sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lý Quang Diệu - Bàn Về Trung Quốc, Hoa Kỳ Và Thế Giới - Chương 07 - Phần 1

Chương 7. Tương lai địa chính trị và toàn cầu hóa

Những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong thập kỷ tới là gì? Những triển vọng lâu dài của nước Nga là gì? Liệu Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - nhóm nước gọi là BRIC - có giành được ảnh hưởng như là một khối quốc gia hay không? Các nước ASEAN có giành được ảnh hưởng như một khối hay không? Đâu là những bài học bạn cần lĩnh hội từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu? Toàn cầu hóa mang lại những cơ hội và thách thức gì? Các cá nhân, công ty và quốc gia phải làm gì để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa? Toàn cầu hóa có thể đảo ngược không?

Chương sách này đưa ra những câu trả lời trực tiếp và sắc sảo của Lý Quang Diệu cho những câu hỏi này.

Những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong thập kỳ tới là gì?

Trước hết, có một khu vực sử dụng đồng euro. Nếu cuộc khủng hoàng nợ của Hy Lạp không được xử lý một cách thích đáng thì sẽ ảnh hưởng đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Khi đó bạn sẽ có phản ứng dây chuyền làm tổn hại không chỉ các nền kinh tế ở châu Âu mà cả nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thứ hai là vấn đề dai dẳng của Triều Tiên. Một anh chàng trẻ tuổi, Kim Jong-un, lên nắm quyền và đang cố chứng minh cho thế giới thấy rằng anh ta dũng cảm và phiêu lưu y như những người tiền nhiệm.

Thứ ba là tình trạng đình đốn của Nhật Bản, gián tiếp tác động đến toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự già cỗi của xã hội Nhật đã ngăn không cho nền kinh tế nước này cất cánh. Nhật Bản không chấp nhận người nhập cư vì họ muốn duy trì một dân số thuần chủng.

Thứ tư là khả năng nổ ra một cuộc xung đột ở Trung Đông liên quan đến vấn đề bom mà Iran đang phát triển, điều này sẽ có tác động tai hại đến thị trường. Chương trình hạt nhân của Iran là thách thức mà cả thế giới dễ náo loạn nhất. Trung Quốc và Nga chắc chắn không chấp nhận các giải pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, và nếu Iran cảm thấy chắc chắn các nước này sẽ tiếp tục không chấp nhận những giải pháp ấy, thì họ sẽ càng được khích lệ tiếp tục phát triển bom. Đến một lúc nào đó, Israel phải quyết định, cho dù có được Hoa Kỳ ủng hộ hay không, xem có nên tìm cách phá hủy các cơ sở ngầm của Iran hay không. Nếu Iran có bom Saudi Arabia sẽ mua bom từ Pakistan, Ai Cập sẽ mua bom từ ai đó, và khi đó bạn có một Trung Đông hạt nhân hóa. Lúc đó bùng nổ hạt nhân ở khu vực này chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.[254]

[254] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 28/3/2012.

Những triển vọng lâu dài của nước Nga là gì?

Tương lai của Nga không khác mấy so với mười năm hoặc thậm chí hai mươi năm trước, khi Liên Xô sụp đổ, ngoại trừ quốc gia này đã để mất quyền nắm giữ các nguồn năng lượng ở Caucasus và Kazakhstan. Họ sẽ không thể phát triển được một nền kinh tế có khả năng tạo ra tài sản mà không phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Dân số Nga đang giảm sút. Không rõ vì sao, nhưng tình trạng nghiện rượu có thể là một nguyên nhân; cùng với thái độ bi quan, tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ giảm. Thách thức của Vladimtr Putin là đem lại cho nước Nga một tầm nhìn đầy hy vọng về tương lai: bỏ uống rượu, làm việc chăm chỉ, xây dựng những gia đình ổn định và có thêm con cái. Siberia và Vlapostock ngày càng có đông người Trung Quốc. Đất đai dọc sông Amur sẽ toàn người Trung Quốc sinh sống. Người Nga có thể bất ngờ quyết định rằng tương lai rất đáng sống và sinh thêm con cái để đảo ngược xu hướng nhân khẩu học này, nhưng tôi không thấy có sự thay đổi như vậy xảy ra trong tương lai gần.[255]

[255] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill, 28/3/2012.

Họ sẽ làm được tốt hơn rất nhiều nếu họ có thể hình thành một hệ thống thích hợp. Hệ thống của họ không hoạt động bởi vì nó rối rắm. Họ mất khả năng kiểm soát nhiều tỷnh. Họ có một kho hạt nhân rất lớn, nhưng còn gì nữa? Quân đội của họ giờ là một quân đội rất khác. Dân số của họ thì đang suy giảm. Hằng năm số người Nga tử vong cao hơn số trẻ em Nga được sinh ra bởi vì người dân không mấy lạc quan. Ở Mỹ, người dân lạc quan và nói tôi sẽ sinh con. Nhưng khi cuộc sống của bạn khó khăn và thỉnh thoảng có khá lên nhờ giá dầu lên chuyện đó chỉ là nhất thời, thì bạn sẽ có quan điểm rất khác về tương lai.[256]

[256] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Charlie Rose, 22/10/2009.

Liệu Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - nhóm nước gọi là BRIC - có giành được ảnh hưởng như là một khối quốc gia hay không?

Như một đối trọng thì có - họ sẽ có thể ngăn được những điều thái quá của Mỹ và châu Âu - còn không thì không hề. Họ là những quốc gia khác nhau ở những lục địa khác nhau có vẻ như đang phát triển nhanh hơn so với các nước khác trên cùng lục địa cộng lại, cho nên có người nói: tại sao không kết hợp họ lại và biến họ trở thành một lực lượng toàn cầu? Chắc chắn Trung Quốc sẽ mua đậu tương từ Brazil. Họ là một quốc gia đang lên rất cần các nguồn lực và có thể trả tiền cho những thứ đó. Nhưng người Trung Quốc và người Ấn Độ không cùng chung giấc mơ.[257]

Các nước ASEAN có giành được ảnh hưởng như một khối hay không?

Có, nhưng rất chậm, bởi vì họ vẫn chưa nhập tâm được ý tưởng phải có một thị trường chung, kết hợp nguồn lực và mời gọi đầu tư từ các khu vực khác nhau của ASEAN dựa trên lợi thế so sánh của những khu vực này. Họ cùng thiếu tự tin. Thái Lan đang gặp rắc rối liên quan đến Thaksin Shinawatra và chế độ quân chủ. Việt Nam vẫn rất cảnh giác với Trung Quốc. Campuchia sẽ mất cả một thời gian dài đề phục hồi. Miến Điện có vẻ như sẽ mở cửa vào lúc này, nhưng hãy nghĩ đến xuất phát điểm của họ: họ đã đóng cửa một thời gian dài đến mức không còn gì tệ hơn được nữa.[258]

Để duy trì được vị thế trung tâm của quá trình tiến triển về kinh tế và chính trị của châu Á, ASEAN phải gắn kết chặt chẽ hơn và thật khẩn trương. Nếu không, họ sẽ bị tách khỏi nhịp điệu chung. ASEAN thiếu trọng tâm chiến lược.[259]

Vị trí nằm giữa hai gã khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ, các nước ASEAN phải gắn kết được thị trường của mình để cạnh tranh và thích ứng với tư cách cả một khu vực. Không còn lựa chọn nào khác.[260]

[257] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill.

[287] Lý Quang Diệu, phỏng vấn với Graham Allison và Robert D. Blackwill.

[259] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm 25 năm của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, Washington D.c., 27/10/2009.

[260] Lý Quang Diệu, Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Singapore: Sau này và hiện tại (The Fundamentals of Singapore’s Foreign Policy: Then and Now), bài thuyết trình S. Rajaratnam, Singapore. 9/4/2009.

Đâu là những bài học bạn cần lĩnh hội từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu?

Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu có nguyên nhân do những dư thừa của hệ thống các quy định tự do và niềm tin cho rằng một thị trường hoàn toàn tự do sẽ cho phép cải tiến mạnh mẽ và phân bổ vốn cho những doanh nghiệp có lãi nhất với lợi nhuận cao nhất. Một khi Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang quyết định không cần phải điều tiết các yếu tố phái sinh và giám sát chúng thì ngòi nổ đã được châm. Một khi bạn thấy rằng bạn có thể trộn lẫn rất nhiều tài sản tốt và xấu thành một mớ và chuyển rủi ro của mình vòng quanh châu Âu và những khu vực khác của thế giới thì bạn sẽ bắt đầu thứ gì đó giống như mô hình Ponzi[261] vốn tất yếu phải đi đến kết cục vào một thời điểm nào đó. Công việc kinh doanh của một người trong một thiết chế tài chính là tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho chính mình, cho nên việc đổ lỗi cho các chủ ngân hàng và những người tìm kiếm lợi nhuận chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn cho phép có những quy định này và họ hoạt động theo đúng những quy định ấy.[262]

[261] Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quàng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. Trò Ponzi được đặt theo tên Charles Ponzi, người đã thực hiện trò này rất xuất sắc và làm cho nó trở nên nổi tiếng. - ND

[262] Phiên hỏi đáp với Lý Quang Diệu tại tiệc kỷ niệm lần thứ 5 Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, 2/9/2009.

Doanh nghiệp tự do tạo ra cuộc khủng hoảng này. Các chính phủ phải chịu trách nhiệm chính và chinh đốn lại hệ thống, và sau đó cho phép doanh nghiệp tư nhân lựa chọn và tiếp tục. Nhưng nếu, khi đổ tiền vào những ngân hàng này cùng tất cả những doanh nghiệp khác, khi đó bạn nói bạn không thể thanh toán được lợi tức trong tổng số tiền lớn như vậy, cũng như những lựa chọn chứng khoán của bạn, khi đó bạn sẽ thay đổi bản chất của hệ thống doanh nghiệp tự do kiểu Mỹ. Nó vận hành hiệu quả bởi vì bạn thưởng cho những người làm cho công ty thành công.[263]

[263] Phiên hỏi đáp với Lý Quang Diệu tại Hội nghị Thượng đỉnh CEO của APEC, Singapore, 13/11/2009.

Chúng ta biết tình trạng suy thoái như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Đó là bản chất của các thị trường tự do ở thế giới phương Tây mà nền kinh tế của chúng ta gắn vào. Người dân và các hệ thống có xu hướng bị cuốn phăng đi do sự vồ vập. Các nhà đầu tư này sinh tâm lý tham lam và đổ xô mua vào, với niềm tin rằng giá cả sẽ chỉ tăng lên. Khi giá cả sụp đổ, các nhà đầu tư thấy mình bị mất quá nhiều tiền. Khi đó là tâm trạng tuyệt vọng và nản chí.[264]

[264] Lý Quang Diệu, 2009 sẽ kiểm chứng nghị lực của người Singapore (2009 Will Test the Character of Singaporeang), phát biểu tại tiệc đón Tết Nguyên đán Tanjong Pagar, Singapore, 6/2/2009.

Trước khi có cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, thế giới không phản bác quan điểm đồng thuận của Washington cho rằng mô hình kinh tế Anglo-Saxon là hiệu quả nhất để phân bố các nguồn lực tài chính nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, mô hình thị trường Hoa Kỳ không còn được xem là lý tưởng nữa. Trung Quốc tự tin rằng tốt hơn cả chính phủ nên nắm quyền kiểm soát và quản lý nền kinh tế của mình. Trung Quốc giờ đây cùng sẽ chậm lại trong việc mở cửa các thị trường vốn đã bị đóng của mình để tránh những dòng ngoại hối đầu cơ quá lớn chảy vào và chảy ra.[265]

Chỉ có những quốc gia lục địa lớn với dân số đông đảo như Trung Quốc và Ấn Độ mới có thể xốc dậy sức tiêu thụ nội địa của mình đề tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại.[266]

[265] Lý Quang Diệu, Thay đổi đến gần (Changes in the Wind), Forbes, 19/10/2009.

[266] Lý Quang Diệu, Thế giới thật sự là một ngôi làng toàn cầu (The World Is Truly a Global Village), Forbes, 26/3/2012.

Toàn cầu hóa mang lại những cơ hội và thách thức gì?

Một giai đoạn trong lịch sử nhân loại đã chấm dứt. Một giai đoạn mới hứa hẹn rất thú vị. Động thái kích hoạt thị trường toàn cầu hóa bắt đầu vào tháng 3/1991, khi Quỹ Khoa học Quốc gia tư nhân hóa mạng Internet, mà không hề nhận thức được rằng nó sẽ trở thành một công cụ hùng mạnh như thế nào trong việc làm tăng năng suất, giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được với nhau vượt qua mọi biên giới quốc gia, và tạo ra một cộng đồng tri thức toàn cầu và một thị trường toàn cầu.[267]

Sức mạnh kinh tế sẽ lan ra nhiều trung tâm trên toàn cầu. Họ là những “thành phố ở các giao lộ”, nơi người dân, các ý tưởng và vốn từ nhiều vùng địa lý liên tục hội tụ, tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Đây chính là nơi sản sinh ra những kiến thức, sản phẩm và dịch vụ mới.[268]

[267] Lý Quang Diệu, Làm cách nào Singapore cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu? (How Will Singapore Compete in a Global Economy?), phát biểu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, 15/2/2000.

[268] Lý Quang Diệu, Vai trò của Singapore trong cơn sốt châu Á (The Role of Singapore in the Asian Boom), phát biểu tại Trường Quản lý Quốc tế, Barcelona, 13/9/2005.

Sức mạnh của toàn cầu hóa lần đầu tiên được minh chứng trên các thị trường chứng khoán cách đây mười năm, vào tháng 7/1997, với sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Chỉ trong vài ngày, tất cả các thị trường đang lên trong khu vực đều bị ảnh hưởng. Mối đe dọa cơ bản đối với sự tồn tại của loài người là tình trạng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Môi sinh của hàng triệu, có lẽ hàng tỷ người có thể bị hủy hoại. Tình trạng tranh giành của cải nằm bên dưới lớp băng đang diễn ra. Nếu mực nước biền dâng lên nhận chìm hàng triệu người, và nếu băng vĩnh cửu ở Himalaya, Tây Tạng và dãy Andes tan chảy, khiến cho hàng triệu người nữa không có đủ nước, thì sẽ không còn “cuộc sống như bình thường.”[269]

[269] Lý Quang Diệu, Càng toàn cầu hóa, càng rắc rối (More Globalized, More Troubled), Forbes, 15/10/2007.

Chính công nghệ, quá trình chinh phục tự nhiên của con người, đã làm thay đổi thế giới mãi mãi, hơn hẳn tất cả những thay đổi trong mỗi trường chính trị và hệ tư tưởng. Cái sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của thế hệ bạn hơn hẳn bất kỳ nhân tố nào khác chính là tốc độ thay đổi ngay càng nhanh của khoa học và công nghệ. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên mạnh khỏe hơn và dài hơn bởi vì bộ gen của con người đã được lập bản đồ. Trong vài thập kỷ tới, sẽ có rất nhiều phát hiện về công nghệ sinh học. Sẽ có thêm nhiều thực phẩm và hàng hóa dành cho tiêu dùng trên toàn thế giới. Thương mại và đầu tư sẽ mở rộng toàn cầu khi các xã hội tiêu dùng phát triển phát triển mạnh ở ngày càng nhiều quốc gia mới trỗi dậy. Có thêm nhiều người tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hơn thịnh vượng hơn. Nhưng cũng có thêm nhiều người trên toàn thế giới tạo ra những vấn đề nghiêm trọng: tình trạng ấm lên của Trái đất, nước biển dâng, các mỏm băng tan chảy khi khí carbon dioxide và khí nhà kính trong không khí làm thay đổi khí hậu trên toàn thế giới. Với mật độ dân cư cao hơn, sẽ có những va chạm và xung đột khi người ta phải tranh giành không gian hạn chế trên thế giới này cũng như các nguồn lực hạn chế, đặc biệt là dầu mỏ. Có cả những vấn đề sâu xa và dai dẳng khác: AIDS, buôn bán ma túy, di dân bất hợp pháp, mafia toàn cầu. Đây đều là một phần của thế giới toàn cầu hóa, giống như chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.[270]

[270] Lý Quang Diệu, Tương lai có gì cho thế hệ các bạn? (What Has the Future in Store for Your Generation?), phát biểu tại Thính phòng Nanyang, Singapore, 18/2/2003.

Thế giới hiện tại có nhiều triển vọng cũng như đe dọa. Công nghệ mới, thông tin liên lạc tức thời và giao thông nhanh chóng giúp thế giới hòa nhập. Mọi người đều biết điều gì đang diễn ra quanh mình trên toàn thế giới. Tình trạng di cư rất lớn. Hàng trăm nghìn người từ các quốc gia nghèo khó hơn đang tìm tới các nước giàu có hơn đề mong một cuộc sống tốt hơn. Những thay đổi lớn đang diễn ra. Những cường quốc cũ, như Hoa Kỳ và EU, phải đón nhận những cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil. Nhiều quốc gia đang phát triển khác đang cố gắng để bắt kịp. Trong khi đó, tình trạng ấm lên của Trái đất tiếp diễn khi có thêm khí carbon dioxide được thải ra mỗi ngày. Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi môi sinh một cách sâu sắc theo những cách chúng ta không thể dự báo.[271]

[271] Lý Quang Diệu, phát biểu tại tiệc kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 42 Tanjong Pagar, Singapore, 17/8/2007.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx