15.4.72
Nắng Hà Tĩnh oi và bức bối hơn ngoài mình. Sáng sớm, sương mù dày đặc, vào đến gần chân núi rồi mà vẫn còn ẩn trong sương. Ai mới đến đây lần đầu cứ tưởng đây là một cánh đồng xa tắp - Hồ nước chỉ khẽ trắng lên một chút dưới cái vệt đen của núi. Thế mà chỉ thoáng một cái, không hiểu từ bao giờ, nắng đã bàng hoàng đến gõ ở sau gáy Bây giờ, Hà Nội có lẽ mới là nắng mới, nhức đầu một chút, nhưng còn dịu và phải sáng một lúc lâu mới có nắng. Mình chợt nhớ rõ thì năm ngoái dạo này còn đang treo áo bông cơ mà. Và bức ảnh Như Anh gửi cho mình, Như Anh còn mặc áo bông...
Người ta bảo, vùng này là trung tâm của gió Lào, và cũng sắp có gió Lào đấy - chẳng mấy chốc mà cháy đen cả người Được cái có con sông trong vắt. nên thường được tắm luôn. Từ hôm đến đây, hôm nào mình chả tắm – Có ngày tắm đến 2 lần. Những ngày như thế này, chắc ở nhà cũng ít có.
Hôm qua, ta bắn rơi 6 máy bay: Hà Tĩnh bắn 1, Nghệ An bắn 1, Quảng Bình 2, Vĩnh Linh 2 - Kể ra như thế còn ít quá Riêng Hà Tĩnh hôm qua có vài chục chiếc ra, chúng nó bay bình tĩnh như đi dạo vậy - Hầu như không gặp một trở lực lào Cứ từng tốp 2 chiếc bay song song, nó lượn mấy vòng ngó mục tiêu chán rồi mới lao xuống ném bom Những chiếc AD6 nghiêng cánh phụt khói dài lê thê, nom tức lộn ruột mà chẳng làm gì được nó cả. Có lúc hắn bay thấp nhìn rõ cả buồng lái. Thật đáng tiếc, nếu lực lượng phòng không ở đây dầy đặc như Hà Nội hay các thành phố khác thì nhất định chúng nó không thể ngang tàng như thế được. Cầu Hộ hôm qua cũng bị sập, cái cầu phao bồng bềnh mà mình đã đi ô tô hôm qua. Bom nó ném rất nhiều, ném cả vào những chiếc máy kéo màu đỏ mới
chở đến nông trường đằng sau núi.
Còn hôm nay thì yên tĩnh lạ thường - Không có tiếng máy bay, không có tiếng nổ - Các cụ già ở đây bảo rằng những năm địch đánh phá ác liệt, không lúc nào ngớt tiếng máy bay ở trên đầu tiếng pháo địch kích từ ngoài biển vào tiếng bom ình ình - anh thoảng, một ngày trọn vẹn không có máy bay, mọi người thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu...
Làm sao địch có thể gây được tình trạng căng thẳng ở đây, khi mà bom đạn trở thành điều không đáng nói trong cuộc sống?
Đêm qua, lúc đi lấy gạo, pháo ta bắn lên trời như pháo hoa đỏ rực cả một góc trời - Còn buổi chiều, phía ấy rực lên một màu chói lọi - Đúng là bom đạn không thể giết được chất thơ của đất nước. ở nhà lá dài chứa gạo, hồi chiều máy bay lượn quanh mãi, trời vừa sụp tối, ngồi sao Hôm cô độc của Như Anh vẫn hiện lên, nhoè trong sương, nhưng người ta vẫn nhận ra rằng: ngôi sao đó sáng và trong lắm - ở trên cái nền xanh biếc, chùm lá phi lao li ti sẽ đu đưa một cách thần thoại. Cuộc đời vẫn như chẳng hề có chết chóc, có đau thương...
O Hồng (Như Anh và cả mình, ghét cái tên ấy lắm đấy!) cũng lạc quan và vui như chính đất này. Cái nốt ruồi nhỏ xíu trên má là "ưu điếm" của o đấy - có duyên thầm, và tế nhị Mỗi lần o nói chuyện, mình phải bắt nhắc lại đến 4 lần mới thủng câu chuyện. O bảo: Các anh ở ngoài ấy ít đi bộ đội chứ trong này đi hết. Họp chi đoàn bói cũng không ra một người con trai. Mình bảo ở đó cũng đi chứ, và những người con gái cũng có chung 1 cảm nghĩ như vậy O ấy bảo: Chúng em chỉ thích đi bộ đội, nhưng khám sức khoẻ không đủ nên phải ở nhà - ở nhà và đi dân công hoả tuyến. Mình trố mắt ngạc nhiên vì người ngồi trước mặt mình kia, che miệng khi cười và chẳng bao giờ đi làm về dám bước thẳng vào nhà khi có bộ đội ở trong. Lại là người có mặt trong chiến dịch đường 9, Khe Sanh - Trị Thiên... Lại là người cõng thương binh, tiếp đạn, là người thu dọn chiến trường...
Vậy là lửa khói của mặt trận đã bao trùm lên người O đó Vậy là chính O đã là cô Thanh niên xung phong đẹp kỳ lạ trong bài thơ tuyệt diệu của Phạm Tiến Quật:
O vẫn thuỳ mị, dịu dàng. O chẳng đanh đá như mình quan niệm về những o gái trên tuyến lửa. O chẳng có chút gì tỏ ra "sống gấp". O vẫn thương nhớ người con trai đi bộ đội đã 2 năm rồi và đêm nay, o ngồi gấp chiếc phong bì trắng muốt để gai cho anh. Nhìn O, mình thấy yên tâm lạ lùng mình thấy tin tưởng lạ lùng ở những cô gái Việt Nam. Không, họ nhất định vượt qua cái khoảng cách ghê gớm của không gian và thời gian. Ngồi nói chuyện với O, mình rất hài lòng về cách đối xử chân thật, mềm dịu và đứng đắn. O gái này đây, là niềm hạnh phúc đáng gìn giữ và trân trọng của đồng đội mình đang chiến đấu ngoài tiền tuyến.
Mình nghĩ đến những thế hệ đã qua thời chập chững. Những người giờ đã già lão, đã cao tuổi ấy cũng có lúc họ là thanh mền như mình, một ông già, một bà lão giờ đây, dạo ấy họ cũng trò chuyện thế này. Rồi người đi, người ở... Thời gian chạy hết bao nhiêu chặng đường dài, để bây giờ đội quân chủ lực của quân đội, của đất nước là mình, là lứa tuổi mình…
Tụi trẻ đang vây quanh chiếc bàn kia, chẳng mấy chốc lại rụt rè, e lệ khi nói chuyện với nhau. Cũng hay, Như Anh nhỉ. Mặc dù chẳng có gì ẩn ý, nhưng họ vẫn phải rụt rè. Và cái rụt rè ấy mới đáng quí chứ - chẳng thể nào mua được và chẳng phải ai cũng có.
Mà lạ, các o ở đây hay chế giễu bộ đội ngoài ấy. Hôm nào bọn mình đi lấy củi là y như xấu hổ đến chết - chẳng phải bọn mình không gánh được củi kết, hay không chặt được những cành khô. Nhưng rừng xa quá, vào chặt được gánh củi thì hết nửa ngày, phải vội vàng ra ngay kẻo đói. Vậy mà, hễ thấy anh bộ đội thấp thoáng lội qua dòng suối ở cửa rừng là các o lại bụm miệng cười - Như Anh chắc chẳng cười đâu nhỉ/ Như Anh thương cơ - Còn các o này cười hoài. Lại còn hỏi: Các chú bộ đội chặt củi ở đâu, bảo tui đi Chặt với - Làm cho lính xấu hổ đến đỏ nhừ mặt. Quả thực con gái, hay nói chung dân ở đây, làm ăn giỏi thật, khoẻ hơn dân khu 3 nhiều - Quần quật suốt ngày đêm, giặc bắn phá là thế mà có coi ra gì đâu. Con trai đi bộ đội hết, các o phải làm tất cả công việc của nhà nông. Bởi thế, cái dáng lùi lùi. hơi thô, cục mịch của các o chỉ làm cho bọn mình thêm quí, thêm thương. D nhiên, các o lẳng nghĩ gì đến các o cả, các o còn thương hơn chú bộ đội gian khổ và vất vả nhất. Có lẽ chính cái tình cảm tốt đẹp ấy đã làm các o đỡ ngại, và nhất là làm các chú bộ đội gìn giữ cho các o, cho mình, gìn giữ tình cảm quân dân trong sáng và rất đáng ca ngợi.
Mình rất tiếc rằng Như Anh không sống trong khung cảnh này. Như Anh còn đang vất vả học tập, và những cám dỗ mà Như Anh cần vượt qua chẳng phải dễ dàng. Mình rất tiếc Như Anh không ở gần mình như o gái Hà Tĩnh này, đế mình được dìu dắt, hỏi han và âu yếm, chiều chuộng. Có lúc cứ nghĩ rằng Như Anh còn rất trẻ dại, còn ngây thơ quá đỗi mà mình cần phải che chở, có lúc lại nghĩ rằng Như Anh là người dìu dắt mình vượt qua những chặng đường gian khó nhất – Có lẽ cả hai, ừ, đúng – Như Anh là như thế nhỉ?
Trong tay mình là chiếc quạt giấy, năm trước ngày 22- 4-71, Như Anh đã âu yếm viết tên mình trên nan quạt - những nan tre mỏng mảnh xoè ra cho 7 con cò trắng muốt vỗ cánh đọc câu thơ của Chế Lan Viên:
Thế là gần tròn 1 năm, chiếc thuyền căng tấm buồm xanh đi về trong giấc ngủ của mình... Cái quạt, theo mình hành quân từ những ngày đầu bộ đội, mấy lần định cất về mà lần nào cũng quên - Dường như là một sự cố ý - Quạt yêu quí nằm trong đáy sâu của ba lô, nằm trong đáy sâu của lòng mình, giờ đây đang dậy lên những làn gió mát - Hệt như hơi thở Như Anh, hệt như tiếng hát và những âm thanh đậm đà, xao xuyến cất từ trong trái tim em...
Sao mình lại viết những dòng này nhỉ - Mặc dù bao nhiêu lần khác, mình nhớ và nghĩ về Như Anh rất nhiều, da diết và bâng khuâng... Cũng không rõ nữa. Chắc là minh muốn bù cho Như Anh vì ở trẽn, mình đã viết và nói khá nhiều về o Hồng, o gái Hà Tinh sống sung sướng hơn Như Anh và khổ hơn Như Anh. ù, mình không muốn và sẽ chẳng bao giờ dành cho ai khác trừ Như Anh yêu quí, những tình cảm tốt đẹp nhất và trong sáng nhất - Cứ mỗi lần gặp 1 người con gái, dù quen hay chẳng hề biết họ, cũng gợi cho mình nhớ đến Như Anh, nhớ đến người thương nhất và tin nhất của lòng mình.
Như Anh đã biết mình vào đây chưa nhỉ? Và Như Anh sẽ nghĩ gì, đã nghĩ gì trong những ngày mình đi xa? Ai có được niềm hạnh phúc mình hằng ao ước, hái tặng Như Anh những bông hoa đẹp và tươi mát nhất vườn, thơm nhất vườn? Ai nhỉ?
Nhưng thôi, cái đó chỉ là điều rất nhỏ. Chỉ mong mỏi Như Anh thực sự học giỏi, làm được nhiều, cống hiến được nhiều. Có lẽ đó chính là niềm hạnh phúc chân chính nhất mà người ta hằng băn khoăn.
Những ngày mà mình nhớ rất nhiều đến các bạn cùng lớp cùng học với mình, cùng trường. Có người đi bộ đội đã hy sinh, có người còn ở tiền tuyến, có người ở nhà và có người đi học nước ngoài. Mỗi người một công việc quan trọng do đất nước phân công. Mình rất tin rằng mỗi người bạn ấy sẽ có lúc nhớ lại những mái trường các bạn đã đi qua, sẽ nhớ những kỷ niệm chẳng bao giờ có thể phai nhoà và những ước muốn xôn xao khi cửa đời rộng mở - Có thể mượn ý Tố Hữu mà nói ở đây: Ta chính là hôm nay và các bạn c mình là mãi mãi. Nhưng làm sao có thể có tương lai đẹp đẽ khi không có những người hôm nay đang cầm súng, đang gian khổ đánh giặc. Riêng mình, hình như đây là một phần thưởng. Đi bộ đội, với mình không chỉ là đánh giặc Được sống những ngày oanh liệt và vẻ vang nhất của đất nước, khi mà dân tộc ta đang thắng lớn và bước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn, mình phải viết. Phải viết với tất cả năng lực của mình có được. Phải viết với sự say mê, cố gắng hết sức của bản thân. Viết với bao nhiêu gửi gắm và tin tưởng của bạn bè đối với mình.
Mình rất khổ tâm và đau đớn vì chẳng viết được cái gì có hồn cả. Dòng sông chảy qua xóm làng đẹp là thế, với chiếc thuyền gỗ ngấm nước, những dải cát mơ màng mọc lờ đờ mặt nước, những bụi rong xoã tóc xanh cả sông… Chao ôi, giọng hò đầy thương, đầy nhớ trong đêm vắng trăng, đầy sao... Xóm làng sau một ngày thắng giặc như vậy đó Mình muốn viết một cái gì, một bài thơ, một bài tuỳ bút về những điều tương tự như thế - Mà không khi nào hài lòng cả - Khi nào cũng chỉ là những cảm xúc sáo mòn và cũ kỹ. Những hình ảnh mất hết góc cạnh của cuộc đời. Ý nghĩ của mình bao giờ cũng mơ hồ, hình thành
không rõ rệt. Chỉ khẽ thoáng, khẽ chạm vào là biến đi đằng nào không sao giữ lại được. Đến một lúc tình cờ nào, nó lại hiện ra, rõ ràng, khúc chiết như những dòng chữ chính xác của một cuốn sách giáo khoa.
Các bạn đi học, có cái khổ, cái vất vả của người đi học. Không ai có thể sống thoải mái nếu người đó muốn thực sự có kh muốn đóng góp một thành quả lớn lao cho đất nước. Phải nói rằng mình đã cố gắng rất nhiều, cố gắng rất nhiều để sống và làm những ước muốn mà thuở nhỏ mình hằng ao ước. Mình chỉ muốn làm tốt nhất, đúng đắn nhất, đầy đủ nhất câu kết luận của bài tập làm văn mình đã viết hồi học phổ thông. Chỉ muốn chứng minh đẹp nhất những điều mình đã nói với Như Anh yêu dấu trong những lá thư.
16.4.72
Hôm qua yên tĩnh, nhưng đấy là đối với cái tỉnh Hà Tĩnh mình đang ở, còn đối với miền Nam và những miền đất nước khác thì vẫn chẳng có chút gì là yên tĩnh cả. 2 giờ sáng nay, máy bay địch tới bắn phá Hải Phòng bị bắn rơi 5 chiếc. Đặc biệt nhất là có 1 B.52. Như vậy, địch đã dùng B.52 ra bắn phá các thành phố lớn, tiến hành một bước leo thang ở miền Bắc. ở miền Nam, thị xã Bình Long đã được hoàn toàn giải phóng.
Nhân dân tụ tập quanh người hàng xóm có chiếc đài bán dẫn nhỏ để nghe tin tức. Họ ngóng tin như 1 giá trị tinh thần không thể nào thiếu được - Và ở họ có một sự nhạy cảm rất đáng quí về chính trị. 13 giờ, địch ném bom ở Kỳ Anh, phía Tây - thì 14 giờ, họ đã biết rất chắc chắn. Rất chính xác. Ai cho họ biết được những tin tức ấy nhỉ? Bà cụ toàn hỏi mình tin tức. Mình thì mù tịt, chẳng biết gì cả. Không phải bộ đội là được biết hết tin tức chiến trường đâu. Họ cứ tưởng: có tin gì mới ở chiến trường là bọn mình lại được tập hợp để nghe báo cáo ngay. Thực ra, nguồn tin tức mà bọn mình nghe là mẩu báo của tiểu đoàn và cái đài Li do của ông cán bộ. Trong khi người dân còn có biết bao nhiêu nguồn tin vỉa hè phần lớn là chân thực nhất.
Phải nói, ở mỗi người sống trên đất Hà Tĩnh, đều có một mối quan tâm đáng quí đối với đất nước. Họ lo lắng cho vùng bị bom đạn địch tàn phá. Họ lo lắng cho cả nhưng vùng họ nghi rằng địch sắp đổ bộ - Đây là nơi đầu tiên mình thấy sự căm thù, khinh bỉ kẻ thù của dân tộc dữ dội nhất, mạnh mẽ nhất. Nghe tin địch đã đổ bộ xuống cầu Hàm Rồng, mọi người hỏi nhau để xác minh sự đúng đắn của nguồn tin ấy. Nhưng họ hỏi mà bên trong họ không tin. Làm sao địch có thể đổ bộ xuống đấy được. ở đó chúng nó ăn cướp gì được. Dân thì không có gạo, chỉ nhiều khoai - Những cụ già Hoẵng Hoá - Thanh Hoá sẵn sàng cho chúng nếm khoai!
Sự quan tâm đến vận mệnh đất nước ở đây gắn liền với nỗi lo lắng của bản thân mỗi người và gia đình. Bởi vậy điều đó cũng là phải thôi, điều đó cũng hợp logic thôi.
O Hồng chiều nay bắt đầu đi dân công hoả tuyến ở Quảng Bình. O doạ ở nhà là phải làm cơm tiễn đi - Vì vào trong đó, o sẽ khám bộ đội và nhất định sẽ đi trong đợt này. Bà cụ lo cuống, và cứ vừa sửa soạn cho o đi, vừa mắng - Nào là: cái ngữ mày mà đòi đi bộ đội, đòi đi vác đạn cho pháo... Nào là nó chỉ bắn doạ cũng sợ rồi... Còn o ta, cứ tỉnh bơ. O bận rộn ra sông gội đầu và giặt cái áo xanh o hay mặc. Nó đã cũ và bạc trắng ở vai áo - O ra ngõ vặn đôi quang gánh bằng những sợi mây trắng nõn còn dính nhựa - Cả nhà ăn cơm rồi mà o còn đứng đó, o làm mê say, o mặc những cơn gió mùa hè thổi tung những lùm
lá tre... Mình đi ăn cơm và hỏi: O Hồng không ăn cơm để chiều đi à... O cười ngượng nghịu... Mình giật mình vì bỗng nhận ra rằng o còn nhỏ quá. O nhỏ như một em bé cấp hai. Và sự thật o chỉ mới là học sinh lớp 6. Dưới lớp tay mình là tờ bìa màu xanh hơi cũ - Cái bìa sách có dòng chữ Trường cấp 2 Cẩm Lạc - /ớp 6B - Lê Thị Hồng - Năm 1971 - 1972" – Có phải o không? Đã tẩy đi dòng con số 1971-1972- Không, o đừng ngượng - năm nay o 16 hay 17 tuổi rồi, o chẳng đi học nữa - BỘ đội chẳng chê o học dốt đâu, bộ đội 12 năm đi học, sung sướng hơn o nhiều, và hiểu nỗi khổ của người không được đi học.
Vậy là o gái Hà Tĩnh này lại đi vừa lớn dậy, vừa thôi học mấy tháng thôi, mà cuộc đời đã phong phú lắm, đã đẹp lắm rồi - Mà cuộc đởi o đã có bề dày và cả bề sâu nữa. O đã và sắp đi hoả tuyến - O đi thanh thản, hào hứng – O tung tăng đi đến chiến trường...
Rất lạ, o nhắc mình nhớ đến Như Anh rất nhiều – Sao Như Anh không là một o gái Hà T nh thế này để hôm nay mình được bịn rịn chia tay và hẹn gặp Như Anh ở chiến trường? Mà đây lại chỉ là một o gái khác lạ, mình không muốn nói gì với o cả - chỉ thầm chào thôi. Chỉ mong o chóng lớn, trưởng thành trong thử thách ác liệt của tuyến lửa và trở về như hàng nghìn cô gái khác. Để lại nỗi ngẩn ngơ cho đời như bài thơ ca ngợi các o...
Như Anh học giỏi không? Như Anh học giỏi không? Như Anh có được chứng kiến, được biết những con người, những cô gái trẻ, yêu đời đang làm thay cho Như Anh, cho các bạn Như Anh ở nhà học tập - Phải đấy, họ sung sướng hơn Như Anh và gian khổ hơn Như Anh cũng chính là ở đấy. Họ hạnh phúc hơn Như Anh cũng chính ở trận tuyến này.
Mình chẳng muốn nói Như Anh và các bạn Như Anh phải chịu ơn những cô gái đi trên đất lửa - Họ cũng như Như Anh chỉ làm nhiệm vụ quan trọng mà đất nước trao cho. Nhiệm vụ nào cũng vẻ vang, cũng gian khổ cả. Mình rất hiểu Như Anh, rất hiểu rằng Như Anh mong muốn và đang cống hiến sức lực của mình cho đất nước. Rất hiểu rằng Như Anh không bao giờ muốn trốn tránh những nơi gian khổ, ác liệt, nơi cái sống và cái chết đang giằng co nhau... Mình chỉ muốn nhắc Như Anh rằng: Như Anh à, các o gái này có thể mất đi lắm. Còn Như Anh và các bạn thì chắc chắn sẽ tồn tại, sẽ sống, bởi vậy, nhiệm vụ của Như Anh rất nặng nề, phải làm tiếp những gì mà người ở chiến trường không sao làm được - ở chiến trường này, ta đã thắng và thắng to! Còn ở chỗ Như Anh, ta chưa thắng lớn - Nhiệm vụ của Như Anh nặng nề như thế...
Tất cả những điều đó hẳn Như Anh hiểu rõ và sâu sa. Hẳn Như Anh sẽ biến những suy nghĩ dằn vặt mình đang sống bình yên khi đất nước đang gian khổ thành quyết tâm lớn nhất để học giỏi, thật giỏi - Mình tin tưởng ở điều đó và mong chờ những tin vui nhất.
Mình sắp vào rừng, 1 giờ trưa. Chiều nay đi lấy gianh về làm bếp - Chắc là phải vào sau và tối mới về được. O Hồng đi rồi, chắc chẳng còn được gặp mình nữa - Mình ở đây không lâu rồi lại chuyển. Nghe đồn như vậy. Nhưng chắc rằng mình khó quên o. Người con gái bình dị trên đất Hà Tĩnh, cô thanh rên xung phong mà Phạm Tiến Duật hằng ca ngợi.
Hôm nay, máy bay ra ít, nhưng có ra và không yên tĩnh như đêm qua. 9 giờ đêm qua, báo động di chuyển, như ở chiến trường vậy. Mình chợt nhớ rằng: ở đây có 1 điều đặc biệt là nhiều chó. Chó sủa ran khi có người qua đường và cũng làm ầm cả xóm khi ở sân kho. Bộ đội vỗ tay hoan hô nhưng người được tuyên dương (!). Buồn cười thật.
Y và anh Tí. đi chợ, mình định viết xong thư rồi đi, nhưng lại bận. Nó bảo chợ không thú vị lắm, mà có khi còn đắt - Y định mua một con cua bể lớn về nấu bát canh cua cho tiểu đội.
17.4.72
3 giờ chiều nay lại hành quân đến thị xã Hà Tĩnh để chuẩn bị diễn tập. Mỗi người mang lương thực đủ 4 ngày ăn Giao liên bảo rằng từ đây đến đó khoảng 30 km. toàn tập đánh quân đổ bộ. B trưởng và D trưởng đã ở đó rồi. Sáng nay, mình đến C18 lấy đôi acqui, đã thấy bên đó rậm rịch chuẩn bị đi, dây điện thoại đã cắt ra rồi.
Buổi sáng, mình được phân công đi lên E. Nghe a. T chỉ đường thì thấy sao mà đơn giản thế - "Đến cái khe củi của cao điểm 50 - Rồi sau đó đi 200m, rẽ tay trái, qua chiếc cầu, v.v… Hỏi thăm xã Cẩm Sơn. Ai ngờ, qua khỏi điểm cao 50, chỗ ấy có pháo 37 trực tuyến, là lạc quách - ở vùng này, xã Cẩm Sơn chính là 3 xã hợp lại - Mình đi vòng quanh,
qua tất cả các C trực thuộc rồi mới đến Đoàn bộ và theo đường dây về C18 - Đoạn đường không phải 5km mà lại gấp 2, gấp 3 lần. Nắng to, gắt và chói chang, đường không có một bụi cây nhỏ, không có một vũng nước. Ngẩng đầu lên thì trời xanh ngút ngàn, cái màu xanh đến thương, và những đám mây trắng xốp. Từ hôm đến đây, hôm nào mình cũng say mê ngắm núi mà hôm nào cũng thấy đẹp, thấy lạ Núi ở gần xanh màu lá cây rất trang nghiêm. Nhưng càng xa thì càng nhiều mây và sương phủ - Có một lớp màn rất mỏng choàng từ ngọn núi - Cái màu lờ đờ như nước luộc trai, nom thật dịu. Quả là núi non ở đây nên thơ thật.
Mình ngẩng nhìn trời và xuýt xoa tiếc vì không đủ sức khỏe đi học lái máy bay. Cả E hôm khám chỉ được có 1 người Huy được về Hà Nội 1 tháng, điều dưỡng ở Bệnh viện 10. Thời gian đó nghỉ ngơi và kiểm tra sức khỏe. Nó đạt hết, vượt qua hết các phòng "ác liệt" và sau cùng bị loại vì viêm họng - Bọn mình tiếc thay cho nó. Từ các E các F, chọn được 13.đứa, chỉ còn 3 đứa lại khám tiếp để 29-4này có đợt đi Liên Xô. Mình nghe xong mà cứ ao ước hoài. Giá mình đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, được đi học, chắc chắn sẽ gặp được Như Anh trên đất lạ và từ đó bao nhiêu mơ ước bé nhỏ, buồn ngủ và viển vông cứ quay cuồng trong óc…
Bỗng giật mình ngượng nghịu - Ô kìa, sao lình lại thế nhỉ? Mình chẳng đã từng ao ước được đi bộ... binh hay sao? Đi bộ binh là đi đất, anh bộ đội đi đất và gắn bó với đất này, gắn bó với người dân sống ở đất này. Mình chẳng đã từng ao ước và nói với Như Anh rất nhiều về hạnh phúc lớn lao mà Như Anh không được hưởng là: chính bản thân mình được sống chiến đấu trên trận tuyến giáp mặt quân thù, trong những ngày ác liệt nhất của đất nước- Thế mà bây giờ định đi đấy, ao ước đi học nước ngoài 6,7 năm đấy. Khi về thì hết Mỹ rồi còn gì nữa, tha hồ bay bổng trên trời nhé. Thật xấu hổ và hèn kém biết chừng nào! Sao nình không có được suy nghĩ như Vương Đình Cung, anh được chọn đi học rồi, nhưng vì đơn vị sắp bước vào chiến đấu vì anh không muốn để lỡ cơ hội được tiêu diệt giặc, nên anh đã từ chối và đi vào cuộc chiến đấu một cách tự giác và đáng phục vô cùng.
1h30 rồi. Đơn vị đã tập trung nghe phổ biến kế hoạch chiều đi. Bận rộn quá.
14h30. Nghe tin máy bay địch bắn phá Hà Nội. Mình nghe đài buổi trưa được biết địch cho nhiều tốp máy bay đến ném bom vào nội thành và cả ngoại thành Hà Nội. Phố Đội Cấn, bãi Phúc Xá - Khoa Hoá của trường mình sơ tán ở bãi Phúc Xá, không hiểu có làm sao không. Cả ở đất làm võng O Cách, Gia Lâm nữa - Bao nhiêu người đã chết? Bao nhiêu ngôi nhà đã đổ? Thế ra không chỉ trong này địch mới bắn phá mà chúng đã mở rộng các cuộc leo thang man rợ ra khắp miền Bắc. Hôm qua viết một lá thư về nhà ke chuyện giặc ném bom ác liệt ở "tuyến lửa", cứ tưởng ở nhà bình yên lắm - Ai ngờ ở đâu cũng là đất lửa cả thôi - Và lá thư chưa gửi ấy đã trở thành lạc hậu.
Vượng và B. ở Đội Cấn, không hiểu có sao không? Báo và đài bảo, chết có 8 người. bị thương 25. Nhưng chắc là nhiều hơn thế. Bọn lính Hà Nội bồn chồn lắm, và rất lo cho gia đình, rất lo cho thành phố.
17.4.72
19 giờ. Nghe ồn ào ở sau nhà mới chạy sang xem. Hoá ra tụi lính đi xuống sông đã thấy 1 đàn lợn lòi con ngủ muộn trong bụi cây dại um tùm ở ven sông. Không hiểu tại sao chúng nó từ trên rtmg lại lạc xuống tận đây mà ngủ quên đi mất. Lợn lòi chạy rất nhanh, luồn qua những hàng rào gai, hàng rào duỗi và dây mây, chạy ngang sân nhà. Theo sau là bộ đội hò hét inh ỏi. Mãi sau mới tóm được 1 chú lợn và mệt quá người ta dừng lại, bỏ lại những con kia chạy thoát. Chú lợn lòi con con, khác nhiều so với lợn nhà. NÓ không ù ì và "ngu như lợn" nuôi ở trong chuồng. Ông già buộc chân nó bằng sợi dây thừng rất chắc, và nó chẳng eng éc gì cả, nó chỉ giãy giụa thôi, còn thì ngoan lắm. Con lợn rắn chắc, chạy nhanh và luồn qua hàng rào rất gọn. Bộ lông thì rất đặc biệt: không đen nhánh hay trắng bạc, hay loang lổ như lợn nhà; mà bộ lông hệt như một chiếc áo tù, có những vệt dài kéo từ đầu đến đuôi, màu nâu tím. Mấy anh lính tán: Có lẽ vì nó khoác áo tù nên mới bị bắt thê. Thằng tù binh còn rất trẻ con. Hắn chưa lòi ra chiếc răng nanh đáng ghét như cái tên của hắn! Không sao bắt tù nhỏ nó còn đỡ phá. Những nương sắn đẹp hung trên đồi, trên núi kia bị tụi này xuống phá phách hỏng nhiều. Mỗi lần vào rừng, vạch lau đi, bọn mình đã thấy những ống dài và hôi hám - lối đi của lợn rừng.
Bọn mình vào rừng mà cứ nghĩ mãi đến những con lợn ấy. Kể ra đi lấy gianh thế này, chỉ có trong tay một cái liềm cùn, một cái đòn sóc nhọn 2 đầu và một ít dây rừng nếu lỡ có 1 đàn hổ, báo hay 1 đàn lợn lòi từ trên núi lao xuống thì chẳng phải dễ dàng mà thoát được! Nhưng nói vậy thôi chứ sợ quái gì. Mình là con người ắt phải thắng hết mọi súc vật mọi rợ trong rừng hay ở đâu đi nữa. Đấy là ý kiến của các o gái Hà T nh khi nghe bọn mình than thở dọc lối vào rừng.
Kể ra, hôm nay mình cảm thấy hơi buồn, hơi nản vì các o gái Hà T nh. CÓ lẽ đây là quan niệm mới về các o. Đến đây được mấy ngày rồi, và quan niệm của mình về các o vẫn là tốt đẹp, cảm phục và thầm biết ơn. O Hồng ở nhà mình trú quân thật thuỳ mị, nết na. Nhưng 3 cô gái bọn mình gặp trong rtmg hôm nay thì thật là kinh khủng, mình đi trước cả toán mà vẫn phải né sang một bên để nhìn rõ mặt các o. Mình không muốn và không thể viết được tất cả hay một phần rất nhỏ những mẩu đối thoại của bộ đội và các cô vào đây được, vì nó táo tợn, nó thô lỗ và trần trụi quá. Trước kia khi ở nhà nghe người ta bảo rằng:con gái khu 4 thiếu thốn tình cảm một cách kinh khủng, nên họ thường đòi hỏi một cách thẳng thắn. Mình không tin. Làm sao người ta lại có thể chai sạn đến mức như vậy được nhất là cái chủ động" lại thuộc về người con gái. Bọn mình 5 đứa, đi lấy gianh. Vừa đến cửa rừng thì gặp 3 cô. Các cô còn trẻ. Nghe tiếng cười các o rúc rích sau lùm cây mua cao lớn bọn lính cứ tỉnh bơ - Cái tỉnh bơ của lính quân khu 3, dường như nói rằng. việc các cô cười thì cứ cười - việc chúng tôi đi thì cứ đi thôi và chẳng chút ít gì dính lnl đến nhau. Nói vậy thôi chứ lính vẫn nghe, vẫn chú ý nghe và bình luận tiếng cười ấy. Nghe ghê ghê - Bọn mình thống nhất với nhau như thế - Và im lặng đi qua. Nhung rồi các o cứ bám lấy, cứ bám lấy và tha hồ thả trí tưởng tượng bay loạn xạ - Các o nói đến tình trạng "con trai phân phối" của khu 4 - Các o từ gọi bọn mình là chú rồi chuyển sang gọi anh tự lúc nào. Các o gợi cảm một cách thô lỗ và cảm thấy rờn rợn khi nghe tiếng cười the thé ấy.
Lẽ ra mình thấy Hà Tĩnh đáng yêu hơn, khi không gặp 3 cô gái ấy, 3 cô gái quái quỉ ấy. Các cô cứ đòi "tự do" ở trong rừng và thật đáng sợ khi 1 trong các cô gái đã trả lời bộ đội khi Q. bảo các cô dẫn tới chỗ có gianh. Cô ấy bảo: Khu 4 có "tức lệ" vào rừng mà có 2 người con trai và con gái thì phải cởi hết áo quần (!). Thật kinh khủng quá! Mình cảm thấy nửa ghê ghê, nửa lại thương hại các cô. Ở đây rừng vắng, và ở chỗ vắng ấy nên người ta mới điên như vậy hay sao? Và không hiểu, o Hồng thùy mị, rụt rè ở nhà có lúc nào lại trở nên điên dại như thế hay không?
Đấy là những cảm giác khi mình đứng trên núi cao nhìn xuống thấy bóng áo lót màu trắng của các cô gái, nghe tiếng hò sông Lam của anh bộ đội nhỏ li ti đang men theo sườn núi và nhìn ra xa tít tắp/ biển đang dâng lên mênh mông...
18.4.72
Hành quân lúc 16h30 đi diễn tập. Đó là đợt 1 của thời kỳ diễn tập dài toàn E. Thằng Y bảo, 6 giờ tối mới đi, nên 1 lúc cứ vào ra mãi - Ai ngờ 4h30 chiều đã đi rồi. Bỏ quên cả lựu đạn, bỏ quên cả xẻng và ba lô thì buộc chưa chặt. Lúc cả đơn vị đi hết cả rồi mình mới đuổi theo. Mệt nhoài người Buổi sáng vừa lên C18 nạp acqui, buổi chiều lại đi ngay. Nắng rất gắt và choáng. Mặc dù mình đã gửi tất cả sách vở, chăn, áo rét ở chỗ tạm trú quân, mà ba lô vẫn nặng, 15kg gạo. Sau đó đeo hộ T. hai bao gạo, một khẩu súng = Cộng tất cả cũng đến 30 cân có thừa!
Lần hành quân này đi thật rời rạc, cả D đi thành mấy tốp lẻ tẻ lẻ tẻ, và mọi người đều mệt ngay từ những phút đầu tiên. Nắng Hà T nh, nhất là khoảng 3, 4 giờ chiều, nắng gắt kinh khủng, như thiêu như đốt, hoa cả mắt và đầu thì cứ ong ong - Con đường nồng nặc mùi phân trâu và lầy lội khi trời mưa, thì hôm nay trời nắng, cứ bụi lầm lên và khét lẹt - Cây cối thì không, cả hơi nước bốc lên từ con sông ngay cạnh đường cũng không đủ làm dịu bớt làn không khí nóng nực và bực bội ấy. Mới đi được vài Km mà rất nhiều người đã bị gục xuống rồi. Nhất là bọn B vận tải, cứ đầu trần, chân đất nằm thở dưới nắng hè. Thật thế, mỗi lần hành quân là một lần thử thách rất căng thẳng. Nếu như ai không có nghị lực, không đấu tranh thắng nổi sự cám dỗ nghỉ ngơi thì nhất định người đó không thể bám sát được đồng đội. Đã hành quân thì không thể nào nhẹ nhàng được. Mình thấu hiểu rất rõ điều đó - Bao nhiêu lần hành quân, và lần nào mình cũng rất tự hào rằng: mình không hề bị rớt lại, không 1 lần nào mình nhờ vả đến ai đeo hộ và lần nào mình cũng đeo vượt tiêu chuẩn yêu cầu. Không phải nhờ cái thân thằng người to kềnh càng. Không phải nhờ đôi chân "cầu thử như bọn nó thường nói - Chẳng phải đâu, lần nào cũng nặng, lần nào cũng phải cố, cũng phải đặt yêu cầu rất cao cho mình. Không được lùi bước, không được chậm lại, và phải đi đến cùng. Chỉ cần có một ý nghĩ nhỏ: giá như bỏ bớt được cái này, cái kia thì nhẹ hơn- Chỉ cần có một ý nghĩ nhỏ như vậy thôi là cảm thấy cái khối sau lưng kéo thít vào vai và rất khó đi đến đích - Là phải cố gắng rất nhiều mới xua được ý nghĩ tiêu cực ấy! Lúc nào mình cũng tự nhủ: không thể nào khác thế được còn phải đeo nặng hơn, đi dài và nhiều hơn nữa - Suốt dọc đường hành quân, không phải lúc nào cũng cảm thấy nặng nhọc và gian khổ. Mình hay đọc thơ, làm thơ, làm thơ trên đường hành quân. Và chính những lúc tâm hồn mình mơ mộng với nhưng vần thơ êm dịu hay da diết, tự dưng thấy thân mình nhẹ bỗng, tưởng chùng mình có thể bay lên được và chẳng cảm thấy chiếc ba lô nặng kinh đang đè dí hai vai - Nhất là những lúc nhớ Như Anh, những lúc đọc thơ cho Như Anh nghe và làm thơ tặng Như Anh - thì cảm thấy say thực sự và cứ ao ước con đường ấy dài ra vĩnh viễn, thì mọi khó khăn gian khổ sẽ trở thành niềm hạnh phúc rất tự nhiên:
Đấy là “Khoảng trời em” của Quang Huy – “Mưa khó hiểu như tinh ta buổi ấy" thì chán, Như Anh nhỉ - Ta nên chữa lại là “Mưa thủ thỉ như lòng em buổi ấy" thì hơn...
Cứ thế, cứ thế, ta đi hết chặng đường hành quân, và chính trên những chặng đường ấy mà nảy nở ra những tứ thơ, những tứ thơ chưa hay, nhưng thật - Vì nó sinh ra trong mồ hôi và axit lắctíc...
Đi trong đêm khuya. những anh bộ đội hay tìm ngôi sao Hôm cô độc, một tinh cầu chói lọi. Sao Hôm thường mọc cách tầm tay với mặt trăng hiền dịu. Mấy đêm sáng trăng, đêm nào cũng vậy, mặt trăng lên, là thấy sao Hôm... Sao Hôm mọc từ lúc trời còn đỏ mờ, rồi xanh dần ánh thép, và khi bầu trời xanh màu mực cửu long thì ngôi sao mới sáng tỏ làm như đôi mắt em thao thức theo anh trên đường gian khó. Người ta tìm những chòm quen thuộc của làng quê việt Nam. Chòm Đại Hùng và Tiểu Hùng tinh cho người tìm phương Bắc, ngôi sao Bắc đẩu như ánh sáng của em tự lại từ xứ Tuyết xa xôi. Và ông thần nông tựa lưng vào bờ sông sao sáng rực nghĩ về đất nước, bỏ mặc con vịt bơi hoài trên dòng nước sóng sánh sao sa. Mình bỗng nghĩ tới 1 điều: Cả khuya trời cũng bộn bề những công việc nhà nông - Đất nước khổ đau và nghìn năm lăn lộn với ruộng đồng, người ta chỉ còn nghĩ đến gầu dai, gầu sòng chỉ còn nghĩ đến vụ cấy qua các chòm sao mơ mộng... Cả những năm tháng lửa cháy chống ngoại xâm đã để lại trên trời chòm sao Tráng sĩ, gài thanh kiếm ở ngang sườn…
Mình hay nghĩ vu vơ như thế về các ngôi sao. Các dân tộc khác mơ mộng hơn chăng khi họ nhìn sao Hôm là Thần vệ nữ, người con gái đẹp tuyệt vời đem tình yêu cho thế giới. Còn dân mình, thì sự tích về những ngôi sao cũng chỉ là những bài ca cảm động về tình anh em, về tình đồng đội…
Mình bảo với Y: Nhất định sẽ viết về những ngôi sao trong Nhật ký, y buồn cười lắm. Nó bảo: Ngôi sao thì có dính líu gì đến Nhật ký mà mình cũng viết. Y nó viết Nhật ký ít thôi, rất ít là khác, chỉ thỉnh thoảng nó mới vội vã và cẩu thả vào một cuốn sổ tay nhỏ xíu. Nó bảo Nhật ký chỉ nên ghi lại những ý nghĩ táo bạo và độc đáo, tiêu biểu nhất trong 1 ngày hay trong vài ngày. Những ý nghĩ đó đủ để gợi lên một cảnh đời rực rỡ, một ngày sống đáng ghi nhớ hay đủ gợi lên một quan niệm sống. Và cao hơn, đủ hiện lên một con người.
Mình không tin lắm vào ý nghĩ và lời nói ấy của nó. Uớc muốn của con người thật khôn cùng. Làm sao mà chỉ cần một vài dòng nhỏ những suy nghĩ thôi mà có thể thể hiện được những điều phong phú như thế. Không thể nào chỉ với những suy nghĩ, cho dù những suy nghĩ có tính chất triết lý sâu xa có thể làm trọn được trọng trách ghi nhận lại được cuộc sống của một con người. Mình đã đọc Nhật ký của nhiều người. Mình cảm thấy rằng: Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu Nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối ky khi viết Nhật ký – Nó sẽ đay cho người viết tự lừa dôi ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình.
Người ta viết Nhật ký có rất nhiều phương pháp. Và mỗi người tuỳ theo ý thích và sự quen thuộc của mình mà ghi chép. Có người chỉ thích viết ý nghĩ, có người hoàn toàn ghi những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày. Còn mình, mình không Diết thế nào, có lẽ vừa ghi những sự kiện, vừa ghi những suy nghĩ - Nhiều lúc cũng khó mà phân biệt đâu là suy nghĩ, đâu là sự kiện. Và sự trộn lẫn ấy là một điều rất quí. Không hiểu mình đã ghi vào Nhật ký bao giờ chưa, rằng L. Tolstoi bao giờ cũng nhanh chóng tìm thấy một ý nghĩa nào đó từ trong những sự vật và sự việc hàng ngày. Việc rút ra những ý nghĩa từ trong hiện tượng ngay tức khắc có một tác dụng rất lớn lao - nó cho phép người ta tìm thấy và nắm chắc bản chất sự vật và không sa vào cái vụn vặt, không bị choáng trước những hình thức màu mè ở bên ngoài. Mình ao ước như thế, ao ước mình có được cái năng lực thú vị ấy đế sống sao cho đẹp và sâu sắc.
Nằm trên cánh đồng khuya, trên đường hành quân, mình và Y nói đến những điều như thế. Còn a. Mười thì chú ý nhiều quá đến số lượng những trang Nhật ký. Càng ngày mình càng hiểu rằng số lượng lớn không phải điều khó làm. Phải, chính Như Anh đã kế cho mình nghe về cô gái hoạ sĩ Nga mới 16 tuổi đã để lại hàng vạn bức vẽ cho đời phải nói rằng, số lượng cũng là 1 điều đáng kể, làm sao để cho rất nhiều trang đấy, mà không trùng lặp, mà mỗi ngày thực sự là một ngày mới, đẹp đẽ và tốt hơn ngày hôm trước. Nghĩ đi nghĩ lại thì vấn đề chủ yếu vẫn là anh viết Nhật ký để làm gì? Anh có lấy Nhật ký làm người bạn đường nghiêm khắc và tốt bụng để đưa đường cho anh. Hay là anh lấy Nhật ký làm đồ trang sức, làm một cái gì đó để khoe khoang. Hay tệ hơn, làm một cái bồ để trút vào đó những lời than thở, những suy nghĩ giả tạo, nhằm đắp điếm cho một con người giả tạo, sống rất tồi, rất nghèo nàn mà cứ tưởng mình phong phú và bận rộn lấm với công việc hàng ngày...
Trở lại với những chặng đường hành quân, nghĩ đến những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, đỏ bừng và nặng nhọc cất bước. Trong lòng bỗng dội lên một niềm thông cảm sâu sắc Cuộc đời bộ đội gian khổ thật, thật gian khổ (và đây chưa nói đến sự hy sinh). Không gian khổ và khó khăn thì tại sao, toàn những người con trai khoẻ mạnh, trẻ, sung sức và hăng hái mà phải chịu ngã xuống dọc đường mà thở Mệt lắm, nhất là đeo nặng. Ban đêm, sang đò, đeo ba lô đứng trên đò, tròng trành và ba lô nặng kéo ùm cả người xuống sông. Những lúc hành quân nặng nhọc nhất chính là lúc người ta hay gắt gỏng với nhau nhất và cũng chính là lúc người ta thương nhau nhất. Người ta thương nhau và san sẻ cho nhau lút nước trong bi đông, đeo hộ nhau một phần nặng nhọc. Không thể nào nói hết được, vì
cái gì cũng rất tế nhị và mới đáng yêu làm sao. Dành cho đồng đội một chỗ nghỉ tốt, một mảnh chăn, một tấm tang lành Dành cho bạn một chiếc hầm đào dở, dành cho bạn một khoảng thoáng khi đến chỗ tạm đừng chân - Trời ơi, tất cả những điều đó, trong khung cảnh đó, mới đáng yêu, đáng quí làm sao - Nhất là nỗi lo lắng. dáng tất tưởi khi có người rớt lại phía sau, cần phải đi tìm... chỉ có trong hàng ngũ quân đội mới có được những điều tốt đẹp đó chăng?
Ban đêm sang đò và vào nghỉ tạm ở nhà dân - Xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Đi hơn 20km rồi mà vẫn Cẩm Xuyên!) A2W ở nhà ông cụ đã già rồi, 78 tuổi. Mệt quá, lăn luôn ra giường ngủ. Mình, Huệ, Y nằm cùng một giường. Mình nằm trong cùng và khi gác chân lên cái hòm gỗ dài kê sát tường, mình mới biết là 1 chiếc quan tài - ông cụ già rồi, đã "may sẵn áo" để chờ ngày chết đây? Dạo ở nhà mà thấy thì sợ chết khiếp đây. Mà bây giờ thì cảm thấy bình thường hết sức - Tuổi trẻ và sự già lão!
Ở đây còn rất nhiều người già. Mình đến mấy nhà xung quanh đều thấy những chiếc quan tài xếp chồng chờ đợi Gia đình nhà nọ có đôi vợ chồng già, ông cụ tóc bạc như bông pha trò bảo mình rằng, suốt đời, 2 ông bà sống hoà thuận với nhau, lúc cưới nhau, ông bà may một đôi gối cưới và bây giờ, sắp gần đất xa trời, ông bà lại đóng đôi quan tài chồng lên nhau. ông cụ cười bảo rằng: Cả đởi ông đã "ở trên" bà, nên ắt hẳn chiếc quan tài ở trên sẽ là của ông! Mà cũng đúng, con trai thường chết sớm hơn con gái. Thật tiếc vì khi ông cụ nói chuyện với bọn mình, bà cụ sang xóm bên chơi không có nhà - Không hiểu nếu có bà cụ thì cụ ấy có thái độ thế nào?
Dòng sông Ngân Mộ (hay Ngân Mậu gì đó, mình hỏi rồi mà không sao phân biệt được tiếng nói ở đây) chảy qua đây giữa hai bờ cây xúm xuê, xanh thẫm cả lòng – Dòng sông chảy nhẹ và sâu - Những dòng sông động đậy của Hà Tĩnh ánh sao đáng yêu kỳ lạ, nó làm mát đi rất nhiều cái nắng khổ sở của miền Trung và cái gió Lào khô cháy da thịt... "Em như bài thơ, em như đòng sông" - Thằng bé ngồi vắt vẻo trên cây sung nghiêng xuống dòng sông mà thì thầm như thế, những đợt sóng dài âu yếm lăn đều đến phía trời xa, chở đi cả tiếng nói, cả cái bóng xanh nghịch ngợm của nó... Người ở xa ơi, em hãy nghe nhé, dòng sông nên thơ này sẽ nói cho em nghe tất cả tấm lòng anh... Sao năm nay em chẳng chờ anh ở bến sông xa vắng này? Năm nay em đã ở đâu rồi? Cái cửa sơn xanh của Thư viện thành phố có đôi bạn nào hẹn chờ nhau ở đấy? Đêm nay anh không ngủ được đây, anh nằm trên chiếc quan tài gỗ mộc và đọc cái thơ, cái mộng của lòng em - "Lịch thiên nhiên - Bốn mùa" - Đây là mùa hạ em ơi, em đã lật đến trang thứ bao nhiêu rồi, tác phẩm của Prítsvin?
Mình không muốn ghi lại thêm một ngày giặc ném bom Hà rinh nữa - Buổi trưa nằm ngủ mà nào có ngủ được đâu Những cây cọ xoè ô xanh che giấc ngủ, nằm trong võng mà nghĩ hoài, mà thương hoài, thương từ cái gân lá xương xương, thương cả mảnh trời xanh nhỏ tí xíu qua vòm lá mà cũng bị rạch nát bởi đường bay của giặc - Đất nước, có bao giờ được ngủ yên đâu!
19/4/72
Ở đây đặc biệt có nhiều cô gái trẻ - nhiều một cách đáng ngại. Đất Thạch Hà, và Thạch Kim, Thạch Nhọn trong thơ của P.T.D còn cách đây không xa lắm! Đi đến Thạch Hà vào chập tối - làng xóm ở đây thật đẹp, nhất là vào đêm trăng sáng như đêm nay. Em nhỏ nhắc vó tôm ngoài con mương lừ đừ dọc đường đất rộng - Và khi vừa chớm đặt chân vào xóm, từ sau luỹ tre ướt át ánh trăng bỗng thon thả tiếng hát của người con gái. Tiếng hát bỗng trở nên gần gũi và quen thuộc khi ngó vào một ngôi nhà ngỏ cửa, vẫn thắp ngọn đèn con với trang vở học trò... Lại sắp thi rồi, tháng 4, mùa thi về đậu trên ngón tay em.
Đường đi trong xã thì đẹp, hàng phi lao cao, thẳng, mỗi cây treo một ngọn đèn trăng - Nhưng nhà cửa thì không gọn và đẹp lắm - Đất cát và nhiều nước, đào hầm một lát là nước ùa vào ngay thôi. Nhưng đó là mạch ngang. Bởi vậy, rất ít giếng và hồ - Gia đình mình có một con đi bộ đội - Trung sĩ Dương Nhung, vợ anh từ Bên Thuỷ sơ tán về đây, cháu còn rất nhỏ, nó nằm trên nôi tre cùng một gian với các chú bộ đội. Mỗi người qua đây trú quân ở đây đều thương và yêu nó, những bàn tay chưa hề làm bố cũng nhè nhẹ đưa nôi và ru cho cháu ngủ. Tự dưng, mình cảm thấy tha thiết muốn được như đứa bé, là
cơn của người chiến sĩ, và cứ sau mỗi lần quân đi, cháu lại được lớn lên...
Ở đây có tục lệ báo động rất hay. Từ rất xa, ở những vùng gần biên giới, khi thấy có máy bay vào họ đánh trống luân phiên, xã ở trong nghe xã ngoài và cứ như thế, tinh thân đoàn kết hiệp đồng của nhân dân đã thắng cả động cơ phản lực của quân thù.
Mình cũng không ngờ rằng đến đây lại được đọc tập 1 của “Con đường đau khổ”. Tác phẩm mà Như Anh yêu và quen thuộc nhất. Song, để được đọc non nửa, mình đã phải trả một cái giá "khá đắt" - Ban ngày trời nóng như nung, đến chiều dịu dần, cua bò mát; bọn trong A hò nhau đi bắt cua và hái rau khoai về nấu canh - Chúng nó cứ tị với mình và lúc thì sai giã cua, lúc thì sai đun bếp – Mà mình chỉ mượn được cuốn sách đến tối thôi - Vậy là cáu tiết mình bảo không ăn đâu, đừng tị nạnh nữa. Và quả thực, đến bữa ăn mình chẳng thèm ăn gì đến canh cả, chúng nó mời cũng mặc, tự ái mà! Vả lại cũng vì ghét cái tị nạnh xấu xa của bọn nó - Trẻ con thật. Khổ một điều hôm ấy cơm khô khan quá, chẳng có tí tẹo canh nào. Nhưng rồi cũng chẳng chết ai, mà mình lại biết thêm được nhiều điều mới mẻ.
À, giờ đây mình mới biết Bétxônốp và Êlidavêta là ai đấy. Êlidavêta ở đây chứ không phải Êlidavêta trong "Một ổ quí tộc” của Tuốcghênhép - Êlidavêta trong Tuốc là người con gái được yêu mà không cảm thấy niềm vui – Và như vậy là đáng thương - Còn Êlidavêta trong A. T thì cũng đáng thương không kém.
Mình cảm thấy rùng mình khi nhớ lại rừng 1 lá thư của Như Anh đã nhắc đến Bétxônốp và Êlidavêta - Chẳng lẽ mình là một Bétxônốp chăng?
27/4/72
Phải hết sức trấn tĩnh, tới mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật ký này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả. Tôi không giải thích ra sao nữa. Người ta giải thích được cần phải trấn tĩnh mới hiểu lý do và lung tưng. Còn tôi rời rã tôi chán nản với hết thảy mọi điều, mọi thứ trên trái đất này. Phải, tôi hiểu rằng, với một người con trai đang khoẻ mạnh, đang sung sức, đang ở giữa mùa xuân của đời mình thì buồn nản, thì chán đởi là một điều xấu xa và không thể nào tưởng tượng được - Người ta đã chỉn rủa biết bao lần những thanh niên như thế - Nhưng tôi biết làm sao khi chính bản thân tôi đang buồn nản đến tận cùng này. Tôi lê gót suốt con đường mòn - Con đường mòn như chính cuộc đời tôi đang mòn mỏi đi đây – Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đang rút nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi nó rớt xuống, rớt xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông.Không, chẳng có ai có thể đem lại cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, giá lúc này tôi có thể chết ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung sướng biết bao. Thì sung sướng biết bao...
29.4.72
Tạm biệt! À quên, vĩnh biệt Cẩm Lạc - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh - Chắc chẳng bao giờ mình quay lại đây nữa. Tuy thế. mình đã bỏ lại đây nhiều sách vở, 16 tập thơ chứ ít ỏi gì Toàn những tập thơ đáng giữ gìn cả. Nhưng không thể đem đi được. nặng quá. Vả lại, vào gần chiến trường rồi, sắp vượt Trường Sơn, mang đi nhiều ắt cũng phải vứt đi thôi
Ở Cẩm Lạc chưa được trọn 1 tuần - Vì đến đây có hơn 3 tuần. nhưng rồi đi diễn tập và công tác ở C18 nên không ở đây nhiều Hôm qua lên C18 định học tiếp tín, nhưng rồi chẳng học gì cả. Ngủ 1 ngày trên ấy rồi về. Đeo nặng. Tạm biệt dòng sông.
30/4/72
Kỳ Tây - Kỳ Anh - đội 8. Đến lúc 2h30 sáng. Ngủ ngoài rừng, con suối nhỏ, nước đen. Con đường rải đá trắng. Dân cư thưa thớt. Rừng rậm. Cành khô, mưa buổi sáng.
Nhắc nhớ đến 29.4. Ngày ấy 1 năm trước đây đang nằm trên gác 4 trường Tổng hợp. Thế mà năm nay lại ở đây rồi. Hôm qua thứ 71 hôm nay là chủ nhật, nếu như ở nhà đi học thì đã có bao nhiêu niềm vui và nói chung là thoải mái và có thể đi dạo trên những con đường rải đá trắng; hoặc mịn cát, hay là con đường nhựa dẫn ra ngoại vi thành phố - Hoa sữa ban đêm sẽ dắt tay ta sẽ dắt lòng ta đi trên hè phố - Và chắc sẽ nghĩ một chút gì tới bài học, nóng ruột mà - Còn thì lại nhớ cô gái phố Nguyễn Du cho mà xem.
29.4.71. Cũng không thể hình dung được một năm sau đó lại thay đổi ghê gớm như vậy! "Năm nay anh đã ở gần tiền phương" quả thật kỳ lạ hết sức.
Hành quân! Hành quân!... Những đoàn quân cứ đi thoải mái và không biết bao giờ mới dừng lại, quay ra ở đội quân chủ lực, cơ động trực thuộc Bộ, không ở đâu được lâu quá 2 tháng. Cứ đi, cứ đi...
Phải cái hành quân nặng! Lần nào cũng 30kg trên vai là ít. Đất nước rộng thì đẹp và cảm thấy tự hào - Nhưng lắm lúc nguyền rủa con đường vì nó quá dài đi. Đi mãi mà không tới. Chỉ có 20km thôi mà lời động viên phải dài hơn cả 30km nữa! Phút thú vị nhất là 10 phút nghỉ giữa đường hành quân - Nằm trên đồng cỏ rộng mênh mông, có ánh sao xanh biếc, những ngôi sao biết nói - Gió từ biển xa thổi vào, qua những rặng núi xanh đã phai hết vị mặn - Mát gió đến miên man, mình cứ ao ước phút này kéo dài đi mãi, đấy là phần thưởng đối với mỗi người sau một đợt hành quân dài - Mình hay nhớ đến Như Anh nhớ đến Như Anh vào phút sung sướng ấy Anh vắng em ở chặng đường này...
Điếu thuốc hay đỏ ở phút này. Một điếu thuốc ở đây mới quí giá làm sao. Lính ngồi vòng quanh, để điếu thuốc đi vòng mấy lượt - Đầm ấm và da diết biết bao. ở đây, trên núi rừng Hà Tĩnh, người ta kề về câu chuyện tình đầy hấp dẫn của Gơrigôri và Ắcxinhia trong “Sông Đông êm đềm”. Hôm ấy ăcxinhia mặc áo và váy mới, chiếc váy hoa dành cho ngày hội, hôm nay lướt trên bờ sông Đông êm ả. Cô nhìn Gôrigôri cưỡi ngựa và cặp mắt của họ nói hết với nhau những điều thật là khó nói... Gorigôri chạy như bay xuống bờ sông, trong gió thoảng tiếng cô gái xinh đẹp cuống quít - Anh Gơrigôri, em đi được mà, em đi được mà...
Còn ở đây, lính bảo chẳng hề được gặp cô gái nào giữa những người lính đi chiến trường - Toàn lính đực! Biết làm thế nào cơ chứ! Các cô gái làm sao mà chịu đựng nổi cảnh này.
Tìm phương Bắc qua ngôi sao Bắc đẩu mờ. Và nhớ những người thân ở phương Bắc - Ngày càng đi xa. 5 thằng lính đã đảo ngũ rồi - Hèn thật!
1/5/72
1/5/70. Hai năm rồi, kể từ ngày ấy.
Đừng có nhớ vớ vẩn.
Đóng quân ở Kỳ Lâm, bên cạnh dòng suối lừ đừ. Bên cạnh ngôi trường cấp 1.
2/5/72
Hôm nay dừng chân ở một trạm giao liên dọc đường ra tiền tuyến. Trạm giao liên mà mình hay ao ước được đi qua, được nhìn, được ngắm và được sống. Thì đây, trạm giao liên (có thể nói là đầu tiên) mà mình được đến. Bao nhiêu người đã đi qua đây, đã sống ở đây? Cơn gió mát lành qua vách lá, bao nhiêu lần đọc tên anh bộ đội? Mình cảm động biết bao lần, cứ nhìn cái cửa buộc bằng sợi dây rừng - Vách lá bơ phờ, nhưng dễ lọt vào chân núi, giữa một vòm cây mát rượi. Nước không nhiều, nhưng trong vắt và mát lạ lùng. Hoa rừng năm cánh rơi ở ven suối như sao trời buổi sớm, bậc đá dẫn người đến suối, có vết ám khói
Ngoảnh nhìn ra cửa là thấy núi - Núi Hà Tĩnh mát ngọt như một dòng sông - Cây lên xanh và tháng 4, hoa sim, hoa mua nở tím đất trời - Chỗ nào cũng thấy cỏ, cỏ gai và cỏ gà và cả cỏ mật thơm lừng - Bước chân lên cỏ dầy, cứ ao ước ở đây lập một nông trường chăn nuôi bò sữa - Rồi đất nước mình sẽ đẹp biết bao!
Gió đã hơi nóng, khi trời đã tháng 5 rồi, mùa hè rồi đấy em ơi. Rồi gió Lào sẽ về đốt cháy cây cỏ - Cốt sao đừng để lòng mình héo quắt queo đi - Buổi sáng, đi vào rừng lấy gỗ mình bỗng gai cả người vì tiếng trẻ hát trong trường cấp 1 bên cạnh nhà. Chúng đang hát và múa, chắc là để chuẩn bị kết thúc năm học và 15/5; 19/5 đây. Tuổi thơ... đã xa lắm rồi - Không còn được đi học, không còn được lo lắng vì bài toán chưa làm xong, vì một điểm kém - Xa lắm rồi…
Chưa bao giờ nhớ Như Anh như hôm nay - Khi từ dòng suối mát lành trở về lán. Bỗng như trở về cuộc sống thật hôm qua. Nghe rất rõ tiếng Như Anh cười, nghe rất rõ tiếng Như Anh nói - Tưởng chừng xoè tay ra là nắm được tay Như Anh rồi, cái bàn tay xinh xắn, cái bàn tay yêu thế…
Như Anh, sao Như Anh bạo thế? Sao Như Anh dám yêu một người con trai kém Như Anh về mọi mặt - Một người con trai nghèo nàn và ngu dốt. Người con trai ấy đi chiến trường và rất dễ chẳng bao giờ quay lại - Sao Như Anh dám chờm Không nghĩ đến những đòi hỏi của mình ư? Trời ơi, sao mình ngu dốt thế? Không thể nào nói rõ ràng được những nỗi xúc động đang trào lên, đang dâng lên. Không thể nào diễn tả nổi những cảm xúc này. Những cảm xúc rất thật, rất cụ the và khiến mình say sưa đến thế...
Mình sẽ làm gì đây? Làm gì đế xứng đáng với Như Anh? Không the than thở mãi, không thể cứ ao ước và mong mỏi một cái gì may mắn đến làm thay đổi cuộc sống hiện nay. Mới đó, mà đã 1 năm, sắp 1 tuổi quân rồi – Có cái gì mới đến với mình không, và mình đã làm được gì cho Như Anh? Đừng để Như Anh phải đau khổ vì mình, vì đã yêu nhầm 1 người không đáng để Như Anh phải quan tâm tới Đừng để sự ngu dốt ngăn cản TA, T. nhé.
Từ khi vào đất Hà Tĩnh, bọn ình rất ức vì máy bay địch chúng nó bay rất thấp, chậm rề rề và nghiêng ngó hết sức láo xược Cứ từng tốp 2 chiếc lượn lên lượn xuống quanh những chóp núi màu xanh lục phì khói đen ở sau và ngạo nghễ nhòm ngó. Bầu trời của chúng nó đâu mà dám làm như vậy! Nhưng súng phòng không của mình thì lại quá ít, hầu như không có. ở đây, chủ yếu là phòng tránh không bắn trả. Nấu cơm ăn phải không có khói lên, phơi quần áo cũng không được phơi ngoài nắng. Bỏ mặc bầu trời cho địch (!) Vô lý thật - Thế mà đó lại là chuyện thật!
Ta đang đánh lớn trên chiến trường - Giải phóng La Vang, Đông Hà rồi - Tới đây, nghe tin E3 đã đi chiến trường được 5 hôm - Bây giờ có lẽ đã đi được nửa đường - Bọn mình chắc cũng sắp đi thôi - Vào trong ấy, vào trong ấy. Biết có giữ được mình không? Mình sẽ bắn chết thằng lính Mỹ đầu tiên lúc nào nhỉ? Phải, nhất định phải bắn nhiều chúng nó đâu còn là người nữa!
Rừng ở đây đẹp tuyệt. Cây cao, thẳng và rậm. Vắt dĩ nhiên là nhiều rồi, nhất là trời mưa - Đi lấy gỗ, nó bâu kín cả các kẽ chân. Mình vẫn chưa có kinh nghiệm lấy gỗ, chặt toàn đu đủ rừng, trông thì rất thẳng mà vụng - Làm nhà cũng không được, khô là cứ tóp dần đi - Làm củi cũng không được, chỉ toàn khói và không hề có lửa! Dạo ở Nhã Nam đã bị nhầm 1 lần, lên đây vẫn cứ nhầm.
Đêm ngủ ở Hà Tĩnh, nghe tiếng chim "bắt cô trói cột" kêu mà rầu cả lòng. Tiếng khóc của người xưa đề lại dư âm hoang dại ấy đến tận bây giờ! Gà rừng te te gáy, gợi nhớ buổi sân ở nhà... Chao ôi, mình nghĩ gì thế này? Điên rồi đấy!
Sau này về, mình sẽ kế cho Như Anh nghe thật nhiều, chuyện về chú sóc con lần đầu mình nhìn thấy trên cây trám. Hai con mắt nó tròn và xinh ơi là xinh, cứ như hai viên ngọc ướt nước mưa vậy, cái đuôi bồng lên, nó chạy thoăn thoắt trên cành cây nhỏ, hệt như giọt nước thật trong lăn trên lá khoai vậy. Rồi cả con kỳ đà leo trên cây, Sơn nó. trông thấy - Cu cậu giương súng cao su bắn, trúng lưng, trúng đầu, chú kỳ đà lại nhô đầu lên ngó. Cái lớp da mới dầy và cứng làm sao - Hàng vây trên lưng nó như vây cá - Và cái đuôi như một con rắn, nom rờn rợn - Vậy mà khi Sơn nó đập, con kỳ đà rơi xuống ven suối đánh bộp, đem về thịt, ăn cũng ngon - Rất ngon là khác. Sẽ kể hết với Như Anh nhé, cả cái lá mâm xôi để nấu nước - Cả cây sa nhân sa mỏng mảnh mọc chòi bên bờ suối - Kể để Như Anh cùng vui trò chơi tuổi nhỏ của anh bộ đội, cầm đèn pin đi sợi cá Con cá chói mắt. đứng im giữa dòng nước chảy, chém nhẹ con dao và chú cá ngửa bụng lên ngay - Dễ thế mà đêm qua, mình bỏ mất một chú tôm thật to - Rồi còn để sổng 1 con cua đá nữa. Như Anh đừng có cười đấy. T. của Như Anh còn vụng về biết mấy. Đi bắt con cua đêm mà có bắt gì đâu, chỉ nhìn cái vòng sóng ánh sáng hắt lên người đồng đội và đốm sáng kéo từ mặt nước xuống những viên sỏi dưới lòng suối... để làm thơ - Bài thơ về cuộc sống rất thơ của anh bộ đội. Kể Như Anh nghe nhé, đồng ý không nào?
3/5/72
Người ta nói: "Nước sông, công lính" kể cũng phải thôi. Đi từ Cẩm Lạc đến đây, hành quân mất 2 ngày, 2 đêm. Mỗi ngày đi 20km vì không được đi theo quốc lộ 1 - Toàn đi đường rừng núi - Tuy vậy, đã thấy xa. Về đây, được nghỉ 1 ngày để ngủ - Hôm sau vào rừng lấy gỗ về làm nhà kho. Mỗi người theo tiêu chuẩn là 4 cây/ ngày, cây phải cao 4m! Kinh khủng! Mình và Ch. tuổi sáng vào rừng chặt được mỗi đứa 2 cây. Kéo từ đỉnh núi, theo con đường mòn vằn vèo - Rừng không xa, chỉ cách nhà chừng 1km, nh mợ cây ở dưới chân núi thì nhỏ. Phải trèo chót vót lên đỉnh, cây mới cao, thẳng, mới đủ "tiêu chuẩn" đề ra.
Chiều, định đi lấy nốt mỗi người 2 cây cho xong, thì được lệnh nghỉ chuẩn bị tối đi về Cẩm Lạc lấy số gạo gửi khi đơn vị di chuyển gấp. 5h30 bắt đầu hành quân. Mình cứ tưởng đi bộ không có ba lô ắt phải nhanh và nhẹ nhàng hơn. Nhưng chẳng nhẹ lắm đâu. Cũng vẫn mệt nhoài, đến nỗi bọn mình nằm la liệt dọc đường đi. Rồi rẽ ngang, rẽ ngửa, lạc cả đường. Khoảng 1 giờ sáng 4/5 thì mình tới nơi. Có đứa mãi 8 giờ sáng mới lò dò về. Hôm hành quân đến đây, đường còn nguyên vẹn. Hôm nay quay lại, những chiếc cầu gỗ khá vtmg chắc đã bị ném bom tan tành để trơ lại những khe sâu đen mò, lá lau um tùm. Trèo qua. Ô tô chạy ban đêm phải thắp đèn gầm, nhưng chạy với tốc độ kinh khủng. Cứ lồng lộn và cuốn bụi khét nồng.
Mình trở lại nhà cũ. Nhà o Hồng đấy. Cả nhà ngủ sạch - Chỉ có bà mẹ dậy nấu nước cho bọn mình ngâm chân. Trăng 17 giờ mới tỏ. Bọn mình quay ra ngủ, chẳng mắc màn gì cả - Vả lại, làm gì có màn - Không đem – Đêm ấy chắc muỗi nó khiêng đi còn gì.
4/5/72
Gia đình tỏ ra không xứng đáng với lòng tin của mình- Rất buồn vì những cuốn sách mình gửi lại đã bị lục tưng ra và vứt bừa bãi. Nó chứng tỏ chủ nhân không hề tôn trọng khách. Chứng tỏ một thái độ thiếu lịch sự của gia đình. Buồn hơn, nình đã nhờ hẳn o H. cất hộ. Thế mà khi gửi. mình cứ nghĩ và lo rằng, cho đến khi gián nhấm hết cả gáy sách rồi, mà gia đình vẫn không dám giở ra xem. Chán thật, lòng tin đối với con người.
Và thương biết bao cuốn sách mình yếu quí - Những bài thơ khiến mình xúc động - Thế là vĩnh viễn không còn gặp được nữa.
Trời nắng kinh khủng. Gió nóng rồi. Dạo này bên Lào bắt đầu có gió Lào – Nó sẽ thốc đến đây và mang màu đen cho anh bộ đội khu 3. Cả ngày không hề có dáng 1 chiếc máy bay. Nhân dân bảo: Từ khi bộ đội đi. máy bay không đến ném bom nữa - Rất lạ, nhân dân nhạy bén với cán bộ và bộ đội lắm - Họ bảo, bọn mình sắp vào Quảng Bình và ở đó rồi đi chiến trường thay cho 1 đơn vị vừa có lệnh ra Bắc - Không hiểu có đúng thế không - nếu đúng thì nguy hiểm lắm - Việc giữ bí mật trong đơn vị không tốt lắm.
5/5/72
Không ngờ bọn mình lại đi nổi đoạn đường dài đến thế với 20kg trên vai. Và liên tục mấy ngày hành quân, lao động mệt nhọc - Thế mà đến nơi đúng qui định - Chỉ rớt lại mấy người ngủ ở nhà dân dọc đường.
Đây là những điều mình thấy trong đêm hành quân.
Lại những cô gái Hà Tĩnh. Mình cảm thấy hơi sợ cái giọng hò Hà Tĩnh rất dai dẳng và chói tai. Các cô đi trong đêm khuya với công nhân nông trường nuôi bò dọc đường 24, vào tận sườn núi tối đen, qua cánh đồng khá rộng – Và các cô hò. Tiếng hò - Chao ôi...
Lại cái thái độ giả tạo, kiêu ngạo của a. M. Anh ta hay chế nhạo người khác một cách thô lỗ dưới một lớp vỏ ngoài khiêm tốn. Rồi thái độ bề trên, hách dịch, ra lệnh của Th.. Mình cảm thấy buồn chán rất nhiều. Con người sống với nhau chưa thực với mong muốn của mình. Phải nói rằng, mình chưa sống với ai được 3 tháng mà hoà thuận cả. Mình luôn luôn tìm thấy ở các bạn của mình những tính xấu Những tính xấu. Những tính xấu không thể tha thứ được ở người này là sự hợm mình - ở người khác là lòng đố ky, ghen ghét - Ở người kia là cái giọng nói cố ra vẻ hùng hồn - Tất cả những cái đó khiến mình cảm thấy con người có vẻ gì giả tạo - Nghi ngờ, và nghi ngờ mãi. Mình hay nghĩ tới Như Anh - Như Anh ra sao nhỉ - Phải Như Anh chính là người bạn nữ duy nhất mà mình còn gửi thư, còn thường nghĩ đến và nhớ nhung. Mình không muốn thế - Mình không muốn yêu một người con gái khác với Như Anh thực. Mặc dù người con gái đó chỉ là Như Anh trong tưởng tượng của mình. Hơn bao giờ hết, mình mong muốn hiểu Như Anh, hiếu rõ ràng và cặn kẽ Như Anh - Đồng thời, Như Anh cũng hiếu mình như thế. Cuộc sống còn có bao nhiêu điều phức tạp và trần trụi. Người ta cần phải sống với nhau trong cái gồ ghề, góc cạnh ấy và không thể nào khác thế. Người ta phải đau khổ, phải vui sướng với cuộc đời thực. Chứ không phải cuộc sống trong mơ. Như Anh ở cuộc sống thực ra sao? Liệu có làm cho mình thất vọng? Và tình bạn của TA, có bị tan vỡ khi sự thực ta sống ở bên nhau, ta gần gũi hay không?
Cũng chưa thể nào biết được. Từ xưa đến nay, đã có tình bạn nào làm mình hài lòng đâu - Bạn nào cũng vậy, chỉ trừ Như Anh là chưa rõ mà thôi. Bao giờ cũng đem đến cho mình một niềm sầu muộn, chao ôi, những tình bạn trên cuộc đời này. Nói vậy, không phải lúc nào cũng khiến cho mình buồn bã. Cũng có lúc nó đem lại niềm vui, đem lại niềm an ủi và sung sướng. Nhưng tách ra khỏi cái hoàn cảnh ít nhiều đặc biệt ấy - phần lớn, mình cảm thấy chẳng hài lòng. Hay là lỗi tại mình? Tại mình sống không tốt nên mình không cảm thấy hết được cái đẹp đẽ trong tình bạn- Nên mình không xây dựng được một tình bạn nào cao cả và đẹp đẽ cả.
Như Anh ơi, Như Anh... Như Anh đang ở đâu rồi nhỉ. Như Anh nghe T. nói chuyện không? Buồn lắm Như Anh ạ Tình bạn của chúng ta rồi sẽ đi đến đâu? Và nhất là có đẹp đẽ như những ngày qua, như những ngày hôm nay hay không? Phải đấy là tình bạn duy nhất mà mình còn giữ được.
Không, vấn đề không phải đơn giản như thế. Còn rất nhiều điều khác nữa tế nhị và rất đáng sợ nữa - Những vấn đề chỉ rất nhỏ nhưng không phải không quan trọng. Dễ thương,/ mình trở thành người vô tim!
Khi còn ở trường, thức đến 1 giờ sáng, và sung sướng nhận ra rằng, đấy là giờ khắc chuyển mình bước sang ngày mới. Thực ra phút chuyển mình sang ngày mới là sáng sớm. Đó là lúc chuyển ngày thực sự và phần thực thuộc về ánh mặt trời đỏ ửng viền đỉnh núi phía Đông. Còn phần mộng thuộc về ánh trăng 18 ban đêm... Ta đi giữa, bộ đội đi giữa.
Nghĩ những điều vớ vẩn ấy làm gì khi ở nhà vừa xảy ra 1 việc, 8 giờ sáng ngày 4/5, máy bay địch đã bắn đúng khu nhà của B thông tin và D bộ. (Lúc ấy, mình còn ngủ ở Cẩm Lạc, đắp chăn dạ ngủ cho đỡ ruồi - trời nóng – an nhàn và hoà bình thế thì thôi). Vì về gần đến nhà bọn mình mới biết. 4 quả bom đã phá sạch, phá tan tành và xơ xác ngôi trường cấp 1 bên cạnh. Ngôi trường đẹp, thoáng và mát. Cô giáo mặc áo trắng, khoác khăn nguy trang xanh và những em bé hiền lành, hay nghịch ngợm. Hôm nào, mình còn nghe các em ca múa chuẩn bị cho ngày kết thúc năm học - Hôm nay, các em đã ở đâu - Và có em nào chết?
Bộ đội dừng lại trước ngôi trường hôm qua tan tác vì bom đạn địch. Hố bom đen kịt, gỗ ngổn ngang, đất đá tơi bời – Có mùi tanh tanh và khét lẹt. Hầm sập - 5 em nhỏ đã bị chết và 1 số bị thương. Rất may hôm đó bộ đội đi lấy gạo gần hết, chỉ còn một số ít ở nhà. 1 quả lao xuống nhà bếp. Mái bếp bị thủng 1 vết rất ngọt. Quả bom lao thẳng xuống làm bay mấy cái nồi quân dụng, cái ớ a thức ăn có mấy kg thịt, con cá bắt dưới suối và mấy cái nồi. Một quả cắm xuống cửa hầm, ở trong có 3 người: An, Toàn, Tốt (!) Mấy quả bom rơi vào lán đều không nổ! Người ta phát hiện, đấy là do công nhân Mỹ phản đối chiến tranh đã lắp bom không có kíp, bom không nổ. Cũng có thể.
Nhưng có ý kiến công binh cho rằng, máy bay bay quá thấp nên bom không nổ được - Chưa biết thế nào. Chỉ cần biết: nó không nổ - Thế là được.
6/5/72
Học chính trị và thảo luận chính trị. Tình hình và nhiệm vụ mới. Người ta nhấn mạnh một cách quá đáng tình hình ở chiến trường. Lẽ ra, với bộ đội, không cần phải động viên một cách chung chung và lạc quan một cách như thế. Nên cho những người ở chiến trường hiểu và những người sắp ra chiến trường hiểu cụ thể về tình hình chiến sự. Kể ra, cũng không còn nghi ngờ gì về chiến thắng của chúng ta cả. Ta đã thắng và đang thắng lớn. Nhưng có lẽ câu kết luận của các cán bộ chính trị chưa thoả đáng lắm đâu. Nên cho những người lính hiểu tất cả khó khăn đang chờ đợi họ. Chiến trường càng ác liệt trong suy nghĩ của người lính, họ càng chóng thích hợp khi giáp mặt với quân thù.
Thế là lần đầu tiên, ta đã thắng lớn, rất lớn vào chính tháng 4. Mình cũng hơi buồn vì những chiến thắng lớn như vậy mà mình chưa có mặt trên chiến trường. Nhưng cũng rất tự hào vì mình đang làm công việc cần thiết cho những thắng lợi ấy. Khi nghe tin chiến thắng giải phóng Quảng Trị, Đông Hà... tiêu diệt hàng vạn địch... chính là lúc mình đang hành quân về Cẩm Lạc lấy gạo – Đoàn người ùn lại xung quanh anh cán bộ, đeo cái đài Li do to cồ cộ, để nghe bản tin dài 90 phút của đài mình thông báo tình hình chiến thắng. Thị xã Quảng Trị đã được giải phóng, bộ đội ta đang tiến vào... và bản nhạc giải phóng Điện Biên nổi lên vừa hùng tráng, tự hào, cảm động, vừa quen thuộc. Mình bước như say trên đường, qua khe suối, qua bụi cây mua... Đêm nay đây, bao nhiêu người bước chân trên Trường Sơn?...
Nhìn những ngọn núi xanh xa xa, cây cối sùi lên như mây trên đỉnh núi, mình hiểu rằng, đấy chính là chân Trường Sơn - Khi nào mình được đứng hẳn trên Trường Sơn nhỉ đứng ở đó, nhìn ra bốn phía mênh mông, thấy những dải rừng cháy tan hoang vì bom napan và chất độc hoá học Mỹ - và được gặp những người chiến sĩ lăn lộn ngày đêm trên tuyến lửa. Mình đã ao ước từ lâu, được ngắt một chùm lá săng lẻ, được đi dưới rừng khớp và mắc võng trên những cây rừng đã mòn vết người đi trước. Mình cũng hiểu rằng, những cái đó đều phải trả bằng mồ hôi và cả máu nữa - Phải trả một giá khá đắt. Nhưng có hề gì,không dám hy sinh làm gì có hạnh phúc, niềm vui?
Bộ quân phục đầu tiên của mình đã sắp rách rồi. Mình rất yêu bộ quần áo này, hình như nó cũng gần là quần áo sinh viên. Dạo ấy, cứ nhìn anh bộ đội nào có bộ quần áo ấy, với độ phai màu ấy và diếc mũ mềm giặt vài lần đã bạc phếch... thì chắc người ấy đi bộ đội đợt 6.2.71, đợt của các trường.
Bây giờ đã là tròn 8 tháng tuổi quân. Vẫn binh nhì! Không sao lên được thêm một ngôi sao nữa. Trước kia ở ngoài quân đội, ông đại uý cảm thấy thường thôi - giờ vào bộ đội mới biết, thiếu uý cũng đã hét có khói rồi. Hôm qua, người ta đã bắt khai quân trang để chuẩn bị cấp phát đọt mới. Và thế là “coi như” 1 năm trong quân đội. Vả lại, sắp đi chiến trường nên phát rất nhiều thứ, nhiều đến mức độ muốn vứt cả đi.
Khi nào được quần áo mới, bắt đầu phải thêu lên ngực áo tên và ký hiệu đơn vị mình (Phòng khi bị ném bom mà đã ruồi!) Eo ơi, lính toàn đứa khéo mồm, vụng tay, thêu bố nhắng lên nắp túi ngực, chữ chẳng ra chữ. Mình nhớ Như Anh nhất là những lúc như thế - Chao ôi, sao mình chẳng hề được sự chiều chuộng ấy nhỉ, như Hảo trong "Vùng trời"ấy: Đêm khuya lắm rồi. Ngủ đi anh!"
Sao không có Như Anh ở đây, để Như Anh thêu lên ngực áo nình. Không/ Như Anh phải học chứ, phải học giỏi, và không nên bắt Như Anh làm những cái vớ vẩn như thế được.
7-5-1972
18 năm rồi ư? Từ ngày chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu. Những ngày đó mình mới chỉ là đứa bé lên 2. Đã biết gì đâu. Người ta bảo rằng không ai khi nằm trong bụng mẹ đã hỏi được hoàn cảnh xuất thân của mình. Không thể hỏi được mình đã sinh ra trong gia đình thế nào, tư sản hay địa chủ cường hào! Song không phải ai cũng thế. Ngay cả trong thời đại chúng ta - Thời đại mà Đảng sẵn sàng dắt bất kỳ con người nào 1 lòng trung thành với Đảng để đi tới hạnh phúc của cả loài người.
Từ rất lâu rồi mình vẫn mơ hồ về gia đình của chính mình. Những người khác, những người bạn khác của mình họ thường tự hào về hoàn cảnh xuất thân của họ. Tự hào về các anh chị và các em, ông bác, ông chú xa xa, gần gần của họ. Rồi còn vô vàn cái để họ tự hào nữa. Mỗi khi nhắc đến lý lịch là người ta lại cảm thấy trào dâng lên một niềm vui, một nỗi sung sướng pha chút gì kiêu ngạo. Có lẽ bởi vì con người họ không có chút gì đáng tự hào nên họ phải làm như thế chăng?
Cũng phải thôi, vì bản thân họ rất sung sướng được sống và sinh ra trong một gia đình cách mạng, cha mẹ, ông bà họ là những người đã đổ xương máu cho dân tộc, cho giai cấp. Và giờ đây, Đảng đặt lòng tin vào con em các bậc tiền bối cách mạng ấy.
Chao ôi, bao nhiêu lần mình ao ước có được hạnh phúc xa vời ấy, được Đảng tin và trao cho những nhiệm vụ nặng nề. Có người sẽ bảo: Thì đấy, anh được đi bộ đội đó thì sao? Chẳng lẽ anh không được Đảng tin cậy mà lại trao nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc à? Không, đừng ai nói thế! Chuyện gì cũng có điều tế nhị của nó. Nói ra ư, không khéo thì trở thành phản cách mạng mất. Có đi trong quân đội mới cảm thấy nỗi khổ của những người không phải Đỏ hoàn toàn. Không ở đâu có sự liên quan mật thiết về chính trị như trong quân đội cả. Nhiều khi mình có cảm giác bị bỏ rơi. Mình nhìn lại các bạn trong A đường như lý lịch của ai cũng có thể đảm bảo cho bản thân họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Riêng mình...
Khi còn ở trường phổ thông, dẫu sao quan hệ chính trị cũng còn bằng lặng. Tuổi thơ trong sáng biết chừng nào, nó chưa bị vết đen của quá khứ gia đình đè trĩu hai vai. Người ta hoàn toàn được bình đẳng với nhau trong mọi quan hệ. Chỉ vì hơi gợn một chút qua thái độ của cô hiệu phó cấp III một ít. Song, còn thoải mái lắm.
Ở trường đại học, nhất là Trường Tổng hợp, nhà trường chú ý nhiều đến chuyên môn và ít chú ý đến chính trị mấy. Người ta lao vào học tập, vào những cuốn sách, và cứ nghĩ rằng đó là chống Mỹ cứu nước rồi. Không nhiều lắm những người chỉ thích đi làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn như kiểu Thuỵ, Qui...
Phải, sống ở đó, mới mơ hồ về chính trị làm sao. Người ta dù đỏ trên lý lịch hay không, nhưng tiếng nói trước tập thể thì lúc nào cũng có thể đỏ bừng - Ai cũng có quyền nói mà không thấy ngượng. Không thấy đụng chạm vào một "cái gì đó" của mình. Vả lại, trong trường đại học, con em gia đình không cơ bản không phải là ít. Đầy rẫy ra đấy. Mà phần lớn lại là những đứa học giỏi, rất giỏi của lớp!
Còn giờ đây thì khác nhiều rồi - Đâu ra đấy cả - Cùng là 2 người không hề khác nhau gì về bản thân họ, nhưng lý lịch trong sạch, nhất là đỏ thực sự, là khác nhau lắm rồi. Không ở đâu sự đấu tranh giai cấp lại diễn ra quyết liệt như trong quân đội cả. Không khoan nhượng, không xuê xoa - Và Đảng thực sự nắm trọn vẹn và vĩnh viễn ngọn cờ lãnh đạo quân đội.
Rất nhiều khi đứng nhìn đoàn bộ đội đi qua, mình cũng thấy lẻ loi, lẻ loi quá đi mất! Khuôn mặt nào cũng đẹp, mình cứ nghĩ chỉ có những người cộng sản thực sự mới sinh ra được đoàn quân ấy. Họ đi, họ đi... và có lẽ họ chẳng biết rằng họ đang được hưởng một gia sản quí báu mà ông cha ruột thịt của họ mang lại.
Cứ mỗi lần khai lý lịch, mình lại buồn, buồn tận sâu xa. Anh Thục cảm tình Đảng từ lâu rồi mà chưa được kết nạp. Và cứ càng về sau, nói chuyện với anh, mình lại cảm thấy anh cứ đuối dần, cứ đuối dần. Anh cứ thất vọng dần.
8-5-1972
Thực tình đã có dấu hiệu gì chứng tỏ mình “bị loại ra khỏi đội ngũ” đâu! Nhưng linh tính cứ cho mình biết rằng mình không thể trở thành một đảng viên được. Mơ hồ thấy rằng khó khăn đến với mình sẽ nhiều đây.
Không sao hết! Miễn rằng anh sống thực sự như một đảng viên, thế đã tạm đủ rồi. Vào Đảng để làm gì nhỉ? Khi người ta đã sống và làm việc như một đảng viên rồi! Không nên suy nghĩ gì về chuyện ấy hết. Đảng khắc sáng suốt và dìu dắt mình. Điều cơ bản nhất, gia đình mình là gia đình lao động, cha mẹ mình là người lao động và hoàn toàn giác ngộ. Mình luôn luôn tin là thế.
9/5/72
Xem bộ phim “Ở phương Tây xa xôi"
Đức và Nga hoàn toàn có quyền tự hào về những đứa con của mình - Đại tá Xakharốp, người Nga hạnh phúc, như thiếu tá kỹ sư xây dựng Đức Boong le đã nói, quả xứng đáng với mềm hạnh phúc ấy - Dù ở phương Tây xa xôi, giữa quân giặc vẫn nhớ về quê hương có đàn lươn cao cổ, có cây to 3 người ôm không xuể, và mãi ghi lu lu tội ác của giặc đã tàn phá đất nước Nga. Không thể nào quên...
12/5/72
Mấy ngày nay, tình hình chiến sự căng thẳng hơn nhiều Hà Nội liên tiếp bị bắn phá. Hôm 10/5, 11/5 nghe tin địch bắn phá cầu Long Biên, Khu Ba Đình, Khu Hoàn Kiếm - Học sinh các trường cấp 1, 2, 3 đã phải đi sơ tán - Các trường Đại học cũng đi sơ tán một số rồi - Không nhận được thư nhà gì cả nên không biết chút gì gọi là "riêng".
Mình đã nghiệm thấy, hễ trong này ngớt máy bay bắn phá là ngoài ấy lại bị bắn phá mạnh. Bởi thế, ngày mình yên tâm một chút là máy bay bay nhiều ở trong này. Kho xăng Đức Giang lại bị cháy lần thứ 2. V. ở đấy đấy. Không hiểu nó có làm sao không.
Địch đẩy mạnh chiến tranh ra miền Bắc - 1 1 /5 có cuộc họp kín của Nhà trắng, người ta bảo nó bàn riêng về Việt Nam.
Hôm kia, máy bay và tàu chiến địch đến nhiều trên bờ biển Việt Nam. Nó thả mìn phong toả bờ biển và khiêu khích tàu nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng. Nichxơn gửi tối hậu thư cho tàu bè nước ngoài, hẹn trong 3 ngày phải rời khỏi cảng Hải Phòng - Nếu không sẽ phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" về mọi hậu quả có thể xây ra.
Thuỷ lôi và mìn trên bờ biển là sự khiêu khích rất lớn đối với đất nước và nhân dân ta.
Đơn vị cũng đang bước vào chiến đấu thực sự. Diễn biến tư tưởng bộ đội phức tạp hơn so với dạo còn ở ngoài Hà Bắc. Đảo ngũ, trốn tránh trách nhiệm, nằm ì. v.v... Đủ cả rồi. Minh cũng tự thấy dạo này trở nên bướng bỉnh hơn- Hay cãi hơn. Vả lại, hàng ngũ cán bộ B cũng khiến mình khó mà hài lòng hay kính phục mà tuân lệnh được. 9/5 ban đêm, C3 có vụ nổ lựu đạn - Đến bây giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Tuy vậy vẫn phải đề phòng. Không hiểu có bàn tay phá hoại của địch ở đây không. Trong mấy ngày bị ném bom đơn vị, có người đã hy sinh - Hy sinh một cách không cần thiết chút nào. Bắt đầu phải gác 2người và 3 trạm. Không còn thoải mái và dễ dàng như trước nữa.
Đơn vị sắp di chuyển diễn tập. Lần này hành quân 3 ngày liền, vòng qua Quảng Bình và đến Đèo Ngang. Bọn 117 đi quan sát tình hình về cho biết ở đó rất đẹp - Sẽ đóng quân trong một cánh rừng chỉ cách biến có 100m. qua một cồn cát trắng và cơn mương nước ngọt. Sững cái chết lúc nào cũng đi bên cạnh. Máy bay ném bom, tàu chiến pháo kích - ở đó vắng và sự đi lại hạn chế hết sức. Mình đã vứt đi gần hết sách, vở, chăn, áo rét - Chỉ giữ lại 2 bộ quần áo dài, quần áo lót, tăng, võng màn, mấy tấm ảnh, 3 quyển sổ Gia tài chỉ còn có vậy thôi.
Có lẽ lần này, mình sẽ lên 425 ở 628 1007. Từ đó, nhìn ra biển chắc là rất đẹp - Chắc là sẽ thấy hết tầm rộng lớn của trùng khơi.
Mặc dù cuộc sống chiến đấu ngổn ngang, bề bộn và căng thẳng mình vẫn không bao giờ quên được Như Anh. Như Anh ở xa vậy, chắc không hề nghĩ rằng, có người lại nhớ Như Anh đến thế. Nỗi nhớ bây giờ không còn là niềm rạo rực, bồn chồn như năm trước - Mà im lìm, thấm thía - Mà là nỗi day dứt, trăn trở. Trăn trở hoài thôi. Sao thương Như Anh đến thế. Thương cả mình. cả mối tình vừa chớm nở…
Nhiều lúc mình muốn gửi cái gì đó cho Như Anh – cho Như Anh hiểu và tin rằng, mình mãi mãi thương yêu Như Anh - mãi mãi gìn giữ Như Anh yêu dấu trong trái tim mình - Song, linh cảm đẹp đẽ ấy không chỉ dừng lại ở đấy - Cũng như Như Anh bảo rằng: "Chẳng lẽ, chỉ có thế, chỉ có thế thôi mặc dù rất đẹp!"
Mình rất hiểu rằng: Phải, tình cảm ấy phải còn nhiều chuyện hơn nữa. Người ta không chỉ sổng với nhau mơ mộng - Mà còn phải thiết thực - Và còn nữa, nhiều nữa… Còn phải như đa sa và Têlêghin.
Nhưng, Như Anh ơi! Không thể nào thế được! Như Anh có hiểu rằng, người yêu Như Anh hơn hết, người yêu Như Anh đến nhức nhói cả trái tim lại chẳng bao giờ đủ sức mà gìn giữ Như Anh ở lại vĩnh viễn với mình. Cái "sức lực mỏng mảnh" của Như Anh chính là như thế đấy!
Càng mong ngày gặp lại Như Anh, mình hiểu rằng, ngày càng đi đến những ngày thất vọng thực sự của cuộc đời Thủ trưởng bảo rằng: Đừng nên nghĩ về chuyện "hậu phương" - Đừng vội nghĩ đến đòi hỏi và hưởng thụ. Không, mình có nghĩ đến hưởng thụ gì đâu. Chỉ vì yêu và thương người ở xa lắm lắm, mà mình cố tìm một con đường tốt nhất cho Như Anh đi, cho Như Anh hiểu, mình yêu Như Anh mãi, thương Như Anh mãi - Và mọi cô gái mình gặp trên cuộc đời này chỉ càng làm mình thêm nhớ, thêm thương Như Anh mà thôi!
Như Anh sẽ nghĩ gì khi càng ngày càng lâu có thư của nình? Như Anh có nghi ngờ gì lòng chung thuỷ của mình không? Nghi ngờ gì cũng được, giận dỗi gì cũng được, miễn là Như Anh làm tốt những điều mình dặn dò, ở xa, ở xa... phải, đấy là.hình là thử thách gay go và ác liệt nhất âm thầm, dai dẳng nhất - Như Anh có chịu đựng nổi hay không?
Mình không đòi hỏi gì nhiều cả - Mai sau có gặp lại Như Anh - Mình sẽ chẳng dám đòi hỏi gì ở Như Anh cả - Ta là đôi bạn thân nhất của cuộc đời riêng - Đôi bạn tin, quí và thương nhau nhất - Hiểu nhau nhất trong từng nẻo khuất của lòng. Đôi bạn nhớ nhau nhiều nhất - Nhưng, vĩnh viễn nó chỉ như thế thôi - Như Anh sẽ có một gia đình riêng nho nhỏ, với người bạn đởi nào đấy, chắc là người đó sẽ rất tốt, người đó sẽ cao thượng và đừng ghen tuông vì một tình bạn đẹp đẽ của mình.
Rồi cứ đến những ngày đáng nhớ, bọn mình lại đến nhà nhau chơi - Ta cùng giở lại quá khứ nên thơ, nên nhạc của mình, và vui sướng nhìn đến hiện tại đẹp đẽ, mà ở hôm nay thì đô là tương lai. Mình sẽ được tặng Như Anh những đoá hoa trắng muốt, những đoá hoa mà mình bắt đầu yêu khi biết rằng Như Anh rất yêu hoa...
Những ngày sống trong đời bộ đội, mình đã hiểu nhiều những tình cảm phức tạp và đa dạng. Người ta thường khuyên nhủ mình, đừng vội tin vào một người con gái. Nhưng mình vẫn tin - Tin một cách cuồng nhiệt và tự giác - Không hề phải bắt buộc, không hề phải tự gò bố, tự tìm lý do mà tin. Mình tin Như Anh không bao giờ phụ lại mình cả, khi mình suốt đời thương nhớ Như Anh và mình cũng chỉ mong có thế thôi. Chỉ mong, cuộc đởi mình cũng có 1 người con gái nhớ nhung bằng những tình cảm tốt đẹp nhất.
Người ta thường muốn phân biệt giữa người đi học nước ngoài và người đi bộ đội. Còn mình thì không muốn thế. Còn nếu như ai phân biệt thì mặc kệ họ - Và mình cũng chẳng lấy đó làm buồn phiền.
13/5/72
Chiều nay hành quân đến Đèo Ngang - Sẽ đi qua Quảng Bình và đi trong 3 hôm.
23/5/72
Mười ngày đã trôi qua. Mười ngày đầy rẫy gian khổ, khó khăn. Đầy rẫy mệt nhọc và vất vả. Và chiến trường có lẽ cũng chỉ gian khổ mức độ như thế hoặc có hơn thì chỉ hơn chút ít thôi. Đèo Ngang mình đã đến - Và quả thực, con đèo chạy dọc như nhà thơ mình thích đã nói:
Biển đã ở ngay kia, dưới chân điểm cao nơi đơn vị mình đang chốt. Sắc biển thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Còn những con sóng miên man của biến thì cứ vô hồi xô vào đất cứ xô mãi vào bờ mà chẳng bao giờ hết cả. Biến mênh mông, mênh mông, còn đất nhỏ hẹp - Vậy mà cứ như thế mãi thôi...
Không, mình cũng không hiểu định nói điều gì trong đấy nữa. Những ý nghĩ màu mè, những nghĩ suy giản dị, chân thực cứ chen lấn vào nhau và mình không sao tách bạch cho rõ ràng mà diễn tả. Tất cả cứ quyện vào nhau thành một mớ bòng bong thành một cục to sù. Kệ, chẳng thèm viết những điều ấy vào Nhật ký làm gì. Chuyện chiến trường - chăng có gì đáng kể đâu - Đại loại, ta xung phong và trước giờ xuất kích bao giờ cũng lo lắng vì vắt, muỗi, dĩn và cả con ve, con ve... hay con gì đó. Người thì gọi là ruồi trâu - người thì gọi là con ve bò - Chà, cái anh chàng Rivaret choàng cây thánh giá vào cổ ấy đáng sợ thật Hắn ta dùng vòi đâm qua lớp quần áo lính đánh nhói một cái và hút máu căng ca bụng - Ai ngủ không biết là gay, có khi gã hút máu xong, rút vòi ra không được, cứ để cả vòi trong da thịt bệnh nhân, gây cảm giác vừa buốt, vừa ngứa. Thảo nào Vôirútsơ lại dùng cái tên quái gở ấy cho con người chống đối ác liệt với thiên chúa giáo.
Nói điều gì huyên thuyên thế. Hành quân bao nhiêu đêm rồi, mắc võng bạt bao nhiêu lần trong thẳm sâu và gai góc của rừng mà chưa hề làm bài thơ nào về giấc ngủ quí giá trong rừng - Đáng ghét thế thì thôi.
Còn trời thì bây giờ nhập nhoạng. Hoàng hôn đây - Nếu như ở nhà thì đang làm gì nhỉ - Năm ngoái vào giờ này Như Anh sắp thi à, có lẽ thi xong rồi chứ, 6 giờ tối rồi còn gì), mà mình đang còn trong trường Đại học. Sắp dỗi nhau rồi đấy. 30/5 gặp Như Anh và thế là bông hoa quỳnh trắng trong sắp bị ruồng rẫy đây. Khốn khổ thân mình thế thì thôi - Bây giờ biết được những gì cần làm thì xa xôi với lắm rồi. Làm sao có thể trở lại được những ngày như xưa nữa. Như Anh đã ra sao rồi - màu tím của gói mực học sinh cứ làm mình nhớ đến Như Anh. Nhớ đến bài thơ nho nhỏ làm vội vàng dọc đường hành quân qua đất Quảng Bình - đặt tên bài thơ ấy là “Màu tím hoa mua” vậy.
Như Anh ở xa, có nghe thấy mình đang thì thào đọc cho Như Anh nghe bài thơ gồ ghề này không nhỉ. Mình sẽ làm những bài thơ về hoa. Về những cánh hoa rừng, hoa dại mà có một màu sắc và hương vị thơ hết sức. Làm những bài thơ về hoa tặng người yêu yêu những bông hoa... Như Anh nhé, Như Anh đồng ý không nào?
Trời tối quá rồi - Đêm buông - Đêm nay gác đây. Trăng này là đầu tháng, chỉ hơi lờ mờ - ướt át ánh trăng, làm ướt cả lòng người. Như Anh ra sao rồi nhỉ? Như Anh đã ra sao rồi. Dẫu sao mình cũng còn yên tâm về Như Anh sẽ làm đúng và làm tốt những điều mình mong muốn ở Như Anh. Ngày mai, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất Chúng mình sẽ gặp nhau, hai chúng mình sẽ gặp nhau. Con đường vẫn đưa hương - Như Anh nhỉ - Đêm
bây giờ buồn vì vắng những đôi bạn dạo chơi trong mùi hương của chúng.
Cái lo lắng bây giờ là lo cho gia đình - Cho những người thân yêu đang sống giữa Thủ đô căng thẳng vì hồi còi báo động. Tối quá rồi không thế viết hơn được nữa. Đành ghi lại một chút sự kiện trong ngày vậy. Ngày hôm nay đã bắt đầu khai lý lịch quân nhân - Mình chẳng nhớ cái gì cả - Chẳng nhớ điều gì hết - Để lý lịch trong ba lô mà bứt rứt trong lòng chán lắm đây.
24/5/72
Lại.nói tiếp ve những trang lý lịch - Người ta bắt khai tỉ mỉ hết sức - Nào là ông, bà, cô dì, chú bác. Làm sao mà nhớ được cơ chứ - Ngay cả cái tên mình cũng khó mà nhớ được Nữa là phải nhớ cả ngày tháng năm sinh. Nhớ cả sinh hoạt vật chất và chính trị của các cụ ấy từ ngày mình có lẽ chưa có một chút gì trên trái đất này, ngay cả đó là những tế bào đầu tiên đơn sơ nhất!
Cứ mỗi lần giở lý lịch - mình lại càng thêm khẳng định trách nhiệm nặng nề của mình hôm nay. Hôm nay ra đi không phải chỉ là trách nhiệm của cá nhân mình cho trọn vẹn, mà mình còn phải làm cả phần gia đình, phần ông bà, cha mẹ.
Có lẽ vì do nghĩ như vậy mà mình không muốn ghen tị hay đòi hỏi gì dễ dàng về mình chăng. Phải khẳng định rằng mình đã cố gắng nhiều để trở thành một con người tốt, theo đúng ý muốn của mình.
Tuổi thơ ngây thơ, chưa làm gì được cho đời mà lại chỉ gây thêm phiền phức. Nhiều lúc ngẫm lại, cứ tự trách mình, dạo còn nhỏ, hẳn có nhiều lúc mình đã mặc chiếc áo mới đứng bàng quan ở bến tàu. Mình đứng trẻ dại ở bậc thang có làm buồn tận cõi sâu tâm hồn của một người lớn nào đã cảm thấy xa xôi cả một thời thơ ấu của nình?
Bây giờ lớn rồi - Mình đã hiểu nhiều hơn, đậm đà hơn lòng người. Mình hiểu được thế nào là lòng nhân đạo cao cả của lòng người - Người ta có thế hy sinh tất cả - Hy sinh là hết thảy những gì của riêng mình cho người khác. Mà sự hy sinh ấy là cần thiết, là đúng đắn, chứ không phải sự hy sinh một cái gì gò bó. Một sự hy sinh hò hét và không cần thiết.
Lòng tin tưởng ở con người cũng chính là một nét riêng rất độc đáo của lòng nhân đạo - Điều này thầy Lưu đã nói rất nhiều với mình từ 3 năm trước, từ hơn 2 năm trước - Nhưng đến giờ mình mới hiếu một cách sâu xa và đầy đủ nhất.
Có thế ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả - Biết yêu và biết ghét - Biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất cả những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế - Đây là mơ ước là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm.
Thạc còn buồn không? Có còn buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập - Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung tức với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay...
Cũng không ngờ rằng dạo lớp 7, bài văn học sinh giỏi của miền Bắc lại chính là lời tiên tri cho tâm trạng mình sau này: "Trước kia bị áp bức, bóc lột đau khổ đã đành. Bây giờ, cái dốt nát về khoa học kỹ thuật cũng phải xem là một điều rất đáng đau khổ!" (Lê Quẩn). Đấy, bình luận câu ấy đi.
Nếu như giờ đây, cho mình trở lại trường cấp 2 và làm lại bài văn ấy, mình tin rằng sẽ làm tốt bài văn đó. Vì bây giờ, mình đã thấm thía biết bao nhiêu nỗi khổ tâm, khi bản thân mình hoàn toàn mù tịt trước mọi vấn đề hôm qua mình hy vọng rằng sẽ nhanh chóng nắm chắc lấy nó.
Dạo ấy, có 8 đứa thân nhau, cùng đi thi học sinh giỏi văn miền Bắc trong đội Hà Nội. 8 đứa thì cùng phòng từ cụm, huyện, thành phố, và sau cùng, đều thi miền Bắc. 4 đứa con trai, còn lại là con gái: Lan - Hồng - Anh - Tấn - Bình - Lân - Hùng và tớ. Lan thì bị bom năm mình lớp 9 rồi- Vũ Hồng và Tấn, giờ đang học ở Nga - còn Phạm Kiều Anh hình như đi nước ngoài, ở nước ngoài, nước ngoài nào không rõ Bình và mình đi bộ đội - Lân học Triết học ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Hùng học bên Tiệp- Các bạn đã đi gần hết - Và bài văn thuở ấy hẳn hun đúc trong lòng mình niềm vui, trong lòng các bạn mình say mê học tập - ù, đúng đấy, dốt nát về khoa học là điều đau khổ vô cùng.
Hùng ơi, thằng bạn quê Sài Gòn, hôm nào ngồi trong phòng thi, nó cúi gằm mặt xuống bàn có đến 30 phút - Rồi ngẩng lên và tha hồ cắm cúi, cắm cúi viết, viết hoài. Nó tưởng chừng quên hết mọi người ở xung quanh và say mê với điều đang nghĩ ngợi. Hùng nghĩ gì nhỉ, Hùng hẳn nhớ đến ba má đang sống giữa Sài Gòn tăm tối, dưới ách quân thù. Phải, lòng khát vô tận ấy của những người thân yêu trên quê hương đã giục giã Hùng để nó làm bài văn được giải duy nhất của Hà Nội trong năm ấy. Hùng đang nghĩ ngợi điều gì nhỉ. Và các bạn kia nữa? Các bạn đang nghĩ ngợi điều gì? Hẳn các bạn đã quên tiệt mình rồi - Quên tiệt cái thằng bạn cứ hay ngồi lọt thỏm trong cái cống xỉ than làm hầm của người ta bỏ lăn lóc trên hè phố... Chỉ cần các bạn đừng bao giờ quên cái đề văn năm ấy, cái đề văn giờ đây đang trăn trở và day dứt tự đáy lòng mình.
Các bạn đi xa, các bạn ở lại còn được học hành, hẳn sẽ học thay cả phần mình còn bỏ dở. Mình nghĩ đến những tình bạn cao cả và đẹp đẽ của Mác-ănggen. Mình nghĩ đến vần thơ của nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc - bài thơ về tình bạn ấm cúng và tha thiết biết bao nhiêu:
Mình nghĩ đến lớp người tìm nhau trên trận tuyến - Ao ước từ bao lâu rồi, mình ao ước từ bao lâu rồi đi trên đường Trường Sơn và gặp nhà thơ trẻ của quân đội - Phạm Tiến Duật - gặp anh và nói chuyện với anh về cái tổng đài nằm chênh vênh bên núi cao, về tiếng thở của rừng sâu, và cái tiếng hát không biết màu gì mà thiêu đốt lòng người.
Mình đi tìm Phạm Tiến Quật. Còn anh, anh đi tìm Ca Lê Hiến, nhà thơ mà tập thơ đầu là "Tiếng gà gáy" báo hiệu một tài năng:
Còn Ca Lê Hiến, anh chẳng yên tâm ngồi trên giảng đường trường đại học, anh không thể nghe hết tập giáo trình lịch sử - Không thể ngồi nghe tiếng gươm khua trong những trang giấy. Anh đi tìm Giang Nam. Anh đi tìm tiếng thơ trong trẻo và khoẻ mạnh nhất của miền Nam thuở ấy Anh đi theo tiếng gọi của trái tim mình...
Ca Lê Hiến giờ đã nằm xuống. Tài năng của anh đang độ phát triển và anh chưa kịp làm những gì tuổi thơ hằng mong ước. Nhưng những dòng sông ấy, có bao giờ cạn được Tiếng thơ của anh vẫn tiếp sức cho những người sau đi tới.
Tôi nghĩ đến những điều vĩnh cửu của tình bạn chân thực nhất: Không, ở lịnh vực này nên tách rời tình yêu ra - mặc dù tình yêu cũng chính là một tình bạn chân thực và cao quí. Phải tách ra, vì đôi khi, tình yêu còn làm nhiệm vụ riêng của nó.
Bất kỳ một thứ tình cảm nào, bất kỳ mối quan hệ kỳ lạ và thiêng liêng nào nếu như không biết gắn cái riêng của mình vào sợi dây vô hình mà bền chắc vô cùng của công việc trên đường thực hiện lý tưởng của mình, thì tình cảm ấy không thề gọi là đẹp đẽ, không thề tồn tại lâu dài, không thể vượt qua được những thử thách gay go và ác liệt của cuộc đời.
Lúc này đây, mình muốn nghĩ đến Như Anh là một người bạn chân thành và đáng tin cậy nhất. Lúc chia tay, bên hàng cây mờ ảo con đường dẫn ra ngoại ô thành phố. Như Anh đã thận trọng bảo mình: "Tình bạn thôi, Thạc nhé! Tình bạn thôi ư? Khi ta đi hơi xa một chút khỏi cái ranh giới ấy của cuộc đời - Nếu như đây là đất Nga phủ đầy tuyết trắng - Ta sẽ làm Paven và Ria, đôi bạn, đôi bạn có tình cảm trong sáng và đẹp đẽ biết chừng nào...
Lúc ấy, quả thực, mình không đồng ý. Mình không đồng ý vì sao cũng không còn biết nữa. Linh cảm mơ hồ không cho phép mình gật đầu. Song giờ đây, mình sẽ nói với Như Anh như thế - Mình sẽ nói với Như Anh rằng: "ù,anh bạn thôi - chỉ cần tình bạn và mình chỉ muốn là người bạn theo đúng nghĩa sát thực của nó!". Tình bạn ấy có chân thực hay không tuỳ thuộc mức độ tin tưởng của Như Anh đổi với mình - Như Anh có nghi ngờ chút gì về lòng chung thuỷ của mình hay không? Câu hỏi ấy, mình đã đặt ra bao nhiêu lần, và lần nào cũng khẳng định - Không, nhất định Như Anh sẽ không nghi ngờ gì cả. Như Anh sẽ tin rằng mình nói thật - Trong cuộc đời này, tình yêu chỉ có the nẩy nở với Như Anh và không thể với một người khác được Mình đã yêu Như Anh, cái tình yêu đầu tiên trong sáng nhất và cái tình yêu duy nhất trong cả cuộc đời mình - Cái tình yêu thanh bạch - không hề có gì bụi bặm của đòi hỏi hưởng thụ nhục dục - Như Anh còn mong mỏi điều gì hơn thể nữa?
Chúng ta sẽ là bạn. Chúng ta sẽ là bạn của nhau mãi. Và như vậy, tha hồ gặp nhau, tha hồ trò chuyện – Không còn sợ có gì ngăn cản dúng ta cả. Nhất là mình không muốn để một nỗi khổ dai dẳng và đau xót cho một người bạn nào trên trái đất này.
Con người có sức chịu đựng kỳ lạ vô cùng - Mình tin tưởng ở sức chịu đựng ấy có thể giúp cho mình vượt qua mọi cám dỗ, mọi đòi hỏi nhỏ bé và mốc thếch. Tuổi thơ lang thang trong tâm hồn, thì giờ đây, lang thang bằng đôi chân cầu thủ, mình đã cố gắng hết sức để tâm hồn mình trong sáng và đập nhịp với cuộc sống hào hùng, biến động Mình muốn mọi niềm vui, mọi nỗi lo lắng của mình đều là niềm vui và nỗi lo lắng của cả dân tộc, của thời đại mình đang sống.
Ch. hay nói mình, nó bảo mình nghĩ mọi điều đều đơn giản và thẳng băng. Nó bảo mình quá ư nhìn đời bằng một màu hồng – Nó bảo mình lý thuyết và nhất định vấp phải gai góc của cả cuộc đời. Với nó, nghi ngờ hết thảy! Nó nghi ngờ những người con gái đang đi học xa Tổ quốc. Rằng họ không hề có được sự chịu đựng cần thiết mà bạn bè mong muốn. Ch. bảo, đấy là sự thật, và theo nó, người ta nên có cách nhìn nhận riêng và không nên rập khuôn máy móc.
Mình nghĩ rằng, đến một tuổi nào đó, cả tuổi trẻ ngông cuồng và lắm ý kiến mới lạ, cứ thích tìm cho mình một quan niệm nào đấy mâu thuẫn in ít hay đôi khi đối lập hẳn với quan niệm chính thống của thời đại và cơi như mình đã tìm ra điều gì đáng quí lắm - Như một phát minh lớn. Họ kiêu ngạo nhìn những người khác đang theo đuổi khái niệm sách vở - Và tự bảo, chỉ có họ mới nghĩ được điều ấy mà thôi. Còn những người khác là sách vở, rập khuôn, là không có tính độc đáo, là tô hồng, v.v...
Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính Không kịp xem lại được một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm. Chuyện đời" mà thực ra, chẳng có chuyện gì. Một mớ tùm hum, xám xịt như căn bếp bỏ hoang.
Ngày mai, ngày kia... Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những đòng suy nghĩ này. Trừ khitôi không còn sống mà gìn giữ nữa.
“Chuyện đời thì chưa viết hết vài chục trang giấy - Còn "Chuyện biển” thì chỉ được vài trang thơ - Nhật ký! Chao ôi, chuyện phiếm!
Kẻ thù không cho tôi ở lại - Phải đi - Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
Một ngày cuối tháng 5/72
Hà Tĩnh
Anh lính binh nhì
Kính chào Hậu phương - Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi - Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quí của lòng tôi.
3/6/1972
Ngã ba đồng lộc
Hết
@by txiuqw4