sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương IV: Vậy Trường Lớp Thì Có Gì To Tát Nào?

Tôi vẫn nhớ như in ngày mới bước chân vào nghề giáo. Tôi dạy tiếng Anh trong trường trung học. Là người mới, tôi có tham khảo lời khuyên của một vài bậc tiền bối kì cựu. “Một số đứa đơn giản là không thuộc về trường học,” họ bảo tôi vậy. “Chả phải tội cố nhồi vào đầu những đứa không muốn học. Chỉ phí thời gian thôi. Cứ để chúng rơi tự do, còn dạy đứa nào muốn nghe ấy.”

Nhưng tôi vướng phải rắc rối. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra chính những đứa học sinh “rơi tự do” lại là những đứa thú vị. Chúng thông minh sáng láng, đầy ý tưởng, dù có đôi chút khó chịu. Chúng cho rằng trường học thật tẻ ngắt. Thực tình, tôi cũng nghĩ vậy – ấy là tôi còn làm cô giáo đấy nhé! Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao hệ thống giáo dục của chúng ta lại làm thui chột nhiều đứa trẻ sáng dạ đến vậy. Chẳng lẽ chúng ta không nên gắng tiếp cận chúng theo cách khác ư?

Trong suốt tám năm dạy học, hè nào tôi cũng tham gia giảng dạy thêm trong khoa liên kết. Không chỉ để kiếm thêm thu nhập, mà còn nhằm tích lũy kinh nghiệm. Tôi muốn biết làm cách nào để giúp học sinh có đủ kiến thức và hòa nhập tốt với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Mùa hè đầu tiên, tôi khám phá ra một điều đáng kinh ngạc: Trong thế giới thực, chính những “tật” khiến bạn gặp hạn ở trường học lại giúp bạn thành công trong công việc sau này!

Nghĩ mà xem. Mồm mép lanh lợi, giàu tiềm năng, suy nghĩ mới mẻ, đi đầu trong mọi việc, hành động độc lập, có góc nhìn độc đáo, trí tưởng tượng phong phú – tất cả những điểm này, rất nhiều trong số đó là tính cách điển hình của TCĐ, chính là những phẩm chất đáng quý trong công việc! Đúng vậy, chúng có thể khiến bạn trở thành một học sinh không mấy dễ chịu ở trường, nhưng rất nhiều người sự nghiệp thành công rực rỡ lại không phải tuýp “trường lớp”. Cứ thử hỏi một doanh nhân bận bịu, một người bán hàng thành tích cao hoặc một diễn viên tài năng xem ở trường họ ra sao mà xem, và bạn sẽ thường thấy họ còn chẳng muốn nói về nó nữa.

Đối với nhiều TCĐ, trường học chỉ là một án tù cần hoàn thành, một hình phạt cần thi hành, là sự tôi luyện, lặp đi lặp lại và bài vở, học hành, kiểm tra cứ quay cuồng mãi không dứt. Nói chung, chẳng đáng vì điểm cao mà phải đâm đầu vào mớ rắc rối ấy. Với nhiều bậc cha mẹ, đây trở thành vấn đề lớn khi TCĐ của họ lớn lên. Mọi đứa trẻ đều có tài. Đứa nào cũng thông minh. Nhưng điểm mạnh của TCĐ thường lại không được đánh giá cao trong lớp học. Dưới đây, tôi sẽ đưa ra một vài lý giải tại sao một TCĐ, như tôi và nhiều người khác, lại gây ra cả tá rắc rối mỗi khi liên quan tới học hành và trường lớp.

CHÚNG TÔI CÓ THỂ ĐẠT ĐIỂM CAO KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CHÚNG TÔI MUỐN THẾ

Nếu TCĐ nhà bạn mang về một bảng điểm rặt điểm kém, chuyện gì sẽ xảy ra? Phản ứng của phần lớn cha mẹ sẽ là: “Con phải đạt điểm cao hơn! Nếu không, con đừng mong…”

Nhưng lại có hai vấn đề nổi cộm với cách làm này:

Trước hết, thật không thực tế nếu mong đợi con bạn nâng cao tất tần tật điểm số một lúc. Đúng là không tưởng. Bên cạnh đó, không phải môn nào cũng quan trọng như nhau với một TCĐ. Nếu bạn khăng khăng đi theo hướng tất-cả-hoặc-không-gì- cả, gần như chắc chắn bạn sẽ thất bại.

Thứ hai, cách làm này mặc định rằng TCĐ của bạn cũng một lòng muốn cải thiện điểm số như bạn vậy. Điều này đặt TCĐ nhà bạn ra ngoài cuộc, chẳng tác động được gì tới hướng đi của nó cả.

Với tư cách là một TCĐ, tôi sẽ chia sẻ một phương pháp khác. Giả sử bạn muốn thúc đẩy con gái mình cải thiện điểm số của nó, thử làm thế này xem:

Bình tĩnh chuyện trò với đứa con bướng bỉnh của bạn. “Hmm, một điểm 3 môn Sử. Con có muốn Sử bị điểm 3 hay không?” Nếu con bé gật đầu và nói có, vậy từ bỏ ý định thôi. Bạn sẽ không tài nào khiến nó mong muốn đạt điểm cao hơn, ít nhất là lúc này.

Tiếp tục. “Một điểm 4 tiếng Anh. Đấy là điểm con muốn à?”

Con bé lắc đầu. Không. Bạn hỏi tiếp. “Vậy con muốn tiếng Anh được điểm gì nào?” “Con không biết nữa. Có lẽ 6 là được.”

Hãy gật đầu đồng tình (kể cả nếu bạn thực lòng muốn nó hướng tới điểm cao hơn). “Con nghĩ xem muốn được điểm 6 thì phải làm gì?”

Con bé đảo mắt và đáp: “Một phép màu.” Còn bạn cười và nói: “Vậy con muốn mẹ giúp con đạt được phép màu đó không?”

Từ lúc đó, bạn đã đặt con bé vào thế phải đạt điểm cao hơn. Bạn đưa ra đề nghị giúp đỡ nhưng đó không phải điểm chính yếu, bạn giúp hay không tùy thuộc vào con bạn. Nếu đứa bé nói rằng nó không muốn bạn giúp, chỉ cần trả lời rằng bạn luôn sẵn sàng khi nó cần. Nhẹ nhàng nhắc nhở rằng nếu vẫn còn lĩnh điểm kém, nó sẽ bị phạt: không được chơi môn thể thao yêu thích, hay hủy chuyến dã ngoại mong muốn, hoặc không được mua bảo hiểm ôtô. Giữ bình tĩnh và cảm thông. Rõ ràng bạn cần tin tưởng con mình, nhưng không thể trông mong gì nhiều rằng con bạn sẽ biến đổi trong một sớm một chiều, nhất là khi TCĐ của bạn chưa thực sự muốn thay đổi.

Nhiều bậc cha mẹ khó lòng chấp nhận rằng điểm số ở trường chẳng phản ánh được thực lực của trẻ. Đôi khi điều tốt nhất bạn có thể làm là giúp TCĐ của bạn hiểu được đạt điểm tốt chính là chướng ngại vật đầu tiên cần vượt qua để thực hiện mục tiêu nó mong muốn. Ngược lại, nếu cứ xoáy vào việc điểm số là mục tiêu tối thượng phải đạt được thì hầu như luôn phản tác dụng.

Mẹ của Jason hoàn toàn tuyệt vọng. TCĐ mười sáu tuổi của bà trượt lớp kinh tế, dù trước đấy bà đã bằng mọi cách ép thằng bé cải thiện điểm số: đe nẹt có, hứa hẹn có, dỗ dành cũng có. “Jason có thể lọt được vào lớp đó,” bà khăng khăng. “Nhưng nó chẳng thèm bỏ công cố gắng chút nào!” Tôi hiểu mẹ của Jason đủ để xác định vấn đề thực sự là gì. Bản thân bà là một phụ nữ giỏi giang và là típ học sinh luôn được điểm xuất sắc ở trường. Bà biết con mình thông minh, và không tài nào hiểu nổi tại sao thằng bé chẳng thèm bỏ công ra đạt điểm tốt. Tôi cũng hiểu Jason đủ để nhận ra rằng thằng bé chính là hình mẫu điển hình của một TCĐ. Tại sao phải dành thời gian cho một môn học mà nó sẽ không bao giờ đụng tới?

Tôi hỏi bà mẹ vài câu hỏi.

“Đây là môn điều kiện để tốt nghiệp à?”

“Không,” bà thừa nhận. “Nhưng trượt một môn nào đó sẽ giảm ấn tượng với trường đại học nó muốn đăng kí.”

“Vậy chị đã từng hỏi nó muốn được bao nhiêu điểm trong môn này chưa?”

Trông bà khá sửng sốt. Hẳn bà chưa từng có ý nghĩ học mà không được điểm 9, 10, dù là môn chính hay môn phụ. Phải mất nhiều thời gian mẹ của Jason mới chấp nhận và nghe theo lời khuyên của tôi. Mọi chuyện sau đó đã diễn ra thế này:

Trước tiên, mẹ của Jason giải thích rõ lý do phải học môn này “cho tử tế” với cậu con trai. Cụ thể là nhằm làm đẹp bảng điểm của thằng bé trong hồ sơ đăng kí đại học. Jason chưa từng nghĩ về điều đó. Thằng bé thừa nhận rằng một con 3 hay 4 trông cũng khá mất cảm tình. Bà mẹ (sau khi hít thật sâu) hỏi thế nó có muốn cố gắng để lấy một điểm 6 hay không, vì một điểm 6 cũng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều tới cơ hội giành học bổng trong tương lai.

Bà gợi ý Jason nên tham khảo ý kiến giáo viên môn kinh tế xem cần làm gì để có thể đạt điểm trung bình. Thằng bé cảm thấy nhẹ cả người. Nó biết không nhất thiết phải đạt bằng được điểm 9, 10 trong môn này. Điểm 6, thôi thì có thể đạt được mà không cần tốn sức. Bà mẹ, cô giáo của Jason và chính cậu bé nhanh chóng phác ra chiến lược nhằm lấy được điểm trên trung bình, và thế là tiến hành thôi.

Áp lực phải mang về điểm 9,10 đã được dỡ bỏ. Mục đích chọn môn học cũng rõ như ban ngày. Sau cùng, Jason còn đạt hẳn điểm khá, điểm 8, và thằng bé thú nhận mình khá hứng thú kiểu thách thức này.

NẾU TCĐ CỦA BẠN KHÔNG CHỊU LÀM BÀI TẬP VỀ NHÀ, CÓ LẼ VẤN ĐỀ KHÔNG NẰM Ở BÀI VỞ

Đã bao lần bạn tranh cãi với TCĐ của mình xung quanh vấn đề bài vở rồi? TCĐ, chẳng ưa gì cái ý nghĩ tan học rồi lại phải cày thêm cả đống bài tập. Chỉ riêng ý tưởng phải cống nạp cả quỹ thời gian rảnh hiếm hoi để làm thứ gì đó cả ngày, cũng đã chịu không nổi rồi. Nếu bạn một mực ép con cái làm bài tập, chỉ vì “thầy cô giáo đã giao cho con”, thì sẽ chỉ xung đột liên miên mà thôi. Như tôi đã trình bày trong chương trước, hơn những đứa trẻ khác, TCĐ nào cũng cần được giải đáp câu hỏi Để làm gì?

TCĐ luôn muốn biết lý do tại sao cần bỏ thời gian và công sức vào việc gì đó. Chúng không phải những kẻ khoe mẽ, mà thực sự muốn biết câu trả lời. Nếu hiểu được bài tập về nhà để làm gì, (và đôi lúc câu trả lời chỉ cần giản đơn như: “Nó là một chướng ngại vật cần vượt qua” mà thôi), chúng cũng có thể đưa ra quyết định sáng suốt xem có đáng phí sức hay không.

Hãy nhớ rằng, TCĐ biết thừa sẽ có chuyện nếu không làm bài tập về nhà. Nhưng chúng cũng biết rằng ít ra như thế mình còn được quyền lựa chọn hứng chịu những hậu quả đó. Dù các bậc cha mẹ không muốn thừa nhận, nhưng có một sự thật hiển nhiên là bạn không thể bắt ép TCĐ làm bài tập được. Chúng có thể được thúc đẩy, được truyền cảm hứng, và có thể trông cậy. Nhưng không thể bị ép buộc làm bài tập mà chúng thấy chả ích lợi gì. Nhiều bậc cha mẹ rốt cuộc đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tự mình làm những bài tập đó. Một số la hét, thét lác, ra đủ thứ hình phạt, nhưng miệng hét thì tai nghe, chính họ tự làm khổ mình. Chứng huyết áp cao của bạn, cơn đau đầu bạn phải chịu, vết thương trên người bạn, không phải là những lý do khiến TCĐ nhà bạn làm xong bài tập đâu.

Foster Cline và Jim Fay, trong cuốn Parenting with Love and Logic (Làm cha mẹ với tình thương và óc logic), diễn đạt như sau:

Dù có điên tiết với thói chày bửa, nước đến chân mới nhảy hay bảng điểm kém cỏi của con đến đâu đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải tìm một cách nhẹ nhàng sao cho con cái học hỏi từ những hậu quả nó gây ra, bất kể hậu quả đó là gì đi chăng nữa… Cách dạy dỗ con cái kết hợp cả tình yêu và logic giúp bọn trẻ suy nghĩ độc lập hơn và có thể tự chọn cho mình thành công. Là những bậc sinh thành, điều này có nghĩa chúng ta phải chừa chỗ cho sai lầm và giúp con cái mình tận dụng những năm tháng tiểu học của chúng, khi cái giá phải trả cho những sai lầm còn trong mức có thể chịu đựng.

Vậy bạn có thể làm gì? Dưới đây là một vài gợi ý.

1. Xác định lý do phải làm bài tập ngay từ đầu

TCĐ của bạn sẽ đánh giá cao những nhận xét trung thực về mục đích của bài tập về nhà. Hãy thẳng thắn nào: đôi khi bài tập về nhà đúng là phí phạm thời gian. Đó là công việc hết sức tẻ nhạt và lặp đi lặp lại không biết bao giờ ngừng. Nhưng trên thực tế, dù đúng dù sai, bài tập về nhà vẫn được tính vào điểm cuối kì của học sinh. Vì thế hãy giúp TCĐ của bạn hình dung xem cần hoàn thành những gì nhằm đạt được mục tiêu đã vạch ra.

Ví dụ, Jason, đã quyết tâm đạt điểm thấp nhất là 6 trong môn kinh tế học. Cậu cần hiểu hậu quả nếu không làm bài có thể chính là sẽ tuột mất điểm 6.

2. Nếu điểm không phải một nhân tố thúc đẩy, vậy xem còn điều gì có thể

Hiển nhiên mỗi TCĐ sẽ có một động lực riêng. Ví dụ, bài kiểm tra đánh vần và bài tập câu cú là môn học khó nhằn đối với đứa con cứng đầu lớp hai của tôi. Thằng bé cảm thấy nó biết từ đó rồi, và nhỡ có bỏ qua vài từ, thì cũng chẳng có gì to tát lắm. Những buổi tối trong nhà dần trở nên căng thẳng và đầy tranh cãi vì Mike cứ lần lữa không chịu làm bài tập. Cuối cùng, tôi phải áp dụng lời khuyên chính tôi đưa ra. Tôi biết Mike thích các loại bảng biểu và đặc biệt hứng thú với việc gạch bỏ các đầu việc đã làm xong trên bản kế hoạch, nên đề nghị nó nghĩ ra bảng theo dõi nhiệm vụ mỗi tuần. Một trong những nhiệm vụ đó là học bài đánh vần. Thằng bé thích gạch bỏ những đề mục trong bảng đó, và giờ thì chúng tôi hiếm hoi lắm mới có một bài tập không hoàn thành.

Nếu TCĐ nhà bạn không phải đứa thích lập bảng, hãy thử cách khích lệ khác. Có thể mất kha khá thời gian và một vài lần sai lầm để tìm ra phương pháp thực sự hiệu quả.

3. Giữ thái độ bình tĩnh, sáng suốt

Quy tắc vàng: dùng câu khẳng định để diễn đạt yêu cầu, hạn chế dùng câu phủ định. Ví dụ như, thay vì nói: “Nếu trước bữa tối mà con không xong bài tập, con đừng mong xem chương trình con thích tối nay!”, hãy thử thế này: “Chương trình con thích chiếu lúc tám giờ tối đấy. Xong bài trước giờ đó thì con sẽ không bỏ lỡ phút nào cả.”

4. Trao cho TCĐ của bạn quyền tự quyết trong khả năng có thể

Hãy để con bạn biết mục đích của bài tập về nhà là gì, hậu quả nếu không làm bài, rồi để tự nó quyết định xem có làm hay không. Phải chấp nhận rằng có những khi bạn buộc phải khoanh tay đứng nhìn TCĐ của mình chọn không làm và hứng chịu hậu quả. Khi trẻ nhận ra chúng thực sự được tin tưởng, chúng sẽ thay đổi cách nghĩ và sẵn sàng chịu trách nhiệm thay vì ỷ lại bố mẹ với những giải cứu phút chót.

GIÚP TCĐ CỦA BẠN DUY TRÌ MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP VỚI THẦY CÔ GIÁO

Trong chương 2, chúng ta đã bàn về vai trò của mối quan hệ giữa cha mẹ và TCĐ. Nói về sự tương tác giữa thầy cô-học sinh, bản chất mối quan hệ này cũng quan trọng y như vậy. Kể cả những giáo viên tẻ nhạt hoặc kém sáng tạo đến đâu cũng vẫn có thể tạo ảnh hưởng tích cực đối với một TCĐ nếu họ thật lòng yêu mến và quý trọng đứa bé.

Tôn trọng dĩ nhiên phải từ hai chiều, phải có đi có lại. Nếu người thầy nhận ra và trân trọng những điểm mạnh của một TCĐ, đứa trẻ đó sẽ không mắc phải rắc rối kỷ luật nào lớn lao. Nhưng nếu một giáo viên không đánh giá cao những ưu điểm riêng biệt đó hoặc khư khư giữ quan điểm cứng nhắc thiếu linh hoạt của mình, ấy là khởi đầu cho rắc rối. Đây là một ví dụ điển hình:

Josh là một TCĐ lớp ba hài hước đáng mến. Cô giáo của cậu, cô Jones, lại là một người tuân thủ kỷ luật y-như-sách. Buổi chiều nọ, giữa giờ giải lao, một kẻ chuyên gây rối quay tất cả bàn học lại cuối lớp. Khi cô Jones và cả lớp đi vào, cô lập tức ra lệnh: “Được rồi, các em, tôi muốn các em quay bàn học lại ngay.” Đứa nào cũng nhanh chóng quay bàn của mình về lại phía bục giảng, trừ Josh.

Josh, sau một hồi trầm ngâm, xoay bàn mình mình vòng quanh – đúng một vòng, và ngồi quay lưng với cô giáo của nó. Cô Jones lẽ ra đã có thể giải quyết êm thấm trường hợp này nếu hiểu được lối suy nghĩ của Josh. Đáng ra cô có thể nói gì đó đại loại như: “Ồ, hay thật đấy, Josh. Thật vui khi được nhìn thấy lưng của em,” và tiếp tục dạy. Chẳng mấy chốc, bị các bạn cười trêu kiểu gì Josh cũng quay bàn lại. Thật không may, những gì diễn ra lại không phải như vậy.

Cô Jones tức điên lên. Cô chỉ thẳng vào mặt Josh mà nói: “Đủ rồi đấy, cậu kia! Cậu quay bàn lại đối diện với tôi ngay, bằng không cậu sẽ được xuống phòng hiệu trưởng đấy!” Tối hậu thư đã ban ra, và Josh đơn giản chỉ nhún vai và bước khỏi lớp học tiến thẳng tới phòng hiệu trưởng.

Tôi không biện hộ cho tính vô kỷ luật. Nhưng Josh không hề cố ý cư xử thiếu tôn trọng. Và cả năm học đó, nó đã đấu đá với cô Jones. Nó biết cách chọc cô tức điên lên, và cô trả đũa nó không gì ngoài cơn giận dữ và đủ loại hình phạt. Đáng ra không cần phải làm vậy.

Thử đặt trường hợp của Josh bên cạnh Katherine. Đó là một TCĐ mười ba tuổi gặp rắc rối, cô bé khó khăn lắm mới vượt qua cuộc ly hôn của cha mẹ. Katherine khá ngoan, nhưng thời niên thiếu cô đã gặp chấn động mạnh. Trường cấp hai khác xa trường tiểu học, và cùng lúc những đổ vỡ gia đình và môi trường xã hội hoàn toàn mới đã làm cô bé mất phương hướng. Cô bắt đầu tập tọe rượu bia, tình dục, và cả ma túy. Mẹ cô hết sức lo lắng, nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh.

Katherine dần thoát khỏi vòng kiềm tỏa. Điểm số giảm không phanh, cô đánh bạn với những đứa khiến cả nhà lo phát sốt, và lúc nào cũng thách thức mẹ mình. Cho tới khi gặp cô Adams. Cô Adams là một cô giáo cấp hai trầm tĩnh, không định kiến, thực lòng thương yêu trẻ con. Ngay lập tức cô để mắt tới Katherine và có những dự tính đặc biệt cho cô bé. Vài năm sau, Katherine kể cho tôi rằng cô Adams đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống trường học của mình. Đó là một cô giáo tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, luôn đòi hỏi rất cao, và có thể khích lệ Katherine làm bất cứ việc gì cô yêu cầu.

Tại sao ư? Cô Adams tâm sự với Katherine rằng cô thích cách cô bé suy nghĩ đến mức nào. Cô tìm kiếm những cách giúp Katherine thành công mà không phải bó buộc trong những phương pháp truyền thống. Cô cũng ái ngại cho Katherine vì quả thật có những yêu cầu ở lớp học dường như rất nhàm chán và chẳng để làm gì. Sau này, Katherine thổ lộ, cô rất biết ơn việc cô Adams đã tin tưởng mình và không bao giờ làm cô bẽ mặt hay thấy mình nhỏ bé.

Katherine bắt đầu tình nguyện ở lại trường sau giờ học, đỡ việc cho cô Adams và nói chuyện cùng cô hàng giờ liền. Và bởi cô Adams kiên quyết rằng phải giải quyết cho xong bài trước khi tận hưởng bất cứ phút nghỉ ngơi nào, thế là Katherine phải làm bài tập. Thường thì Katherine không muốn bước chân về nhà, nhưng cô Adams lịch sự đẩy cô bé khỏi cửa cùng câu nói hẹn gặp lại ngày mai. Cuối cấp hai, Katherine đã quyết chí trở thành cô giáo, và cô Adams đã nhiệt tình vạch ra chiến lược để đỗ đại học và bước chân vào giảng đường.

Tôi gặp Katherine lần đầu vài năm về trước, là năm thứ tư cô dạy toán cho lớp bảy và lớp tám. Cô nói cô yêu nghề giáo, và đặc biệt thích những đứa trẻ cá biệt mà chẳng cô giáo nào khác muốn cả. Cô nháy mắt, nói: “Tôi nghĩ cô Adams cũng từng thích như vậy đấy!”

Vậy làm cách nào tìm cho TCĐ của bạn một giáo viên giống cô Adams hơn là cô Jones? Không có gì bảo đảm được cả, nhưng bạn có quyền chi phối nhiều hơn bạn tưởng đấy. Dù có nhiều luồng thông tin không hay về giáo viên, nhưng bạn sẽ thấy rất nhiều người trong số họ thực lòng thương yêu trẻ con. Ngày nay, giáo viên bị sức ép về thời gian và giáo án hơn bao giờ hết, vậy nên nếu bạn muốn giúp TCĐ của mình hiểu được thầy cô và cũng được thầy cô thấu hiểu, tốt nhất bạn và con cần tự thực hiện vài việc sau. Có hai việc các bạn có thể làm:

1. Viết một sơ yếu tóm tắt về TCĐ của bạn, liệt kê trong đó những ưu điểm và tài năng bẩm sinh

Khi bạn nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm của con, hãy hỏi thầy cô làm thế nào có thể tận dụng những ưu điểm đó trong lớp học. Đừng liệt kê hay xoáy vào những hạn chế và khuyết điểm của đứa bé. TCĐ nhà bạn thừa biết nó kém ở chỗ nào rồi. Hãy mào đầu và đi sâu vào những điểm tích cực, và nhờ thầy cô giáo giúp đề ra cách thức nhằm vượt qua những thử thách ở lớp.

2. Duy trì đường dây trao đổi giữa bạn, TCĐ và giáo viên

Khuyến khích TCĐ của bạn bắt chuyện với thầy cô giáo hàng ngày, kể cả chỉ để nói câu chào, và đề cập tới điều gì đó tốt đẹp. (“Em thích áp-phích mới lắm ạ.” “Vòng cổ của cô đẹp quá.” “Em rất mừng vì thầy cho chúng em thêm một ngày ôn thi.”) Chẳng mấy chốc, giáo viên sẽ để mắt tới TCĐ nhà bạn và có những nhận xét tích cực đáp lại. Thi thoảng gửi lời nhắn riêng cho giáo viên, nhấn mạnh bạn cảm kích thế nào những nỗ lực của thầy cô giúp bọn trẻ học hành và thấy được giá trị bản thân. Để thầy cô biết rằng bạn không hề cho qua những lời bao biện của TCĐ về việc không làm bài tập hay không chấp hành kỷ luật mà bạn còn muốn tìm càng nhiều cách càng tốt giúp TCĐ của mình thành công.

TCĐ của bạn sẽ quan sát mối quan hệ giữa bạn và thầy cô của nó. Nếu bạn duy trì quan hệ hữu hảo, cơ hội TCĐ noi gương theo bạn sẽ càng lớn. Trường hợp xấu, giáo viên của con bạn không linh hoạt hoặc không đánh giá cao những ưu điểm của con, hãy vận động để đổi giáo viên khác hoặc đổi lớp.

NẾU GIÁO VIÊN CHO RẰNG CON BẠN KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG HỌC?

Đến giờ bạn đã biết một TCĐ không hề theo một khuôn mẫu có thể dự đoán. TCĐ trưởng thành nhờ những thay đổi và mâu thuẫn, và chúng có cái nhìn khác hẳn người bình thường. Nuôi dạy TCĐ sẽ là cả một cuộc thử thách cam go, nhưng nhờ đó, bạn sẽ học được cách nhìn mới lạ và tạo được những đột phá. Điều này thật rắc rối, khi hệ thống giáo dục luôn khăng khăng cho rằng rằng tự đứa trẻ phải thích nghi thay vì tìm cách làm cho giáo dục thích hợp với trẻ.

Khi một TCĐ chống đối, nó dễ bị quy kết nhẹ thì là mất khả năng học hành, nặng thì rối loạn hành vi. Nhưng chính những tính nết trái khoáy đẩy TCĐ vào phiền hà lại là những đức tính có tiềm năng thay đổi thế giới! Không lâu trước đây, Tiến sĩ Peter Breggin từng dẫn lời tạp chí Newsweek trong cuốn sách The War Against Children (Cuộc chiến với con trẻ). Ông kể rằng tờ Newsweek từng đưa ra câu hỏi: “Những bộ óc lỗi lạc như thập niên 90 đâu mất rồi? Những Freud, Einstein, Picasso, họ đang ở nơi nào?” Tiến sĩ Breggin điềm tĩnh đáp lại: “Có lẽ chúng ta đang chạy chữa cho họ ở đâu đó!”

Xét trên tiêu chí hiện nay, cả Freud, Einstein, Picasso đều hội tụ đầy đủ, nếu không phải tất cả, thì cũng gần hết những dấu hiệu của rối loạn chức năng tư duy. Ngày nay, các ca Hội chứng giảm tập trung (Attention deficit disorder – A.D.D) đang được chẩn đoán quá nóng vội và chóng vánh. Dẫn đến số lượng trẻ mắc A.D.D tăng vọt, vượt quá lượng thuốc có thể đáp ứng. Những lớp học theo chương trình đặc biệt dành cho học sinh bị bệnh liên tục đặt trong tình trạng quá tải do lượng học sinh được cho là “không có cơ hội thành công” tại những lớp thường dồn xuống. Ngày càng nhiều học sinh phải tham gia chương trình bổ trợ, nơi chúng phải rời lớp học và nhận trợ giúp riêng biệt. Chứng rối loạn tâm sinh lý thực sự có tồn tại. Nhưng nếu một đứa trẻ thiểu năng thật bị ghép học cùng với mười đứa trẻ khác, những đứa chỉ đơn thuần là có hành vi không nghe lời, đứa trẻ đó sẽ không nhận được sự giúp đỡ cần thiết.

Đến đây chúng ta nên tự hỏi một câu: Nếu nhiều đứa trẻ không thể thích ứng với phương pháp truyền thống, nên chăng thay đổi phương pháp thay vì tìm cách biến đổi đứa trẻ? Tôi không chủ trương dành ưu đãi đặc biệt cho trẻ TCĐ, cũng không hạ thấp hệ thống giáo dục hiện nay. Tôi chỉ muốn làm rõ mục đích của giáo dục là gì, để từ đó xác định cách hiệu quả để đạt được mục tiêu đó. Nó không hẳn bí ẩn tới mức đó. Trong cuốn sách Teach Through Encouragement (Dạy dỗ nhờ khuyến khích) của mình, Robert Martin nêu lên lời giải thích giản đơn nhưng sâu sắc cho việc trẻ con có thể mất tập trung: “Mất tập trung thực chất là một cách nói học sinh đó đang chú ý tới thứ gì đó mà giáo viên không thích. Một học sinh không chú tâm chính là đang tập trung vào một điều khác.”

Nếu TCĐ của bạn nghĩ trường học nhàm chán và ghét làm những việc nó cho là vô nghĩa, chẳng để làm gì, không ngạc nhiên rằng nó sẽ dễ bị liệt vào dạng học sinh cá biệt cần giáo dưỡng đặc biệt? Chứ không hề liên quan tới việc thiếu thông minh hay thiếu năng lực.

Micheal Valentine, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Tâm thần học đầu tiên cho Trẻ em đã cảnh báo chúng ta về thất bại chung trong việc tìm kiếm và khởi xướng những biện pháp thay thế dự phòng quan trọng cho những đứa trẻ hiếu động và thiếu tập trung tại trường học – đó là sự chỉ dẫn và chương trình giảng dạy được cải thiện cho phù hợp.

Lẽ dĩ nhiên, không thể đổ hết lỗi lầm lên vai những nhà giáo dục được. Chúng ta cũng không thể cho rằng khó khăn của một đứa trẻ là do thiếu động lực hay thất bại trong việc kết hợp những phương pháp tiếp thu. Không có sẵn câu trả lời lý giải tại sao một TCĐ không đạt thành tích tốt ở trường học. Nhưng quan trọng là, không nên mặc định những hành vi hoặc cách học khác thường, không theo chuẩn của con mình là dấu hiệu của sự thiểu năng. Cần chỉ ra được bao nhiêu phần trong việc TCĐ không thành công là do thể lực, do tâm lý, hay rối loạn giáo dục và bao nhiêu phần do thất bại của hệ thống đã không nhìn nhận và đánh giá đúng cách suy nghĩ của đứa bé.

Bạn có thể trở thành người ủng hộ nhiệt tình nhất để TCĐ của mình có được nền giáo dục hàng đầu. Bạn mới là người hiểu con mình. Hãy giúp cả giáo viên của con nhận ra điều này và phát huy điểm mạnh của con. Đừng giơ tay đầu hàng khi trường học muốn gán TCĐ của bạn vài điều không hay. Hãy lạc quan, nhưng cũng cần kiên quyết. Nếu bạn tin TCĐ của mình cần được chẩn đoán độ thiểu năng, dù thế nào cũng cần cẩn trọng. Một vị bác sỹ nhi giỏi có thể giúp phát hiện những vấn đề sức khoẻ trước tiên. Sau đó họ có thể giúp bạn trong việc tìm kiếm những cố vấn hoặc nhà giáo dục đáng tin cậy nhằm đánh giá những triệu chứng, xem xem vấn đề tiếp thu nặng đến mức nào, và có thể diễn tiến xa hơn bao nhiêu.

Giữ cho tâm trí rộng mở, và cứ tìm kiếm tới khi gặp được một chuyên gia y học có thể tin tưởng, tốt hơn là người hiểu rõ những khác biệt trong từng cách học và nhận ra được những nét điển hình của một TCĐ. Hãy xoa dịu và dập tắt những biểu hiện của sự chống đối ngay từ đầu, nếu không bạn phải áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn. (Chương 8 sẽ nói về điều này chi tiết hơn.)

Không nên vin vào cớ này để bao biện cho hành vi xấu của con; không cho phép những hành động phạm pháp; không đặc quyền, đặc lợi, không nương tay. Cũng như vậy, bạn không thể quy kết TCĐ của mình gặp vấn đề bẩm sinh chỉ vì nó không làm giống bạn hay một cách thức nhất định của nhà giáo nào.

TRƯỜNG HỌC CÓ PHẢI LÀ TẤT CẢ

Lần tới khi tranh cãi với TCĐ của mình quanh chuyện bài vở, điểm số và thứ hạng, bạn thử tự vấn bản thân xem mười năm tới tất cả những chuyện này có còn quan trọng. Tự hỏi vấn đề thực chất là gì – làm xong việc, hay làm mọi việc theo ý bạn? Có đáng để bạn hy sinh quan hệ tốt đẹp của mình với con? TCĐ của bạn có hiểu mục đích việc cần làm không?

Nếu bạn có thể tìm cách xác định và tận dụng ưu điểm, thế mạnh bẩm sinh của TCĐ nhà mình, bạn sẽ thấy thành công – trong trường học và trong cuộc sống – dễ đạt được hơn mình tưởng!

NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Vấn đề không phải là điểm số quan trọng đến mức nào với bố mẹ. Mà là nó có ý nghĩa gì với con.

• Đừng đòi hỏi con phải giỏi toàn diện. Hãy cho con thời gian để cải thiện điểm số ở từng môn một.

• Giúp con xác định mục đích học là gì.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx