sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sẽ Rực Rỡ Mùa Thu Này

Bay sang Cali lần này, cho cuộc họp sơ bộ chuẩn bị Hội nghị y sĩ thế giới lần thứ 5 tại Palo Alto mùa thu tới. Tám giờ đồng hồ đủ cho một chuyến bay xuyên lục địa đang từ vùng tuyết giá lạnh của Montréal bước sang vùng nắng ấm Cali cùng ngày. Cũng khoảng thời gian này nếu là ở một cuộc hành quân mùa mưa trên cao nguyên chắc cũng chưa thoát ra khỏi cái vũng lầy lội cách đấy chưa đầy mươi cây số. Điều đáng kể là kết hợp với chuyến đi này, Chính sẽ có dịp đến thăm Trương, người bạn rất thân mới từ Việt nam qua chưa đầy một tuần lễ. Hy vọng Trương có thể cung cấp cho Chính những tin tức tại chỗ và nóng hổi của tình hình bên nhà. Với một người bạn đã coi là thân, thì cho dù xa nhau bao lâu, ở đâu và bao giờ Chính vững tin rằng cũng sẽ không có gì đổi thay trong cái tâm của bạn.

Những biến đổi dồn dập gần đây, nhất là ngay trong gia đình Chính khiến anh phải suy nghĩ. Những đứa con anh ngày càng trở nên độc lập và tách ra khỏi bố mẹ. Điều đáng nói là cách nhìn của tụi nó về đời sống và thời thế khác xa nếu không muốn nói là đối chọi với Chính. Sau kinh nghiệm của một chuyến về Việt nam với sự không đồng ý của Chính, Toản đứa con trai lớn của Chính trở nên ít nói. Nếu có thì là tâm sự nhiều hơn với mẹ nó qua những phát triển tình cảm mới của nó với cô bạn gái nhà báo cũng từ Mỹ mà nó gặp khi cả hai đứa cùng lặn lội ngoài miền Trung. Vợ chàng cho biết có nhiều triển vọng cô gái Việt 100% nhưng lại không đọc được và viết thạo tiếng Việt ấy sẽ lại là con dâu tương lai của gia đình chàng. Tuy chưa gặp mặt nhưng Chính đã lại xúc động sâu xa qua bài báo kể lại câu chuyện thật của một người con 22 năm sau trở lại Việt nam với quyết tâm đi tìm người cha mất tích. Trong suốt cuộc hành trình đi về quá khứ và quê hương cũ, vẫn còn rách nát nghèo đói với nguyên vẹn chân dung của kẻ chiến thắng tham lam và không có lòng từ. Cô đã cảm nhận được sự mỉa mai đến phẫn nộ khi chứng kiến hai kẻ thù cố cựu tìm tới nhau, chia xẻ tin tức chiến trường cũ với hy vọng tìm được người mất tích phe mình. Nhưng rõ ràng họ chẳng đếm xỉa gì đến số phận của cha cô và toàn thể những người lính Việt nam Cộng hòa từng chiến đấu cho lý tưởng tự do mà họ tin là đúng cho xứ sở. Tất cả lặng lẽ biến mất trong “khoảng không trí nhớ” suốt hai thập niên qua và không hề là mối bận tâm của bất cứ một chính quyền nào. Một sự lãng quên tàn nhẫn và toàn thể đối với số phận cha cô, cùng với sự ngoảnh mặt làm ngơ trước những phân biệt và kỳ thị đối xử đối với những người còn sống không thuộc về phe họ. Truyện tưởng như khó tin nhưng rất thật là cho đến cả bài vị của cha cô đặt trong một ngôi chùa rất nhỏ ở vùng ngoại ô Sài gòn cũng chẳng còn dấu tích nào nữa khi mà chính người cộng sản chiến thắng nhưng độc ác nhỏ nhen với cả người chết đã xông vào chùa cướp đoạt và hủy đi tự bao giờ. Khi những người sống quên người chết, thì người chết ấy chết đi lần thứ hai. Vị sư trụ trì trong ngôi chùa ấy đã tìm cách an ủi nói với cô ta như vậy. Và chính cô đã không để mình rơi vào sự thất vọng nên vẫn luôn luôn cầu nguyện cho cha cùng bao nhiêu những anh hùng vô danh bất hạnh khác được trở lại đời sống mỗi người bằng cách không bao giờ quên họ...

Quả thực Chính đã bị xúc động mạnh mẽ. Bấy lâu qua bao nhiêu hội nghị, chưa có bản nhận định hay tuyên cáo nào lại có được sức thuyết phục và tố cáo sắc bén như bài báo của một cô gái mới bước qua ngưỡng tuổi trưởng thành ấy. Hồi tưởng lại cách đây hơn 10 năm, Chính là một trong những thành phần chủ chốt sáng lập và tổ chức mỗi hai năm một hội nghị có quy mô quốc tế, quy tụ đông đảo các bác sĩ Việt nam hiện sống ở nước ngoài. Nếu kể mỗi hai thập niên là một thế hệ, thì đã 1 thế hệ qua đi từ sau 75. Và phải nói là Chính đã thành công lèo lái một tập thể phức tạp như vậy với một lập trường nhất quán về vai trò y giới Việt nam ở hải ngoại đối với hiện tình đất nước. Đó là thái độ dứt khoát “không làm gì” cho tới thời kỳ hậu cộng sản. Và hơn thế nữa còn phải ở thế tiến công bằng vận động duy trì phong toả cấm vận và chống bang giao cho đến khi không còn chế độ cộng sản. Bài học Nam Phi, Cuba là những minh chứng củng cố niềm tin của Chính. Rồi trước tin Mỹ bỏ cấm vận, biết trước là cái ngày không thể tránh được ấy - Chính vẫn phản ứng rất xúc động như là Mỹ đã phản bội Việt nam một lần thứ hai. Và người ta đã không ngạc nhiên khi đọc bài viết của Chính ở “cột phải - right column” trên tờ nhật báo LA Times phát hành hơn một triệu số phản ánh quan điểm cực hữu của Chính “về sự phản bội đáng hổ thẹn và đầu hàng nhục nhã của Mỹ dưới sự lãnh đạo của một tổng thống đã từng có thành tích trốn quân dịch trong trận chiến tranh Việt nam”. Bố Chính gốc Quốc dân đảng, gần như cả giòng họ Chính xa gần đều có liên hệ tới cuộc khởi nghĩa Yên Bái và kháng chiến chống Pháp. Nhưng với cộng sản, ai không cùng chiến tuyến với họ đều là phản động Việt gian, và kinh nghiệm xương máu đối với gia đình Chính là cái gía của tù đầy và cả bằng cái chết tức tưởi của ba Chính: gia đình chỉ được biết ông bị Việt minh bắt và sau đó không còn tin tức gì nữa. Ai cũng hiểu rằng ông đã bị thủ tiêu, xác ông đã bị vùi nông nơi sông rạch hay một xó xỉnh không tên nào đó mà vĩnh viễn gia đình Chính chẳng bao giờ biết được. Bản thân anh cũng nếm mùi tù cộng sản bốn năm. Thiếu thốn khổ cực bao nhiêu anh cũng chịu được, nhưng anh không thể nào sống chung với những con người giả dối độc ác, như là bản chất chứ không phải hiện tượng. Có phải vì thế mà Chính trở thành một con người chống cộng rất cực đoan, dưới mắt anh thì “bọn đỏ” đó là một lũ quỷ mất hết nhân tính không đáng được đối xử như con người mà phải tiêu diệt. Chính như người dùng chất Antabuse, chỉ chút hơi rượu không thôi, một chút gì dính dáng đến cộng sản cũng đủ gây lợm giọng nôn mửa, kinh tởm và cả tránh xa. Bằng cái ý nghĩ duy nhất đúng ấy, anh đã không tương nhượng ngay cả với những bạn bè không cùng suy nghĩ dập khuôn như anh. Chính không biết mình đã gây tổn thất cho cộng sản tới mức bao nhiêu, điều ấy anh không kiểm kê được, nhưng thiệt hại trước mắt là anh đã không ngần ngại hy sinh cả những người bạn lâu năm, đã từng là đồng nghiệp đã đi cùng chặng đường với anh ít ra là đã hơn 14 năm sống ở hải ngoại. Bình tâm mà xét, bạn anh vẫn là con người của nhân cách đáng kính trọng, yêu nước và suy nghĩ độc lập. Điều gì đã xảy ra để khiến anh phải nhẫn tâm hy sinh họ. Chỉ vì vợ chồng Văn thì muốn linh đình tiếp đón một người bạn cố tri mới từ Việt nam qua, nhưng điều đáng nói người bạn ấy vốn là một nghệ sĩ nổi danh của Sài gòn cũ mà sau này Chính cho là hắn thân Cộng. Riêng Thiện thì can tội vận động tổ chức một cuộc triển lãm tranh cho một họa-sĩ-trẻ-cách-đây-30-năm với thành tích huy chương vàng, nhưng trước đó đã lại có một cuộc triển lãm ở trong nước với nhiều tiếng vang và những dư luận rất mâu thuẫn. Với năng khiếu sắc bén của một con thú chính trị, và bằng tất cả kinh nghiệm của những năm hoạt động, Chính đã dễ dàng tạo được áp lực dư luận trong và ngoài để ép cả Văn và Thiện trước sau phải ra đi khỏi ban chấp hành hội mà chính họ đã là những thành viên sáng lập. Điều mà Chính sau này tự trách mình là anh đã không phân biệt được rõ ràng đâu là tình bạn lâu dài, đâu là nhu cầu chính trị giai đoạn khi mà cả Chính cũng đang đứng trong một vùng xám. Chính bề ngoài cứng dắn và dứt khoát nhưng thâm sâu lại giàu tình cảm. Lòng Chính đã không tránh khỏi bị chùng xuống khi đọc một bài viết của Văn, với tất cả nỗi cay đắng của một người tị nạn cộng sản ngay từ 75 nay lại phải nghĩ tới một cuộc di tản lần thứ hai để trốn chạy khỏi làn đạn của chính những người bạn hướng tới từ phía sau lưng mình.

Buổi mai thật yên tĩnh. Cũng thật là yên tĩnh cho một bữa ăn sáng từ trong nhà hàng sang trọng của một khách sạn “bốn sao” nhìn ra khu vườn cây xanh. Thực đơn nhẹ: cà phê hương vị từ Colombia, cam tươi vắt từ Florida, và trái cây là những trái dâu đỏ thắm từ Cali. Mấy miếng French toast tẩm trứng rắc chút đường trắng khô thơm mềm mại. Cái tiện nghi bình thường của bấy nhiêu năm sống ở Mỹ, bỗng dưng tại sao hôm nay Chính lại quá chú ý tới những chi tiết. Phải chăng do cuộc gặp mặt đầy xúc động với Trương ngày hôm qua cũng trong khung cảnh này nơi chiếc bàn này, đã khiến anh bất chợt nhìn lại cuộc sống mình. Trương vừa tới Mỹ chưa đầy một tuần, ở vào cái giai đoạn cuối của bệnh non-Hodgkin lymphoma, chứng ung thư có tỉ lệ bệnh cao ở những cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất da cam trong trận chiến tranh Việt nam. Là bạn cùng lớp với Chính trong suốt bảy năm học y khoa, Trương vốn cởi mở, ngôn ngữ thì ra vẻ phi luân có óc hài hước nhưng thực sự có lòng và dấn thân. Tết Mậu thân khi các bệnh viện tràn ngập người bệnh thiếu bác sĩ, Trương ở luôn trong bệnh viện, làm việc ngày đêm cho đến khi im tiếng súng. Ra trường nghiệp lính tráng chẳng phải do chọn lựa, tuy là tay dao mổ có hạng nhưng cái chỗ cuối danh sách còn lại mà người ta dành cho anh là y sĩ của một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến. Trong bộ rằn ri dữ dằn Trương vẫn hiện nguyên vẻ thư sinh nho nhã. Nhưng rồi như mọi người, anh đã lội đủ hai năm làm hơn nhiệm vụ của một quân y sĩ với công tác dân sự vụ xen kẽ giữa các thời điểm nóng của trận địa cho tới khi anh được cử đi Mỹ du học; học xong anh trở về tiếp tục làm việc trong một quân y viện. Khác với rất nhiều người, chưa bao giờ Trương lấy màu mũ với bộ áo rằn ri và chiến công của đơn vị như là một thành tích để kiêu hãnh. Trương rất lì trong trận mạc được lính nể trọng nhưng anh lại ít được cấp chỉ huy ưa thích vì cái thái độ hòa mà không đồng của anh. Và cũng không ngạc nhiên là cho đến ngày rời tiểu đoàn Trương vẫn mang cấp bậc trung úy của ngày nhập ngũ, và anh cũng chẳng có được lấy một huy chương. Với anh, thì vòng hoa và huy chương chỉ xứng đáng cho những người lính đã hy sinh nằm xuống. Năm 75, cho dù có người anh là tư lệnh không đoàn, có phương tiện di tản nhưng anh lại không ở trong số những người tới Mỹ sớm. Để sau đó đi tù 5 năm. Ra tù vào đầu năm 80, anh trở lại làm bác sĩ giải phẫu của bệnh viện Sài gòn giữa cao trào của những chuyến đi bán chính thức do công an tổ chức. Anh cũng lại không có mặt trong số từng đợt từng đợt của những người ra đi ấy, trong đó có Chính là bạn thân và rất nhiều đồng nghiệp của anh, họ đều tới được bến bờ mới an toàn. Trương vẫn sinh hoạt bình thản cho dù bị khiêu khích từ nhiều phía, rằng anh là thứ Cách mạng Ba mươi nghĩa là xu thời, rằng anh là loại trí thức ba “N” nếu không Nghèo thì Nhát hoặc Ngu nên mới không biết tính chuyện ra đi. Trương thấy rất rõ anh là anh, không lẫn vào bất cứ loại người nào khác. Anh thông minh, nhạy cảm, hiểu rất sớm về những người cộng sản mà anh có cơ hội chung đụng và làm việc với. Theo anh thì không phải không có người tốt nhưng nói chung thì đa số đó là một bọn “giả dối, độc ác và dốt”. Anh đã nhận xét rất vắn tắt với Chính như vậy ở lần gặp gỡ chót trước khi Chính ra đi. Nhưng rồi anh vẫn là người ở lại, vẫn cứ bộc trực rất ít quan tâm về những mối tư lợi cá nhân, sẵn sàng chia sẻ kiến thức với những đồng nghiệp mới kém cỏi, bằng cách ấy anh nghĩ tới lợi ích mang lại cho người bệnh. Anh không chỉ có những bệnh nhân nghèo và bất hạnh, mà còn có cả những cán bộ cao cấp dấu tung tích trốn ra từ bệnh viện Thống Nhất đầy đủ thuốc men dành riêng cho họ, để được tới cho anh mổ và chăm sóc. Với họ, anh không hề có phân biệt đối xử. Rồi các bạn anh, những người ra đi trước sau, đa số đều trở lại y nghiệp, ổn định được cuộc sống nơi quê người. Gạt qua một thiểu số bất chính, ngay trong mấy năm đầu mau chóng trở thành những triệu phú đô la trên các vùng đất lành đã cưu mang họ. Thành công và những hệ lụy do đám này gây ra vẫn còn là vết thương gây đau nhức cho cả một thế hệ di dân thứ nhất. Nhưng tuyệt đại đa số, chỉ bằng những cuộc sống lương thiện và thuần túy nghề nghiệp, là bác sĩ cho dù ở lục địa nào: Pháp, Uc hay Bắc Mỹ - họ không phải chỉ có tự do mà có cả những tiện nghi sung túc của một thành phần xã hội trên cao. Họ nhớ tới Trương, quý cái tâm tốt của anh nhưng vẫn coi anh như một người bạn gàn, họ hiểu rằng cái tính gàn bướng ấy đã làm khổ cả người vợ và đám con của anh. Thế rồi những thùng quà được các bạn hữu gửi về như một hình thức tiếp tế cho gia đình anh. Nhưng anh thì lại không muốn như vậy. Anh không cấm đoán nhưng giảng giải cho những đứa con anh hiểu rằng chúng không nên ỷ lại mà hãy sống như mọi người chứ không bằng những trông ngóng các thùng quà và viện trợ từ bên ngoài. Anh vẫn giữ mối liên lạc bình thường với bạn bè, nhắn gửi những cuốn sách chuyên môn mà anh cần. Qua thư anh, vẫn là những giòng bút tự đẹp và tài hoa, đề cập tới một cách tinh tế những nét đổi thay đi xuống của xã hội mới, vẫn với cái giọng hài hước nhẹ nhàng tuy thoáng buồn nhưng không lộ vẻ đắng cay; và chưa bao giờ có một giòng chữ kể khổ nào liên hệ tới anh và gia đình. Có lẽ phải nói là xúc phạm nếu như ai đó thấy tội nghiệp cho Trương. Anh tự do chọn lựa và cảm thấy hạnh phúc. Anh chẳng thuộc về phe nào và đã chọn một chỗ đứng độc lập cho riêng anh. Và có điều chắc chắn là cũng chẳng có một phía nào hợp với tâm hồn nhậy cảm và ưa tự do như anh. Trương an nhiên tự tại, thấy được cái tương đối của mọi sự trong cuộc sống nên anh chưa bao giờ hành động như một con người cực đoan hay quá khích. Anh chưa hề tỏ ra sùng tín một điều gì. Bây giờ ngồi đây, trước mắt Chính là Trương. Hai mươi năm sau 75, nhưng thật sự là mười bốn năm sau với Chính. Trương y phục vẫn đơn giản, áo sơ mi trắng và quần kaki, với cặp kính cận trắng gọng vàng. Vẫn dáng dỏng cao, tuy gầy và nước da hơi xanh, tóc muối tiêu nhưng đôi mắt vẫn rất sáng như thuở nào. Có phần nào sáng hơn như ánh tro than lóe lên trước khi chợt tắt. Tia mắt sáng ấy đã làm đau nhói cả trái tim Chính. Nếu không có người em trai của Trương báo cho biết trước, Chính chẳng thể nào nghĩ rằng trước mắt mình là một người bạn sắp sửa vĩnh viễn ra đi khỏi cuộc sống này. Có lẽ bấy lâu sống đã như một thói quen nên Chính và các bạn chàng đã không suy nghĩ và không sẵn sàng chuẩn bị cho cái chết có thể đến cho mỗi người. Và chỉ khi đối diện với một cái chết rất gần gũi như Trương, Chính mới lại có dịp suy nghĩ về cái chết không thể tránh của chính bản thân mình. Là thầy thuốc Chính đã thấy được những ý nghĩa rất khác nhau về cái chết ở mỗi người bệnh. Đối với một số thì đó là một giải thoát cho những đau đớn hoặc thống khổ khôn nguôi. Với số khác bằng đức tin họ tự cho là một thăng hoa vào một cuộc sống khác. Có cả những cái chết tự nguyện của kẻ tuẫn đạo hay một chọn lựa hy sinh anh hùng. Phải kể cả cái chết nhằm làm đau người khác, hay mong tìm được một tình cảm thương yêu không sao có được khi họ đang còn ở cuộc sống thế gian này. “Cái hộp đen” không biết gì hết ở đằng sau cái chết mới chính là nguồn gốc sợ hãi của con người. Tuy rằng không hề có hai cái chết thực sự giống nhau, nhưng người ta vẫn vẽ ra được trong sách vở từng bước để đi vào cái chết. Từ phủ nhận chối bỏ, đến giận dữ, qua đến thương thuyết trả giá, rồi buồn bã trầm cảm, và cuối cùng là chấp nhận buông xuôi. Chính đã không tìm được ở Trương một mẫu nào trong các mẫu nhân gian ấy. Cuộc sống Trương như là một giòng suối trong mát, chẳng biết bắt đầu từ đâu và kết thúc nơi nào. Hình như không có một biên thùy rõ rệt giữa hai cõi tử sinh nơi Trương. Nếu Trương chết đi thì cái giòng suối trong mát ấy vẫn hiển hiện chảy rì rào đâu đó trong tâm khảm của nhiều người. Ở lứa tuổi ngoài 50, không ai có thể nói chắc về sức khỏe của mình. Trong đám bạn Chính cũng đã có một số đột ngột ra đi. Với Chính, thì tuổi tác bệnh tật như một thứ định mệnh sinh học đâu có chừa ai. Nhưng không hiểu tại sao lúc này Chính lại rất quan tâm tới những gì đang xảy đến với Trương. Tại sao lại là Trương. Không có câu trả lời cho căn bệnh ung thư của Trương. Phải chăng chính cuộc chiến tranh Việt nam đã giết chết Trương. Chiến dịch trải thảm chất Da Cam - Agent Orange, làm trụi lá những khu rừng gìa cao nguyên mà Trương và những người lính đã phơi mình lặn lội ở trong đó. Làm sao khẳng định được rằng những người lính và dân chúng Việt nam trong đó có Trương lại có được cái khả năng miễn nhiễm với các chứng bệnh ung thư quái ác ấy khi mà chính những cựu chiến binh Mỹ đã không thể tránh khỏi. Vấn nạn lương tâm ấy sau Việt nam phải chăng đó là điều cấm kỵ - một sujet tabou khá gai góc đòi hỏi quá nhiều trí tuệ và công sức khiến không ai muốn và dám nghĩ tới. Trương vẫn bình thản, không nói gì tới chuyện bệnh tật của mình. Anh nói chuyện về bạn hữu, chuyện mới cũ, chuyện xa gần. Nhắc tới kỷ niệm với những đứa con của Chính. Anh có cái tâm rộng rãi thật sự vui mừng khi biết sau 14 năm, hai trong ba đứa con trai của Chính đã vừa ra trường y khoa. Cũng thật là vô tình khi Chính than thở với anh về cách suy nghĩ rất khác anh của những đứa con lớn lên và sống lâu ở bên này. Nhưng Trương thì lại bênh vực tụi nó. Anh bảo hãy để cho tụi nó hồn nhiên, sống như hoa nở như trăng lên. Đừng bắt tội tụi nó phải sang vai cái quá khứ nặng trĩu của thế hệ mình. Thì ra chính Trương lại rất ư gần gụi với đám con của Chính. Không ồn ào, không chiêng trống, trong những hoàn cảnh khác nhau Trương vẫn thấy đám trẻ tụi nó âm thầm trở về làm những công việc mà tụi nó thấy là có ích. Thằng Toản, đứa con trai lớn của Chính, khi đang còn là một bác sĩ thường trú về giải phẫu, trong một chuyến trở về Việt nam, nó cũng đi tìm tới gặp Trương để có thể nói với anh những chuyện mà bố con nó không thể nói êm thấm được với nhau. Toản tới Mỹ từ tuổi không còn nhỏ. Xong bậc trung học khi còn ở Việt nam, tuy là học sinh xuất sắc muốn thi vào trường y khoa Sài gòn nhưng bị loại vì lý lịch xấu. Mọi phấn đấu của nó đều vô ích cho tới khi nó theo Chính sang được tới Mỹ. Nó vào học y khoa ra bác sĩ một cách dễ dàng và ngay năm đầu được bầu làm “Nội trú xuất sắc nhất trong năm”. Từng là nạn nhân của phân biệt đối xử bất công nhưng nó không để tâm nhớ lâu để mà nuôi thù hận hay trở nên cay đắng. Được học và trưởng thành ở Mỹ, nó dễ dàng tự coi nó là một người Mỹ. Nhưng khi phải đương đầu với những câu hỏi liên quan tới Việt nam nó cũng chẳng thể quên được cái gốc gác của nó. Toản kể lại rằng khi nó đang là Chief Resident, thì một thằng đàn em Mỹ chính gốc trở về từ Việt nam sau một tour làm công tác thiện nguyện. Nó đã say sưa kể lại những kinh nghiệm Việt nam của nó. Điều đó đã khiến thằng Toản phải rát mặt.Và sau đó bất kể tới ý kiến chống đối và cả cấm đoán của bố, Toản đã bỏ ra nguyên một tháng nghỉ hè về Việt nam, đi suốt từ Trung vào Nam, cùng với một bác sĩ cũ vốn là bạn đồng nghiệp cùng lớp với ba Toản trước kia.. Khoảng thời gian ấy chẳng bao giờ có được đến hai ngày giống nhau, Toản không phải chỉ sống và làm việc trong những điều kiện cực kỳ thiếu thốn chữa trị cho những dạng bệnh mà nếu ở Mỹ chắc cả đời Toản chẳng bao giờ được gặp và sách báo y khoa cũng rất ít hay chẳng còn đề cập tới. Làm việc không ngơi nghỉ, bỏ qua cả dự định ban đầu kết hợp đi thăm các thắng cảnh quê hương, cũng để thấy rằng so với nhu cầu, nỗ lực của Toản chỉ như một hạt cát trên bến sông Hằng. Nhưng Toản vẫn có thể vá sửa cho hàng loạt những đứa trẻ dị tật bẩm sinh môi thỏ và cả giải phẫu phục hồi cho rất nhiều người bệnh với đủ loại thương tật chiến tranh khác. Bữa ăn trưa muộn của đoàn có khi chỉ là mấy khúc sắn hay nải chuối thâm đen. Đám người lớn và trẻ em mà Toản được gặp và chăm sóc có một mẫu số chung: tất cả đều thiếu ăn và suy dinh dưỡng. Nhưng điều đáng phẫn nộ và sót sa là sự bất công và cách biệt đến nhẫn tâm giữa thiểu số đảng viên và đa số dân chúng. Bước ra từ một xã hội mà thực phẩm chưa bao giờ là mối ưu tư hàng ngày, khi chứng kiến sự đói khổ của những đồng bào ruột thịt mình, những ngày lưu lại Việt nam đối với Toản là nỗi khắc khoải và vật vã lương tâm; tình cảm ấy vẫn đeo đẳng tới khi Toản đã trở về sinh hoạt bình thường trên đất Mỹ. Sau này Toản không còn thấy hào hứng theo chân ba mẹ đi dự những hội nghị diễn ra ở các kinh đô ánh sáng, thường thì bao giờ cũng kết thúc bằng linh đình những yến tiệc dạ vũ hay ngoạn cảnh trên các du thuyền. Cha và các bác thì vẫn cứ khắc khoải về quá khứ, nhưng Toản thì muốn nhìn về tương lai. Toản vẫn thương yêu cha nhưng đồng thời cũng hiểu rằng mình không còn bé nữa để tiếp tục làm cái đuôi của ba mẹ. Toản muốn tự mình khám phá cuộc sống, tự mình mở cánh cửa ra cho một tương lai đi vào.

Ngồi bên Trương, Chính thấy bạn lớn lao hơn mình. Trương tự do trong chọn lựa, an nhiên trong cuộc sống, và thanh thản từng bước đi vào cõi chết. Những lời nói cuối cùng của Trương, phát ra nhỏ nhẹ từ một lồng ngực yếu nhưng từ cả một hùng tâm: Đã gọi là nhân đạo thì không có điều kiện Chính ạ. Mà ai lại đi nói chuyện nhân đạo với người trong gia đình mình với đồng bào mình bao giờ. Trương cười xanh xao tiếp. Vả lại trước niềm đau làm gì có hàng rào ngôn ngữ nào. Rồi anh nhắc lại câu nói của Goethe. Lý thuyết nào thì cũng màu xám, chỉ có cây đời là vẫn mãi xanh tươi. Chính vẫn là con người của nguyên tắc. Anh sẽ chẳng thể nào đổi thay như một thứ triết lý tùy thời hay từ bản chất của bọn người cơ hội, nhưng rõ ràng là Trương đã giúp cho anh có một cái nhìn toàn cảnh thay vì cái-nhãn-quan-đường­hầm, thay vì chỉ thấy “bệnh” anh đã thấy “người bệnh”như một toàn thể. Sinh mệnh và niềm đau người bệnh phải là đầu mối quan tâm của người thầy thuốc. Khi người sống quên người chết... Khi người ta ngoảnh mặt trước niềm đau thì nỗi đau ấy tăng gấp hai. Trương đã dạy cho anh bài học về sự bao dung. Để cũng thấy rằng đám trẻ lứa tuổi con anh đã trưởng thành trong những bước dấn thân của tụi nó. Hiện diện của tụi nó nơi quê nhà là chất men thăng hoa những bước tiến bộ đồng thời như một thứ lương tâm trong sáng có sức mạnh tố cáo những bất công của xã hội. Vấn đề bây giờ không phải là tiếp tục hoài nghi hay ngăn chặn sinh hoạt của tụi nó, nhưng là làm sao tách chúng ra để không lẫn vào bọn cơ hội. Nhưng làm thế nào và dễ gì để mở rộng tầm nhìn của cái tập thể đồng nghiệp trong đó có anh, bị ngưng đọng tự bấy lâu và đang từng bước chậm vào tuổi già. Tất cả hầu như đã bị điều kiện hóa bởi thù hận và đắng cay như những kinh nghiệm bản thân tự bao nhiêu năm rồi. Hơn bao giờ hết, lúc này anh mới thật sự cảm thông với Văn và Thiện và có thể chính anh sắp tới đây nếu tỏ lộ sự đổi thay anh cũng sẽ nạn nhân - như một thứ boomerang effect, của những định kiến khắt khe mà bấy lâu anh ta từng nhiệt tình bảo vệ và cổ võ. Điều khá mỉa mai là tuy sống trên những xứ sở được mệnh danh là tự do nhưng thực ra Chính và các bạn anh lại rất có ít tự do để mà lựa chọn ngoài con đường đơn giản và thẳng băng đã tự vẽ ra trước mặt. Không bước trên con đường đó nữa, số phận dành cho ai đó cũng không khác với số phận của Văn và Thiện, nghĩa là đương nhiên sẽ bị hất về phía bên kia. Có thể Chính sẽ phải chịu những trận pháo cường tập nổ chụp lên đầu với rổn rảng những câu những chữ có thể làm vỡ tim anh: thành phần chao đảo, tên trở cờ, kẻ cơ hội hay là bọn cá sấu. Chính tự hỏi, một con người như anh liệu có đủ hùng tâm để mà vượt qua đoạn đường chiến binh ấy hay không. Trương thì bước đi thênh thang trên con đường của chính anh. Cả đứa con anh và thế hệ tụi nó thì đầy ắp tự tin, chúng nó không bị một quá khứ điều kiện hóa nên có tự do hơn anh. Trước khi nghĩ tới những gì có thể và cần phải làm cho mùa thu này, thì ngay từ bây giờ Chính phải bắt đầu cuộc hành trình tự giải phóng đi tìm tự do cho chính anh.

Thảng thốt nhìn lại ngót hai mươi mùa thu vàng. Cả những mùa thu chết. Không, đó là những mùa thu của quá khứ. Hiện tại ở tây bán cầu mùa thu này thì đang đầy màu sắc rực rỡ. Và chắc chắn sẽ rực rỡ hơn nữa ở Palo Alto mùa thu tới.

Palo Alto 1994


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx