Ngày 30 tháng ba, sắp mở màn trận tấn công lớn ở hướng đông trận địa của chúng tôi: “Trận chiến đấu trên năm quả đồi”. 18 giờ 25... Trời vẫn còn sáng. Hoả lực dày đặc của pháo binh quân Việt, đặc biệt róc xuống cứ điểm Dominique, và các cứ điểm Eliane. Chắc chắn họ sẽ chuyển sang xung phong. 18 giờ 45, con sóng cuộn của quân Việt rùng rùng chuyển động. Họ tấn công từ mọi hướng. 19 giờ, trong vòng mười lăm phút, Dominique 1, Eliane 1, Dominique 3 thất thủ. Trong khu vực của chúng tôi, giờ đây anh em trong đơn vị đứng ở mũi nhọn, trực tiếp đối mặt với đối phương trong khi chúng tôi được dự kiến giành cho các trận phản kích. 20 giờ, Dominique 2, vị trí chốt của cứ điểm sụp đổ. Đứng thẳng trong căn hầm của tôi, tôi nhìn thấy tất cả số người Bắc Phi vừa mới rút chạy khỏi vị trí của họ hướng về trung tâm phòng ngự chủ yếu, bằng cách chạy qua cây cầu bắc trên sông Nậm Rốm. Một mảnh pháo nhỏ sượt qua cổ tôi, máu nhỏ ra, nhưng không có gì nghiêm trọng.
Trên mỏm Eliane 2, ở hướng nam, thiếu tá Nicolas cùng với các xạ thủ người Marốc vẫn còn giữ được một nửa vị trí. Tôi có thể theo dõi được trận đánh của anh ấy qua một đài thông tin của tôi... Langlais không còn liên lạc được với anh ấy nữa và muốn cho pháo binh bắn. Tôi kịp khuyên can ông ấy không nên làm như vậy. Đứng trên ngọn đồi của tôi lúc này cũng đang phải gánh chịu sức tấn công của đối phương, tôi không thể chi viện cho Nicolas... Langlais sắp rút năm đại đội lê dương ở trung tâm phòng ngự chủ yếu, thuộc về tiểu đoàn dù ngoại quốc số 1 và bán lữ đoàn số 13 để lần lượt ném các đại đội đó vào Eliane 2. Thật là một cái cối xay thịt: lê dương, Ma rốc, quân Việt, chen chúc nhau trong màn đêm tối đen như mực này.
Từ Eliane 4, tôi nghe thấy các đội viên lê dương vừa hát vừa leo ngược lên đồi. Thật tuyệt vời. Những trận đánh kéo dài suốt đêm. Lúc 8 giờ sáng, điểm tựa được chiếm lại. Eliane 2 đã giữ vững và giữ được cho đến ngày cuối cùng. Những trận phản kích ấy, công lao tất cả thuộc về Langlais, người đã dám mạo hiểm lớn đến như vậy. Tiếc thay, tổn thất trong đêm đó cực kỳ nặng nề... Trên đồi Eliane 2 là một đống xác chết nằm chồng chất lẫn lộn cả quân Việt, lính lê dương, người Marốc.
8 giờ sáng ngày 31 tháng 3. Bất chấp những tổn thất quan trọng của Dominique 1, 2, 6 và của Eliane 1, bất chấp nỗi mệt nhọc trong đêm và của những đêm trước nhưng tinh thần chiến đấu của binh sĩ rất cao. Lính dù và lính lê dương thật ghê gớm.
Hà Nội đã nói: “Nếu các anh chống giữ được cuộc tấn công lớn sắp tới thì một binh đoàn dù và hai hay ba tiểu đoàn sẽ tới tăng viện”.
Sau khi nắm lại tình hình, bắt đầu từ 13 giờ 30, tôi chỉ huy các cuộc phản kích trên đồi Eliane 1 với tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 của tôi và trên đồi Dominique 2 với tiểu đoàn xung kích số 8, dứt khoát là với Tourret, chúng tôi đã cùng nhau đi trên một đoạn đường tốt đẹp kể từ Tú Lệ! Lúc 15 giờ, chiếm lại được ba phần tư vị trí Eliane 1 và một nửa Dominique. Tinh chần chiến đấu thật ngoan cường trong những con người này. Hàng ngũ của họ thưa thót dần đi hằng ngày, họ hoàn toàn hiểu rằng trong trường hợp bị thương thì họ sẽ nằm mốc meo trong căn hầm - bệnh viện không biết đến bao giờ? Đây là trận chiến để kết thúc... Nếu như các tiểu đoàn từ Hà Nội tới nơi kịp thời thì quân Việt sắp suy yếu rồi. Nếu như chúng ta có thể chiếm lại những vị trí đã mất thì có thể thắng trận.
Than ôi, lệnh qua điện từ Hà Nội: “Không thể tăng viện”... Quân Việt phản ứng bằng sức mạnh chưa từng có. Cần phải rút bỏ Dominique 2 vào lúc 15 giờ 30 và Eliane 1 vào lúc 18 giờ... Đêm xuống... Cần phải giữ vững Eliane 4, nơi tôi đang có mặt và Eliane 2... Hai điểm tựa duy nhất còn đứng vững đối mặt với quân đối phương ở hướng đông và tái lập các lực lượng dự bị.
Quân Việt giờ đây tập trung đông trên đồi Dominique 2 và Eliane 1, ở đó họ tổ chức trận địa, bất chấp hỏa lực của chúng tôi. Tinh thần chiến đấu của các đơn vị bị giáng một đòn ghê, gớm. Mọi người nguyền rủa Hà Nội... Lũ khốn kiếp! Mọi người lo sợ ban đêm... Có thể là đêm cuối cùng.
22 giờ. Trước tình thế đó. Langlais cho tôi quyền quyết định ở hướng đông.
- Bruno, nếu cậu xét thấy không giữ được, thì rút về chỗ bọn mình ở trung tâm phòng ngự chính!
- Không có chuyện đó, Pierre (mật danh của Langlais), cho đến lúc nào tôi vẫn còn một người thì Eliane 4 vẫn còn. Nếu không, Điện Biên Phủ đi tong.
Tôi xin được trích lại một đoạn văn của Bernad Fall:
“Lúc 22 giờ, Langlais cho Bigeard biết là ông ta để cho Bigeard được quyền quyết định, nếu như những phần còn lại ở Dominique và Eliane có thể giữ được cho đến hết đêm. Như vậy kể từ lúc này mọi việc tùy thuộc ở quyết định của viên sĩ quan này, người mà từ một tuần lễ nay, mặc dầu chỉ là một tiểu đoàn trưởng đã gánh lấy nhiệm vụ chỉ huy một lữ đoàn trong những hoàn cảnh xấu nhất, chưa từng thấy bao giờ, người mà bốn mươi tám tiếng đồng hồ vừa rồi, hầu như không ăn uống và ngủ nghê một chút gì. Câu trả lời của Bigeard vang lên rõ ràng trên toàn mạng các đài thông tin PCR 10, phần lớn các tiểu đoàn trưởng - và cả quân Việt Minh, vốn đã có thể trang bị hoàn toàn bằng các cỗ máy thu được của quân Pháp - đều ngồi trước ống nghe của mạng thông tin đó: “Thưa đại tá, cho đến lúc nào tôi vẫn còn một người sống sót thì tôi vẫn không thể nào rời bỏ Eliane”.
Ngày 1 - 2 tháng tư. Sức ép giảm đi với Eliane 2 và Eliane 4. Tướng Giáp muốn cho quân tràn lên đánh chiếm tất cả các điểm cao ở hướng đông. Nhưng chúng tôi vẫn có mặt ở đó và ông ấy biết là các đơn vị còn trấn giữ ở đó sẽ bắt ông ấy phải trả giá đắt... Cái vị trí Eliane 4 này làm ông ấy tức giận... và qua lời khai của các tù binh, ông ấy biết chính xác vị trí hầm chỉ huy của tôi. Trong đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2, chúng tôi nhận được một đợt tấn công kinh khủng của súng cối 120 với đầu đạn nổ chậm, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ.
Trời sáng. Tôi gần như bị chôn vùi trong căn hầm của tôi lúc này đã bay mất nóc ở trên đầu. Chiếc hàm ếch đã cứu sống tôi. Trên mỏm đồi Eliane 4, là một thảm cảnh rùng rợn! Mặt đất cháy đen, bị cày xới bởi các trái phá, lính dù bị chôn vùi, những cánh tay, cẳng chân thò ra đây đó, những con người nét mặt bơ phờ, nhớn nhác, suốt đêm qua không một phút nào chợp mắt, nỗi nhọc nhằn cộng thêm vào tất cả những nỗi nhọc nhằn họ phải gánh chịu suốt từ hai mươi mốt tháng trời nay.
Mặt lấm lem bùn đất, giữa khung cảnh bi thảm, tôi đang sắp xếp lại trật tự thì có tiếng nói của Pazzis. Rất cao thượng, anh ấy bảo tôi: “Ông bạn Bruno của tôi, cậu sinh ra là để trải qua những tình thế như vậy, và mình thì thấy xấu hổ là đêm qua, được quá yên ổn ở trong sở chỉ huy của binh đoàn “Gono” đấy!” Tôi thấy xúc động vì câu nói hoàn toàn chân thành của anh ấy. Nhưng mọi người đều biết rằng đối với Pazzis không có chuyện phải tiếp nhận ở bất cứ ai bài học về lòng dũng cảm cả! Những người Thái trấn giữ cứ điểm Anne Marie1 đã đào ngũ và bỏ mặc cứ điểm của họ. Vị trí Huguette 72 vừa mới thất thủ... Lại thêm hai điểm tựa biến mất!
Các ngày 2, 3 và 4 tháng tư, sức ép mạnh nhằm vào Eliane 2 và Huguette 6. Suốt mấy đêm liền, các đơn vị của tiểu đoàn Bréchignac được thả dù xuống. Cuối cùng, Brèche cũng đến với chúng tôi. Chỉ còn thiếu mặt có mỗi anh ấy. Anh ấy tiếp đất giữa một đêm tối như mực và rơi vào giữa đám dây thép gai, dưới làn đạn pháo và súng cối, nhưng anh ấy là một trong số ít người làm chủ được mọi tình thế và đối với họ, như không có chuyện gì ghê gớm xẩy ra.
Đáng tiếc là người ta đã không cử Brèche tới đây ngày 31 tháng ba, vào thời điểm chúng tôi phản kích trên đồi Eliane và đồi Dominique. Thật là sai lầm lớn của Hà Nội. Nếu như anh ấy được thả xuống ngày hôm đó thì đã tránh được biết bao tổn thất vô ích! Người ta cảm thấy lờ mờ là ở Hà Nội, guồng máy chẳng hoạt động gì cả. May mắn là người ta không biết rằng các tướng Navarre và Cogny đang cắn xé lẫn nhau, trong lúc chúng tôi có mặt ở đây, chúi mũi vào trong cảnh khốn nạn và cái ông đại tá ngang ngược Sauvagnac, thay thế Gilles chỉ huy quân dù với tư cách kỹ thuật viên của quân dù mà chẳng làm gì cả. Langlais, đỏ mặt tía tai khi người ta nhắc đến tên của viên sĩ quan cấp trên này, vốn đã từ chối việc thả dù xuống Điện Biên Phủ những người tình nguyện, nếu như những người này không được huấn luyện nhẩy dù một cách đúng quy cách.
Langlais đã gửi cho Sauvagnac bức điện sau: “Gửi riêng cho đại tá Sauvagnac. Đã nhận được điện của ông. Bức điện chứng tỏ là ông còn chưa hiểu được tình thế của Điện Biên Phủ. Chấm. Tôi nhắc lại rằng ở đây hiện không còn Gono, cũng chẳng còn binh đoàn không vận, chẳng còn đội lê dương, chẳng còn đơn vị người Marốc, chỉ còn ba nghìn chiến binh, mà trụ cột là quân dù. Phải trả giá bằng một chủ nghĩa anh hùng và những hy sinh khó tưởng tượng nổi, đương đầu với bốn sư đoàn của tướng Giáp. Số phận của Hà Nội, của cuộc chiến tranh Đông Dương tùy thuộc ở Điện Biên Phủ. Chấm. Ông phải hiểu cho rằng trận chiến đấu chỉ được duy trì bằng các lực lượng tăng viện, dù cho họ có tốt nghiệp trường đào tạo quân dù hay là không. Chấm. Đại tá De Castries, người mà tôi đã đệ trình bức điện của ông sẽ yêu cầu và sẽ được tổng chỉ huy chấp thuận tất cả những gì mà ông đã từ chối đối với tôi. Chấm. Ký tên: Langlais và bẩy tiểu đoàn trưởng trong căn cứ. Chấm và Hết”.
@by txiuqw4