sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển X - Chương 177 - 178

177. Nhan thị

Mỗ sinh ở phủ Thuận Thiên (tỉnh Hà Bắc) nhà nghèo, gặp năm mất mùa theo cha tới đất Lạc (tỉnh Hà Nam) sinh sống. Tính ngu độn, năm mười bảy tuổi mới viết chữ được thẳng hàng nhưng diện mạo tuấn tú, pha trò giỏi, viết thư tài nên không ai biết là trong bụng rỗng tuếch. Được ít lâu cha mẹ nối nhau qua đời, còn trơ trọi một mình, dạy học cho trẻ con ở đất Lạc để sinh sống. Lúc ấy trong thôn có cô gái mồ côi họ Nhan là con một bậc danh sĩ, thông minh từ nhỏ. Khi cha còn sống thường dạy cho học, chỉ đọc qua một lần là nhớ không quên, hơn mười tuổi đã làm được thơ, cha nói: “Nhà ta có nữ học sĩ, chỉ tiếc là không được đội mũ thôi,” vì vậy rất yêu quý, muốn tìm rể sang. Cha mất, mẹ nàng vẫn theo ý ấy nhưng ba năm chưa thỏa nguyện, kế cũng mất. Có người khuyên nên lấy học trò giỏi, nàng cho là phải nhưng chưa gặp được ai. Gặp khi người đàn bà hàng xóm qua chơi trò chuyện, có cầm một tờ giấy viết chữ gói chỉ thêu, nàng mở ra xem thì là thư của Mỗ sinh gởi cho chồng chị ta. Cô gái xem đi xem lại, khen chữ viết đẹp, chị ta biết ý nói nhỏ: “Người ấy trẻ tuổi đẹp trai, mồ côi giống cô, tuổi cũng xấp xỉ, nếu bằng lòng thì ta dặn chồng ta nói cho là xong,” nàng im lặng không đáp.

Chị ta về nói với chồng, y vốn chơi thân với sinh bèn kể lại, sinh mừng lắm, nhân có chiếc nhẫn vàng của mẹ để lại bèn nhờ đưa tới làm sính lễ. Rồi chọn ngày cưới luôn, vợ chồng rất hòa hợp, đến lúc đọc thấy văn sinh, nàng cười nói: “Văn với chàng tựa hồ như hai người, thế này thì chừng nào mới thi đỗ được?” Từ đó sớm hôm đốc thúc chàng học hành, nghiêm khắc như thầy trò, buổi tối thì thắp đèn ngồi vào bàn ngâm nga trước cho chồng đọc theo, đến canh ba mới nghỉ. Cứ thế hơn một năm, sinh đã thạo lối văn trường ốc nhưng thi mấy lần đều rớt, nghĩ lại thân danh lận đận, sinh sống khổ cực, tình cảnh buồn tênh, hu hu khóc lóc. Cô gái mắng: “Chàng không phải là đàn ông, đội mũ thật uổng. Nếu ta bỏ khăn yếm đổi làm đàn ông thì đoạt công danh dễ như nhổ cỏ vậy.” Sinh đang buồn bực, nghe vợ nói quắc mắt giận dữ đáp: “Đàn bà chưa vào trường thi cử lần nào, cứ tưởng đoạt công danh phú quý dễ như đun nước nấu cháo trong bếp. Nếu được làm đàn ông, thì cũng như người ta thôi!” Nàng cười nói: “Chàng đừng giận, chờ đến kỳ thi thiếp xin cải trang thay chàng vào trường, nếu cũng thi rớt như chàng thì xin không dám coi thường danh sĩ trong thiên hạ nữa.” Sinh cũng cười nói: “Nàng vẫn chưa biết nỗi cay cực đâu, xin cứ nếm thử cho biết mùi thi cử, chỉ sợ lộ ra bị láng giềng cười cho thôi.” Nàng nói: “Thiếp không nói đùa đâu. Chàng thường nói còn gian nhà cũ ở đất Yên (tỉnh Hà Bắc), thiếp xin cải trang làm em trai theo chàng về đó ở. Chàng xa quê từ nhỏ, ai biết là giả?” Sinh ưng thuận.

Nàng vào phòng đội khăn mặc áo đàn ông rồi bước ra hỏi: “Nhìn xem thiếp có làm con trai được không?” Sinh nhìn quả thật là một thiếu niên đẹp trai, mừng rỡ từ biệt làng xóm, được các bạn thân tặng tiễn cho ít nhiều bèn mua một con ngựa đỡ chân, đưa vợ về quê. Người anh con bác của sinh còn sống, thấy hai em tuấn tú rất vui mừng, sớm hôm chăm nom giúp đỡ. Lại thấy thức khuya dậy sớm chăm chỉ học hành, càng thêm yêu quý, thuê cho một đứa nhỏ để sai vặt, nhưng cứ chiều tối là hai người bảo nó về. Trong làng có đám cưới đám giỗ thì anh tới thăm hỏi chứ em chỉ ngồi nhà học, về làng nửa năm mà ít người thấy mặt, có ai xin gặp thì anh từ chối giùm. Đọc tới văn bài của em ai cũng kinh lạ, có người xô cửa vào gặp thì vái chào qua loa rồi tránh mặt ngay. Khách khứa thấy phong tư lại càng hâm mộ, vì thế rất nổi tiếng, các nhà thế gia tranh nhau hứa gả con gái cho. Người anh con bác bàn tới chuyện ấy thì nhoẻn miệng cười, ép lấy vợ thì nói đã thề quyết chí lập công danh, không thi đỗ thì không lấy vợ.

Gặp lúc quan Học sứ mở kỳ khảo hạch, hai anh em cùng đi thi, anh lại trượt, em đỗ đầu rồi thi hương đỗ Cử nhân thứ tư, qua năm sau thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Đồng Thành (tỉnh An Huy), làm quan có tiếng tốt nên dần được thăng làm Chưởng ấn Ngự sử Hà Nam, giàu có ngang bậc vương hầu. Sau thác bệnh xin nghỉ, được cho về trí sĩ. Khách khứa tới thăm chật cổng, đều từ tạ không tiếp một ai. Từ lúc là Chư sinh đến khi làm quan không hề nói tới chuyện cưới vợ, ai cũng lấy làm lạ. Sau khi trí sĩ mới có tỳ nữ, người ta ngờ có ăn ngủ với họ nhưng người chị dâu để ý dò xét thì không có gì bậy bạ. Nhà Minh mất, thiên hạ đại loạn, mới nói với chị dâu: “Nói thật với chị, em là vợ Tiểu lang, vì thấy đàn ông bết bát không lập thân nổi nên tức giận làm cho biết tay, chỉ sợ lộ ra, nhà vua triệu vào tra hỏi bị thiên hạ cười thôi.” Chị dâu không tin, cô gái cởi giày đưa bàn chân cho xem, chị mới kinh ngạc, nhìn chiếc giày thấy trong độn đầy vải vụn. Từ đó nàng bảo sinh nhận lấy chức hàm, mình thì đóng cửa trở lại làm đàn bà.

Nhưng bình sinh không chửa đẻ, nên bỏ tiền ra cưới vợ lẽ cho sinh, nói: “Người ta làm quan lớn thì mua hầu cưới thiếp tự cung phụng mình, mà ta làm quan mười năm chỉ ở một mình, chàng có phúc trạch gì mà ngồi không hưởng hầu non gái đẹp?” Sinh đáp: “Có ba mươi người đẹp trai[1], tùy nàng lựa chọn!” Người ta kể cho nhau mà cười. Lúc ấy cha mẹ sinh đã được phong tặng mấy lần, thân hào nhân sĩ tới thăm viếng đều coi sinh như quan Thị ngự. Sinh thẹn về sự tập tước của vợ nên chỉ yên phận Chư sinh, suốt đời đi đâu cũng không dùng võng lọng.

[1] Có ba mươi người đẹp trai: Sơn Âm công chúa em gái Tống Phế đế thời Nam triều được anh yêu quý, có lần đi cùng kiệu, hỏi vua rằng: “Trong sáu cung của bệ hạ có hàng vạn người mà thiếp chỉ có một Phò mã, sao không công bằng quá thế?” Vua bèn chọn ra ba mươi người đẹp trai cho nàng tùy ý chọn lựa.

Dị Sử thị nói: Cha mẹ chồng nhờ con dâu mà được phong tặng, có thể nói là việc lạ lùng vậy. Song quan Thị ngự có phu nhân thì đời nào chẳng có, chứ phu nhân làm quan Thị ngự như thế thì ít lắm, những kẻ đội mũ nhà nho, xưng là đàn ông trong thiên hạ đều phải thẹn chết đi được.

178. Tiểu Tạ

Nhà quan Bộ lang họ Khương ở Vị Nam (tỉnh Thiểm Tây) có nhiều ma quỷ hay dọa người nên phải dọn đi, để lại một người tớ già trông coi. Người ấy chết, thay mấy người khác cũng đều chết, nhà đành bỏ hoang. Trong làng có Đào sinh tên Vọng Tam, tính phong lưu thích gặp gỡ đám ca kỹ, nhưng cứ hơi say thì bỏ về. Bạn bè bảo kỹ nữ đuổi theo kéo lại cũng cười không cưỡng nhưng cả đêm không đụng chạm gì tới. Thường ở trong nhà Bộ lang, nửa đêm có người tỳ nữ tới khêu gợi nhưng sinh kiên quyết cự tuyệt không làm việc trái lễ, Bộ lang vì vậy rất nể trọng. Nhà Đào vốn nghèo, lại góa vợ, có mấy gian nhà tranh ẩm thấp nóng nực không sao chịu nổi, nên xin Bộ lang cho ở nhờ ngôi nhà bỏ hoang. Bộ lang vì nhà có ma nên từ chối, sinh bèn làm bài Tục Vô quỷ luận[1] đưa xem, lại nói: “Ma thì còn làm gì được?” Bộ lang thấy xin mãi đành bằng lòng.

[1] Tục Vô quỷ luận: tức dựa theo nhan đề các bài Vô quỷ luận của Nguyễn Chiêm thời Tấn và Lâm Uẩn thời Đường.

Sinh tới quét dọn gian chính sảnh vào ở, chập tối để quyển sách ở đó về lấy đồ dùng, khi trở lại thì không thấy đâu, lấy làm lạ bèn lên giường nằm ngửa im lặng chờ xem động tĩnh. Khoảng ăn xong bữa cơm nghe có tiếng giày dép, hé mắt nhìn thấy hai cô gái ở phòng trong đi ra, đặt trả quyển sách bị mất lên bàn. Một nàng khoảng hai mươi tuổi, một nàng khoảng mười bảy mười tám tuổi, đều rất xinh đẹp, cứ quanh quẩn cạnh giường nhìn nhau cười, sinh vẫn im lặng không động đậy. Nàng lớn nhấc một chân đặt lên bụng sinh, nàng nhỏ bưng miệng cười, sinh thấy tâm thần rạo rực như không kìm được, nhưng lập tức đè nén tà niệm, không đếm xỉa gì tới. Nàng lớn lại tay trái vuốt râu, tay phải tát nhẹ chanh chách vào mặt sinh, nàng nhỏ cười bò ra. Sinh vùng dậy quát: “Lũ quỷ dám hỗn thế à?” Hai cô gái hoảng sợ bỏ chạy biến mất. Sinh sợ phải khổ sở suốt đêm, định về nhà ngủ nhưng lại xấu hổ vì nói một đàng làm nột nẻo bèn khêu đèn ngồi đọc sách, trong góc tối vẫn có bóng ma chập chờn nhưng không hề đếm xỉa.

Gần nửa đêm để đèn đi nằm, vừa chợp mắt đã có người lấy vật gì nho nhỏ ngoáy vào lỗ mũi rất ngứa ngáy, hắt hơi ầm lên, chỉ nghe trong góc tối có tiếng cười khúc khích. Sinh không nói gì, vờ ngủ chờ xem tiếp, giây lát thấy nàng nhỏ vê tờ giấy vào vế, rón rén bước tới gần. Sinh vùng dậy quát lại lủi trốn, vừa chợp mắt lại bị ngoáy vào tai, bị quấy nhiễu suốt đêm không sao chịu nổi, đến lúc gà gáy thì yên ắng, sinh mới được ngủ yên. Cả ngày không nghe thấy gì nhưng mặt trời vừa lặn lại hiện hình, sinh bèn nấu cơm ban đêm để thức luôn đến sáng. Đêm ấy nàng lớn ngồi bó gối trên ghế nhìn sinh đọc một lúc rồi đưa tay che sách, sinh tức giận nắm lấy thì vụt biến mất, giây lát lại giật lấy sách, sinh phải lấy tay đè lên sách mà đọc. Nàng nhỏ thì lẻn ra phía sau lấy hai tay bịt mắt sinh rồi dang ra xa đứng cười. Sinh chỉ tay mắng: “Đồ quỷ con! Ta mà bắt được sẽ giết hết,” hai nàng không hề tỏ vẻ sợ hãi. Sinh thấy thế đùa nói: “Chuyện gối chăn nghiêng ngửa ta không thích, chọc ghẹo làm gì vô ích.” Hai nàng mỉm cười quay vào bếp chẻ củi vo gạo nấu cơm cho sinh. Sinh nhìn vào khen: “Hai nàng làm thế chẳng hơn nhảy nhót nghịch ngợm sao?” Phút chốc cơm chín lại tranh nhau lấy đũa bát dọn cơm ra bàn, sinh nói: “Cảm ơn hai nàng giúp đỡ, không biết lấy gì báo đáp.” Hai nàng cười nói: “Trong cơm có trộn thuốc độc đấy.” Sinh đáp: “Ta với hai nàng không có oán thù, làm gì tới nỗi hại nhau như vậy.” Ăn hết bát này hai nàng lại tranh nhau qua lại đơm bát khác, sinh vui vẻ, dần dần thành lệ. Lúc đã thân mật cùng nhau trò chuyện, sinh hỏi họ tên, nàng lớn nói: “Thiếp họ Kiều tên Thu Dung, nó họ Nguyễn tên Tiểu Tạ.” Lại hỏi từ đâu tới đây ở, Tiểu Tạ cười đáp: “Chàng ngốc còn chưa dám để lộ thân thể ra một lần thì ai cần anh hỏi nhà cửa, định hỏi cưới à?” Sinh nghiêm trang đáp: “Đối diện với người đẹp làm sao vô tình được, nhưng âm khí mà người trần vương phải ắt chết, nếu không thích ở chung thì ta đi nơi khác cũng được, nếu thích thì ai yên phận nấy. Nếu không yêu thương thì ta đâu dám xúc phạm hai người đẹp, nếu yêu thương thì cần gì giết một gã cuồng sinh?” Hai nàng đổi sắc mặt nhìn nhau, từ đó không đùa nghịch quá quắt nữa, mà nếu thỉnh thoảng thọc tay vào bụng sinh tụt quần xuống đất, sinh cũng không giận.

Một hôm sinh chép bài chưa xong có việc phải ra ngoài, quay vào thấy Tiểu Tạ đang nằm bò ra bàn cầm bút chép thay, thấy sinh thì buông bút ngượng nghịu cười. Tới gần xem, thấy tuy chưa ra chữ nhưng cũng ngay hàng thẳng lối khen rằng: “Nàng có khiếu lắm, nếu thích môn này ta sẽ dạy cho.” Rồi ôm nàng vào lòng, cầm cổ tay dạy viết. Thu Dung từ ngoài vào thấy thế biến sắc như có ý ghen, Tiểu Tạ cười nói: “Lúc nhỏ thường được cha dạy cho nhưng bỏ lâu rồi, nay cầm bút thấy cứ mơ mơ màng màng.” Thu Dung không nói gì, sinh hiểu ý nhưng làm như không biết, cũng ôm nàng vào lòng, đưa bút cho cầm, nói: “Ta xem thử nàng có viết được không.” Viết vài chữ rồi đứng lên nói: “Nét chữ nàng Thu cứng cáp lắm,” Thu Dung mới vui vẻ. Sinh liền rọc giấy cho tập viết phóng, bảo hai nàng viết theo còn mình thắp một ngọn đèn riêng ngồi học, mừng thầm vì ai cũng có việc để làm không quấy nhiễu nữa. Viết xong, hai nàng mang tới đứng trước bàn chờ sinh chấm điểm, Thu Dung chưa được đi học nên nguệch ngoạc chưa ra chữ, sinh chấm xong nói không bằng Tiểu Tạ thì có vẻ thẹn, sinh an ủi khích lệ mới mới lấy lại vẻ mặt bình thường.

Từ đó hai cô gái coi sinh như thầy, ngồi thì gãi lưng, nằm thì bóp chân, chẳng những không dám khinh nhờn mà còn tranh nhau chiều chuộng. Hơn tháng sau chữ viết của Tiểu Tạ đã ngay ngắn đẹp đẽ, sinh vô tình khen ngợi, Thu Dung xấu hổ nước mắt ròng ròng, sinh tìm đủ cách an ủi mới nguôi. Kế dạy cho học, cả hai đều thông minh lạ thường, nói qua một lần là hiểu, không bao giờ phải hỏi lại, thường cùng sinh đọc sách suốt đêm. Tiểu Tạ lại dẫn em trai là Tam lang tới xin theo học, khoảng mười lăm mười sáu tuổi, dung mạo tuấn tú, đem cái như ý bằng vàng làm lễ ra mắt, sinh bảo cùng học với Thu Dung, tiếng đọc sách râm ran, sinh từ đó thành ra mở trường dạy ma. Bộ lang nghe tin rất mừng, thỉnh thoảng cấp gạo củi cho sinh. Được vài tháng Thu Dung và Tam lang đã biết làm thơ, thường xướng họa với nhau. Tiểu Tạ ngầm dặn đừng dạy Thu Dung, sinh ừ, Thu Dung dặn đừng dạy Tiểu Tạ, sinh cũng ừ. Một hôm sinh sắp đi thi, hai cô gái khóc lóc đưa tiễn. Tam lang nói: “Chuyến này nên cáo ốm đừng đi, nếu không e gặp chuyện không hay.” Sinh cho rằng cáo ốm trốn thi là nhục nên cứ đi.

Vốn trước đó sinh hay làm thơ mỉa mai thời thế, các nhà quyền quý trong huyện ghét lắm, ngày đêm nghĩ cách hãm hại, lúc ấy ngầm hối lộ quan học chính vu cáo là hạnh kiểm không tốt, bắt sinh bỏ ngục. Sinh hết cả tiền, phải xin ăn các bạn tù, tự nghĩ là đã hết đường sống. Chợt có một người lãng đãng bước vào, thì ra là Thu Dung đem cơm vào cho. Nàng nhìn sinh khóc nức nở, nói: “Tam lang lo chàng gặp chuyện không lành, nay quả không sai. Tam lang cùng tới đây với thiếp, đang kêu oan ở nha môn,” kế nói thêm vài câu rồi quay ra, không ai trông thấy. Hôm sau quan pháp ty ra đường, Tam lang đón kiệu kêu oan, quan nhận đơn, Thu Dung vào ngục báo cho sinh rồi trở ra nghe ngóng tin tức, ba ngày không thấy vào Sinh lòng buồn bụng đói, thấy một ngày dài như một năm. Chợt Tiểu Tạ tới, buồn bã hốc hác như sắp chết, nói: “Thu Dung về ngang miếu Thành hoàng bị viên Phán quan mặt đen ở chái tây bắt vào ép làm vợ lẽ. Thu Dung không chịu, hiện đang bị nhốt trong ngục tối. Thiếp lặn lội cả trăm dặm, mỏi mệt gần chết, tới cổng bắc lại bị gai già đâm vào gan bàn chân đau thấu xương, e rằng không thể tới đây được nữa,” rồi đưa chân cho xem, máu chảy ròng ròng, kế đưa sinh ba lượng vàng rồi khập khiễng bước ra biến mất.

Quan pháp ty xét việc Tam lang khiếu nại, cho rằng Tam lang không có họ hàng thân thích gì mà kêu oan cho sinh, định đánh đòn thì Tam lang ngã xuống đất biến mất. Quan lấy làm lạ, xem tới đơn thấy lời lẽ bi thiết, cho giải sinh ra lấy cung, hỏi Tam lang là ai. Sinh giả không biết, quan hiểu là oan bèn tha cho về. Sinh về thì nhà vắng ngắt không có ai, khuya Tiểu Tạ mới tới, buồn rầu nói: “Tam lang ở nha môn ra bị thần ở đó bắt giải xuống âm ty, Diêm Vương thấy có nghĩa khí nên đã cho đầu thai làm con nhà giàu. Thu Dung thì vẫn còn bị giam, thiếp đưa đơn kêu với Thành hoàng lại bị ngăn trở không vào được, làm sao bây giờ?” Sinh tức giận nói: “Thằng quỷ già mặt đen, sao dám như thế? Ngày mai ta sẽ xô đổ tượng nó xuống, đạp nát ra thành bùn đất, rồi rạch mặt Thành hoàng hỏi tội tại sao để cho thuộc hạ hoành hành như vậy, y đang ngủ mơ à?” Hai người buồn rầu căm tức ngồi với nhau, bất giác gần hết canh tư, chợt Thu Dung lãng đãng bước vào, hai người vừa mừng vừa sợ vội vàng hỏi han. Thu Dung khóc nói: “Nay vì chàng mà phải muôn vàn cay đắng, Phán quan hàng ngày cứ đem dao gậy ra bức bách, đêm nay chợt tha thiếp về nói: Ta làm thế này chỉ vì thường yêu nàng, nay nàng không muốn thì ta cũng không ép buộc, xin nói với quan Hình bộ họ Đào đừng khiển trách ta,” sinh nghe cũng hơi hả dạ, nhân muốn ngủ chung, nói: “Hôm nay xin chết vì hai nàng.” Hai cô gái buồn rầu nói: “Lâu nay được dạy bảo cũng hơi biết nghĩa lý, nỡ nào vì yêu chàng mà giết chàng sao?” nhất định không chịu, nhưng đều ôm đầu bá cổ sinh như vợ chồng, mà hai nàng vì cùng trải qua hoạn nạn nên không còn ghen tức gì nhau nữa.

Gặp lúc có vị đạo sĩ gặp sinh trên đường, nói trên người sinh có tà khí. Sinh thấy lời nói lạ lùng bèn kể lại mọi chuyện. Đạo sĩ nói: “Ma ấy tốt lắm, không nên phụ họ.” Rồi vẽ hai lá bùa trao cho sinh, dặn: “Về đưa cho hai nàng ấy rồi chờ xem phúc mệnh. Nếu nghe ngoài cổng có tiếng khóc thương con gái chết thì nuốt lá bùa chạy mau ra, ai tới trước sẽ được sống lại.” Sinh lạy tạ nhận lấy về đưa hai nàng, kể lại lời đạo sĩ dặn. Hơn tháng sau quả nghe có tiếng khóc thương con gái chết, hai nàng tranh nhau chạy ra, Tiểu Tạ vội vàng quên nuốt lá bùa, thấy có chiếc xe tang đi ngang, Thu Dung bước thẳng lên chui luôn vào quan tài biến mất. Tiểu Tạ không vào được, khóc lớn trở về, sinh ra nhìn thì là đám tang con gái phú ông họ Hác. Mọi người đều thấy có một cô gái chui vào quan tài, đang ngờ sợ thì nghe bên trong có tiếng động vội dừng lại mở ra xem thì thấy cô gái đã thoi thóp thở, bèn xin nghỉ lại ngoài phòng học của sinh để săn sóc. Chợt nàng mở mắt hỏi Đào sinh, Hác gặng hỏi, nàng đáp: “Ta không phải là con gái ông đâu,” rồi kể rõ sự tình. Hác chưa tin lắm, muốn khiêng về, nàng không chịu, chạy luôn vào phòng học của sinh nằm không ra nữa, Hác bèn nhận sinh làm con rể rồi về. Sinh vào nhìn thấy dung mạo tuy khác nhưng xinh đẹp không kém Thu Dung, mừng là còn hơn cả điều mình mong muốn, cùng nhắc chuyện cũ. Chợt nghe tiếng ma nức nở, thì ra Tiểu Tạ đang khóc trong góc tối, rất thương xót vội cầm đèn tới, hết lời an ủi nhưng nàng vẫn đau đớn khóc ròng, áo xiêm đẫm lệ, gần sáng mới biến đi.

Sáng ra họ Hác sai tớ gái mang rương hòm của con gái qua chỗ sinh, đối xử như cha vợ chàng rể vậy. Đến tối sinh vào phòng thì Tiểu Tạ lại khóc lóc, cứ thế sáu bảy đêm, vợ chồng đều mủi lòng không sao làm lễ hợp cẩn được. Sinh lo nghĩ nhưng không tìm ra cách nào, Thu Dung nói: “Đạo sĩ là người tiên, tìm tới cầu xin lần nữa may ra ông thương mà giúp cho.” Sinh cho là phải, tìm tới nơi đạo sĩ ở, lạy lục bày tỏ chuyện mình, nhưng đạo sĩ khăng khăng nói rằng không có phép thuật nào. Sinh van nài mãi, đạo sĩ cười nói: “Chàng ngây này làm phiển người ta quá, thôi vì ta có duyên với ông, xin đem hết phép thuật ra vậy.” Rồi theo sinh về, đòi một gian phòng tĩnh mịch, đóng cửa ngồi trong, dặn không được gọi hỏi gì, hơn mười ngày không ăn không uống, lén nhìn vào thì thấy nhắm mắt như đang ngủ. Một hôm vừa rạng sáng, có cô gái trẻ vén rèm bước vào, mắt long lanh răng trắng muốt, kiều diễm rực rỡ, khẽ cười nói: “Lặn lội suốt đêm mệt quá, bị các người đeo đẳng quấy rầy phải bôn ba hơn trăm dặm mới tìm được một ngôi nhà tốt, bần đạo mang theo về đây, chờ cô ta nhập hồn vào giao lại là xong.” Chập tối Tiểu Tạ tới, cô gái đứng lên ôm chầm lấy, hòa vào nhau thành một rồi ngã lăn xuống đất nằm cứng đờ. Đạo sĩ trong phòng bước ra, chắp tay chào rồi đi. Sinh vái lạy tiễn chân, trở vào thì cô gái đã tỉnh, đỡ lên giường thấy hơi thở đều đặn, trong người khỏe khoắn nhưng còn ôm chân kêu đau, vài hôm mới đi lại được.

Sau sinh thi đỗ làm quan, có người bạn cùng khoa là Sái Tử Kinh có việc ghé qua nhà sinh, ở lại vài ngày. Tiểu Tạ từ hàng xóm về, Sái nhìn thấy vội đuổi theo sát gót, Tiểu Tạ nép người lánh đi, thầm tức giận là kẻ khinh bạc. Sái nói với sinh: “Có một việc vô cùng kỳ quái, không biết nói ra được không?” Sinh hỏi, Sái đáp: “Ba năm trước em gái ta chết yểu, qua hai đêm thì thi thể biến mất, đến nay vẫn còn lấy làm ngờ vực. Mới rồi nhìn thấy phu nhân, sao giống em ta quá.” Sinh cười nói: “Vợ ta quê mùa, làm sao giống được lệnh muội, nhưng đã là bạn đồng khoa với nhau, tình nghĩa thân thiết, ngại gì không để ra chào.” Liền vào trong bảo Tiểu Tạ mặc bộ quần áo liệm ngày trước ra chào khách, Sái cả kinh nói: “Đúng là em gái ta mà,” rồi khóc ròng. Sinh bèn kể lại đầu đuôi, Sái mừng nói: “Vậy thì như em gái chưa chết, ta phải về ngay báo tin mừng cho cha mẹ mới được,” rồi ra về. Sau vài hôm cả nhà kéo qua, về sau cũng thường đi lại thăm hỏi như họ Hác vậy.

Dị Sử thị nói: Bậc giai nhân tuyệt thế, cầu được một người đã là khó, nói gì tới việc được hai người! Chuyện này quả là ngàn năm mới thấy một lần, nhưng nhờ không lang chạ mới cưới được hai nàng đấy thôi. Còn đạo sĩ là tiên chăng, sao mà có phép thuật thần diệu như vậy? Nếu có phép thuật ấy thì có thể giao du với đám ma xấu xí được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx