sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Mộc Nhĩ chạy vội tới nhà ông thợ Min. Từ đầu ngõ đã nghe tiếng ông rủa mắng nó.

“Đúng là cái đồ vô tích sự, nhọ mặt người mới về, rồi chẳng nói chẳng rằng quẳng xe đấy biến mất tăm. Nhẽ ra củi phải được chở tới lò nung và dỡ xuống chứ”. Sáng nay, lúc trời mới tờ mờ, ông Min đã phải đẩy xe tới lò và tự tay dỡ củi, rồi suýt lại bị thương lúc trở về nhà vì trượt chân trong ánh sáng nhá nhem. “Thế mà gọi là trả công à, còn tệ hơn không làm gì! Này cái thằng Mộc Nhĩ, có thật mày định trở thành người hữu ích hay không? Nếu không, tốt nhất hãy quên béng cái thỏa thuận kia đi...”

Cuối cùng, ông thợ cả cũng ngừng lại để lấy hơi. Mộc Nhĩ không dám nhìn lên. Cu cậu cảm thấy mình như một con quái vật hai đầu, một đầu xấu hổ, đầu kia thì phẫn nộ. Xấu hổ vì nó đã không làm việc đến nơi đến chốn, phẫn nộ bởi ông thợ gốm không hề đưa ra một chỉ thị đầy đủ. “Lấy đầy xe củi” - lệnh ra là như thế và nó đã không hề làm sai sót. Chẳng lẽ nó phải tự đoán xem ông thợ già muốn những gì khác nữa?

Nhưng nỗi xấu hổ trong lòng nó đã thắng thế. Thằng bé sợ bị đuổi việc trước khi có cơ hội học được cách thức làm đồ gốm.

“Cháu xin lỗi vì đã làm ông bực bội”, Mộc Nhĩ nói “Nếu ông rộng lượng cho cháu cơ hội khác, ông sẽ không phải thất vọng đâu ạ”.

“Hừm”, ông Min quay người, đi về phía hông nhà. Mộc Nhĩ đứng ngây như phỗng mất một lúc, không biết phải làm gì.

“Sao?” bác thợ bực dọc quay lại “Còn chưa đến đây hả, thằng ăn mày nhặt kia. Định đứng đó làm tượng hả?”

Được tha thứ, Mộc Nhĩ hơi vui một chút. Nhưng mà công việc bác Min giao đã làm cho niềm vui ấy tan biến ngay; cũng giống như hôm qua - lại đẩy xe củi và lần này còn phải chất củi vào lò nung.

Sáng nào Mộc Nhĩ cũng xăng xái có mặt trước cửa nhà bác Min. Ngày nào ông cũng sai nó đẩy xe lên núi chặt củi. Tối đến, nhờ được bác Sếu chăm sóc tận tình, vết thương trong lòng bàn tay Mộc Nhĩ bắt đầu lành, lớp da non màu hồng dày hơn. Nhưng khi ngày làm việc kế tiếp bắt đầu nó lại toạc ra và rỉ máu. Mộc Nhĩ dần quen - cái đau cũng giống như người bạn không mời đến chỉ sau vài nhát rìu buốt nhói đầu tiên, đành chịu thôi.

Sang ngày thứ ba, bác Sếu ngỏ ý muốn đi cùng Mộc Nhĩ. Nó cuống cuồng tìm cách từ chối. Nó biết điều gì sẽ xảy ra. Vì muốn bàn tay phồng rộp của Mộc Nhĩ được nghỉ ngơi, bác sẽ giằng lấy cái rìu. Mộc Nhĩ rùng mình, hình dung cảnh bác Sếu tựa người vào cây nạng gắng sức chặt củi. Không khéo bác sẽ làm hỏng cái chân lành mất thôi.

“Bác muốn giúp, con cảm tạ vô cùng”, Mộc Nhĩ đáp “Nhưng khi con trở về nhà đã thấy có mâm cơm dọn sẵn thì có lẽ hay hơn. Bác có thương thì hãy giúp con bằng cách đó”.

Bác Sếu thuận lòng. Mộc Nhĩ biết bác sẽ bỏ cả ngày để nghĩ cách biến một nắm rau dại và ít xương khô thành cái ăn.

Vài ngày sau, Mộc Nhĩ đã biết cách phân chia công việc để có thể nghỉ ngơi đôi chút. Sau một lúc cần mẫn chặt cây, nó dừng tay rìu, chất số củi vừa chặt xong lên xe, nghỉ một chút trước khi làm tiếp. Như thế tốt hơn cứ hùng hục chặt củi như điên suốt mấy giờ liền, để lại một đống củi lớn ngổn ngang trông phát ớn, vừa tốn thời giờ chất củi lên xe vừa mau xuống sức.

Trong những lúc nghỉ tay ngắn ngủi, Mộc Nhĩ thoáng cũng tranh thủ kiếm được một chút thức ăn - vài cây nấm dại ở chỗ này, một chút dương xỉ ở chỗ khác. Trong những lần cùng nhau đi lên núi, bác Sếu đã dạy cho nó nhiều điều. Mộc Nhĩ biết nấm nào ăn ngon, nấm nào độc. Chỉ nghe qua tiếng hót thôi là nó có thể gọi tên chim, biết phân biệt dấu vết của hổ báo với hươu nai. Nó không bao giờ bị lạc đường, vì biết rằng những dòng suối luôn chảy xuống chân núi, nơi có những con đường.

Ngoài những lúc trầm ngâm ngắm núi non, Mộc Nhĩ thích nhất là công việc dỡ củi ở khu lò nung. Lò nằm ở đầu làng bên kia, nếu tính từ nhà ông Min. Gần đó là một nhà kho rộng dựng sơ sài. Mộc Nhĩ đẩy xe đến trước cửa kho rồi ôm củi đem vào trong cất cho khô ráo. Củi chất ngang tầm tay với của người lớn, xếp thành những đống ngăn nắp hai bên lối đi chính giữa. Mộc Nhĩ thích xếp củi của mình thật gọn ghẽ để những người thợ gốm có thể rút từng thanh mà không làm cả đống củi đổ sập xuống.

Ở khu lò nung, nó thường gặp những người thợ gốm thay phiên nhau đến sử dụng lò. Họ chỉ thường gật đầu đáp lại lời chào của Mộc Nhĩ. Sang ngày thứ tư, một người trong số họ bắt chuyện với nó: “Mày là thằng nhỏ mới vào làm cho ông Min, phải không?”

Mộc Nhĩ biết người thợ gốm này - tên ông là Kang. Tóc đã điểm sương, nhưng ông còn trẻ hơn ông Min, ánh mắt sắc sảo và tay chân vẫn còn nhanh nhẹn hơn ông Min, ánh mắt sắc sảo và tay chân vẫn còn nhanh nhẹn. Mộc Nhĩ hạ càng xe xuống đất và cúi thấp đầu chào.

“Chà, đến lúc nước sôi lửa bỏng nên ông già mới đi tìm người phụ giúp đây”, bác thợ Kang nói rổn rảng “Dạo gần đây, ông ấy không mang đủ phần củi phải nộp”.

Nói đoạn, bác Kang bước tới, giúp Mộc Nhĩ dỡ củi khỏi xe. Nhờ thế, công việc của nó xong sớm hơn thường lệ. Trên đường về nhà, cậu bé đưa mắt tìm kiếm thức ăn trong một đống rác ven lề; cái lõi bắp cải tìm được sẽ góp thêm món vào bữa ăn tối.

Buổi sáng ngày thứ mười. Tối hôm trước, Mộc Nhĩ đã trả chiếc xe đẩy về chỗ quen thuộc của nó bên hông nhà ông Min và nán lại một chút nhưng ông không ra khỏi nhà, nên cuối cùng Mộc Nhĩ đành bỏ đi. Món nợ của nó đã được trả đầy đủ.

Thao thức gần như suốt đêm, Mộc Nhĩ cố moi óc tìm cách cầu thân với ông Min. Trong suốt chín ngày làm việc, nó chưa một lần được chạm vào đất sét. Nó sẽ không bao giờ làm được một cái bình nếu không tiếp tục qua lại với ông thợ gốm.

Đến gần nhà ông Min, Mộc Nhĩ nhẩm lại lần cuối những lời nó phải nói. Nó hít vào một hơi dài và cố giữ một lát để trấn tĩnh, sau đó gọi to: “Thưa sư phụ?”

Mộc Nhĩ rất ngạc nhiên khi thấy chính vợ ông Min ra mở cửa. Dĩ nhiên ông Min có vợ. Trong những ngày rình xem ông làm việc, thỉnh thoảng nó thoáng thấy bà vợ của ông ra sân vãi thóc cho gà ăn hoặc đi gánh nước. Nhưng vì bà chẳng có liên quan gì tới đồ gốm nên Mộc Nhĩ không chú ý tới bà. Trong những ngày đốn củi vừa qua, nó hoàn toàn không thấy hoặc thoáng có ý nghĩ gì về bà.

Nó cúi đầu trước bà Min: “Thưa, ông chủ có ở nhà không ạ?”

“Ông ấy đang ăn sáng”, bà đáp “Cháu có thể chờ ở đằng sau nhà”.

Mộc Nhĩ cúi đầu cảm ơn và bước lùi lại, nhưng bà Min khẽ nói tiếp: “May mà có cháu đốn củi giúp. Ông ấy không còn trẻ như hồi...” giọng bà lạc đi.

Mộc Nhĩ ngước nhìn lên. Đôi mắt bà Min trong sáng và dịu dàng, khuôn mặt nhỏ nhắn chi chít những nếp nhăn mờ mờ manh mảnh. Nó cụp mắt nhìn xuống, vì sợ bị coi là vô lễ. Giống mắt bác Sếu - nó thầm nghĩ và tự hỏi tại sao.

Ông thợ Min đang rửa tay trong một cái chậu dưới mái hiên thì Mộc Nhĩ ra tới sân sau.

“Mày làm gì ở đây vậy?” - ông nói giọng gắt gỏng, không buồn ngước mắt lên “Đủ chín ngày rồi, nợ mày cũng đã trả xong. Nếu chỉ đến đây để nghe tao nói thế thì bây giờ mày về được rồi đó”.

Mộc Nhĩ cúi đầu. “Cầu xin sư phụ tha thứ cho sự xấc láo của con”, nó nói. “Con muốn được bày tỏ lòng biết ơn...”

“Nào, nào”, ông thợ Min sốt ruột. “Còn chuyện gì nữa đây?”

“Được làm việc tiếp cho sư phụ sẽ là một ân huệ lớn đối với con”, Mộc Nhĩ bắt đầu đoạn văn mà nó đã chuẩn bị rất chu đáo. “Nếu sư phụ xét...”

“Tao không thể trả công cho mày”. Bác Min cộc cằn cắt lời Mộc Nhĩ. Nhưng những lời gắt gỏng ấy lướt qua nó lại tựa như cơn mưa mát rượi tưới lên cánh đồng khô nẻ. Tao không thể trả công cho mày đồng nghĩa với “Ừ”. Niềm vui dâng đầy trong lồng ngực như sóng cồn, buộc nó phải hắng giọng một cách lễ phép trước khi nói tiếp.

“Được làm việc cho bậc thầy như sư phụ đã là sự đền bù xứng đáng rồi ạ, con đâu dám nghĩ đến chuyện công xá”, nó lúng búng trong miệng.

“Hàng ngày đến đây, từ lúc chuông chùa đánh buổi sáng tới lúc mặt trời lặn”, ông Min phán.

Mộc Nhĩ đã quỳ trên mặt đất từ lúc nào, cúi gập cả người xuống để tỏ lòng biết ơn. Nó chỉ ước sao được phóng một mạch về gầm cầu báo tin cho bác Sếu.

“Hôm nay đất sét, không củi”. Đó là mệnh lệnh của ông thợ Min vào ngày thứ mười.

Một lần nữa Mộc Nhĩ lại đẩy xe, lần này là dọc theo con đường đất ven sông, tới bãi đào đất. Ở đây, những tảng đất sét vuông vức đã được xắn lên, để lại những cái hố chữ nhật nằm so le, dày đặc trên bãi sông.

Mộc Nhĩ dừng lại một lát khi tới bãi đào đất. Nó đã nhiều lần đi ngang qua những cái hố này và lần nào cũng say sưa ngắm chúng, những khối hình vuông vắn tạc vào bờ đất sét khiến nó thích thú. Nhưng hôm nay nó có cảm giác như lần đầu tiên được gặp những người đàn ông và những cậu bé làm việc ở đây.

Họ xắn lưỡi thuổng vào đất mới lẹ làng làm sao, khó có ai theo kịp. Từng tảng đất được xắn gọn bằng thuổng, bị bứng lên và ném vào xe đẩy hoặc vào thúng mủng gần đó.

Mộc Nhĩ nhìn cái thuổng của ông Min đang trên vai nó. Sau đó nó lội xuống bãi đất ngập bùn và đứng ở chỗ nước nông. Giơ cái thuổng lên cao quá vai, nó bổ xuống đánh phập một cái. Lưỡi thuổng xắn ngọt vào lớp đất sét ướt. Mộc Nhĩ hài lòng nhìn đường cắt thẳng thớm của lưỡi thuổng. Nó giật mạnh cán thuổng, sẵn sàng xắn nhát tiếp theo.

Nhưng cái thuổng không nhúc nhích, Mộc Nhĩ nhíu mày và lôi lại lần nữa. Lưỡi thuổng bị đất ướt mút chặt nên chẳng suy suyển gì. Mộc Nhĩ dùng cả hai tay lay cán thuổng. Lớp đất dưới chân nó phát những tiếng lọp phọp, òng ọc như thể đang cố nuốt chửng cái thuổng.

Rốt cục, Mộc Nhĩ buộc phải cào bớt đất quanh lưỡi thuổng để nới lỏng nó ra. Tay chân cậu lấm lem bùn đất. Cậu ngừng tay để xua một con muỗi, quệt lên má một vết bùn dài. Cuối cùng, cậu đứng lên, lay cái thuổng lần nữa và giật thuổng lên.

Mất đứt buổi sáng Mộc Nhĩ mới đổ đầy xe đất sét. Những tay đào đất khác đã về từ đời nảo đời nao, họ xắn đất bằng những động tác nhanh gọn và bỏ lại Mộc Nhĩ một mình trong tuyêt vọng. Nặng ghê! Đất sét ướt nặng hơn nó tưởng tượng rất nhiều. Mộc Nhĩ không thể dùng thuổng bứng cả tảng đất sét lên; đành cắt mỗi tảng vài cục nhỏ hơn, mỗi lần bốc một cục bỏ lên xe. Xong việc, nó cau có nhìn đống đất sét dị dạng trong xe, thật khác một trời một vực với những khối đất vuông thành sắc cạnh của những người thợ khác.

Hơn nữa, làm việc với cây thuổng lại khiến vết phồng rộp trong lòng bàn tay lại toác miệng ra lần nữa. Nhưng lần này không quá đau như lúc trên triền núi, bởi vì Mộc Nhĩ có thể đắp những nắm bùn mát lạnh, mịn màng lên vết thương.

Tới lúc chiếc xe đã chất đầy thì bùn cũng nhuộm người nó suốt từ đầu đến chân. Trán nó đóng một lớp bùn dày cứng ngắc, đến nhướng lông mày cũng khó. Thằng bé mệt lử và ý nghĩ phải đẩy chiếc xe nặng trĩu này về nhà ông Min khiến nó rùng mình.

Đúng lúc đó, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu nó - bữa ăn trưa! Nhọc nhằn vất vả suốt buổi sáng, nó đã quên mất bữa trưa. Thợ học việc, thợ phụ, những người thợ tầm thường nhất trong mọi nghề - dù họ là gì đi chăng nữa thì bổn phận của một người chủ là phải cho họ một bữa ăn trưa. Bây giờ, Mộc Nhĩ không còn làm việc để trả nợ nữa, ông Min buộc phải nuôi cơm nó. Ý nghĩ này đủ sức xua đuổi mọi mệt nhọc của thằng bé mồ côi, tựa hồ tia sáng mặt trời xuyên thủng đám mây.

Nó bỏ xe lại trên đường và nhảy ùm xuống sông, kỳ cọ, khỏa nước và lặn ngụp thât sâu ráng hết sức tống khứ cáu ghét đi. Không đời nào nó chịu xuất hiện trong bữa ăn của ngày làm việc đầu tiên với thân hình như vừa được móc từ dưới cống lên.

Ông Min liếc sơ xe đất. “Làm gì mà lâu thế”, ông nói, khịt khịt mũi. “Từ giờ cho tới sau bữa trưa, tao còn làm thêm gì được nữa”.

Ông bước vào nhà, không đả động gì đến bữa ăn trưa. Nó còn chưa kịp thắc mắc thì bà vợ ông đã xuất hiện ở ngưỡng cửa. Bà chìa ra một cái gói vải.

Mộc Nhĩ bước nhanh đến cửa, cố kiềm chế để khỏi vồ lấy cái gói từ tay bà. Nó cúi đầu, chắp hai bàn tay lại theo phong tục khi nhận cái gì đó từ tay người lớn.

Bà Min đặt gói vải vào tay nó. “Ăn ngon, làm khỏe nhé”, bà nói.

Một cái gì nong nóng dâng lên cổ họng Mộc Nhĩ. Nó ngẩng đầu lên. Ánh mắt bà cho thấy bà đã nghe được lời cảm ơn của nó cho dù nó không sao nói được thành lời.

Mộc Nhĩ ngồi xuống tảng đá dưới gốc cây bào đồng, tháo các nút buộc tấm vải ra. Bên trong là một cái bát làm từ quả bầu khô chứa đầy cơm. Màu trắng nõn nà của những hạt cơm được tô điểm bởi vài miếng cá khô mặn sẫm màu và vài lát kim chi - món bắp cải muối đậm màu sắc của các gia vị như ớt đỏ, hành lá và tỏi. Một đôi đũa đặt ngay ngắn ngang miệng bát.

Mộc Nhĩ cầm đôi đũa lên và ngắm nghía bữa ăn hồi lâu. Có một điều mà nó biết rõ: sơn hào hải vị trong cung vua cũng không thể ngon bằng bữa ăn đạm bạc trước mặt, bởi vì nó phải đổ mồ hôi mới có bữa ăn này.

Buổi chiều, Mộc Nhĩ chở thêm một xe đầy đất sét nữa cho ông chủ, sau đó quay về chỗ cây cầu, nơi bác Sếu đã hầm một ít nấm dại cho bữa tối của hai bác cháu. Mộc Nhĩ hào hứng kể lại công việc trong ngày của nó. Mãi tới khi bác Sếu đứng lên thu dọn chén đũa, Mộc Nhĩ mới nhận thấy hình như thiếu thiếu cái gì đó.

Cái nạng. Đúng thế, sau khi đưa bát cho Mộc Nhĩ ra cửa sông rửa, bác Sếu ngồi xuống với con dao và một cành cây thẳng thớm cứng cáp, bắt đầu đẽo gọt một cây nạng mới. Mộc Nhĩ lau bát, xếp gọn gàng lên bệ đá, rồi quay ra hỏi: “Cái nạng cũ của bác đâu mà phải làm cái mới?”

Bác Sếu ngừng tay dao, vẻ nôn nóng. “Chà, chuyện vớ vẩn ấy mà”, bác trả lời. “Này, hôm nay cá bơn di cư đấy”.

Bác Sếu chỉ nói có vậy, nhưng Mộc Nhĩ nghe được nhiều hơn thế. Mặc dù Chulpo nằm bên bờ biển, nhưng nó là làng gốm, không phải là làng chài. Đàn ông và trai tráng trong làng hiếm khi bớt chút thời gian làm gốm để đi đánh cá. Tuy nhiên, tất cả họ đều thông thạo việc đánh bắt cá. Đám đàn bà con gái trong làng thường đi cào nghêu sò lúc nước triều xuống.

Nói cá bơn di cư nghĩa là bầy cá ngon tấp vào bờ gần hơn thường lệ; thậm chí có con sóng còn ném cá thẳng lên bãi cát. Một cái tin như thế khiến khối người phải vơ vội lấy những cây sào tre của mình. Nhưng bạn phải ở trong số những người đầu tiên ra bờ biển. Cá bơn rất nhanh, nhoáy một cái đã tìm được đường trườn xuống nước. Chỉ những tay lanh lợi nhất mới có cơi hội xúc được những con cá đang giãy đành đạch trên bãi cát.

Mộc Nhĩ bao giờ cũng là kẻ đầu tiên phóng ra bãi biển khi nghe tin cá bơn di cư, và chưa bao giờ nó trở về mà không có một hay hai con cá béo ngậy cho một bữa tiệc thịnh soạn nhưng hiếm hoi của hai bác cháu. Bây giờ không cần hỏi, Mộc Nhĩ cũng biết bác Sếu đã cà nhắc lần xuống bãi biển, loạng choạng một hồi trên bãi cát vốn hay đùa ác với cái nạng, và chỉ còn cách tay trắng ra về.

Bác Sếu chuốt thêm mấy nhát dao rồi giơ cây nạng ngang mặt, nheo mắt kiểm tra xem nó đã thật thẳng chưa. “Chẳng chụp được con cá nào”, bác thủng thẳng nói và lại tiếp tục đẽo gọt, “Ta tức mình đập cây nạng vào một tảng đá. Rốt cuộc bây giờ phải làm cái mới!”

Mớ dăm gỗ dưới chân bác Sếu cao dần. Mộc Nhĩ cúi xuống, lùa mấy ngón tay vào đống dăm, xấu hổ không dám nhìn lên. Nó hình dung cảnh bác Sếu trên đường từ bãi biển trở về, chậm chạp và đau đớn, cây nạng đã gãy, chẳng còn gì để chống mà đi cho vững. Đã vất vả như vậy lại không bắt được lấy một con cá nào, hẳn bác khổ tâm lắm. Không hiểu sao trong lúc nhấm nháp bữa trưa ngon lành nó lại quên phứt người bạn già! Nhẽ ra nó phải để dành cho bác Sếu ít đồ ăn. Nếu đổi ngược lại, chắc chắn bác Sếu không bao giờ quên nó.

Mộc Nhĩ hốt ít dăm bào vào lòng bàn tay đoạn ném xuống sông. Nhìn mớ dăm bào trôi theo dòng nước, nó lẩm bẩm, “Con rất tiếc về chuyện cá bơn”.

Bác Sếu nói: “Hẳn con lấy làm tiếc về cái chân này chứ gì. Vì nó mà tối nay bác cháu ta không có cá ăn. Nhưng theo ta, đừng phí thời giờ buồn phiền về những chuyện mà chúng ta không thay đổi được”. Bác Sếu đứng dậy miệng làu bàu, rồi dựa hẳn người vào cái nạng mới để thử.

Bác hài lòng, gật đầu với Mộc Nhĩ. “Với lại sau khi giã từ trần thế, ta sẽ có một đôi chân khỏe mạnh, không cần đến cái này nữa”, bác vỗ nhẹ lên cây nạng.

Vẫn còn tự giận mình, Mộc Nhĩ lẩm bẩm trong họng: “Một số kẻ trong chúng ta sẽ có những bốn cái chân khỏe mạnh cơ đấy”.

Bác Sếu vung cây nạng mới quất Mộc Nhĩ một cái. “Mày nói gì vậy, thằng láo lếu kia? Vậy kiếp sau ta sẽ là súc vật hay sao?”

Mộc Nhĩ cãi. “Không, con tự nói về mình đấy...” Chợt nó im bặt rồi ngoác miệng ra cười. “Mà, cũng có thể con sẽ là một con thỏ. Thỏ rất nhanh và khôn...”

“Mày nên nhanh nhẹn ngay lúc này đi!” - bác Sếu vờ nạt, khua nạng lên như múa kiếm. Mộc Nhĩ nhảy tưng tưng như con thỏ quanh cái hang lụp xụp của họ để né tránh những cú đâm ngang chọc dọc của bác Sếu. Chỉ trong chốc lát, nỗi xấu hổ của nó đã bị quên lãng và ngày hôm đó chấm dứt trong tiếng cười giòn giã.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx