sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 25: Tìm Cha

Tiếng động nhịp đều, khô, tròn trịa và ấm. Người đàn bà ngồi trong bóng tối, tóc xõa như một đạo cô nhưng lại không mặc áo tu mà mặc bà ba đen. Tiếng mõ như giọt nước rơi nhanh xuống thềm đá, như hòn cuội tròn ném liên tiếp vào mặt ao tĩnh lặng, lạnh lẽo.

Khách vừa đến. Nhẹ, lẩn khuất vào bóng tối, bàn chân như con mèo đặt vào một không gian ảo, tranh tối tranh sáng. Đạo cô không hay biết có khách đến. Khách cũng không muốn ra mặt, bèn ngồi im trong góc phòng.

Tiếng mõ như sự tan chảy của một vật thể không còn sức để tự kết hợp. Một đời người đầy biến động giờ đang tan rã, vỡ vụn thành những hạt âm thanh khô rơi rụng, lốc cốc, mà không để lại chút dấu vết nào trên sàn gỗ của thiền viện. Những mảnh vỡ của âm thanh ấy chưa kịp chạm xuống sàn đã tan biến vào bóng tối, rồi bị những làn hương thật mỏng cuốn đi mất tăm trong một vòng xoáy vô ảnh.

Đạo cô đang gõ vào đời mình, gõ vào một linh hồn đã khô rốc.

Rồi bỗng dưng tiếng mõ ngừng lại. Chiếc dùi rớt xuống. Giống như ngày xưa Bá Nha đang ngồi đàn trên sông Hán Dương chợt dây đàn đứt, biết có người tri âm đang nghe lén, bèn sai lính lên bờ hỏi và tìm được Chung Tử Kỳ.

Tôi không nghĩ mình là Chung Tử Kỳ nhưng rõ ràng một cử động nhỏ của tôi đã làm tiếng mõ ngừng lại.

-Chào em. Tôi nói mà vẫn ngồi im trong xó, để trắc nghiệm trí nhớ của một người đang được chẩn đoán là “có khả năng mắc bệnh alzheimer”.

-Em đã biết từ khi anh mới bước vào.

-Nghe tiếng chân?

-Không. Một chút thay đổi của ánh sáng.

Lúc ấy tôi bước ra, ngồi xếp bằng sau lưng đạo cô.

-Em rất minh mẫn.

Thu cúi rạp xuống, lạy Phật ba lần rồi xoay người lại. Vẫn còn khuôn mẫu của một giai nhân, vẫn còn dấu vết của một nhan sắc. Chỉ có ánh mắt phảng phất chút bóng tối của nghiệp chướng.

-Anh nghĩ là em không có bệnh gì cả.

-Nhưng em sợ. Thỉnh thoảng em đang ngồi chợt không có ý niệm gì về mình nữa. Như thể vừa đánh rơi bản ngã mình ở đâu, như thể mình không tồn tại. Em rất sợ. Anh đến có việc gì không?

-Có lẽ vài hôm nữa anh phải đi tìm mộ Trần Vũ.

-Trần Vũ à? Em nghe cái tên này rất quen.

-Trời ơi! Em không nhớ Trần Vũ sao? Anh ấy là nhà văn. Đã tự sát trước mặt em mà!

Thu chợt hoảng hốt. Rồi ôm mặt:

-Em xin lỗi. Vậy mà em cứ tưởng là anh đang nói về ông đại úy gì, bạn anh.

-Đại úy Quỳnh.

-Ừ. Đại úy Quỳnh. Sao anh không rủ ông ta cùng đi?

-Hiện nay ông rất yếu, nhất là khi hay tin Trúc nó chết. Mất xác trên biển.

-Tội nghiệp.

Thu nói một cách hững hờ. Có vẻ như bà không biết Trúc là ai và tại sao lại chết trên biển. Tôi nắm lấy bàn tay xanh xao của người đàn bà. Hoàn toàn không có hy vọng gì là Thu sẽ đi cùng tôi trở về R.

Tôi chỉ nhắc lại một chi tiết còn sót trong ký ức:

-Qua con suối. Trên một mô đất. Nhưng cách bờ suối bao xa? Bên cạnh có gì? Một cái cây gì chẳng hạn?

-Em không nhớ. Sao anh không hỏi Mười Thảo?

-Mười Thảo chết rồi. Chết trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

-Ừ, ừ… Mười Thảo đã chết. Đã chết rồi.

Ký ức đã rơi rụng. Lả tả. Xao xác như lá khô. Còn lại chỉ là chút vôi vữa của phế tích, đền đài, thềm đá cỏ mọc…

Tôi không có được thêm thông tin gì về ngôi mộ của Trần Vũ vì thế hôm lên đường, tôi rủ thêm Ba Trần.

Không ai biết trong đoàn còn có một người được coi là đã chết mất xác trên biển. Người đó là Trúc.

Năm 1974 là năm mà trung ương Cục R đã di chuyển từ bờ tây sông Mêkông trên đất Campuchia về đóng quân tại Chàng Riệt ở phía bắc Tây Ninh. Hồi đó từ Tây Ninh muốn vào R phải theo quốc lộ 22 đến Xa Mát, vào sâu trong rừng, nếu đi bộ phải mất cả ngày.

Căn cứ R thực ra không co cụm ở một chỗ mà gồm nhiều cơ quan đóng rải rác trên một địa bàn rộng lớn, không có dân cư, ngoại trừ những toán dân buôn chở các loại nhu yếu phẩm như đường, sữa, bột ngọt, kem đánh răng…vào bán cho bộ đội và du kích. Họ thồ hàng trên những chiếc Honda 90 phân khối màu đen mang từ Campuchia sang.

Cán bộ R thường chỉ đi xe đạp. Sinh hoạt phí mỗi tháng của họ chỉ có 150 đồng tiền VNCH đủ để mua một ống kem đánh răng hiệu Perlon, một gói thuốc Ruby hay Ara từ nguồn hàng của đám dân buôn lưu động.

Số lượng dân buôn này không nhiều như dân “cửu vạn” ở biên giới phía Bắc nhưng họ chính là những chàng cao bồi wild west của Tây Ninh trên lưng những con ngựa sắt không biết mệt mỏi. Họ không những đổ mồ hôi mà còn sẵn sàng chấp nhận bom đạn, B52 rải thảm, mìn bẫy, trọng pháo trút xuống đầu bất cứ lúc nào. Họ bám trụ theo bộ đội, theo R, theo cách mạng, họ cũng hy sinh xương máu, cũng sống chết với cách mạng, nhưng chỉ đơn giản vì miếng cơm manh áo. Và Ban An ninh của R cũng biết như vậy nên vẫn để cho họ tự do “tác nghiệp” trong suốt những năm dài.

Nhưng khi nhắc tới lực lượng hậu cần đặc biệt cơ động này không ai có quyền quên một lão tiền bối. Có thể gọi ông là một thiên tài, một dị nhân trong ngành thương nghiệp thế giới. Tên ông là Sển, một người Tàu trung niên. Ông cũng có một chiếc Honda 90 màu đen đem từ đất K sang, nhưng ông còn đem theo nhiều thứ nữa: một bà vợ, một đứa con gái nhỏ, ba con chó và cả một đàn gà.

Trong khoảng sáu năm trời, từ 1969 đến 1974, khi R còn đóng ở thượng nguồn sông Sài Gòn nằm sâu trong đất K cho đến khi dời về Tây Ninh, lúc nào cũng thấy ông bám theo sát nút. Ban đầu bộ đội còn dạy ông cách đào hầm tránh pháo nhưng khi dời về Tây Ninh thì gia đình ông đã tự đào hầm lấy, đúng theo thiết kế nhà nghề của những cái tranchée hình chữ A rất kiên cố.

Tôi lái chiếc Zace của Ba Trần vào đến Tân Biên lúc mới hơn chín giờ sáng. Ba Trần bảo tôi rẽ vào con đường đất nhưng chẳng thấy đường đất đâu cả, chỉ có con đường nhựa chạy giữa rừng cao su. Cuối khu rừng là con đường đất gồ ghề len lỏi giữa những rẫy mì bạt ngàn.

-Cảnh vật khác xưa nhiều quá. Có thể chúng ta đã đi lạc. Ba Trần nói.

Nhưng chiếc xe vẫn cứ bò tới. Phía bên trái ánh lên một dãy mái tôn còn mới. Tôi chạy thẳng vô giữa sân. Đó là một nhà máy thô sơ nhưng khá rộng. Tuy nhiên, không nghe thấy tiếng máy chạy mà chỉ thấy một mùi hôi nồng nồng của bột mì được ủ lâu ngày.

Bên cái bể nước lớn là mấy người đàn bà đang rửa khoai mì. Tôi hỏi:

-Đường này có vô tới căn cứ của Trung ương Cục Miền Nam không?

Những người đàn bà ngó nhau, tỏ vẻ không biết.

-Xin cho gặp ông chủ?

Một người đàn bà dẫn tôi lên chiếc cầu thang xoắn ốc bằng sắt đã rỉ. Ông chủ là một người to con, mặt tròn.

-Rờ hả? Ông ta bắt tay niềm nở. Gần đây thôi. Nhưng sao các anh không đi theo đường của các tua du lịch?

-Chúng tôi đi theo trí nhớ. Nhưng cảnh vật đã thay đổi quá nhiều.

Ông chủ nói:

-Để tôi cho người dẫn đường.

Đó là một thằng nhỏ chừng mười hai tuổi. Thấy xe hơi nó thích lắm. Tôi bảo nó lên ngồi cạnh tôi để chỉ đường.

Chừng mười lăm phút sau là đến khu di tích của R. Chúng tôi gởi xe ở đó, mua vé đi tham quan như mọi người nhưng Ba Trần nói với người hướng dẫn du lịch:

-Hồi chiến tranh chúng tôi ở đây nhưng bữa nay chúng tôi đến đây để tìm mộ một người bạn. Anh có thể chỉ cho tôi khu lán trại của Khối Nghiên cứu Tổng hợp nằm ở đâu không?

Người hướng dẫn gật đầu và chúng tôi đi theo anh ta. Tôi cho thằng nhỏ tiền và bảo nó tự về nhà bởi vì có thể chúng tôi sẽ phải ở lại đây một vài ngày nếu tìm không ra mộ.

Không ai nói gì trên đường đi. Trúc thì ủ rũ. Sen đưa nước cho vợ uống nhưng Trúc không uống, chỉ nắm tay chồng một lát rồi buông ra.

Nơi đến là một khu vực khá trống trải vì rừng thưa. Gió lùa qua những khoảng trống đầy bóng lá xao động.

Ba Trần hỏi người hướng dẫn:

-Phía bên trái có một con suối phải không?

-Dạ, có.

-Chúng tôi muốn qua bên kia suối.

-Nhưng nhiệm vụ của cháu chỉ đưa khách trong khu vực di tích.

-Vậy chú sẽ tự đi lấy. Cháu có thể quay trở lại.

-Dạ, không được. Cháu đưa khách đi thì phải đưa khách về. Ở đây quy định như vậy.

Chúng tôi không thể vượt qua nội quy ấy.

-Thôi được, tôi nói, chú sẽ gặp lãnh đạo ở đây và xin một giấy phép đặc biệt.

Chúng tôi ăn cơm trưa tại khu di tích. Có trứng, khô bò và một ít thịt rừng. Trúc chỉ nhâm nhi một củ khoai mì luộc. Tôi gọi cho nó một ly nước cam, nó đón nhận bằng một nụ cười héo hắt, đôi mắt ngấn lệ. Tôi lấy một xấp khăn giấy trong túi xách đưa cho Sen. Anh chồng lau nước mắt cho vợ.

Tôi nói:

-Con ạ. Con sắp gặp ba rồi. Ông chỉ ở quanh đây thôi.

Quỳnh Vi đến ngồi cạnh Trúc. Nó nắm tay Trúc. Hai bàn tay đan vào nhau.

-Em lấy thịt nai cho chị nhé?

Trúc gật đầu, nhai một miếng cơm, nhưng mắt nhìn vào trong rừng. Quỳnh Vi ôm Trúc, hôn trên lưng. Nó nói:

-Chị Trúc ơi, nếu chị khóc nữa thì em cũng khóc theo đó.

Trúc cầm lấy tay Quỳnh Vi, vuốt ve cái mu bàn tay xinh xắn của cô gái. Rồi Trúc cười, hỏi:

-Sao cổ tay của em có vết bầm vậy?

-Hôm đó chị trói em chặt quá. Cổ chân cũng còn bầm nữa nè.

-Chị xin lỗi.

-Sao lại xin lỗi?

-Vì lẽ ra chị phải bàn bạc với em trước.

-Không sao. Em chỉ hơi ngạc nhiên một chút. Sau đó em hiểu liền. Chị thật là táo bạo.

-Lúc đó em có sợ không?

-Không sợ. Em chỉ lo chị bị bắn chết.

-Chết hay sống đối với chị cũng gần giống nhau.

Hôm đó chúng tôi không xin được giấy phép vì giám đốc khu di tích đi vắng. Đến chiều ông về, lấy được giấy phép thì trời đã tối. Chúng tôi phải ngủ đêm lại đó.

Người hướng dẫn nhóm một bếp lửa. Mọi người ngồi quanh đó. Trúc có vẻ tươi tỉnh hơn khi nhìn ngọn lửa vừa mọc lên từ mặt đất cằn cỗi. Sen ngồi sát bên vợ. Cậu ta nói:

-Nếu buồn ngủ, em cứ tựa lên vai anh.

Trúc ném một chiếc lá khô vào trong đống lửa. Ba Trần moi trong túi áo ra một cục đá nhỏ như cái hột mít.

-Hồi trưa ở mé rừng tôi có lượm được vật này. Đố ai biết nó là vật gì?

Ông đưa vật lạ cho Quỳnh Vi. Cô gái săm soi một lúc rồi đưa cho Trúc. Trúc thảy thảy hòn đá giữa lòng bàn tay.

-Cháu nghĩ nó có thể là một loại quặng gì đó.

-Không phải quặng. Cũng không phải đá.

Ông nhận lại vật lạ rồi bật quẹt châm lửa. Nó ngún khói rồi bốc lên một tia lửa nhỏ, cháy leo lét như ngọn đèn dầu. Ông nói:

-Đây là những mảnh vụn của bom napan. Nó là một loại phosphor, tức là lân tinh, dân gian thường gọi là xăng đặc. Khi phát cháy sức nóng của nó có thể lên tới 1000 độ C và tỏa khói đen. Hồi đó ở vùng này và miệt Củ Chi quân đội Mỹ thường ném loại bom MK 77 trọng lượng chừng 300 kg. Đó là một loại vũ khí hóa học có sức tàn phá rất lớn.

Quỳnh Vi hỏi:

-Nhưng sao bây giờ nó cháy leo lét vậy bác?

-Vì nó bị vùi trong đất cát, trong mưa nắng mấy mươi năm trời.

Người hướng dẫn du lịch hỏi Ba Trần:

-Bác đã từng sống ở đây bao nhiêu năm?

-Giữa năm 1974 tôi chuyển công tác về đây.

-Chiến tranh ác liệt vậy mà còn sống sót thật là may mắn.

Ba Trần nói:

-Không phải lúc nào cũng ác liệt đâu. Cũng có những lúc yên tĩnh. Hồi đó chúng tôi đóng quân cạnh bờ sông, xế chiều tôi thường rủ vài đồng chí đi tắm, có khi bơi qua bên kia bờ. Bên đó là lãnh thổ Campuchia. Dạo chơi một lúc rồi bơi về, ghé cái quán lá của lão Tàu ăn một tô hủ tíu.

-Bác chơi sang vậy sao?

-Ô! Lúc đó bác là thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng Miền nam, sinh hoạt phí mỗi tháng được 1.500 đồng tiền VNCH nhưng đâu có dịp nào để tiêu tiền. Tích lũy lâu ngày cũng được vài chục ngàn. Tô hủ tíu đó so với bây giờ không là gì nhưng hồi ấy tuyệt lắm.

-Nhưng sao lại có một cái quán lạ lùng như vậy?

-Thì cũng giống như trong truyện Thủy Hử, cũng có những cái quán giang hồ như vậy. Nhờ thế mà cuộc kháng chiến mới có được chút thi vị…

Anh hướng dẫn du lịch lấy giấy bút ra ghi chép lia lịa, cám ơn rối rít.

Hôm sau nhờ lên đường sớm nên chúng tôi lội qua bên kia suối mới hơn tám giờ. Vạc rừng bên ấy rất thoáng vì có những trảng trống đầy cỏ tranh và những ao nước được hình thành do những hố bom khổng lồ. Những hố bom ấy đã được phủ đầy cỏ dại, bụi gai và chằn chịt những rễ cây rừng bò ra, đan chéo nhau dày đặc.

Chúng tôi đi dọc theo bờ suối suốt một tiếng đồng hồ mà không tìm thấy một mô đất nào cả. Tất cả những gì chúng tôi biết được chỉ là câu nói mơ hồ của một người đàn bà tâm thần bất ổn: “Qua bên kia suối, trên một cái đồi thấp”.

Nhưng đến nơi mới thấy không đơn giản như vậy. Bởi vì con suối rất dài, hình như nó bắt nguồn từ tận đâu trên đất Campuchia, băng qua nhiều cánh rừng và đổ ra sông Vàm Cỏ. Muốn lên tới thượng nguồn có lẽ cũng phải mất vài ngày băng rừng.

Đi, đi mãi, chỉ thấy trảng cỏ và những bụi tre già đầy gai góc. Ba Trần đi lại khó khăn nên nhiều khi tôi và Sen phải dìu từng bước qua những gai gốc rậm rạp phủ lên các hố bom nhỏ như những cái bẫy.

Trúc thì linh hoạt hơn. Cô thường tách khỏi đoàn, lùng sục các bụi rậm và các lùm cây mà cô nghi ngờ là đang ẩn giấu một nấm mồ như sự mô tả của Thu.

Giữa trưa, tất cả đều mệt mỏi. Trần gần như không còn lê bước được nữa. Sen trải tấm ny-lông trên khoảng đất trống đầy lá khô và đỡ Ba Trần nằm xuống.

Quỳnh Vi bị vắt đeo chân, xắn quần lên gỡ, thấy máu chảy ròng ròng, khóc hu hu. Nhưng Trúc thì vẫn lùng sục vào các lùm cây lớn.

Chợt có tiếng gọi phía sau đám lá:

-Bác Ba ơi!

Trần xoay người về phía tiếng gọi, từ đó chạy lại một thanh niên và một người đàn ông trạc chừng năm mươi tuổi.

Người hướng dẫn vừa thở vừa nói:

-Tìm được rồi.

-Ở đâu? Tôi hỏi.

Anh ta chỉ vào người đàn ông nọ:

-Đây là chú Hay, hồi trước làm giao liên của R.

Trần bật dậy, nhìn sững người đàn ông đen thui đang đứng trước mặt mình:

-Trời ơi! Hay, em còn sống sao? Em có nhớ anh không?

-Sao quên được. Anh với em chuyên môn đi xin cơm cháy nhà bếp mà.

-Bây giờ em ở đâu?

-Em có cái rẫy mì. Gần đây. Nghe chú em này nói hôm qua có mấy người ở thành phố lên tìm mộ anh Vũ nên em lật đật chạy lại đây. Chính em là người chôn cất anh Trần Vũ mà.

Rồi người đàn ông đưa cổ tay ra trước mặt mọi người:

-Đây là cái đồng hồ anh Trần Vũ để lại cho em. Nó còn chạy tốt lắm. Đồng hồ Thụy Sĩ lên giây…

Nói chưa hết câu đã bật khóc.

Trúc cũng khóc. Cô quỳ xuống trước mặt người đàn ông xa lạ, nước mắt đầm đìa. Tôi nói:

-Đây là con gái của Trần Vũ.

Người đàn ông đỡ Trúc dây. Ông nói:

-Chúng ta phải quay lại.

Ông dẫn mọi người băng qua một trảng trống xâm xấp nước, đến một khu rừng khác. Quả nhiên ở đó có một cái đồi thấp.

Mộ của nhà văn Trần Vũ nằm đơn độc trên đỉnh đồi đã phủ đầy cỏ gai. Trên mộ có cắm một khúc gỗ khắc dòng chữ: “Nhà văn Trần Vũ, hy sinh ngày 14 tháng 05 năm 1974.”

Người đàn ông nói:

-Đó là nét chữ của Mười Thảo.

Trúc ngồi bệt xuống cỏ, đặt bàn tay lên nấm đất. Buổi trưa rừng im tiếng. Nín thở. Những con chim cũng ngừng hót khi nghe tiếng khóc của người con gái. Tôi nằm ngửa trên sườn đồi nhìn khoảng trời sanh sâu thẳm phía trên những tán lá rừng lao xao lay động.

Tiếng khóc nhẹ như cơn gió. Tiếng khóc như một lời ru. Lời của đứa con ru cha mình. Lời ru ấy không có trong đời thường, không có trong ca dao cũng không có trong dân ca. Đó là lời ru của số phận. Lời ru của chiến tranh.

Tiếng khóc ấy cũng đang ru tôi, đang ru kiếp người phù du, bạc bẽo.

Vậy là chúng tôi quyết định ở lại một đêm nữa tại rẫy mì của Hay, người đồng chí cũ.

Mấy ông già ngồi nói chuyện với nhau bên bàn nhậu. Quỳnh Vi không biết làm gì. Ban đầu cô trò chuyện với Trúc vì thấy Trúc cứ khóc hoài nhưng sau đó cô nghĩ nên trả Trúc lại cho chồng để hai người an ủi nhau. Vậy là Quỳnh Vi tấp vô bàn nhậu với mấy ông già.

-Ông nội ơi! Con có uống một chung được không?

-Được. Một chung thôi.

Vi nhắp môi, thấy không sao nên uống cạn. Tôi gắp cho nó một miếng thịt heo rừng hấp gừng, nó có vẻ rất thích, đòi uống chung nữa.

Mấy ông già bàn chuyện “lấy cốt”. Chuyện đó khá đơn giản vì chẳng ai đòi hỏi người chết phải được công nhận liệt sĩ hay phải được chôn ở nghĩa trang danh giá nào trong thành phố. Chỉ đơn giản là đưa hài cốt về quê. Và chuyện đó hoàn toàn có thể hoàn tất nội trong ngày mai.

Trước khi đi ngủ, tôi kéo Ba Trần ra ngoài sân:

-Anh có thấy là bé Trúc nó đang tuyệt vọng không?

-Tôi biết. Ông muốn nói về chuyện nhiễm HIV chứ gì? Tôi sẽ lo cho nó.

-Nhưng còn chuyện ám sát vương gia? Công an họ không tìm ra cái xác nào trên biển nên họ đang tiến hành xét nghiệm dấu vân tay để lại hiện trường. Như thế là Trúc không thể sống công khai được, rất bất lợi cho việc điều trị HIV. Hiện nay nó đâu dám về quê. Tình cảnh quá bi thảm.

Ba Trần nói:

-Tôi có thể thu xếp cho nó một chỗ ở.

Lúc ấy Trúc đang nằm sau bếp, trên cái chõng tre nhỏ. Sen bắc ghế ngồi cạnh, cầm tay vợ, vuốt ve, dỗ dành:

-Nín đi. Em khóc hoài làm cho mọi người đều buồn theo. Trước đây em là một người cứng rắn lắm mà.

-Trước đây em phải trả thù nên em cần sức mạnh. Bây giờ không còn cơ hội đó nữa, chỉ còn lại mình đối mặt với hoàn cảnh. Anh nghĩ mà xem: ba em chết thảm như vậy. Nằm một mình trong xó rừng, mẹ em thì mất xác trên biển. Còn em, nhiễm HIV coi như đã tận số, đã tàn đời rồi. Em sống để làm gì nữa?

-Em sống để làm vợ anh. Đó là điều rất quan trọng.

-Làm vợ anh được sao? Anh nghĩ là em sẽ cứ lành lặn như vầy hoài sao? Bịnh nó sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS và em sẽ phải chịu đau đớn thân xác, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao, tiền bạc thì không có, phải đi nằm bệnh viện, phải đi nuôi bệnh, hình hài sẽ xấu xí, ghê tởm. Rồi một ngày nào đó người ta sẽ phát lệnh truy nã. Anh tội tình gì mà phải chịu đựng một hoàn cảnh như thế?

-Anh yêu em. Và anh tự nguyện.

-Nhưng em không tự nguyện.

-Đừng bướng. Hãy ngủ đi!

Sen cúi xuống ôm Trúc và hôn lên má. Trúc ghì lấy chồng, tiếng khóc mắc kẹt giữa cổ họng khô rát..

Tôi và Ba Trần đều dậy rất sớm, khi sương mù còn bay tản mạn trong những khóm lá mì ngoài vườn. Chúng tôi đem đồ ra xe và hút thuốc lá chờ bọn trẻ. Những người thợ bốc mộ cũng đến rất sớm. Họ vừa đi vừa gặm bánh mì.

Quỳnh Vi pha sẵn cà phê trong cái bình năm lít, rót ra những cái ly giấy chia cho mọi người trên xe. Vi hỏi:

-Ủa, chị Trúc và anh Sen đâu rồi?

Không ai trả lời. Quỳnh Vi nhảy xuống xe gọi:

-Chị Trúc ơi!

Nhưng chỉ có Sen chạy ra, mặt mày ngơ ngác:

-Không biết đi đâu từ sáng sớm. Khi anh thức dậy thì cổ đã đi rồi.

Một người trên xe nói:

-Lúc sáng sớm tôi thấy có một chị ăn mặc như người thành phố đi về phía khu di tích.

Tôi bảo mọi người lên xe và lái ra cổng, phóng thật nhanh về phía R. Trên xe, tôi hỏi:

-Có phải mặc quần jeans và áo thun đen không?

-Dạ đúng, người nọ nói. Ở đây không ai ăn mặc như vậy.

Tôi nhấn ga, hy vọng sẽ đuổi kịp cô gái. Xe lắc mạnh như nhồi trên sóng. Tôi chỉ mất có mười lăm phút để đến khu di tích nhưng vẫn không thấy bóng dáng Trúc đâu.

Bỏ mặc mọi người, tôi kéo tay Sen chạy. Những người thợ bốc mộ không hiểu chuyện gì, giương mắt nhìn, nhưng chúng tôi cứ chạy về hướng ngôi mộ. Phải mất nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới lội qua con suối, băng qua cái trảng trống để leo lên ngọn đồi thấp.

Bên nấm mồ có một người đang quỳ mọp, mà cũng có thể là đang nằm. Khi tôi và Sen đến nơi thì không phải Trúc đang nằm mà đang quằn quại trên cỏ ướt.

Sen nhào tới, bế Trúc lên, nhưng cái tấm thân mảnh dẻ ấy đang giãy giụa, chống trả thần chết một cách tuyệt vọng. Sen siết chặt người vợ vào ngực mình và cảm nhận cơ thể của Trúc lả dần, lỏng dần giữa hai cánh tay mình. Chàng thanh niên ấy quỵ xuống, hai tay vẫn ôm chặt vợ mình trước ngực. Anh mở miệng muốn thét lên nhưng đã tắt tiếng. Quai hàm cứng lại, mặt trắng bệt như tờ giấy vàng mã.

Tôi ngồi ôm gối, khóc như một đứa trẻ.

Trần và mọi người cũng vừa tới. Ông đứng lặng nhìn Trúc hồi lâu rồi nói:

-Mã tiền!

Đó chính là chất độc mà Trúc đã dùng để giết lão vương gia.

Và hôm nay cô đã mượn nó để đi gặp cha mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx