sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chú Thích Của Tác Giả

Trong số những di sản văn hóa có giá trị nhât của Triều Tiên có một chiếc bình cao cổ. Đó là mẫu đồ gốm men ngọc bích khảm dát hoàn hảo nhất từng được phát hiện và được cho là có từ thế kỷ 12.

Đặc điểm nổi bật của chiếc bình này là những họa tiết được khảm dát tinh vi và phức tạp. Tất cả bốn mươi sáu họa tiết hình tròn đều gồm một vòng đai trắng bên ngoài và một vòng đen ở trong. Bên trong mỗi vòng tròn có một con sếu đang sải cánh bay uy nghi, tất cả đều được khắc và sau đó được khảm bằng kỹ thuật điêu luyện nhất. Ngoài những đám mây lờ lững trôi giữa các họa tiết, còn có thêm nhiều con sếu nữa bay lẫn trong mây. Nước men trên bình có màu xanh lá cây ánh lên sắc xám nhạt của làn khói bếp cuối chiều thu.

Người ta đặt tên chiếc bình là “Thiên sếu”.

CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ

Trong suốt quá trình lịch sử của Triều Tiên kéo dài bao thế kỷ cho đến thời gian gần đây, chỉ có rất ít người dân Triều Tiên thuộc diện vô gia cư. Truyền thông Phật Giáo và sau này là Khổng Giáo buộc các gia đình phải chăm sóc bà con dòng họ của mình, kể cả những người họ xa, khi có ai đó lâm vào cảnh cơ nhỡ. Những người không có gia đình sẽ được nương nhờ nơi cửa Phật. Là những cư dân sống dưới gầm cầu, Mộc Nhĩ và bác Sếu lẽ ra phải gây sự tò mò vào thời đó, nhưng bao giờ cũng có những con người như vậy hiện hữu trong mọi thời đại và mọi xã hội.

Thợ làm gốm men ngọc bích của thời đại Koryo (918-1392 sau công nguyên) thời gian đầu chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của các đồng nghiệp người Trung Hoa. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai trung tâm đồ gốm lớn là Puan - nơi làng Chulpo tọa lạc - và Kangjin, đều là hai huyện ven biển, rất dễ thông thương từ Trung Quốc qua biển Hoàng Hải. Thời gian sau, thợ gốm Triều Tiên cuối cùng đã tìm được phong cách riêng của mình trên nhiều phương diện: dáng gốm đơn giản mà tao nhã; màu men không ở đâu có được; nét hoa văn tinh xảo trong từng sản phẩm; và cuối cùng là việc sáng tạo ra nghệ thuật khảm gốm. Mọi sản phẩm được mô tả trong cuốn sách này đều thật sự có mặt trong viện bảo tàng hoặc trong các bộ sưu tập cá nhân trên thế giới.

Men màu ngọc bích Koryo lẫy lừng trong thời đại của mình, nhưng sau đó bị thế giới lãng quên trong nhiều thế kỷ. Có một ngoại lệ: đồ tráng men ngọc bích Triều Tiên bao giờ cũng có giá trị cao ở Nhật Bản. Trong những cuộc xâm lăng bán đảo Triều Tiên, người Nhật thường cướp phá những lăng mộ vua chúa, vốn là kho tàng chứa đựng các loại đồ gốm men ngọc bích có giá trị và đem những báu vật đó về Nhật Bản. Mặc dù phần lớn những món đồ này đã được trao trả lại cho các viện bảo tàng Triều Tiên, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều bộ sưu tập cá nhân khá lớn về đồ gốm men màu ngọc bích trên thế giới, tập trung nhiều ở Nhật Bản. Người Nhật còn bắt cả các thợ gốm Triều Tiên đem về Nhật Bản, nơi họ trở thành nhân tố chính trong quá trình phát triển công nghệ gốm của quốc gia này.

Một số chuyên gia cho rằng mua bán đồ gốm có thể là một ngành do triều đình quản lý trong thời đại Koryo, và rằng thợ gốm ở các làng như làng Chulpo làm việc trong những “công xưởng”, tại đó người lao động gia công những tác phẩm được thiết kế bởi các nghệ sĩ được chỉ định. Sự ủy thác của triều đình có thể chỉ dừng lại ở việc thiết kế ra những mẫu sản phẩm hơn là khâu sản xuất. Tuy nhiên, tài năng của thợ gốm “làng” ở những làng gốm không hề kém cỏi chút nào, và đó chính là tâm điểm mà tôi chọn để khai thác khi kể lại một phần nhỏ trong câu chuyện về họ.

Theo những gì được ghi chép trong các tài liệu thì điều luật chế định con trai của thợ gốm phải kế tục nghề nghiệp của cha mình được ban bố vào năm 1543, tức là sau khi xảy ra những sự kiện nêu trong truyện này. Dường như trước đó điều luật này đã có tiền lệ, cho nên tôi đã gắn nó vào thời của Mộc Nhĩ, khi mà nghề gốm, được coi là nghề mang tính chất gia đình, được quản giám bởi tập tục chứ không phải luật lệ.

Nguyên nhân gây ra những đốm màu nâu ố đục, làm hỏng những sản phẩm ban đầu mà ông thợ Min dành cho sứ thần triều đình thì ngày nay được biết là do sự oxy hóa. Bởi vì có chứa sắt, nên nước men ngọc bích chỉ đạt được màu men mong muốn khi nó được nung trong môi trường yếm khí. Quá nhiều không khí lọt vào lò nung trong quá trình nung sẽ làm “gỉ” chất sắt trong nước men và cho ra màu sắc không như mong muốn, vấn đề khó khắc phục đến nỗi nhiều đồ gốm men ngọc bích còn tồn tại từ thời Koryo bị ố với những dấu vết của oxy hóa. Ngay cả khi được trang bị kiến thức về điều này và với những thiết bị điện tối tân, thợ gốm ngày nay vẫn không thể tái tạo lại được một cách chính xác màu sắc sáng chói của men ngọc bích mà những nghệ nhân ngày xưa đã đạt được.

Về cuộc hành trình của Mộc Nhĩ đi Songdo, tôi đã tham khảo nhiều từ cuốn sách của Simon Winchester - Triều Tiên: Hành trình qua vùng đất nhiệm màu. Năm 1987, Winchester đã đi bộ dọc theo Hàn Quốc, từ Đảo Cheju ở miền nam xa xôi tới Panmunjom, biên giới với CHDCND Triều Tiên. Phần lớn chuyến đi nhọc nhằn của ông băng qua đúng những vùng địa hình giống như trong chuyến đi của Mộc Nhĩ.

Độc giả có thể thắc mắc Seoul, thủ đô hiện nay của Hàn Quốc, không được đề cập đến, dù nó nằm trên tuyến đường mà Mộc Nhĩ đi qua. Seoul được xây dựng vào năm 1392, hơn hai trăm năm sau khi câu chuyện này xảy ra. Nhưng Mộc Nhĩ có đi ngang qua nơi này, khi cậu bé dừng lại và nhìn xuống thung lũng như trong chương 12.

Cũng vậy, bản đồ hiện đại sẽ không chỉ ra vị trí của Songdo. Bởi vì Songdo được đặt tên lại là Kaesong và nằm ở vị trí hiện nay ở biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Nỗi sợ hãi loài cáo có phần phi lý của Mộc Nhĩ có thể khó có sức thuyết phục với độc giả hiện đại. Để hiểu rõ, chúng ta có thể liên tưởng đến sự sợ hãi tương tự đối với loài dơi trong truyền thuyết và văn học phương Tây. Dơi là một sinh vật vô hại, thế mà chúng lại được đề cập đến trong những câu chuyện ghê rợn về ma cà rồng hút máu người. Dân Triều Tiên trong thời đại Mộc Nhĩ cũng có nỗi ám ảnh tương tự như vậy đối với loài cáo, và chúng cũng là nguyên nhân của những câu chuyện hoang đường tương tự.

Tên mới của Mộc Nhĩ được chọn là nhằm tôn vinh Hyung-pil Chun, một cái tên được các viện bảo tàng trên thế giới ghi nhận là người đã tặng nhiều tác phẩm tráng men ngọc bích Triều Tiên tuyệt đẹp cũng như những tác phẩm nghệ thuật khác. Ngoài sự kiện ông đã sống ở Triều Tiên vào thế kỷ 12, tôi không thể tìm thêm được tư liệu gì về ông, nhưng nhờ sự chuyên cần sưu tập và bảo tồn của ông mà ngày nay công chúng có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức những tác phẩm này.

“Mười Hai Tiểu Kỳ Quan Thế Giới” được nhà văn Trung Quốc T’ai-ping Lao-jen liệt kê trong một tác phẩm ít được ai biết đến dưới triều đại nhà Tống [1] của Trung Quốc, cùng thời với triều đại Koryo ở Triều Tiên. Đó là: “Những cuốn sách của Tàng kinh các, rượu hoàng cung, đá mài mực của Đỗ Ân, hoa mẫu đơn Liễu Dương, trà Trân châu, màu men gốm huyền bí của Koryo... là tất cả những gì đặc sắc nhất dưới trần gian!” Tác phẩm này hiện nay không còn nữa, nhưng một vài tư liệu về nó vẫn còn được lưu trữ - tôi thấy nó xuất hiện trong cuốn sách Men Gốm Triều Tiên (Korean Celadon) của Godfrey St. G. M. Gompertz. Và tôi đã trích dẫn câu “Vẻ lộng lẫy của ngọc bích và tính chất trong suốt của nước” từ tựa một cuốn catalog của Bộ Sưu Tập Ataka về đồ gốm Triều Tiên ở Osaka, Nhật Bản.

Chiếc bình “Thiên sếu” (còn được biết đến với tên là “Con sếu và đám mây”) có thể được chiêm ngưỡng tại Bảo tàng nghệ thuật Kansong ở Seoul, Hàn Quốc.

Chú thích:

[1] Từ năm 960 - 1270

HẾT


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx