lại, mà ai đó cũng đừng đi mà bỏ lỡ giấc mộng Dương Đài”*. Hồ cười đáp: “Cứ ngủ lại không sao, nếu có hơi xúc phạm thì xin đừng để bụng”. Khách sợ bị chơi ác bèn cùng tan về.

*Giấc mộng Dương Đài: bài tựa Cao Đường phú của Tống Ngọc viết vua Sở ra chơi đầm Vân Mộng, đêm mộng thấy một người con gái tới xin hầu chăn gối, khi chia tay nàng ấy nói: “Thiếp là thần nữ ở núi Vu Sơn sớm làm mây, tối làm mưa, sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài”, sau người ta thường dùng tích này để chỉ việc ái ân trai gái.

Kế cứ vài ngày lại tới, đòi hồ trêu cợt. Hồ rất giỏi khôi hài, cứ lên tiếng là khách cười nghiêng ngửa, nhưng kẻ có tài hoạt kê cũng không thể hơn được, mọi người đùa gọi là Hồ nương tử. Một hôm bày tiệc họp mặt, Vạn ngồi ghế chủ, Tôn và hai người khách nữa chia ngồi hai bên, đặt một cái giường phía sau mời hồ, hồ từ chối là không hay rượu. Có người xin cứ ngồi nói chuyện, hồ ưng thuận. Rượu được vài tuần, mọi người bày trò gieo xúc xắc làm tửu lệnh: “qua man”*, khách trúng mặt dưa bị phạt, đùa đưa chén qua giường nói: “Hồ nương tử là bậc đại tỉnh, xin uống giùm một chén”. Hồ cười đáp: “Ta vốn không uống được, xin kể một câu chuyện góp vui với các vị”. Tôn bịt tai ra vẻ không muốn nghe, mọi người đều nói: “Nếu chửi xỏ người thì phải chịu phạt đấy”. Hồ cười hỏi: “Thế ta chửi xỏ hồ được không?”, mọi người đáp: “Được”, rồi lắng tai nghe.

*“Qua man”: nghĩa đen là dây dưa bò lan, chưa rõ thể thức luật chơi cụ thể.

Hồ kể: “Xưa có một ông quan lớn đi sứ nước Hồng Mao*” đội mũ lông hồ vào yết kiến quốc vương nước ấy. Quốc vương thấy cái mũ lạ, hỏi lông gì mà vừa dày vừa mềm như thế. Ông quan lớn ấy thưa là lông hồ. Quốc vương nói bình sinh chưa từng nghe nói tới, vậy chữ: “hồ” viết ra sao? Ông quan lớn bèn lấy tay vạch lên không, tâu: “Bên phải là một qua lớn, bên trái là một khuyển nhỏ**”, chủ khách lại cười ầm.

*Nước Hồng Mao: tức Anh.

**Bên phải... nhỏ: đây là theo lối chiết tự trong chữ Hán, hồ có ý nói xỏ người khách ngồi bên trái Vạn tức Tôn là “khuyển” (chó), vì người bên phải đã gieo trúng mặt “qua” (dưa).

Hai người khách kia là hai anh em họ Trần, một tên Sở Kiến, một tên Sở Văn, thấy Tôn bị áp đảo quá bèn nói: “Hồ đực đâu mà để hồ cái ác hại thế này?”. Hồ nói: “Có một câu chuyện kể chưa xong đã bị sủa loạn làm ngắt quãng, xin kể nốt. Quốc vương Hồng Mao thấy sứ thần cưỡi một con la, rất lạ lùng. Sứ thần thưa: “Đây là do con ngựa đẻ ra” quốc vương lại càng lấy làm lạ. Sứ thần nói ở Trung Quốc thì con ngựa đẻ ra con la, con la đẻ ra con ngựa choai”. Quốc vương hỏi kỹ hình dạng, sứ thần đáp: “Ngựa đẻ ra la là thần sở kiến, la đẻ ngựa choai là thần sở văn*”, cử tọa lại cười ầm.

* Ngựa đẻ... sở văn: sở kiến nghĩa đen là “vốn thấy”, sở văn nghĩa đen là “vốn nghe”, nhưng cũng là tên hai anh em họ Trần, nên câu này có ý nói xỏ hai người là la và ngựa choai.

Mọi người biết không địch nổi mồm mép của hồ, liền giao hẹn trở đi nếu ai khơi chuyện ngạo ngược thì phải đứng ra làm chủ, bỏ tiền mua rượu. Giây lát rượu ngà ngà, Tôn nói đùa với Vạn: “Có vế đối thách ông đối lại”, Vạn hỏi câu gì, Tôn đọc: “Kỹ nữ xuất môn phỏng tình nhân, lai thời vạn phúc, khứ thời vạn phúc*” cả bàn nghĩ mãi không ai đối được.

*Kỹ nữ... vạn phúc: nghĩa đen là “Kỹ nữ ra cửa thăm tình nhân, lúc tới thưa vạn phúc, lúc đi thưa vạn phúc”, “vạn phúc” là lời chúc tụng nhưng cũng là tên của Vạn Phúc, nên đoạn sau còn có thể hiểu là “tới cũng Vạn Phúc, đi cũng Vạn Phúc”, có ý đùa là Vạn Phúc chuyên tới kỹ viện chơi bời.

Hồ cười nói: “Ta có câu rồi đây”, mọi người lắng tai nghe, hồ đọc: “Long vương hạ chiếu cầu trực gián, miết dã đắc ngôn, quy dã đắc ngôn*” tất cả lại cười bò ra. Tôn bực lắm, nói: “Đã giao hẹn rồi, sao lại phạm?”. Hồ cười đáp: “Đúng là ta có lỗi, nhưng nếu không thế thì không đối cho sát được. Sáng mai xin đặt tiệc để chuộc lỗi”, chủ khách cùng cười rồi chia tay. Hồ khôi hài đại loại như thế, không sao kể hết được.

*Long vương... đắc ngôn: nghĩa đen là “Long vương xuống chiếu cầu lời thẳng, vích cũng được nói, rùa cũng được nói”,“được nói” (đắc ngôn) cũng là tên của Đắc Ngôn, nên đoạn sau còn có thể hiểu là “... vích là Đắc Ngôn, rùa là Đắc Ngôn”, có ý nói xỏ Tôn Đắc Ngôn là con rùa. Rùa là một giống vật được người Trung Hoa ví với kẻ hạ tiện dâm đãng.

Được vài tháng, hồ cùng Vạn về quê. Tới địa giới Bác Hưng, hồ nói với Vạn: “Ở đây ta có người họ hàng xa, đã lâu không qua lại, không thể không ghé thăm. Vả lại trời cũng đã tối, chàng cứ đi cùng tới đó ngủ lại, sáng mai đi cũng được”. Vạn hỏi ở đâu, hồ chỉ nói không xa. Vạn ngờ vì trước nay khu này vốn không có làng xóm gì, nhưng cũng đi theo. Khoảng hai dặm quả thấy một gia trang, bình sinh chưa đi ngang lần nào. Hồ gõ cổng thì có một người hầu ra mở, vào trong thấy cửa liền gác nối, rõ ràng là nhà thế gia. Giây lát tới chỗ chủ nhân, có hai ông bà già, vái chào Vạn rồi mời ngồi, bày tiệc linh đình tiếp đãi như con rể, kế hai người nghỉ lại đó.

Sáng sớm hồ nói: “Ta về ngay cùng chàng, sợ người nhà sợ hãi. Chàng cứ về trước, ta sẽ theo tới ngay”. Vạn theo lời về trước nói rõ với gia nhân. Không bao lâu hồ tới, nói cười với Vạn, mọi người đều nghe rõ nhưng không nhìn thấy người. Năm sau Vạn lại có việc đi Tế Nam, hồ cũng đi cùng. Chợt có mấy người tới, hồ theo ra trò chuyện thăm hỏi rồi nói với Vạn: “Ta vốn gốc gác ở Thiểm Trung (tỉnh Thiểm Tây), cùng chàng có mối túc duyên nên theo nhau bấy lâu, nay anh em ta đã tới, ta phải theo về, không theo hầu chàng trọn đời được”. Vạn cố giữ lại không được, kế hồ ra đi.

83. Nối Giấc Kê Vàng

(Tục Hoàng Lương)

Cử nhân họ Tăng người Phúc Kiến lúc vừa thi đỗ Tiến sĩ cùng vài người bạn thân khoa dạo chơi ngoài thành. Tình cờ nghe nói ở chùa Tỳ Lư có một thầy tướng liền kéo nhau tới xem quẻ. Tăng vào ngồi, thầy tướng nhìn thấy ý khí tự đắc bèn nịnh hót lấy lòng. Tăng phe phẩy quạt mỉm cười rồi hỏi: “Ta có số làm Tể tướng không?”. Thầy tướng nghiêm trang nói sẽ làm Tể tướng hai mươi năm trong đời thái bình, Tăng cả mừng, ý khí càng thêm cao ngạo. Gặp lúc có cơn mưa nhỏ, cùng bạn bè vào tăng xá tránh mưa, thấy bên trong có vị sư già mắt sâu mũi cao ngồi trên tấm bổ đoàn, ngạo mạn không chào hỏi ai. Cả bọn cùng chào rồi lên sạp ngồi nói chuyện với nhau, đều mừng Tăng sẽ làm Tể tướng.

Tăng càng đắc ý, chỉ bạn cùng đi nói: “Khi nào ta làm Tể tướng, sẽ cử Trương huynh làm Tuần phủ Hà Nam, ông anh cô cậu của ta làm chức Tham du, lão bộc nhà ta cũng được chức Thiên bả nho nhỏ, thế là mãn nguyện”, cả bọn cười vang. Kế nghe bên ngoài mưa càng lớn như trút nước, Tăng mỏi mệt nằm xuống giường, chợt thấy hai quan Trung sứ đem tờ chiếu do Thiên tử đích thân viết tới triệu Tăng Tể tướng vào triều bàn việc nước. Tăng đắc ý vội vàng vào triều, nhà vua hỏi han dịu ngọt hồi lâu, truyền cho Tăng được quyền thăng giáng các quan từ tam phẩm trở xuống, ban cho mãng bào đai ngọc và ngựa quý, Tăng mặc áo đeo đai dập đầu tạ ơn rồi ra về.

Vào nhà thì thấy không phải nơi ở cũ ngày trước mà toàn là cột chạm cửa sơn vô cùng lộng lẫy, cũng không hiểu vì sao vinh hiển mau lẹ như vậy, nhưng chỉ cần vuốt râu gọi khẽ thì quân hầu dạ ran như sấm. Kế các quan công khanh đem quà cáp tặng biếu tới khúm núm xếp hàng ngoài cổng. Các quan khanh sáu bộ tới thì Tăng vội vàng ra đón, hạng Thị lang thì vái chào cùng trò chuyện, chức thấp hơn thì chỉ gật đầu chào thôi. Tuần phủ Sơn Tây gởi tặng ban nữ nhạc mười người đều là con gái trẻ đẹp, trong đó Niễu Niễu và Tiên Tiên đẹp nhất, hai người rất được yêu quý, Tăng cho phục dịch khăn áo, hàng ngày hầu hạ ca múa.

Một hôm Tăng nhớ lại lúc còn hàn vi thường được thân sĩ trong huyện là Vương Tư Lương giúp đỡ, nay ta đã nhẹ bước thang mây mà ông ấy còn lận đận trên đường công danh, sao không đưa tay dìu dắt một phen. Sáng ra dâng sớ tiến cử Vương làm quan Gián nghị, lập tức có chỉ dụ bổ dụng. Lại nghĩ tới Thái bộc họ Quách từng trợn mắt với mình, liền gọi bọn Cấp gián họ Lữ và Thị ngu Trần Xương dặn dò, hôm sau sớ tấu đàn hặc nối nhau dâng lên, liền có chỉ cách chức Quách Thái bộc cho về làm dân. Đền ơn trả oán xong, Tăng rất thỏa ý.

Một hôm ra ngoài thành chơi, có người say rượu phạm vào nghi trượng, Tăng sai trói lại giải tới quan Kinh triệu doãn, người ấy lập tức bị đánh đòn mà chết. Những người có nhà cửa ruộng đất ở cạnh đều sợ quyền thế đem những ruộng tốt nhà to hiến cho, từ đó Tăng thành phú gia địch quốc. Không bao lâu, Niễu Niễu và Tiên Tiên nối nhau qua đời. Tăng khuya sớm nhớ nhung, chợt nhớ năm xưa thấy người con gái hàng xóm tuyệt đẹp, vẫn muốn mua làm tỳ thiếp nhưng vì ít tiền nên không được như nguyện, nay may đã đắc ý, bèn sai mấy tên gia nhân đắc lực đem tiền tới ép nhận sính lễ, giây lát kiệu nàng về tới, so lại với ngày trước thì càng đẹp hơn, tự nghĩ như thế đã thỏa nguyện ước bình sinh rồi.

Hơn năm sau thì các quan trong triều đều ngầm có lòng chê trách nhưng đều không dám nói ra, Tăng cũng nghênh ngang không thèm để ý. Có quan Long đồ học sĩ họ Bao dâng sớ hặc tội, đại lược như sau:

“Trộm nghĩ Tăng Mỗ vốn là một kẻ vô lại cờ bạc rượu chè, tiểu nhân đầu đường xó chợ, chỉ có một lời nói hợp ý mà được thánh thượng tin dùng, cha con vinh hiển, ân sủng tột bực. Thế mà không nghĩ tới việc dốc lòng báo đáp trong muôn một, lại phóng ý rông càn làm oai phúc, những tội đáng chết nhổ tóc mà đếm cũng không đủ. Danh vị trọng thể của triều đình thì coi như món hàng lạ, cân nhắc nhỏ to, ra giá cao thấp. Vì thế công khanh tướng sĩ đều phải lui tới nhà y, tính toán tiến thân như đi buôn, luồn lọt lấy lòng không kể xiết. Hoặc có kẻ kiệt sĩ hiền thần không chịu a dua, nhẹ thì bị gạt bỏ không dùng, nặng thì bị cách quan bãi chức. Thậm chí chỉ hơi trái ý thì y đặt điều vu cáo bắt phải đi đày, nên quan lại đều tê lòng, triều đình thành cô lập. Lại máu mỡ dân đen mặc tình vơ vét, con gái nhà lành bắt ép làm hầu, hơi oán mịt mờ, mặt trời u ám. Gia nhân của y tới nơi thì quan địa phương phải dạ lấy lòng, thư từ của y gởi ra thì kẻ cầm quyền phải làm trái phép. Có khi con cái tôi tớ, họ hàng dây dưa đi ra cũng dùng ngựa trạm, ruổi rong mịt bụi, hò hét thị uy. Địa phương cung cấp hơi chậm trễ, roi vọt đánh đập liền ra tay, ức hiếp nhân dân, sai khiến quan lại, nghi trượng tới đâu thì ruộng đồng sạch cỏ. Thế mà Tăng Mỗ vẫn nghênh ngang hống hách, không chút ăn năn, tấu đối qua loa ở triều đình, dối trá gian tà trước thánh thượng. Xe kiệu vừa rời chốn công môn, sênh ca đã bày nơi hậu uyển. Thanh sắc chó ngựa cứ chơi tràn, quốc kế dân sinh chẳng lo nghĩ, trên đời há có loại Tể tướng như thế sao? Trong ngoài xôn xao, nhân tâm ly tán, nếu không có búa rìu trị ngay, ắt sẽ thành Mãng Tháo* gây họa. Thần sớm tối lo lắng, không dám yên thân, liều chết kể ra các tội của y, dâng lên Thánh thượng xem xét. Mong Thánh thượng ra lệnh xử chém kẻ gian nịnh, tịch thu của tham ô, để trên thỏa dạ trời, dưới hả bụng chúng. Nếu thần vu oan, xin cam chịu tội...”

*Mãng Tháo: tức Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán và Tào Tháo lấn quyền vua Hán, sử sách Trung Hoa ngày xưa coi là gian thần.

Tờ sớ dâng lên, Tăng nghe được vô cùng run sợ, người lạnh toát như uống băng, nhưng may nhờ vua khoan dung, để đó không xét. Kế các quan Khoa đạo cửu khanh lại liên tiếp dâng sớ đàn hặc, ngay những kẻ trước kia xin làm môn hạ, cung kính như cha cũng trở mặt với Tăng. Vua liền giáng chỉ tịch thu gia sản, bắt Tăng sung quân ở Vân Nam, con trai Tăng làm Thái thú quận Bình Dương (tỉnh Sơn Tây) cũng bị triều đình sai quan ra tra xét. Tăng nghe chỉ dụ đang kinh hoàng thì có mấy mươi võ sĩ đeo gươm cầm giáo vào thẳng nhà trong lột hết áo mão, vợ cũng bị trói. Kế thấy mấy người vác của cải trong nhà ra sân, vàng bạc tiền nong tới mấy trăm vạn, châu ngọc bảo vật tới mấy trăm hộc, rèm màn giường tủ cũng tới mấy ngàn món, còn những tã lót trẻ con, giày tất đàn bà thì vương vãi khắp sân. Tăng đều nhất nhất trông thấy, đau lòng xốn mắt. Giây lát lại có một người bắt nàng hầu đẹp nhất giải ra, tóc rối kêu khóc, mặt ngọc tái xanh, Tăng đau xót như lửa đốt ruột gan nhưng ngậm hờn không dám nói. Kế lầu gác kho tàng niêm phong xong, họ lập tức quát thét giải Tăng ra, toán lính áp giải xô đẩy vung giáo bắt đi mau. Vợ chồng Tăng nuốt lệ lên đường, lúc này muốn ngựa tồi xe xấu đỡ chân cũng không sao có được. Được hơn mười dặm thì vợ mệt quá loạng choạng muốn ngã, Tăng phải dìu đỡ. Lại hơn mười dặm nữa thì mình cũng mệt mỏi, thấy núi non xa xa cao chọc trời mà lo không trèo lên nổi, cứ kéo tay vợ nhìn nhau khóc lóc nhưng toán lính áp giải trợn mắt sấn tới không cho nghỉ chân. Lại thấy mặt trời đã lặn, không có chỗ nào nghỉ lại bất đắc dĩ phải khập khiễng lê bước. Tới lưng núi thì vợ kiệt sức khóc lóc ngồi phịch xuống vệ đường, Tăng cũng mệt quá ngồi xuống nghỉ, mặc cho toán lính áp giải quát tháo chửi mắng.

Bỗng nghe tiếng hò la ầm ĩ, có bọn cướp vác đao sắc ào ào xông ra, toán lính áp giải hoảng sợ bỏ chạy. Tăng quỳ mọp nói mình một thân trơ trọi bị đày đi xa, hành lý chẳng có gì đáng giá, năn nỉ bọn cướp tha cho. Bọn cướp trợn mắt nói: “Bọn ta đều là dân bị hại, chỉ cần cái đầu đứa nịnh tặc chứ không cần lấy gì cả”. Tăng nổi giận quát: “Ta dù mắc tội cũng là quan lớn của triều đình, lũ giặc cỏ sao dám hỗn láo như thế?”. Bọn cướp cũng nổi giận vung búa lớn trên đầu Tăng, nghe thấy đầu rơi xuống đất thành tiếng. Hồn Tăng còn đang kinh hãi thì lập tức có hai tên quỷ tốt tới nắm tay lôi đi. Đi mấy khắc thì vào tới một nơi đô hội, giây lát tới một cung điện, trên điện có một vị vương giả tướng mạo xấu xí ngồi xét xử tội phúc.

Tăng khúm núm tới quỳ trước mặt nghe lệnh, vị vương giả mở sổ xem qua mấy hàng lập tức giận dữ quát: “Tên này phạm tội dối vua hại nước, phải bỏ vào vạc dầu”, muôn quỷ dạ ran như sấm, lập tức có tên quỷ to lớn lôi Tăng xuống dưới thềm, thấy cái vạc cao khoảng bảy tám thước, bốn phía đốt than, chân vạc đỏ rực. Tăng run sợ kêu khóc, muốn chạy trốn mà không được, tên quỷ tốt tay trái túm tóc, tay phải nắm chân Tăng ném vào vạc dầu, Tăng theo dầu sôi nổi lên chìm xuống, da thịt bong rát đau thấu tim gan, dầu tràn vào miệng cháy bỏng gan ruột, muốn chết ngay mà không chết được. Khoảng xong bữa cơm, tên quỷ tốt lấy đinh ba vớt Tăng ra đem vào sảnh đường. Vị vương giả lại xem sổ sách, nổi giận nói: “Y cậy thế hiếp người, phải quăng vào núi đao”. Quỷ tốt lại lôi Tăng đi, thấy hòn núi không to lớn lắm nhưng sườn đá dựng đứng, đao nhọn tua tủa như măng mọc dày đặc, đã có mấy người thủng bụng toác ruột đang vướng bên trên, đau đớn kêu gào vô cùng thảm thiết. Quỷ tốt giục Tăng leo lên, Tàng khóc rống lùi lại, quỷ tốt cầm dùi nhọn đâm vào gáy, Tăng nhịn đau xin tha cho, quỷ tốt nổi giận túm lấy Tăng ra sức ném lên trời. Tăng thấy mình lơ lửng trên mây rồi rơi thẳng xuống, bị đao xóc vào bụng, đau đớn không sao nói xiết. Lát sau vì thân thể to béo đè nặng lên nên vết đao đâm vào dần dần rộng ra, chợt rơi phịch xuống, chân tay co quắp. Quỷ tốt lại dẫn vào trước mặt vị vương giả, vương sai tính lại lúc sinh bình Tăng bán chức buôn danh, ăn hối lộ cướp của người được bao nhiêu tiền. Lập tức có người rậm râu đứng gãy bàn tính rồi nói: “Tất cả là Ba trám hai mươi mốt vạn”. Vương nói: “Y đã gom góp thì bắt y uống đi”. Phút chốc lấy vàng bạc ra chất đống dưới thềm, cao như gò núi, rồi từ từ bỏ vào nồi sắt quạt lửa nấu chảy ra, kế mấy tên quỷ tốt luân phiên lấy gáo múc đổ vào miệng Tăng, tràn qua gò má thì da thịt cháy khét, vào tới cuống họng thì ruột gan nóng sôi, lúc sống lo vật ấy có ít, lúc ấy lại sợ nó quá nhiều, mất nửa ngày mới uống xong.

Vương giả sai quỷ tốt giải Tăng đi đầu thai làm con gái ở đất Cam Châu (huyện Trương Dịch tính Cam Túc). Đi độ vài bước thấy trên giá cao có một cây trục sắt chu vi độ mấy thước xỏ qua một bánh xe lớn, rộng lớn không biết mấy trăm dặm, sáng lóe năm sắc chiếu tới mây xanh. Quỷ tốt đánh bắt trèo lên, Tăng nhắm mắt bước lên thì bánh xe theo chân xoay chuyển, thấy như bị rơi xuống, toàn thân mát lạnh, mở mắt nhìn lại mình thì đã hóa ra đứa trẻ sơ sinh mà lại là con gái. Nhìn tới cha mẹ thì áo quần rách rưới, trong gian phòng vách đất còn đủ cả bị gậy, biết đã đầu thai làm con ăn mày. Lớn lên hàng ngày theo đám trẻ ăn mày đi xin ăn, bụng lép kẹp ít khi được no, áo tả tơi gió lạnh thấu xương.

Năm mười bốn tuổi bị bán làm vợ lẽ cho Tú tài họ Cố, tuy hơi được no ấm nhưng gặp người vợ lớn hay ghen, hàng ngày thường đánh đập, lại nung sắt đỏ đốt vú, may là chồng thương xót nên cũng thấy được an ủi. Chợt có gã thiếu niên hung ác bên láng giềng trèo tường qua cưỡng ép, mới tự nghĩ kiếp trước làm nên tội nghiệt đã chịu hình phạt dưới âm ty rồi, nay sao lại phải chịu như thế nữa. Bèn kêu ầm lên, chồng và vợ lớn đều tỉnh dậy, gã thiếu niên mới bỏ chạy. Không bao lâu, một đêm Tú tài tới ngủ ở phòng, đang thì thầm to nhỏ kể lể oan khổ bỗng có tiếng ầm ầm, cửa phòng mở toang, có hai tên cướp cầm đao sấn vào chặt đầu Tú tài rồi lục lọi tài vật, sợ hãi nằm im trong chăn không dám lên tiếng. Kế bọn cướp đi rồi mới kêu khóc chạy tới phòng vợ lớn, vợ lớn cả kinh, cùng tới xem xét khóc lóc, nghi là vợ lẽ đưa gian phu vào giết chồng bèn làm đơn trình lên Thứ sử. Thứ sử cho bắt tra hỏi, bị tra tấn tàn nhẫn đành nhận bừa, bị kết án lăng trì.

Khi bị giải ra chỗ hành hình, trong lòng uất ức không sao phát tiết, vừa đi vừa la khóc rằng mười tám địa ngục dưới âm ty cũng không có nơi nào đen tối hơn. Đang kêu gào thảm thiết, nghe tiếng bạn cùng đi gọi: “Anh bị ma đè à?”, giật mình tỉnh dậy, thấy nhà sư già vẫn ngồi xếp bằng như cũ. Bạn bè lại hỏi: “Trời chiều bụng đói sao ngủ say thế?”. Tăng buồn rầu đứng lên. Nhà sư mỉm cười hỏi: “Quẻ bói Tể tướng nghiệm chưa?”. Tăng càng kinh sợ, vái lạy thỉnh giáo. Nhà sư nói: “Tu nhân tích đức thì trong lò lửa tự có sen vàng chứ bần tăng làm sao biết được?”. Tăng nghênh ngang khi tới, không ngờ buồn bã mà về, tấm lòng công danh từ đó nguội lạnh, sau vào núi tu, không rõ kết cục ra sao.

Dị Sử thị nói: Ban phúc cho kẻ lành, giáng họa cho người dâm là đạo thường của trời. Kẻ kia nghe nói sẽ được làm Tể tướng thì mừng rỡ cho là đúng, thì có thể biết không phải là người cúc cung tận tụy thờ vua rồi. Lúc bấy giờ thì nắm đại quyền, lầu gác thê thiếp không gì không có, tuy giấc mơ kia vốn là dối song mong ước ấy cũng không phải đúng. Nhà sư làm ra ảo mộng, lấy đạo thuật thần diệu để răn người, kê vàng thành lệ giấc mộng ấy ắt có thật, có thể phụ vào sau chuyện giấc mộng ở Hàm Đam*.

*Kê... vàng... Hàm Đan: Chẩm trung ký chép Lư sinh thời Đường tới ngụ ở Hàm Đan, vào quán trọ gặp tiên ông Lữ Động Tân, thở than mình nghèo khổ. Lúc ấy chủ quán đang nấu kê, tiên ông đưa chiếc gối cho Lư, bảo gối lên mà ngủ sẽ được như nguyện. Lư chớp mắt thấy mình thi đỗ Tiến sĩ, làm quan lớn, vợ đẹp con khôn, giàu sang vinh hiển suốt năm mươi năm. Khi tỉnh dậy thì nồi kê trong quán trọ vẫn chưa chín. Lư kinh ngạc hỏi “Chỉ là mộng thôi sao?”. Lữ Động Tân cười đáp: “Việc đời đều như thế cả”. Sau người ta hay dùng tích này để nói việc công danh phú quý chỉ là ảo mộng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx