sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dấu Ngoặc Lịch Sử

Davenport bề ngoài chỉ kà một ký giả tự do mới vào nghề, vừa đặt chân lên Việt nam -vùng đất hứa hẹn sẽ đưa hắn từ địa vị một nhà báo vô danh tới tột đỉnh của vinh quang nếu hắn biết khai thác thời cơ và cả may mắn nữa. Không phải là hắn không biết chiến tranh Việt nam đã bước vào buổi chợ chiều, và cái ngày không thể tránh được -the inevitable Day, người ta, trong đó có người Mỹ, phải trả lại cho xứ sở rách nát này một nền hòa bình. Nhưng cái ý tưởng nhân bản đó chỉ thoáng qua khi ngọn lửa ngút tham vọng cá nhân của hắn cháy bùng trở lại. Rằng Việt nam đối với hắn trong chuyến đi này có ý nghĩa một tiếp tục phiêu lûu về miền Tây, bên kia Thái bình dương qua vùng đất mới. Thời cơ của hắn cũng chẳng còn bao lâu nữa ngoài cái hy vọng ở một vài cao điểm bộc phát của cuộc chiến tranh trước giờ tàn lụi. Và hiện giờ thì hắn đang sống với tâm trạng chờ đợi một Mậu thân Hai ở bên thềm năm mới. Rằng cộng sản không thể không làm một cái gì ở chuyến đi lịch sử của tổng thống Nixon qua Bắc kinh. Xem ra các dấu hiệu chuyển động có vẻ thuận lọi và mọi nỗ lực thu thập tìm kiếm chỉ là để củng cố cái niềm tin đầy ước muốn riêng tư đó. Khi mà tiếng gọi của danh vọng lớn hơn lương tâm, với tất cả sắp đặt dự mưu, chỉ sau một chuyến đi ngắn 24 tiếng đồng hồ xa Sài gòn, Davenport đã tài tình vẽ ra được cảnh bi ai của một Tiền Mậu thân Hai không thể tránh được trên Cao nguyên.

Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi bản tin viễn ấn của hắn được đánh đi, người ta đã thấy Davenport đang ngồi chễm trệ trong một quán rượu mát lạnh trên từng lầu mười của một khách sạn hạng nhất, bên một cô thư ký riêng và cũng là người đàn bà tình nhân trẻ đẹp đầu tiên của hắn ở Sài gòn. Davenport không khỏi thích thú thưởng thức những giòng chữ đã được hâm nóng của hắn, đang tràn ngập trên hầu hết trang nhất của các báo Việt ngữ vừa xuất bản buổi chiều. Không thiếu cả những slogans tám cột nhằm phóng đại cái vẻ căng thẳng của nguồn tin mà chính hắn cũng tự biết là không mấy phần trung thực.

Theo thông tín viên Davenport hiện có mặt tại Cao nguyên thì thị trấn Kotum hiện đang sống trong những ngày nghẹt thở. Trước các nguồn tin đe dọa bị tấn công, cả bà già con nít đều được mang vũ khí. Dân chúng hối hả đào hầm làm bao cát để ẩn tránh pháo kích. Và cứ mỗi bữa chập tối, là các trẻ em đàn bà cùng những ông già di chuyển tấp nập trong thị trấn nhỏ không tới ba chục ngàn dân này: họ thuộc lực lượng tự vệ được võ trang, sẵn sàng ứng phó cuộc phản công của địch mà theo tin tình báo thì Kontum là mục tiêu chính yếu. Trong khi Hàng không Việt nam tạm thời bãi bỏ đường bay Sài gòn Kontum vì lý do an ninh. Thường dân và nhân viên tư trong bệnh viện Mỹ cũng di tản xuống Nha Trang. Các yếu khu được tăng cường phòng thủ kiên cố. Cùng khi đó, phi cơ quan sát Việt nam và Hoa kỳ đã liên tiếp phát hiện dấu vết của 30 xe tăng địch và riêng trưa nay không lực lại mới khám phá và hủy diệt một đoàn chiến xa sáu chiếc ở hướng Tây nam gần trại Lực lượng Đặc biệt Benhet. Người ta cũng ghi nhận đã có các cánh quân tăng viện tinh nhuệ rầm rộ vừa tới từ Sài gòn...

Vào một buổi sáng mai khi chân trời còn hoe nắng, đã có 14 phi vụ vận tải khổng lồ nối đuôi nhau cất cánh từ phi trường Sài gòn. Cũng là lần đầu tiên một cuộc đổ quân rầm rộ được hoàn tất chớp nhoáng bởi một phi hành đoàn trẻ trung hoàn toàn Việt nam. Chỉ vào xế trưa phi trường Kontum đã ngập tràn những người lính tinh nhuệ với đầy đủ sống ống sẵn sàng tham chiến. Họ thuộc cánh quân tăng viện đầu tiên tới thị trấn để kịp thời ứng phó với tình hình được mô tả là khẩn trương ở những ngày trước Tết.

Nhưng thật trái hẳn với tin tức phổi phồng trên báo chí về những ngày được mô tả là nghẹt thở, thì thị trấn Kontum vẫn mang bộ mặt sinh hoạt bình thường. Không làm gì có bóng dáng những bà già và trẻ con được võ trang tấp nập đi lại trong các đường phố. Hàng không Việt nam vẫn duy trì những chuyến bay Kontum-Sàigòn, chưa kể thêm những phi vụ đặc biệt được gia tăng vào dịp Tết. Nhịp độ pháo kích cũng chỉ ở mức độ trung bình.

Và với một ông Tướng ưa khoa đại, chỉ thích tuyên bố những câu ngoạn mục, cái gọi là dấu vết của mấy chục chiến xa mới phát hiện vẫn đang còn là một nghi vấn cần được kiểm chứng. Không kể các nguồn tin thời sự quốc tế, chỉ riêng về tin tức quốc nội, ngoài một hãng thông tấn của nhà nước với đường lối thông tin một chiều theo lệnh của chánh phủ - liệu đến bao giờ báo chí Việt nam mới thực sự là tai nghe mắt thấy tại chỗ của người dân, mới thoát ra khỏi cái mê hồn trận của mấy hãng thông tấn ngoại quốc, thứ guồng máy độc quyền sản xuất tin ngay trong giới hạn lãnh thổ Việt nam? Dù có quá khứ trên cả trăn năm kể từ Gia Định báo, hầu như không phải vô tình mà một số báo ở Sài gòn đã làm công việc tiếp tay cho các thế lực quốc tế điều kiện hóa dư luận quần chúng ở Việt nam.

Riêng đối với mấy người lính mới đặt chân xuống thị trấn, thì nơi-nào-cũng-vậy, chỉ có những ngoại cảnh đổi thay -từ vùng xanh bát ngát đồng bằng với ngọn núi đá Bà Đen trơ trụi tới chập chùng đồi núi của bức tường thành Trường sơn, không gian gần gũi của họ vẫn chỉ gồm những hầm hố và bao cát. Ngay sau khi từ phi trường di chuyển đến địa điểm trú đóng, không lãng phí một phút giây, mấy trăm tấm thân nâu sạm khỏe mạnh như những tượng đồng, nhỏ mồ hôi phơi mình giữa nắng trưa đổ lửa trên một bãi khô trần trụi nóng. Mấy trăm cánh tay vạm vỡ đồng loạt tung lên bổ xuống những nhát cuốc bẫm trên một nền đất núi lam nham đầy sỏi đá. Họ như những con sâu đang tự đào bới những hốc hang, đủ để chui mình xuống sâu dưới lòng đất, đủ cho họ sống ngoi ngóp và chờ đợi chiến tranh như một thiên tai bật chợt phủ ập tới. Nhưng rồi không nói ra, những người lính tự hỏi, trước thoáng hy vọng ở hòa bình trong năm mới liệu ai sẽ là đống tro than trong ngọn lửa đỏ bùng cháy mãnh liệt trước giờ lụi tàn hẳn. Hiển nhiên chẳng người lính nào mà lại muốn là kẻ vô danh cuối cùng chết cho cuộc chiến dai dẳng và thật vô ích này.

Chưa có dấu hiệu gì về một tổng công kích để làm dứt điểm cho chiến dịch Đông Xuân như lời đồn đãi. Bắc quân không đủ sức để làm như vậy khi mà yếu tố bất ngờ của Mậu Thân đã không còn nữa. Nhưng họ lại dư sức tạo một chiến thắng cục bộ như ý muốn để chỉ gây tiếng vang hậu thuẫn cho cuộc thương thuyết xảy ra ở bất cứ đâu. Đó là chiến thuật xử dụng bàn-tay-nắm để tạo một-cú-đấm-then-chốt, từ ngữ trong tài liệu học tập bắt được của cán binh cộng sản -một cú đấm ngoạn mục sao cho chấn động dư luận thế giới như trận Điện Biên Phủ 1954, nhưng lần này sẽ kết thúc bằng sự ra đi của tất cả người Mỹ tham chiến ở Đông dương.

Liệu đâu sẽ là mục tiêu của cú đấm then chốt đó? Một câu hỏi khó giải đoán và đang làm điên đầu giới lãnh đạo, nhất là khi mà những diễn biến chính trị quốc tế có chiều hướng hoàn toàn bất lợi cho cái quan điểm chỉ có bề ngoài cứng rắn của Sài gòn. Và cũng chỉ là ước đoán của bộ Tổng tham mưu thì rất có thể là Vùng 2 -vùng cao nguyên núi non hiểm trở rất yếu phòng vệ, sẽ là mồi ngon cho các đại đơn vị địch quân dễ dàng xâm nhập. Dự đoán một diễn tiến có thể xảy ra như sau: từ vùng Tam Biên và căn cứ địa 609, một lực lượng hùng hậu của Mặt trận B3 sẽ tràn qua đánh chiếm tỉnh Kontum -thị trấn Kontum sẽ là điểm và diện sẽ là Dakto, Pleiku và hải cảng Quy nhơn. Cú đấm này nếu thành tựu sẽ cắt đôi miền Nam làm hai mảnh. Biến cố đó sẽ không phải chỉ là Một Dấu Ngoặc mà là một Khúc Quanh Trọng Đại Của Lịch Sử. Để tất cả phải đứng trước một sự đã rồi: một thực tại ba Việt nam, để từ đó làm căn bản cho cuộc thương thuyết ngưng bắn. Khi mà mối bang giao với người Mỹ lúc nào cũng có thể là sự vỡ mộng bất ngờ, có gì chứng tỏ là họ sẽ chống lại một giải pháp như thế. Hay biết đâu đó lại chẳng là ước muốn trao đổi như một thỏa hiệp ngầm với phe bên kia để khả dĩ tìm một bước rút lui vinh quang. Không đâu xa, từ những kinh nghiệm quá khứ những Mậu thân, Snoul, Hạ Lào

-điều mà người ta e ngại là sự kiện có thể của cái gọi là xóa đi bày lại của những bàn tay phù thủy, hiển nhiên trong đó có ám chỉ người Mỹ. Những người lính cầm súng ý thức đã phải chiến đấu với lòng tổn thương và hoàn toàn mất tin cậy bên cạnh một đồng minh chỉ biết đặt quyền lợi của họ lên trên cả những mục tiêu tranh đấu tối thượng của dân Việt. Còn riêng đối với Bắc quân, việc phải thí mấy chục ngàn quân để đạt mục tiêu có giá trị chiến lược là điều rất có thể và rất dễ làm. Đó là lý do khiến chúng tôi đã phải vừa cầm súng chiến đấu vừa phải tự ước lượng mức độ của cuộc chiến tranh trong màn hỏa mù để không tự biến thành một đống tro than trong những giờ tàn của cuộc chiến. Với chúng tôi sẽ không bao giờ có hai ngọn đồi 31 như trận Hạ Lào. Lịch sử không phải một tái diễn mà là sự liên tục của một quá trình xã hội có đủ dấu thăng và nốt trầmvới những nguyên nhân sâu xa nhất.

Dù có thể chỉ là trận giặc cân não, cũng không phải là ngẫu nhiên mà chúng tôi phác thảo ra một kế hoạch bảo toàn lực lượng như vậy. Tự đặt mình trong một hoàn cảnh phải chiến đấu đơn độc, không hy vọng được yểm trợ, nếu không có kế hoạch giải quyết trận địa mau chóng, sớm muộn chúng tôi cũng sẽ địch bao vây và tiêu diệt. Bởi vậy một kế hoạch “mở đường máu” chọc thủng phòng tuyến địch và hỗ tương yểm trợ để thoát ra lực lượng cầm chân bao vây, đã được ban tham mưu nghĩ tới. Với một trận địa khi mà địch đã có cả chiến xa và trọng pháo, một khu rừng rậm rạp kế cận được chọn để ẩn tránh, cùng với một hệ thống địa đạo để có thể linh động di chuyển, tránh được tầm theo dõi và điều chỉnh tọa độ pháo của các toán tiền sát địch quân... Xem ra ở lần hành quân này, với cái gọi là Cú Đấm Then Chốt bản chất mới của trận địa đã khiến chúng tôi phải từ bỏ cái quan niệm chỉ biết tấn công để phải trở về vị trí phòng thủ - nhưng đó là khả năng phòng thủ cao và rất linh hoạt, khiến đám cố vấn Mỹ phải đưa ra nhận xét về vụ tấn công nếu có của địch, sẽ là một ý muốn tự sát của Bắc quân -the suicide game they can’t win. Hiển nhiên vị trí chúng tôi chẳng phải là bất khả xâm phạm như đám cố vấn đã ngây thơ nhận xét nhưng ít ra chúng tôi cũng đủ sức cầm cự và cả chống trả một cách mãnh liệt; và cái khả năng có thể bị tràn ngập khi mà đối phương đã trả một giá quá đắt là hy sinh tung vào một lực lượng nhiều lần đông gấp bội về quân số. Và ở một hoàn cảnh đã không còn có một chọn lựa nào khác, với cách chuẩn bị ấy chúng tôi bình tĩnh chờ đợi. Qua đêm rồi ngày. Một ngày dài bằng hai đêm nay. Đó là tiêu lệnh báo động cho toàn đơn vị là cộng quân sẽ tấn công.

Nhưng chỉ có ngày dài và đêm lặng lẽ khác thường. Đón Giao thừa, thay cho pháo và tiếng súng, chỉ có những trái hỏa châu rực rỡ từ các tiền đồn bắn lên. Người chiến binh quên cả nỗi nhớ nhà, ai cũng hồn nhiên tin ở một điềm lành hòa bình trong năm mới. Sáng mùng Một, trời đẹp với khí hậu thì ấm áp. Chỉ thực sự có Tết ở góc tỉnh nhỏ nơi biên cương này. Dân chúng vẫn nô nức tràn ra đường, xuất hành đi lễ đầu năm -cả bà già và trẻ con tấp nập; dĩ nhiên là không có võ trang mà chỉ thấy những chiếc quần chiếc áo mới rực rỡ dành cho ba ngày Tết. Nét mặt người nào cũng rạng rỡ hạnh phúc.

Duy chỉ có thông tín viên Davenport thì nét mặt rầu rĩ, ôm trên lòng chiếc máy cassette thu thanh và những máy chụp hình kềnh càng; cùng với mấy đồng nghiệp bên hãng thông tấn AP và UPI, ngồi trong một quán cóc cà phê trên con đường dốc Phú Mô, trong mỏi mệt đợi chờ gần như vô vọng từ nhiều ngày một tổng công kích Mậu thân 2; nhưng rồi để chỉ có mùa Xuân và một cái Tết lặng lẽ đi qua. Điều có vẻ lạ lùng nhưng có thật là ở giữa cuộc chiến kéo dài ba muơi năm, vẫn có những người mong sao có thêm những mùa Xuân khói lửa, họ chưa thích nghi được với hai chữ hòa bình. Đâu phải chỉ có Davenport và bầy ký gỉa kên kên trông đợi háo hức một vụ tấn công tan hoang, mà phải kể thêm ban tham mưu của ông tuớng vùng sau khi đã rùm beng tiên đoán một trận địa Cao nguyên sẽ diễn ra kinh hoàng. Và phải kể cả thiểu số bọn nhà giàu theo dõi báo chí hoảng sợ bỏ thị trấn ra đi trước đó nhiều hôm...

Nhưng rồi, một trận tổng công kích trên khắp Cao nguyên, theo báo động của ông Tướng - hay điều mà ký gỉa Davenport mệnh danh là Mậu thân 2 đã không xảy ra. Cũng không xảy ra một Cú Đấm Then Chốt “à la Dien Bien Phu” để cộng sản có thể mở một Dấu Ngoặc Lịch Sử, nói theo ngôn từ của họ. Năm nay chỉ có Tết của một đám dân hiền lành với nụ cười và vẻ mặt hân hoan trong khắp thị trấn. Còn riêng với những người lính của rừng xanh thì đây là ba ngày Tết tuy xa nhà nhưng là lần đầu tiên im lìm tiếng súng, với cả những nụ mai vàng không ngừng nở. Và một Mùa Xuân đang về êm đềm trên đỉnh những non cao.

Kontum 2/1972


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx