sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Màu sắc cầu vồng - Phần 3 - Chương 3-4-5

Chuyện cảm động ở cửa hàng cà phê

Nếu anh không thể đáp lại một sự giúp đỡ, thì hãy chuyển nó qua cho người khác.

Louise Brown

Khi năm cuối của trung học kết thúc, tôi xin được một chân làm ngoài giờ tại một cửa hàng cà phê ở gần nhà. Tôi hình dung công việc cũng đơn giản, và trên hết là không bị áp lực. Tôi cứ tưởng công việc mỗi ngày của mình sẽ là rót những ly cà phê thơm ngon nhất, làm những chiếc bánh rán ngon miệng nhất và trở thành người bạn thân thiết nhất của những khách hàng thường xuyên ghé qua.

Nhưng tôi đã không tính tới những người chỉ ghé qua cửa sổ của quán, mua cà phê rồi mang đi, rồi những bà cứ chê rằng cà phê có quá nhiều chất béo, hoặc những ông cứ bắt pha đi pha lại ly cà phê đá của họ đến khi họ hài lòng. Cũng có lúc tôi cáu gắt với tất cả mọi người, đơn giản chỉ vì tôi không thể làm hài lòng tất cả. Lúc nào cũng là cho nhiều đường quá, cho ít đá quá và không đủ sữa tách kem. Tuy nhiên tôi cam chịu hết.

Vào một ngày mưa buồn dầm dề, một vị khách hàng thường xuyên của tôi ghé qua, trông có vẻ xuống sắc và chán nản. Chúng tôi hỏi ông có vấn đề gì không, có cần giúp đỡ gì không, nhưng ông tịnh không hé lộ cho chúng tôi biết ông đang buồn bực điều gì. Ông chỉ nói ông muốn chui vào giường, kéo chăn trùm kín đầu và nằm đó trong vài năm. Tôi không hiểu vì sao ông lại muốn như thế.

Trước khi ông rời quán, tôi đưa ông một cái túi cùng với ly cà phê đá của ông. Ông nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc vì ông có mua gì khác ngoài cà phê đâu. Ông mở cái túi ra và thấy rằng tôi đã đưa thêm cho ông thứ bánh rán mà ông yêu thích nhất.

“Đó là của cháu biếu bác,” tôi nói. “Chúc bác một ngày tốt lành.”

Ông mỉm cười, cảm ơn tôi trước khi quay lưng bước ra ngoài cơn mưa.

Ngày kế tiếp trời cũng u ám, mưa cứ tuôn dai dẳng. Khách hàng cứ thế ngồi trong xe và mua hàng qua cửa sổ, bởi không ai muốn chỉ vì ly cà phê mà phải chạy ra ngoài dưới bầu trời đen kịt đầy sấm sét.

Tôi đứng cả ngày chồm người qua cửa sổ bán hàng cho mọi người và chờ đợi họ chậm rãi đếm từng đồng để trả tiền. Tôi cố gắng giữ nụ cười khi khách hàng cứ phàn nàn về thời tiết, nhưng thật là khó cho tôi cứ phải giữ mãi nụ cười ấy khi họ thì ngồi trong xe có điều hòa nhiệt độ, cửa kính chỉ việc quay lên, còn tôi lại phải đứng bán hàng mà những giọt nước trên chiếc mũ lưỡi trai cứ nhỏ tong tong, cổ áo ướt đẫm, máy điều hòa nhiệt độ cứ liên tục tuôn ra những luồng hơi lạnh mặc cho nhiệt độ bên ngoài chỉ có 670F. Và điều tủi thân nhất là không ai “típ” cho tôi một đồng nào. Mỗi lần nhìn vào chiếc lọ tiền “típ” gần như trống rỗng, tôi lại cảm thấy chán nản hơn.

Khoảng bảy giờ tối hôm đó, khi tôi đang pha dở một bình cà phê quả phỉ mùithì người khách hàng ngày hôm trước lại lái xe đến bên cửa sổ. Thay vì đặt mua hàng, ông lại trao cho tôi một đóa hồng và một lá thư nhỏ. Ông nói rằng không mấy ai lại phí thời gian chăm lo cho người khác, và ông rất vui khi trên cõi đời này vẫn còn có người như tôi. Tôi lặng im và rất xúc động; tôi gần như đã quên những gì mình làm hôm qua. Sau một lúc, tôi cảm ơn ông một cách sung sướng. Ông nói tôi thật tử tế, và với một cái vẫy tay thân thiện, ông lái xe đi.

Tôi nhìn theo cho đến khi xe của ông mất hút khỏi bãi đậu xe. Sau đó tôi chạy ra sau cửa hàng và đọc lá thư. Lá thư viết:

Christine thân mến,

Cám ơn vì tình cảm, sự tử tế, và sự sâu sắc của cô hôm qua. Cô đã làm cho tôi rất cảm động. Thật là tuyệt vời khi gặp những người dễ thương, nồng ấm, nhạy cảm và vị tha một cách chân thật. Xin cứ mãi là như thế bởi tôi thật sự tin rằng cô sẽ rất thành công. Chúc một ngày tốt lành.

Hank

Đến hết ngày hôm đó, tôi gặp phải rất nhiều khách hàng càu nhàu, nhưng bất cứ lúc nào cảm thấy chán nản và bực bội, tôi lại nhớ đến Hank và sự tử tế của ông. Thế là tôi lại mỉm cười, ngẩng cao đầu, đằng hắng và hỏi họ một cách nhã nhặn, “Tôi có thể giúp được gì đây?”

CHRISTINE WALSH

Mary Lou

Đó là ngày đầu tiên của tôi trong lớp học của cô Hargrove. Sau khi được giới thiệu trước lớp, tôi lấy can đảm nở một nụ cười rồi ngồi xuống, nghĩ rằng mọi người sẽ lảng tránh mình.

Nhưng giờ cơm trưa đã khiến cho tôi thật ngạc nhiên: tất cả bọn con gái đều vây quanh bàn tôi. Những câu trò chuyện của chúng thật là chân tình, nên tôi cảm thấy thật thoải mái. Đám bạn mới đã làm cho tôi hiểu biết thêm về trường học, giáo viên và các học sinh khác. Và nhất là, cô giáo dạy tiếng Anh Mary Lou.

Thực ra cô tự gọi mình là Mary Louise. Một cô gái trẻ nghiêm nghị, khó tính với nét mặt lạnh lùng và ăn mặc theo lối cũ. Cô không xấu – mà trông cũng không vui. Tôi nghĩ cô cũng khá dễ thương, nhưng tôi chỉ nghĩ thế thôi chứ không nói ra miệng với ai. Đôi mắt đen và nước da màu ô liu, mái tóc đen dài bóng mượt, nhưng xen vào đó lại có những lọn tóc xoăn như những chiếc ống! Đôi giày bình thường để đi đến lớp, váy len dài và một chiếc áo khoác có diềm bằng vải xếp nếp được ủi hồ cẩn thận đã biến cô thành ngô ngố. Tiếng xì xầm và tiếng cười khúc khích của bọn con gái càng lúc càng lớn hơn khi cô bước vào căn-tin. Không thèm nhìn ai, Mary Lou bước ngang qua bàn tôi, mặt ngẩng cao với sự quả quyết sắt đá. Cô ngồi ăn một mình.

Sau buổi học, bọn con gái rủ tôi đứng lại trước cổng trường. Tôi rất hồi hộp khi phải làm một thành viên trong nhóm của chúng, tuy nhiên tôi lại dám từ chối dứt khoát. Chúng tôi chờ ở đó. Để làm gì tôi cũng chưa biết. Ôi, tôi mong được về nhà sớm làm sao, tôi còn phải học bài.

Hai tay ôm lấy chiếc ba-lô, cô Mary Lou bước xuống những bậc tam cấp của trường. Màn châm chọc bắt đầu – những lời nhận xét thô lỗ, cay đắng và nhạo báng tuôn ra từ bọn con gái. Tôi ngập ngừng, nhưng rồi cũng hùa theo bọn chúng. Tôi càng hăng lên khi cô đi đến gần. Những lời nhận xét hèn hạ, đáng kinh không ngớt tuôn ra từ miệng tôi. Không ai có thể ngờ tôi lại có thể làm điều đó. Bọn con gái bước về phía tôi và hò hét ủng hộ. Được tiếp thê sức mạnh, tôi giật phắt cái quai ba-lô của cô và xô mạnh cô. Cái quai đứt và cô Mary Lou ngã dúi về phía trước, tôi lùi lại. Cả bọn cười lớn và hoan hô. Đáng ra tôi phải vô cùng tự đắc chứ. Tôi đã thành kẻ cầm đầu rồi cơ mà.

Nhưng tôi không thấy hãnh diện. Có cái gì đó nhói đau trong tôi. Nếu như bạn đã từng ngắt cánh của một con bướm ra khỏi mình nó khiến nó không bay được nữa thì bạn sẽ biết tôi có cảm giác như thế nào.

Cô Mary Lou lồm cồm ngồi dậy, không một giọt nước mắt hay cử chỉ đau đớn, cô gom những quyển sách và bỏ đi thẳng. Cô vẫn ngẩng cao đầu khi có một dòng máu nhỏ rỉ ra từ đầu gối bầm tím. Tôi nhìn theo bước chân khập khiễng của cô cho đến cuối con đường.

Tôi quay lại để từ bỏ đám bạn đang cười và để ý thấy một người đàn ông đang đứng cạnh chiếc xe hơi. Nước da màu ô liu, mái tóc đen, và nét điển trai của ông cho tôi biết ông chính là cha của cô giáo. Ngưỡng mộ trước tinh thần tự hào của Mary Lou, ông vẫn đứng im và nhìn con gái từ từ bước về phía mình. Chỉ có đôi mắt của ông – vừa mang vẻ đau buồn, vừa bừng sáng lên sự tự hào – là dõi theo từng bước con mình. Khi tôi đi ngang qua ông, ông câm lặng nhìn tôi với ánh mắt rực lửa như đốt cháy sự nhục nhã của tôi và thiêu rụi trái tim tôi. Ông không thèm nói một lời nào.

Thật không một lời trách cứ nào của thầy cô hay một lời khuyên răn nào của cha mẹ lại có thể tác động trái tim tôi như ánh mắt lặng lẽ ấy. Từ ngày hôm ấy, ông đã dạy tôi biết thế nào là lễ độ, là sức mạnh tinh thần, là lòng tự trọng và phẩm giá của con người. Từ ấy, tôi thề sẽ không bao giờ chơi bời theo đám bạn hỗn xược, độc ác kia nữa. Tôi thề sẽ không bao giờ làm hại người khác để cho mình được thỏa mãn nữa.

LYNNE ZIELINSKI

Món quà của Bryce

Những gì chúng ta làm cho riêng mình thì sẽ chết đi theo chúng ta. Chỉ những gì chúng ta làm cho mọi người và thế giới này mới còn lại và trở nên bất tử.

Albert Pine

Tên anh là Bryce. Tôi biết anh khi mới lên chín tuổi. Thật ra, anh đã trở thành thành viên của gia đình tôi khi mẹ tôi lấy chú anh.

Đó là lần tái giá của mẹ tôi, và trong lúc hai ông anh tôi cảm thấy không hài lòng lắm, tôi lại thấy điều ấy thật thích thú. Chúng tôi chuyển đến một vùng lân cận thật xinh đẹp và sống trong căn nhà mới rộng gấp ba lần cái nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Cuộc hôn nhân này không chỉ mang lại một căn nhà lớn, một hồ nước và một cái sân rộng, mà nó còn mang lại cả Bryce. Anh sống ở Bắc California với em trai và cha mẹ, nhưng anh thường xuyên qua chơi với chúng tôi, có đôi khi anh ở với chúng tôi suốt cả mùa hè.

Bryce đã trở thành người anh thân nhất của tôi. Anh hơn tôi sáu tuổi, nhưng chúng tôi có mối quan hệ thật thân tình, đến nỗi giữa chúng tôi không có khoảng cách nữa. Anh dạy tôi cách lặn và cách nhảy cầu nước. Anh phụ cha dượng tôi xây một ngôi nhà trên cây cho tôi, và anh còn dạy tôi chạy xe đạp hai người mà về sau tôi đã giành được giải thưởng trong một cuộc thi. Khi tôi được mười ba tuổi, chúng tôi trở nên rất thân.

Bryce và tôi đã trải qua nhiều mùa hè bên nhau. Các hoạt động đã thay đổi – hết chơi quần vợt, đến đi bộ, đi chơi biển rồi học vi tính – nhưng tình thân của chúng tôi vẫn không thay đổi. Anh rất điển trai, thông minh và vui tính, và ngay cả khi tôi chỉ mới mười bốn tuổi, tôi đã nghĩ đến việc sau này sẽ cưới anh. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi cuộc sống của tôi sẽ như thế nào nếu thiếu anh.

Bryce là anh cải anh em, và là niềm tự hào và niềm vui của cha mẹ anh. Anh sống một cuộc sống chuẩn mực. Ở trường, anh rất thành công, là một vận động viên nhiều thành tích, và cha mẹ anh hoàn toàn hãnh diện về Bryce vì anh có một trái tim nhân hậu khó ngờ. Khi người cậu của anh quyết định lấy người mẹ góa của tôi, Bryce chính là chiếc cầu nối cho sự thân thiện giữa hai gia đình. Anh thật nồng ấm, vui nhộn và vì thế làm giảm nhẹ sự bất mãn của hai đứa nhỏ vì không muốn mẹ nó lấy người đàn ông này.

Một mùa hè kia, Bryce và tôi cùng đi bơi ở nhà một người anh. Ở đó có một cái hồ bơi mà ai cũng ghen tỵ. Cái hồ thật hoàn hảo với cầu nhảy, cầu trượt, những thác nước và một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ, đó là một cái hồ mát nhất trong vùng thung lũng San Fernando.

Tôi mười lăm tuổi, còn Bryce thì hai mươi mốt. Đó là một trong những ngày tuyệt vời nhất, chúng tôi thật vui vẻ khi ở bên nhau. Quá vui, tôi quyết định trượt xuống cầu tuột bằng bụng. Rõ ràng đó không phải là một ý kiến hay. Tôi đã gieo mình thật mạnh xuống đáy hồ và bất tỉnh. Tới lúc thấy máu loang trong nước và tôi chìm dần, mọi người mới biết rằng không phải tôi đùa. Bryce đã cứu sống tôi. Anh đã lao xuống hồ, kéo tôi lên an toàn và xốc nước ra cho tôi thở. Tỉnh dậy, tôi thấy Bryce đang quỳ gối bên cạnh, nước mắt đầm đìa.

Giờ đây anh vừa là anh, vừa là vị cứu tinh của tôi. Tôi lớn lên bên cạnh anh; anh là người con trai đầu tiên mà tôi thật sự yêu. Anh đối xử với tôi như thể tôi là người duy nhất đáng để anh quan tâm, ngay cả khi tôi biết chắc rằng anh đã có người yêu.

Lên mười sáu, tôi đã biết lái xe một cách thành thục, đó là nhờ Bryce. Anh bảo, đã đến lúc tôi phải lái xe mười bảy tiếng đồng hồ để hai anh em đi thăm nhau. Và tôi đã vâng lệnh một cách vui vẻ.

Tôi thường lái xe đi Redding, và chúng tôi thường đưa nhau ra sông, vui đùa trong dòng nước. Chúng tôi thường đi trượt tuyết, bơi lội, lặn ống hơi, tắm nắng trên ụ tàu cho đến khi những ngày hè dài tắt hẳn ánh nắng. Sau đó chúng tôi lái xe về nhà ba mẹ anh và cùng nhau nấu nướng ngoài trời, cười đùa vui vẻ và chơi lang thang

Khi hết năm cuối của trung học, tôi chỉ mong được một người rủ mình đi khiêu vũ, đó là anh, và tôi hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng Bryce cũng đề nghị chuyện ấy. Tôi gật đầu không chút do dự. Mặc dù cũng có nhiều đứa con trai khác mời mọc, nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ cơ hội này với anh.

Trong suốt năm sau đó, cuộc sống của hai chúng tôi thật bận bịu, do đó không được gặp nhau thường xuyên. Tôi vào cao đẳng, còn anh phải đi làm. Chúng tôi viết thư và trò chuyện với nhau qua điện thoại, nhưng dường như cuộc sống của chúng tôi đã mang hai đứa đi hai ngả. Tôi nhớ anh thật da diết nên chẳng còn gì vui hơn khi biết được rằng anh sẽ đến chỗ tôi khi đến sinh nhật anh. Ba dượng tôi đã chuẩn bị sẵn một món quà đặc biệt để tặng anh.

Chúng tôi làm một bữa tiệc nhỏ cho Bryce, và ba dượng tôi đã trao món quà cho anh. Đó là chiếc đồng hồ vàng kiểu xe tăng hiệu Hamilton mà mẹ của dượng tôi đã cho ông khi ông còn trẻ. Mặt sau chiếc đồng hồ có chữ viết tắt tên của dượng tôi và dòng ngày tháng, 30. 11. 48. Đó là một kỷ vật mà dượng tôi giữ rất kỹ, việc cho chiếc đồng hồ thể hiện một tình cảm đặc biệt của ông dành cho Bryce. Anh rất yêu quý chiếc đồng hồ, lúc nào cũng đeo nó. Khi sợi dây đeo bị đứt thì anh lại bỏ chiếc đồng hồ vào túi mang theo mình. Chưa bao giờ anh xa nó.

Vào một đêm mùa đông, Bryce và tôi đang trò chuyện trên điện thoại, (thường những cuộc điện thoại như thế kéo dài ít nhất hai tiếng đồng hồ). Lúc đó là khoảng mười một giờ, anh đang ở nhà ba mẹ ăn tối và có một số khách ở xa đến thăm. Bryce nói anh cần phải đi vì mẹ anh đã nhờ anh đưa những người khách này trở về khách sạn. Lúc đó anh đang mệt mà đường đi ít nhất phải mất một tiếng đồng hồ. Chúng tôi vội vã hẹn gặp nhau một ngày nào đó trên ụ tàu vào mùa hè. Đôi khi chỉ có chuyện đó mới có thể tạo động lực cho tôi vượt qua một năm học đầy khó khăn. Và trước khi gác ống nghe, anh còn nói một câu khiến tôi phải bật cười. Anh nói, “Hãy nhớ rằng, cho dù em có làm gì trong cuộc đời này đi nữa, thì lúc nào anh cũng ở bên em nếu em bị bể đầu.” Tôi nói anh lúc nào cũng là người hùng của tôi và chúng tôi gác ống nghe.

Người ta đã tìm thấy xe của Bryce vào ngày hôm sau. Anh đã lạc tay lái vì ngủ gục khi lái xe. Và anh Bryce yêu quý của tôi đã chết ngay lập tức. Anh vừa bước qua tuổi hai mươi lăm. Thật không thể nào diễn tả hết nỗi đau trong cả đại gia đình chúng tôi. Sự ra đi của anh đã để lại trong tôi một sự hụt hẫng to lớn, sự hụt hẫng không thể nào bù đắp được.

Và mùa hè năm sau, như đã hẹn, tôi tìm đến ụ tàu, mặc dù vẫn biết rằng Bryce sẽ không bao giờ đến nữa. Tôi ngồi xuống và bắt đầu khóc, nước mắt của tôi rơi lã chã trên sông. Tôi vò đầu và tự hỏi tại sao anh lại bỏ tôi đi như thế. Tại sao anh phải chết? Tôi muốn hỏi Chúa, hỏi Bryce và bất cứ ai có thể nghe thấy lời tôi.

Thế rồi, nhớ lại cuộc nói chuyện cuối cùng của chúng tôi trước khi anh chết, tôi lấy tay đập vào đầu.

“Anh yêu, em đập đầu em đây, em sẽ đập bể đầu em đây, anh đang ở đâu? Anh đã nói dối em! Em có cần phải tự làm khổ mình như thế này không?”

Trong giây phút điên loạn, tôi nhặt cái mái chèo đang nằm trên cầu tàu lên. Bỗng nhiên, phía dưới mái chèo, có một cái gì đó rất sáng đập vào mắt tôi. Một cái gì đó nằm giữa mấy tấm ván. Tôi bỏ mái chèo xuống và chồm người xuống để tìm cái vật sáng loáng đó. Khi cạy được nó lên, ngay lập tức tôi nhận ra, đó là chiếc đồng hồ mà ba dượng tôi đã tặng cho Bryce hôm sinh nhật anh. Tôi ngồi bệt xuống và khóc. Tôi áp chặt chiếc đồng hồ vào tim mình. Tôi nhận ra chiếc đồng hồ bé xíu kiểu cổ năm 1948 phải lên dây cót hàng ngày này vẫn còn đang kêu tích tắc. Tôi sởn gai ốc khắp người, nhưng rồi một cảm giác ấm áp nhanh chóng bao trùm lấy. Tôi có cảm giác như mình đang được ôm ấp từ bên trong. Và anh vẫn ở đó, bên cạnh tôi.

Tôi không thể nào biết được làm sao mà chiếc đồng hồ nhỏ bé ấy lại nằm ở cầu tàu được. Nhưng tôi nghĩ Bryce đã để nó ở đó cho tôi. Tôi mua cho nó một cái dây mới, và đeo cho đến tận hôm nay. Nó mãi mãi tượng trưng cho một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu mà thời gian không thể xóa mờ.

Z GAUDIOSO


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx