Tháng mười 1945, Sài Gòn, những bước chân đầu tiên trên giải đất Đông Dương này. Lúc này, tôi vẫn còn chưa biết rằng sẽ còn có rất nhiều những bước chân khác nữa, nhiều nghìn kilômét đi qua... trong suốt những năm dài và rằng cũng như rất nhiều người khác, cái xứ sở hấp dẫn này đã để lại dấu ấn trong tôi đến trọn đời.
Tiểu đoàn, hàng ngũ tề chỉnh không chê vào đâu được, diễu hành trên đường phố, trước tiếng hoan hô của những cư dân người Âu. Chúng tôi tiếp bước hành tiến cho tới tận Gia Định, nằm ở phía Bắc cách Sài Gòn vài kilômét, ở đó chúng tôi sẽ đóng quân, hình thành điểm tựa. Hình như, quân Việt có mặt ít nhiều ở mọi nơi, nếu như tôi hiểu đúng thì việc chúng tôi tới đây là đúng lúc.
Các đại đội được phân bố ở nội ô cái thị trấn nhỏ bé này. Một nghìn con người để trấn giữ cái vùng hẻo lánh này là quá đủ. Được sắp xếp ở tầng một và tầng hai trong những căn nhà nhỏ xây gạch, tôi thấy ngạt thở khi nằm trong chiếc màn dã chiến... Một vài tiếng súng nổ trong đêm vắng, những chàng lính gác của chúng tôi nổi đóa.
Trạng thái ít hoạt động trên tầu thủy làm cho tôi khó ngủ. Tôi thử điểm lại tình hình: trong khuôn khổ cứng nhắc của cái diễn đàn này, tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi vốn ưa thích được tự do hành động, thấy luyến tiếc cái nhiệm vụ của tôi ở Ariège1, trường học quân sự của tôi, các phân đội bao gồm những đồng ngũ thẳng thắn và kể cả những thú tiêu khiển của tôi. Ở đây, có cảm tưởng như mình là một con rô-bốt. Và tại sao tôi lại có mặt ở đây nhỉ? Vì tư tưởng thích phiêu lưu ư? Không, vì lý tưởng, nhưng không được giam hãm tôi quá nhiều trong một môi trường thiếu tính hiện thực. Rút cục, tôi có binh lính của tôi, các sĩ quan của tôi, ngày mai trời sẽ sáng.
Buổi tập thể dục đi bộ kéo dài lúc tảng sáng. Tôi tới thăm hỏi đại úy Pascal, một sĩ quan đẹp trai, rắn rỏi, từng bị trọng thương ở đảo Elbe2. Anh ấy chỉ huy đại đội láng giềng và đang lau chùi khẩu tiểu liên của mình, đạn trong hộp đã lên nòng, một loạt đạn bay vèo quanh người tôi. Pascal, mặt tái mét còn hơn tôi, quát to: “Đồ ngốc, suýt nữa thì tớ đã hạ gục cậu rồi”. Chuyến viễn chinh của tôi ở Đông Dương, chút nữa đã bị rút ngắn lại.
Tình thế sáng sủa ra dần dần. Chúng tôi sẽ rời khỏi Gia Định để không bao giờ quay trở lại đó nữa. Chúng tôi rong ruổi dọc ngang xứ Nam kỳ không có gì khó khăn, trong suốt bốn tháng trời. Quân Việt mới ở thời kỳ khởi đầu, hoạt động theo những nhóm nhỏ, đôi khi cùng với một vài tay súng thiện xạ những Snippery3 phần nhiều là người Nhật, những tay súng này gây cho chúng tôi nhiều tổn thất. Nhưng, một đại đội tốt, về nguyên lí có thể hành động độc lập.
Rồi tôi được tuyên dương một lần - tôi xin miễn cho các bạn phải đọc văn bản đó - khẳng định các trận đánh của tôi trong bốn tháng, chặng đường đã hành quân, các ngôi làng đã bị càn quét. Việc này thực tế chẳng nói lên điều gì cả, đánh nhau với địa hình nhiều hơn là với địch thủ. Chỉ cần quay lưng đi là quân Việt đã tái chiếm lại rồi.
Một vài kỷ niệm mờ nhạt vẫn còn hiện lên trong tâm trí tôi: cái dải đồng bằng trồng cói nổi tiếng mà toàn bộ đạo quân viễn chinh, cũng như những người Mỹ đã bình định đi, bình định lại. Nhưng ở đó quân Việt vẫn còn cứ hiện diện thường xuyên. Vùng đất chi chít nhằng nhịt những dòng kênh mương cuốn theo những xác chết thối rữa lúc thủy triều lên xuống, và ở đó tôi thực hiện việc liên lạc giữa các phân đội của mình được bố trí rải rác trong khu vực. Tôi ăn mặc cải trang giống như người dân thường, sải tay chèo trên một chiếc thuyền độc mộc bản địa, việc làm này tránh cho tôi phải mang theo một đội hộ tống để rồi rơi vào bẫy phục kích.
Một trận đánh duy nhất trong thời kỳ này, chiều hướng bất lợi quay về phía tôi. Đó là trận đánh chiếm một ngôi làng mang tên là chợ Đệm, được bao bọc xung quanh bởi những kênh mương và cánh đồng lúa. Sau một bước tiến khó khăn, chúng tôi tràn tới ngang tầm ngôi làng vào khoảng buổi chiều. Trái ngược với những lần chạm trán trước đây, lần này quân Việt có đông người, hầm hào công sự vững chắc. Trung đội dẫn đầu của tôi, gặp hỏa lực ác liệt, bị cột chặt xuống mặt ruộng, chúi mũi xuống lớp bùn.
Tôi bò lên, cùng với một một khẩu đại liên 12 ly 7 kèm theo các xạ thủ, với mục đích tăng cường thêm hỏa lực và tìm cách giải thoát cho các binh sĩ của tôi. Cây cối rậm rạp, một trận đánh thực sự trong một đường hầm, bùn lầy nhớp nháp, súng ống lần lượt bị kẹt hỏng, tình thế gay cấn. Không có cách nào cho các trung đội khác của tôi tràn lên.
Những giây phút dài lê thê! Đã hai tiếng đồng hồ ở trong cái trường đấu này. Hai tử vong, bốn bị thương cần phải tìm cách kéo về phía sau. May sao, màn đêm buông xuống và chúng tôi rút ra từng người một. Đây là một trong những thất bại hiếm hoi trong suốt ba nhiệm kỳ tôi có mặt ở Đông Dương và, tuy nhiên, rồi tôi sẽ có cơ hội đối mặt với những tình huống phức tạp khác nữa. Kể từ lúc này, tôi buộc phải cảnh giác hơn và nhìn nhận những người lính Việt nhỏ bé này một cách nghiêm túc. Kinh nghiệm thu thập được ở đây là từ trong máu, từ trong gian khổ.
Thời kỳ này lẽ ra ít gây ấn tượng trong tôi. Có lẽ là thời kỳ buồn tẻ nhất trong quãng mười lăm năm chiến trận của tôi, nếu như không có chuyện được rong ruổi trên cái xứ sở tươi đẹp là vựa lúa gạo của Đông Dương, với những xóm làng quang đãng sạch sẽ, với những người dân cần cù lao động. Tôi đã mơ hồ cảm thất là chúng lôi có thể phải linh hoạt hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, thích nghi tốt hơn với địa hình và với địch thủ.
Tiểu đoàn chắc chắn là tổ chức chặt chẽ, có những sĩ quan chỉ huy tốt, binh lính biết phục tùng, dù cho là ở nơi đâu chúng tôi cũng có bánh mì tươi, rượu vang, rau xanh... Phải, một tiểu đoàn kinh điển nhưng không phải là tiểu đoàn chống lại chiến tranh du kích. Có nghĩa là phải nắm được tình hình tốt hơn, linh hoạt, trang bị gọn nhẹ, hành động như loài báo, sinh sống dè sẻn như quân Việt.
Đầu tháng ba năm 1946, tướng Leclerc quyết định đổ bộ vào Hải Phòng, ở Bắc Kỳ cùng với sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 và một lữ đoàn thiết giáp của sư đoàn thiết giáp số 2 nổi tiếng... Cái xứ Bắc Kỳ này, ở đó có chìa khóa để giải quyết các vấn đề và cũng có cả chừng ba mươi ngàn người Pháp đang ở trong một tình thế bấp bênh, phó mặc số phận trong tay Việt Minh và quân Tầu.
Vĩnh biệt xứ Nam Kỳ, tôi sẽ không trở lại chiến đấu ở đó nữa. Một đoàn tầu thật ấn tượng bao gồm các chiến hạm và các tầu vận tải, bóng đen của những con tầu này nổi rõ lên cả ở phía trước và phía sau cho tận tới đường chân trời, dâng lên theo hướng bắc... Các tuần dương hạm Duquesne, Triomphant, Tourville và tầu LEmile Bertin phất phới lá cờ của tướng Leclerc, tầu hộ tống Savorgnan de Braffa, có mặt ở đây, hộ tống chiếc tầu sân bay Bearn được biến thành một quân y viện dã chiến. Có nhiều tầu vận tải và những chiếc tầu L.C.I. Trên một chiếc tầu L.C.I, binh lính và sĩ quan của tiểu đoàn tôi chen chúc nhau như cá hộp.
Trong nhóm tầu đi tiên phong của đoàn quân lớn này, thẳng tiến trên vùng biển Trung Hoa, làn nước phía sau đoàn tàu của chúng trở nặng làm bập bềnh vô số những chiếc thuyền gỗ đánh cá. Bắt đầu từ ngày 2 tháng 3, ở ngoài khơi xa tỉnh Quảng Ngãi, mặt biển động cuồn cuộn sóng dưới một bầu trời mây trở nên vần vũ, mọi người trú ẩn dưới các khoang tầu đùa cợt, hút thuốc, ngủ hay nôn oẹ.
Một lính thủy đánh bộ trẻ, tuổi mười chín, trên một chiếc tầu đi sau chúng tôi, vừa mới chết vì một cơn sốt ác tính, một hình hài màu trắng đầy đặn chìm xuống và biến mất giữa những con sóng, biến mất vĩnh viễn ở cái tuổi còn quá trẻ như vậy trong cái vùng biển xa lạ này... một nơi cách xa những người mà anh ta yêu quý.
Chuyến đi khoảng chừng một ngàn rưởi kilômét này có vẻ rất dài. Buổi chiều ngày 5 tháng 3, mưa phùn với màn sương mù nhỏ li ti của nó chào đón chúng tôi trong vịnh Hạ Long, một trong số các kỳ quan của thế giới, một bức tranh sơn thủy thơ mộng với vô số những hòn đảo đá lởm chởm được ban tặng thêm vài mét vuông dải cát vàng óng.
Ngày 6 tháng 3, buổi sáng, tiến lên theo hàng một, đoàn tầu chui vào cửa sông Cấm, dòng sông rộng hai trăm năm mươi mét, nước màu đỏ nhạt và đôi bờ ẩn mình sau dải thực vật dầy đặc.
Mười lăm kilômét tầu chạy trước khi đổ bộ lên Hải Phòng, ở đó hình như mọi việc đã được chuẩn bị sẵn. Quân Tầu của Tưởng Giới Thạch và Việt Minh đã nhất trí với nhau, khối cư dân người Âu nôn nóng chờ đợi cái khối hàng thịt tươi được chuyển tới từ mẫu quốc.
Chúng tôi đã nhận được lệnh sẽ điều hành thành phố ngay sau khi tới bến. Những chiếc tông-đơ cắt tóc hoạt động, những đôi giầy được đánh bóng loáng, trang bị, vũ khí được lau chùi tỉ mỉ. Được thư giãn, tì khuỷu tay trên lan can đài chỉ huy, tôi đưa mắt ngắm nhìn hai bên bờ sông, nghĩ tới những cư dân người Âu ấy, vốn đã phải chịu biết bao đau khổ với sự có mặt của người Nhật và sau đó lại đến quân Tầu... Và rồi, có điều gì đó không thể lý giải nổi toát ra từ cái xứ Bắc Kỳ này mà tôi không sao nói lên được.
Tiểu đoàn trưởng của tôi, Rocaboy, người mà tôi vừa biết được tên, yêu cầu tôi nói chuyện với anh em trong đơn vị rằng tiểu đoàn trưởng rất mong họ sẽ diễu hành một cách xuất sắc. Rocaboy, người vùng Bretagne1, tốt nghiệp trường Saint Cyr2 xưa kia là người chăn lạc đà, đã tham dự chiến trận của sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9, ngoại hình giống như Gabin3 trong những năm năm mươi. Anh ấy biết chỉ huy một cách không ồn ào, tôi đánh giá cao anh ấy nhưng đồng thời, riêng tôi, tôi có một quan niệm khác trong nghệ thuật dắt dẫn con người.
Tôi vừa kịp chấm dứt những suy nghĩ đúng lúc chúng tôi tiến ngang tầm thành phố. Những loạt đạn dầy đặc của các loại vũ khí tự động và vũ khí hạng nặng phát hoả một cách tàn nhẫn từ phía bờ bắc, đó là hỏa lực nhằm trúng đích. Quân Tầu bắn rất trúng, một chiếc L.C.I ở phía dưới chúng tôi chìm nghỉm, một chiếc khác bốc cháy, mọi người nhẩy vội xuống nước.
Con tầu của chúng tôi đúng thực là một cái chao. Trung úy Ciais, bác sĩ quân y của tiểu đoàn bị trúng đạn ở bên cạnh tôi, tự anh theo dõi cái chết của bản thân mình. Vừa tự bắt mạch cho mình, anh vừa bảo: “Còn một tiếng đồng hồ nữa, còn nửa giờ. Trong vòng mười phút, sẽ chấm dứt”. Trẻ tuổi và đẹp trai; giản dị, được mọi người yêu quý. Tại sao lại là anh ấy? Cậu trợ lí trung thành của tôi, thân hình lực sĩ, bị tiện đứt làm đôi bởi một quả đạn pháo, những cơ bắp sung sức của cậu ấy còn run rẩy trong mấy giây nữa. Và rất nhiều thương vong khác.
Người ta phản kích. Người ta không biết ẩn nấp vào đâu được. Một sĩ quan tham mưu ra hiệu cho tôi, chỗ tốt nhất là các gian vệ sinh. Không có chuyện đó, tôi không có ý định kết thúc cuộc đời trong các gian nhà xí. Leclerc ở phía sau chúng tôi, hạ lệnh cho các khẩu đại bác trên tầu Triomphant phát hoả. Kết quả hết ý, những thùng súng đạn nổ tung, từng loạt xác quân Tầu văng lên không trung. Chúng tôi nhận được lệnh quay lại, một hành động khó khăn dưới làn mưa đạn. Tay thuyền trưởng trẻ tuổi, bình tĩnh điều khiển con tầu dưới làn đạn. Hải Phòng rời xa dần.
Trên con tầu Béarn neo đậu ở vịnh Hạ Long, khoảng một trăm thương binh được thu gom lại từ tất cả các con tầu, nét mặt bình lặng sau đợt thuốc gây mê, chờ đợi ngày mai để rên la và đau đớn. Chúng tôi chôn cất các tử sĩ trong khu nghĩa trang trong vịnh, cách xa nước Pháp nơi họ sinh ra mười hai nghìn kilômét. Quân Tầu xin lỗi, đây là một chuyện hiểu lầm.
Hai ngày sau, chúng tôi đổ bộ, quả là một không khí cuồng nhiệt. Những người Pháp hoan hô chào đón chúng tôi, những giây phút khó quên. Mọi người ưỡn ngực, có cảm tưởng như được thống trị thế giới. Các đại đội được phân bố trong nội ô thành phố. Đại đội của tôi ở trong một nhà máy bỏ hoang. Việc trú quân diễn ra nhanh chóng, một số tấm ván gỗ được dùng làm giường nằm, số hành trang của chúng tôi đảm bảo phần còn lại.
Cuộc sống được tổ chức cái thành phố này, ở đó ngự trị nhu cầu được sống, được kêu thét, được trốn chạy đối với những người đã phải chịu đau khổ, kể cả đối với chúng tôi, được đoạn tuyệt với mọi căng thẳng kể từ sáu tháng nay. Đó là bản Hiệp định Sơ bộ, là việc ngừng bắn. Hồ Chí Minh thương lượng ở Paris, chiến tranh có vẻ như kết thúc.
Chúng tôi chung sống trong thành phố với những người lính Việt nhỏ nhắn ấy. Các đội tuần tiễu trong thành phố là liên hợp: sáu lính thuỷ đánh bộ, sáu lính Việt cùng trên một chiếc xe tải... có nghĩa là bè bạn, nhưng nhìn nhau như những con hổ đói. Quân Tầu cũng có mặt, chiếm giữ những chiếc lô cốt được xây dựng trên các hè phố. Thật hổ lốn! Tất nhiên, một vài sự cố được dàn xếp bởi cấp trên, đòi hỏi chúng tôi phải biết ngoại giao và phải làm điều bất khả thi để tránh không làm nổ tung thùng thuốc súng là bầu không khí trong thành phố.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động huấn luyện ở mức nào đó. Rất nhiều hoạt động thể thao, hành quân, bắn súng, diễu hành trong tiếng hát. Nhưng sĩ quan chỉ huy và binh sĩ nghĩ nhiều đến giải trí vui chơi hơn là tập luyện. Các sĩ quan gặp nhau buổi tối ở nhà Thương Mại, trên phố Paul Bert một khách sạn - vũ trường lớn với đám vũ nữ Việt Nam và Trung Hoa, những tấm váy dài xẻ hai bên sườn của họ, họ rất xinh đẹp và rất hấp dẫn. Những cô gái Pháp trẻ vốn được tôn thờ ở hải ngoại, nước da rám nắng, cơ bắp nở nang, khỏe khoắn. Những cô con lai, sản phẩm Pháp - Việt đường nét xinh xắn, dịu dàng, âu yếm, rất xinh đẹp. Một và cô gái của A.F.A.T1 dễ có thiện cảm, hoàn chỉnh cái đám tạp nham giống cái này.
Các sĩ quan có tới tám mươi phần trăm, tùy theo sở thích và cả sự may mắn của họ, đã tìm được chỗ đứng. Khá nhiều các trung úy sau này sẽ hứa hôn, sẽ thành hôn với các cô gái trẻ này. Những người cưới vợ, không phải là những người cuối cùng, mà hoàn toàn ngược lại, đóng vai trò những người ngã xuống.
Theo phép lịch sự, để không trở thành trò cười của mọi người, phải tránh cảnh đi ra ngoài không có đôi, cũng như những người khác, cuối cùng tôi cũng bị đổ. Theo sở thích của tôi đó sẽ là cô bé đẹp nhất: Odette, mười chín tuổi, tuyệt xinh, quần mầu trắng. áo mầu xanh lơ, mái tóc dài hoe vàng rủ xuống tấm áo màu xanh lơ ấy. Tôi còn gặp lại cô mười hai năm sau trong trận chiến ở Alger2 ở đó, cô ấy giới thiệu với tôi chồng cô ấy và chúng tôi cùng nhau nhắc lại với một nỗi nuối tiếc về quãng ngày vui vẻ ở Bắc Kỳ.
Thực tế, tôi đã vi phạm đạo đức, đang đi tìm lại sự cân bằng của mình... Có người đàn ông nào trong suốt cuộc đời của mình mà lại không phạm phải một vài sai lầm? Có lẽ là sự mệt mỏi sau cuộc sống kéo dài kể từ năm 1936.... đã mười năm rồi còn gì? Một nhu cầu nào đó được âu yếm chăng? Và rồi, thử hỏi chúng ta làm gì vậy? Chúng ta phục vụ cho cái gì?
Một bức điện báo cho tôi biết cháu Marie France ra đời. Đó chính là chiếc ngòi nổ đã đặt tôi trở lại trục đứng của mình, hầu như vững vàng cho tới tận thời điểm này... Bằng bản năng, tôi biết rằng để tồn tại lâu dài, chế ngự được bản thân, tin tưởng vào vận may của mình, thì không được dối trá.
@by txiuqw4