30.11. 1971
Cuối tháng rồi, cuối tháng... Thời gian đi nhanh quá. Mới hôm nào nhập ngũ, hôm nay đã đến 3 tháng rồi.
Đêm nay, trời sáng trăng mà lất phất mưa. Ngồi dưới ngọn đèn ba dây tù mù và suy nghĩ miên man. Sáng mai, chia tay với Tế, Châu, Hùng, Thắng, Minh - họ đi Phòng không - Không quân. Chia tay rồi, lại tiếp tục chia tay...
Đêm qua, tiễn anh Tặng trong ánh trăng bịn rịn. Người trung đội trưởng thân mến của B lặng đi trong lời thơ tiễn biệt:
“Đất nước mình rộng lắm, anh Tặng ơi,
Mới gặp nhau, nay từ biệt nhau rồi
Cầm tay nhau và hẹn ngày gặp mặt
Điếu thuốc anh đưa đốt đỏ trời…”
Ngồi bên anh rất khuya, nghe anh kể ngày về thăm quê sau 6 năm ở chiến trường. Vào 2 giờ sáng, một ngày của năm 1968, anh gõ cửa nhà chị ruột:
- Chị ơi, mở cửa cho em...
- Ai đấy?
- Em đây!
- Em là ai?
- Em là em chứ còn ai nữa! (Cười)
- Cậu Ty à?
- Không!
- Cậu Châu à?
- Không!
- Cậu Thế à?
- Không!
- Thế thì là ai? Không nói tôi kêu lên đấy!
- Ừ, chị kêu đi xem nào, em đây mà!
- Thôi, nói thật đi, em là ai?
- Em đây, Tặng đây!
Chị mở tung cửa và nhận ra ra đứa em 6 năm trời xa cách, tưởng đã chết ở chiến trường rồi. Thế là ôm choàng lấy em mà khóc…
6 năm, biết mấy đổi thay trong cuộc sống và con người. Mẹ anh yên chí rằng anh đã nằm lại ở một vùng đất xa xôi nào của miền Nam, thì anh lại về, lại về thị xã Phủ Lý giữa những ngày giặc điên cuồng bắn phá. Hạnh phúc biết bao nhiêu, và sung sướng cảm động biết bao nhiêu...
Chị đã quên tên đứa em của mình, bởi luôn tâm niệm rằng em không còn nữa... Đau đớn biết bao và càng đau đớn ngày gặp mặt càng cảm động càng hạnh phúc...
Anh lại chia tay, và đi vào chiến trường trước những người lính mới. Cuộc đời của anh đẹp đẽ xiết bao.
Anh đi rồi, ngày mai lại đến các anh lý 3 tạm biệt đơn vị sang đơn vị mới. Lại chia tay, lại chia tay...
Tạm biệt anh Châu, người bạn thân thiết của mình những ngày đầu cuộc đời bộ đội: hai đứa dắt nhau lên đồi rất cao và nhìn ra bốn phía. Gió mạnh đẩy người nghiêng ngả, mình và anh Châu nằm bên sườn nam, im gió. Dưới chân đồi là bãi bạch đàn thì thào không ngớt. Không ai muốn nói câu nào...
Mai, chúng mình xa nhau, và có lẽ chẳng biết bao giờ được gặp lại, anh Châu đang làm giở luận án tốt nghiệp của tổ chất rắn, và rời trường ra đi...
Anh nằm đây, buồn lắm và rạo rực lắm. Anh nhắc lại cho mình câu ngạn ngữ Anh: Không sức mạnh nào có thêm ngăn cản được những trái tim đầy khát vọng. Đúng như vậy đấy. Không có sức mạnh nào...
Số phận anh hơi giống mình và cũng có những niềm ao ước, chờ đợi như mình. Bạn anh, cô Phương Lan đang đi học Dệt tổng hợp ở Đức. Anh băn khoăn vì khi bạn đi anh không ra tiễn, bởi lúc đó, anh bị giữ lại do tình hình chính trị Tiệp. Anh ao ước, 6 năm sau được ra đón bạn, mặc dù lúc đó cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi, khó xử cho anh.
Nhưng, cả ao ước nho nhỏ đó, anh cũng không thực hiện được nữa rồi... Đừng thở dài, từ trên cao nhìn ra xa thấy màu tím phơi đầy trên mặt nước, trên đỉnh núi và những cánh đồng...
Mình hỏi: "Anh có yêu chị Lan không?" Anh gật đầu: “Có, mình yêu Lan, tình yêu con người và không phải là tình yêu trai gái”.
Tình yêu con người... Chắc chị Lan chưa một lần mình gặp mặt cũng là người rất say mê khoa học và một lòng phụng sự lý tưởng phục vụ nhân dân. Bởi vì, chị là người mà anh Châu đã gặp, đã yêu.
Dưới chân hai đứa là thung lũng, có bóng người cuốc đất và những cơn gió êm đềm nô đùa cùng cỏ may mọc thấp… Gió hơi lành lạnh thổi dạt áo quần, đi ngược chiều và mỗi người nhặt được một con chuồn chuồn đỏ, chắc nó chết khô vì gió. Mà cả trên ngọn đồi ấy chỉ có độc 2 con chuồn chuồn ấy, tìm mãi cũng không thấy thêm con nào. Con của mình nhỏ hơn một chút và chưa rách cánh. Thế đấy, ngọn đồi kỷ niệm cho ta. Và từ nay ngọn đồi mang tên "Đồi chuồn chuồn đỏ"...
Càng đi với anh, càng nhớ Anh... Anh ở đâu rồi nhỉ, xa nhau, nhưng có lúc nào mình không nhớ tới Anh, bạn yêu dấu nhất trên đời…
Cũng vậy, mình mong sao có một ngày đón Như Anh ở ga Hàng Cỏ, nhưng rồi có lẽ ngày đó không bao giờ đến cả. Bước chân xuống sân ga, Như Anh có nhớ tới mình hay không...
Nhìn màu xanh bất diệt của cây cỏ, và vù vù bên tai là ngọn gió ngoan cường, thấy trỗi dậy trong lòng một sức sống bất diệt trẻ trung. Tin tưởng ở tương lai tươi sáng.
2-12-1971
Tháng 12 đấy. Mới hôm nào Như Anh viết thư cho mình bắt đầu bằng: Tháng 8 đến rồi, tháng 8 kỳ diệu với bao điều hứa hẹn, nhưng lại là tháng của chia ly... Giờ đã 4 tháng đi qua...
Thời gian trôi không bao giờ ngoảnh lại. Dĩ vãng dầy lên, nhưng tương lai thì vẫn còn vô tận. Dẫu sao cuộc sống của mình cũng bị dồn lại mỏng hơn, ngắn hơn và sự hối tiếc cũng nhiều hơn.
Mấy hôm nay chờ công tác, suốt ngày chỉ leo đồi vào nhà dân chơi và chia tay. Buồn lắm. Trưa nay Ngôn đi rồi, các bạn cũng đi nhiều, còn mình vẫn nằm dài. Tiểu đội đi non nửa, chỉ còn 7 người, phải dồn nhà ở cho tập trung.
Nếu cuộc đời nhàn rỗi thế này mãi thì buồn nhỉ, từ hôm đến đây, chỉ đi lấy gạo có một lần, còn thì toàn chơi bời. “Nhàn cư vi bất thiện”, tụi quỉ đem AK lên đồi đì đọp suốt ngày, không hiểu chúng nó lấy đạn ở đâu. Tiếng súng dội vào vách đá, nghe ì ầm rất lâu - Mặt trận còn xa lắm…
Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và bày trò đám cưới; Cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương.
Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra như nước mắt. Sáng lạnh nhiều sương, và gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về những người thân yêu mà se thắt trái tim.
Chưa bao giờ mình xa nhà lâu như thế này, chưa bao giờ nhớ cha mẹ, anh em và bè bạn như bây giờ,... Giá như có phép màu, trở lại 1 ngày của thời thơ ấu, có đủ mọi người thân yêu,... Chao ôi, ngày đó... vĩnh viễn mất rồi.
Bọn nó trốn về nhiều, có lẽ vì không chịu được cái cảnh nhớ nhung đáng sợ này. Từ đây ra đường 18 chỉ có một khoảng đồng. Ở xa này, nhìn ôtô, xe đạp lăn từ tốn qua các thân cây mà muốn chạy vù xuống đó. Rồi Hà Nội, gia đình, đường Nguyễn Ái Quốc và phố Nguyễn Du... Bao nhiêu điều hứa hẹn còn bỏ dở, bản nhạc dừng lại ở âm da diết nhất... N. Anh, giữ ngón tay yêu dấu ấy ở phím đàn và đừng buông ra, đừng buông, nghe thấy không, N. Anh, đừng mỏi mệt...
Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng.
Hôm qua, nhận được thư Phong. Nó sắp đi chiến trường và viết cho mình cảm xúc của “người lính trước giờ ra trận". Phong chín chắn và điềm minh, tự tin. Vậy mà cũng chưa vững vàng gì cho lắm. Có điều gì hơi bàng hoàng, hơi "từ biệt" một chút. Và âm hưởng của lá thư khiến mình muốn ôm choàng lấy nó, giữ nó lại bên mình, thằng bé còn non trẻ quá...
Phong viết: "Mình rất biết ơn T., biết ơn các bạn bè thân thiết của mình. Những người bạn sống say sưa, yêu đời và luôn tiến về phía trước. Nhưng, những cái mà mình đã thu lượm được, những điều mà các bạn đem đến cho mình chưa đủ để mình tin rằng sẽ đem đến một kết quả tốt đẹp.
(...) Dẫu Sao, đây cũng là những phút cuối cùng. Bận rộn quá, mình cũng không kịp đảo về thăm nhà nữa. Mình tiếc rằng thời gian qua, bọn mình liên lạc với nhau chưa thường xuyên lắm, T. biết hơi ít về cuộc sống của mình... Rồi ngày mai, chưa biết ra sao, chỉ chắc chắn (trong cuộc chiến đấu này, tang tóc và đau thương sẽ đến với con người)” (Câu trong ngoặc bằng Nga văn).
Chiến tranh, đương nhiên là như thế. Nhận ra điều đó là dĩ nhiên thôi. Nhưng, mình nghĩ, đâu là cái chủ yếu mình phải nhìn nhận. Có lẽ đó là cái tự hào về vị trí mũi nhọn của mình, về trách nhiệm lớn lao của mình trước lịch sử và dân tộc.
Thư cho Phong, mình viết: “Còn nhớ không Phong, dạo lớp 10, Phong đọc trước lớp bài Đường chúng ta đi khiến hai đứa mình cảm động. Ở cái cành ổi đã nhẵn bóng vết tay mình, Phong với mình ao ước được sống những giờ phút như thế. Giờ phút Phong bảo con người với đất nước là một và người lính trở thành con người lý tưởng của thời đại”.
Mình gửi cùng lá thư là những đoạn Đường chúng ta đi học thuộc từ hồi đi học. Phong có nhận được không, qua Trường Sơn, qua dốc Bà Định, dốc Nguyễn Chí Thanh, qua chặng đường quyết thắng. Và trong bom đạn, Phong có trả lời câu hỏi mà cuộc sống đặt ra...
Hồi còn đi học, một nhận định còn chưa được cách mạng là "Người đi thì nhiều. Và người đến thì ít". Hãy suy nghĩ trên khía cạnh trừu tượng. Chẳng lẽ chính mình và Phong luôn ao ước được sống như vậy, nhưng ở nhưng giờ phút đó, thì suy nghĩ cá nhân lại trấn áp hết cả hay sao? Và chẳng lẽ chính Phong lại là người mà mình không tán thành cách sống và suy nghĩ thế?
Thường khi, do tác động tích cực của văn học và sách báo tuyên truyền, người ta có suy nghĩ và cảm xúc tiến bộ, khá mãnh liệt đằng khác. Nhưng ít ai kiểm tra mình xem tình cảm và suy nghĩ đó có thật là bản chất của mình hay không. Có thật nó bắt nguồn rễ sâu xa từ tận cùng cảm nghĩ, từ đáy lòng mình? Có ai tự kiểm tra mình, tự kiểm tra cảm xúc và suy nghĩ của mình, xem bản thân mình có lấy những rung cảm tốt đẹp đó làm quan niệm sống, chứ không phải làm một thứ đồ trang sức rủng roẻng?
Có lẽ chưa mấy ai, bởi vậy mới ít người... Dù sao, Phong cũng là một tâm hồn đáng quí, một người lính đáng tin cậy. Cầu mong cho bạn lớn lên trong cuộc chiến đấu đang chờ đợi, đang dữ dội.
Sắp hết năm rồi, năm 1971, cái năm đầu tiên xa cách, cái tuổi quân đầu tiên... Mình đã hết cái buổi đầu bỡ ngỡ làm quen với cuộc đời bộ đội. Mặc dù vẫn chỉ là binh nhì, nhưng mình đã là "lính cựu”. Lại sắp một đợt tuyển quân. Thế mà, hình như mình còn trẻ con lắm. Vẫn lang thang trên đồi, xuống dốc, vẫn đá cầu...
Các anh lý 3 đi Phòng không - Không quân, một số khác đi Pháo binh và một số có lẽ vào Tên lửa. Sáng qua, họ lên xe rồi, và vào giờ này, 10h20 sáng, họ đã đến nơi. Ở Bắc Giang hay ở Kiến An? Đâu mà chẳng đất nước mình...
Chính trị viên Các hỏi mình thích đi đâu. Mình chỉ thích bộ binh, đánh nhau thế mới khoái và ít bị phụ thuộc vào máy móc. Vả lại, đi bộ binh gần dân hơn, biết nhiều điều thú vị hơn.
Hôm mới đến đây thấy trên đỉnh đồi có con ngựa đá bị chôn ngập ngang cổ, cái lưng bị cắt ngang, to như con voi Bách Thảo, bọn trẻ con bảo: Đấy là ngựa Thánh Gióng, còn cả cây gậy to ném dưới chân đồi. Cái gậy to thật, bằng đá và chôn sâu dưới đất, mình ôm không xuể. Phía trước mõm ngựa có hại tảng đá lớn, người dân bảo: Đấy là gan ngựa vì con ngựa bị giết! Mình ngạc nhiên hết sức, chẳng lẽ đây là núi Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay thẳng lên trời? Vô lý lắm, và vì sao con ngựa lại bị giết?
Con ngựa đá vẫn nằm ở đấy, góc một nương sắn và lạnh lùng nhìn khách qua đường. Không ai hiểu về sự tích con ngựa đó, nguồn gốc của nó và câu chuyện nhuốm màu thần bí như ngọn gió vô hình.
3-12-1971
Vẫn như hôm qua, ngủ và chơi bời lêu lổng. Chán ngán lắm rồi, bắt đầu đi lùng trong xóm.
Hết mía lại sắn, sắn ăn chóng no, chóng chán. Ở đây chỉ có thế. Và nếu chán thì chịu, dân đi làm đồng hết cả rồi, chẳng có ai ở nhà mà nói chuyện. Quanh quẩn với cái sân phơi rơm rạ, với cái vại chỉ hai gánh nước là đầy. Ngủ chán rồi lại thức, lại nóng ruột.
Ở đây xa bưu điện và chờ hòm thư mới nên thư đi cũng không mà thư đến cũng không - Trống rỗng đến phát sợ và lo lắng cũng kinh khủng. Mọi cái đều thăm thẳm như bầu trời những tháng này.
Lại thêm ba người nữa “tút” về Hà Nội. Họ không chịu nổi tình trạng nằm đợi ghê sợ này.
Hôm qua Thịnh trốn về cùng bọn anh Châu, được ở Hà Nội 3 tiếng. Họ đến ga Hàng Cỏ lúc 2h30 chiều, được nghỉ đến 11 giờ đêm, sau đó lên tàu quân sự đi Thanh Hoá. Mình nhờ anh Hùng đến nhà Trí cho Trí biết tình hình vì không kịp viết thư, nhưng anh Hùng không kịp đến. Anh Châu không biết có đến kịp hay không! Mà cũng rất khó gặp Trí học buổi chiều.
Lê Như Thanh và Đỗ Thành xin mãi cũng được về. Thanh nó khoái lắm và vanh vách kể cho mình cuộc sống đang phát triển của thủ đô. Nó không dám đến trường vì sợ xúc động. Khỉ thật, Thanh mà cũng dễ liên tưởng như vậy nhỉ!
Thanh bảo không dám kể tình hình thật của đơn vị cho gia đình vì nó sợ gia đình không yên tâm. Toàn bốc phét nào là tập ít, ăn khỏe, sướng, vui... rồi triển vọng binh, quân chủng cao xa... Kể ra Thanh cũng không muốn nuôi ảo tưởng cho gia đình, nhưng biết làm sao được, ngay cả mình ở mức độ nào đó cũng phải làm như vậy.
Còn Thành thì khác. Anh ta tưởng bà mẹ “bôn” lắm. Thế là kể ráo. Bà ngồi yên lặng nghe đứa con trai nhỏ của mình thủ thỉ. Suốt bữa cơm bà không nói không rằng. Và khi con đi, bà òa lên khóc, đứng chắn ở cửa nhất định giữ nó ở nhà.
Thế đấy, mẹ mình chắc là không thế. Mẹ mình chưa khóc bao giờ trong những lần tiễn con đi. Mình lại nhớ câu thơ của Trần Vàng Sao, đại ý: Bao nhiêu nước mắt mẹ thấm vào vạt áo, để đường con đi không bị ướt... Mẹ mình dũng cảm lắm, biết hi sinh lắm
Mình xa Hà Nội, xa phố xá, con người, kỷ niệm… thế cũng mấy tháng rồi. Quen dần với rừng âm u của Yên Thế, những lần vào sâu trong rừng lấy gỗ. Nghìn âm thanh, vạn âm thanh... Nhưng không chút âm thanh nào giống những bờ đường bình yên của thành phố. Hôm đi xem triển lãm Vân Hồ, nhìn người, nhìn cảnh Hà Nội, thấy phong thái bình tĩnh, tự tin quá, những hàng cây vô tư lự, những vòng xe lăn. Bọn mình túm tụm dưới gốc bàng bên vỉa hè và ao ước ngày trở lại Thủ đô. Những đứa con trai, con gái của Hà Nội đi xa vẫn hướng về quả tim Tổ quốc như thế đó.
Mình không nhớ Hà Nội chung chung như thế, Hà Nội, với mình là ngôi nhà nhỏ bên cái ao nhỏ dạo này chắc là nhiều muỗi lắm. Là phố Nguyễn Du với đường cây ven hồ, ở đó có ngôi nhà 72 vừa gần gũi, vừa xa lạ, xa vời. Là đường Bà Triệu, thư viện, đường Nguyễn ái Quốc, hồ Tây... Là những kỷ niệm thấm mát tâm hồn…
Nghĩ về Hà Nội là nghĩ về N. Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu... Ta gặp nhau làm gì nhỉ? Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì... N. Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu... Thương N. Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả. Tội nghiệp N. Anh, cứ phải buồn mãi, buồn dai dẳng... Sao không vui với bạn bè mỉm cười. Mùa xuân... đâu rồi? Đêm gần nhau nhất lại là đêm chia tay. Hạnh phúc thả những đốm sáng bay lơ lửng trên trời. Vũ trụ bao la quá mà tay N. Anh nhỏ nhắn chừng nào...
Bao nhiêu đêm nằm mơ, mình trở lại buổi tối cuối cùng, khi N. Anh dừng xe ở đằng sau và đặt nhẹ bàn tay lên vai trái. Mình ngoảnh lại... thế rồi không còn mơ được gì nữa, cứ trượt theo những đường cong mềm mại... Mai, ta xa nhau rồi, vậy mà có ai nói được với ai điều gì đâu, cứ mặc làn gió thơm mùi đồng nội vuốt ve mái tóc...
Như Anh
Mới đó mà ta xa nhau, thật là kinh khủng. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế và vĩnh viễn cũng chỉ là như thế. Có lẽ nào đó là tột cùng hạnh phúc? Còn sau này chỉ là đau khổ và mòn mỏi, hối tiếc...
Phải chi đừng gặp N. Anh thì bây giờ đỡ hối hận biết bao. Dẫu có phải mất đi những tháng năm đẹp đẽ ấy cho N. Anh bình yên và hạnh phúc.
Tội lỗi đó không bao giờ mình có thể tự tha thứ cho được. Càng nghĩ nhiều càng thấy mông lung và thương N. Anh, thương cả mình nữa. Trái tim ơi, vỡ ra và đừng bao giờ rung nữa. Cho ta thảnh thơi, cho N. Anh hạnh phúc... Buồn lắm, cuộc sống riêng của mình. Càng nghĩ càng buồn, nhất là trong những ngày này.
Bao giờ mình mới thoát khỏi sự chờ đợi đáng ghét như hôm nay? Đi chiến đấu chắc say sưa và hào hứng hơn chăng?
Thông bảo mình đi hỏa lực bộ binh. Mình thích lắm. Nhanh nhanh mà đi B chứ không thì hết địch đến nơi. Nghe phong thanh trên bộ lấy lính lái xe tăng, tụi nó thích lắm. Thích gì cái con rùa thép ấy, chỉ oai ở ngoài này thôi chứ khó mà được vào trong ấy.
Đại đội trưởng Châu mới về, trẻ măng, 24 tuổi. Anh là biệt động của Quảng Ngãi. Nghe kể dạo tổng tiến công mà tiếc đứt ruột. Dạo ấy mình lớp 8 nhỉ, còn nhỏ quá.
Anh Châu vào bộ đội 7 năm rồi, năm 69 ra Bắc. Anh có đôi mắt tuyệt nhất của người con trai. Đẹp lạ lùng, vừa sắc, vừa sâu xa, vừa trong và hơi bỡ ngỡ. Khuôn mặt nhỏ nhắn, cái miệng thật hiền.
Vậy mà anh ấy đã từng đóng sĩ quan biệt động ngụy, trong thành phố. Nghe anh kể chuyện thú vị chừng nào. Anh nghe nhiều và nói ít, nói nhỏ nhẹ và thân tình.
4.12.1971
Sớm mai bọn lính xe tăng đi rồi. Lăng, N.Thanh, Thành đều đi cả. Mình vẫn chỉ theo tin vỉa hè là đi Đ.K.Z. cùng Minh và Thìn. Bọn nó sợ lắm vì phải mang vác nặng. Khoản đó mình cũng hơi chờn, gù lưng và lùn đi nhiều. Chậc, có sao. Phiền cái gì chứ cái đó thì thông qua dễ thôi.
Thìn sợ chết nhỉ, anh ta chỉ thích đi xe tăng, vừa được ở ngoài này, vừa có vỏ thép đày che đỡ. Chán ghê với nó. Không biết bao giờ mới mở mắt ra được. Như vậy, chỉ còn khoảng 27 người chưa phân công đi đâu cả. Cán bộ khung về hết rồi. Vừa nãy, chính trị viên C đến thay ô. Các. Bộ đội về nhà nhiều quá chỉ còn lèo tèo vài người. Buồn chết đi được.
Dưỡng rủ mình "tút" về nhà. Nó có lắm lý do thế. Theo anh ta thì đây thực sự là cơ hội hiếm có. Dũng cũng náo nức và muốn về ngay.
Nói chung, trong cuộc sống, nhiều lúc tình thế đặt cho mình những thử thách dữ dội trong chốc lát và âm ỉ lâu dài. Mình không muốn về nhà theo kiểu đó. Nơm nớp và tự lương tâm mình.
Mà nào xa nhà có lâu la gì, mới 2 tháng thôi chứ mấy. Tất nhiên, ai mà chẳng nhớ. Vấn đề không đơn giản như mấy cha tưởng tượng. Mình cũng muốn về mang thêm mấy cuốn sách đọc. Dạo đi đem ít sách quá, cứ sợ nặng và mất mát. Đành vậy thôi, mất cũng chịu chứ kiểu sống vắng sách thế này thì buồn lắm. Chao ôi, càng đi càng tiếc những tháng ngày ở trường, bao nhiêu sách mà chịu chết, không nuốt chửng được để bây giờ nhai lại. Giá quân đội có tủ sách lưu động, luân phiên cho lính đọc thì khoái lắm. Mặt trận cũng xa, mà hậu phương dường như không phải ở đây.
Nghe tụi về Hà Nội kể, thì ở nhà chuẩn bị một đợt tuyển quân khá lớn. Các trường đại học lại tiếp tục lấy. Nhưng có điều đáng buồn là một số sinh viên không muốn nhập ngũ lắm. Sợ chết? Ham địa vị?
Kể ra, mình có mơ ước gì cao xa đâu. Bọn nó cứ nghĩ rằng mình muốn thành nhà văn, nhà thơ nào đó. Không đâu, mình chỉ muốn sống trong nỗi lo toan của dân tộc...
Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời.
Thỉnh thoảng mình cũng hay ao ước trở lại cuộc sống trẻ thơ. Muốn trở lại đứa lên ba, cho một bàn tay êm dịu xoa đầu âu yếm. Muốn trở về một giọt mưa nhỏ từ mái rạ vạch thành đường sáng bên cửa sổ... Muốn gặp cây chanh tím trong gió bấc... Kỷ niệm trong lành quá khiến ta muốn đầm mình trong dĩ vãng, ta muốn quay về tô đậm cho những gì tốt đẹp và xoa dịu nhưng vết thương còn rỉ máu…
“Người ta không sống bằng kỷ niệm”... Chỉ nên để kỷ niệm thoáng qua, đánh thức trong ý nghĩ lòng ham muốn sống say sưa ở hôm nay và xây dựng toà lâu đài kỳ vĩ cho hôm mai...
Song đã mấy ai thế. Dẫu hôm qua sống thờ ơ và bình thản, thời gian trôi, khoác lên quá khứ tấm long bào, khiến nó trở nên rực rỡ. Con người vẫn bị đánh lừa và thương tiếc những gì đã mất đi.
Phải, thời gian trôi, không bao giờ ngoảnh lại và những gì mất đi không bao giờ người ta còn có. Nhưng thời gian vẫn còn thừa thãi, còn rơi vãi trong tay những người đang than thở. (Có con ruồi vừa đi dọc trang giấy này...).
Những người hay sống trong vị mật của quá khứ thường hoang mang trước bước ngoặt của cuộc đời.
Người ta không nhận ra, việc từ bỏ con đường thẳng trước mặt, rẽ về bên trái, bên phải hay lùi lại một chặng, tìm con đường khác là tránh một rặng Chômôlungma quanh năm tuyết phủ... Người ta chỉ muốn, mãi mãi sống trong êm đềm, có dạo chơi, có mặt hồ lăn tăn, đủ nước cho con thuyền trôi nổi... Muốn nhắm nghiền mắt lại, để tận hưởng cái thi vị điên cuồng và quên đi màu máu đỏ...
Trong cuộc đời này, đâu đã hết bất công. Xã hội ta đâu hết những kẻ dựa vào quyền thế, muốn dành một chỗ yên lành trong cuộc sống. Ta khinh bỉ, nguyền rủa và suốt đời sẽ đập tan tành cái mưu đồ đen tối ấy. Cho ngày mai, chỉ còn những tâm hồn trong như ngọc, dẫu không tròn và nhẵn nhụi như xưa.
Mấy hôm nay, mình nghe lải nhải mấy chàng nghiện ngập rên rỉ: “Đời là giấc mơ..." Là giấc mơ, nên cuộc đời thoáng qua như một bóng mây mờ, u ám. Không âm hưởng, không hương vị. Một đám mây tơi tả, không tâm hồn; Đám mây rách như giấc mơ đen, như cuộc đời của chung người đòi hưởng thụ.
Đời là lao động và mơ ước. Mình nhớ câu thơ
Bài thơ ấy thầy giáo làm trong một năm đón giao thừa khi mình còn nhỏ. Ai ngờ lại có ngày, có lúc lung lên ở đây, xua cho mình khỏi làn khí độc.
Cảm ơn tất cả những mái trường đã ôm ấp lấy ta. Cảm ơn ngọn đèn dầu theo ta đi suốt những năm đánh Mỹ. Cảm ơn cuộc đời.
“Tương lai không hứa trước điều gì may mắn cả...” Như Anh không hiểu có còn nhớ câu đó hay không. Riêng mình, mình luôn ghi nhớ. Ngày mai ra trận, dễ một đi không trở lại lắm. Đôi khi, đứng trước cái chết người ta dám nhìn thẳng mặt, nhưng ở xa mà ngó thì chưa chắc đâu, còn suy tính thiệt hơn. Vả lại, ngày mai có biết bao điều thay đổi, hay có, dở có…
Mình nhớ, dạo họp bên Xuân Đỉnh, ghi được một câu của đồng chí Lê Duẩn: "Thanh niên phải tắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của tương lai”.
Như vậy đấy, tương lai đang rộng cửa cho mọi người, rực rỡ biết bao và đẹp đẽ biết bao. Song, con đường tới ngày mai tươi sáng ấy đâu có dễ dàng, giản dị. Và có bao nhiêu người nằm xuống trong đêm mà không được nhìn một chút ánh sáng của cuộc đời. Chỉ là viễn cảnh. Nhưng viễn cảnh có thực của ngày mai.
Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này. Có thể tự hào một chút chứ nhỉ. Song, vấn đề là phải tự nâng cao trình độ để cống hiến được nhiều và đẹp đẽ hơn…
7-12-1971
Bằng Việt nhỉ, ừ, Bằng Việt, trong một Mùa xuân xa Hà Nội. Nhưng bây giờ lại đang là mùa đông. Lẽ ra đang lạnh. Vậy mà chưa. Năm nay rét muộn nên rét dữ. Không biết bao giờ mới như Trường Phước Mãi hôm nay mới thực đông về...
Cuộc đời bộ đội xoay như chong chóng. Bây giờ thì rối mù rồi, không còn biết ra sao nữa. Lại nằm đây nghe luỹ tre vặn mình trong gió mạnh, những khẩu súng nằm thật im ở cuối giường. Giây phút này thực cô đơn, thật lẻ loi. Lẻ loi trên cái nền âm thanh của ngày trở gió.
Mãi sớm nay, bọn lính tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình mệt còn nằm ngủ, nó không gọi và để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay, giản dị và thân mến quá...
Ngày mai, có lẽ một nửa đi E4. Thế là tiểu đội chỉ còn 3 đứa. “Mình có 3 người, 3 đứa sống 3 nơi... ". Ôi, bài hát ấy… Chúng nó đi, và có nhớ chút nào đến 3 tháng qua, đến tháng ngày đầu bộ đội. Đêm nay rét đây và chắc là khó ngủ. Mỗi người một thế giới trong đêm...
Hôm 5-12, được về qua Hà Nội mấy tiếng đồng hồ, mới cảm thấy hết hạnh phúc đơn sơ mà ngày thường không để ý.
Phố Nguyễn Du, phố Bà Triệu, ngôi nhà 72 và 57, cửa vẫn đóng và mãi đóng.
Nhìn rõ hơn con đường dẫn vào nhà. Cây nhãn. Ô cửa hình bát giác đều. Hành lang, mái ngói...
Không có ai cả...
Hà Nội thật rồi, chứ không phải giấc mơ. không phải là ảo tưởng...
Nhưng...
Họ lớn quá, lớn nhanh quá. Không gặp bạn trai mà chỉ toàn bạn gái. Xe xuống dốc, và qua khúc đường ngoặt, đi chậm lại cho họ vượt lên.
Xa lạ xa lạ... mà không xa vời. Họ thay đổi nhiều quá, mình thay đổi nhiều quá. Không muốn gọi nữa rồi, ôi, cái màu trắng vô tư và yên ổn ấy!
Không muốn gặp con người. Bởi con người ấy không phải là người muốn gặp. Chỉ muốn tìm vết chân người yêu dấu trên vỉa hè và dưới gốc cây.
Những người đi đường kia, có ai giống mình hay không, đi tìm ngày qua trên những nẻo đường và ô cửa Thủ đô? Có phải kìm giữ lòng mình, và có ai cô độc như mình hay không?
Trường Tổng hợp như hẹp hơn hôm qua, ít gặp người quen thuộc. Dừng lại dưới chân cầu thang. bùi ngùi và buồn vô hạn... Tất cả như vụt đứng dậy? Vụt ào ra, ôi, kỷ niệm... Và đậm đà là bóng dáng Như Anh, hôm qua, hôm qua, đứng gõ cửa thật nhẹ...
Vụt ào ra, như cửa sông, thời sinh viên say mê, hồ hởi... Giật mình, sờ lên vai áo, cổ áo. Cuộc sống vẫn như xưa, ồn ào, nghịch ngợm. Nhà cửa vẫn bẩn, và ngọn đèn vẫn trải vô vàn đường sáng. Thêm mấy cặp kính trắng, và giáo trình thì khác nhiều rồi. Đang học chuỗi Phuariê.
Dắt Hải đi chơi, một lát, chia tay ở gốc cây thứ ba, nơi nửa năm trước, ngày 30.5, chia tay Như Anh…:Hải có biết tại sao mình chia tay với Hải ở đây không? Ở gốc cây thứ 3 này, mình đã chia tay với bạn thân yêu nhất của mình…” - Chỗ ấy, cái miếu nhỏ, ngã tư, Văn Miếu...
Lại đi trên đường Nguyễn Ái Quốc. Thú vị vô cùng, chỉ thiếu Như Anh. Nhưng, không sao cả. ”hạnh phúc bắt đầu từ chỗ biết xa nhau”…
Tự trách mình, lẩm cẩm quá, toàn than thở và hối tiếc những gì đã đi qua. Hỏng lắm. Không được thế nữa.
Quả thật, về nhà, ở bên bố mẹ, gia đình sao thanh thản cháu Hằng vừa ốm dậy, cứ chăm chắm nhìn mình và không nói một câu nào, cả cho đến lúc mình đi. Suốt đêm không ngủ, không muốn ngủ tí nào. Nằm nhìn đỉnh màn và nghe tiếng thở của gia đình. Tự dưng, thấy mình lớn lên nhiều. Tưởng chừng có thể che chở cho cả gia đình.
Bố mẹ yếu đi nhiều, gầy đi nhiều. Nhà cửa bề bộn lắm. Bao nhiêu điều phức tạp giày vò bố mẹ mình. Không thanh thản như mọi người, không sung sướng và nhàn hạ như bố mẹ người. Vì sao? Vì sao?
Câu hỏi trả lời dễ và khó. Song ta biết cách trả lời.
Cái ô tô lăn bánh qua cầu Long Biên. Lại xa Hà Nội. Sông Hồng ơi, sông Hồng...
Qua cửa kính mờ bụi, ta bối rối chào dòng sông đỏ và nhẩm đọc vần thơ Lưu Quang Vũ. Thế là lại xa Hà Nội, lại xa Thủ đô và biết đến bao giờ?
Tạm biệt ngôi nhà, tạm biệt con người, đường phố và những dòng cây xanh chảy trên vỉa hè thành phố. Tạm biệt đôi mắt đen ở chân trời.
Định gửi một lá thư giữa Thủ đô cho Như Anh. Nhưng lại không gửi được và không muốn gửi. Hãy tin tưởng, đó là điều chủ yếu và quyết định. Cần gì phải viết nhiều thư, khi ta đã hiểu nhau thực sự? Muốn chiều Như Anh thật nhiều bởi thương nhớ lắm, nhưng cũng muốn Như Anh vượt qua được cái khủng khiếp của thời gian và xa cách.
Vả lại Như Anh còn phải học. Băn khoăn quá, Như Anh học hành ra sao, có giỏi hay chỉ nhàng nhàng. Dẫu thế nào, cũng ảnh hưởng. Kinh nghiệm của bản thân mình năm qua đấy. Viết thư, mất ít thời gian thôi, còn lo lắng và nhớ nhung, mong đợi mới chi phối nhiều.
Ngẫm nghĩ lại, thấy kết quả của Như Anh cuối lớp 10 không bằng những năm trước. Có lẽ tại mình thôi. Sao mà vô duyên thế và có chút gì dã man. Vì cá nhân mình mà làm cả Như Anh cũng khổ. Có lúc nào Như Anh tự trách và trách mình hay không?
Không có thư mình, chắc Như Anh sẽ nghĩ ngợi, buồn và nghi ngờ. Biết làm sao, Như Anh làm quen nhé, đừng vội trách, ta vẫn dành trọn vẹn trái tim mình cho Anh. Không có gì thay đổi cả, dẫu ở nơi ấy, có nhiều thay đổi. Từ nay, ta mãi như hôm qua, mãi nhớ thương và gìn giữ hình ảnh trong sáng của Như Anh trong tâm hồn. Không còn ai có thể bằng được một phần nhỏ những điều đẹp đẽ mà ta tìm thấy ở Như Anh.
@by txiuqw4