sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VIII - Chương 135 - 136

135. Ngũ Thu Nguyệt

(Ngũ Thu Nguyệt)

Vương Đỉnh tự Tiên Hồ người đất Tần Bưu (huyện Cao Bưu tỉnh Giang Tô) tính khảng khái, có sức khỏe, giao du rộng. Năm mười tám tuổi vợ chết, mỗi lần đi chơi xa thường cả năm không về. Anh là Nại, danh sĩ đất Giang Bắc, rất thương yêu em, thường khuyên em không nên đi xa, muốn hỏi vợ cho. Sinh không nghe, thuê thuyền tới Trấn Giang thăm bạn. Bạn đi vắng, nhân thuê một gian gác nơi quán trọ, nhìn thấy sóng nước êm đềm, núi Kim Sơn ngay trước mắt, trong lòng thích lắm. Hôm sau bạn tới mời về nhà mình ở, sinh từ chối không đi. Được hơn nửa tháng, đêm mơ thấy một nữ lang khoảng mười bốn mười lăm tuổi, dung mạo xinh đẹp lên giường cùng ngủ, tỉnh dậy thì thấy di tinh, lấy làm lạ nhưng cũng cho là ngẫu nhiên.

Đến đêm lại mơ thấy như thế, liền ba bốn đêm, trong lòng rất lạ, không dám tắt đèn, tuy nằm im trên giường mà vẫn nơm nớp đề phòng. Vừa chợp mắt đã mơ thấy cô gái lại tới, đang ôm ấp chợt giật mình tỉnh dậy, vội mở mắt nhìn thì thấy một cô gái đẹp tiên vẫn đang trong vòng tay. Cô gái thấy sinh tỉnh, có vẻ thẹn thùng sợ sệt. Sinh tuy biết nàng không phải là người nhưng trong lòng rất thích, không buồn hỏi han, cứ ra sức vần vò. Cô gái như không chịu nổi, nói: “Cuồng bạo như thế chẳng lạ gì người ta không dám nói rõ”. Sinh bấy giờ mới hỏi kỹ, nàng đáp: “Thiếp họ Ngũ tên Thu Nguyệt. Thân phụ là bậc danh nho, tinh thông Dịch số, rất thương yêu thiếp nhưng thường nói thiếp không thọ nên không hứa gả cho ai cả. Về sau đến năm thiếp mười lăm tuổi quả chết yểu, ông đào huyệt ở phía đông gian gác này mà chôn, không đắp mộ cũng không có bia, chỉ đặt cạnh quan tài một phiến đá đề: “Con gái là Thu Nguyệt, chôn không mồ, ba mươi năm sau gả về Vương Đỉnh”. Đến nay đã ba mươi năm thì chàng vừa tới, thiếp rất mừng muốn tự ra mắt nhưng còn thẹn thùng nên phải thác vào giấc mộng đó thôi”.

Vương cũng mừng, lại đòi hành sự tiếp, nàng nói: “Thiếp cần một ít khí dương để mong sống lại, thật không ngại gì chuyện gió mưa ấy. Sau này duyên lành vô hạn, cần gì phải cứ đêm nay” rồi trở dậy ra đi. Đêm sau lại tới, ngồi đối diện cười đùa vui vẻ như quen nhau từ lâu kế tắt đèn lên giường, thấy không khác gì người sống. Có điều khi nàng trở dậy thì tinh khí chảy ra thấm ướt cả chăn nệm. Một đêm trăng sáng vằng vặc, cùng dạo bước trong sân, sinh hỏi cô gái dưới cõi âm có thành quách không, nàng đáp: “Cũng như trên trần thôi. Thành phủ dưới cõi âm không ở đây mà cách độ ba bốn dặm, nhưng lấy đêm làm ngày”. Sinh hỏi người sống tới xem được không, nàng đáp: “Được”.Sinh xin tới xem, nàng bằng lòng, bèn nhân ánh trăng ra đi.

Cô gái nhẹ nhàng đi như gió, Vương cố sức đuổi theo, giây lát tới một nơi, nàng nói không còn xa nữa. Vương nhướng mắt nhìn mà không thấy gì, cô gái lấy nước bọt bôi lên hai mi mắt, sinh mở ra thấy sáng gấp mấy lần lúc bình thường, nhìn cảnh ban đêm mà rõ như ban ngày. Chợt thấy tường thành ẩn hiện trong mây mù, người trên đường đông đúc như đi chợ. Kế có hai tên lính trói ba bốn người giải ngang, lấy làm lạ vì người đi cuối giống hệt anh, rảo bước tới gần thì đúng là anh. Giật mình hỏi sao anh tới đây, anh thấy sinh ứa nước mắt ướt không biết có việc gì mà bị bắt giải đi. Vương tức giận nói: “Anh ta là người quân tử giữ lễ sao lại bị trăng trói như vậy?” rồi xin hai tên lính cởi trói cho. Lính không chịu lại tỏ vẻ rất ngạo nghễ, sinh tức tối toan gây sự, anh ngăn lại nói: “Đây là lệnh quan, phải tuân theo để giữ phép. Chỉ hiềm ta thiếu tiền chi dùng, bị họ hạch xách khổ lắm, em về nên lo tính cho”.

Sinh nắm tay anh khóc thất thanh, tên lính giận kéo mạnh cái gông, anh ngã ngay xuống. Sinh thấy thế lửa giận đầy bụng không sao nhịn được liền rút ngay thanh bội đao chém đứt đầu y, tên kia thét lên, sinh lại chém luôn. Cô gái cả kinh nói: “Giết sai nha của quan là tội không thể tha được, nếu chậm trễ sẽ có tai họa. Xin chàng lập tức tìm thuyền về bắc, về tới nhà đừng hạ lá phướn xuống, đóng chặt cửa không cho ai ra vào, sau bảy ngày thì không lo gì nữa”. Vương bèn dắt anh đi, ngay trong đêm thuê một chiếc thuyền nhỏ vội vàng về bắc. Về thấy khách khứa tới viếng tang, biết là anh đã chết thật, liền đóng cổng cài then, vừa vào thì anh đã biến mất, vào tới phòng thì người chết đã tỉnh lại, gọi: “Ta đói chết mất, đem mì lại mau!”. Lúc đó anh đã chết hai ngày, người nhà đều kinh hãi, sinh bèn kể rõ mọi chuyện. Bảy ngày sau mở cửa bỏ lá phướn, người ta mới biết anh sinh đã sống lại, họ hàng bạn bè kéo tới hỏi thăm chỉ bịa đặt trả lời.

Lại nghĩ tới Thu Nguyệt, càng thêm nhưng nhớ bèn quay xuống nam. Tới gian gác cũ thắp đèn ngồi đợi rất lâu mà cô gái vẫn không tới, thiu thiu sắp ngủ thì thấy một người đàn bà tới nói: “Nương tử Thu Nguyệt nhắn với lang quân rằng hôm trước vì hai tên sai nha bị giết, thủ phạm trốn mất, họ bắt dược nương tử hiện đang giam trong ngục, bọn ngục tốt nhìn thấy là hành hạ, ngày ngày trông chờ lang quân, xin nghĩ cách cứu giúp cho”. Vương buồn rầu phẫn uất liền đi theo người đàn bà. Tới một tòa thành, theo cửa Tây vào, người đàn bà chỉ một cái cổng nói: “Nương tử đang bị giam trong đó”. Sinh vào thấy có rất nhiều phòng, tù phạm rất đông nhưng không có Thu Nguyệt. Lại vào một cửa nhỏ, thấy trong gian phòng hẹp có đèn lửa, Vương tới gần cửa sổ nhìn vào thì thấy Thu Nguyệt ngủ trên giường lấy tay áo che mặt kêu khóc, bên cạnh có hai tên ngục tốt đang vuốt má nắm chân nàng trêu chọc. Cô gái kêu khóc càng thảm thiết, một tên ôm cổ nàng nói: “Đã là tội phạm mà còn giữ trinh tiết à?,” Sinh nổi giận không nói không rằng, rút đao xông vào chém mỗi đứa một nhát như phát cỏ rồi cướp lấy cô gái chạy ra, may là không ai biết.

Vừa tới quán trọ thì sinh chợt tỉnh dậy, đang lạ lùng vì giấc mộng dữ thì thấy Thu Nguyệt chảy nước mắt đứng cạnh. Sinh giật mình trỗi dậy kéo nàng ngồi, kể lại giấc mộng. Cô gái nói: “Đó là thật chứ không phải mộng đâu”. Sinh kinh sợ nói: “Vậy thì làm sao bây giờ?”, cô gái than: “Đây cũng là số phận, chờ đến ngày cuối tháng thì thiếp mới được sống lại, nhưng giờ việc đã gấp thì làm sao chờ được? Xin đào ngay chỗ chôn thiếp rồi đưa thiếp cùng về, hàng ngày cứ gọi tên thiếp thì qua ba ngày có thể sống lại. Nhưng chưa đủ thời hạn, xương mềm chân yếu không thể lo việc nhà giúp chàng thôi”. Nói xong vội vàng định đi, chợt quay lại nói: “Thiếp suýt nữa thì quên mất, nếu âm ty đuổi theo thì làm thế nào? Khi còn sống cha thiếp có truyền cho một đạo bùa, nói ba mươi năm sau có thể cho hai vợ chồng cùng đeo”. Rồi lấy giấy bút vẽ mau hai lá bùa, nói: “Một lá thì chàng đeo, còn một lá thì dán vào lưng thiếp”.

Sinh đưa nàng ra, tới chỗ nàng biến mất thì đào lên, khoảng hơn một thước thấy có chiếc quan tài đã mục nát, bên cạnh có tấm bia nhỏ như lời nàng nói. Mở quan tài xem thấy nhan sắc nàng như còn sống bèn bế vào trong phòng, xiêm y theo gió tan hết. Dán bùa xong sinh lấy chăn bọc kín lại, cõng ra bờ sông gọi thuyền ghé vào, nói thác rằng em gái ốm nặng, phải đưa về nhà. May được gió nam thổi mạnh, vừa vừa sáng đã về tới nhà, bế nàng vào đặt nằm đâu đấy xong mới nói với anh chị, cả nhà nhớn ngác nhìn nhau nhưng cũng không ai dám nói thẳng là sự huyễn hoặc. Sinh mở chăn, gọi to Thu Nguyệt, đêm thì ôm xác nàng mà ngủ. Thi thể nàng ngày càng ấm dần, ba ngày thì sống lại, bảy ngày sau thì đi lại được, bèn thay quần áo ra chào chị dâu, lãng đãng không khác gì thần tiên.

Nhưng ngoài mười bước thì phải có người đỡ cho đi, nếu không thì xiêu vẹo theo gió như muốn ngã, người ta nhìn thấy cho rằng nàng mang bệnh như thế lại càng đẹp thêm. Nàng thường khuyên sinh: “Oan nghiệt của chàng rất sâu, nên tích đức tụng kinh để sám hối, nếu không sợ không sống lâu được”. Sinh vốn không tin Phật, lúc ấy bèn dốc lòng quy y, về sau không việc gì cả.

Dị Sử thị nói: Ta muốn tâu với triều đình xin định luật lệ là phàm giết sai nha thì giảm tội ba bậc so với giết dân thường, vì bọn sai nha thì không ai là không có tội đáng giết cả. Cho nên kẻ giết được bọn sai nha ắt là người tốt, dù phải trừng trị chút ít cũng không nên đối xử tàn ác. Huống chi dưới âm ty không có phép tắc nhất định, giả như trong đó có kẻ xấu thì vạc dầu núi kiếm cũng không phải là tàn ác. Nếu như lòng người lấy làm vui sướng thì Diêm Vương cho là điều lành, chứ há kẻ có tội bị âm ty tróc nã mà may mắn trốn thoát được sao?

136. Công Chúa Liên Hoa

(Liên Hoa Công Chúa)

Đậu Húc tự Hiểu Huy người huyện Giao Châu (tỉnh Sơn Đông), ngủ trưa mơ thấy một người mặc áo vải tới đứng cạnh giường nhìn ngó quanh quẩn như muốn nói điều gì, sinh hỏi thì đáp tướng công mời ông tới chơi. Sinh hỏi tướng công là ai, người ấy nói: “Nhà cũng ở cạnh đây”. Sinh theo người ấy ra đi, vòng qua tường nhà mình thì tới một nơi lầu gác trùng trùng nối nhau muôn lớp, quanh co qua lại thấy có muôn nhà ngàn cổng khác xa nhân thế. Lại thấy cung tần nữ quan đi lại nườm nượp, đều hỏi người áo vải: “Đậu lang tới đó à?”, người áo vải gật đầu. Chợt một vị quý quan ra đón, chào hỏi rất cung kính, vào tới sảnh đường, sinh hỏi: “Trước nay chưa từng quen biết nên không tới bái kiến, nay được quá yêu đón rước khiến ta rất e ngại”. Vị quý quan đáp: “Đức vua của ta thấy tiên sinh dòng dõi thanh bạch vẫn hằng hâm mộ rất muốn gặp mặt”. Sinh càng sợ hãi, hỏi đại vương là ai, vị quý quan đáp lát nữa sẽ biết.

Không bao lâu có hai nữ quan tới, cầm hai lá cờ dẫn sinh đi, vào mấy lần cửa thì thấy một bậc vương giả ngồi trên điện. Vương thấy sinh thì bước xuống thềm đón theo lễ chủ khách. Làm lễ tương kiến xong thì vào tiệc, món ngon vật lạ bày lên la liệt. Ngẩng nhìn thấy trên điện có tấm biển đề hai chữ Quế Phủ, sinh bối rối không biết nói gì. Vương nói: “Là láng giềng gần gũi, tình ắt phải khắng khít, ông cứ tự nhiên đừng ngại”, sinh dạ dạ. Rượu được vài tuần, dưới thềm sênh ca trỗi lên nhưng không có chiêng trống, âm thanh rất nhỏ. Một lát vương chợt nhìn tả hữu nói: “Trẫm có một câu phiền các khanh đối: Tài nhân đăng quế phủ (Tài nhân lên phủ quế)”. Cả tiệc còn đang nghĩ, sinh đối ngay: “Quân tử ái liên hoa (Quân tử thích hoa sen)” Vương nói: “Liên Hoa là tiểu tự của công chúa, sao lại trùng hợp như thế, há không phải là túc duyên sao. Hãy truyền gọi công chúa ra chào quân tử”. Giây lát tiếng vòng ngọc khua vang, hương thơm sực nức, công chúa ra tới, tuổi khoảng mười sáu mười bảy, dung mạo tuyệt thế. Vương sai nàng lên lạy chào sinh, nói: “Đây là tiểu nữ Liên Hoa”, công chúa chào xong trở vào.

Sinh thấy nàng tâm thần rúng động, ngồi thừ ra tơ tưởng, vương nâng chén mời cũng như không thấy. Vương như hơi biết ý, nói: “Con gái ta cũng có thể sánh đôi với ông nhưng tự thẹn không cùng loài thì làm thế nào?”. Sinh vẫn còn ngơ ngẩn cũng không nghe thấy, người bên cạnh đạp nhẹ vào chân nói: “Vương mời mà ông chưa thấy vương nói mà ông chưa nghe sao?”. Sinh thẫn thờ đứng lên bước ra nói: “Thần đội ơn lớn, không ngờ quá say thất thố, xin được tha thứ, nhưng trời đã xế, đại vương lại bận việc, thần xin cáo từ”. Vương đứng dậy nói: “Được gặp mặt bậc quân tử, ta rất thỏa lòng, sao lại vội cáo từ như thế? Nhưng khanh đã không muốn ở ta cũng không dám ép, nếu nghĩ tới nhau ngày khác quả nhân sẽ lại mời”, rồi sai nội quan đưa sinh ra. Trên đường nội quan nói: “Vừa rồi vương nói công chúa có thể sánh đôi với ông, như là có ý muốn chọn làm Phò mã, sao ông im lặng không nói gì?” Sinh giẫm chân hối hận, mỗi bước mỗi thở dài than tiếc, kế về tới nhà thì chợt tỉnh dậy, thấy mặt trời đã lặn, ngồi ngây ra nhớ lại giấc mộng rất rõ ràng.

Tối đến ra nhà học tắt đèn ngủ sớm, có ý đợi giấc mộng cũ nhưng không thấy gì, đành thở than hối tiếc mà thôi. Một đêm sinh ngủ chung với một người bạn chợt thấy viên nội quan hôm trước tới nói đại vương sai mời, sinh mừng rỡ đi theo, vào gặp vương lạy phục xuống bái yết. Vương đỡ dậy mời ngồi bên cạnh, nói: “Từ khi chia tay đến nay biết khanh nhọc lòng tơ tưởng, muốn cho tiểu nữ hầu hạ áo khăn, nghĩ chắc khanh không chê bỏ”, sinh lập tức lạy tạ. Vương liền sai các quan học sĩ đại thần ngồi tiếp rượu, xong tiệc cung nhân bước lên nói: “Công chúa đã trang điểm xong”, liền thấy mấy mươi cung nữ đỡ công chúa ra, che mặt bằng khăn gấm đỏ, nhẹ nhàng yểu điệu bước lên nệm lông chiên làm lễ giao bái với sinh. Kế đưa hai vợ chồng về phòng riêng, lúc động phòng nàng rất nhu thuận. Sinh nói: “Có nàng trước mắt thật vui mừng quên chết, nhưng e cuộc gặp gỡ hôm nay chỉ là giấc mộng thôi”. Công chúa bịt miệng sinh nói: “Rõ ràng là thiếp với chàng đang ở đây, sao lại là mộng!”.

Sáng ra sinh đùa trang điểm cho công chúa, kế lấy dây lưng đo quanh hông nàng, lại gang tay đo chân. Công chúa cười hỏi: “Chàng điên à?”, sinh đáp: “Ta nhiều lần bị giấc mộng đánh lừa nên phải nhớ kỹ để nếu là giấc mộng cũng đủ mà nhớ nhau”. Đang đùa giỡn thì một cung nữ chạy mau vào nói: “Yêu quái vào cửa cung, đại vương đã lánh ra biệt điện, tai vạ tới rồi” Sinh cả kinh vội tới gặp vương, vương cầm tay sinh khóc nói: “Được quân tử không bỏ, đang muốn sum họp lâu dài, nào ngờ trời giáng tai nghiệt, vận nước sắp đổ, biết tính sao đây?”. Sinh sửng sốt hỏi sao nói thế, vương lấy một bản tâu trên án trao cho, sinh mở ra đọc thấy viết rằng: “Hàm Hương điện Đại học sĩ thần Hắc Dục xin tâu về việc yêu quái tai dị phi thường phải sớm dời đô để giữ vận nước. Theo lời báo của Hoàng môn quan thì ngày mùng sáu tháng năm có một con mãng xà dài ngàn trượng tới chiếm giữ ngoài cung, nuốt sống thần dân trong ngoài tất cả hơn một vạn ba ngàn tám trăm mạng, đi qua nơi nào thì lâu đài đều thành gò bãi vân vân. Thần lấy can đảm ra xem quả thấy rõ rắn tinh đầu tựa núi non, mắt như sông biển, ngẩng đầu thì nuốt hết cung điện, duỗi thân thì sụp cả lâu đài. Thật là hung dữ ngàn đời chưa thấy, tai vạ muôn kiếp không từng. Xã tắc tôn miếu nguy trong sớm tối, xin Hoàng thượng sớm đưa cung quyến dời tới nơi yên ổn”.

Sinh đọc xong tái cả mặt, liền có cung nhân chạy vào cấp báo yêu quái tới, cả điện khóc lóc kêu gào vô cùng thê thảm. Vương cuống quýt không biết làm sao, chỉ khóc ngoảnh lại nói: “Phiền tiên sinh lo cho tiểu nữ!”. Sinh nghẹn ngào về phòng thì công chúa đang cùng tả hữu ôm đầu kêu khóc, thấy sinh vào liền nắm áo nói: “Lang quân tính sao cho thiếp đây”. Sinh đau xót muốn chết, cầm tay công chúa nói: “Tiểu sinh nghèo hèn thẹn không có nhà vàng, chỉ có ba gian nhà tranh, cứ cùng về đó tạm lánh được không?”. Công chúa rơi lệ nói: “Việc gấp rồi còn lựa chọn gì nữa, xin dẫn thiếp đi mau!”. Sinh bèn đỡ nàng ra đi, không bao lâu về tới nhà. Công chúa nói: “Nhà này rộng lớn yên ổn còn hơn nước cũ. Nhưng thiếp theo chàng tới đây còn cha mẹ thì nương tựa vào đâu, xin xây cho một gian nhà riêng để cả nước theo về ở”. Sinh lấy làm khó khăn, công chúa gào khóc nói: “Không cứu giúp được lúc nguy cấp, thì chàng làm được gì?” Sinh an ủi qua loa rồi vào phòng trong, công chúa nằm phục xuống giường kêu khóc thảm thiết không sao khuyên giải, sinh nóng lòng mà không có cách nào, chợt giật mình tỉnh dậy mới biết là giấc mộng.

Nhưng bên tai vẫn còn tiếng than khóc nức nở chưa dứt, nghe kỹ thì không phải là tiếng người mà là hai ba con ong bay lượn vo ve trên gối, bèn kêu to là chuyện lạ. Người bạn hỏi han, sinh kể lại giấc mộng, bạn cũng kinh ngạc lạ lùng cùng trở dậy nhìn mấy con ong thấy cứ bay đậu trên áo sinh, đuổi cũng không đi. Bạn khuyên làm tổ cho chúng ở, sinh theo lời mướn thợ về làm. Vừa dựng xong hai vách tổ đã thấy đàn ong từ ngoài tường liên tiếp bay vào, nóc tổ chưa lợp thì đã đậu đen đặc trong đó. Tìm xem chúng từ đâu bay tới thì là ở cái vườn cũ của ông già hàng xóm, trong vườn có một tổ ong đã hơn ba mươi năm, sinh đẻ rất nhiều. Có người kể việc của sinh cho ông già nghe, ông ra xem thấy tổ ong vắng ngắt. Giở vách tổ lên nhìn thấy có con rắn dài hơn một trượng liền bắt giết đi, mới biết con mãng xà ngàn trượng chính là nó. Từ ngày ong vào ở nhà sinh, sinh nở càng đông đúc hơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx