Trác Mộc Cường Ba nói: “Ừm, tôi sẽ đi vào trọng điểm trước. Tôi nghĩ chúng ta đã tìm ra được một số thông tin về Merkin và gia tộc của hắn trong các tư liệu lịch sử rồi. Merkin mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, cùng với Morton Stanley mà chúng ta đã biết quá rõ, giữa tổ tiên của hai người này có một mối liên hệ nào đó.”
“A!” Trương Lập và Nhạc Dương cùng giật mình ngạc nhiên.
Trác Mộc Cường Ba lại nói tiếp: “Đương nhiên, chúng ta không có chứng cứ lịch sử xác thực, mà chỉ có thể dựa vào suy đoán để đưa ra kết luận. Trước tiên, mọi người cần biết tới mấy cái tên này. Thứ nhất, là Diego de Landa, giáo sĩ người Tây Ban Nha theo quân viễn chinh tiến vào Maya, người này đã làm một chuyện lớn vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn minh Maya. Có thể nói, một nửa các di sản văn hiến của người Maya để lại đã bị hủy hoại trong tay giáo sĩ tên Diego de Landa này. Khi người Tây Ban Nha đặt chân lên châu Mỹ, nền văn minh Maya đã lụi tàn. Những người Maya bọn họ gặp toàn mặc da thú, không có chữ viết, xã hội vẫn còn ở hình thái nguyên thủy, trí lực thậm chí còn thấp hơn người nguyên thủy, vì vậy người Tây Ban Nha chẳng hề tốn chút công sức nào đã chiếm được châu Mỹ. Nhưng rồi sau đó, những người nguyên thủy ấy dẫn họ đến xem thành đá Maya, kiến trúc kỳ vĩ như là của người ngoài hành tinh xây nên, còn cả những đồ trang sức bằng vàng được chế tác hết sức tinh xảo, khiến đám người Tây Ban Nha thảy đều đỏ mắt thèm thuồng. Càng quan trọng hơn nữa là, những người nguyên thủy ấy đã lấy ra rất nhiều văn bản viết trên vỏ cây, đó có lẽ chính là tiếng Maya. Tuy họ đã quên hết ý nghĩa của văn tự, nhưng cũng biết đây là của tổ tiên để lại, nên đều cất giữ như bảo vật. Tất cả các ghi chép đó chỉ do một mình Landa đọc duyệt, nên các nhà nghiên cứu lịch sử Maya hiện đại hầu hết đều cho rằng, Landa hiểu tiếng Maya. Đáng tiếc, không hiểu vì nguyên nhân gì, ông ta đã đem tất cả tư liệu về Maya thu thập được thiêu rụi. Chính hành vi này của ông ta đã khiến người đời sau gặp phải vô vàn khó khăn trong việc nghiên cứu lịch sử Maya, đồng thời cũng khiến lịch sử Maya trở thành một câu đố đến nay vẫn chưa thể giải hết.”
Trác Mộc Cường Ba ngưng lại giây lát để đổi hơi, tiếp tục nói: “Còn lý do tại sao ông ta phải hủy hoàn toàn các dấu tích văn hiến Maya ấy, đồng thời gần như điên cuồng truy bắt, giày vò, giết chết những người đã dâng nạp những tài liệu tiếng Maya đó, hoặc những người biết ở đâu còn lưu giữ những dấu tích Maya khác, các nhà sử học đã đưa ra hai lối giải thích. Thứ nhất, là khi đó Landa muốn hủy diệt tín ngưỡng tinh thần của người Maya một cách triệt để, hòng khiến đám người nguyên thủy ấy tin theo Chúa, nên mới sử dụng những biện pháp cực đoan đó; ngoài ra còn một cách giải thích khác nữa là, từ những dấu tích văn hiến Maya có trong tay, Landa đã thực sự phát hiện ra điều gì đó mà ông ta cho rằng không thể tồn tại trên đời này, vì vậy mà Landa đã từng tuyên bố rằng, những tài liệu tiếng Maya đó đều là lời dối trá của ma quỷ, đồng thời gọi những người đã đọc, đã thấy qua những tài liệu ấy là giáo đồ dị giáo, còn nói nếu không thiêu chết bọn họ, những kẻ ấy sẽ trở thành người phát ngôn thay cho ma quỷ. Cũng vì chuyện này mà ông ta bị triệu hồi về Tây Ban Nha, đưa ra tòa án tôn giáo, đồng thời bị cầm tù ở Tây Ban Nha mười một năm. Về sau, Landa kháng án, một hội đồng bao gồm nhiều học giả đã xá miễn tội cho ông ta. Năm 1573, Landa lại trở về Maya đảm nhiệm chức Hồng y Giáo chủ. Nhưng trong lần trở lại này, thái độ của Landa lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ, từ một kẻ điên cuồng hủy diệt văn hiến Maya, biến thành một kẻ sưu tầm và bảo vệ các tài liệu lịch sử ấy. Ông ta bắt đầu thừa nhận, trong các tài liệu tiếng Maya từng bị ông ta thiêu hủy, có rất nhiều ghi chép liên quan tới tập tục và khoa học của người Maya. Về sau, ông ta thu thập các tài liệu, viết ra cuốn sách nghiên cứu đầu tiên nền văn minh Maya, tên làRelación de las cosas de Yucatán (Phong vật Yucatan). Rất nhiều nhà nghiên cứu Maya hậu thế đều bắt đầu dựa trên nền tảng là cuốn sách này.”
Trác Mộc Cường Ba lại ngừng giây lát, rồi nói tiếp: “Sự việc của Landa tạm tới đây thôi, giờ tôi sẽ nói đến người thứ hai. Người này tên là Diego Garcia de Palacio, cũng là giáo sĩ người Tây Ban Nha, nghe nói ông ta và Landa có quan hệ thân thích. Landa chết năm 1579, nhưng từ khoảng năm 1576, vì tuổi tác đã cao nên ông ta không thể thực hiện công việc khảo sát và tìm kiếm các tài liệu lịch sử cũng như di tích cổ Maya trên phạm vi rộng được nữa. Lúc này, người tên Palacio này liền xuất hiện ở Maya, bắt đầu thâm nhập và tiến sâu hơn về phía Nam châu Mỹ, khảo sát thu thập các tài liệu về tổ tiên người Maya. Ông ta tập hợp các tài liệu mình sưu tập được, biến thành một tập bản thảo. Bản thảo này và cả bản thảo viết tay của Landa đều không được tiết lộ công khai, mà bị cất giấu ở một nơi bí mật đến tận thế kỷ mười chín mới lộ ra. Mọi người nhớ kỹ nhé, điểm này rất quan trọng.”
Trác Mộc Cường Ba đứng hẳn lên, nói tiếp: “Tiếp theo là vào chủ đề chính rồi. Trong số tài liệu chúng tôi mang từ Nga về lần này, có một phong thư viết từ khoảng cuối thế kỷ mười bảy. Một nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha tên là Marcus Merkin, viết cho một giáo sĩ Tây Ban Nha tên là Palacio Stanley, nội dung bức thư là người tên Merkin kia hỏi dò Stanley xem bản thảo viết tay của ông cố ngoại Stanley có còn không, trong đó có nhắc đến nơi nào tên là Bạc Ba La hay không.”
“Hả!” Nhạc Dương và Trương Lập kinh ngạc kêu lên thành tiếng.
Trác Mộc Cường Ba nói: “Sau khi tìm kiếm ở nhiều nguồn, đối chiếu kỹ lưỡng, chúng tôi phát hiện ra ông cố ngoại của Palacio Stanley chính là Diego Garcia de Palacio. Mà trùng hợp hơn nữa là, Marcus Merkin và Palacio Stanley, hai người này vừa khéo lại trùng với họ của Merkin, và Morton Stanley. Mà số tài liệu này của chúng ta, là do Liên Xô đoạt được từ tay người Đức sau Thế chiến II. Có lẽ người Đức đã thông qua nhiều kênh khác nhau để thu thập tài liệu về Morton Stanley, đây rất có khả năng là một bức thư gia đình được Morton Stanley giữ lại. Càng trùng hợp hơn nữa là, Marcus Merkin và người tên Ben Merkin chúng ta đang đối đầu hiện nay, đều là người Bồ Đào Nha. Còn một điểm nữa, bản thảoviết tay của Palacio mãi đến năm 1840 mới lộ diện công khai, nhưng những nhà nghiên cứu Maya thời bấy giờ đã chỉ ra rằng, bản thảo này bị thiếu trang. Còn Morton Stanley, phán đoán dựa vào các tài liệu trước đây, cho rằng ông ta chịu ảnh hưởng của Stephens nên đã điều tra Maya trước, sau đó mới đột nhiên chuyển hướng qua Tây Tạng, rất có thể là một suy đoán sai lầm. Có khả năng là, ngay từ đầu ông ta đã có kế hoạch như vậy rồi. Có lẽ ông ta đã phát hiện được một số bí mật trong những thư tín của gia đình, mà chúng ta chỉ mới được xem qua một bức, những thư từ văn kiện khác còn nhắc đến gì nữa thì không rõ. Ngoài ra, việc Morton Stanley nói rằng ông ta nghe được tên Bạc Ba La thần miếu từ bài sử thiA Lý Vươngđã thất truyền, quá nửa cũng là chuyện bịa đặt, bởi vì ngoài ông ta ra, đâu còn vị học giả nào từng nghe bài sử thi ấy đâu chứ.”
Nhạc Dương nói: “Tôi lấy làm lạ, tại sao Marcus Merkin có thể trực tiếp gọi ra cái tên Bạc Ba La, hơn nữa bản thảo viết tay ấy chẳng phải đã bị giấu kín rồi ư? Làm sao ông ta biết đến nó được chứ?”
Trác Mộc Cường Ba nói: “Về chuyện này, không thể không nhắc đến lịch sử của Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha vốn thuộc Vương quốc Castilla, cũng chính là tiền thân của Tây Ban Nha. Năm 1140, Bồ Đào Nha thoát ly khỏi sự thống trị của Vương quốc Castilla, tuyên bố độc lập, đến năm 1143 được Giáo hoàng La Mã công nhận. Từ đó trở đi Bồ Đào Nha đã trải qua rất nhiều vương triều, cường thịnh nhất chính là vương triều Avis. Từ năm 1415 đến năm 1580, người Bồ Đào Nha đã mở đầu thời đại hải quyền, trở thành những người dẫn đầu thế giới về kỹ thuật hàng hải và thám hiểm thế giới. Nhưng khi vương triều Avis sụp đổ, quốc vương Tây Ban Nha đã dùng thế lực của mình ép buộc Bồ Đào Nha quy phục Tây Ban Nha trở lại. Cũng có nghĩa là, vào thời Palacio sống, Bồ Đào Nha từng là nước chư hầu của Tây Ban Nha. Chúng tathậm chí có thể đặt giả thiết, tổ tiên của Marcus Merkin và Palacio có khả năng đã từng làm việc chung trong Giáo hội, vì vậy ông ta mới biết rõ những bí mật của họ. Ngoài ra, những vấn đề như rốt cuộc Landa đã đọc được gì trong các tài liệu lịch sử của Maya mà khiến ông ta có những hành động điên cuồng như vậy, Palacio nghiên cứu, điều tra những gì, tại sao lại bị giấu đi, đều không thể nào tra tìm lại được nữa.”
Trương Lập nói: “Vậy thì Marcus Merkin và Palacio Stanley có thể là tổ tiên của Ben Merkin và Morton Stanley rồi?” Trác Mộc Cường Ba nói: “Không những vậy, quan trọng hơn nữa là, chúng ta đã biết được từ đâu mà bọn họ thăm dò ra sự tồn tại của Bạc Ba La thần miếu.”
Nhạc Dương nói: “Tôi hiểu rồi, từ Cổ cách kim thưlưu lạc ở hải ngoại, chúng ta tìm hiểu được thông tin có thể từng có sứ giả đến châu Mỹ, và mang theo bí mật về Bạc Ba La thần miếu, vì vậy mới lên đường đến châu Mỹ tìm hiểu. Còn bọn Merkin thì vừa khéo ngược lại, bọn hắn biết được bí mật về Bạc Ba La thần miếu từ chỗ người Maya, vậy nên mới đếnTây Tạng thăm dò.”
Trác Mộc Cường Ba gật đầu: “Đúng vậy, đây chính là một thông tin quan trọng mà chúng ta có được nhờ suy đoán, thêm vào tập tài liệu Cánh Nam cho cậu xem lần trước, chúng ta đã nắm được sở trường của đám thủ hạ đi theo tên Merkin đó rồi. Giờ đây, có thể nói là chúng ta và hắn đã đứng ở cùng một độ cao, sau này nếu có gặp lại, chắc chắn chúng ta sẽ không bị dồn vào thế bị động nữa rồi.”
Mẫn Mẫn thấy Trác Mộc Cường Ba nói có vẻ hơi mệt, liền rót cho gã và giáo sư Phương Tân mỗi người một cốc nước. Trương Lập thò tay ra xin, liền bị cô đập cho một cái, nói: “Tự đi mà rót,” kế đó cười nói: “Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện một số điều khác nữa, để tôi nói cho mọi người nghe nhé.”
Mẫn Mẫn xoa xoa tay, nhoẻn miệng cười ngọt ngào nói: “Tôi muốn nói đến quan hệ giữa đảng Quốc xã và Bạc Ba La thần miếu trong Thế chiến II. Trước tiên, tôi cũng phải nhắc đến mấy cái tên trước đã. Nhưng người đầu tiên mà tôi nói đến ở đây nổi tiếng hơn mấy vị của anh Cường Ba nhiều. Ông ta tên là Heinrich Himmler.”
Trương Lập và Nhạc Dương đồng thanh “ồ” lên một tiếng. Người này là thủ lĩnh của Gestapo trong Thế chiến II, đương nhiên là không ai không biết đến.
Mẫn Mẫn nói: “Himmler là kẻ ủng hộ cuồng nhiệt chủ nghĩa chủng tộc. Ông ta sùng bái siêu năng lực và tin rằng người Aryan là chủng người ưu tú nhất. Từ nhỏ Himmler đã ảo tưởng mình có thể chỉ huy một đội quân chiến đấu vô địch, đồng thời có dã tâm thôn tính cả thế giới. Nói ra thật buồn cười, nghe đâu tư tưởng này của ông ta bắt nguồn từ một cuốn sách dạng nửa khoa học viễn tưởng nửa tôn giáo mà hồi nhỏ ông ta từng đọc. Tác giả cuốn sách đó viết rằng, người Aryan đến từ ngoài vũ trụ, họ đã xây dựng trên địa cầu một vương quốc Atlantic hết sức giàu có xinh đẹp. Về sau vì nạn đại hồng thủy, nên mới buộc phải đào vong, lần lượt trở thành tổ tiên của người Tây Tạng và người Đức bọn họ ngày nay. Vì số lượng người sống sót rất ít, nên người Aryan không thể không tạp giao với các giống người bình thường trên trái đất, vì vậy về sau đã mất đi siêu năng lực của mình. Himmler hết sức tin tưởng vào điều này, đồng thời cho rằng, chỉ cần để người Aryan thuần chủng giao phối với người Aryan thuần chủng, sinh ra những người Aryan thuần chủng, họ sẽ có lại được siêu năng lực của tổ tiên. Tư tưởng này hết sức quan trọng. Một loạt sự kiện xảy ra sau này đều bắt nguồn từ đâycả.”
Trương Lập và Nhạc Dương đều cảm thấy tức cười. Bọn họ chỉ biết Himmler là một sát thủ trong Thế chiến II, đã giết hại rất nhiều người Do Thái, đồng thời xây dựng vô số trại diệt chủng ở khắp châu Âu, còn về nguồn gốc tư tưởng ấy của ông ta, đây mới là lần đầu tiên họ được nghe.
Mẫn Mẫn nói tiếp: “Chính vì tư tưởng điên cuồng này, Himmler đã tổ chức một loạt các hành động, trong đó, mấy việc trứ danh nhất đều hoàn thành trong năm 1935 cả. Năm đó, ông ta thành lập Quân đoàn Đen, chính là lực lượng SS nổi tiếng sau này. Nghe nói, chỉ người nào có huyết thống Aryan thuần khiết mới được tham gia SS. Ngoài việc bản thân có năng lực ưu tú ra, người đó còn phải có gia phả để tra xét. Huyết thống Aryan của binh sĩ phải tra ngược đến năm 1800, còn sĩ quan thì cần tra ngược lên đến năm 1750. Nhưng sự tuyển lựa nghiêm khắc này của ông ta vẫn đem lại hiệu quả nhất định, về sau chính đội quân này đã trở thành lực lượng đáng sợ nhất của nước Đức. Ngay cả sau khi Thế chiến II kếtthúc, người ta mới dần dần phát hiện ra, có rất nhiều kiến trúc sư, bác sĩ, luật sư, nhà khoa học… nổi tiếng thế giới, trước đây đều ở trong lực lượng SS.Nhưng bọn họ đã che giấu thân phận rất tốt, đồng thời có nhiều cống hiến sau chiến tranh, vì vậy vẫn được mọi người tôn kính. Chuyện một nhà văn Đức từng được trao giải Nobel văn học, đến lúc hấp hối mới tiết lộ thân phận thực sự từng là một thành viên trong lực lượng SS của mình chính là một ví dụ.”
Nói tới đây, Mẫn Mẫn ngừng lại giây lát, Trác Mộc Cường Ba biết cô lại nhớ đến những nghi vấn lúc vừa mới phát hiện ra đặc điểm của lực lượng SS. Lúc đó, Mẫn Mẫn nói: “Giáo sư, anh Cường Ba, hai người xem này, mỗi người trong lực lượng SS này đều tinh anh cả, hai người không cảm thấy, bọn họ rất giống với 13 Hiệp sĩ Bàn Tròn lần trước giáo sư nhắc đến hay sao? Hai người xem đi, sau chiến tranh bọn họ đều trở thành chuyên gia và người có địa vị trong một lĩnh vực nào đó, nhưng ai có thể ngờ trong quá khứ họ lại là những sát thủ bàn tay nhuốm đầy máu tươi cơ chứ. Mỗi người bọn họ đều có một thân phận rất tốt đẹp để ngụy trang, đồng thời lại được tôn kính nữa. Thật đáng sợ quá đi mất. Chẳng những vậy, trong số họ vẫn còn một số người vẫn luôn sùng bái chủ nghĩa sắc tộc. Nhìn tay bác sĩ này mà xem, nếu không phải ông ta lén lút làm quá nhiều thí nghiệm trên cơ thể người, bị phát hiện ra, thử hỏi ai biết được ông ta lại là tàn dư của lính SS cơ chứ, trong lĩnh vực y học, ông ta vẫn luôn là một người có uy tín được cả giới học thuật thế giới công nhận kia mà.”
Có điều lúc này, dường như Mẫn Mẫn không có ý định đả động thêm đến quan điểm đó của mình, cô nhanh chóng tiếp lời: “Đương nhiên, đây chỉ là một đơn vị trong lực lượng đó. Himmler còn triển khai kế hoạch Nguồn gốc Sinh mệnh, cũng chính là kế hoạch nhân giống người thuần chủng mà tiếng thối đã đồn khắp năm châu. Ngoài ra ông ta cũng thành lập Hiệp hội Di sản Tổ tiên, cái hội đồng này chính là điểm trọng tâm mà hôm nay tôi muốn nói với mọi người. Himmler biên hết các chuyên gia huyết thống Đức thuần chủng vào lực lượng SS. Nhưng ông ta cũng không ngu, vì ngoại trừ người Do Thái, các chuyên gia có huyết thống không thuần chủng khác được ông ta xếp vào một chỗ, thành lập ra cái gọi là Hiệp hội Di sản Tổ tiên. Hội đồng này, đã quy tụ những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực trên khắp thế giới mà Himmler thu nạp được. Ngoài chuyên gia các ngành khoa học thông thường như vật lý, hóa học, sinh học, động thực vật học, y học… ở đây còn có cả những nhà nghiên cứu kỳ dị cổ quái thuộc các ngành như linh học, chiêm bốc học, tinh tượng học… Theo các số liệu thống kê, Hiệp hội Di sản Tổ tiên ước chừng có khoảng mấy trăm thành viên, nhưng không có con số cụ thể rốt cuộc là bao nhiêu người, đến nay cũng chưa thể tìm hiểu rõ hơn. Về sau, khi nước Đức tổ chức đội thám hiểm Seifert đến Tây Tạng khảo sát lần đầu tiên, có một nửa thành viên trong đó là người của cái hiệp hội này, nửa còn lại của lực lượng SS. Còn một điều quan trọng hơn nữa là, trong cái hiệp hội đó, có một người mà chúng ta không thể không nhắc đến.”
Nói tới đây, Mẫn Mẫn bước tới bên cạnh giáo sư Phương Tân. Ông đã chuẩn bị sẵn từ trước, không đợi Mẫn Mẫn lên tiếng, lập tức hướng màn hình máy tính về phía mọi người, rồi ngước nhìn cô mỉm cười.Mẫn Mẫn cũng nhoẻn miệng cười đáp lại, đoạn nói với Nhạc Dương, Trương Lập: “Hai người xem tấm ảnh này đi.”
Trên màn hình máy tính hiện ra một bức ảnh đen trắng chụp chung hai người, một người hơi lùn, mặc quân phục của Đức Quốc xã, miệng cười hớn hở, hai tay nắm chặt bàn tay người kia, thái độ hết sức vui vẻ cao hứng; người còn lại trông hết sức cao lớn uy mãnh, mặc áo choàng dài có thắt lưng của quân nhân, nhưng không đeo bất cứ phù hiệu gì, đầu cũng đội mũ quân nhân. Y mới chỉ đứng đó thôi, đã khiến người ta cảm giác thấy một luồng áp lực đè nén rồi. Cả hai người trong ảnh Nhạc Dương đều không nhận ra, nhưng Trương Lập tức thì giật mình kinh hãi. Người đàn ông cao lớn kia gần như là cùng một khuôn đúc với Merkin, cũng gương mặt như đao tạc ấy, cũng vẻ lạnh lùng tàn khốc ấy, giữa đôi hàng lông mày cũng ẩn chứa nét ngông cuồng hoang dã ấy, chỉ có điểm khác biệt là, người đàn ông này trông còn trẻ hơn, thâm trầm hơn Merkin, ánh mắt cũng âm hiểm tàn độc hơn hắn. Trương Lập chỉ vào người đàn ông rất giống Merkin ấy, lắp bắp nói: “Người… người này, y là…”
Mẫn Mẫn nói: “Người thấp hơn ấy, chính là Himmler, rất ít ảnh bắt được vẻ mặt hớn hở xun xoe ấy của ông ta, kể cả là lúc ở bên cạnh Hitler cũng không, duy chỉ có người đứng bên cạnh y đây mới khiến y lộ ra vẻ mặt ấy mà thôi. Nếu phán đoán của chúng tôi không lầm, tên của người này, chính là… Hector Merkin.”
“Hả!” Nhạc Dương nhảy dựng, ngạc nhiên thốt lên: “Lại là một tên Merkin nữa!”
Mẫn Mẫn gật đầu: “Đúng vậy. Ban đầu, tấm ảnh này nằm lẫn trong một đống tài liệu văn kiện về Thế chiến II, chúng tôi cũng không hề chú ý đến, là anh Cường Ba tình cờ phát hiện ra người này trông rất giống Merkin, nên bọn tôi mới để ý đến nó. Mọi người chú ý nhìn bàn tay trái của Merkin mà xem, chiếc nhẫn ở ngón giữa ấy, nhìn thấy chưa?”
Nhạc Dương chú ý quan sát chiếc nhẫn bạc trên ngón giữa bàn tay trái của Merkin, trong tấm ảnh, chiếc nhẫn đó phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Mẫn Mẫn phóng lớn bức ảnh trên màn hình máy tính, sau khi xử lý nhòe, chiếc nhẫn bạc liền hiện lên rất rõ nét. Chính giữa chiếc nhẫn là một hình đầu lâu kỳ dị, hai bên có hoa văn xoắn cuộn, sau phù hiệu ngôi sao sáu cánh ở bên phải là một hàng văn tự cổ. Mẫn Mẫn chỉ vào những chữ ấy nói: “Đây là tên dòng họ Merkin của y, được khắc bằng một loại văn tự hình chêm rất cổ xưa, cũng có thể coi như là tiêu ký của gia tộc. Chúng tôi tin rằng, tên của y được khắc ở mặt bên trong của chiếc nhẫn. Về sau, khi chế tạo nhẫn đầu lâu cho quân đội Đức, Himmler từng nói, ông ta có được linh cảm từ một người bạn. Tôi nghĩ, linh cảm đó của Himmler có quá nửa là đến từ người này. Tấm ảnh này không đề thời gian chụp, mà chúng ta lại chỉ có tài liệu trên máy tính nên cũng không có cách nào phán đoán được, chỉ có thể dựa vào trang phục trên người của Himmler để suy đoán đại khái. Có lẽ tấm ảnh này được chụp vào khoảng năm 1935. Mọi người chú ý xem bối cảnh phía sau đi, sau lưng hai người này chính là trụ sở Hiệp hội Di sản Tổ tiên thời điểm bấy giờ, sau năm 1935 thì đã đổi sang địa chỉ khác rồi.”
Nhạc Dương ngạc nhiên nói: “Nếu chỉ có mỗi tiêu ký của gia tộc Merkin, làm sao mà biết được tên đầy đủ của y chính là Hector Merkin cơ chứ?”
Mẫn Mẫn nói: “Có một tài liệu khác nhắc đến chuyện này, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn đánh đồng hai sự việc này với nhau, vì vậy đây mới chỉ là suy đoán.” Mẫn Mẫn quay sang nói với Nhạc Dương và Trương Lập về khả năng Hector Merkin làm gián điệp hai mang xâm nhập vào Công viên Bletchley.
Nghe xong chuyện về Hector Merkin, Trương Lập lấy làm lạ nói: “Nhìn tấm ảnh này, thì Hector Merkin đã được mời đến Hiệp hội Di sản Tổ tiên rồi, sao lại vào được Công viên Bletchley nữa nhỉ?”
Trác Mộc Cường Ba lên tiếng: “Chuyện này chúng ta cũng chỉ có thể suy đoán thôi. Không biết lúc đó Hector Merkin đã dùng thân phận gì để gia nhập Hiệp hội Di sản Tổ tiên của Himmler, nhưng từ tấm ảnh này có thể thấy, y đã được Himmler hoan nghênh nhiệt liệt. Chúng ta đặt giả thiết, y đã lợi dụng cục diện hỗn loạn của chiến tranh và sự cuồng nhiệt của Himmler đối với siêu năng lực, trình ra kế hoạch tìm kiếm hậu duệ của người Aryan thuần chủng ở Tây Tạng, vì vậy mới có chuyến khảo sát đầu tiên của quân Đức ở Tây Tạng năm 1938. Còn lúc gia nhập vào Công viên Bletchley, có lẽ nhiệm vụ của y là phá hoại hoặc làm chệch hướng công tác phá giải mật mã Enigma của quân Đồng minh. Nhưng lúc đó, trên chiến trường, quân đội Đức đang rơi vào thế yếu, nếu Hector Merkin đã nhìn ra quân Đức không thể nào vãn hồi chiến cuộc nữa, y hoàn toàn có thể lợi dụng cơ hội này, trở mặt giúp quân Đồng minh phá giải mật mã của người Đức. Như vậy, y đã tự tạo cho mình một con đường rút lui. Ngoài ra, từ năm 1938 đến năm 1945, quân Đức đã hai lần vào Tây Tạng nghiên cứu, rồi Lạt ma Tây Tạng cũng xuất hiện một cách thần bí ở Đức. Những sự kiện này rốt cuộc có quan hệ trực tiếp với Hector Merkin hay không, tất cả vẫn còn là câu đố chưa lời giải đáp. Hơn nữa, dựa theo những tài liệu chúng ta nắm được trong tay, người tên Hector Merkin này, rất có khả năng đã tham gia chuyến đi Tây Tạng lần thứ nhất.” Kế đó, gã lại nói về hành động liên hợp của hai nước Anh Đức cùng tiến vào Tây Tạng, và chuyện người thần bí được gọi làHM.
Trương Lập kêu lên: “Cường Ba thiếu gia, đợi chút đã, anh nói cái ký hiệu kia là tiếng Ru ru gì ấy nhỉ…” “Tiếng Runic.” “Đúng rồi, chính là cái đó. Anh nhắc lại hộ tôi với, chữ HM trong tiếng Runic viết như thế nào vậy?” Trác Mộc Cường Ba liền bật đoạn tài liệu ấy lên màn hình máy tính, nói: “Đây, chính là cái này…”
Trương Lập chỉ ký hiệu đó kêu lên: “Tôi thấy rồi! Để tôi nhớ lại xem nào! Chắc chắn là thấy rồi, trong lịch sử Thế chiến II thôi! Cái ký hiệu ấy nổi tiếng lắm, sao không nhớ ra được nhỉ…”
Vẻ mặt Trương Lập hết sức nghiêm túc, mấy người bọn Trác Mộc Cường Ba đều tạm thời ngừng nói chuyện, không quấy nhiễu anh nữa. Trương Lập đột nhiên vỗ mạnh vào trán mình, nói: “Điệp viên X, điệp viên thần bí nhất trong Thế chiến II! Tôi nhớ ra rồi!”
“Chuyện là thế nào vậy?” Nhạc Dương truy vấn.
@by txiuqw4