sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 29: Tổ Cách Mạng Văn Hóa Thay Thế Bộ Chính Trị, Tổ Làm Việc Quân Ủy Thay Thế Quân Ủy Trung Ương

Tổ Cách mạng vãn hoá trung ương ủng hộ phái tạo phản các nơi chống quân đội, làm loạn quân đội. Phó tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh Nhiếp Phượng Trí bị phái tạo phản bắt cho vào bao tải, đánh gãy 8 chiếc răng. Phó Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh kiêm Tư lệnh Hạm đội Đông Hải Đào cũng bị dìm trong giếng nước tại nhà khách của Hạm đội, đầu chúc xuống, chết sặc. Nhiều tướng lĩnh cấp cao bị tuỳ tiện bất giam, khám nhà, hành hạ, có người tự sát, lãnh đạo Quân uỷ Trung ương lòng như lửa đốt.

Trong cuộc hội ý Thường vụ Quân uỷ mở rộng 19-1-1967, Trần Bá Đạt, Giang Thanh phê phán quân đội “đã ở bên bờ chủ nghĩa xét lại”, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Tiêu Hoa là “chính khách tư sản”. Diệp Kiếm Anh chủ trì công việc hàng ngày của Quân uỷ kiện lên Lâm Bưu. Lâm gọi ngay Giang Thanh đến, giận dữ phê phán Giang trực tiếp thọc tay vào quân đội, doạ gặp Mao xin từ chức. Giang túng thế, đổ lỗi cho Trần Bá Đạt, và xin lỗi Lâm. Trong nhật ký ngày 23, Lâm Bưu viết: “Lâm này quyết không để Bà Nàng thọc tay vào quân đội. Đưa quân đội vào trường học là chủ ý của B-52. Cổ động phe tạo phản đánh đổ phái đương quyền đi con đường tư bản trong quân đội cũng do B-52 chỉ huy, Bà Nàng châm ngòi, tấn công quân đội là nhằm vào ai đây?”

Trong các cuộc hội ý Bộ Chính trị ngày 11 và 16-2, có các thành viên Tổ Cách mạng văn hoá tham gia, nhiều uỷ viên Bộ Chính trị, nhất là Đàm Chấn Lâm và Trần Nghị, phản ứng gay gắt trước tình trạng nhiều cán bộ lão thành ở trung ương và địa phương bị đánh đổ. Các nguyên soái đoàn kết quanh Lâm Bưu phản đối Giang Thanh và Tổ cách mạng văn hoá can thiệp vào công việc của quân đội. Mao Trạch Đông thấy nếu không đứng ra chống đỡ, Tổ Cách mạng văn hoá có thể sụp đổ. Đại cách mạng văn hoá sẽ chết non, thế là ngày 15-2, Mao lệnh cho Quân đoàn 38 từ Cát Lâm về Bảo Định, thay thế Quân đoàn 69 (bị điều đi Sơn Tây), đưa vào biên chế của Đại quân khu Bắc Kinh. Sau ba ngày, toàn bộ Quân đoàn 38 đã có mặt, Mao vững tâm chơi bài ngửa với các nguyên soái đại thần. Sớm 19-2. Mao triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, danh sách tham gia do Mao chọn, gồm: Chu Ân Lai, Diệp Quần (thay mặt Lâm Bưu), Khang Sinh, Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh. Lý Tiên Niệm, Tạ Phú Trị.

Mao nổi giận lôi đình, lớn tiếng:

- Tôi kiên quyết phản đối bất cứ ai chống lại Tổ Cách mạng văn hoá. Các người muốn phủ định Đại cách mạng văn hoá, để Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền, không làm nổi đâu. Diệp Quần về nói với Lâm Bưu vị trí của đồng chí ấy cũng không vững, có người muốn cướp quyền, để đồng chí ấy chuẩn bị. Nếu Đại cách mạng văn hoá thất bại, tôi lại cùng Lâm Bưu lên núi đánh du kích. Các người bảo Trần Bá Đạt, Giang Thanh không được, vậy hãy để Trần Nghị làm Tổ trưởng, Đàm Chấn Lâm làm Tổ phó Tổ Cách mạng văn hoá, chưa đủ thì mời thêm Vương Minh, Trương Quốc Đào trở lại, vẫn chưa đủ thì mời cả Mỹ và Liên Xô nữa, bắt Trần Bá Đạt. Giang Thanh mang ra xử bắn! Cho Khang Sinh xung quân! Tôi cũng thôi việc… Trần Nghị muốn lật lại vụ án chỉnh phong ở Diên An, toàn đảng không cho phép. Đàm Chấn Lâm là đảng viên lâu năm, sao lại đứng trên đường lối tư sản? Tôi đề nghị Bộ Chính trị thảo luận việc này, một lần không được thì hai lần, một tháng không xong thì hai tháng, Bộ Chính trị không giải quyết nổi thì phát động toàn đảng giải quyết.

Từ 25-2 đến 18-3, Bộ Chính trị mở rộng họp 7 lần, phê phán Trần Nghị, Đàm Chấn Lâm, Từ Hướng Tiền, Lý Phú Xuân, Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vinh Trăn.

Giang Thanh chỉ huy phê đấu 7 người, đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình thị uy trên đường phố Bắc Kinh chống “Dòng nước ngược tháng 2”, với khẩu hiệu dùng máu tươi bảo vệ “Tổ Cách mạng văn hoá”. Sự kiện trên khiến 4 vị nguyên soái và 3 Phó thủ tướng trong tình trạng “nửa bị đánh đổ”.

Như vậy Bộ Chính trị tổng cộng có 4 người bị đánh đổ (Lưu, Đặng, Đào, Hạ), 9 người “nửa bị đánh đổ” (thêm Chu Đức, Trần Vân), rơi vào tình trạng tê liệt. Tổ Cách mạng văn hoá trung ương do Giang Thanh làm hạt nhân không những thay thế Ban Bí thư, mà còn thay thế cả Bộ Chính trị, trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trong Đảng. Về danh nghĩa, có vẻ như Chu Ân Lai thay mặt Mao Trạch Đông lãnh đạo Tổ Cách mạng văn hoá, trên thực tế là Giang thay mặt Mao lãnh đạo và giám sát Chu. Quyền quyết sách tối cao nắm trong tay Mao, quyền chấp hành tối cao nằm trong tay Chu dưới sự giám sát của Giang Thanh. Lâm Bưu là công cụ răn đe tập đoàn Lưu-Đặng và cán bộ cũ, chẳng nắm được quyền hành gì. Quyền lực tối cao của Đảng và Nhà nước lặng lẽ chuyển sang tay Giang Thanh.

Câu nói của Mao “vị trí của Lâm Bưu cũng không vững” đã ly gián quan hệ giữa Lâm Bưu và các nguyên soái khác, từ đó, không còn tồn tại cục diện Lâm Bưu liên minh với Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn để đối kháng Tổ Cách mạng văn hoá. Đến khi Lâm Bưu chĩa mũi nhọn vào Từ Hướng Tiền và Phương diện quân thứ 4, Mao lại đứng ra bảo vệ Từ Hướng Tiền và các tướng lĩnh thuộc Phương diện quân trên. Lâm Bưu bị cô lập trong quân đội.

Ngày 20-7-1967, trong lúc Mao đang nghỉ ngơi ở Vũ Hán, Vương Lực và Tạ Phú Trị xuống đây, thay mặt Tổ Cách mạng văn hoá trung ương công khai ủng hộ phái tạo phản “Tổng bộ công nhân”, khiến phái “Bách vạn hùng sư” (được Đại quân khu Vũ Hán ủng hộ) nổi giận, Hai phái tổ chức đánh nhau dữ dội trên toàn thành phố, Vương Lực bị bắt giữ, Chu Ân Lai phải xuống tận nơi giải quyết, và bí mật chuyển Mao xuống Thượng Hải. Phái cách mạng văn hoá đổ lỗi cho Tư lệnh Đại quân khu Vũ Hán Trần Tái Đạo (người của Từ Hướng Tiền) đứng sau sự kiện này, nhưng Mao lại nói với Dương Thành Vũ:

- Nếu Trần Tái Đạo chống lại tôi, chúng ta không thể đi khỏi Vũ Hán.

Chiều 25-7, Giang Thanh cho tổ chức cuộc mít tinh một triệu người trên quảng trương Thiên An Môn hoan nghênh Vương Lực, Tạ Phú Trị từ Vũ Hán trở về như những người anh hùng. Lâm Bưu cùng những người thân tín đến dự đầy uy phong.

Lâm Bưu nói sự kiện Vũ Hán mang tính toàn quốc, cần nắm lấy cơ hội này để hành động, và dự báo “một tháng tới sẽ là thời kỳ mâu thuẫn gay gắt nhất trong cả nước”. Ngày 27-7, Lâm Bưu chủ trì một cuộc họp, quyết định cách chức Tư lệnh Đại quân khu Vũ Hán Trần Tái Đạo và Chính uỷ Chung Hán Hoa, bổ nhiệm Lưu Phong làm Chính uỷ thứ nhất, Tăng Tư Ngọc làm Tư lệnh Đại quân khu. Cùng lúc ấy, Mao chỉ thị Chu Ân Lai đón Trần Tái Đạo, Chung Hán Hoa, và cả Sư trưởng cùng Chính uỷ Sư đoàn độc lập về Bắc Kinh bảo vệ.

Ngày 1-8-1967 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, Lâm Bưu là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng Mao lại giao cho Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ đọc diễn văn tại tiệc chiêu đãi, mọi việc để Dương báo cáo Chu Ân Lai chứ không báo cáo Lâm Bưu, lại chỉ thị rõ để các vị nguyên soái xuất hiện công khái trong dịp kỷ niệm này. Việc làm trên đã xoá sạch uy phong của Lâm Bưu trên thành lầu Thiên An Môn chiều 5-7. Chưa hết, xã luận tạp chí Hong Kỳ ngày 1-8 năm đó viết Quân đội Trung Quốc do Mao Trạch Đông “đích thân sáng lập”, Lâm Bưu “trực tiếp chỉ huy”. Đọc mấy dòng trên, Mao sầm mặt, lẩm bẩm thốt lên: “Thì ra người sáng lập không thể chỉ huy quân đội!” Mao phê ngay vào đầu bài xã luận mấy chữ “ngọn cỏ độc lớn”. Xem tiếp, lại có câu “lôi ra một nhúm trong quân đội là phương hướng lớn của cuộc đấu tranh hiện nay” Mao nói làm như vậy ở thời điểm này là huỷ hoại quân đội và Mao viết thêm “trả lại ta trường thành” (quân đội).

Ngày 12-8, Chu Ân Lai truyền đạt cho Tổ Cách mạng văn hoá lời phê trên của Mao. Họ kinh hoàng, biết Mao đã thay đổi phương châm cách mạng văn hoá trong quân đội và sẽ có người phải hy sinh vì sự thay đổi này.

Được Mao cử làm Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền trung ương, Vương Lực trong trạng thái đê mê, không còn biết trời cao, đất dày là gì nữa. Ngày 7-8, Vương đến Học viện ngoại ngữ cổ động cướp quyền ở Bộ Ngoại giao. Hôm sau, Hồng vệ binh áp giải hai Thứ trưởng Ngoại giao Cơ Bằng Phi và Kiều Quán Hoa ra Vương Phủ Tỉnh bán “Chiến báo phê Trần Nghị”, tin ảnh truyền sang Washington, London, Moskva… Ngày 22-8, lực lượng tạo phản đốt cơ quan đại diện Anh tại Bắc Kinh. Chu Ân Lai cử Dương Thành Vũ mang theo tư liệu liên quan về sự kiện trên xuống Thượng Hải báo cáo Mao. Sau hai ngày suy nghĩ, Mao bảo Dương Thành Vũ: “Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ phá hoại Đại cách mạng văn hoá, không phải người tốt. Anh về báo cáo riêng với Chu Ân Lai, cho bắt 3 tên đó, yêu cầu Thủ tướng phụ trách xử lý”.

Ngày 23-9-1967, Mao về Bắc Kinh; cử Dương Thành Vũ làm Tổ trưởng Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương, các thành viên khác là Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác. Dương Thành Vũ mấy lần theo Mao đi các tỉnh, thực hiện các chỉ thị của Mao, mỗi lần về Bắc Kinh chỉ báo cáo Chu Ân Lai, không báo cáo Lâm Bưu, đó là điều Lâm không thể chấp nhận. Nửa năm sau, tức tháng 3-1968, Lâm cùng Giang Thanh dựng lên “vụ Dương-Dư-Phó”, ép Mao Trạch Đông tán thành, đánh đổ Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ, Chính uỷ không quân Dư Lập Kim, Phó Tư lệnh Khu cảnh vệ Bắc Kinh Phó Sùng Bích.

Lâm Bưu cử Hoàng Vĩnh Thắng (Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu) làm Tổng tham mưu trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ làm việc Quân uỷ. Mao đồng ý, vì Hoàng từng tham gia cuộc khởi nghĩa Vụ thu do Mao lãnh đạo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx