sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Loạn Thế Anh Hùng - Tập 1 - Chương 01 - Phần 3

Thẩm Phóng càng nghe càng thấy lạ, vốn chưa từng nghe Tam Nương nói nàng tinh thông y lý, không khỏi chăm chú dõi về phía cầu thang, xem xem đó là người thế nào. Người nọ đi rất chậm, mãi sau mới lên hết cầu thang nhưng vẫn khiến người khác phải kinh ngạc một phen, thật là một nam tử hán oai phong lẫm liệt!

Thẩm Phóng căng mắt nhìn kĩ, chỉ thấy người đó trạc tuổi trung niên, diện mạo thô vụng, chân tay thô kệch, mặc một tấm áo vải nâu, vóc dáng không nhỏ, cũng không đặc biệt cao lớn, nhưng vừa nhìn đã khiến người ta có cảm giác uy hiếp rõ rệt. Chỉ thấy sắc mặt người này vàng bủng, gò má xanh xao, đồng tử đỏ ửng, Thẩm Phóng liền biết Tam Nương nói không sai, người này quả thật đã bị thương.

Bên sườn trái người này còn kẹp một đứa tiểu đồng, nhìn dáng hình cũng chỉ sáu, bảy tuổi, khuôn mặt gầy gò, đầu cúi gằm, không nhìn rõ diện mạo. Hai người này đều một thân bụi bặm, giống như đã bôn ba đường trường. Hán tử nọ lướt mắt quan sát trên lầu một lượt, chẳng nói chẳng rằng đi tới một chỗ trống giáp tường. Vừa xoay lưng, chúng nhân không nhịn được đều hít vào một hơi, có người còn “òa” thốt lên, chỉ thấy sau lưng người nọ máu thấm ướt đẫm, cơ thịt bầy nhầy, vết thương rách hẳn một mảng, dường như đã bị ai đó dùng cương trảo ngang dọc cào vài đường, khó ở chỗ làm thế nào mà hắn có thể chịu nổi? Thịt và áo rách dính bết vào nhau, nhìn mà rợn lòng, thật không thể tưởng tượng nổi đau đớn tới mức nào, có người không dám nhìn tiếp, vội vàng gục đầu, trong lòng phỏng đoán đại hán này tới từ đâu, chẳng phải phường cướp sông cướp biển thì cũng là kẻ giang hồ hào hùng.

Hán tử kia vừa ngồi xuống liền gọi: “Tiểu nhị!”, giọng rất thấp, giống khẩu âm người Trung Châu, hẳn là người phương bắc. Tiểu nhị nọ thấy đại hán lên lầu thì tim đã đập như trống dồn, bất đắc dĩ đi tới, hỏi: “Khách quan có gì sai bảo?”

Hán tử kia vẫn nén giọng nói: “Cho chịu mười lăm cân rượu trắng đi!”

Hắn nói rất chậm, như sợ tiểu nhị nghe không hiểu. Điếm tiểu nhị nghe người này vừa mở miệng đã nói chữ “chịu”, da đầu liền tê rần, hắn đang sợ cái người tựa ôn thần lão gia tử này mở miệng nói mua chịu, sao dám để gã mua chịu được chứ? Nhưng sao dám không cho gã mua chịu đây?

Ngập ngừng hồi lâu, tiểu nhị thấp giọng, ấp úng nói: “Việc này... việc này... quy củ của tiểu điếm là trao tiền giao hàng, chưa từng cho khách chịu. Tiểu nhân mắt kém, không nhận ra khách quan, xin chớ trách!” Nói rồi, tiểu nhị trưng ra bộ mặt nhăn nhó đợi ăn chửi, hoặc ăn đánh, trù tính làm thế nào để thoát thân, lại sợ đại hán nọ nổi cơn tam bành. Nhưng hán tử kia không hề nổi giận, hồi lâu mới ngẩng đầu, nói: “Đời ta trước giờ chưa từng có nợ không trả, cho mang chịu lên đi!”

Giọng của hán tử nén xuống cực thấp, dường như sợ động tới vết thương trên người. Hắn vừa ngẩng lên, tất thảy mọi người xung quanh đều nhìn thấy đôi mắt u trầm ấy - anh hùng sa cơ, không ai không khỏi nghĩ tới bốn chữ này.

Tiểu nhị kia gan ruột lạnh toát, chỉ cảm thấy cỗ khí thế không giận mà uy kia ép thẳng lên người, nếu không phải do chưởng quỹ hà khắc, có lẽ hắn đã cho hán tử kia chịu nợ để gã mau mau lên đường cho xong.

Thẩm Phóng nghe hán tử này khẩu khí bình hòa, không phải đám hung tàn gian ác, mà giống hạng kỳ nhân lang bạt giang hồ, lại càng kinh ngạc hơn vì vị này thương thế đến vậy mà còn đòi uống rượu. Chỉ thấy người nọ tuy thụ thương nhưng mặt mày vẫn có vẻ anh hùng cô quạnh, khí thế hừng hực, khiến tinh thần người nhìn bất giác chấn động. Thẩm Phóng nghe người này mở miệng nói ra chữ “chịu”, trong lòng sớm đã không khỏi khen thầm, nghĩ với uy thế của hắn, nếu cứ gọi lên trước, uống xong rồi đi, chỉ sợ đám tiểu nhị trên lầu cũng khó mà ngăn nổi, ấy vậy mà vừa mở miệng đã dứt khoát nói ra chữ “chịu”, đủ để biết lòng dạ hắn lỗi lạc, không bắt nạt kẻ bình dân. Đang muốn cất lời thế đại hán trả tiền rượu, lại sợ đường đột tráng sĩ, bỗng nghe Tam Nương hô “Tiểu nhị”, tiểu nhị vội vàng thừa cơ quay lại, Tam Nương chỉ nhàn nhạt nói: “Tặng đi!”

Tiểu nhị còn đang ngập ngừng, Tam Nương đã cười khẽ: “Ghi vào cho ta.” Nói rồi nàng và đại hán nọ bốn mắt nhìn nhau, trong mắt nàng có ý cười, còn trong mắt đại hán kia lại là một vẻ lạnh lẽo như băng, chẳng vương chút ý cảm tạ. Tiểu nhị thấy có người trả tiền, cuống quýt đi ngay, chẳng bao lâu đã đem rượu lên. Người trên lầu đều thấy ngạc nhiên, với thương thế như vậy, sao người nọ vẫn dám uống rượu? Mười lăm cân rượu trắng, chẳng phải có thể khiến mấy người say chết sao? Thế là mọi người nhất loạt quay sang nhìn xem đại hán uống ra sao. Lại thấy đại hán đó nhấc tay, hất đi lớp nắp bùn, đưa mũi ngửi ngửi rồi cười lạnh: “Kêu là rượu Trần Lương chín năm, nhiều lắm chỉ có bảy năm thôi, xem ra cái Hảo Đăng lâu này cũng chỉ đến thế này thôi.” Nói rồi, chẳng buồn để ý tới vò rượu đó mà ôm lấy đứa bé bên cạnh để nó đứng lên băng ghế. Mọi người giờ mới nhìn rõ đứa trẻ đó. Nó độ bảy, tám tuổi, mũi nhỏ, mắt nhỏ, khuôn mặt xương xẩu, giống hệt một chú gà con mới rụng lông mao. Chúng nhân đều hoài nghi thằng bé liệu có phải bị hán tử kia bắt cóc chăng. Đứa bé bị hán tử kẹp nách đi cả chặng đường, toàn thân y phục mặt mũi đều là bụi đất, áo quần lại rách nát, thật y chang một đứa ăn mày. Chỉ thấy mặt nó trắng bệch, thở không ra hơi. Ánh mắt hán tử kiatrở nên lo lắng, do dự một lát, ánh mắt đảo đi đảo lại giữa đứa bé và vò rượu, sau đó, tựa hồ đã hạ quyết tâm, bèn nhấc một tay đặt trước ngực đứa bé, ra sức xoa vuốt một trận, rẻ sườn nho nhỏ trên người đứa bé tựa hồ sắp bị hắn nắn gãy. Hán tử đó xoa nắn một hồi, sắc mặt đột nhiên trở nên ảm đạm, còn khuôn mặt đứa bé lại hồng hào hơn, Tam Nương ở bên cạnh thấp giọng nói: “A, Phản Chiếu đại pháp, làm vậy sẽ hao tổn tinh khí nhất đó!” Bàn tay hán tử xoa càng lúc càng nhanh, trong cổ họng đứa bé phát ra những tiếng “ư ư a a”, rên rỉ không dứt, sau cùng, hán tử vỗ mạnh vào lưng đứa bé một chưởng, thổ khí phát tiếng, lúc này hắn dùng sức rất mạnh, xem bộ dạng thật giống như định chấn rung gan phổi đứa bé. Nói cũng kỳ quái, đứa bé lại chẳng hề hấn gì, mọi người chỉ nghe thấy hắn “hây” một tiếng, đứa bé đã “ọe” rồi nhổ ra một cục đờm lớn màu xanh lục, móc ruột móc dạ dày mà ho khan không ngừng, ho một trận lại nôn một bãi. Đại hán để nó nằm trên đùi mình, chỉ một lúc mà mặt đất đã lênh láng một mảng đờm lớn. Xung quanh ai cũng nhăn nhó mặt mày. Đứa bé ho rất lâu mới đỡ, dường như chất bẩn trong phổi đều đã nôn ra hết, trông sắc mặt mới có chút sinh khí. Trên mặt hán tử lộ ra nét cười hiếm hoi, hắn gật đầu, cười với nó: “Lục Nhi, tỉnh rồi đấy à, có thấy vất vả không?”

Đứa bé rất hiểu biết mà đáp: “Lục Nhi không vất vả, là bá bá vất vả.”

Khuôn mặt hán tử hết sức ôn hòa, nói: “Lục Nhi, bá bá sắp trị thương cho con, thương thế này của con không kéo dài được nữa, có thể sẽ rất đau, có điều cha con anh hùng nhường ấy, ta tin tiểu Lục Nhi của hắn hẳn sẽ không sợ đau.”

Tiểu Lục Nhi gật gật đầu, nói: “Nhưng mà, nhưng mà lão đầu đó nói bá bá chỉ cần dùng chân khí thì sẽ... thì sẽ...” Nó không nhớ ra từ tiếp theo, không nói được nữa. Hán tử thì chỉ cười, duỗi cánh tay, loáng cái đã cởi sạch y phục, giày tất của đứa bé, để lộ thân thể vừa nhỏ vừa bẩn, chỉ thấy có xương chẳng thấy thịt, nhưng nhìn kĩ, các khớp xương toàn thân nó chỗ nào cũng có một khoảng tím bầm, nhìn mà rợn người, hệt như phải chịu cực hình nào đó, sao lại có kẻ nhẫn tâm hạ thủ với một đứa trẻ bé nhỏ như vậy? Mọi người đều không kìm được, dán mắt nhìn nó trân trối.

Hai chân đứa bé khép chặt chỗ xấu hổ, có chút thẹn thùng nhưng không hề phản kháng. Hán tử kia chuyển sang vò rượu, hít một hơi dài, nhắm mắt lại, hai tay thọc vào vò rượu. Mọi người đều hết sức kinh ngạc, lẽ nào hắn đòi mười lăm cân rượu trắng chỉ để rửa tay thôi sao? Nhưng thấy hắn đã ngâm tới nửa khắc không bỏ ra, Tam Nương Tử khẽ giọng thốt: “Tam Dương chân khí?” Tựa như không chắc lắm, chỉ thấy chẳng bao lâu sau, từ miệng vò rượu bốc lên khí nóng, theo gió tan đi, cả vò rượu giống như được đun sôi, toàn bộ lầu trên đều phảng phất hơi rượu. Lúc này, hán tử mới rút tay lại, vê lên người đứa bé. Đứa bé cắn răng, bặm môi, nhịn không nổi mà “ư” một tiếng, hẳn là đau lắm. Nhưng nó ráng sức nhẫn nhịn, ban đầu chưa thấy gì, dần dần mặt mũi đều nhăn tít lại, tuy không dám kêu nhưng thân thể đã bắt đầu vặn vẹo, toàn thân cũng toát ra hơi nóng hừng hực, như đang tắm trong suối nước nóng vậy. Hán tử kia cứ lựa những chỗ bị thương ở khớp tứ chi của đứa bé mà hạ thủ, hạ thủ cũng rất nặng, không khí khắp lầu đặc mùi hôi thối lẫn vị tanh lòm. Bàn tay to lớn của hán tử hễ động là chỗ máu thịt ở vết thương sau lưng lại không khỏi cọ xát một chập, khiến người bạo nhìn mà kinh tâm, người nhát thì không dám nhìn nữa.

Chỉ thấy hơi rượu trên người đứa bé dần đậm, hết chuyển đậm thành nhạt, rồi lại chuyển nhạt sang đậm, đôi tay của hán tử cứ lần tiếp lần nhúng vào vò rượu, cứ thế lật đi lật lại mấy bận, sắc vàng trên mặt hán tử nặng thêm, lông mày nhíu chặt, tiếng rên của đứa bé càng lúc càng bé đi, trên khuôn mặt nhỏ nhắn hiện ra vẻ thoải mái. E rằng chỉ chốc lát nữa, rượu trong vò sẽ vơi đi phân nửa, bùn bẩn trên người đứa bé cũng theo bàn tay của đại hán mà rơi xuống từng mảng, lộ ra làn da non nớt, khí sắc trên khuôn mặt nhỏ cũng dần hồng nhuận, chỉ nghe thấy chỗ khớp xương vang lên tiếng “lách cách, lách cách”, cũng chẳng biết là thương thế tốt lên hay người đã say mèm rồi.

Tam Nương Tử lúc này lại lầm bầm: “Thì ra không phải là Tam Dương của Thanh Thành, là Khối Lỗi chân khí. Trừ người đó, còn ai có thể thực hiện được đại pháp này, nói vậy quả nhiên là hắn sao?”

Thẩm Phóng ngạc nhiên. “Tam Nương, nãy giờ nàng đang nói gì thế? Hắn là ai?”

Bấy giờ Tam Nương mới sực tỉnh, cười khẽ. “Thiếp cũng chỉ đoán thôi, giống một kỳ nhân trước đây từng nghe người ta nhắc tới”, rồi không chịu nói thêm.

Thẩm Phóng ngớ ra, hắn trước nay chưa từng nghĩ rằng thê tử của mình lại có chút hiểu biết ấy về giang hồ. Tam Nương Tử nhăn mặt, nói: “Thương thế hắn như vậy còn mạo hiểm trị thương cho người khác, không sợ nội thương nặng thêm sao?” Thấy nàng lại lẩm bẩm một mình, Thẩm Phóng liền biết lúc này có hỏi nàng cũng không chịu nói, nên không hỏi lại nữa.

Thời gian trôi được khoảng nửa bữa cơm trưa, hán tử kia mới ngừng tay, đợi hơi nóng trên người đứa bé tản hết, hắn mới cho nó mặc lại y phục. Khí sắc trên mặt hán tử đã rất tệ, dường như thương thế càng nặng thêm. Trên lưng lại có thêm vết thương mới vỡ ra, máu tươi ứa chảy. Lúc này, tiểu nhị bê lên một mâm màn thầu, vài món ăn phương bắc đậm đà và một tô cháo vịt đun nhỏ lửa, đó đều là những thứ Tam Nương nhân lúc không ai để ý mà dặn đem lên. Hán tử kia chẳng thèm liếc mấy món đem lên cho mình, đợi đứa bé ho xong, hắn múc từng thìa cháo vịt, bón cho nó ăn.

Bỗng nghe “e hèm” một tiếng, lão mù nọ hắng giọng, thu hút sự chú ý của mọi người. Vốn chuyện được kể xong là lúc lão kêu đứa cháu gái tới xin quan khách ngồi đây thưởng tiền, nhưng giờ cứ thế bị hán tử vừa lên lầu kia làm mọi người phân tâm, giờ cũng không tiện trực tiếp xin tiền, đành vịn đứa cháu gái, tới chỗ từng vị khách, hỏi: “Khách quan muốn chọn bài chăng?”, mà làm gì có ai còn tâm tư nghe lão nữa, có người thì cho ông cháu một chút tiền, có người lại chẳng thèm để ý tới, xua xua tay để bọn họ đi khỏi. Lúc tới bàn của Thẩm Phóng, trong cái làn nho nhỏ trên tay cô bé cũng mới chỉ có mười mấy đồng. Trong mắt cô bé đã ngân ngấn lệ, oán giận mà lườm về phía đại hán kia một cái - đều tại hắn, làm cả một buổi sáng kể chuyện thành công cốc rồi. Chỉ nghe lão mù khàn giọng hỏi: “Khách quan, chọn một khúc đi!” Lời nói tràn ngập ý van nài. Thẩm Phóng thấy hai ông cháu ăn mặc phong phanh, mùa thu tháng Chín thế này, trên người cô bé vẫn chỉ mặc độc áo đơn quần chiếc mỏng manh. Hai người nói khẩu âm vùng Sơn Đông, hẳn là nạn dân từ phương bắc lưu lạc xuống, nghĩ rồi trong lòng không khỏi cảm thấy buồn rầu, liền quay sang Tam Nương gật gật đầu, ý rằng muốn Tam Nương quan tâm. Tiểu cô nương cũng nhìn ra phu phụ hai người tướng mạo thiện lương, dường như biết cơm ăn ngày hôm nay xem như có cửa kiếm rồi, rụt rè hỏi: “Khách quan muốn nghe gì?”

Tam Nương hỏi: “Cô bé hát được bài gì?”

Thẩm Phóng ngớ ra, không nghĩ Tam Nương thật sự muốn nghe cô bé ấy hát. Tiểu cô nương nói: “Chỉ một vài tiểu khúc thôi ạ!”

Tam Nương cười nói: “Thế thì tự chọn bài nào ngươi thích mà hát đi.”

Tiểu cô nương ngẫm nghĩ một chút rồi nói với ông mình một tiếng, lão mù liền cầm hồ cầm lên kéo. Đàn đã cũ lắm rồi, thanh âm có chút lạc điệu, giọng của tiểu cô nương hóa ra lại hay, chỉ thấy cô bé thoáng nghĩ, đợi hồ cầm dạo xong liền uyển chuyển cất tiếng ca, hóa ra là một bài ca dao cũ của Lạc Dương, khẩu âm không được thuần, hẳn là học trên đường chạy nạn:

Xuân đi nhé, từ biệt miền Lạc thành! Liễu mềm gió lay tựa tay áo vẫy đưa, bụi lan sương đẫm như khăn ướt lệ từ biệt, một mình sầu nặng mi[15].

[15] Bài Ức Giang Nam của Lưu Vũ Tích (772-842), nhà chính trị, văn học, triết học thời Đường.

Lời ca kể về phong cảnh Lạc Dương, trong số người ngồi trên lầu cũng có nhiều người vốn ở Giang Bắc, nhớ lại Lạc Dương nơi kinh đô cũ miền Trung Châu, mẫu đơn khắp chốn, phồn hoa nhất thiên hạ, đường lớn tấp nập, dòng người không dứt, nhưng nay lại lọt vào tay người Kim, không kìm được nhẹ buông tiếng thở dài. Hán tử nọ ngồi bên kia cũng khe khẽ than dài. Tiếng ca của cô bé trong như ngọc, hát liền ba nhịp rồi mới ngừng. Quê gốc của Tam Nương Tử ở Giang Bắc, nghe hát mà nhớ việc cũ, mãi sau mới sực tỉnh, lấy trong túi áo mấy chục đồng, đưa cả cho tiểu cô nương nọ, cô bé cảm tạ, đang định rời đi, Tam Nương Tử chợt nghĩ ra cái gì, bỗng vẫy tay gọi cô bé trở lại.

Tiểu cô nương ngẩn ra, bước tới gần, chỉ thấy Tam Nương nâng mặt cô bé, ngắm nghía một chập, nhẹ nhàng ve vuốt rồi lắc đầu, nói: “Năm ấy tuổi ta cũng độ này...” Nói rồi than khẽ, tựa như hồi tưởng chuyện cũ thương tâm, sau đó rút cây thoa cài trên đầu mình, vén tóc mai cô bé, dịu dàng hỏi: “Mẹ cháu đâu?”

Cô bé lắc lắc đầu, Tam Nương Tử liền biết quá nửa là đã chết rồi. Trầm ngâm một lúc, than rằng: “Cũng là người mệnh khổ”, nói rồi đưa cây thoa gỗ vừa rút trên đầu xuống cài lên tóc tiểu cô nương, nói: “Thấy đầu tóc cháu lộn xộn, ta cho cháu cây thoa này, tuy nó không đáng tiền nhưng vẫn có chút hữu dụng, chớ có tùy tiện vứt đi!”

Cây thoa ấy nhìn không ra là loại gỗ gì, chỉ là được dùng rất lâu rồi, khá sáng bóng, hình dạng cũng rất phổ thông, ấy vậy mà Tam Nương lại cực kỳ nâng niu. Thẩm Phóng không khỏi thấy hơi kỳ quái: Một cây thoa gỗ thì có đáng là bao? Tam Nương trước nay là người tính tình rộng rãi, sao giờ bỗng trở nên rầy rà thế này? Đại hán ngồi bên kia lúc bấy giờ tựa như vô tình hữu ý liếc trên đầu tiểu cô nương nọ mấy cái, dường như có điều gì suy tư.

Tam Nương vẫn cẩn thận, nghiêm túc dặn dò rằng: “Trên cây thoa này có khắc mấy câu - cháu có nhận được mặt chữ không? Nếu không nhận được thì tìm người biết chữ hỏi rồi học lấy mà hát. Về sau... nói không chừng có thể giúp được cháu một chút việc nhỏ, nhưng ngàn vạn lần không được vứt đi.”

Cô bé cảm tạ, chúc một câu vạn phúc rồi mới lui đi.

Thấy đứa bé đã ăn hết một tô cháo thịt, đại hán mới vỗ vai nó, hỏi: “Tiểu Lục Nhi, có mệt không? Chúng ta lại phải lên đường rồi. Nói cho bá bá biết, con có sợ không?”

Đứa bé tựa như đã có chút tinh thần, lắc đầu, dứt khoát nói: “Không sợ!”

Hán tử gật đầu, nói: “Đúng, đừng sợ, lại có kẻ xấu đuổi tới rồi, xem bá bá giết kẻ xấu nhé! Sáng nay bá bá giết mấy đứa rồi?”

Khuôn mặt đứa bé không kìm được hưng phấn, duỗi bốn ngón tay, nói: “Bốn tên.” Giọng của nó là giọng Lâm An.

Đại hán nở nụ cười hiếm hoi, nói: “Không sai, bốn đứa, con đếm được rõ ràng chứng tỏ con thật sự không sợ.” Đang nói, hắn chợt lật tay, cánh tay cứ thế vòng ra sau lưng, đấy là công phu Thông Tí quyền của Thông Châu nhưng e là chưởng môn Hà Hiểu Dũng của Thông Tí quyền cũng chẳng luyện được tới mức duỗi gập như ý nhường này. Tam Nương ngầm thở dài, quả nhiên là danh phù kỳ thực! Lại thấy hắn giằng từng mảnh áo vải dính vào vết thương ra, máu ở đấy vốn đã khô lại, dính vào miếng vải, miếng vải đó liền giống như da thịt trên người, hắn giằng ra như thế chắc chắn thấu tim thấu phổi, đau đớn khôn tả, vậy mà đại hán nọ mặt không hề đổi sắc, vẫn nói chuyện với đứa bé kia như thường, sau lưng đã sớm lộ ra một mảng thương tích lớn, thấp thoáng nhìn được xương trắng. Đợi tới khi vải được giằng hết xuống, hắn thò tay vào chỗ rượu còn thừa trong vò, ngầm vận huyền công, không tới một nén nhang, hơi rượu trong vò lại bốc lên mù mịt, chỉ thấy hắn đảo miệng vò, đổ rượu từ vai chảy thẳng xuống miệng vết thương lớn kia, “xì” một tiếng, đám người trên lầu kinh sợ thét lên, trong lòng ai nấy đều khiếp đảm. Khóe miệng hán tử khẽ động, Tam Nương biết hắn muốn dùng sức rượu đốt miệng vết thương, tránh cho thối rữa. Mọi người vẫn đang kinh hãi, người nọ đã ôm đứa bé lên, không thèm nhìn người xung quanh một lần, đứng dậy đi thẳng.

Thẩm Phóng thấy hắn hành sự kỳ vĩ, nhất là giữa nơi đông đúc mà dám nói thẳng “giết mấy đứa rồi”, có thể thấy việc hắn làm ắt là việc khảng khái, hào hùng, không khỏi ngưỡng mộ lắm lắm. Thấy hắn đứng dậy, Thẩm Phóng vội bật dậy theo, cất tiếng gọi:

“Nhân huynh!”

Người nọ không ngó ngàng tới, vẫn đi tiếp xuống dưới lầu. Thẩm Phóng vội bước theo. Người đó chợt quay người, đảo mắt nhìn qua, ánh mắt lạnh toát đến kinh người, vẫn chẳng nói chẳng rằng. Thẩm Phóng liền cảm thấy sống lưng lạnh buốt nhưng cười nhẹ không nói, duỗi tay cởi tấm áo dài khoác trên người mình xuống, chỉ vào vết thương người nọ, mỉm cười, nói: “Tránh làm người khác sợ hãi”, nói rồi hai tay đưa qua. Hán tử nhìn tấm áo khoác trong tay Thẩm Phóng, lại nhìn hắn một cái, nghĩ một thoáng mới nói: “Vốn là không cần...” Ngừng một chút, hắn vẫn đón lấy, khoác lên người, cũng chẳng xem có vừa hay không, càng chẳng cảm ơn lấy một tiếng, cứ thế ôm đứa bé sải bước mà đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx