Mẹ hát con khen hay thì chẳng được ai khen theo hết. Nhưng chúng tôi khen vì MẸ CHÚNG TA tài tình thật sự.
Nam Dương và Nhựt Bổn đã chế biến ra lắm trò, nào là Nam Dương gắn đầu gắn đuôi như Tây, Nhựt Bổn chia động từ như Tây, nhưng diễn tả không hơn Việt Nam chút nào hết mà lại còn kém hơn nhiều bực.
Các nhóm Mã Lai khác đều mắc nạn đồng âm dị nghĩa mà vô địch là Miền Dưới và Nhựt. Việt Nam cũng có danh từ đồng âm dị nghĩa, nhưng rất là ít, thí dụ Đồng (bằng), Đồng (thau), trong khi đó thì các dân tộc khác mỗi nhóm có hai ba chục tiếng đồng âm.
Ta cũng đã có như họ, vì tất cả đều là Mã Lai, nhưng ta đã uyển chuyển cho mất sự lạm phát đồng âm, còn họ không biết làm thế.
Đó là nguyên nhơn của các dấu sắc, huyền, hỏi, nặng của ta mà các nhóm khác rất hiếm có. Thí dụ GIÁ RẺ ở Nam Dương, thì rẻ chỉ là MURAH. Chữ H cuối chỉ có giá trị của 1/3 cái dấu hỏi hay dấu sắc của ta mà thôi, tức như là MURẢ, nhưng RẢ phải đọc thật nhẹ, chữ H được đọc nửa chừng thì người đọc đứt hơi thình lình.
Quý vị đã thấy ta biến PƠAKA thành BÓI CÁ một cách tài tình. Chúng tôi đếm được trong các tự điển Miền Dưới 40 chữ Tơrăng chẵn chòi, không thiếu một nét.
Việt Nam cứ sử dụng dấu sắc huyền hỏi nặng là dẹp tan hết:
Tơrăng = Trằn
Tơrăng = Trảng
Tơrăng = Trắng trợn
Tơrăng = Trong
Vân vân và vân vân…
Ta biến dạng mà không hề làm mất Phonème, làm mất nghĩa, và trái lại còn thêm nghĩa rất dồi dào. Xem người Mạ và ta biến dạng một từ ngữ Mã Lai thì thấy rõ là ta quá tài.
Con sulong= Filsainé, Elder
Người Mạ biến thành: KON TABÔNG. Phonème đã sai rồi, mà TABÔNG thì chẳng có nghĩa gì cả trong ngôn ngữ Mạ.
Việt Nam biến: CON ĐẦU LÒNG
Có tài tình chưa? Phonème còn nguyên vẹn, nhứt là trong CON SO và SỔ LÒNG, mà ĐẦU LÒNG cũng đầy ý nghĩa. Đó là một cuộc biến có cố ý, có ý thức vì hiểu nghĩa, chứ không phải là kẻ vay mượn, chỉ mượn âm, như Cao Miên đã biến Kayu Đoan Đâu thành So Đau.
Kẻ hiểu nghĩa để biến cho còn nghĩa là kẻ có danh từ đó, chớ không phải vay mượn.
Sự biến dạng của Tơrăng trong Việt ngữ, tuy hay về số lượng, nhưng không hay về phẩm chất vì ta chỉ bỏ dấu khác mà thôi, ngoài ra không có sửa đổi bao nhiêu. Nhưng sự biến dạng của một động từ, động từ CHẾT thì tài vượt bực.
Chủng Mã Lai có hai động từ chỉ ý niệm chết, mà Miền Dưới chỉ dùng có một là MATI.
Nam Dương: Mati
Chàm Ninh Thuận: Mưtai
Chàm Bình Tuy: Htai
Thái: Tai
Việt Nam: Mất
Thái cũng biến nhưng biến một cách vô ích, và nếu không có cái khoen Chàm Bình Tuy, không làm sao mà nhận ra được TAI do MATI mà ra.
Nhưng Việt Nam biến có mục đích hẳn hòi, để xoá đồng âm U như với tĩnh từ Tơrăng.
Vậy Mati = mất.
Ta nuốt chữ I cuối. Thí dụ: Ông tôi mất năm ngoái.
Người Nam Dương cũng có ao nuôi cá và lũy tre quanh làng y như ở Bắc Việt, và họ gọi ao đó là:
Ao mati = Ao chết
Tại sao ao lại chết? Vì nước ao không được thay đổi tức đó là nước chết. Việt Nam không bằng lòng như thế và trong trường hợp này, ta không nuốt chữ I mà nuốt âm MA. Âm TI còn lại được biến thành ra là TÙ.
Ao mati = Ao tù
Xin lưu ý các nhà làm từ điển. Chữ Tù hồi cổ thời chỉ có nghĩa là (nước) Chết.
Đèn không cháy nữa, người Nam Dương gọi là:
Đian mati = Đèn chết
Tại sao chết? Vì ngọn lửa đã chết. Trong bài hát Au clair de la lune, của Pháp ta cũng thấy câu: Ma chandelle est morte, tức cây nến của tôi đã chết.
Việt Nam cũng chẳng bằng lòng vàa lần nầy ta biến âm TI thành TẮT.
Đian mati = Đèn tắt
Có tài tình chưa? Và cũng xin các nhà làm tự điển biết rằng vào cổ thời TẮT, chỉ có nghĩa là CHẾT. Hiện nay trong Việt ngữ, ta vẫn còn nói TẮT để chỉ ý niệm Chết. Thí dụ: "Ông tôi tắt nghỉ hôm qua”.
Sự tài tình ở đây, còn hơn cả trong từ ngữ CON ĐẦU LÒNG nữa. Và có hằng ngàn trường hợp biến tài tình như cái vụ Ti →Tù, Ti →Tắt.
Khi ta so tự điển Việt Nam với tụ điển các dân tộc khác gốc Mã Lai, ta thấy luôn luôn tự điển ta dày hơn tự điển họ quá nhiều, bởi họ chỉ định nghĩa có một chữ MATI còn ta thì phải định nghĩa cho ba chữ: MẤT, TÙ và TẮT.
Nhưng hủy bỏ đồng âm, tuy là tài, nhưng vẫn không tài bằng mỹ hoá như trường hợp CHIM BÓI CÁ đã cho thấy.
pơraka = Bắt cá→ Bói cá
BÓI CÁ đậm ý nghĩa hơn BẮT CÁ, nhưng không khác âm bao nhiêu. Thế thì không cần gì tiến tới đa âm như họ, ta vẫn diễn ý được nhiều hơn họ và nhứt là hay hơn họ.
Xem ra sự đa âm hoá không đem đến cái lợi nào đáng kể hết, và nếu không bị ảnh hưởng Trung Hoa chận đứng cái đà đa âm của ta, ta vẫn không hơn gì ngày nay đâu, bằng chứng là Nam Dương, mặc dầu đa âm hoá, vẫn kém hơn ta về sự phong phú của ngôn ngữ.
Khi mà ta sáng tác được chữ TÙ rồi thì nó đẻ ra một bầy con: TÙ TÚNG, TÙ HÃM, TÙ BINH, VÀO TÙ, Ở TÙ, NGỒI TÙ, TÙ MỌT GÔNG, TÙ RŨ XƯƠNG, TÙ TỘI, CƠM TÙ, CAI TÙ, RŨ TÙ, MÃN TÙ, BỎ TÙ, NHÀ TÙ, CHẾ ĐỘ LAO TÙ, VƯỢT TÙ, NƯỚC TÙ, TÙ TREO, TÙ Ở, TÙ ĐÀY, TÙ BIỆT XỨ, vân vân và vân vân.
Các người ham bắt ta làm nô lệ Trung Hoa, chắc cho rằng ĐÈN là do ĐĂNG của Tàu. Nhưng Tàu đọc ĐĂNG là TẨN, mà TẨN thì quá xa ĐÈN, không như ĐIAN của Nam Dương. Và tiền sử học đã nói rõ là Lạc bộ Mã, khi di cư không có chịu ảnh hưởng của Tàu.
Chúng tôi có hai chứng tích cho rằng ta không học của Tàu:
I- Tất cả đều dùng âm đầu Đ trong khi Tàu dùng T.
II- Nhưng chứng tích đó rất yếu. Các nhà khảo cổ đã tìm được một cây đèn La Mã tại Cao Miên, vì năm 17 OS.K La Mã có gởi sang Trung Hoa một đoàn trò xiếc, bọn ấy có đi ngang qua Cao Miên. Họ lại tìm được đèn đời Hán tại Trung Hoa. Đèn Trung Hoa và đèn La Mã xấu hơn đèn Đông Sơn nhiều lắm. Không lẽ thầy lại kém hơn trò?
Chính Nhật là đã học của Tàu vì họ nói là Tô. Tô do Tẩn mà ra chớ không do Đian được.
Con khen mẹ bấy nhiêu đó là vừa, mặc dầu còn hàng ngàn biến dạng tài tình và nhứt là có mục đích rõ rệt nữa. Khen nhiều quá người khác sẽ khó chịu, nhứt là những quốc gia có 30 chục danh từ đồng âm dị nghĩa, trong hàng trăm trường hợp, hàng trăm danh từ.
@by txiuqw4