sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIV - Chương 301 - 307

301. Tú tài họ Liễu[1]

[1] Liễu tú tài.

Cuối thời Minh ở hai phủ Thanh, Duyện có nạn cào cào phá lúa, dần dần tụ họp tới huyện Nghi Thủy (đều thuộc tỉnh Sơn Đông). Quan huyện Nghi Thủy lo lắng, hết ngày làm việc về nằm nghĩ ngợi, chợp mắt mơ thấy một người Tú tài tới yết kiến, đội mũ cao mặc áo xanh, vóc dáng cao lớn hiên ngang, nói là có cách ngăn được nạn cào cào. Quan huyện hỏi, ông ta đáp: “Sáng mai trên đường phía tây nam có một người đàn bà cưỡi con lừa cái bụng to, đó là Thần Cào cào đấy, năn nỉ bà ta thì có thể thoát nạn.” Quan huyện tỉnh dậy lấy làm lạ, sáng sớm mang đủ lễ vật ra cửa nam huyện thành chờ đợi hồi lâu, quả thấy có người đàn bà búi tóc cao đội khăn xám cưỡi con lừa già khập khiễng đi lên phía bắc. Quan huyện lập tức thắp hương rót rượu đón lạy bên đường, giữ lừa lại không cho đi.

Người đàn bà hỏi quan Đại phu định làm gì, quan huyện năn nỉ cầu khẩn xin tha cho huyện nho khỏi nạn cào cào ăn lúa. Người đàn bà nói: “Đáng hận gã Tú tài họ Liễu múa mép làm lộ chuyện bí mật của ta. Thế thì để cho y phải đem thân chịu tội, không làm hại tới lúa má cũng được,” kế uống cạn ba chén rượu rồi biến mất. Sau cào cào tới huyện, bay rợp cả mặt trời nhưng không đáp xuống ruộng lúa, chỉ tụ họp trên cây dương liễu, qua khỏi nơi nào thì dương liễu ở đó trụi cả lá. Lúc ấy mới sực hiểu ra Tú tài họ Liễu là thần cây liễu. Có người nói đó là vì quan huyện thương dân nên làm cảm động tới thần, thật đúng vậy.

302. Công tử họ Đổng[1]

[1] Đổng công tử.

Nhà Thượng thư Đổng Khả Úy ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) gia pháp rất nghiêm, đàn ông đàn bà trong ngoài không dám nói chuyện với nhau một câu. Một hôm có người tớ gái và người tớ trai đùa giỡn với nhau ngoài cửa giữa, bị công tử nhìn thấy. Công tử giận quát, hai người bỏ chạy. Đến đêm, công tử và đứa hầu nhỏ ngụ trong phòng sách, lúc ấy mùa hè trời nóng, cửa phòng chỉ khép hờ. Đến khuya đứa hầu nhỏ nghe trên giường có tiếng động rất lớn, tỉnh dậy nhìn ra chỗ trăng sáng thì thấy người tớ trai ban ngày cầm một vật đi ra cửa. Nó cho rằng là việc trong nhà nên cũng không lạ lắm, lại ngủ tiếp. Chợt nghe tiếng giày vang lên, một người đàn ông cao lớn mặt đỏ râu dài như Quan Vũ cầm một cái đầu người bước vào. Đứa hầu nhỏ sợ hãi bò vào gầm giường, nghe trên giường có tiếng lách ca lách cách, rồi tiếng giữ áo, tiếng xoa bụng, lát sau thì im, tiếng giày lại vang lên, người kia đi ra. Nó rụt cổ chui ra, thấy ngoài cửa sổ đã rạng sáng, sờ soạng lên giường thì tay áo bị dính ướt, ngửi thấy có mùi máu tanh, vội kêu lớn gọi công tử, công tử mới tỉnh dậy. Nó kể lại rồi thắp đèn lên, thấy máu đầy nệm gối, cả sợ nhưng không hiểu vì sao.

Chợt có người sai dịch của quan gõ cửa. Công tử ra gặp, họ ngạc nhiên, chỉ nói là chuyện lạ! Hỏi thì họ đáp: “Vừa rồi trên phố có một người dáng vẻ mê man, la lớn rằng: Ta giết chủ nhân rồi. Mọi người thấy áo y dính máu, bắt đưa lên quan, hỏi ra thì là gia nhân của công tử. Y nói là đã giết công tử, chôn đầu ở cạnh miếu Quan Đế. Tới đó khám xét, thì hố đào còn mới, mà đầu thì không thấy đâu.” Công tử kinh ngạc hoảng sợ, tới chỗ công đường, thì người ấy chính là tên tớ trai đùa giỡn với người tớ gái. Quan cũng rất bàng hoàng ngạc nhiên, trách phạt nặng nề rồi thả y. Công tử không muốn kết oán với kẻ tiểu nhân, đem người tớ gái gả cho y rồi bảo đi nơi khác.

Được vài hôm, đám tuần canh đêm nghe trong nhà y có một tiếng ầm vang dội, vội chạy mau tới gọi cửa không thấy đáp, vạch cửa sổ leo vào xem, thì thấy vợ chồng cùng giường nệm đều bị chặt đứt làm đôi, trên xác và gỗ giường đều còn vết như bị một thanh đao chém vậy. Quan Công hiển linh vốn rất nhiều, nên chuyện này chẳng có gì là lạ.

303. Lãnh sinh

Lãnh sinh ở huyện Bình Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ ngu độn, năm hơn hai mươi tuổi cũng chưa thông hiểu được một kinh[1]. Sau chợt có hồ tới ở chung, thường nghe trò chuyện với nhau suốt đêm. Anh em ruột hỏi thăm, sinh cũng không chịu nói lộ ra một tiếng. Như thế ít lâu, chợt sinh mắc bệnh điên khùng thay đổi cả tính nết. Cứ những khi làm văn, có đề rồi thì đóng cửa ngồi một mình, giây lát cười rộ, người nhà tới nhìn trộm thì thấy sinh cầm bút viết mau không ngừng, thế là được một bài văn, xem tới bản thảo thì văn chương tinh diệu. Năm ấy được vào học ở trường tỉnh, năm sau được ăn lương. Mỗi khi làm bài trong trường thì cười vang cả lớp, vì vậy nổi tiếng là Tiếu sinh (Thư sinh cười), may mà toàn gặp lúc quan Học sứ đã về nghỉ nên không nghe thấy. Sau gặp quan Học sứ nọ dạy học rất nghiêm, suốt ngày ngồi trên lớp, chợt nghe tiếng sinh cười, tức giận bắt lên toan trách phạt thật nặng. Các quan giúp việc bẩm giúp là sinh mắc bệnh điên khùng, Học sứ mới thôi giận tha cho, nhưng truất tên không cho học ở trường nữa. Từ đó sinh gởi gắm ý tình điên khùng nơi thơ rượu, có làm bốn quyển Thơ Điên, văn chương siêu bạt rất đáng đọc.

[1] Một kinh: tức một trong ngũ kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu của Nho gia, người học ngày xưa coi như các giáo trình cơ bản phải biết.

Dị Sử thị nói: Đóng cửa cười một tiếng, có khác gì nhà Phật đốn ngộ[2] đâu? Cười rộ mà làm văn, cũng là một việc hay, sao lại vì thế mà bị truất, quan Học sứ làm thế là lầm lắm! Học sư tiên sinh Tôn Cảnh Hạ ngày trước đi thăm bạn, tới ngoài cửa sổ không nghe tiếng chuyện trò mà chỉ nghe tiếng cười trong giây lát vang lên mấy lần, cho rằng bạn đang đùa giỡn với người khác. Bước vào nhìn thì trong phòng chỉ có một mình người bạn, lấy làm lạ. Người bạn lại cười rộ nói: “Gặp lúc rảnh rỗi, trò chuyện một mình cho vui thôi.”

[2] Đốn ngộ: phái Nam Tông trong Phật giáo đại thừa chủ trương người tu hành có thể tiệm ngộ (dần dần ngộ đạo) nhưng cũng có thể đốn ngộ (bất ngờ ngộ đạo), nghĩa là có những bước nhảy vọt trong nhận thức.

Cung sinh trong huyện có nuôi con lừa tính nết rất ương bướng. Cứ đi đường gặp người quen mà sinh chắp tay xin lỗi rằng: “Đang có việc gấp không xuống lừa chào được, xin bỏ qua,” thì nó lập tức khuỵu chân nằm xuống, nhiều lần như thế. Cung vừa thẹn vừa tức, bèn bàn với vợ, bảo vợ giả làm người đi đường, còn mình cưỡi lừa đi quanh sân, chắp tay xin lỗi vợ như nói với mọi người, con lừa quả nhiên lại nằm xuống, bèn lấy dùi nhọn đâm bắt nó đứng lên. Vừa có người bạn tới thăm, đang định gõ cửa thì nghe Cung nói với vợ: “Không xuống lừa chào được, xin bỏ qua,” giây lát lại nói nữa. Người bạn lấy làm lạ, gõ cửa vào hỏi nguyên do. Vợ chồng Cung kể rõ mọi việc, cùng nhau ôm bụng bò ra cười. Hai truyện trên đây có thể chép phụ vào chuyện Lãnh sinh cười để lưu truyền vậy.

304. Hồ trị tội dâm tà[1]

[1] Hồ trừng dâm.

Mỗ sinh mua nhà mới ở, thường bị hồ quấy phá, mọi thứ thức ăn vật dụng đều bị hủy hoại, lại có lúc bỏ cả đất cát vào cơm canh. Một hôm có người bạn tới thăm, gặp lúc sinh đi vắng đến tối chưa về, vợ sinh nấu cơm mời khách, kế cùng người tớ gái dọn xuống ăn sau. Sinh vốn không tự kiềm thúc, thích chứa thuốc kích dâm, không biết hồ đem bỏ vào tô cháo lúc nào. Vợ sinh ăn, thấy có mùi thơm như xạ, hỏi người tớ gái, người tớ gái đáp là không thấy gì. Ăn xong thì thấy lửa dục bốc lên không sao kìm được, càng gắng đè nén càng thấy thèm khát, nghĩ trong nhà không thể tư thông với ai, chỉ có bạn chồng ở đó, bèn tới gõ cửa phòng. Khách hỏi ai, vợ sinh nói thật, khách hỏi có chuyện gì, vợ sinh không đáp, khách từ tạ nói: “Ta cùng chồng ngươi lấy đạo nghĩa kết bạn, không dám làm chuyện cầm thú.” Người đàn bà còn nấn ná, khách quát: “Văn chương phẩm hạnh của ông anh ta bị ngươi vùi chôn cả rồi?” Rồi đứng trong cửa nhổ toẹt.

Người đàn bà hổ thẹn, lui về tự nghĩ: “Tại sao mình lại làm như thế?” Chợt nhớ mùi lạ trong cháo giống như mùi thuốc kích dâm, vội kiểm lại thuốc trong bao, thấy xáo trộn rơi rớt, trong tô cháo vừa ăn cũng thế. Biết nước lạnh có thể giải trừ, bèn lấy uống vào, giây lát thấy tỉnh táo lại, song thẹn thùng không biết ăn nói với khách thế nào. Trăn trở hồi lâu thì gần sáng, càng sợ sáng ra không mặt mũi nào nhìn người ta, bèn cởi dây lưng tự treo cổ. Người tớ gái hay được cứu xuống thì đã gần tắt thở, cả giờ sau mới khẽ thở lại được. Khách thì đã bỏ đi trong đêm. Sáng ra sinh mới về, vào thấy vợ nằm, hỏi gì cũng không đáp, chỉ ứa nước mắt. Người tớ gái kể lại việc tự tử, sinh cả sợ cứ hỏi riết, vợ sinh bảo người tớ gái ra ngoài rồi thuật lại hết mọi việc. Sinh than rằng: “Đó là ta bị báo ứng về tội dâm tà, chứ nàng có tội gì đâu? May mà có được người bạn tốt, nếu không thì còn mặt mũi nào nữa?” Từ đó bỏ hết thói xưa, hồ cũng thôi không quấy phá nữa.

Dị Sử thị nói: Người ta vẫn răn nhau là đừng chứa thuốc độc trong nhà, chứ không ai răn là đừng chứa thuốc kích dâm, đó cũng là vì sợ đao gươm mà coi thường giường nệm vậy. Nào biết rằng thuốc ấy có khi còn độc hại hơn cả thuốc độc đâu, nên chứa để dùng với vợ nhà thôi. Thế mà còn khiến quỷ thần phát ghét tới như thế, huống chi những kẻ thả lòng dâm đãng lắm khi chẳng phải chỉ dùng có thuốc kích dâm mà thôi.

Mỗ sinh đi thi, từ trên quận về thì trời đã tối, có gói hạt sen củ ấu, vào nhà để cả lên ghế. Lại có một cái đằng tân ngụy khí[2] đem ngâm trong chậu. Mấy người láng giềng thấy sinh vừa về mang rượu qua chơi, sinh vội đẩy cái chậu vào gầm giường ra chào, rồi bảo vợ làm thức ăn để uống rượu với khách. Uống rượu xong khách về, vội trở vào soi đèn xuống gầm giường thì cái chậu đã trống không. Hỏi vợ, vợ nói: “Mới rồi đã đem nấu với củ ấu đãi khách, còn tìm cái gì.” Sinh nhớ lại trong thức ăn có những cọng màu đen trộn lẫn vào, mọi người đều không biết là gì, bèn cười phá lên nói: “Bà vợ ngây này, đó là cái gì mà đem đãi khách chứ,” vợ cũng ngờ vực nói: “Lúc nãy ta còn trách chàng không nói cách nấu, vật ấy hình thù xấu xí, cũng không biết gọi là gì, chỉ đành thái bừa ra vậy.” Sinh bèn nói cho biết, vợ chồng cùng cười ầm lên. Nay Mỗ sinh đã thi đỗ, người ta vẫn kể lại chuyện ấy để trêu chọc.

[2] Đằng tân ngụy khí: chưa rõ là gì, nhưng theo văn cảnh có lẽ là một đồ vật bằng mây.

305. Chợ núi[1]

[1] Sơn thị.

Chợ núi ở Hoán Sơn là một trong tám cảnh đẹp ở huyện, nhưng thường vài năm chưa gặp một lần. Công tử Tôn Võ Niên cùng bạn bè uống rượu trên lầu, chợt thấy có ngọn tháp vọt lên cao tới tận trời, cùng nhìn nhau kinh ngạc, nghĩ rằng quanh đây không có thiền viện nào như vậy. Không bao lâu nhìn thấy cung điện xuất hiện vài mươi chỗ, ngói biếc cột bay, lơ lửng giữa không trung, mới sực hiểu ra đó là chợ núi. Giây lát thấy tường cao ngút mắt, nhà cửa san sát kéo dài sáu bảy dặm giống hệt thành quách. Bên trong có lầu gác, thềm sảnh, phố xá rõ ràng, tính ra có tới hàng ngàn hàng vạn. Chợt có trận gió lớn nổi lên, cát bụi bay mù mịt, thánh quách vẫn thế. Đến khi gió lặng trời trong, tất cả đều biến mất, chỉ còn có một ngôi lầu cao tới tận trời. Lầu có năm lớp mái, cửa đều hé mở, có năm đốm sáng kéo thành một hàng, phía ngoài là trời. Cứ từng tầng từng tầng mọc lên, càng lên cao đốm sáng càng mờ đi, đến tám tầng thì chỉ còn như ánh sao, lên nữa thì tối đen, không biết là còn bao nhiêu tầng nữa. Trên lầu thấp thoáng có người, kẻ ngồi kẻ đứng không như nhau. Lát sau lầu thấp dần xuống, có thể nhìn thấy nóc, lúc sau chỉ còn như lầu thường, rồi còn như ngôi nhà cao, kế còn bằng nắm tay rồi bằng hạt đậu, sau cùng không thấy đâu nữa. Nghe có người đi sáng sớm nói thấy trên núi cũng có khói bếp chợ búa không khác gì nhân gian, nên còn có tên là chợ ma.

306. Tôn sinh

Tôn sinh người hương ta lấy con gái nhà thế gia cũ họ Tân về nhà chồng thì mặc mấy lớp quần áo, dây lưng ràng rịt, toàn thân quấn vải kín mít, không chịu ngủ chung với chồng. Thường đặt trâm nhọn ở đầu giường để tự vệ, Tôn bị đâm mấy lần nên kê giường ngủ riêng, nhưng ban ngày gặp nhau, cô gái cũng chẳng mấy khi nói cười với chồng. Bè bạn đều biết chuyện, hỏi riêng Tôn rằng: “Phu nhân có uống rượu được không?” Tôn đáp cũng uống được đôi chút. Người bạn đùa nói: “Ta có cách thu xếp rất hay có thể làm được.” Tôn hỏi, người bạn đáp: “Cứ lấy thuốc mê bỏ vào rượu lừa cho uống, xong rồi thì tùy ý ông muốn gì cũng được thôi.” Tôn cười nhưng trong lòng thầm phục là kế hay, liền tới thầy thuốc mua vị ô đầu pha vào rượu, đem về đặt lên bàn. Tối đến, Tôn lấy rượu khác ra độc ẩm vài chén rồi đi ngủ. Cứ thế ba đêm liền, người vợ vẫn không uống.

Một đêm Tôn vừa đi nằm, thấy vợ còn ngồi trên giường bèn giả ngáy khò khò. Người vợ bèn xuống giường, lấy rượu đặt lên lò hâm. Tôn mừng thầm, kế thấy vợ uống cạn một chén, lại rót chén nữa uống hết một nửa, còn lại đổ trở lại vào bầu rồi dọn giường đi ngủ. Hồi lâu không thấy có tiếng động mà đèn thì mờ mờ chưa tắt, Tôn ngờ là còn thức, bèn gọi lớn là khêu bấc đèn lên. Vợ không đáp, Tôn gọi nữa cũng vẫn không đáp, tới xem thì thấy đã say mềm. Tôn mở chăn cắt dây lưng cởi quần áo ra, người vợ mới tỉnh dậy nhưng không cử động được, cũng không kêu lên được. Đến khi tỉnh hẳn rất căm hờn, treo cổ tự tử. Tôn đang ngủ nghe tiếng thở khò khè, vùng dậy tới cứu, thì lưỡi đã thè ra hai tấc rồi. Tôn hoảng sợ vội cắt dây đỡ xuống giường, hồi lâu mới tỉnh lại.

Tôn từ đó rất căm ghét vợ, vợ chồng cứ tránh mặt nhau, nhìn thấy nhau thì cúi đầu bỏ đi, bốn năm năm liền không nói chuyện với nhau một câu. Có khi người vợ cười nói với người khác trong phòng mà thấy chồng vào lập tức đổi sắc mặt, lạnh lùng như băng tuyết. Tôn thường ngủ ở phòng sách, cả năm không vào ngủ chung phòng với vợ, nếu bị ép thì vào phòng ngoảnh mặt vào vách im lặng rồi ngủ mà thôi, cha mẹ rất lấy làm lo lắng. Một hôm có người người cô tới nhà, nhìn thấy vợ Tôn không ngớt lời khen ngợi, mẹ Tôn cũng không nói gì, chỉ thở dài sườn sượt. Người cô hỏi, mẹ Tôn đem chuyện kể lại, người cô nói: “Chuyện đó dễ mà.” Mẹ Tôn mừng rỡ nói: “Nếu làm cho con dâu ta đổi ý được, xin báo ơn hậu.”

Người cô nhìn trong phòng không có ai, bèn rỉ tai mẹ Tôn nói: “Xin mua một bức tranh nam nữ hành lạc, ba ngày nữa ta sẽ làm phép cho.” Người cô ra về, mẹ Tôn theo lời mua tranh chờ sẵn. Ba ngày sau người cô tới, dặn: “Chuyện này phải giữ kín, đừng để vợ chồng họ biết.” Rồi cắt lấy hình người trong tranh, lấy ba chiếc tăm cắm vào, bỏ thêm một nhúm ngải, lấy giấy trắng gói lại, vẽ vài dòng loằng ngoằng như giun bên ngoài. Rồi bảo mẹ Tôn lừa con dâu ra khỏi phòng, lấy trộm chiếc gối tháo đường may ra bỏ gói giấy vào, khâu lại đặt vào chỗ cũ, kế chào đi. Đến đêm, mẹ Tôn ép con trai vào ngủ trong phòng vợ, bà vú biết chuyện tới rình nghe trộm. Sắp hết canh hai, nghe vợ Tôn gọi tên Tôn lúc còn nhỏ, Tôn không đáp. Người vợ lại gọi, Tôn căm tức hạ giọng quát nạt. Đến sáng mẹ Tôn tới phòng xem, thấy vợ chồng quay lưng vào nhau, biết rằng phép thuật của người cô không công hiệu, bèn gọi con ra chỗ vắng khuyên nhủ.

Tôn nghe nhắc tới tên vợ càng giận dữ nghiến răng nghiến lợi, mẹ giận dữ chửi mắng, Tôn cũng bất chấp, cứ thế bỏ đi. Hôm sau người cô tới, mẹ Tôn kể lại việc phép thuật không công hiệu. Người cô ngờ vực lắm, bà vú vào kể lại những gì nghe thấy, người cô cười nói: “Trước nghe nói là vợ ghét chồng, nên chỉ làm phép với vợ. Nay vợ đã chuyển ý nhưng ý chồng chưa chuyển, xin làm phép với cả hai người, ắt sẽ hiệu nghiệm.” Mẹ Tôn nghe theo, lấy gối con trai ra, người cô lại làm phép như lần trước rồi bảo đem đặt lại trong phòng. Đêm ấy hết canh một còn nghe trên hai chiếc giường trong phòng vợ chồng Tôn có tiếng trở mình, tiếng ho hắng, như đều không ngủ được. Hồi lâu nghe hai người thì thào nói chuyện với nhau trên một giường, nhưng không rõ là nói gì. Gần sáng còn nghe tiếng cười đùa, khanh khách mãi không thôi.

Bà vú kể lại, mẹ Tôn mừng rỡ tạ ơn người cô rất hậu. Từ đó vợ chồng Tôn hòa thuận đằm thắm, đến nay người nào cũng trên ba mươi tuổi, sinh được một trai hai gái, hơn mười năm trời không cãi nhau một câu. Bạn bè hỏi riêng, Tôn cười đáp: “Trước đó thấy bóng là nổi giận, sau đó lại nghe tiếng thì vui vẻ, thật cũng chẳng biết tâm ý mình ra sao.”

Dị Sử thị nói: Đổi ghét làm thương, phép thuật ấy chẳng cũng thần kỳ sao! Nhưng có thể khiến cho người vui mừng thì cũng có thể khiến cho người tức giận, phép thuật thần kỳ cũng là phép thuật đáng sợ đấy. Bậc tiên triết nói: “Có sáu hạng đàn bà[1] không nên cho vào cửa,” lời ấy thật là có kiến thức thay.

[1] Sáu hạng đàn bà: nguyên văn là “lục bà”, tức “tam cô lục bà”, gồm ni cô (bà vãi), đạo cô (nữ đạo sĩ), quái cô (bà thầy bói), nha bà (đàn bà nhổ răng), môi bà (bà mối), sư bà (bà phù thủy), kiền bà (đàn bà già không chồng), dược bà (đàn bà bán thuốc), ổn bà (bà đỡ). Nhìn chung đây là những người vì địa vị và nghề nghiệp nên có quan hệ xã hội rộng, biết nhiều chuyện riêng của người ta, dễ sinh chuyện rắc rối, ngày xưa lại hay trọng nam khinh nữ nên nói như vậy.

307. Tú tài huyện Nghi Thủy[1]

[1] Nghi Thủy tú tài.

Tú tài Mỗ ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) học trong núi, đêm có hai mỹ nhân tới, cười nụ không nói gì, cùng lấy tay áo phủi giường nối nhau ngồi xuống, im lặng không nói tiếng nào. Lát sau một người đứng lên trải chiếc khăn lụa ra bàn, trên có ba bốn hàng chữ thảo, Tú tài cũng chưa nhìn xem là viết những gì. Một người đặt một nén bạc khoảng ba bốn lượng xuống, Tú tài cầm lấy bỏ vào tay áo, người kia cầm chiếc khăn lên nắm tay kéo nhau đi cười nói: “Trần tục không sao chịu được.” Tú tài mò lại nén bạc thì không còn nữa. Người đẹp ngồi đó trao cho ý tình thì không nhìn ngó tới, mà tiền bạc thì lấy, đúng là tướng ăn mày, làm sao chịu nổi! Hồ kia có thể biết kẻ sang người hèn, phong thái cao nhã ra sao có thể biết vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx