sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 15: Tàn Tích Mẫu Hệ Trong Việt Ngữ

Xin nhắc lại sơ một điều mà chúng tôi đã viết ra rồi trong quyển sử. Là mãi cho đến năm 1861, khoa học mới biết và mới công nhận rằng có chế độ mẫu hệ trong nhân loại, và HÌNH NHƯ bất kỳ dân tộc nào cũng đã trải qua chế độ mẫu hệ cả.

Năm đó, một quyển sách độc đáo ra đời, quyển "Chế độ mẫu hệ” của nhà bác học Bachofen, trong đó soạn giả đã dựa vào các văn kiện cổ thời Hy Lạp để chứng minh rằng Hy Lạp buổi đầu theo mẫu hệ.

Chừng ấy các nhà bác học mới tin những quyển du ký được viết trước đó mà họ cho là truyện trinh thám.

Và điều nầy kỳ lạ nhứt là trong các chủng, chỉ còn có chủng Mã Lai là còn theo mẫu hệ, người Phi Châu kém hơn nhiều, vẫn bước sang chế độ phụ hệ rồi.

Hậu Hán Thư cũng đã có ghi chép về vài dấu vết mẫu hệ còn sót lại ở Giao Chỉ, thuở nước ta bị Trung Hoa chinh phục. Đó là tục Levirat ở vài làng tổng của ta.

Nhưng còn dấu vết trong ngôn ngữ hay không? Có vẻ là còn. Dân ta nói VỢ CHỒNG mà không nói CHỒNG VỢ, cho đến các cụ nhà Nho tiêm nhiễm Nho giáo sâu đậm, vẫn nói: "Tình nghĩa vợ chồng”. Mà đừng tưởng là các cụ bị luật bằng, trắc chi phối, bởi các cụ có thể nói: "Nghĩa tình chồng vợ” mà câu văn cứ còn nhạc điệu hoài.

Truyền thuyết ta kể rằng dưới trào Hùng Vương, con gái nhà vua luôn luôn tên là MỆ NÀNG. Tại sao không nói đến con trai?

Người hành khất đi xin ăn, thường hát:

Bớ cơm, bớ gạo,

Làm phước gặp phước,

Làm doan (duyên) gặp doan.

Bà con cô bác

Cứu kẻ bần hàn ờ…ờ…ờ

Nội một câu kêu xin ăn đó chứa đựng hết hai dấu vết mẫu hệ. Cô (nữ) cứ đứng trước Bác (nam).

Và BÀ CON chớ không ÔNG CON đâu. Đã bảo thuở xưa CON là NGƯỜI, thì BÀ CON là người phía bên bà, tức người đồng họ (theo mẫu hệ) còn người phía bên ông không đồng họ nên không được xem là người trong dòng.

Ngày nay đáng lý gì phải là ÔNG CON, nhưng đã quen miệng rồi thì danh từ cổ cứ còn, mặc dầu chế độ đã thay đổi ngược hẳn trước.

Tại sao lại có từ ngữ "gái nạ dòng”? NẠ là MẸ thì có phải chăng NẠ dòng là dòng mẹ?

Từ ngữ nầy không có thể đồng thời với hậu Hán Thư mà ta đã bước sang phụ hệ rồi, nhưng còn sót mẫu hệ ở vài nơi, và bọn theo phụ hệ khinh bỉ bọn theo mẫu hệ, vì ta nghe thấy được giọng khinh bỉ trong từ ngữ đó.

Từ ngữ đó hàm cái ý "gái đã có nhiều con”, tức có nhiều con với nhiều chồng (ám chỉ sự đa phu có thể có), tức là gái không tốt đẹp gì đối với mắt của bọn đã tiến lên phụ hệ rồi.

Ca dao ta lại hát:

Ai về, tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

Đứa con trong hai câu dân ca trên đây, có vẻ không được biết lễ giáo Khổng Mạnh chút nào hết. Có người giải thích rằng dân ca ta chống lại Khổng, Mạnh, thuở ta mới bị trị. Cho rằng chủ trương đó đúng đi. Nhưng tại sao họ lại chống? Có phải chăng là vì lễ giáo đôi bên khác nhau, họ chưa quen chịu đựng nên họ khó chịu, họ mới chống lại? Mà nó khác nhau nhứt là ở chỗ đạo Nho chủ trương chồng chúa vợ tôi, khác hẳn nơi họ mà vợ là xếp trong nhà. Tuy Giao Chỉ đã ra khỏi chế độ mẫu hệ rồi, nhưng chưa lâu, bằng vào sự tồn tại của tục Levirat ở vài nơi. Vậy đàn bà còn được trọng lắm, mặc dầu đàn ông đã cầm quyền. Ta cứ nghe câu ca dao miền Nam sau đây thì rõ:

Lấy Triều Châu, cầm xâu chìa khóa

Lấy Quảng Đông, chèo ghe đi bán cá

Người Triều Châu là Lạc bộ Mã. Họ đã bị Tàu bắt theo phụ hệ hơn hai ngàn năm rồi mà vẫn còn trọng đàn bà thì biết đàn bà Giao Chỉ dưới thời Mã Viện, Sĩ Nhiếp được trọng đến mức nào. Nhưng Sĩ Nhiếp lại dạy dân ta cái chuyện khinh phụ nữ thời hẳn phải có chống đối.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx