sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Giấc Mơ Kim Đồng

Mặt trận Tây nguyên 1971. Thời tiết đã lại thay đổi bất thường, gây trở ngại cho hoạt động của không lực và những toán thám sát. Thời gian của chúng tôi nơi đây sẽ chẳng thể còn kéo dài bao lâu nữa. Cuộc chiến đang lết đi với những bước thật tẻ nhạt và trong nỗi khó khăn mỏi mệt vô cùng cho cả đôi bên. Tôi có ý nghĩ đó ở những ngày cuối cùng của cuộc hành quân kéo dài cả tháng trong mật khu Hố Bò vùng rừng núi An Lão, giữa một giai đoạn mà người Mỹ đang toan tính tháo chạy và được báo chí Mỹ mệnh danh Việt nam hóa.

Buổi sáng lại thêm một trực thăng bị bắn rơi -chiếc thứ ba trong vòng không đầy bốn tuần lễ bởi loại hỏa tiễn tầm nhiệt S8 của Liên xô, mà hầu như đơn vị Bắc quân nào cũng có được trang bị. Một đơn vị xung kích được điều động tức tốc thả vào cứu nguy cho phi hành đoàn. Chiếc phi cơ đã rơi vào địa điểm một căn cứ huấn luyện lớn và quan trọng nhưng hầu như bị bỏ ngỏ. Như thông lệ, địch đã rút đi rất sớm và từ chối giao tranh ở một trận địa thiếu yếu tố bất ngờ và chưa được sửa soạn trước. Phi hành đoàn được giải thoát, cả phi cơ cũng không bị thiêu hủy. Các toán xung kích mặc sức tung hoành khai thác kho tàng và tịch thu chiến lợi phẩm. Ba lô đứa nào cũng chật ních. Giữa cuộc hành quân mà tụi nó hồn nhiên vui như những đứa trẻ đồng xanh. Đứa hái rau, đứa rượt heo, còn mấy đứa khác nữa thì thi nhau đuổi gà. Đúng ngay địa điểm dưỡng quân và canh tác cải thiện của đơn vị Bắc quân cấp cỡ trung đoàn nhưng ngụy trang khéo léo, từ trên máy bay theo tầm nhìn mắt chim không thể phát hiện được gì. Vào đến trong bếp thì tro than còn ấm, chắc rằng tụi nó thấy động vội vã rút đi cách đây không lâu và chưa xa. Vì phải triệt xuất bằng trực thăng trước khi trời tối, nên toàn mục tiêu được triệt hạ và thanh toán chớp nhoáng ngay sau đó và không gặp một sức kháng cự đáng kể nào. Vô số tài liệu phim ảnh được tịch thu. Đó là phần công việc khai thác mệt nhọc của ban Hai sẽ phải làm trong đêm nay.

ï cái vùng Đất Khổ này, bất cứ điều gì cũng là sự quá độ. Thời tiết sau những ngày khô nóng rốp da, chụp xuống bất chợt là những cơn mưa gió lạnh vần vũ suốt buổi chiều và chưa biết kéo dài tới bao giờ. Đồi núi trắng mờ mịt. Dưới những chiếc Poncho, sẽ không còn người lính nào tránh khỏi ướt rét. Chỉ còn chiếc lều vải bộ chỉ huy tạm đứng vững chưa bị gió cuốn. Ngổn ngang đống tài liệu nhanh chóng được đánh giá và phân loại. Cả những cuốn phim cũng được ráp nối để chiếu trên khung vải. Biển Lửa, Đầu Sóng Ngọn Gió, Hà nội chiến thắng vẻ vang... cùng những phim tài liệu và thời sự. Tất cả tuyên truyền cao độ cho cái khí thế đấu tranh của nhân nhân miền Bắc, vừa tay cầy tay súng, chống oanh tạc và thi đua bắn hạ máy bay Mỹ vừa phải sản xuất chống đói lại còn hạt gạo cắn hai cho miền Nam tình nghĩa anh em. Chẳng có gì mới lạ để phải hàng giờ theo dõi những hình ảnh rập khuôn như thế...

Nhưng rồi bất chợt, thời gian bỗng lùi lại ba mươi năm. Khung cảnh của Việt Bắc với núi rừng thiên nhiên và hùng vĩ của vùng tự trị Thái Mèo. Nhân vật là bé Kim Đồng, cũng là tên cuốn phim phỏng theo một tác phẩm văn học của Tô Hoài, là một thiếu nhi liên lạc tí hon đầu tiên đã tạo được thành tích lẫy lừng giúp bộ đội ở những ngày khởi đi của kháng chiến. Tập truyện Tây Bắc khai thác nếp sống của các sắc tộc thiểu số trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một câu chuyện đơn sơ cảm động, phản ánh nét sinh hoạt phẳng lặng của người dân miền núi chất phác với phong phú những tập tục cổ truyền rất xa lạ với người Kinh ở đồng bằng, nhưng cũng rất tích cực tham gia kháng chiến -một giai đoạn ban đầu của cuộc kháng chiến còn giữ nguyên vẻ thần thánh, của toàn dân khởi nghĩa với duy nhất một ý chí chống Pháp để giành lại độc lập xứ sở. Kim Đồng chính là hình ảnh thuở ban đầu của cuộc cách mạng thơ mộng và đầy cảm xúc đó. Nó đã làm nhỏ lệ trong tim các bà mẹ và khuấy động lòng yêu nước trong trắng của trẻ thơ...... Chú bé liên lạc viên Kim Đồng ấy đã chết -một cái chết may mắn và tuyệt đẹp ở một thời điểm còn rất trong sáng của cuộc kháng chiến, để đi vào huyền thoại lịch sử Kim Đồng. Nhưng ba mươi năm sau, có bao nhiêu thế hệ Kim Đồng khác còn sống tới tuổi trưởng thành, dù là gốc Bắc hay Nam, cùng nhân danh giấc mơ Việt nam, khoác thêm một nhãn hiệu và đang hăm hăm cầm súng, AK hoặc M16 như các đồng bạn khác -để có thể là đêm nay trong tầm tã của cơn mưa ngã cây lở núi, đang sợ hãi thất lạc trong hoang vu của núi rừng Tây nguyên, bên chân dãy Trường Sơn, mò mẫm rình chờ lùng kiếm hạ ngã nhau như những con thú.

Sài Gòn Mất Tên 1981. Từ sáu năm rồi mà vẫn tưởng như mới hôm qua với cơn đau lột da ấy. ï lại với những ngày cuối tháng Tư 75, có nghĩa là chấp nhận mọi sự kể cả cái chết của một cuộc giao tranh sống mái. Nhưng thực sự đã không có một Mặt Trận Nóng ở Sài Gòn để cuộc chiến tranh Việt nam dài đẵng ấy được kết thúc một cách đẹp đẽ. Thảm kịch không phải chỉ trong chiến tranh mà chính là ở điểm cuối kết thúc với những người lính cầm súng vốn dũng cảm đã bị chính các tướng lãnh chỉ huy của họ làm nhục bằng sự tháo chạy hay đầu hàng.

Bắt đầu tự bao giờ ngôn ngữ Việt đã bị khai thác lạm dụng và làm cho kiệt quệ đến như thế. Liệu còn kéo dài bao lâu nữa thời kỳ sa đoạ của ngôn từ: với sự chia lìa của chữ và nghĩa. Và phải cần bao nhiêu năm nữa mới phục hồi được sự trong sáng của chữ Việt. Đó là chức năng của những nghệ sĩ, nhà văn bằng những tác phẩm chân chính đủ sức làm xúc động sâu xa lòng người: chữ và nghĩa trở lại như một thực thể nhất quán, trở lại như một nhịp cầu của giao lưu và đối thoại giữa và trong xã hội...

Trở lại câu chuyện ngậm ngải tìm trầm, anh tự hỏi ai đã đưa giấc mơ Kim Đồng như càng xa hơn sau ba mươi năm. Để chỉ còn là một chia lìa lịch sử.

Bồng Sơn 1971


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx