Giữa năm 1957, sau khi loại “tập đoàn chống đảng” Molotov, Malenkov, Kaganovic ra khỏi Trung ương, Khrusev cử Mikoyan sang Hàng Châu gặp Mao Trạch Đông, thông báo những thay đổi trong nội bộ ĐCSLX, được Mao cam kết ủng hộ. Đáp lại, Khrusev đồng ý giúp Trung Quốc phát triển bom nguyên tử, tên lửa, và nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích kiểu mới. Ngày 15-10 sau 35 ngày thương lượng, hai nước ký hiệp định về việc Liên Xô viện trợ kỹ thuật tên lửa và hàng không cho Trung Quốc. Ngày 2-11, Mao dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung Quốc tới Moskva dự kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười và Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân thế giới.
Tại cuộc họp các đảng cầm quyền 13 nước xã hội chủ nghĩa từ 14 đến 16-11, Mao đã giúp Khrusev khẳng định và ghi vào tuyên ngôn của hội nghị vấn đề “Liên Xô đứng đầu Phe xã hội chủ nghĩa”. Mao chẳng coi Khrusev ra gì, nhưng Trung Quốc còn yếu, Mao muốn giành cho mình “vị trí thứ 2 trên danh nghĩa, vị trí thứ nhất trên thực tế”. Khi khởi thảo tuyên ngôn, phía Liên Xô nêu vấn đề “quá độ hoà bình từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”. Mao coi đây là quan điểm phi mác xít. Qua tranh luận, sửa hai điểm lớn: một là trong khi chỉ ra khả năng quá độ hoà bình, cũng chỉ ra con đường quá độ không hoà bình; hai là trong khi tranh thủ đa số trong nghị viện, cũng triển khai cuộc đấu tranh quần chúng bên ngoài nghị viện.
Từ 16 đến 19-11-1957, Khrusev chủ trì Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân. Khi phát biểu, mọi người đều lên bục, riêng Mao cứ ngồi nói tại chỗ, để thể hiện thân phận mình khác người. Mao nói về quan hệ đồng chí, chiến lược sách lược chiến tranh thế giới, tình hình Trung Quốc. Một số người lắc đầu nhưng nhiều người giỏng tai nghe, coi Mao như Lenin thời nay. Với quá trình hoạt động truyền kỳ, vị trí lãnh tụ nước lớn, học vấn uyên bác, phong độ lãnh tụ không ai sánh kịp, Mao trở thành trung tâm của hội nghị này. Tuyên ngôn viết “Liên Xô đứng đầu, nhưng trong hội nghị Mao là trung tâm”.
Mỗi buổi họp kết thúc, Mao đứng dậy mọi người mới đứng dậy, và họ đứng yên chờ Mao đi trước. Đó là điều Khrusev không chịu nổi. Chuyến đi này khiến Mao rất hài lòng, cảm thấy lãnh tụ Phong trào cộng sản quốc tế trong tương lai chẳng thể là ai khác ngoài ông ta. Vấn đề là kinh tế Trung Quốc khiến Mao lực bất tòng tâm, xem ra không thể phát triển kinh tế theo con đường thông thường, thế là Mao nghĩ ra con đường mới là “Đại tiến vọt”.
Trong cuộc luận chiến sau đó, không phải Liên Xô hiếp đáp Trung Quốc, Khrusev ức hiếp Mao Trạch Đông, mà do Mao cố tình gây ra, nhằm giành giật vị trí minh chủ Phong trào cộng sản quốc tế. Do cần Mao Trạch Đông ủng hộ, trong quan hệ với Trung Quốc, Khrusev đã không tỏ thái độ kẻ cả như Stalin trước đây, mà thận trọng khiêm nhường, có gì trục trặc liền giải quyết qua con đường hiệp thương.
Khrusev đã từ bỏ một số đòi hỏi của Stalin đối với Trung Quốc, như đưa Tân Cương và khu Đông Bắc Trung Quốc vào phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, áp đặt công ty hợp doanh không bình dẳng. Ông cử chuyên gia sang giúp Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân và công nghiệp quân sự. Tám tháng sau cuộc gặp gỡ Moskva, “tuần trăng luật” Xô-Trung lên đến tột đỉnh, rồi bắt đầu xấu đi, kể từ chuyến thăm Trung Quốc của Khrusev.
Ngày 31-7-1958, Khrusev tới Bắc Kinh. Mao Trạch Đông bất chấp mọi lễ nghi ngoại giao tối thiểu, bố trí hội đàm với nhà lãnh đạo Liên Xô ngay cạnh bể bơi riêng trong Trung Nam Hải. Khi được mời vào, Khrusev thấy Mao mặc quần tắm, khoác khăn tắm, nhàn nhã hút thuốc lá, giống như Quốc vương Roma gặp sứ thần thuộc quốc, khác một trời một vực với sự tôn trọng và lễ nghi đặc biệt ông dành cho Mao mùa đông 1957 tại Moskva. Cách làm cố ý chọc tức này nhằm làm xấu quan hệ Trung-Xô, buộc đối phương trở mặt trước.
Tháng 9-1959, trước khi Khrusev sang thăm Mỹ, mượn cớ Xô-Mỹ đang thảo luận ký Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, Liên Xô quyết định huỷ hợp đồng cung cấp mẫu bom nguyên tử và tư liệu kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử cho Trung Quốc, khiến ĐCS và nhân dân Trung Quốc rất tức giận, sự tan vỡ giữa hai bên không còn cứu vãn được nữa. Sau chuyến thăm Mỹ, Khrusev điểu chỉnh chính sách, về đối ngoại đề xướng chung sống hoà bình, thi đua hoà bình, quá độ hoà bình; về đối nội đề xướng xây dựng đảng toàn dân và nhà nước toàn dân, làm mờ nhạt màu sắc chuyên chính của Nhà nước và màu sắc giai cấp của Đảng.
Lúc đó, trong ĐCSTQ tuyên truyền “thuyết trung tâm cách mạng, chuyển dịch”: thế kỷ 19 ở Đức, nửa đầu thế kỷ 20 chuyển dịch sang Nga, sau khi Stalin qua đời chuyển dịch sang Trung Quốc; ĐCSTQ do Mao lãnh đạo giương cao ngọn cờ Mácxít-Leninnít, phê phán chủ nghĩa xét lại Khrusev sẽ hoàn thành sự chuyển dịch này. Đầu năm 1960, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lenin, Trung Quốc mở màn phê phán toàn diện Liên Xô. Nhưng Trung Quốc rất cô lập, ở châu Âu chỉ có Anbani ủng hộ, ở châu Á chẳng có ai. Mao Trạch Đông nghĩ đến Việt Nam.
Từ 1950 đến 1954, Trung Quốc đã giúp Việt Nam 116.000 khẩu súng các loại, 420 khẩu pháo, nhiều khí tài thông tin và công binh. Năm 1956, Trung Quốc ưu tiên viện trợ Việt Nam 50.000 khẩu tiểu liên và súng trường nửa tự động vừa định hình sản xuất, chưa kịp trang bị cho quân đội Trung Quốc. Từ năm 1953 đến 1963, Trung Quốc đã giúp Việt Nam xây dựng 6 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn cầu nổi, 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn máy bay tiêm kích, bổ xung nhiều vũ khí trang bị quân sự khác. Trung Quốc còn giúp 90.000 khẩu súng máy và súng trường để triển khai chiến tranh du kích ở miền Nam. Nhằm lôi kéo Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đấu tranh với Liên Xô, Mao cử Đặng Tiểu Bình sang Hà Nội, mang theo lời hứa giúp Việt Nam 20 tỉ NDT (tương đương 20% thu nhập quốc dân hoặc 60% thu nhập tài chính của Trung Quốc năm 1963), nhưng vẫn không lôi kéo được Việt Nam. Mao Trạch Đông cho rằng cuộc đấu tranh Trung-Xô sẽ diễn ra lâu dài, nên tiếp tục tác động đến Hồ Chí Minh, chính Mao nói với ông Hồ: “Chúng ta là người một nhà, cần người có người, cần vật tư có vật tư, cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Việt Nam thiếu máu chữa chạy thương binh, Mao Trạch Đông chỉ thị: “Mạng người là quan trọng, viện trợ 2 triệu lít. Số máu này được chuyển tử Thượng Hải đến Côn Minh, qua Hà Khẩu, rồi đưa sang thị xã Lào Cai. Nó không như lúa mạch có thể nhập khẩu, mà là từng giọt máu rút từ cơ thể những người may mắn sống sót sau một nạn đói lớn.
Tháng 5-1965, Mao Trạch Đông tiếp Hồ Chí Minh tại Hàng Châu, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp sửa đường bộ. Mao nhận lời ngay. Tám vạn công binh ăn cơm Trung Quốc, làm việc cho Việt Nam trong ba năm trời, quả thật là viện trợ vô tư. Do nhu cầu đấu tranh chống địch trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Mao Trạch Đông còn khinh suất cho Bắc Việt Nam sử dụng đảo Bạch Long Vĩ, thuộc Hải Nam, trên đảo có 2.000 dân Trung Quốc sinh sống, vùng biển xung quanh là mỏ dầu lớn trữ lượng dồi dào. Đến nay lâu ngày qua đi, nảy sinh ý kiến khác về chủ quyền. Thế là tình hưu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cũng không giữ nổi.
Sau thất bại của phong trào “Đại tiến vọt”, Mao vẫn chưa từ bỏ đã tâm làm lãnh tụ cách mạng thế giới, ngược lại, ông ta còn cho rằng đó là lối thoát để đánh lạc hướng chú ý của nhân dân, thoát khỏi tình thế khó khăn của bản thân. Trong 5 năm 1957-1962, Trung Quốc viện trợ nước ngoài tổng cộng 2,36 tỉ NDT, riêng 2 năm 1961-1962 là 1,37 tỉ; trong đó phần viện trợ các nước XHCN Anbani, Triều Tiên. Việt Nam, Cuba, Mông Cổ là 0,87 tỉ, các nước châu Phi 500 triệu NDT.
Tuy nhiên, vẫn không hình thành được trung tâm Phong trào cộng sản quốc tế mới do Mao lãnh đạo, cũng không mua nổi hư danh “lãnh tụ cách mạng thế giới”. Họ chỉ thừa nhận Mao là “lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”.
Tháng 3-1970, tập đoàn Lonnol thân Mỹ đảo chính lật đổ chính phú Vương quốc Campuchia, Sihanouk trở thành con át chủ bài trong tay Mao. Quân đội cộng sản Campuchia được Trung Quốc và Việt Nam nâng đỡ đối đầu với quân đội Lonnol do Mỹ ủng hộ, chiến tranh kéo dài 4 năm, đến 17-4-1975 giải phóng Phnôm Pênh. Tháng 6 năm đó, Pol Pot sang triều kiến Mao Trạch Đông. Sau khi về nước, thực hiện chỉ thị của “lãnh tụ vĩ đại”. Pol Pot tuyên bố xoả bỏ tiền tệ, đóng cửa thị trường, thực hiện chế độ cung cấp trong cả nước, đuổi 3 triệu dân thành thị kể cả sư sãi và giáo sư đại học về nông thôn làm ruộng. Mọi hành động của ĐCS Campuchia sau khi giành được chính quyền đều mang dấu ấn “tả khuynh” của Mao. Bi kịch “Đại tiến vọt ở Trưng Quốc cuối thập kỷ 50 đã tái diễn ở Campuchia.
@by txiuqw4