Có danh từ Ấn Độ trong Việt ngữ hay không? Dĩ nhiên là có. Đó là những danh từ Phật giáo, nhưng được phiên âm tới 2 lần, từ Phạn sang Hoa rồi từ Hoa sang Việt.
Nhưng nếu có những danh từ thường và danh từ Phật giáo KHÔNG PHIÊN ÂM thì thật là bất ngờ. Đây là một danh từ Phật giáo không qua trung gian Tàu: NAM MÔ. Phạn ngữ là NAMAH. Tàu viết là NAM VÔ. Nếu qua trung gian Tàu, các sư ta đã đọc là NAM VÔ, nhưng các sư ta cứ đọc là NAM MÔ. Thế nghĩa là ta đã học thẳng với Ấn Độ.
Trần Trọng Kim có cho biết rằng dưới trào hậu Lý Nam Đế có nhà sư Ấn đến đây lập ra Thiền tông. Thế là đã rõ. Họ đến vào thời ta độc lập và ta học Nam Mô thẳng với họ.
Nhưng nếu có những danh từ thường thì sao? Cũng dễ hiểu? Ông tổ Thiền tông ấy hẳn không tới đây một mình và có các chú tiểu Ấn Độ đi theo. Nếu sư tổ không tiếp xúc với dân chúng thì các chú tiểu phải tiếp xúc.
Thế nên một số danh từ Ấn Độ mới len và Việt ngữ. Có một động từ nầy mà chúng tôi rất nghi là của Ấn Độ, nhưng không dám chắc lắm. Đó là động từ THUÊ. Phạn ngữ là SIUUA, ký hiệu quốc tế là SEWA.
Xin nhắc rằng khoa ngữ học bất kể ký hiệu, vì ký hiệu rất gạt gẫm, mà chỉ kể âm đọc (Phonème). Về phương diện Phonème thì đồng hóa THUÊ và SEWA được mà không bị khoa ngữ học bắt bẻ.
Nhưng sẽ có nhiều người nghi ngờ về THUÊ và SEWA thì xin bỏ qua vậy, vì chúng tôi đã bí đâu, chúng tôi còn hàng tá tiếng Phạn trong túi mà không ai bắt bẻ được hết.
Một nhà bác học Pháp đã đối chiếu truyện Cây đa thằng Cuội của ta, chuyện Hậu Nghệ của Tàu và một chuyện Ấn tương tợ như thế và thấy rằng cả chuyện Tàu, lẫn chuyện Việt đều bắt nguồn từ chuyện Ấn.
Chắc không ai ngạc nhiên. Văn hóa Ấn có thể vào tới Việt Nam, trước khi ta tiếp xúc với Tàu, vì kinh đô Ấn gần nước ta hơn kinh đô Tàu, và Ấn cũng là một quốc gia có một nền văn minh lớn đủ khả năng lan tràn đi xa. Nhưng vì ta ở quá xa họ, nên ta thoát được ảnh hưởng lớn của họ mà chỉ mượn có một số danh từ.
Ai cũng nói danh từ CHÙA của ta, do TỰ của Tàu mà ra. Nhưng đọc cái tiếng TỰ đó, theo bất kỳ giọng nào của Trung Hoa, cũng không thấy rằng nó có thể biến thành CHÙA được hết.
Nhưng nếu ta biết rằng Phạn ngữ chỉ cái chùa bằng danh từ HUNA thì ta sẽ thấy nguồn gốc của chùa:
Huna → Hua → Chua → Chùa
Tiếng Phạn đã có lan vào Việt ngữ mà không ai dè. Dĩ nhiên là những danh từ Phật giáo như Sa di, Tỳ kheo thì ai cũng biết rằng đó là tiếng Phạn vì các nhà sư đã có đi học Ấn Độ và có biết tiếng Phạn. Nhưng các sư, hoặc chỉ học những danh từ triết tôn, nên không biết danh từ thường hoặc không có dịp cho ta biết rằng nhiều danh từ thường, cũng do Phạn ngữ mà ra. Thí dụ, danh từ CHÙA là danh từ tôn giáo, chắc chắn các sư biết do HUNA, nhưng cũng chẳng nghe các sư giảng như vậy lần nào cho ta rõ.
Nhưng danh từ Chùa quá mới, đối với các danh từ thường. HUNA vào đất Việt, và có lẽ dưới thời Lý Phật Tử, ông ấy đã rước sư Ấn về Giao Chỉ.
Nhưng nhà sư Ấn đó, hẳn không có thì giờ để phổ biến các danh từ thường, có vẻ có đã lâu đời lắm rồi, có trước Tây lịch nữa.
Ta đã thấy trong ngôn ngữ ta có tiếng Mông Cổ, tiếng Tamoul. Nhưng không ai dè rằng có tiếng Phạn, dĩ nhiên là phải trừ các danh từ Phật giáo ra. Ta chỉ kể những danh từ thường mà thôi.
Có ai dè rằng SÁNG SỦA gồm một trạng từ Phạn là SUACHA có nghĩa là SÁNG SỦA hay không?
Ta cứ viết văn phạm cho rằng SỦA vô nghĩa. Nhưng nó có nghĩa SÁNG SỦA đấy và đó là tiếng Phạn. Phạn ngữ nói UDARA SUACHA = bầu trời sáng sủa.
Nhưng hoa SEN, cũng là tiếng Phạn thì thật là không biết nó qua ngả nào, vì Chàm gọi hoa đó khác ta, Cao Miên cũng thế.
Danh từ Mông Cổ lọt vào Việt ngữ đã 5000 năm rồi, nhưng ta biết tại sao, còn SUACHA và SEN thì thật là bí. Nhưng SEN là hoa nhà Phật, tức cái gì thiêng liêng quí báu lắm, vậy tại sao tên hoa đó bị tẩy chay trong các gia đình Bắc Việt?
Hẳn là phải có một lý do thầm kín nào mà chưa ai thử truy ra.
Danh từ chỉ loại hoa phật đó rất thiêng liêng ở Ấn Độ, thế mà nó bị tẩy chay tại Việt Nam thì đó là chứng tích không phải Phật giáo Ấn Độ đã đưa nó vào ngôn ngữ Việt dưới trào Lý Phật Tử, mà danh từ đó đã tới cổ Việt trước Phật giáo và bị tẩy chay trước Phật giáo, tức khá cổ, trước Tây lịch, chớ không phải sau Tây lịch.
Thế nghĩa là đã có ảnh hưởng Ấn Độ tới lưu vực Hồng Hà rất lâu đời mà không ai hay biết, và nhất là không phải qua trung gian Cao Miên và Chàm vì hai dân tộc ấy gọi tên hoa đó khác Ấn Độ và ta. Danh từ Phạn không giống hệt ta được, nó chỉ là SENROJA, nhưng ta biết rằng là đồng gốc.
Dân Saka theo đạo Bà La Môn đã đi khai hóa Chân Lạp tại Trung Lào, mà cái Chân Lạp đó thì có biên giới chung với ta thì họ có đưa chút đỉnh văn hóa Ấn vào nước Văn Lang, không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng riêng về tên hoa Sen thì không phải do họ được, và cũng không phải Chàm.
Nhưng tại sao đất Bắc Hà kiêng kỵ tên SEN?
Tôi đang ngồi nói chuyện với một người bạn gốc Hà Nội, thì một cô gái đi qua cửa của tôi. Tôi gọi nó:
"Sen ơi, sao con không góp tiền hụi?"
Góp tiền hụi có nghĩa là Thu tiền họ. Họ ở đây là cái bát mà mẹ cô bé ấy cầm cái.
Con bé đó xinh đẹp, đã trổ mã, lại ăn mặc lịch sự, nên anh bạn ấy hỏi:
"Con người xinh đẹp như thế mà lại bị đặt tên là con sen? Sao kỳ thế?"
Tôi bật cười. Trong câu hỏi của tôi có ba từ đặc biệt miền Nam là góp tiền hụi, nhưng anh bạn đó hiểu, còn Sen thì anh ấy lại không hiểu.
Tôi bật cười vì tôi hiểu sự kinh ngạc của bạn tôi. Hoa Sen là hoa nhà Phật, hương sắc lưỡng toàn nên ta mới có bài ca dao ca ngợi hoa đó:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
……………………………………..
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thế mà người Việt đất Bắc lại rất sợ tên của loài hoa quý đó, vì con nhỏ sai vặt trong bất cứ nhà ai, cũng bị đặt tên là con sen cả, không biết từ đời thuở nào, và SEN đã bị hoen ố vì cái chức vụ thấp kém đó, nên tên Sen bị kiêng kị, không có cô gái nào của đất Bắc mang tên Sen cả. Họ dám đặt tên con họ là cái Hĩm, nhưng nhứt định không dám đặt tên là Sen.
Chúng tôi đã hỏi tất cả các cụ gốc miền Bắc, nhưng không ai cắt nghĩa cho trôi sự kiêng kỵ đó.
Và khi chúng tôi học sinh ngữ Á Đông để viết sử, chúng tôi mới khám phá ra sự thật. Hoa Sen đã bị hoen ố trước Chúa giáng sinh nữa, tức trước cả thời đạo Phật được truyền sang xứ ta thảo nào toàn cõi Bắc Hà đều sợ cái tên đó.
Thủ phạm đã làm hoen ố hoa sen là An Dương Vương, kẻ đã cướp nước ta và diệt vua Hùng Vương thứ 18 của ta.
Xin nhắc rằng vua An Dương Vương là cháu nội của vua nước Thục cuối cùng, lưu vong xuống Quảng Tây. Dân Ba Thục là dân Thái, mà dân Quảng Tây cũng thế, họ ăn nói chỉ khác nhau như Nam Việt và Bắc Việt.
Trong ngôn ngữ Thái có hai từ ngữ mà ta đọc hơi sai một chút, và chúng tôi xin chuyển âm thật đúng:
Sauu chai = Trẻ trai (để sai vặt)
Sauu hiin = Trẻ gái (để sai vặt)
Cũng nên nhớ là Thái An Dương Vương xâm lăng ta bằng lính Thái Quảng Tây. Hoàng gia Thái, lính của Thái, lại giữ ngôi được tới 49 năm thì dân ta hẳn phải có người hợp tác với quân xâm lăng và chính bọn hợp tác đã nhiễm ngôn từ của địch.
Thuở ấy, chắc họ cũng ăn nói y hệt như hoàng gia và lính tráng, tức nói SAUU CHAI chớ không nói là THẰNG NHỎ như ngày nay, và nói SAUU HIIN chớ không nói là CON SEN.
Ngày nay, ta đọc SAUU thành SAO, chớ thuở ấy, ta đọc SAUU là SEN.
Sauu hiin = Sen hĩm
Tĩnh từ Sauu của Thái rất khó đọc, sách Ăng lê ghi là SAOW, nhưng vẫn không diễn đúng âm của Thái được, mà SEN hay SAO của ta lại càng sai hơn.
HIIN bị ta đọc HĨM, nhưng đó là danh từ chung của đại khối Mã Lai và ta đã cho một nghĩa tục trước khi bị họ xâm lăng. Thế nên khi ta hợp tác với họ, ta chỉ còn dám nói Sen mà không nói Hĩm (xin xem Chương về Hĩm).
TRẺ TRAI về sau bị biến thành THẰNG NHỎ còn được dùng cho tới ngày nay, còn TRẺ GÁI thì vì HĨM đã được gán cho cái nghĩa khác mất rồi, nên chỉ còn TRẺ mà trẻ đó thì ta đọc sai là SEN. Nếu thuở ấy ta đọc sai như ngày nay là Sao, thì một thứ hoa đẹp của ta không mất địa vị và đã có khối người đẹp mang tên là cô Sen.
Vậy hoa Phật bị hạ bệ đúng vào thời An Dương Vương. Đây là biến dạng độc nhứt mà ta biết chắc chắn thời điểm, còn các biến dạng khác thì ta chỉ biết đại khái về một thời điểm quá rộng có khi đến ba trăm năm.
Tội nghiệp loài hoa quý đó quá, và tội nghiệp cho gái Việt không được mang tên Sen, chỉ vì một sự đọc sai.
Nay biết sự thật, tưởng ta nên xóa ngộ nhận. Và thời cuộc sẽ giúp ta xóa dễ dàng vì hiện nay, trong một trăm gia đình, chưa chắc có một gia đình dám mượn con Sen, vì chúng nó đi làm sờ - nách-ba hết cả rồi, các bà nội trợ đành tự sai khiến mình vậy.
Ước mong sẽ có những giai nhân tên là Lý Thị Sen mà không bị ai coi thường như xưa nữa.
Chúng tôi lại truy nguyên coi tại sao một thứ hoa quý khác là hoa nhài (lài) cũng bị đồng bào miền Bắc tẩy chay. Ở đất Bắc, thôn nữ bần cố nông cũng không dám mang tên Nhài, vì Nhài còn tệ hơn Sen nhiều bực, bởi hoa Sen bị đồng hóa với tôi tớ gái, còn hoa Nhài lại bị đồng hóa với con đĩ.
Sự kiêng kỵ với Nhài, khe khắt hơn với Sen nhiều lắm.
Nhưng với Nhài thì thủ phạm không phải là An Dương Vương nữa, mà là một bọn khác, xưa hơn, đó là bọn Lạc bộ Mã, đã đến nước ta trước An Dương Vương đến ba trăm năm.
Nơi bọn Lạc bộ Mã tĩnh từ chỉ tánh cách dâm đãng của phụ nữ là KƠLINHHÀI. Kơ, dính liền với Linhhài, chớ không phải KẺ là NGƯỜI đâu.
Có người nói tại hoa nhài nở về đêm nên mới bị mang cái tiếng đó, nhưng tại sao có khối hoa khác cũng nở về đêm, thí dụ hoa quỳnh, hoa nguyệt quế, v.v. lại không bị mang tiếng đó? Và cái vụ Sauu = Sao = Sen đã cho ta thấy quá rõ là không phải vì tánh cách của hoa chút nào hết mà vì ta đã biến âm sai mà thôi.
Tiếng XANH của ta lại bị Thái biến ra thành SAUU. Hóa ra trong tiếng Thái SAUU vừa là Gái trẻ sai vặt, lại vừa là XANH.
Về hoa nhài thì đó là danh từ độc nhứt mà toàn thể Mã Lai đều nói giống nhau:
Việt Nam: Lài (nhài)
Cao Miên: Mlít
Thái: Ma li
Miền Dưới: Mơlati
Sẽ có người nói rằng tất cả đều học của Tàu vì Tàu gọi hoa đó là Mạt lị. Nhưng còn ngờ.
@by txiuqw4