sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Một Bức Tường Khác

Gửi Thanh Tâm Tuyền

Từ trên màn ảnh rất nhỏ nơi đầu giường người bệnh, văng vẳng lời tường thuật về cuộc hành hương của các cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm viếng chiến trường cũ Việt nam của họ. “Cho dù cuộc chiến tranh ấy đã vào dĩ vãng từ 17 năm, hình như cả hai bên vẫn chưa nhìn nhận nhau. Chỉ có những người lính cầm súng ở hai phía chiến tuyến thì dễ dàng hơn để quên đi những thù hận, tìm lại đối diện nhau để nhắc lại kỷ niệm về những ngày chiến trận kinh hoàng...” Dù không chú ý và cả ý muốn “chối từ” nữa bác sĩ Phan vẫn nghe rất rõ lời tường thuật kể lại những ngày đêm tan hoang của Quảng trị, hai bên ngày đêm giành nhau từng tấc đất. Là bác sĩ Thủy quân lục chiến, Phan cũng đã từng bị cầm chân nhiều ngày ở cổ thành Quảng trị ấy, để tận mắt thấy từng cái chết dũng cảm vô danh của đồng đội, và cũng không lâu sau đó phải chứng kiến những cái chết bị bỏ rơi tức tưởi trên Quốc lộ 1 của những anh hùng sống sót.

Lại có tiếng gọi qua beeper giữa lúc bác sĩ Phan đang cùng người sinh viên Nội trú đi Round buổi chiều trên trại Tâm thần. Từ từng lầu năm, như một thói quen, không qua thang máy, Phan chạy nhanh nhiều vòng cầu thang tới khu Cấp cứu. Tên tuổi Jim, cũng như của một số cựu chiến binh Việt nam khác, quá quen thuộc với bác sĩ Phan và các nhân viên làm việc tại đây. Không biết lần thứ bao nhiêu, Jim lại đến khu Cấp cứu, tự nạp mình để đựơc nhập viện. Jim 40 tuổi, người Mỹ da đen, là cựu chiến binh Việt nam.Với mặc cảm không may mắn, là đứa trẻ nghèo, sinh ra và lớn lên ở Compton. Không biết cha mình là ai, từ bé sống với mẹ và những đứa em khác cha, lại thêm bà mẹ nghiện ngập có bệnh tim, cả gia đình sống bằng “oen-phe”. Hiển nhiên chẳng có tương lai gì cho một đứa trẻ da đen như vậy. Tuy bắt đầu được đi học rất trễ và tới trường thất thường nhưng Jim khác với những đứa trẻ đồng trang lứa ở tính ham học. Tin tưởng chỉ có sự học mới giải thoát hắn ra cuộc sống ghetto hiện tại. Jim còn nhỏ mà lại nhiều mộng tưởng, rất tin ở cái mà người ta gọi là Giấc mơ Mỹ quốc. Khi đủ 18 tuổi, học hành không tới đâu, Jim tình nguyện vào Thủy quân lục chiến, cũng bởi cái tiếng hào hùng của những người lính “cổ da”, hắn thích mạo hiểm đôi ba năm và cũng dự định rằng sau khi giải ngũ, với hứa hẹn trợ cấp hắn đủ tiền đi học để trở thành thầy giáo. Hắn thích dạy môn sử, để tìm hiểu thêm về gốc gác tổ tiên xa xôi từ lục địa Phi châu. Hắn tự hỏi số phận mẹ con hắn sẽ ra sao, cả nước Mỹ này ra sao nếu không có vụ buôn bán nô lệ người da đen vào làm lao động khổ sai ở lục địa mới Mỹ châu này.

Đầy vẻ buồn bã nhưng đôi mắt nổi gân đỏ ấy ánh lên những tia nhìn kỳ lạ của cả sự hung tợn lẫn sợ hãi. Lần này Jim tỏ ra rất dao động. Hắn nói hắn hiện có dao găm tại nhà, Nhưng dự định rằng ngày mai khi lãnh “check” hắn sẽ mua một khẩu súng bán tự động để giết dăm ba người hàng xóm lúc nào cũng tỏ vẻ khinh khi và rình rập nói xấu hắn. Rồi hắn lại đổi ý là muốn giết những người này bằng dao găm, là “tay nghề” của hắn trước đây giúp hắn giết rất nhiều Việt cộng, để thấy tụi nó phải đau đớn quằn quại “cho đã” trước khi chết. Giữa cao điểm căng thẳng đó, bác sĩ Phan muốn cắt ngang bằng một câu hỏi, nhưng chẳng thèm bận tâm đến câu trả lời, hắn vẫn tiếp tục nói. Nếu như cảnh sát muốn tước đoạt cây dao găm của hắn, hắn sẽ đâm chết tên cảnh sát rồi tự sát. Hắn bảo rằng xứ sở này đã dạy hắn cách giết người. Trước đây là giết Việt cộng, còn bây giờ thì hắn không ngần ngại giết bất cứ ai xử ức áp bức hắn mà không hề mảy may hối hận gì.

Giữa lúc này thật khó mà lấy được một bệnh sử lớp lang từ hắn. Jim cưới vợ cách đây 16 năm, cũng là cô bạn học hàng xóm từ thuở nhỏ. Cô ấy là y tá gặp lại hắn khi đang là một bệnh nhân tái phát bệnh sốt rét ác tính trong chuyến đi phép về thăm nhà. Cuộc hôn nhân tình yêu ấy trải qua nhiều sóng gió vì người vợ đã không thể chịu nổi những cơn giận dữ và kinh hoảng bất thường của hắn, cùng những cơn ác mộng và hồi tưởng về cảnh chiến trận Việt nam trong qúa khứ. Hai vợ chồng ly thân sống riêng biệt trong hai năm, vẫn với sự chăm sóc gián tiếp của vợ hắn, nhưng rồi cũng phải kết thúc bằng cuộc ly dị không thể tránh sau đó. Hắn chối là đã không uống rượu hay dùng ma túy trong thời gian gần đây. Hắn bảo lần uống rượu chót cách đây một tháng, nhưng bác sĩ Phan lại ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở hắn lúc này. Và cả các đường gân xanh trên cánh tay hắn không che dấu được những những vết chích choác mới đây. Hắn xác nhận là đã từng uống rượu nặng và hút cần sa hồi còn ở Việt nam với mục đích trấn an thần kinh và giảm sợ hãi. Hắn kể kinh nghiệm về những người tân binh khi hoảng sợ quá đến tê liệt đứng như chết trồng ngay giữa trận địa, họ đã là những cái bia rất tốt cho bọn VC đốn ngã. Đơn vị hắn nhiều tân binh cũng vì vậy là đơn vị có tiếng là bị tổn thất nặng nhất.

Từ chuyện nọ sang chuyện kia không chút mạch lạc, và nói không ngừng. Jim thất nghiệp từ ba năm. Chỗ làm chót là trong một xưởng mộc. Hắn đã đánh viên quản lý vì nghi rằng tên này là “gay” có ý thích hắn. Dĩ nhiên là sau đó hắn mất việc. Một cách vắn tắt, Jim đã ở trong quân đội gần năm năm, từ 66 tới 71. Với một lý do nào đó, hắn đã không được nhận vào Thuỷ quân lục chiến như ý nguyện. Do kỳ thị, hắn đã nghĩ vậy. Nhập ngũ, hắn được huấn luyện quân sự cơ bản chỉ trong tám tuần tại căn cứ Fort Jackson, tiểu bang Nam Carolina, sau đó học thêm cấp tốc 8 tuần lễ nữa về tác chiến bộ binh. Hắn được nghỉ phép ba tuần lễ về Compton với mẹ và các bạn hắn trước khi được gửi qua Việt nam. Hắn nhắc tới những vấn đề của hắn bằng một giọng rất bất mãn và giận dữ. Gần năm năm sống chết với quân đội, tôi bị giải ngũ trong điều kiện được coi là không vinh dự - less than honorable conditions. Thường vắng mặt không phép và luôn luôn bị phạt sau đó. Không để cho bác sĩ Phan dừng lại ở một điểm nào, hắn tiếp tục kể một cách rất lộn xộn. Lần đầu tiên tới Việt nam, được chỉ định gia nhập Sư đoàn 9, có biệt danh sư đoàn Gấu Mèo, hắn thuộc tiểu đoàn 6 trung đoàn 40 bộ binh. Cái trung đoàn khốn nạn bị tổn thất cao nhất vì qúa nhiều những tên lính mới tay mơ, hắn cừơi cay đắng, nhưng cũng ở đó hắn được thưởng huy chương đầu tiên. Hắn là tay xạ thủ luôn luôn theo đơn vị, xuyên qua rừng già vào các làng mạc để lùng Việt cộng. Có lần tên Thiếu tá chỉ huy thì ngồi an toàn trong trực thăng từ trên cao ra lệnh cho đơn vị tiến vào một ngôi làng có tiếng nhiều VC, với lệnh rõ ràng là phải hủy sạch và diệt sạch. Gọi là làng Việt cộng mà không tìm ra một tên đàn ông nào trong đó. Là chỉ huy tiểu đội, Jim cho lệnh đốt nhà và các kho lúa nhưng từ chối lệnh giết đàn bà và trẻ em. Jim bị phạt quân kỷ theo điều 15, cả mừơi một tên tân binh kia theo lệnh hắn cũng bị phạt theo điều 15 như vậy.

Không ngưng nghỉ, hắn kể ngay sang một tình huống khác. Lần đó chiếc trực thăng đáp xuống một bãi đậu nóng -Hot Landing Zone, nghĩa là hạ ngay xuống giữa vùng địch để lùng địch. Cùng đi với Jim là một tên trung úy và còn lại là đám tân binh. Vừa nhảy ra khỏi trực thăng với ba-lô và súng đạn nặng trĩu, họ đã bị hỏa lực địch tấn công. Khi mà mọi người như một phản xạ tự vệ nằm sát xuống mặt đất, thì một tên lính mới khiếp sợ quá vẫn đứng trơ ra như trời trồng. Ngay lúc đó Jim nhào tới, chụp vai ôm vật hắn xuống, cũng ngay lúc đó Việt cộng giật ngay một trái mìn định hưóng Claymore. Tên lính mới vẫn trong cơn kinh hoảng vùng đứng dậy định bỏ chạy. Mặc dầu vừa bị thương bởi mấy mảnh mìn, Jim lại chồm tới nằm phủ lên hắn. Chúng tôi bị cầm chân ngay tại bãi đáp, chỉ có súng M16, với rất nhiều lựu đạn và một máy truyền tin, chúng tôi giết được 4 hay 5 tên địch gì đó, mở đường máu,bắt liên lạc được với đơn vị tiếp cứu. Jim lại cười cay đắng tiếp: “ï lần đó tôi lại được thưởng anh dũng bội tinh do can đảm chiến đấu và cứu sống đồng đội”. Rồi chỉ những vết thương sẹo lồi trên cánh tay và cẳng chân, Jim tiếp “Họ còn cho tôi thêm cả chiến thương bội tinh vì kỷ niệm mấy miểng mìn claymore này.”Jim lại bất chợt nhảy qua một chi tiết khác. “Bác sĩ biết không, cả đến những vết thương tụi tôi cũng không được bình đẳng với bọn nó. Tên y tá ở mặt trận khi đang khâu các vết thương báo trước với tôi. Rất có thể mấy cái sẹo sơ sài này rồi ra sẽ phình lên ngoằn ngoèo xấu xí, nhưng không phải lỗi tại tao đâu, mà là do cái định mệnh sinh học của bọn đen tụi mày. Biological Destiny, cái chữ ấy thoát ra từ cửa miệng thối của thằng y tá, nhưng điều khốn nạn là nó đã nói đúng. Có lẽ Chúa không phải là da đen nên đủ thứ bất hạnh dành cho bọn này. Tôi còn bị bệnh máu tế bào lưỡi liềm nữa. Họ bảo bất hạnh ấy đã cứu bọn da đen Phi châu như tôi không chết vì bệnh sốt rét; nhưng bác sĩ biết đấy, tôi một lần suýt chết vì sốt rét ác tính ở Việt nam. Có bất hạnh nào mà chừa tụi tôi ra đâu. Jim dông dài với nặng trĩu những mặc cảm nhưng cũng lại rất dễ quên, và rồi thản nhiên bước qua những chuyện khác. Không một chút hãnh diện, Jim lại vẫn rầu rầu bày tỏ các chiến công trên các mặt trận của mình. Không ngưng nghỉ, Jim lại kể qua trận tổng tấn công Tết Mậu thân ở Sài gòn. Khi ấy bọn VC cố sao chiếm cho được Sài gòn để làm áp lực và gây tiếng vang với bọn chủ bại ở Hoa thịnh đốn. Khác với chiến trận trong rừng sâu, từ các hẻm ngõ ngách hay từ cửa sổ những căn nhà tồi tàn, chỗ nào cũng có thể lấp ló những cây súng bắn sẻ. Jim bị bắn tỉa nhưng rất may đạn chỉ xướt nơi cẳng chân, chỉ cần băng bó sơ qua rồi lại tiếp tục chiến đấu. Khi đó bọn VC dùng cả vũ khí hơi cay nên Jim và đồng bạn phải đeo mặt nạ. Vì mặt nạ không vừa lại quá cồng kềnh, Jim tháo bỏ và liệng về phía sau, động tác này khiến Jim mất thăng bằng và té ngã xuống, cùng lúc đó hắn nghe tiếng nổ chát chúa bắn ra từ trong ngõ hẻm. Nếu không chết thì chắn chắn cũng bị thương nặng nếu hắn không bị ngã xuống như vậy. Ngay sau đó, hắn bắn xối xả về phía vào tên VC bắn sẻ, giết đựơc tên ấy nhưng cuối cùng hóa ra là một thiếu nữ đặc công nếu không là sinh viên thì cũng đang còn là học sinh ở cái tuổi yêu đương và đi học. Jim rất buồn và ân hận nhưng cũng kể từ đó hắn cũng lại say sưa thích tìm giết Việt cộng và xin được gia hạn ở lại Việt nam. Trong khi bạn đồng đội hắn tính từng ngay mong sống sót mãn hạn để về Mỹ. Với Jim thì bất cần ngày về. Hắn chỉ muốn ở lại để được giết thêm Việt cộng. Hắn cảm thấy thú vị mỗi khi giết thêm được một tên VC nào đó, nhưng tâm trạng thì lại tràn ngập lo âu và sợ hãi khiến hắn không thiết nghĩ tới sống hay là chết. Hắn bắt đầu uống rượu nhiều và cả hút cần sa. Lại thêm nhiều lần bị phạt kỷ luật vì tội rượu chè và hút sách đó. Hắn thách đố cấp chỉ huy mà hắn cho là bất tài và hèn nhát và vi phạm kỷ luật nhiều lần nữa. Có một lần được tin bà mẹ ốm nặng, vẫn do bệnh tim. Vì thành tích vô kỷ luật, cấp chỉ huy nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để hắn rời đơn vị nên phép hắn bị từ chối. Hắn vẫn rời đơn vị không phép gần một tháng và sau đó tình nguyện trở lại đơn vị. Hắn bị xử theo điều 15 và bị phạt cấm giam 25 ngày. Sau đó lại một thời gian vắng mặt dài không phép, hắn bị đưa ra tòa mặt trận và bị xử tù 6 tháng. Cuối cùng hắn bị giải ngũ trong điều kiện không vinh dự. Hắn cảm thấy rất thất vọng và buồn bã khi ra khỏi tù và trở về đời sống dân sự. Hắn đã cống hiến tuổi trẻ tốt đẹp nhất của hắn cho quân ngũ, không nghĩ rằng mình bị đối xử tệ đến như vậy. Khi trở lại Compton, Jim thấy thật khó mà kể lại cho người khác, kể cả gia đình và bạn bè, hiểu được những kinh nghiệm Việt nam của hắn. Jim thường xuyên phải sống trong những cơn ác mộng và hồi tưởng buồn bã về các kinh nghiệm chiến trận đau thương ở Việt nam. Hắn cảm thấy phẫn nộ vì sự thờ ơ và cả thiếu kính trọng của xã hội đối với hắn và các bạn đồng đội, lẽ ra khi trở về chúng tôi phải được đối xử như những anh hùng.

Jim cảm thấy rất thất vọng và buồn nản, hắn có ý nghĩ sẽ tìm cách giết cấp chỉ huy đã phạt tù hắn, đã dám vu khống hắn là bịa chuyện bà mẹ ốm đau. Tụi nó đáng được đối xử như vậy. Nhưng rồi hắn lại đổi ý “ Bây giờ nếu gặp lại tụi nó, tôi cũng chẳng thèm giết làm gì, chỉ cần khinh bỉ nhổ nước miếng vào mặt là đủ”.

Tệ hại nhất là gần đây, đêm nào hắn cũng sống lại ác mộng cầm lưỡi lê giết Việt cộng. Quá mỏi mệt và vô vọng hắn thường ra khỏi nhà vào ban đêm tìm cơ hội đánh lộn để bị giết hay được giết người khác.

Càng ngày càng cô độc, không chơi được với ai, không thích nghi được với đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Jim đã thử rất nhiều Jobs khác nhau và không giữ lâu được một công việc nào. Hoặc do tính tình thất thường, rượu chè và hay đánh lộn. Càng buồn rầu chán nản hắn càng uống rựơu để quên, vẫn không thể nào quên được hắn muốn phải làm một cái gì đó, hoặc giết ngừơi hoặc tự vẫn. Rồi hắn sợ hãi với ý nghĩ xung động đó, hắn leo lên xe bus đến trại cấp cứu để nạp mình nhập viện.

Vẫn cái cảnh bạo động kinh hoàng ấy sống lại và diễn ra mỗi ngày. Bọn VC biển người từng lớp từng lớp nhào lên hàng rào dây kẽm gai. Cây M16 đang nhả đạn xối xả rất hữu hiệu thì bị hóc đạn. Bọn tướng lãnh ở lầu Năm góc, liệu tụi nó biết được là có bao nhiêu tân binh chết tức tưởi vì cây súng M16 bị kẹt đạn như vậy. Có bao giờ ai nghe nói cây AK của VC phải dùng cây thông nòng ngay giữa mặt trận không? Vậy mà tụi con buôn súng đạn ấy không hết lời ca ngợi cây súng M16 là số một và vô địch. Trở lại lúc đó VC đã qúa gần tuyến phòng thủ để có thể dùng lựu đạn. Tôi phải dùng tới lưỡi lê cận chiến với tụi nó. Lưỡi dao đâm lút cổ tên VC, máu vọt ra đầy mặt, rồi đầu và thân đứt lìa. Tôi một tay trái cầm cái đầu đẫm máu hai mắt còn trợn trừng, tay kia nắm thân mình, điên cuồng la hét và dùng toàn sức liệng những mảnh thân thể ấy về phía mấy tên VC đang nhào tới như những con thú. Rồi trực thăng Cobra tiếp cứu xuất hiện xả hỏa tiễn ngay xát trên đầu chúng tôi, giết vô số bọn VC nhưng đồng thời cũng sát hại một số phe ta ngay trong vòng rào kẽm gai khi cả kho đạn bị phát nổ. Tôi thấy thân người mình bắn vung lên và sau đó không còn biết gì nữa. Hắn cứ phải sống đi sống lại hoài với cơn ác mộng đó. Vô cùng mỏi mệt hắn không còn nhớ được điều gì, cho đến cả đâu là ngày giờ trong tuần. Nỗi lo âu trầm cảm khiến hắn vô cùng thất thường, càng ngày càng không thể liên hệ bình thường đựơc với ai. Hắn có thể đánh lộn với bất kỳ ai nói điều gì gây khó chịu hắn. Hắn sợ hãi với chính những xung động không kiểm soát được của mình và Jim bây giờ thì hoàn toàn và vĩnh viễn thực sự tật nguyền, không còn có thể trở lại bất cứ một công việc gì.

Jim sống mà như đã chết. Hắn thực sự đã chết các đây từ 22 năm, cùng với Giấc mơ Mỹ quốc, và cả giấc mơ rất nhỏ bé được trở thành thầy giáo, khi bước ra khỏi vũng bùn và máu của chiến tranh. Jim cũng như đa số những người cựu chiến binh Việt nam được gọi là còn sống, nhưng họ giống như những mảnh bom đạn vương vãi, thực sự chưa thoát ra khỏi trận địa Việt nam. Liệu có còn thêm một bức tường thương khóc nào khác ở Hoa thịnh đốn đủ dài để có thể ghi tên và vinh danh họ.

Phan cũng tự hỏi đến bao giờ, cả chính chàng nữa mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã vào qúa khứ từ 17 năm rồi.

Brooklyn 02/1991


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx