sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Điểm Sách “Mặt Trận Ở Sài Gòn”

MARK FRANKLAND

Ký giả Báo Anh Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn

‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ. Trong và cả sau chiến tranh, tiếng nói của người dân miền Nam thường bị lãng quên. Là một phóng viên ngoại quốc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tôi có may mắn được nghe phần nào tiếng nói ấy qua phụ tá người Việt của tôi. Nhưng lúc đó thì anh ta đã ở tuổi trung niên với cả gánh nặng gia đình nên đã không thể theo sát tôi đi vào vùng có giao tranh để giúp tôi hiểu biết hơn về những người lính việt Nam Cộng Hòa, thay vì hiểu sai lạc. Ngô Thế Vinh đã đặc biệt quan tâm tới tâm trạng của những người lính miền Nam. Trong ‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ những người lính ấy có cơ hội nói ra và kết quả là tác giả đã phác họa được một chân dung chính trực và nhân bản của những con người ấy giữa cuộc chiến tranh – điều mà lẽ ra phải được thế giới bên ngoài quan tâm thay vì quên lãng. Đối với các cộng đồng người Việt đang sống lưu vong ở Bắc Mỹ, tác giả cũng đã đề cập tới những tình huống lưỡng nan / dilemmas cả về chánh trị lẫn đạo lý khi mà họ vẫn bị giằng co giữa tình tự yêu quê hương – một quê hương mà họ bị cưỡng bách phải xa rời, cùng với sự đối đầu một nhà nước cộng sản hành xử thô bạo ở trong nước, và rồi cả với sự khác biệt đến đau lòng về phong tục tập quán ngay trong bối cảnh một nền văn hóa xa lạ Tây phương mà họ đang phải sống với. Cũng trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh vẫn sắc bén và biểu lộ sự cảm thông khi viết về những người cựu chiến binh Hoa Kỳ và cũng nhìn họ như nạn nhân của cuộc chiến tranh không khác gì người Việt. Mặt Trận Ở Sài Gòn là một cuốn sách của xúc cảm và khoan dung.

MARK FRANKLAND

TIM PAGE từ Úc Châu Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn

Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh. Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân hóa đa dạng. Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học. Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một tù nhân trong các trại tù Gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình thành. Đọc Mặt Trận Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cỗi rễ tinh thần của một quê hương Việt nam không thể tách rời.

TIM PAGE

ĐOÀN NHÃ VĂN

Mặt Trận Ở Sài Gòn

và Những Giấc Mộng Con

Những năm đầu thập niên 1970, miền Nam nhuộm đầy khói lửa chiến tranh. Tiếng đạn bom vang rền từ khắp nơi vọng về các thành phố lớn. Người ta đọc báo, nghe radio, chuyền tai nhau những tin tức nóng bỏng gởi về từ những địa danh lạ hoắc ở chiến trường. Giữa một xã hội đầy biến động như vậy, những câu chuyên văn chương, những đề tài văn hóa dường như bị lấn áp bởi chuyện thời sự nóng bỏng, chuyện thực tế sôi động trong đời sống hằng ngày. Vậy mà có một người thuộc giới văn nghệ, hầu như được cả Sài Gòn, hay nói rộng hơn là cả miền Nam, đều nghe nhắc đến, bởi tên ông được đăng trên các nhật báo, tuần báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Mọi người biết đến ông không phải vì tác phẩm Vòng Đai Xanh của ông vừa đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc 1971, mà biết nhiều đến ông qua vụ hầu tòa sau khi đăng một truyện ngắn. Và hai mươi lăm năm sau, 1996, truyện ngắn đã mang ông ra trước vành móng ngựa ngày nào, nay được dùng làm nhan đề cho tuyển tập truyện ngắn của ông. Đó là tuyển tập Mặt Trận ở Sài Gòn. Và nhà văn đó chính là Ngô Thế Vinh.

Mặt Trận Ở Sài Gòn gồm mười hai truyện ngắn, trong đó có năm truyện ngắn viết trước năm 1975, một truyện viết năm 1971 và hoàn tất 1981 ở Sài Gòn, sáu truyện còn lại được viết tại hải ngoại. Sau mấy mươi năm thai nghén, tác phẩm hoàn thành. Một tác phẩm mang nhiều ước mơ khác nhau, mà tác giả gọi là những giấc mộng con, qua nhiều thời kỳ biến động của một đất nước mang hình chữ S, và của một đời người - một y sĩ quân nhân, một nhà văn khi còn ở trong nước và một Bác sĩ, một lưu dân ở xứ người.

Lớn lên trong thời chiến, Ngô Thế Vinh đã thấy rõ được những chết chóc không thể tránh khỏi của chiến tranh. Bước chân vào trường Y, mang trong mình một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông muốn làm tất cả những gì có thể được để thay đổi cục diện của chiến tranh, để thay đổi bộ mặt của đất nước. Vì thế, ông mang trong mình những ước vọng, không phải của riêng ông mà của rất nhiều người trẻ trong giai đoạn này: sớm chấm dứt chiến tranh. Khi bước chân vào lính, đối diện với cái chết từng phút từng giây, ước mơ này càng trỗi lên mãnh liệt. Cho nên, ông và bạn bè không ngần ngại đổ máu ở chiến trường để tạo một hậu phương yên vui. Ngay cả cái ngày phát giải thưởng văn chương toàn quốc, đáng lẽ ông phải đứng trên bục cao để nhận giải thưởng cho tác phẩm Vòng Đai Xanh, thì ông “vẫn còn lận đận hành quân ở cao nguyên”. Đứng trước những gian nguy ở chiến trường, ông đặt niềm tin ở hậu phương, Hay nói cách khác, ông mong đợi một hậu phương “sạch sẽ” từ guồng máy lãnh đạo đến những người dân bình thường. Một hậu phương vững chắc để tạo một thế đứng, một niềm lạc quan cho những người đối diện với thần chết ở chiến trường. Tuy nhiên, sau những phút giây kinh hoàng nơi chiến tuyến, nhìn lại hậu phương, ông thất vọng. Với một số người, hậu phương là nơi chốn để trở về, để giải khuây sau những ám ảnh của đạn bom và nỗi chết. Nhưng đối với ông và bạn bè có tâm huyết, khi nhìn lại hậu phương, nơi ăn chơi đú đởn, nơi buôn lậu giàn trời khiến ông không khỏi đau lòng.!!!“Âm thanh của những tiếng cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi.” (trang 20)

đã làm ông nhờm tởm. Một hậu phương như vậy, liệu có xứng đáng cho những người bạn thân đã nằm xuống vĩnh viễn hay để lại những phần thịt xương trên chiến trận? Còn nữa, hậu phương cũng là nơi đầy dẫy cảnh mua quan bán tước, tranh giành quyền lợi trên xương máu của những người lính. Những điều này đã cắt vào tâm khảm ông những vết cắt lút cán, để đời. Vì thế, với thân phận của một người lính,!!!“ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục.” (trang 25).

Nhiều lúc, họ bị điều động về từ những chiến trường xa xôi để bảo vệ những chiếc ghế danh lợi hẹp hòi, những vị kỷ nhỏ nhen. Ôi, làm sao không thương người lính, làm sao không thấy họ lẻ loi tội nghiệp khi từ giả núi rùng!!!“để trấn đóng ngay giữa trái tim Sài Gòn, chìm khuất giữa những building cao dập dìu đĩ điếm, nằm kế bên hội kỵ mã lúc nào cũng nhởn nhơ những con ngựa giống với từng bờ mông láng nhãy.” (Trang 24)

Vì thế, ông cảm thấy thiếu vắng những “chiến sĩ xã hội”, những người làm cho xã hội tốt hơn, sạch hơn. Ước mơ của ông tuy nhỏ nhoi, bình thường nhưng quả khó thực hiện, bởi ông chỉ là một con ốc nhỏ nhoi trong một guồng máy chiến tranh khổng lồ.!!!“Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến¬tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn.” (Trang 25).

Những mơ ước về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai, từ một trái tim nóng bỏng của người lính với những nhịp đập thiết tha vì công cuộc chung, đã bị bóp nát từ trong trứng nước. Rốt cục, ông phải đi hầu tòa vì truyện ngắn này. Cuộc sống yên bình vốn đã đa dạng; cộng thêm với chiến tranh, đã tạo nên một môi trường cho lũ thò lò xuất hiện. Những con thò lò có mặt trên từng cây số của đất nước, dưới bất kỳ bộ áo nào. Hãy nghe Ngô Thế Vinh viết rất ngắn về một trong những con thò lò muôn mặt này, để thấy rằng, hậu phương có những chiến sĩ xã hội, nhưng là một thứ giả tạo, mang màu sắc biến đổi của những chú kỳ đà.!!!“Lẫn trong đám sinh viên, ông bác sĩ nhân sĩ vẫn lăn xăng cầm cuốc đào bới và luôn ngửa mặt cười cho người nhà chụp hình. Mấy hôm nữa đây, khuôn mặt xã hội của ông xuất hiện tràn ngập trên mặt báo Sài Gòn, và dĩ nhiên không thiếu những chi tiết trên tờ báo riêng mang tên ông.” (Trang 76).

Cuộc chiến mà ông ghi lại có nhiều cảnh cười ra nước mắt. Một gia đình có người con trai và đứa cháu. Một đứa “nhảy núi”, đứa kia theo lính “Cộng Hòa”. Trong một cuộc đụng độ, hai anh em bắn nhau. Mỗi người gẫy một chân. Nước mắt người cha lưng tròng, cũng như Mẹ Việt Nam nhỏ lệ suốt hơn 4000 năm trôi nổi. “Những cẳng chân bị đạn bắn gẫy nát của lũ con cháu khiến ông nghĩ tới sự gãy đổ của cả một gia tộc, mà với ông gia tộc là trọn vẹn hình ảnh quê hương đất nước.” (Trang 80). Dù không nói ra bằng lời, nhưng ông đã cho người đọc thấy được đây là một cuộc chiến tranh không cần thiết phải có. Một cuộc chiến mà người ta nhân danh, người ta tô son, mạ vàng, để rồi cuối cùng!!!“dù là gốc Bắc hay Nam, cùng nhân danh giấc mơ Việt Nam, khoác thêm một nhãn hiệu và đang hăm hăm cầm súng, AK hoặc M16 như các đồng bạn khác – để có thể là đêm nay trong tầm tã của cơn mưa ngã cây lở núi, đang sợ hãi thất lạc trong hoang vu của núi rừng Tây Nguyên, bên chân dãy Trường Sơn mò mẫm rình chờ lùng kiếm hạ ngã nhau như những con thú.” (Trang 67-68).

Viết về chiến tranh, Ngô Thế Vinh viết bằng lối văn mạch lạc, khúc chiếc, gãy gọn. Vì thế ông đã lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu của tập truyện. Nước Mắt Của Đức Phật là một trong những truyện hay của tập truyện này. Truyện kể lại cuộc xâm nhập của một toán biệt kích, nhảy vào trận địa, tạo những nút chận, gây rối loạn ngay từ tuyến sau của các đơn vị địch quân. Toán quân này đã đụng độ, và đã giao tranh ác liệt với số địch quân rất lớn trong một hoàn cảnh hết sức khốc liệt, nan giải. Tàn cuộc giao tranh, hai người lính trong toán dìu nhau đi trên đất bạn, xứ Chùa Tháp. Bảy ngày sau, tại một ngôi chùa Miên bỏ hoang, “có một người lính công giáo Việt Nam kiệt quệ và đau khổ, quỳ gối bên xác một đồng bạn, mát đẩm lệ hướng lên vẻ mặt an tĩnh của Đức Phật thành tâm cầu nguyện cho linh hồn người bạn xấu số sớm được giải thoát. Và bên ngoài trời cơn mưa bão vẫn tràn trề.” (Nước mắt của Đức Phật, trang 38). Hình ảnh kết thúc câu chuyện là một hình ảnh bi hùng. Đức Phật chỉ là một sự gián tiếp để nói lên cái cao đẹp, cái bình an mà con người đang nhắm tới. Không còn một sự cách biệt nào trong tôn giáo ở những cảnh ngộ đầy nước mắt như vầy. Các đấng tối cao của các tôn giáo là người luôn hướng dẫn mọi người sống một đời an lành, hạnh phúc, không cấu xé lẫn nhau. Đó cũng là ước mơ của nhà văn Ngô Thế Vinh, và cũng là ước mơ của bao người. Nhưng chiến tranh được điều khiển bởi những tập đoàn quyền lực. Cho nên giấc mộng của những người lính bình thường, hay những những người dân thấp cổ, bé miệng khó thành hiện thực. Kết thúc câu chuyện ông viết “Gió lung lay cả đêm dài vô minh đang bao trùm khắp Á châu lục địa.” (Trang 38). Chữ “lung lay”, bản chất không mới, nhưng ông dùng rất hay, trong trường hợp này, tạo cho người đọc thấy cái sầm sập, dữ dội của gió, thấy cái trùng trùng, phẫn nộ của bão. Khi nói lung lay, người ta thường xử dụng trong những hình ảnh có gốc, có rễ, như cây dừa đang lung lay trong cơn gió mạnh, căn nhà đang lung lay trước cơn bão táp. v.v. Hình ảnh cho thấy một phần gốc còn dính lại, và cả thân hình đang lắt lư, đong đưa, nghiêng ngã. Nhưng ở đây là màn đêm. Màn đêm biểu tượng cho cái gì trong thời điểm bấy giờ? Có phải là chiến tranh. Nếu vậy thì cái gốc của chiến tranh ở đâu? Và gió tiêu biểu cho sức mạnh nào để lung lay cái gốc rễ chiến tranh? Mỗi người đọc, ở một vị thế khác nhau trong cuộc chiến, có một câu trả lời khác nhau. Truyện ngắn đã đến con chữ cuối cùng, nhưng chưa thật sự chấm dứt, bởi ông đã để lại những câu hỏi chưa có câu trả lời khiến cho vấn đề không ngừng lại ở đó. Vì hiểu được bản chất của chiến tranh không bắt đầu từ những người lính, ở cả hai phía, cho nên người lính Ngô Thế Vinh vẫn luôn mang thông điệp nhân bản trên vai ông, ngay cả ở những phút giây hiểm nghèo nơi chiến trường. Và dù có tạo nên thêm vài tổn thất cho bên kia thì hòa bình vẫn không đến sớm hơn được. Người lính không là gốc rễ chiến tranh thì cũng khó là bắt đầu của một hòa bình. Nhiều truyện ngắn của ông chuyên chở ý nghĩa này. Xin được nêu ra một ví dụ nhỏ nhoi trong suốt bản văn của ông.!!!“Khi đoàn trực thăng đã thực sự rời xa bãi, tên trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to: “Em thấy là Hổ xám quên.” “Không, lần này không phải tao quên.” Nó nhắc tôi việc gài một trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần này thì tôi nghĩ lại rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hòa bình sẽ trở lại sớm hơn.” (Hòa bình không sớm hơn, trang 63)

Truyện ngắn “Người Y Tá Cũ” kể về người Y tá, tên Tụng, trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng Tư 1975, anh là một trong số rất hiếm hoi những hạ sĩ quan của chế độ cũ được lưu dung để làm việt tại một bệnh viện. Cũng chính nơi đây anh được săn sóc những người chiến hữu của anh, những người đang mang thương tật, sống vất va vất vưởng, không bao giờ được ngó ngàng tới, mà cuộc sống chỉ còn là thoi thóp. Dĩ nhiên anh làm sao ngoảnh mặt, bởi ngoảnh mặt trước niềm đau thì nỗi đau ấy tăng gấp hai. Nó là niềm hạnh phúc của anh, hạnh phúc của một người y tá bình thường sau cuộc chiến. “Có lẽ suốt cuộc đời còn lại, chẳng bao giờ Tụng có thể quên được những đôi mắt trống vắng lạnh tanh của những người thương binh cũ, còn xa hơn cả sự tuyệt vọng buồn thảm, họ chưa chết hết phần xác nhưng đã chết cả phần hồn. Cuộc sống chỉ là đếm thêm cho mỗi từng ngày.” (Trang 117). Nhưng niềm hạnh phúc mong manh của Tụng cũng bị tắt ngúm. Anh bị sa thải, trở lại quê nhà và tiếp tục cuộc đời ruộng nương thuở trước. Không giúp được bao nhiêu cho chiến hữu thương tích đầy người, nhưng được sống bên Mẹ già cũng là niềm hạnh phúc mới, dù rất nhỏ nhoi, của anh. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó không kéo dài được bao lâu thì tai vạ ập tới. Giữa đời sống dân thường, giữa ruộng nương chất phác,!!!“đang miên man giữa cái hạnh phúc của đất và người, bất chợt bàn chân Tung đạp lên một vật như thép lạnh cứng - chưa kịp rút chân lại thì “ụp” tiếp theo là tiếng kêu “má ơi!” Cảm giác đau như xé khiến Tụng ngã quỵ, nhìn xuống thì một bàn chân đã đứt rời. Kinh nghiệm chiến

trận khiến Tụng nhận ra ngay không phải lựu đạn mà là thứ mìn chuỗi chống cá nhân, chẳng biết ai đã ném vô và nằm im trong đám ruộng nhà mình tự bao giờ.... Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày” (Trang 122).

Ước mơ khi còn chiến tranh là được sống trong cảnh thanh bình. Nhưng sau tháng Tư 1975, đất nước có độc lập, nhưng niểm hạnh phúc cũng chỉ là ngàn cân treo sợi tóc! Niềm vui chỉ được tính từng ngày.

Những ước mơ bình thường của người dân trong thời kỳ chiến tranh bị bóp chết từ trong trứng nước. Niềm hạnh phúc sau khi đất nước thống nhất cũng chỉ là niềm hạnh phúc được tính từng ngày. Tuy nhiên, Ngô Thế Vinh không hề bỏ cuộc. Con đường ông đã vạch ra từ mấy chục năm trước, ông vẫn cứ đi, dù chông gai vẫn đầy dẫy và hố ngăn cách vẫn trùng trùng. Bởi, không có gì ngăn cản một trái tim rộng mở tình thương. Không có gì làm chùn bước một tấm lòng tha thiết với đời. Ở lớp tuổi tri thiên mệnh, làm một lưu dân, giấc mộng con năm 2000 vẫn bừng bừng trong ông như thời mới lớn. Giấc mộng con là làm sao để tạo được một thế đứng cho lớp lưu dân, dựng nên một gạch nối để thắt chặt tình thân và sự gần gũi cho trăm họ đang lìa xa Tổ Quốc.!!!“...Bước khởi đầu vận động hình thành không phải chỉ là một mái nhà cho hội y sĩ, mà bao quát hơn là một Convention Center, một tòa nhà Văn hóa, một viện Bảo tàng, một Công viên Việt Nam. Đó phải là công trình biểu tượng có tầm vóc, sẽ được thực hiện ưu tiên qua từng giai đoạn. Nếu nghĩ rằng ngôi đình là biểu tượng cho cái thiện của làng, thì khu công viên văn hóa ấy là biểu tượng cho cái gốc tốt đẹp không thể thiếu cho các thế hệ di dân Việt Nam từ những ngày đầu đặt chân tới lục địa mới của cơ hội này, nó sẽ như một mẫu số chung rộng rãi cho một cộng đồng hải ngoại đang rất phân hóa, giúp đám trẻ hãnh tiến hướng Việt tìm lại được cái căn cước đích thực của tụi nó” (Trang 154).

Ngô Thế Vinh luôn nhìn về phía trước, bởi giá trị của quá khứ là bàn đạp để hướng về tương lai. Vì thế, niềm “ao ước không phải để có một ngôi đền thờ phụng, mà là một mái ấm của Trăm Họ Trăm Con, nơi ấy sưu tập và lưu trữ những giá trị của quá khứ, nơi hội tụ diễn ra sức sống sinh động của hiện tại, và là một điểm tựa thách đố hướng về tương lai, chốn hành hương cho mỗi người Việt Nam đang sống bất cứ ở đâu trong lòng của thế giới” (Trang 157). Đây là một giấc mơ đẹp. Giấc mơ không chỉ của riêng ông mà là của rất nhiều người. Một người không nặng lòng với Tổ Quốc, với Quê Hương, không kỳ vọng vào tương lai của lớp trẻ, không bao giờ nghỉ đến những điều này. Từ những dòng chữ đầu tiên, đến những con chữ cuối cùng của tập sách, người đọc thấy lấp lánh một tấm lòng. Tuy nhiên, chỉ ước mơ, chưa đủ. Ước mơ mà thiếu sự chuẩn bị, thiếu một hướng đi đúng thì những ước mơ này trước sau cũng chỉ là... mơ ước. Ông hiểu như vậy. Và đây, một sự gợi ý, một hướng đi để biến giấc mơ trở thành sự thật của ông.!!!“Mỗi Y Nha Dược sĩ đóng 2000 mỹ kim như một phần khấu trừ thuế rất nhỏ trong phần thuế khóa rất lớn mà họ đóng góp hàng năm trên các vùng đất tạm dung đang cưu mang họ, thì với một ngàn người tham gia số tiền hành sự đã lên đến hai triệu đô la tiền mặt, với tiềm năng ấy thì không có việc gì mà hội Y Nha Dược thế giới không làm được...” (trang 146) hay “ “Bước khởi đầu chỉ đơn giản chỉ một đô la cho mỗi đầu người mỗi năm thì chúng ta đã có hơn một triệu mỹ kim cộng thêm với hai triệu mỹ kim nữa của Hội Y Nha Dược, Hội chuyên gia và các hội doanh thương. Sẽ không phải là nhỏ với ba triệu đô la mỗi năm để làm nền móng khởi đầu cho Dự án 2000 ấy.” (trang 155)

Đọc đến lối gợi ý để giải quyết những bế tắc đương thời, hay nói rõ hơn là kỳ vọng để biến giấc mộng con thành hiện thực, người đọc có hơi ngờ ngợ với những điều mà ông đưa ra, dù đó là những điều tâm huyết. Với những người dân bình thường, việc quyên góp khó, nhưng dễ. Khó ở chỗ, họ là những người có lợi tức thấp, và dễ ở chỗ, tấm lòng họ luôn rộng mở vì lợi ích cho công cuộc chung. Điển hình qua những lần lạc quyên, đóng góp giúp đở đồng bào tị nạn, qua những công cuộc đấu tranh chung. Với vài triệu đô la mỗi năm, từ hội Y Nha Dược, thành quả này có được hay không, thực tế mấy chục năm qua trong cộng đồng người việt hải ngoại, cho thấy cần phải xét lại. Dĩ nhiên, độc giả vẫn hiểu, Giấc mộng con năm 2000, trước sau cũng chỉ là giấc mộng của Chính, tên của một y sĩ trong truyện, hay giấc mộng của Ngô Thế Vinh. Nói một cách khác, đây chỉ là một truyện ngắn chứ không phải một dự án để bàn luận đến sự giải quyết rốt ráo một vấn nạn lớn - hố cách ngăn, chia rẽ, hay lòng người phân tán trong cộng đồng người Việt lưu vong hôm nay. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Ngô Thế Vinh rất ít khi nhắc đến hình ảnh của bà Mẹ, những bà Mẹ Việt Nam đúng nghĩa. Tuy vậy, ông có nhắc lại một chi tiết rất cảm động. Một bà Mẹ đã đau với cái đau triền miên của đất nước và lòng rộng mở vô biên, bất chấp “tai vách mạch rừng” của chế độ, một chế độ mà ngay cả cha và con còn chưa thể tin được nhau. “Hòa bình rồi được có con về là má vui, mặc cho họ nói chi thì nói, cái mửng bắt má dẹp khung hình thằng Ba thằng Tư trên bàn thờ là không khi nào má chịu. Lính ngụy hay không lính ngụy tụi nó vẫn là con Má. Chòm xóm có gia đình nào mà không có con vô lính rồi chết trận, vẻ vang hay không vẻ vang có cái đau nào bằng cái đau của bà Mẹ mất con. Họp tổ phường khóm má nói toáng như vậy, chịu hay không chịu thì thôi...” (Người y tá cũ, trang 120). Một vài nét cọ, ông đã tạo nên một bức tranh đẹp, một hình ảnh sắc nét, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người thưởng ngoạn. Hình ảnh bà mẹ rõ ràng, dứt khoát, sẳn sàng nói những điều muốn nói và nghĩ những điều dám nghĩ nhưng lòng thương con thì bao la, vô tận. Đây là một thành công khác của ông.

Qua Mặt Trận ở Sài Gòn, người đọc thấy Ngô Thế Vinh rất chú trọng tới cách hành văn. Từ trang đầu tới trang cuối, từ những truyện ngắn được viết ở những năm đầu thập niên 70, đến những truyện ngắn mới viết gần đây, tác giả vẫn sử dụng một lối viết gãy gọn, khúc chiếc. Câu văn không lê thê để tạo sự “ẩn mật”, bùa chú. Câu văn không ngắn cũn cởn kiểu chặt khúc, bẽ đoạn, uốn éo chữ nghĩa để làm dáng như một mốt thời thượng. Điều này đã nói lên được sự thiết tha với chữ nghĩa của ông dù ông đã từng phải đối diện với bao nhiêu thăng trầm, dâu bể của đời thường. Xa hơn nữa, người đọc không hề thấy ông phẫn nộ, mà trước sau vẫn bình thản với ngôn từ.

Mặt Trận Ở Sài Gòn mang một niềm khát vọng hướng về tương lại. Hướng về tương lai không phải mơ ước một đất nước có nhiều anh hùng mà là có nhiều chiến sĩ xã hội để hàn gắn những vết thương do lịch sử khắc nghiệt gây ra. Khát vọng đó lấp lánh một tấm lòng của người thầy thuốc, của người nghệ sĩ.

Nhà-văn-thời-cuộc là người sống thực và nói thực lòng mình về những điều đang xảy ra chung quanh. Họ dùng ngòi bút để đẩy cuộc đời đi xa hơn, lên cao hơn. Trong một xã hội nhiễu nhương, họ dùng ngòi bút hướng dẫn quần chúng đấu tranh để tiến tới một xã hội tiến bộ. Trong một xã hội tiến bộ, họ vẫn tiếp tục đấu tranh để khuôn mặt xã hội sáng hơn, đẹp hơn. Không bao giờ họ chịu ngưng nghỉ. Ngô Thế Vinh là một trong số hiếm những nhà-văn-thời-cuộc, hôm nay. Và quan trọng hơn, đáng quý hơn, bao nhiêu năm qua, trước sau, ông vẫn oằn vai với những giấc mộng con.

Đoàn Nhã Văn 2/2005

PHAN NHẬT NAM

Hòa Bình chưa hề đến,

dẫu sớm, hay muộn..

Nhân đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn!!!Tôi thiết nghĩ phần lớn chiến tranh, đặc biệt đối với những cuộc nội chiến, chỉ khoảng mười-phần- trăm là chiến đấu tích cực, còn đến chín-mươi phần-trăm là cam chịu thống khổ.

Lần tìm đọc cuốn sách đầu đời, La Vingt-cinquième Heure của

C. V. Gheorghiu mà dẫu với tấm lòng đơn sơ, nông cạn của tuổi thiếu niên, tôi cũng đã có cảm giác xót xa khắc khoải để nhiều lần nói nên lời: Sao con người có thể khốn khổ, đọa đày đến như vậy.. khi theo dõi đoạn trường của anh nông dân Johnan Morizt dài cùng khổ nạn phận người Đông Âu trước, sau Thế Chiến thứ Hai. Nay ở độ tuổi sáu-mươi, trải qua nhiều cảnh huống bi thiết (của bản thân và của mỗi con người hằng chung sống, gánh chịu nhọc nhằn, chia sẻ tử-sinh), đọc lại những điều tự thân đã viết nên, mở cuốn sách của bạn vừa trao gởi.. Cảm giác kia tăng thêm độ sắc, chĩu nặng xuống như khối đá trần ai quá sức người mang vác. Thế nhưng, Con Người-Người Lính luôn bền bỉ mang nặng, gánh chịu. Tôi đọc Mặt Trận Sài Gòn trong tình cảnh khó khăn ái ngại, ngậm ngùi nầy.. Bởi, trong cuốn sách không kể câu chuyện văn chương hoa mỹ, chữ nghĩa yên lành mà là..!!!“Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng, họ bảo vệ cái gì đây? Không lẽ cho một con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại.. Bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bằng an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục” (NTV, sđd trg 24-25). Bạn đã hỏi như thế, tôi đã hỏi như thế, cả một trung đội, đại đội, toàn thể tiểu đoàn lính nhảy dù đã hỏi như thế khi từ Bình Đại, Kiến Hòa qua bắc Rạch Miễu về Mỹ Tho, lên xe trở lại Sài Gòn, đổ quân xuống ngã ba Cao Thắng - Trần Quốc Toản với áo giáp, nón sắt, mặt nạ chống hơi ngạt, lựu đạn cay và nghe những lời.. Tiên sư chúng mày ăn tiền Mỹ bao nhiêu mà giết thầy-hại đạo.. mở đầu cho những viên đá ném tới. Lớp áo lính bốc mùi tanh tanh của bùn và máu dưới hơi nóng hâm hấp mặt trời miền Nam sau cơn mưa giông ẩm ướt rây rây. Tháng 8, 1964. Ngày ấy, bạn và tôi vừa qua tuổi 20.

Cũng khác với cách phân định (dẫu cũng đã quá đỗi cay đắng) theo như lời trích dẫn trên của Arthur Koestler; chúng ta, những Người Lính Miền Nam, cụ thể lính thuộc những đơn vị xung kích, tổng trừ bị - Chúng ta gánh hết một lần hai đầu chiếc cân của phận nghiệp nhọc nhằn. Chúng ta không chia sớt được với ai về nỗi nguy nan nơi chiến địa lẫn thống khổ uất hận ở hậu tuyến. Chúng ta gánh đủ và hứng chịu tất cả. Ôi những Người Lính vô cùng cao thượng bởi tính khắc kỷ và sức chịu đựng tưởng như không thật..!!!“Sau bảy ngày thất lạc trong hoang vu của rừng già, có hai bóng ma (người lính biệt kích nhảy toán của đơn vị bạn) lần mò được vào một ngôi làng đổ nát, người được cõng trên vai gần như đã chết. Và suốt đêm hôm đó tại một ngôi chùa Miên bỏ hoang, có một người lính Công Giáo Việt Nam kiệt quệ và đau khổ, quỳ gối bên xác một đồng bạn, mắt đẫm lệ hướng lên vẻ mặt an tỉnh của Đức Phật…” (NTV sđd, trg 37-38)

Họ không những chỉ khẩn cầu thắm thiết cho người bạn chung đơn vị, mà còn thân ái tự nhiên với kẻ nghịch dù phút giờ trước đây, kẻ kia còn đứng về phía đối diện với nòng súng bắn ra những tràng đạn quyết liệt.. “Tên tù binh được đặt nằm dài trên đám cỏ mịn. Hắn xanh xao cố mỉm cười khi nhìn tôi (người sĩ quan chỉ huy đơn vị biệt kích có danh hiệu Hổ Xám) bước tới. Tôi muốn có phút chuyện vãn và làm một cử chỉ săn sóc hắn…” Nhưng sự ác độc không lường của chiến tranh luôn xuất hiện cho dù dưới những hình thái bất ngờ, vô hại nhất.. Ngay lúc đó (khi trực thăng tải thương bay đến) không hiểu sao bỗng dưng tên tù binh ngồi bật dậy và hốt hoảng kêu la. Có một cái gì khiến hắn trừng mắt ngạc nhiên và đầy vẻ sợ hãi.. Hắn chỉ kịp quơ tay về phía trước níu lấy tôi kêu thất thanh một tiếng “Anh” và ngã rũ xuống chết tốt. Và với cách tự nhiên do tâm lành sẵn có (của con người tính bổn thiện), người chỉ huy qua chuyện kể của bạn.. Ngồi bệt xuống đất bên xác hắn (gã tù binh trẻ tuổi vừa chết), đưa tay lên vuốt mắt, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàng. Một cử chỉ mà tôi không thể làm cho thằng em khi nó tử trận ở Pleime (Tây nguyên miền Nam, nơi xẩy ra chiến trận lớn mùa Hè 1965-pnn), xác gói poncho đưa về những năm ngày sau đã thối rình nhưng vẫn được mẹ tôi ôm chầm lấy mà khóc. Và cuối cùng viên sĩ quan có danh hiệu Hổ Xám kia (do kinh nghiệm khôn ngoan, hành vi can trường nơi trận mạt) không thực hiện một mưu định (mà thông thường cả hai bên tham chiến thường ứng xử): Gài một trái lựu đạn dưới tử thi của xác người (tù binh) để lại trên bãi - vì anh có ý nghĩ:!!!dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hòa Bình sẽ tới sớm hơn.”(NTV sđd trg 63)

Phải, Hòa Bình không hề tới. Hòa Bình không hề có dẫu đã xẩy đến một ngày 30 tháng 4, 1975. Hòa bình không bao giờ có đối

với những người chưa hề, không hề gây nên bất cứ một hình thức tội ác nào dù nhỏ đến đâu ngoài trừ tấm áo lính của quân đội Miền Nam họ phải mặc vào người khi đến tuổi quân dịch. Y Tá Tụng có đủ tất những tính chất tốt lành nhất của một vị hiền thánh..!!!“Đã bao lâu rồi, từng làm việc ở trại này (Trại bại liệt- Tổng Y Viện Cộng Hòa), vậy mà sao Tụng vẫn không thể nào cầm được cảm xúc khi chăm sóc những người bệnh liệt trẻ tuổi ấy.. Họ thuộc đủ binh chủng, đã cầm súng chiến đấu và ngã xuống từ những địa danh khác nhau. Bây giờ tất cả nằm đây, chết khô dần như những con cá mắc cạn.. (Sau 1975) cho học tập tại chỗ bao nhiêu, Tụng vẫn không biệt được tính giai cấp với vị trí khác nhau của thương bệnh binh hai phía. Với Tụng, chỉ có người bệnh mà hắn hết tâm phục vụ.”

Thái độ biểu lộ tính nhân phi chính trị nầy không được chế độ mới chấp nhận nên.. Hoàn toàn không được báo trước, giữa buổi sáng đang bề bộn công việc, tắm rửa cho mấy người bệnh liệt (bệnh binh cũ lẫn mới- cộng sản lẫn cộng hòa), Tụng bất ngờ được gọi lên Phòng Tổ Chức cho nghỉ việc. Anh không được phép và cũng chẳng có cơ hội trở lại trại bệnh để nói lời từ biệt với những kẻ tìm thấy nơi anh nguồn sống sót qua tình cảnh tuyệt vọng, cuối cùng.(NTV sđd trg 117-118). Tụng trở về quê, vùng Bến Tre (nơi khởi đầu của phong trào nổi dậy do Hà Nội dựng nên từ 1960) tính chuyện sống đời bình yên với bà má, trên khu ruộng đã lâu không người chăm sóc..

I###“ruộng bỏ cả mấy mùa, mưa rồi nắng, nắng rồi mưa làm đất ruộng khô keo cứng lại như đất sét.. Tắc tắc, Tụng luôn tay nghiêng tách lữi cày để bớt sức trâu, cảm giác dịu mát thấm vào lòng bàn chân mỗi bước đạp lên tảng đất mới.. đang miên man giữa cái hạnh phúc của đất và người, bất chợt bàn chân Tụng đạp lên một vật như thép lạnh cứng- chưa kịp rút chân lại thì “ụp” tiếp theo là tiếng kêu “má ơi!”.. Kinh nghiệm chiến trận khiến Tụng nhận ra ngay không phải lựu đạn nhưng là thứ mìn muỗi chống cá nhân, chẳng biết

ai đã ném vô”. (NTV sđd trg 122) Phải, Hòa Bình không hề có cho y tá Tụng, ở Nam Việt Nam, mà chỉ có cho nhân vật của Sholokhov (sau khi lật đổ chế độ Nga Hoàng với bãi máu gây nên từ cách mạng vô sản, 1917) để được trở về thửa ruộng làng cũ, nhìn trời xanh bên sông Don êm đềm. Hoặc bi thiết (tuy nhiên cũng được gọi là hòa bình) như tình cảnh của Đỗ Phủ.. Phương xuân độc hạ xừ. Nhật mộ hoàn quán khuê. Huyện tại tri ngã chí. Triệu linh tập cổ bề.. Ngày xuân một thân cuốc. Chiều thui thủi tát nước. Huyện lại biết tin về. Hạ lệnh đi đập trống..(pnn phỏng dịch). Thế nên, đối với người Việt Nam.. Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng là tính riêng cho mỗi từng ngày. (NTV sđd trg 122)

Bạn Ngô Thế Vinh thân, mặt trận nơi Sài Gòn hóa ra chưa bao giờ chấm dứt, và cũng không hề chấm dứt. Tình huống hung hãn, sự việc ác độc mở rộng ra khắp Miền Nam, đến tận Miền Bắc, ở khắp nơi nào có mặt những con người gọi là Người Việt (bất kể người Việt Nam nào) với những bi kịch riêng tư (đúng ra là thảm kịch) không hề nói ra. Và hôm nay ở hải ngoại, nơi Tây Nguyên với những người anh em thuộc các sắc tộc Rhadé, S’ tieng - Chốn bạn đã một lần tiên kiến xót xa trong Vòng Đai Xanh khi bạn với tôi còn rất trẻ. Hoá ra, Người Viết Văn không có một khả năng nào khác ngoài tấm lòng thấy trước toàn khối Mối Đau.

PHAN NHẬT NAM

NGUYỄN MẠNH TRINH

Ngô Thế Vinh và Mặt Trận Ở Sài Gòn

Không phải Ngô Thế Vinh chỉ có “ Mặt trận ở Saigòn”, “Vòng Đai Xanh”, “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” là những tác phẩm khác của ông chứa đựng những suy tư của một người luôn mang trong đời những giấc mơ.Mà giấc mơ thì bao giờ cũng là những mục đích vời vợi và luôn quá tầm tay với. Với người tích cực luôn nhìn thẳng về đằng trước, văn chương khiến tầm mắt rộng hơn và tâm hồn cũng như trái tim dễ dàng cảm nhận hơn những nét nhân bản.

Dù rằng thực tế có gai góc và những vấn nạn tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Dù rằng những tranh chấp Kinh Thượng đã kéo dài từ bao nhiêu năm trong “Vòng Đai Xanh”. Hay dòng sông Cửu Long dần dần bị những quốc gia trên thượng nguồn lạm dụng những đập nước bất chấp công pháp quốc tế kéo theo những tranh chấp biên giới giữa Trung Hoa và Việt Nam trong “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”. Những vấn đề ấy còn nóng hổi trong những trang báo thời sự và lại càng có sức hấp dẫn hơn trong tiểu thuyết Ngô Thế Vinh. Những dữ kiện đã được tiểu thuyết hóa không ngoài mục đích: Đi tìm một giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề khó khăn nan giải mà bất cứ một người Việt Nam quan tâm đến đất nước phải để ý.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ ba chục năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều âm hưởng. Có nhiều cách thế nhìn ngắm, mỗi người từ một vị trí có nhận định riêng. Ghi chép lại những thời kỳ ấy bằng những chuỗi dữ kiện cũng là biểu hiện một thời đại đặc biệt của lịch sử. Quá khứ, từ những khoảng cách thời gian, sẽ được nhận thức chính xác hơn. Hơn ai hết, Ngô Thế Vinh là một người trong cuộc. Ông là bác sĩ trưởng của một đơn vị ưu tú dũng mãnh hàng đầu của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những trang sách của ông phản ánh đời sống thực suy tư thực và đầy nét nhân bản. Ở đó không những khẩu hiệu như những sản phẩm văn chương viết vế chiến tranh của những người miền Bắc. Ở trong những điều Ngô Thế Vinh diễn tả, có bóng dáng của một người Việt Nam luôn luôn băn khoăn ray rứt. Một hình tượng của những người cầm bút dấn thân.

Tôi đọc “Mặt Trận ở Saigòn” như một cách hồi tưởng lại một thời kỳ của lịch sử. Mỗi thời, mỗi vị trí, mỗi suy nghĩ khác nhau. Khi còn là sinh viên, học sinh, suy tư khác, ý nghĩ khác. Nhưng khi vào lính như những bạn đồng trang lứa thì suy nghĩ khác. Và bây giờ sau chiến tranh, cũng thay đổi. Càng ngày, càng thấy rõ thân phận của một nước nhược tiểu. Một cuộc chiến mà những người ở tuyến đầu hy sinh để cho những người ở hậu phương hưởng thụ.

Nhà văn Ngô Thế Vinh đã kể về trường hợp sáng tác truỵên ngắn “Mặt Trận Ở Sài Gòn”, một truyện ngắn đã gây cho ông khá nhiều phiền phức:!!!“… Tôi nhớ lại thì lúc đó cũng là thời gian các toán Biệt Cách thám sát phát hiện ra con đường mòn Hồ Chí Minh rộng như một xa lộ vận chuyển ngày đêm chạy suốt tới vùng Tam Biên. Nó đã như một mũi dao nhọn đâm vào cổ vùng địa đầu cao nguyên lúc bấy giờ. Từ phủ Tổng thống xuống đến Bộ Tổng Tham Mưu không thể không biết đến sự kiện này….!!!“…Liên Đoàn 81 được gọi về Sàigon trong bối cảnh ấy. Thay vì là rừng xanh, những người lính dũng cảm bị cầm chân ở trong sân Tao Đàn, phía sau phủ Tổng Thống, bên hông hội Kỵ Mã. Họ bơ vơ lạc lõng như những con thú hoang về thành. Họ được giao cho mặt nạ lưỡi lê cắt xé đàn áp những cuộc biểu tình.. Nhưng trong đám biểu tình ấy họ là ai: có thể là những thanh niên sinh viên lý tưởng hăng say, đám cô nhi quả phụ đói khổ hay chính những thương phế binh- những người anh em què cụt đã từng cầm súng sát cánh với họ chiến đấu.!!!Trấn đóng giữa trái tim Saigòn chìm khuất giữa những buildings cao dập dìu đĩ điếm, nằm kế bên hội Kỵ Mã lúc nào cũng nhởn nhơ những con ngựa giống với từng bờ mông láng nhẫy. Bỗng những người lính ý thức được rằng trên đời này không phải chỉ có cuộc chiến tranh buồn thảm làm họ điêu đứng mà hơn thế nữa ngay giữa quê hương này, chỉ ngay bên kia vòng rào vẫn còn một xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc. Cài thế giới khác xa họ, chỉ có ngào ngạt hương thơm và hương thụ thừa mứa. Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến tranh ấy.!!!“ Mặt Trận Ở Sài Gòn” là tên một truyện ngắn viết trong bối cảnh ấy với phần kết là giây phút phản tỉnh của người lính với ý thức rằng ngoài cái chiến trường súng đạn quen thuộc họ con phải đương đầu với một trận tuyến mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội. Rằng không phải ở chốn biên cương xa xôi mà chiến trường thách đố của họ là ngay ở Sàigon”

Lúc ấy, tình hình chính trị nhiều biến động. Chiến tranh càng khốc liệt thì sự bất ổn ở hậu phương cũng làm nao lòng người lính ở tuyến đầu. Tác giả viết lên một sự thực. Thân phận của người lính được viết với sự chủ quan và trung thực của một người trong cuộc.

Tôi có nhiều lần nói chuyện với tác giả “ Mặt trận ở Sài Gòn”. Anh là “ nhà văn của những ước mơ” như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết. Hay, theo chủ quan tôi, anh là người nuôi nhiều “ lý tưởng” trong cuộc sống. Những công việc anh làm, anh để cả trái tim và khối óc vào đó. Viết một cuốn sách, không phải là kể lại những chuyện thuần tưởng tượng. Mà là những đối chiếu với thực tế. Viết “ Vòng Đai Xanh”, anh đã có bao nhiêu tháng ngày hành quân trên cao nguyên, nghe và thấy biết bao nhiêu chuyện thực của người Kinh người Thượng. Viết “ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, anh đã đến tận nơi, nhìn tận chỗ. Và chúng ta đã được đọc những trang sách ghi chép lại những cuộc du hành thú vị, xác thực, đầy sinh động.

Tôi biết “Vòng Đai Xanh” và “Mặt trận Ở Sài Gòn” đã được chuyển dịch sang Anh ngữ và đã được xuất bản. Một sự thực là các dịch giả bản xứ chỉ chú trọng và để ý tới các tác phẩm của những người cầm bút ngoài Bắc và trong nước. Hiếm hoi mới có tác phẩm của văn học miền Nam hoặc hải ngoại được chuyển dịch. Hai tác phẩm Anh ngữ của Ngô Thế Vinh có phải là mở đầu cho một thời kỳ khác hơn trước?

NGUYỄN MẠNH TRINH

Người Việt 20/02/2005

BÙI KHIẾT

Vài Cảm Nghĩ về “Mặt Trận Ở Sài Gòn”

“Mặt Trận Ở Sài Gòn” là tên một tập truyện ngắn mới nhất của Ngô Thế Vinh do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 1996.

Đối với giới văn nghệ, Ngô Thế Vinh là một tên tuổi quen thuộc. Riêng đối với giới Y Nha Dược sĩ, Ngô Thế Vinh là một văn tài được bạn bè mến phục ngoài khả năng sáng tác cùng là tư cách và lối suy nghĩ của ông. Ngay từ thời mới bước chân vào trường Y khoa, ông đã liên tiếp ra mắt độc giả bằng ba truyện dài độc đáo: Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964) và Gió Mùa (1965). Và sau năm ra trường, ông phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt và giữ chức vụ y sĩ trưởng Liên Đoàn Biệt Cách Dù. Vào thời gian này, một cuốn tiểu thuyết thứ tư với nhan đề “Vòng Đai Xanh” ra đời. Cuốn tiểu thuyết tạo ra một cơn bão nhỏ. Thứ nhất cuốn “Vòng Đai Xanh” được giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1971, vào lúc cuộc chiến Việt Nam đi từ khốc liệt này qua khốc liệt khác. Và ánh sáng hòa bình từ hội nghị Paris bắt đấu lập lòe. Nội dung của cuốn tiểu thuyết đặt nặng vấn đề nổi dậy của đồng bào Thượng tại cao nguyên. Ngô Thế Vinh nhìn vấn đề FULRO như có bàn tay giật dây của ngoại bang và nghĩ rằng cả người Thượng lẫn người Kinh chỉ là nạn nhân của một âm mưu lớn lao. Ngô Thế Vinh viết văn từ lâu. Ông rất gần gũi và bén nhậy với tình hình chính trị. Trong mỗi chuyện của ông là một cái nhìn về đất nước. Thứ hai là sau khi nhận lãnh vinh dự về giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật, Ngô Thế Vinh phải ra tòa. Lý do là ông sáng tác một bút ký ngắn mang tên “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đăng trong báo Trình Bày số 28 (và nay là tên tập truyện ngắn mà tôi đang viết vài cảm nghĩ). Trong truyện này ông kể lại đám lính của ông đang đi hành quân bỗng bị gọi về Sài Gòn để đi dẹp biểu tình. Bây giờ đám lính phải tập quen với mặt nạ, lưỡi lê, lựu đạn cay và phương cách cắt xé đội ngũ của đám biểu tình. Đám lính Biệt Cách Dù đã bao năm nằm gai nếm mật nơi rừng rú, bây giờ là bầy thú hoang về thành. Lạc lõng bơ vơ. Mà đám biểu tình là những thành phần nào. Thật là lấn cấn. Họ có thể là đám sinh viên quá lý tưởng nghẹn ngào và đau sót theo cơn bệnh của đất nước. Họ là những cô nhi quả phụ lếch thếch cuộc sống đói khổ với vòng khăn tang trên đầu. Họ là những thương phế binh què cụt đã một thời chiến đấu bên cạnh những người lính Biệt Cách. Làm sao lại có thể “giương lê” về phía họ. Giương lê bảo vệ cái gì ngoài con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông máu, cái xã hội xa hoa của một dúm người đó. Sài Gòn của xa hoa và bất công. Mặt Trận Ở Sài Gòn phải là mặt trận hướng về những cứ điểm đen đúa này. Chắc là Ngô Thế Vinh nhắn nhủ như vậy. Và ngày 18-05-1972 Ngô Thế Vinh ra tòa với một đội ngũ luật sư nổi danh như Vũ Văn Huyền, Mai Văn Lễ, Đinh Thạch Bích. Kết quả ông chánh án Nguyễn Huân Trình vẫn thấy Ngô Thế Vinh có tội phổ biến những luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội, một tập thể mà chính Ngô Thế Vinh là một thành phần trong đó. Tòa phạt án treo 100,000 đồng tiền vạ và bồi thường bộ Nội Vụ một đồng bạc danh dự. Mặt Trận Sài Gòn bị tan rã vào phút đó. Phe Ngô Thế Vinh phải tan hàng. Cho đến 30-04-1975, một Mặt Trận Sài Gòn khác lại xuất hiện. Lần này lính tráng có xe tăng, đại pháo từ ngoài Bắc tiến vô. Và lần này chẳng có tòa án, chẳng có luật sư. Con thuyền xa hoa, xã hội trên cao của một dúm người, cả phe chống đối đều chạy rạt… Bây giờ con thuyền xa hoa của lớp người mới còn lớn và rộng hơn nữa. Xã hội trên cao vẫn một dúm người, thay vì đầu trần trán bóng, giờ là nón cối. Và người ta manh nha nghĩ tới một Mặt Trận Ở Sài Gòn lần thứ ba nữa. Vì câu chuyện này, vào thời điểm đó và cho tới giờ đã có nhiều ngộ nhận có lúc Ngô Thế Vinh bị chụp mũ liên tiếp… Ngô Thế Vinh sang Mỹ năm 1983. Sau những năm học hành và hành nghề trở lại, ông đã có thì giờ để suy nghĩ. Tôi có nhiều dịp được nói chuyện với ông và trăn trở theo nếp suy nghĩ của ông. Với ông người Việt Nam giết chóc tàn hại nhau chỉ là hiện tượng ở vào một thời điểm trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Con người Việt Nam thương yêu nhau, đùm bọc nhau mới là bản chất Việt Nam. Làm văn hóa hướng về chân thiện mỹ thì phải phát huy bản chất ấy. Trong “Mặt Trận Ở Sài Gòn” gồm 12 truyện ngắn đều có cái chủ đề đó. Ngô Thế Vinh rất đôn hậu về cái gốc. Ông không hận thù nhưng buồn và thương tiếc. Cảm nghĩ của tôi, Ngô Thế Vinh chấp nhận và cam chịu giữa hai làn đạn. Cả hai phía bên này lẫn bên kia có vẻ khó chịu và nghi ngại ông. Bởi ông là nhà văn lấy chính trị làm bối cảnh mà lại viết và trình bày theo lương tâm. Chính cái lương tâm trong sáng từ bi và bác ái đó làm bóng đêm thủ đoạn chính trị bị lộ diện. Như con thú đêm khi lộ diện thì cuồng quẫy chống đối khó chịu. Một cảm nghĩ nữa của tôi về truyện ngắn “Người Y Tá Cũ”. Câu chuyện kể lại một Thượng sĩ Quân y của VNCH là Tụng được cách mạng chiếu cố lưu dung tại Tổng Y viện, chắc là TYV Cộng Hòa. Nhiệm vụ của Tụng là vừa săn sóc thương binh của R của chiến trường K chuyển về. Họ là những thương bệnh binh của những người nghèo khổ. Tụng chưa từng thấy một người nào thuộc giai cấp “đầy tớ nhân dân”. Thương bệnh binh VNCH thì trốn chạy hoặc bị đuổi ra khỏi bệnh viện và buồn thay chỉ còn một số thương binh bị liệt thì đành chịu trận nằm lại chờ chết. Cách mạng ruồng rẫy số bệnh binh này và chỉ có Tụng âm thầm chăm sóc những người đó. Dù cách mạng miệng nói một đàng tay làm một nẻo thì Tụng vẫn cố sức mình hàn gắn vết thương của cả hai bên. Với Tụng tất cả chỉ là người Việt Nam. Vậy mà cuối cùng Tụng vẫn bị sa thải về quê sống với mẹ và người vợ chưa cưới. Đã tưởng như vậy là yên thân nào ngờ một tai nạn mìn muỗi còn sót lại trên ruộng cầy khiến Tụng cụt mất chân và trở thành tàn phế. Nhưng Tụng vẫn không ai oán, vẫn nghĩ tới mẹ và vợ còn hơn nghĩ về mình. Câu chuyện buồn và cảm động. Bút pháp điêu luyện. Cái chú ý của tôi là góc trái của tựa đề câu chuyện có ghi “gởi TXD”.

TXD là ai mà được tác giả ưu ái đến thế. Ngồi nghĩ mãi đoán là BS Trần Xuân Dũng ở Úc Châu. Ngô Thế Vinh viết truyện này như một trần tình, một kiên định lập trường vừa như bày tỏ một hòa giải. Trần Xuân Dũng là cây viết của nguyệt san Tình Thương của trường Y khoa, lúc đó Ngô Thế Vinh là chủ bút. Trần Xuân Dũng có lập trường chống cộng rõ rệt. Với ông cộng quân là kẻ thù. Bạn bè ai cũng biết tính ông Dũng chân thật, ngay thẳng và là một bác sĩ đầy lương tâm. Nhưng trên bình diện chính trị thì Trần Xuân Dũng và Ngô Thế Vinh có những cái nhìn khác nhau. Năm 1990, BS trần Xuân Dũng có xuất bản tập thơ nhan đề “Như Sóng Thần Lên” để ca tụng cái hùng khí của Quân lực VNCH trong các trận đánh rực máu lửa với cộng sản. Ông có ưu ái nhờ tôi (Bùi Khiết) viết tựa cho tập thơ này. Với ông Dũng là bạn thân từ thuở thiếu thời. Tôi mến và kính phục ông nhưng có cái nhìn khác đi một chút. Vì vậy trong lời “Vào Đề” tập thơ của ông tôi viết như sau:!!!“Trong ông, cũng như trong thơ ông lúc nào cũng có lửa. Lửa bừng bừng từ tim đến óc. Lửa cháy ngập từ trang thơ này qua trang thơ khác. Nếu khi ông buồn thì giọng đậm đặc trong thơ cũng nóng sốt như những giọt acide bỏng cháy khốn khổ. Ông vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa bạn và kẻ thù. Ở đó ông tôn vinh chiến hữu và căm hận kẻ đối nghịch. Khác với Nghiêm Sĩ Tuấn [cũng là cây viết của nguyệt san Tình Thương] ông ít cần biết về cơ năng lý do của kẻ thù. Ông chỉ thấy phải xốc tới, tiến tới. Nhiều người trong đó có tôi mến lửa ông, nhưng cũng sợ lửa ông. Bên những hoang tàn đổ nát, bên những nấm mồ hoang lạ tiêu sơ, tôi đã có lần trộm chút lửa đó thắp lên những hàng nhang dài cầu mong sự siêu thoát cho mọi người Việt Nam đã nằm xuống. Tôi nghĩ tác giả cũng chẳng hẹp hòi gì khi thấy người bạn thân của mình trộm đi một chút lửa…”

Lời Vào Đề này cho một tập thơ tranh đấu được tác giả nâng niu cho in kể như là một thân thương rộng lớn. Tôi không biết Ngô Thế Vinh có được đọc lời viết của tôi cho Trần Xuân Dũng hay không. Xong cái mỹ ý “gởi TXD” như là một thông điệp cho hai khuynh hướng đã đến lúc phải suy nghĩ. Lúc này người Việt Nam cần nghĩ về mình, về tổ quốc và sự phát triển toàn diện. Cơ bản là như vậy. Còn cách nào, lối nhìn nào thì cũng phải đặt trên cơ bản khách quan. Cái khách quan của suy nghĩ, nhưng phải có cái chủ quan thương yêu nhau, thương yêu tổ quốc thật tình thì bài toán của cả thế kỷ mới giải đáp được… Cảm nghĩ cuối cùng của tôi là văn Ngô Thế Vinh trong sáng, truyện của ông hàm súc. Rất mong độc giả tìm đọc tác phẩm để hiểu lý do nào tác giả cầm bút và lý do nào có sự hiện diện của “Mặt Trận Ở Sài Gòn” ở hải ngoại.

BÙI KHIẾT Nguyệt san Y Tế 11-1996


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx